GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 4/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu sống các ngày Chúa Nhật của mình thực sự hơn như là những ngày của Chúa được giành đặc biệt cho Thiên Chúa và cho tha nhân”.

 

Ý Truyền Giáo: Xin cho hết mọi cộng đồng Kitô hữu có được một nhiệt tình nên thánh để thắp lên nhiều ơn gọi truyền giáo.  


 

__________________

 NGÀY 9 THỨ BẢY, NGÀY THỨ HAI

TUẦN 9 CẦU CHO ĐỨC CỐ GH GPII

 

Di Chúc của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

 Chúc thư ngày 6/3/1979

 

(và những thêm thắt sau này)

 

  “Con hoàn toàn thuộc về Mẹ -  Totus Tuus ego sum"

 

Nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Amen.

 

“Bởi vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết được giờ nào Chúa đến” (x Mt 24:42) – những lời này nhắc tôi về tiếng gọi sau hết, tiếng gọi sẽ xẩy ra vào bất cứ lúc nào Chúa muốn. Tôi muốn theo Người, và tôi muốn rằng hết mọi sự làm nên cuộc sống trần gian của tôi phải là những gì sửa soạn cho tôi về giây phút ấy. Tôi không biết bao giờ xẩy ra giây phút ấy, thế nhưng, như bất cứ những gì khác, tôi cũng xin đặt nó vào bàn tay Người Mẹ của Chủ Nhân tôi: Tất cả của con là của Mẹ Totus Tuus. Cũng trong cùng Đôi Tay từ mẫu này tôi xin trao phó hết mọi sự và hết mọi người liên quan tới đời sống và ơn gọi của tôi. Trong Đôi Tay này, trước hết, tôi xin trao phó Giáo Hội, cũng như Tổ Quốc của tôi cùng toàn thể nhân loại. Tôi cám ơn hết mọi người. Tôi xin mọi người hãy thứ tha cho tôi. Tôi cũng xin mọi người hãy nguyện cầu cho tôi để Tình Thương của Thiên Chúa được tỏ hiện rạng ngời hơn là nỗi yếu hèn và thân phận bất xứng của tôi.

 

Trong những ngày tĩnh tâm tôi đã đọc lại chúc thư của Đức Thánh Cha Phaolô VI. Những gì tôi đọc ấy đã thúc đẩy tôi viết bản di chúc này.

 

Tôi không có sản vật gì lưu lại cần phải bỏ đi cả. Đối với những đồ nhật dụng tôi đã sử dụng, tôi xin hãy tùy nghi phân phát chúng đi. Xin đốt các thứ ghi chú tư riêng của tôi đi. Việc làm này tôi xin được thực hiện bởi cha Stanislaw là người tôi gửi lời cám ơn đã cộng sự và giúp đỡ tôi qua bao năm trường và quán xuyến. Về tất cả những niềm tri ân cảm tạ khác, tôi xin lưu giữ trong tâm khảm của mình như chính Thiên Chúa biết, vì khó lòng bày tỏ chúng lắm.

 

Về vấn đề an táng, tôi xin lập lại những điều ấn định như đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI nêu lên. (Đây là một ghi chú bên lề: chôn táng dưới đất, chứ không phải trong thạch mộ, 13.3.92).

 

“apud Dominum misericordia

et copiosa apud Eum redemption”.

 

Gioan Phaolô II

 

Rôma ngày 6 tháng 3 năm 1979

Sau khi tôi chết, xin hãy dâng Lễ và cầu nguyện cho tôi.

Ngày 5 tháng 3 năm 1990

 

 

(Một tờ giấy không đề ngày tháng)

 

Tôi xin bày tỏ lòng tin tưởng sâu xa của tôi là, bất chấp tất cả mọi yếu hèn của tôi, Chúa sẽ ban cho tôi tất cả những ơn cần thiết để đương đầu theo ý muốn của Ngài bất cứ công việc nào, thử thách hay khổ đau nào Ngài muốn nơi người tôi tớ của Ngài trong cuộc đời của tôi. Tôi cũng tin tưởng rằng Ngài sẽ không bao giờ để cho tôi, qua hành vi cử chỉ nào đó của tôi: lời nói, việc làm hay bỏ làm, phản lại những trách nhiệm tôi cần phải thi hành nơi Ngai Tòa Thánh Phêrô này.

