GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 21/5/2005

 

1)  ĐTGM William Joseph Levada ở San Francisco, California: Tân tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin

2) Tiến Trình Đại Kết giữa Công Giáo và Anh Giáo với việc Phổ Biến Văn Kiện Chung về Đức Maria

3) Giáo Hoàng Biển Đức Nhậm Ngự Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô của ngài và giảng về Ý Nghĩa và Vai Trò của Ngai Tòa Phêrô


 

TGM William Levada, Tân Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin: Lời Ngỏ Mở Đầu

Sau đây là những lời ngỏ mở đầu của Đức tân tổng trưởng thánh bộ tín lý đức tin của Tòa Thánh, được phổ biến ngày Thứ Sáu 13/5/2005, ngày ngài được ĐTC Biển Đức bổ nhiệm thay thế vai trò trước đây của ĐTC.

“Nhân dịp thông báo về việc tôi được bổ nhiệm làm tân tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, trước hết tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của tôi với ĐTC Biển Đức XVI, vào lòng tin tưởng ngài đặt nơi tôi trong việc yêu cầu tôi lãnh nhận vai trò được chính ngài đã hoàn thành rất tốt đẹp trên 24 năm qua. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi sẽ làm hết sức mình để sống trọn niềm tin tưởng này của ngài, với ơn Chúa giúp.

“Tôi đã biết Đức Biển Đức XVI từ năm 1981, khi ngài đến Vatican như là vị tân tổng trưởng bấy giờ của thánh bộ này, nơi tôi đang làm việc lúc ấy. Việc tôi trở về California vào năm 1982 đã được vị tiền nhiệm của ngài là ĐHY Franjo Seper, sắp xếp, trước khi vị tiền nhiệm này về hưu và trước khi xẩy ra việc bổ nhiệm vị tân tổng trưởng Joseph Ratzinger được thông báo.

“Vào năm 1987, Đức Gioan Phaolô II xin ĐHY Ratzinger thành lập một dự án thực hiện cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo mới cho Giáo Hội hoàn vũ, và tôi đã được đức hồng y bổ nhiệm vào tiểu ban soạn thảo, một nhóm có 7 vị giám mục, với nhiệm vụ sửa soạn một bản thảo cho cuốn giáo lý, tham vấn với các vị giám mục trên thế giới cũng như nhiều học giả, và hoàn thành một bản văn đúc kết dưới sự hướng dẫn của một ủy ban 12 vị hồng y do Đức Hồng Y Ratzinger làm chủ tịch. Tôi nhớ nhiều lần khi ngài bất ngờ cùng chúng tôi bàn luận, xắn tay áo lên, xem xét những thay đổi và điều chỉnh được nêu lên, hỏi ý kiến chúng tôi và bàn với chúng tôi về những gì chúng tôi nghĩ – chúng tôi cảm thấy may mắn có được những minh thức của ngài và lời khích lệ của ngài cũng như tinh thần thực sự làm việc theo đoàn tính của ngài.

“Từ năm 2000, tôi là phần tử của thánh bộ này, bằng việc tham dự nhiều cuộc họp dưới sự hướng dẫn của ngài với tư cách là một vị tổng trưởng. Vie5cêngài chọn tôi chắc chắn là vì, một phần, tôi đã quen thuộc với công việc của thánh bộ này nhiều năm. Việc chọn lựa ấy cũng là những gì tỏ lòng ngưỡng mộ Giáo Hội ở Hiệp Chủng Quốc, và là việc nhìn nhận việc góp phần quan trọng của chúng ta cho hoạt động của Giáo Hội hoàn vũ. Tôi hy vọng 22 năm kinh nghiệm làm giám mục ở Hiệp Chủng Quốc sẽ giúp tôi thể hiện tốt đẹp Giáo Hội đây tại Tòa Thánh, và làm cho những liên hệ giữa Tòa Thánh Phêrô và các vị giám mục Hoa Kỳ trở nên vững mạnh hơn bao giờ hết.

“Công việc của thánh bộ này chính yếu là tìm cách phát động một kiến thức lành mạnh về nội dung của đức tin Kitô giáo, như đã được truyền đạt qua Giáo Hội từ thời của Chúa Kitô, cũng như hỗ trợ ĐGH cùng các vị giám mục của Giáo Hội trên khắp thế giới trong công việc tinh tế để làm sáng tỏ những chủ trương sai lầm về tín lý khi thấy cần thiết.

