GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 10/5/2005

 

1)  ĐTC Biển Đức XVI gửi thiệp mừng sinh nhật nguyên Tôn Sư Trưởng Do Thái Hội Đường Rôma

2) ĐTC Biển Đức XVI về tình hình Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến trước nhận định của Hồng Y Ratzinger năm 2002

3) KHOA GIÁO HỘI HỌC HIỆP THÔNG CỦA CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II

 


ĐTC Biển Đức XVI gửi thiệp mừng sinh nhật nguyên Tôn Sư Trưởng Do Thái Hội Đường Rôma


Để tỏ ra những “cử chỉ cụ thể”, như trong nỗ lực đại kết Kitô giáo, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng muốn có những thái độ thân thiện với người Do Thái. Hôm 20/4/2005, tức  ngay sau ngày được bầu làm giáo hoàng, ngài đã đích thân viết thư cám ơn vị đương kim Tôn Sư Trưởng Riccardo di Segni của Hội Đường Do Thái Rôma, một vị duy nhất trong thành phần đại diện liên tôn trên thế giới, và mời vị tôn sư này tham dự lễ đăng quang của ngài 24/4/2005.


Để tiếp tục, ngài đã viết thư cho vị nguyên tôn sư trưởng Hội Đường Do Thái ở Rôma là Elio Toaff, 90 tuổi, một sứ điệp được đọc bởi ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Ủy Ban Liên Hệ Tôn Giáo với Do Thái giáo, trong buổi mừng sinh nhật của vị tôn sư này. Tham dự cuộc mừng sinh nhật này còn có các vị khác của tòa thánh là ĐHY Camillo Ruini, tổng đại diện Giáo Phận Rôma; ĐHY Roger Etchegaray, chủ tịch hồi hưu Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý Và Hòa Bình; và ĐTGM Stanislaw Dziwisz, nguyên bí thư riêng của ĐTC GPII.


Vị nguyên tôn sư trưởng Hội Đường Do Thái ở Rôma này là vị đã tiếp đón ĐTC GPII, vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, đã đến viếng thăm Hội Đường Do Thái ngày 13 tháng 4 năm 1984. Vị tôn sư này cũng là một trong rất hiếm người đã được ĐTC GPII nhắc đến tên trong Bức Di Chúc Thư của ngài. Trong thiệp mừng sinh nhật của mình, ĐTC Biển Đức XVI bày tỏ lòng ước muốn tiếp tục đối thoại liên tôn với Do Thái giáo, theo gương vị tiền nhiệm của mình là Đức GPII. Ngài viết:


“Với tinh thần biết ơn Thiên Chúa, tôi xin cám ơn ngài về những liên hệ tốt đẹp với Tòa Thánh Vatican, nhất là trong giáo triều của vị cố tiền nhiệm tôi.


“Ngày sinh nhật của ngài là cơ hội để lập lại quyết tâm dấn thân tiếp tục đối thoại giữa chúng ta với niềm tin tưởng hướng đến tương lai.


“Tôi chúc tụng Cha hằng hữu về tặng ân Người đã ban cho ngài có được một đời sống trường thọ và tốt lành, một cuộc sống Thiên Chúa đã nhiều lần tỏ ra cho ngài thấy sự thiện hảo của Người”.


Trước “cử chỉ cụ thể” về liên tôn này của Đức Biển Đức XVI, vị tôn sư Toaff cho biết cảm nhận của mình rằng: “Tôi thật sự là không ngờ nổi”.
 

 

TOP


 

ĐTC Biển Đức XVI về tình hình Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến trước nhận định của Hồng Y Ratzinger năm 2002 (tiếp theo Thứ Tư 4/5, Thứ Sáu 6/5 và thứ bảy 7/5)

Nhân dịp Hội Nghị về chủ đề “Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” ở Viện Đại Học Công Giáo Thánh Antôn ở Murcia Tây Ban Nha hôm Thứ Bảy 30/11/2002, các phóng viên báo chí, trong đó có cả của Zenit, đã phỏng vấn ngài về một số vấn đề liên quan đến tình trạng Giáo Hội Hiện Thế ở nhiều phương diện khác nhau như sau:

Vấn     Làm thế nào để người ta có thể trung thành với Giáo Hội và yêu chuộng hiệp thông trong khi vẫn tiếp tục cởi mở để Thần Linh dẫn chúng ta vào tất cả sự thật? Nói cách khác, làm sao để có thể không bị rơi vào tình trạng thái cực giữa cứng rắn và đoạn tuyệt?

Đáp     Trước hết, tôi nghĩ đây là vấn đề liên quan đến tình trạng trưởng thành của đức tin mỗi người.