 

 

Ngày 24 tháng 2 – 1 tháng 3 năm 1980

 

Cũng trong những ngày tĩnh tâm này, tôi đã suy nghĩ về sự thật nơi Chức Linh Mục của Chúa Kitô trước viễn ảnh của cuộc Chuyển Tiếp mà đối với mỗi một người chúng ta là giây phút từ trần của mình. Đối với chúng ta thì Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô là một dấu hiệu hùng hồn (chữ “hùng hồn” này được thêm vào xen kẽ bên trên hàng chữ đang viết) về cuộc ra khỏi cõi đời này – để được sinh vào đời sau, sinh vào một lai thế.

 

Bởi vậy, tôi đã đọc bản chúc thư năm ngoái của mình, bản chúc thư cũng được viết trong những ngày tĩnh tâm – tôi đã đối chiếu nó với chúc thư của vị đại tiền nhiệm Phaolô VI cũng là Người Cha của tôi, với chứng từ cao cả trước sự chết của một Kitô hữu và của một vị Giáo Hoàng – và tôi đã lập lại trong tôi nhận thức về những vấn đề được bản do tôi viết ra vào ngày 6 tháng 3 năm 1979 nói đến (một cách tạm thời).

 

Hôm nay tôi chỉ muốn thêm điều này: đó là mỗi một người trong chúng ta cần phải nhớ đến viễn ảnh chết chóc. Và cần phải sẵn sàng ra trước nhan Chúa và là Vị Thẩm Phán – Đấng vừa là Vị Cứu Chuộc vừa là Người Cha. Tôi luôn để ý đến điều này, khi ký thác giây phút quyết liệt ấy cho Người Mẹ của Chúa Kitô và của Giáo Hội – cho Người Mẹ là niềm hy vọng của tôi.

 

Thời điểm chúng ta đang sống đây là những lúc khốn khó và hỗn loạn khôn xiết kể. Con đường của Giáo Hội đã trở nên khó đi và gay go, đã trở thành một cuộc thử thách đặc biệt trong những lúc này đây, cả đối với Tín Hữu lẫn Chủ Chăn. Ở một số Xứ Sở (chẳng hạn như ở những xứ sở tôi đọc thấy trong ngững ngày tĩnh tâm của mình), Giáo Hội đang trải qua một giai đoạn bị bách hại không kém gì những cuộc bách hại ở những thế kỷ đầu, thật ra còn hơn thế nữa về mức độ tàn bạo và hận thù. “Sanguis martyrum – semen christianorum” máu tử đạo là hạt giống Kitô hữu. Ngoài ý nghĩa này ra, nhiều người chết một cách vô tội ngay ở trong Xứ Sở chúng ta đang sống đây.

 

Một lần nữa, tôi muốn phó mình hoàn toàn cho ơn Chúa. Chính Ngài sẽ quyết định khi nào và cách nào tôi chấm dứt cuộc sống trần gian của mình cùng thừa tác vụ mục vụ của mình. Dù sống hay chết, Totus Tuus trong Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thậm chí cho tới nay, khi chấp nhận sự chết, tôi hy vọng rằng Chúa Kitô sẽ ban cho tôi được ơn vượt qua sau hết, tức là ơn Phục Sinh (của tôi). Tôi cũng hy vọng rằng Người làm cho (cái chết ấy) trở thành ích lợi cho những gì quan trọng hơn đang được tôi tìm cách phục vụ, đó là phần rỗi của con người nam nữ, là sự an toàn của gia đình nhân loại, trong đó có sự an toàn của tất cả mọi quốc gia và tất cả mọi dân tộc (trong đó tôi đặc biệt nói đến Quê Hương trần gian của tôi), cũng như trở thành lợi ích cho dân được Người đặc biệt trao phó cho tôi, cho vấn đề của Giáo Hội, cho vinh hiển của chính Thiên Chúa.