“Tôi mong đảm nhận công việc này như là việc phục vụ cho thừa tác vụ Thánh Phêrô của Đức Biển Đức XVI, vị đã được Chúa Kitô kêu gọi để phục vụ dân Chúa – nhất là các vị giám mục – trên khắp thế giới. Đồng thời tôi cũng nuối tiếc phải rời San Francisco, nơi tôi đã phục vụ gần 10 năm trời, và đã có được những mối giây liên hệ thân thiện với linh mục và dân chúng. Thế nhưng, thật là an ủi khi biết được rằng những mối liên hệ giữa tôi với San Francisco vẫn không bị gián đoạn, vì với vai trò mới của mình, tôi sẽ giữ mối liên hệ ấy với giáo hội địa phương này bằng tước hiệu TGM hồi hưu của San Franciscô, một tước hiệu cũng là niềm vui của vị tiền nhiệm của tôi là ĐTGM John Quinn.

“Tôi có dự tính viếng thăm thánh bộ này để gặp gỡ nhân viên và tổng quan những công việc trước mắt trong tuần đầu tiên của Tháng Sáu. Tôi sẽ dời chỗ luôn tới Rôma trong Tháng 8, vào ngày chính thức từ nhiệm làm TGM San Francisco 17/8, kỷ niệm đúng 10 năm thông báo việc bổ nhiệm tôi làm TGM ở đây. Tôi xin Chúa chúc lành và ban ơn cho thừa tác vụ mới Ngài đã kêu gọi tôi ấy, và tôi tha thiết xin tất cả mọi người nghe thấy hay đọc được sứ điệp này cầu nguyện cho tôi. Xin Mẹ Fatima là vị được Giáo Hội cử hành phụng vụ tưởng kính hôm nay chuyển cầu cho tôi và hướng dẫn tôi.
 

TOP

 

Tiến Trình Đại Kết giữa Công Giáo và Anh Giáo với việc Phổ Biến Văn Kiện Chung về Đức Maria

Hội Đồng Giáo Hoàng Về Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo và Văn Phòng Hiệp Thông Anh Giáo đã loan báo trong một công văn hôm Thứ Sáu 13/5/2005 rằng bản tường trình gần đây nhất của Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo và Công Giáo Rôma (ARCIC: Anglican-Roman Catholic International Commission), tựa đề: “Đức Maria: Ân Sủng và Niềm Hy Vọng trong Chúa Kitô”, sẽ được phổ biến vào ngày 16/5/2005 tại Seattle Hiệp Chủng Quốc, nơi Ủy Ban này đã gặp nhau lần cuối cùng vừa rồi để hoàn thành việc làm của mình về bản văn kiện ấy.

Về vấn đề liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Hiệp Thông Anh Giáo, bản văn kiện viết:

“Hơn hai năm qua, Hội Đồng Giáo Hoàng này đã quan tâm đến tác dụng của những tiến triển gấn đây nơi thế giới Anh Giáo Bắc Mỹ về những liên hệ giữa chúng tôi. Việc phổ biến ‘Bản Tường Trình Windsor’ và bản thông báo được các vị lãnh đạo Anh Giáo ban hành ngày 24/2 đã tìm cách làm sáng tỏ chiều hướng Hiệp Thông Anh Giáo muốn hướng tới (và) đã cống hiến một niềm hy vọng mới để giúp cho việc đối thoại của chúng tôi có thể tiếp tục đạt được tiến bộ trong vấn đề trọn vẹn hiệp thông từng là mục tiêu nhắm đến của việc đối thoại này từ khi nó bắt đầu được thai nghén vào Tháng 3/1966” bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và ĐTGM bấy giờ là Michael Ramsey.