Nếu hoàn toàn căn cứ vào bề ngoài thì lòng trung thành và việc cởi mở dường như loại trừ nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng lòng trung thành thực sự với Chúa Giêsu, với Giáo Hội là Thân Mình của Người, là một lòng trung thành năng động. Sự thật là để cho hết mọi người, và tất cả mọi người được dựng nên để đến với Chúa. Cánh tay Người rộng mở trên thập giá, đối với các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội, cùng một lúc biểu hiệu cho lòng trung thành đến cùng của một Vị Chúa bị treo trên thập giá, cũng như cho việc ôm lấy thế giới, thu hút thế giới về với Người và giành chỗ cho tất cả mọi người.

Bởi thế, một tấm lòng trung thành chân chính với Chúa thì tham phần vào tính cách năng động của con người Chúa Kitô, Đấng dấn thân mình cho những thách đố khác nhau của thực tại, của kẻ khác, của thế giới v.v. Tuy nhiên, đồng thời Người cũng thấy được căn tính của mình ở đó, một căn tính không loại trừ bất cứ những gì là chân thật; nó chỉ loại trừ những gì là giả dối mà thôi.

Đối với mức độ chúng ta tham phần hiệp thông với Chúa Kitô, hiệp thông với mối tình Người chấp nhận tất cả chúng ta và thanh tẩy tất cả chúng ta, đến nỗi chúng ta được hiệp thông với Chúa Kitô, bấy giờ chúng ta mới có thể vừa trung thành vừa cởi mở.

Vấn     Tình trạng hiện nay của vấn đề hiệp thông đại kết theo quan điểm của Giáo Hội ra sao? Sau bản tuyên ngôn Dominus Jesus của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã xẩy ra những lời phê phán nơi những vị đại diện của các giáo hội Tin Lành, vì họ không chấp nhận hay không hiểu rõ lời phát biểu là họ phải được coi như là các cộng đồng Kitô hữu chứ không phải là các giáo hội.

Đáp     Vấn đề này cần phải có một cuộc bàn luận dài. Trước hết, chúng tôi được biết rằng nếu trong bản tuyên ngôn “Dominus Jesus” chúng tôi chỉ nói về tính cách độc nhất vô nhị của Chúa Kitô thì làm cho cả Kitô Giáo cảm thấy hài lòng vì văn kiện này, tất cả cùng nhau hoan hô thánh bộ của chúng tôi. Chúng tôi đã bị đặt vấn đề là “tại sao quí vị lại thêm vấn đề giáo hội vào mà làm gì để gây ra những lời phê bình chỉ trích như thế?”

Tuy nhiên, cũng cần phải nói về Giáo Hội nữa, vì Chúa Giêsu đã thiết lập Cơ Cấu này, và Người hiện diện qua các thế kỷ nơi Cơ Cấu là Giáo Hội này. Giáo Hội không phải là một thứ tinh thần luẩn quẩn vậy thôi.

Tôi tin rằng, trong tuyên ngôn “Dominus Jesus”, chúng tôi đã giải thích Hiến Chế “Lumen Gentium” của Công Đồng Chung Vaticanô II một cách hết sức trung thực, vì 30 năm qua chúng tôi đã càng ngày càng coi nhẹ bản văn này. Thật vậy, những người phê bình chúng tôi đã nói với chúng tôi rằng chúng tôi đã trung thành với chữ nghĩa của công đồng chứ chúng tôi không hiểu công đồng. Ít là họ nhận thấy rằng chúng tôi trung thành với chữ nghĩa vậy.

Giáo Hội của Chúa Kitô không phải là một lý tưởng đại kết; không phải là một cái gì đó do chúng ta tạo nên; bằng không Giáo Hội của Chúa Kitô sẽ không phải là Giáo Hội của Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao chúng tôi tin rằng Giáo Hội là một Cơ Cấu, chứ không phải chỉ là một quan niệm, thế nhưng Cơ Cấu này không loại trừ những cách thức hiện diện khác nhau của Giáo Hội, cho dù ở ngoài Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội được Công Đồng đặc biệt nhấn mạnh. Tôi nghĩ hiển nhiên là có những đường lối hiện diện khác nhau này của Giáo Hội, với rất nhiều bóng mờ, nên cũng dễ hiểu thôi điều này đã gây ra những tranh luận trong Giáo Hội.