 

Tôi không muốn thêm bất cứ những gì vào điều tôi đã viết một năm trước đây, mà chỉ muốn bày tỏ việc sẵn sàng này mà thôi, với cả lòng tin tưởng phó thác này nữa, một lòng tin tưởng tôi lại có được trong những ngày cấm phòng này đây. 

 

Gioan Phaolô II

 

Con hoàn toàn thuộc về Mẹ - Totus Tuus ego sum

 

 

Ngày 5 tháng 3 năm 1982

 

Trong thời gian những ngày tĩnh tâm này tôi đã đọc (một số lần) bản văn chúc thư của ngày 6 tháng 3 năm 1979. Mặc dù tôi vẫn coi bản văn này là tạm thời (chứ chưa dứt khoát), song tôi vẫn để nguyên như cũ. Tôi không thay đổi gì (bấy giờ), và tôi cũng không thêm gì cả, liên quan tới những điều đã được đề cập đến trong ấy.

 

Việc  cố sát mạng sống của tôi vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, một cách nào đó, đã xác nhận tính cách chính xác của những lời được viết trong thời gian của những ngày tĩnh tâm năm 1980 (24 tháng 2 – 1 tháng 3).

 

Giờ đây tôi lại càng cảm thấy thấm thía hơn việc tôi hoàn toàn ở trong Bàn Tay Thiên Chúa, và tôi vẫn tiếp tục ở trong tay Chúa tôi, phó mình cho Người trong Người Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Người (Totus Tuus).

 

Gioan Phaolô II

 

 

Ngày 5 tháng 3 năm 1982

 

Đối với câu cuối cùng nơi bản chúc thư của mình ngày 6 tháng 3 năm 1979 (“liên quan tới địa điểm / tức là tới chỗ an táng / tùy Hồng Y Đoàn và Đồng Hương quyết định”) – tôi xin nói rõ là tôi có ý nói tới vị tổng giám mục Krakow hay Tổng Hội Đồng của Hàng Giáo Phẩm Balan – Trong lúc này đây, tôi xin Hồng Y Đoàn hãy đáp ứng, bao nhiêu có thể, bất kỳ điều yêu cầu nào được đề cập tới trên đây.

 

 

Ngày 1 tháng 3 năm 1985 (trong những ngày tĩnh tâm)

 

Trở lại vấn đề “Hồng Y Đoàn và Đồng Hương”: “Hồng Y Đoàn” không buộc phải bàn hỏi với “Đồng Hương” về vấn đề này, tuy nhiên hồng y đoàn vẫn có thể làm điều ấy, nếu vì lý do nào đó hồng y đoàn cảm thấy cần làm như thế.

 

GPII

 

 

Tuần Phòng Năm Thánh 2000 (12-18 tháng 3)

(về bản chúc thư của tôi)

 

1.             Vào ngày 16 tháng 10 năm 1978, khi mật nghị hồng y chọn Gioan Phaolô II, vị giáo chủ Balan, ĐHY Stefan Wyszynski đã nói với tôi rằng: “Nhiệm vụ của vị tân Giáo Hoàng là nhiệm vụ dẫn Giáo Hội vào Ngàn Năm Thứ Ba”. Tôi không biết là tôi có lập lại câu này đúng nguyên như thế hay chăng, nhưng tối thiểu đó là ý nghĩa của những gì tôi đã nghe thấy bấy giờ. Điều ấy được nói lên bởi Con Người đã đi vào lịch sử như là vị giáo chủ của Ngàn Năm này. Một vị giáo chủ cao cả. Tôi đã thấy được việc ngài thi hành sứ vụ của ngài, thấy được việc ngài hoàn toàn phó thác. Thấy được những cuộc chiến đấu của ngài. Thấy được cuộc chiến thắng của ngài. “Chiến thắng, nếu xẩy ra, sẽ là một cuộc chiến thắng nhờ Mẹ Maria” – Vị giáo chủ của Ngàn Năm này thường lập lại những lời ấy của vị tiền nhiệm ngài là Đức Hồng Y August Hlond.