Về những tiến triển tổng quan mới đây, bản văn kiện viết:

“Trong năm 2003, quyết định của Giáo Hội Episcopal ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ truyền chức giám mục cho một linh mục sống liên hệ đồng tính, cũng như việc thực hiện nghi thức chúc phúc cho các cặp hôn nhân đồng tính ở Giáo Phận New Westminster thuộc Giáo Hội Anh Giáo Canada, đã tạo nên những ngãng trở mới cho mối liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Hiệp Thông Anh Giáo. Hậu quả gây ra bởi những hành động này và tình trạng bất ổn định của giáo hội này đã khiến cho Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo này đã thỏa thuận với những vị đại diện Hiệp Thông Anh Giáo ngưng những cuộc đại hội của Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo và Giáo Hội Công Giáo Về Vấn Đề Hiệp Nhất và Sứ Vụ (IARCCUM: International Anglican - Roman Catholic Commission for Unity and Mission), trong khi đó vẫn giữ việc truyền đại chặt chẽ với Văn Phòng Hiệp Thông Anh Giáo cũng như với Điện Lambeth”.

“Trước những căng thẳng chính yếu trong Hiệp Thông Anh Giáo, ĐTGM ở Canterbury là Tiến Sĩ Rowan Williams, đã thiết lập ‘Ủy Ban Lambeth’, ủy thác cho cơ cấu này việc sửa soạn” Bản Tường Trình Windsor là văn kiện được phổ biến vào tháng 10/2004 và “nêu lên những việc làm cụ thể khác nhau để xác định tính cách độc lập của các giáo tỉnh Anh Giáo một cách rõ ràng hơn trong mối tương liên độc lập của Hiệp Thông Anh Giáo”.

ĐTGM Williams đã mời ĐHY Kasper viết một bức thư chia sẻ về bản tường trình này và mời ngài đến Luân Đôn để nói chuyện tại Văn Phòng Hiệp Thông Anh Giáo. Trong cả hai dịp này, ĐHY Kasper đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc làm sáng tỏ cả những vấn đề về giáo hội học lẫn luân lý liên quan tới tình hiện hiện nay.

Sau khi phổ biến văn kiện “Đức Maria: Ân Sủng và Niềm Hy Vọng trong Chúa Kitô”, IARCCUM sẽ tái xét công việc của ARCIC II, và tường trình bản tổng hợp của việc này cho các vị thẩm quyền đương nhiệm của Anh Giáo và Công Giáo.

 

 

 

Giáo Hoàng Biển Đức Nhậm Ngự Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô của ngài và giảng về Ý Nghĩa và Vai Trò của Ngai Tòa Phêrô Liên quan đến chứng từ Chúa Kitô Phục Sinh và vai trò của Chúa Thánh Thần

 

Tối Thứ Bảy 7/5/2005, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ tế Thánh Lễ ở Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô trong dịp nhậm ngự Ngai Tòa Giám Mục Giáo Phận Rôma của ngài. Tham dự Thánh Lễ này còn có 40 vị hồng y, các phần tử thuộc hội đồng giáo phẩm giáo phận…

 

Mở đầu Thánh Lễ, ĐHY Camillo Ruini, tổng đại diện giáo phận Rôma đã bày tỏ niềm vui của Giáo Hội ở Rôma có vị tân chủ chăn. Sau đó Đức Giáo Hoàng đã ngồi vào ngai tòa của ngài lần đầu tiên, trong khi đó cộng đoàn và ca đoàn hát câu: “Niềm vui, an bình và sự sống cho giám mục Rôma là Đức Biển Đức XVI”. Sau đó, ngài đã nhận những lời bộc lộ “tuân phục” từ một nhóm đại diện giáo phận, trong đó có chính ĐHY Ruini, ĐTGM Luigi Moretti, hai vị linh mục, 1 phó tế vĩnh viễn và 1 phó tế chuyển tiếp, 1 nam 1 nữ tu sĩ, 1 nam và 1 nữ giáo dân, cùng 2 người trẻ đã chịu phép Thêm Sức. Giáo phận Rôma có 5đền thờ chính, 58 đền thờ nhỏ, 330 giáo xứ và 279 nhà thờ không phải giáo xứ.