(còn tiếp)

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Màn Điện Toán Zenit phổ biến những ngày Thứ Ba 3/12/2002 và Thứ Tư 4/12/2002, sau khi hồng y Ratzinger trở thành Giáo Hoàng ngày 19/4/2005, Zenit lại cho phổ biến bài phỏng vấn trên vào ngày Thứ Sáu 22/4/2005)

 

 

TOP

 

 

KHOA GIÁO HỘI HỌC HIỆP THÔNG CỦA CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II (tiếp theo Thứ Tư 4/5, Thứ Sáu 6/5 và Thứ Bảy 7/5)

ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin - Bài Mở Đầu cho Hội Nghị Mục Vụ của Giáo Phận Aversa Ý Quốc chiều ngày 15/9/2001


III.- Một Giáo Hội Học Hiệp Thông

Vào khoảng thời gian của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới ngoại lệ năm 1985, một thượng hội cố gắng để thẩm định Công Đồng sau 20 năm bế mạc, đã có một nỗ lực mới trong việc tổng hợp khoa giáo hội học của Công Đồng. Việc tổng hợp này liên quan đến một quan niệm cơ bản, đó là khoa giáo hội học hiệp thông. Tôi rất thích thú với mục tiêu mới này về khoa giáo hội học, và tôi đã nỗ lực bao nhiêu có thể để giúp thực hiện vấn đề này. Trước hết, người ta cần phải công nhận rằng chữ “communio” đã không chiếm được một vị thế chính yếu trong Công Đồng. Cũng phải công nhận là, nếu được hiểu đúng, nó có thể giúp vào việc tổng hợp những yếu tố chính yếu cho khoa giáo hội học của Công Đồng. Tất cả mọi yếu tố chính yếu của quan niệm Kitô Giáo về “hiệp thông” có thể thấy được nơi đoạn quen thuộc ở trong Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan (1:3); nó là một điểm qui chiếu để hiểu được đúng đắn về “mối hiệp thông” của Kitô Giáo. “Những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe chúng tôi loan truyền cho anh em, để anh em cũng được hiệp thông (communio) với chúng tôi; mối hiệp thông của chúng ta với Chúa Cha và với Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Chúng tôi viết điều này để niềm vui của chúng tôi được nên trọn”. Khởi điểm của vấn đề hiệp thông đã trở nên hiển nhiên rõ ràng trong đoạn thư này, đó là mối hiệp nhất với Người Con của Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến với loài người qua việc Giáo Hội loan báo. Mối hiệp thông nơi loài người được phát xuất ở chỗ này và vươn tới mối hiệp thông với Vị Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi. Người ta có thể tiến đến mối hiệp thông với Thiên Chúa qua việc hiện thực mối hiệp thông của Thiên Chúa với con người – đó là nơi ngôi vị Chúa Kitô. Việc gặp gỡ Chúa Kitô tạo nên mối hiệp thông với Người và nhờ đó với Cha trong Thánh Thần. Điều này hiệp nhất con người lại với nhau. Mục đích của tất cả mọi sự này đó là niềm vui trọn vẹn, ở chỗ Giáo Hội ôm ấp trong lòng mình một thứ năng lực cánh chung. Lời diễn tả “trọn vẹn niềm vui” này gợi nhớ đến lời từ biệt của Chúa Giêsu, nhắc lại mầu nhiệm Vượt Qua của Người và nhắc lại việc Chúa trở lại qua những lần hiện ra Phục Sinh tiên báo việc Người trở lại lần sau hết ở một thế giới mới. “Các con sẽ phải sầu đau, nhưng nỗi đau buồn của các con sẽ trở thành niềm vui… Thày sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ hân hoan…. hãy xin các con sẽ được ban cho để niềm vui của các con được trọn vẹn” (Jn 16:20,22,24). Nếu câu này được đem so sánh với lời mời gọi nguyện cầu trong Phúc Âm Thánh Luca (11:13), thì rõ ràng là “niềm vui” này và “Thánh Thần” đồng nghĩa với nhau. Mặc dù Thánh Gioan không minh nhiên đề cập đến Chúa Thánh Thần trong Bức Thư Thứ Nhất của mình (1:3), ngài cũng đã bao hàm trong chữ “niềm vui” ấy. Theo chiều hướng thánh kinh này, chữ “hiệp thông” có một đặc tính thần học, Kitô học, cứu độ học và giáo hội học. Nó hoan hưởng cả chiều kích bí tích hết sức hiển nhiên nơi Thánh Phaolô nữa: “Chén chúc tụng chúng ta chúc tụng không phải là một cuộc hiệp thông trong máu của Chúa Kitô hay sao? Tấm bánh chúng ta bẻ ra không phải là việc hiệp thông nơi thân mình của Chúa Kitô hay sao? Vì chỉ có một tấm bánh duy nhất chúng ta dù nhiều cũng chỉ là một thân thể duy nhất…” (1Cor 10:16ff). Khoa giáo hội học về hiệp thông tận căn bản của mình là khoa giáo hội học về Thánh Thể. Chính vì rất gần gũi với khoa giáo hội học về Thánh Thể mà các thần học gia Chính Thống Giáo đã rất hăng say khai triển vấn đề này trong thế kỷ vừa qua. Nơi khoa giáo hội học về Thánh Thể này, như chúng ta đã thấy, khoa giáo hội học đã trở nên cụ thể hơn, trong khi vẫn hoàn toàn có tính cách thiêng liêng, siêu việt và cánh chung. Nơi Thánh Thể, Chúa Kitô, hiện diện nơi bánh cùng rượu và ban Mình một lần nữa, xây dựng Giáo Hội là Thân Mình của Người, và bằng Thân Thể Phục Sinh của mình, Người hiệp nhất chúng ta với Vị Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi cũng như với nhau. Thánh Thể được cử hành ở những nơi khác nhau đồng thời cũng được cử hành một cách phổ quát, vì chỉ có một Chúa Kitô duy nhất và chỉ có một thân thể duy nhất của Chúa Kitô. Thánh Thể hiến cho việc làm tư tế cái ý nghĩa đại diện Chúa Kitô “repraesentatio Christi” cũng như cho cơ cấu của việc làm ấy một ý nghĩa tổng hợp cho cả mối hiệp nhất và đa dạng được diễn tả nơi từ ngữ “hiệp thông”. Người ta thật sự có thể nói rằng quan niệm hiệp thông này nói lên một thứ tổng hợp cho khoa giáo hội học, một tổng hợp bao gồm việc đối thoại của Giáo Hội với việc đối thoại của Thiên Chúa cũng như với sự sống bởi Thiên Chúa và với Thiên Chúa. Vấn đề tổng hợp này gồm tóm tất cả mọi ý hướng chính yếu của khoa giáo hội học của Công Đồng Chung Vaticanô II và nối kết các ý hướng này với nhau một cách thích hợp.