 

Theo chiều hướng ấy, tôi đã sửa soạn một cách nào đó nhiệm vụ đã nêu lên cho tôi vào ngày 16 tháng 10 năm 1978. Khi tôi viết những lời này thì Năm Thánh 2000 đã trở thành hiện thực. Đêm 24/12/1999, cánh Cửa tiêu biểu của Năm Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô đã mở ra, rồi cửa Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô, tới Đền Thờ Đức Bà Cả vào Ngày Đầu Năm, và vào ngày 19/1 đến Cửa Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Biến cố cuối cùng này, với đặc tính đại kết của nó, vẫn còn đặc biệt in sâu vào ký ức của tôi.

 

2.             Trong khi Năm Thánh diễn tiến thì, từng ngày, thế kỷ 20 được khép lại phía sau và thế kỷ 21 được mở ra trước mắt. Theo dự án của Đấng Quan Phòng Thần Linh, tôi được sống trong một thế kỷ khốn khó thụt lùi về quá khứ, và giờ đây, trong năm cuộc đời tôi ở vào tuổi 80 (‘octogesima adveniens’), đã đến lúc hỏi mình là đó có phải là lúc cùng với ông Simêon trong thánh kinh lập lại câu ‘nunc dimittis’.

 

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngày tấn công vị Giáo Hoàng trong cuộc triều kiến chung ở Quảng Trường Thánh Phêrô, Đấng Quan Phòng Thần Linh đã cứu tôi khỏi chết một cách nhiệm lạ. Chính Đấng là Chúa Duy Nhất của sự sống và sự chết đã kèo dài sự sống của tôi, một cách nào đó Ngài đã trả nó lại cho tôi. Từ lúc đó sự sống của tôi lại càng thuộc về Ngài hơn nữa. Tôi hy vọng Ngài sẽ giúp tôi nhận ra rằng tôi phải tiếp tục việc phục vụ tôi đã được kêu gọi vào ngày 16 tháng 10 năm 1978 cho đến mức nào. Tôi xin Ngài hay gọi tôi về khi nào như Ngài muốn. ‘Dù sống hay chết chúng ta đều thuộc về Chúa… chúng ta là của Chúa’ (x Rm 14:8). Tôi cũng hy vọng rằng, bao lâu tôi còn được kêu gọi phục vụ Giáo Hội với vai trò thừa kế Thánh Phêrô, Tình Thương của Thiên Chúa sẽ ban cho tôi sức mạnh cần thiết cho việc phục vụ này. 

 

3.             Trong các ngày tĩnh tâm hằng năm của mình, tôi đều đọc lại chúc thư của ngày 6 tháng 3 năm 1979. Tôi tiếp tục giữ những điều đã được viết trong bản văn này. Những gì bấy giờ, và ngay cả trong các tuần phòng sau đó, đã được thêm vào đều cho thấy tình hình khốn khó và căng thẳng nói chung đánh dấu thập niên 1980. Từ mùa thu năm 1989, tình hình này đã đổi thay. Thập niên cuối cùng của thế kỷ này không có những thứ căng thẳng trước đó; như thế không có nghĩa là nó không kéo theo mình những trục trặc và khó khăn mới. Phải đặc biệt chúc tụng Đấng Quan Phòng Thần Linh về thập niên cuối cùng này, vì giai đoạn được gọi là ‘chiến tranh lạnh’ đã được kết thúc mà không xẩy ra cuộc xung đột vũ lực nguyên tử, một cuộc xung đột nguy hiểm đã từng đè nặng trên thế giới trong giai đoạn trước. 

 

4.             Ở trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba “in medio Ecclesiae”, một lần nữa, tôi muốn bày tỏ niềm tri ân cảm tạ Thánh Linh về đại ân Công Đồng Chung Vaticanô II là những gì, cùng với toàn thể Giáo Hội, nhất là với toàn thể hàng giáo phẩm, tôi cảm thấy nặng nợ. Tôi tin rằng về lâu về dài các tân thế hệ sẽ rút tìm thấy những kho tàng được Công Đồng của thế kỷ 20 này đã cống hiến cho chúng ta. Là vị giám mục đã tham dự vào biến cố công đồng này từ ngày đầu tiên cho đến ngày sau hết, tôi muốn ký thác gia sản lớn lao này cho tất cả những ai đang và những ai sẽ được kêu gọi hiện thực nó trong tương lai. Về phần mình, tôi xin cảm tạ Vị Mục Tử hằng sống, Đấng đã cho tôi được đóng góp vào việc làm rất cao cả này trong suốt thời giáo triều của tôi.