 

Sau Thánh Lễ nhậm ngự Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngài đã đi bằng chiếc xe mui trần đến Đền Thờ Đức Bà Cả gần đấy để tôn kính hình ảnh “Salus Populi Romani” của Đức Trinh Nữ Maria được giữ ở Nguyện đường Borghese. Tác động tôn kính này của Vị Tân Giáo Hoàng nói lên một truyền thống liên tục của việc dân chúng Rôma nguyện cầu cùng Mẹ Ơn Cứu Độ. Việc ngài viếng thăm Đền Thờ Đức Bà Cả đã kết thúc tiến trình tiếp nhận cả 4 Đền Thờ Chính ở Rôma là Đền Thờ Thánh Phêrô, Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành hôm 25/4, Đền Thờ Thánh Gioan latêranô và Đền Thờ Đức Bà Cả hôm Thứ Bảy Đầu Tháng 7/5/2005.

 

Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài về vai trò và quyền bính giáo hoàng, thừa kế Thánh Phêrô, Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian.

 

“Hôm nay là lần đầu tiên tôi được ngồi vào tòa của Vị Giám Mục Rôma, với tư cách là Người Thừa Kế Thánh Phêrô, là ngày Giáo Hội ở Ý cử hành lễ Chúa Thăng Thiên. Trung tâm điểm của ngày này là Chúa Kitô. Và chỉ nhờ Người, nhờ mầu nhiệm Người Lên Trời chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của ngai tòa là tiêu biểu cho quyền bính và trách nhiệm của vị giám mục. Vậy thì lễ Chúa Thăng Thiên nói với chúng ta những gì? Lễ này không có nghĩa là Chúa đã ra đi đến một nơi xa khỏi con người và thế giới. Việc Thăng Thiên của Chúa Kitô không phải là một cuộc hành trình vào không gian tới những thiên thể xa vời vợi, bởi vì, những thiên thể, giống như trái đất, nói cho cùng cũng được làm nên bới các yếu tố vật lý mà thôi.

 

“Việc Thăng Thiên của Chúa Kitô nghĩa là Người không còn thuộc về thế giới băng hoại và chết chóc này nữa, một thế giới hạn chế sự sống của chúng ta. Tức là Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Người, Người Con hằng hữu, đã mang theo hữu thể nhân loại của chúng ta đến trước nhan Thiên Chúa; Người đã mang mang theo máu thịt dưới dạng thức biến hình của Người. Con người đã chiếm được một vị trí nơi Thiên Chúa qua Chúa Kitô; hữu thể con người đã được hiệp thông vào chính sự sống của Thiên Chúa. Và nếu Thiên Chúa ấp ủ và bảo trì toàn thể vũ trụ này thì việc Chúa Giêsu Thăng Thiên có nghĩa là Chúa Kitô đã không cách biệt chúng ta, trái lại, giờ đây, nhờ việc Người đang ở cùng Cha, Người lại gần gũi với mỗi một người trong chúng ta đến muôn đời. Mỗi một người trong chúng ta có thể nói với Người một cách thân tình; mỗi một người có thể hướng về Người. Chúa Kitô hằng nghe thấy tiếng của chúng ta. Tâm hồn chúng ta có thể tách mình khỏi người. Chúng ta có thể sống một cuộc đời phản lại Người, song Người vẫn đợi chờ chúng ta, và luôn kề cận ở bên cạnh chúng ta.

 

“Từ các bài đọc của phụng vụ hôm nay, chúng ta còn học được một điều gì đó cụ thể hơn nữa trong việc Chúa Kitô ở với chúng ta. Người đã hứa ban Thánh Thần của Người cho các môn đệ. Bài đọc thứ nhất nói cho chúng ta biết rằng Thánh Thần sẽ là “quyền lực” cho các môn đệ; Phúc Âm thêm là Ngài sẽ dẫn chúng ta đến tất cả sự thật. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ hết mọi sự, vì Người là lời hằng sống của Thiên Chúa, và Thiên Chúa không thể ban gì hơn ngoài chính bản thân mình. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ban tất cả bản thân mình cho chúng ta, tức là Ngài đã ban cho chúng ta hết mọi sự. Ngoài tặng ân bản thân này của Ngài và với tặng ân bản thân này của Ngài, không còn một mạc khải nào khác có thể ban tặng một điều gì nữa, hay ở một nghĩa nào đó, làm trọn mạc khải của Chúa Kitô. Nơi Người, nơi Người Con, chúng ta đã được nói cho biết hết mọi sự, chúng ta đã được ban tặng mọi sự. Thế nhưng, khả năng hiểu biết của chúng ta thì hạn hẹp; vì lý do này mà Thần Linh có sứ mệnh dẫn Giáo Hội, bằng một đường lối luôn mới mẻ, từ thế hệ này đến thế hệ kia, đến tầm vóc cao cả của mầu nhiệm Chúa Kitô.