Vì những lý do ấy mà tôi vừa biết ơn vừa vui mừng khi thấy Thượng Hội năm 1985 đã đặt vấn đề “hiệp thông” làm trọng tâm bàn luận của mình. Những năm sau đó đã cho thấy sự kiện là không có một lời lẽ nào mà lại an toàn tránh được bị hiểu lầm, ngay cả chữ hay nhất và ý nghĩa nhất. Đối với “hiệp thông” là vấn đề đã dễ dàng trở thành một câu tâm niệm, nó đã bị hạ bệ và bóp méo. Như đã từng xẩy ra cho quan niệm “Dân Chúa”, người ta đã phải vạch ra cho thấy một thứ kiến thức phát triển theo hàng ngang là một thứ kiến thức loại trừ quan niệm về Thiên Chúa. Khoa giáo hội học về hiệp thông đã bị biến thành một thứ ý nghĩa liên hệ giữa Giáo Hội địa phương với Giáo Hội hoàn vũ; điều này lại được biến thành vấn đề xác định lãnh vực thẩm quyền của mỗi Giáo Hội (địa phương và hoàn vũ). Theo đó vấn đề bình đẳng một lần nữa nhập cuộc, đó là vấn đề chỉ hoàn toàn bình đẳng mới có thể “hiệp thông”. Cả ở đây nữa cũng lại xẩy ra vấn đề tranh luận giữa các môn đệ về việc ai làm kẻ cả trong các vị. Vấn đề này hiển nhiên là vấn đề không thể giải quyết được trong một thế hệ duy nhất. Đoạn trình thuật của Thánh Marcô về biến cố này là một trình thuật hay nhất. Trên đường đi từ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã nói với các Môn Đệ của Người về Cuộc Khổ Nạn của Người lần thứ ba. Khi các vị tới Capernaum, Người đã hỏi các vị về những gì các vị nói với nhau ở dọc đường. “Các vị đều nín thinh”, vì các vị đã bàn với nhau xem ai là kẻ cả, một thứ bàn luận về tối thượng quyền (Mk 9:33-37). Đó không phải chính là những gì đang xẩy ra hôm nay đây hay chăng? Nếu Chúa Kitô đang tiến đến Cuộc Khổ Nạn của Người, thì với Chúa Kitô Giáo Hội cũng đang chịu đau khổ, trong khi đó chúng ta lại nhào vào việc bàn luận thích thú của mình là ai sẽ là kẻ cả nắm quyền bính. Nếu Người xuất hiện giữa chúng ta và hỏi chúng ta đang nói gì thế chúng ta sẽ thẹn thùng không dám nói năng gì.
 

(còn tiếp)
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, N.4- 23/1/2002, trang 5-7

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