 

“In medio Ecclesiae”… từ những năm đầu tiên của thừa tác vụ làm giám mục của mình, thật sự là nhờ Công Đồng này, tôi đã có thể cảm nghiệm được mối hiệp thông huynh đệ của Hàng Giáo Phẩm. Là một linh mục ở tổng giáo phận Krakow, tôi đã cảm nghiệm được mối hiệp thông huynh đệ này nơi các vị linh mục, và Công Đồng này đã mở ra cho tôi một chiều kích mới cho cảm nghiệm này.

 

5.             Biết bao nhiêu là người tôi cần phải liệt kê ra đây! Có lẽ Chúa là Thiên Chúa đã gọi họ về với Ngài đa số trong họ rồi, còn đối với những ai vẫn còn ở bên này thế giới, chớ gì những lời của bản chúc thư này là những gì hiệu triệu họ, hết mọi người và hết mọi nơi, bất kỳ họ ở đâu đi nữa.

 

Trong hơn 20 năm tôi đang làm trọn thừa tác vụ thừa kế Thánh Phêrô “in medio Ecclesiae” tôi đã cảm nghiệm được tấm lòng rộng lượng và thậm chí cả việc hợp tác đắc lực của rất nhiều vị hồng y, tổng giám mục và giám mục, rất nhiều linh mục, nhất nhiều con người tận hiến – nam tu và nữ tu – và sau hết là rất nhiều, rất ư là nhiều giáo dân, trong Giáo Triều, tại giáo phận Rôma, cũng như ở ngoài những môi trường này.

 

Làm sao tôi lại không tri ân nhớ đến tất cả mọi vị giám mục trên thế giới, các vị tôi đã gặp trong những cuộc “viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên” của các vị! Làm sao tôi không nhớ đến rất nhiều người anh em không phải là Kitô hữu Công giáo! Các vị tôn sư Rôma cũng như rất nhiều đại diện tôn giáo không phải Kitô hữu! Rồi biết bao nhiêu là các vị đại diện giới văn hóa, khoa học, chính trị và giới phương tiện truyền thông xã hội!

6.             Khi đời mình về chiều, tôi nhớ lại thuở ban đầu, nhớ đến cha mẹ của tôi, đến người anh của tôi, đến người chị của tôi (người tôi chưa hề biết đến vị chị đã chết trước khi tôi vào đời), đến giáo xứ ở Wadowice, nơi tôi được rửa tội, đến thành phố tôi qúi mến ấy, đến các bạn bè của tôi, những người bạn từ hồi còn tiểu học, trung học và đại học, cho cả đến thời gian hành nghề, lúc tôi còn là một công nhân, rồi ở giáo xứ Niegowic, qua giáo xứ Thánh Florian ở Krakow, nhớ đến thừa tác vụ mục vụ cho học đường, đến môi trường của… đến tất cả mọi môi trường… đến Krakow và đến Rôma… đến dân được Chúa đặc biệt trao phó cho tôi.

 

Với tất cả mọi người tôi chỉ muốn nói một điều duy nhất, đó là “Xin Chúa thưởng công cho anh chị em”.

 

“In manus tuas, Domine, commendo spiritum meum”.

 

A.D.

Ngày 17 tháng 3 năm 2000

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo VIS của Tòa Thánh qua điện thư ngày 7/4/2005.