 

“Giáo Hội không trình bày bất cứ điều gì khác với Chúa Kitô hay mới mẻ hơn Chúa Kitô; không có một thứ mạc khải thổi phồng nào, như một số người tin tưởng, bên cạnh mạc khải của Chúa Kitô, không có một thứ mạc khải hạng nhì nào cả. Không: “Ngài sẽ lấy những gì là của Thày”, Chúa Giêsu đã nói như thế trong Phúc Âm (Jn 16:14). Và, giống như Chúa Kitô, chỉ một mình Người nói những gì Người đã nghe và đã lạnh nhận từ Cha thế nào thì Thánh Linh cũng là Đấng thông dịch của Chúa Kitô như vậy. “Ngài sẽ lấy những gì là của Thày”. Ngài không dẫn chúng ta đến những nơi nào khác ngoài Chúa Kitô, mà làm cho chúng ta thấm nhập sâu xa hơn nữa vào ánh sáng của Chúa Kitô. Vì lý do này mà mặc khải Kitô giáo là những gì bao giờ cũng vừa cũ lại vừa mới. Hết mọi thế hệ đồng thời lúc nào cũng học được một điều gì mới mẻ trong cuộc hội ngộ khôn cùng với Chúa Kitô, một cuộc hội ngộ do Thánh Thần làm môi giới.

 

“Như thế, Thánh Thần là quyền lực nhờ đó Chúa Kitô làm cho chúng ta cảm nghiệm được việc Người gần gũi chúng ta. Thế nhưng, bài đọc thứ nhất cũng đã để lại cho chúng ta một sứ điệp thứ hai, đó là sứ điệp các con sẽ là những chứng nhân của Thày. Chúa Kitô phục sinh cần những chứng nhân là thành phần đã được gặp gỡ Người, thành phần đã biết Người cách thân tình nhờ quyền năng của Thánh Linh, những con người có thể nói đã chạm đến Người bằng tay của họ để chứng thực về Người. Chính nhờ thế mà Giáo Hội, gia đình của Chúa Kitô, đã phát triển từ “Giêrusalem… cho đến tận cùng trái đất”, như bài đọc này nói. Giáo Hội được xây dựng bởi thành phần chứng nhân, bắt đầu với Thánh Phêrô và Phaolô, với 12 vị, với tất cả mọi con người nam nữ tràn đầy Chúa Kitô trong giòng thời gian của các thế kỷ đã từng nhóm lên và sẽ làm bùng lên một cách mới mẻ hơn bao giờ hết ngọn lửa đức tin. Hết mọi Kitô hữu, qua lối sống của mình, có thể và phải trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô phục sinh. Khi chúng ta đọc tên tuổi của các thánh nhân, chúng ta có thể thấy biết bao nhiều lần các vị đã từng là, trước hết, và tiếp tục là, những con người đơn sơ chân chất, những con người đã làm phát xuất ra và đang làm xuất phát ra một ánh sáng rạng ngời có thể dẫn đến với Chúa Kitô.

 

“Thế nhưng, cuộc hòa tấu chứng từ này đã được ủy thác, qua một cấu trúc được ấn định một cách rõ ràng, cho thành phần thừa kế các Thánh Tông Đồ, tức là các giám mục, trách nhiệm công khai trong việc làm sao để bảo đảm rằng đường lối chứng từ này tiếp tục kéo dài qua giòng thời gian. Nơi bí tích tấn phong giám mục, các vị đã nhận được thẩm quyền và ân sủng cần thiết để thi hành việc phục vụ này. Và trong đường lối chứng từ này Vị Thừa Kế Thánh Phêrô có một nhiệm vụ đặc biệt. Thánh Phêrô đã là người đầu tiên, thay cho các vị tông đồ, tuyên xưng niềm tin: ‘Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’. Đó là công việc của tất cả mọi Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, đó là công việc làm người hướng dẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống.