 

Lễ An Táng ĐTC GPII 8/4/2005: Bài Giảng của ĐHY chủ tế Joseph Ratzinger

“Hỡi Đức Thánh Cha, xin hãy ban phép lành cho chúng tôi từ cửa sổ phòng của ngài”

 

’Hãy theo Thày’. Chúa Phục Sinh đã nói những lời này với Thánh Phêrô. Chúng là những lời cuối cùng Người nói với người môn đệ này, người môn đệ được chọn để chăn dắt đàn chiên của Người. ‘Hãy theo Thày’ – lời nói gẫy gọn này của Chúa Kitô có thể được coi như là chìa khóa để hiểu được sứ điệp được chuyển đến cho chúng ta từ cuộc sống của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta. Hôm nay chúng ta an táng thi hài của ngài trong lòng đất như một hạt giống bất tử – tâm can chúng ta tràn ngập buồn đau, song đồng thời cũng đầy niềm hân hoan hy vọng và tri ân sâu xa.

Đó là những cảm tình đang tác động chúng ta, Anh Chị Em thân mến, những người đang hiện diện ở Quảng Trường Thánh Phêrô này, ở các đường phố lân cận cũng như ở các địa điểm khác trong thành Rôma, nơi mà cả một đám đông khổng lồ, trong thinh lặng nguyện cầu, đã tụ họp lại với nhau mấy ngày vừa rồi. Tôi xin chân thành chào tất cả anh chị em. Thay mặt Hồng Y Đoàn, tôi cũng muốn bày tỏ lòng trọng kính của tôi với các vị Thủ Lãnh Quốc Gia, các Vị Đứng Đầu Chính Phủ và các phái đoàn đại biểu thuộc các quốc gia khác nhau. Tôi xin chào các Vị Thẩm Quyền và các vị đại diện chính thức của các Giáo Hội và các Cộng Đồng Kitô hữu khác, cũng như những vị thẩm quyền của các tôn giáo khác. Tiếp theo, tôi xin chào các vị Tổng Giám Mục, các vị Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và tín hữu đã từ mọi châu lục đến đây; nhất là giới trẻ, thành phần Đức Gioan Phaolô II thích gọi là tương lai và là niềm hy vọng của Giáo Hội. Ngoài ra, tôi xin chào tất cả những ai trên khắp thế giới hiệp với chúng tôi qua truyền thanh và truyền hình để long trọng cử hành lễ an táng của Đức Thánh Cha thân yêu của chúng tôi.

 

Hãy theo Thày! Là một sinh viên trẻ, Karol Wojtyla say sưa với văn chương, kịch nghệ và thi ca. Làm việc ở một xưởng hóa chất, bị vây bủa và đe dọa bởi việc khủng bố của Nazi, ngài đã nghe thấy tiếng gọi của Chúa: Hãy theo Thày! Trong hoàn cảnh ngoại thường ấy, ngài đã bắt đầu đọc các sách về triết lý và thần học, rồi nhập chủng viện chui do ĐHY Sapieha thiết lập. Sau chuộc chiến, ngài đã hoàn tất việc học hành của mình theo phân khoa thần học ở Đại Học Jagiellonian ở Krakow. Nhiều lần, trong thư gửi cho các linh mục hằng năm cũng như trong các tác phẩm tự truyện của mình, ngài đã nói cho chúng ta biết về thiên chức linh mục của ngài, một thiên chức ngài đã được thụ phong ngày 1 tháng 11 năm 1946. Trong các bản văn này, ngài đã cắt nghĩa thiên chức linh mục của mình đặc biệt liên quan tới 3 câu nói của Chúa: ‘Không phải các con đã chọn Thày, song Thày đã chọn các con. Và Thày đã sai các con đi để sinh hoa kết trái, những hoa trái lâu bền’ (Jn 15:16). Câu thứ hai là ‘Vị mục tử nhân lành bỏ sự sống mình cho chiên’ (Jn 10:11). Rồi câu: ‘Như Cha đã yêu thương Thày thế nào Thày cũng yêu thương các con như vậy; hãy ở lại trong tình yêu của Thày’ (Jn 15:9). Nơi 3 câu nói này chúng ta thấy được tâm can và linh hồn Đức Thánh Cha của chúng ta. Ngài đã thực sự đi khắp nơi, không ngừng nghỉ, để sinh hoa trái, một thứ hoa trái lâu bền. ‘Hãy chỗi dậy, Nào chúng ta lên Đường!’ là nhan đề của cuốn sách áp cuối của ngài. ‘Hãy đứng dậy, nào chúng ta lên Đường!’ – với những lời này, ngài đã thức tỉnh chúng ta khỏi một thứ đức tin lim dim, khỏi một giấc ngủ của thành phần môn đệ hôm qua và hôm nay. ‘Hãy đứng dậy, nào chúng ta lên đường!’ ngài tiếp tục nói với chúng ta cho đến cả hôm nay đây. Đức Thánh Cha là một vị linh mục cho tới cùng, vì ngài đã hiến dâng sự sống của mình cho Thiên Chúa vì đàn chiên của mình cũng như vì toàn thể nhân loại, bằng một cuộc tự hiến hằng ngày để phục vụ Giáo Hội, nhất là giữa những đớn đau của các tháng cuối đời. Nhờ đó, ngài được nên một với Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành đã yêu thương chiên của Người. Sau hết, ‘hãy ở lại trong tình yêu của Thày’: Vị Giáo Hoàng này đã cố gắng gặp gỡ hết mọi người, vị đã có khả năng tha thứ và cởi mở tâm hồn với tất cả mọi người, bằng những lời của Chúa ấy, nói với chúng ta hôm nay đây một lần nữa rằng, nhờ việc ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô chúng ta học được, nơi học đường của Chúa Kitô, nghệ thuật yêu thương chân thật.

Hãy theo Thày! Vào tháng 7 năm 1958, vị linh mục trẻ Karol Wajtyla đã bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc hành trình của ngài với Chúa và bước theo vết chân của Chúa. Karol đã đi đến hồ Masuri để nghỉ hè như thường lệ, cùng với một nhóm giới trẻ yêu thích chèo thuyền. Thế nhưng, ngài đã mang theo bên mình một bức thư mời ngài gặp vị Giáo Chủ Balan là ĐHY Wyszynski. Ngài có thể đoán được mục đích của cuộc gặp gỡ này: đó là ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá ở Krakow. Rời bỏ thế giới văn học, rời bỏ việc dấn thân thách đố với giới trẻ này, rời bỏ nỗ lực về tri thức trong việc cố gắng hiểu biết và giải thích mầu nhiệm về tạo vật là con người cũng như về việc truyền đạt cho thế giới ngày nay vấn đề dẫn giải của Kitô giáo đối với con người của chúng ta – tất cả những điều ấy đối với ngài, phải nói rằng, như mất đi chính bản thân ngài vậy, mất đi những gì đã trở thành chính căn tính con người của vị linh mục trẻ này. Hãy theo Thày – Karol Wojtyla đã chấp nhận việc bổ nhiệm ấy, vì ngài đã nghe thấy nơi tiếng Giáo Hội mời gọi tiếng của Chúa Kitô. Và rồi ngài đã nhận thức những lời của Chúa chân thực biết bao: ‘Những ai cố giữ sự sống mình sẽ mất nó, còn những ai mất sự sống mình sẽ giữ được nó’ (Lk 17:33). Vị Giáo Hoàng của chúng ta – như tất cả chúng ta đều biết điều này là – không bao giờ muốn giữ lấy sự sống của ngài, giữ lấy nó cho bản thân của ngài; ngài muốn hoàn toàn trao tặng bản thân mình, cho đến giây phút cuối cùng, vì Chúa Kitô và do đó cũng vì chúng ta nữa. Nhờ đó, ngài đã cảm thấy được rằng hết những gì ngài đã hiến dâng vào bàn tay Chúa đã trở về với ngài như thế nào một cách mới mẻ. Lòng ngài mộ mến ngôn từ, thi ca, văn chương, đã trở nên một phần chính yếu của sứ vụ mục vụ của ngài và cống hiến cho việc giảng dạy Phúc Âm tính cách sinh động mới, thôi thúc mới, thu hút mới, cho dù có là một dấu hiệu phản khắc chăng nữa.


(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo VIS của Tòa Thánh qua điện thư ngày 7/4/2005.
 