 

“Ngài tòa Rôma, trước hết, là ngai tòa của niềm tin kính ấy. Từ tính chất cao cả của ngai tòa này, Vị Giám Mục Rôma buộc phải liên lỉ lập lại rằng: ‘Chúa Giêsu là Chúa – Dominus Jesus’. ‘Chúa Giêsu là Chúa’, như Thánh Phaolô đã viết trong những Bức Thư gửi cho giáo hữu Rôma (10:9) cũng như cho giáo hữu Côrintô (1Cor. 12:3). Với các tín hữu Côrinot6, ngài nói một cách đặc biệt là: ‘Vì mặc dù có nhiều vị được gọi là thần linh trên trời dưới đất… nhưng đối với chúng ta chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Cha… và một Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà tất cả mọi sự có và bởi Người chúng ta hiện hữu’ (1Cor 8:5). Ngai tòa Thánh Phêrô buộc những ai giữ vai trò thừa hành của mình phải nói như Thánh Phêrô đã làm ở vào lúc khủng hoảng của các môn đệ, khi có nhiều người muốn bỏ đi: ‘Lạy Chúa, chúng con còn biết theo ai? Chúa có những lời sự sống đời đời; và chúng con đã tin cùng nhận biết rằng Thày là Đấng Thánh của Thiên Chúa’ (Jn 6:68 và các câu sau đó).

 

“Ai ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô đều phải nhớ những lời Chúa Kitô nói với Simon Phêrô trong Bữa Tiệc Ly: ‘Khi nào con được phục hồi con cũng hãy củng cố cho anh em của con’ (Lk 22:32). Vị năm giữa vai trò thừa tác vụ Phêrô cần phải biết rằng mình là một con người yếu đuối mỏng dòn, với sức riêng ngài vốn mỏng dòn và yếu đuối, liên lỉ cần thanh tẩy và hoán cải. Tuy nhiên, ngài cũng biết rằng ngài nhận được sức mạnh từ Chúa để củng cố anh chị em mình trong đức tin, và giúp họ liên kết với nhau tuyên xưng Chúa Kitô Tử Giá và Phục Sinh. Trong Bức Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, chúng ta có được trình thuật cổ nhất về biến cố Phục Sinh. Thánh Phaolô đã trung thành thuật lại từ những vị chứng nhân. Trình thuật này trước hết nói về việc Chúa Kitô chết vì tội lỗi của chúng ta, về việc Người chịu mai táng, về việc Người phục sinh xẩy ra vào ngày thứ ba, rồi sau đó Thánh Nhân nói: ‘Người đã hiện ra với Cephas, đoạn với 12 vị’ (1Cor 15:5). Như thế, một lần nữa, ý nghĩa của sứ mệnh được ủy thác cho Thánh Phêrô cho đến tận cùng trái đất được tóm lại là làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh.

 

“Vị giám mục Rôma ngự ở ngai tòa của ngài là để làm chứng cho Chúa Kitô. Bởi thế, ngai tòa này là biểu hiệu của quyền bính giảng dạy ‘potestas docendi’ là yếu tố thiết yếu thuộc sứ mệnh tháo cởi được Chúa Kitô ban cho Thánh Phêrô và sau ngài ban cho 12 Vị. Trong Giáo Hội, Thánh Kinh, những gì được Thánh Thần giúp cho ngày cáng thêm hiểu biết, với thừa tác vụ dẫn giải Thánh Kinh đã thực sự được Chúa Kitô ban cho các tông đồ, là những gì thuộc về nhau một cách hỗ tương bất khả phân ly.

 

“Bất cứ lúc nào Thánh Kinh tách lìa khỏi tiếng nói sống động của Giáo Hội thì rơi vào cạm bẫy tranh luận của các chuyên gia. Chắc chắn tất cả những gì là tiếng nói sống động của Giáo Hội có thể nói với chúng ta đều quan trọng và quí hóa; công việc của thành phần học thức là những gì đáng kế trong việc giúp chúng ta hiểu được tiến trình Thánh Kinh phát triển nhờ đó hiểu được tính cách phong phú về lịch sử của Thánh Kinh. Thế nhưng, khoa học tự mình không thể cống hiến cho chúng ta một dẫn giải tối hậu và buộc theo; nó không thể cống hiến cho chúng ta, nơi việc dẫn giải, cái chắc chắn chúng ta có thể sống và cũng là những gì chúng ta có thể hy sinh mạng sống mình. Đó là lý do tiếng nói sống động của Giáo Hội mới là những gì cần thiết, tiếng nói của một Giáo Hội đã được trao phó cho Tông Đồ Phêrô cùng với tông đồ đoàn cho đến tận cùng thời gian.