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Cuộc Đời và  Giáo Triều 26 Năm

Tiểu Sử Cuộc Đời Vị Giáo Hoàng

Đức Hồng Y Karol Josef Wojtyla, được bầu làm giáo hoàng 25 năm trước đây, được sinh ra ở Wadowice, một thành phố nhỏ cách Krakow 50 cây số, vào ngày 18/5/1920. Ngài là người con trai thứ hai của ông bà thân sinh Karol Wojtyla và Emilia Kaczorowska.

Mẹ Ngài chết năm 1929 khi sinh người con thứ ba, người con bị chết lúc chào đời. Người anh của Ngài là Edmund là một bác sĩ, đã qua đời năm 1932, và thân phụ của Ngài, một viên sĩ quan, cũng đã qua đời năm 1941. Ngài đã xưng tội rước lễ lần đầu vào năm 9 tuổi và được thêm sức năm 17 tuổi. Ra trường trung học Martin Wadowita ở Wadowice, Ngài đã tiếp tục việc học ở Đại Học Jagiellonian ở Krakow vào năm 1938 và học cả về kịch nghệ. Khi các lực lượng Nazi của Đức đóng cửa đại học đường này năm 1939, Ngài đã phải đi làm lao công ở một hầm mỏ rồi ở một xưởng hóa chất ở Solvay để kiếm kế sinh nhai và khỏi bị đi đầy sang Đức.

Vào năm 1942, nhận thức được ơn gọi làm linh mục, Ngài bắt đầu học các khoa học ở chủng viện chui ở Krakow do ĐHY Adam Stefan Sapieha, TGM Krakow, thực hiện. Chính Ngài cũng là một trong những người đi tiên phong của “Khấu Trường Rhapsodic”, cũng là một hoạt động chui vào thời đó. Sau Thế Chiến II, Ngài tiếp tục việc học của Ngài ở đại chủng viện Krakow khi chủng viện này tái mở cửa, cũng như ở khoa thần học đại học Jagiellonian cho đến khi được thụ phong linh mục ở Krakow vào ngày Lễ Các Thánh 1/11/1946.

Sau đó ít lâu, ĐHY Sapieha đã gửi Ngài sang Rôma học, dưới sự hướng dẫn của một cha Dòng Đaminh người Pháp là linh mục Garrigou-Lagrange. Ngài đã lấy bằng tiến sĩ thần học năm 1948, với luận án về đức tin nơi các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá. Trong thời gian học ở Rôma, Ngài đã tận thi hành thừa tác mục vụ nơi những người Balan di dân sống ở Pháp, Bỉ và Hòa Lan. Ngài đã trở về Balan năm 1948 và làm phó xứ cho một số giáo xứ ở Krakow cũng như làm tuyên úy cho các sinh viên đại học cho đến năm 1951 là lúc Ngài lại tiếp tục việc học của Ngài về triết lý và thần học. Năm 1953, Ngài đã trình luận án “Thẩm Định về Việc Có Thể Thành Lập một Nền Đạo Lý Công Giáo theo Cấu Trúc Đạo Lý của Max Scheler” ở Đại Học Công Giáo Lublin. Sau đó Ngài đã làm giáo sư dạy luân lý thần học và đạo lý xã hội ở đại chủng viện Krakow và ở Khoa Thần Học Đại Học Lublin.

Vào ngày 4/7/1958, Ngài được ĐTC Piô XII bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Krakow, và được tấn phong giám mục ngày 28/9/1958, ở Vương Cung Thánh Đường Wawel, Krakow, bởi ĐTGM Baziak. Vào ngày 13/1/1964, Ngài được ĐTC Phaolô VI bổ nhiệm làm TGM Krakow, và được lãnh tước hồng y ngày 26/6/1967. Ngài đã tham dự hết mọi cuộc thượng hội giám mục từ khi thượng hội này được ĐTC Phaolô VI khởi xướng năm 1967. Đặc biệt là Ngài đã tham dự Công Đồng Chung Vatican II với việc hợp tác quan trọng qua đóng góp của Ngài vàp Hiến Chế Giáo Hội về Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu của mạng điện toán toàn cầu VIS của Tòa Thánh phổ biến qua điện thư ngày Thứ Hai 2/4/2005.

(còn tiếp)

GIÁO HỘI HIỆN THẾ