 

“Quyền bính giảng dạy này làm cho nhiều người cảm thấy run sợ, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội. Họ tự hỏi mình rằng quyền bính ấy liệu có đe dọa đến việc tự do tin tưởng hay chăng, liệu có trở thành một căn cớ phạm đến quyền tự do tư tưởng hay chăng. Không phải vậy. Quyền bính này được Chúa Kitô ban cho Thánh Phêrô và thành phần Thừa Kế ngài, theo nghĩa tuyệt đối, là một sứ mệnh phục vụ. Quyền giảng dạy trong Giáo Hội bao gồm việc dấn thân phục vụ cho vấn đề tuân phục đức tin. Vị Giáo Hoàng không phải là một vương chủ tuyệt đối mà tư tưởng và ý muốn của ngài là luật phép. Hoàn toàn trái lại, thừa tác vụ của Giáo Hoàng là một bảo đảm cho việc tuân phục Chúa Kitô cùng Lời của Người. Ngài không được loan truyền những ý nghĩ riêng tư của mình, nhưng phải liên lỉ buộc mình và Giáo Hội tuân phục Lời Chúa, khi cần phải vận dụng tất cả mọi nỗ lực để thích ứng Lời ấy hay để thực hành Lời ấy, cũng như khi phải đương đầu với tất cả mọi hình thức thuộc chủ nghĩa cơ hội.

 

“Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm như thế, khi mà, bằng tất cả nỗ lực của mình, những nỗ lực tỏ ra nhân ái, trước những giải thích sai lạc về tự do, ngài đã nhấn mạnh một cách dứt khoát tính cách bất khả vi phạm đến con người, tính cách bất khả vi phạm đến sự sống của con người từ khi thụ thai tới khi tự nhiên qua đi. Tự do sát hại không phải là tự do đích thực, mà là một thứ chuyên chế bạo tàn biến con người thành nô lệ. Trong những quyết định quan trọng của mình, vị Giáo Hoàng này ý thức được tính cách liên hệ với đại cộng đồng đức tin thuộc tất cả mọi thời đại, với những dẫn giải gắn bó được phát triển qua cuộc hành trình trần thế của Giáo Hội. Bởi thế, quyền hành của ngài không phải là những gì trên hết mà là để phục vụ Lời Chúa, và ngài phải mang trách nhiệm phải làm sao bảo đảm rằng Lời này tiếp tục hiện hữu một cách cao cả và vang động với tính chất nguyên tuyền của Lời ấy, nhờ đó, Lời này không bị tiêu tán theo những đổi thay liên lỉ của thời trang.

 

“Chúng ta hãy lập lại một lần nữa rằng ngai tòa này là biểu hiệu cho thẩm quyền giảng dạy, một thẩm quyền giảng dạy là thẩm quyền của đức tuân phục và phục vụ, nhờ đó Lời Chúa – chân lý của Người! – được chiếu tỏa nơi chúng ta, cho chúng ta thấy đường đi nước bước. Tuy nhiên, khi nói đến ngai tòa của vị Giám Mục Rôma, làm sao người ta không nhớ lại những lời của Thánh Ignatiô Antiôkia đã viết cho tín hữu Rôma? Thánh Phêrô, từ Antiôkia là ngai tòa đầu tiên của ngài đến Rôma là ngai tòa cuối cùng của ngài; một ngai tòa đã trở thành tối hậu với cuộc tử đạo vĩnh viễn liên kết việc thừa kế của ngài với Rôma như là “ngai tòa chủ sự trong yêu thương”, một diễn đạt hết sức quan trọng.

 

“Chúng ta không biết chắc chắn những gì Thánh Ignatiô thực sự muốn nói khi sử dụng những lời lẽ ấy. Thế nhưng, đối với Giáo Hội sơ khai thì lời yêu thương, ‘agape’ có liên quan đến mầu nhiệm Thánh Thể. Nơi mầu nhiệm này, tình yêu của Chúa Kitô bao giờ cũng được hiện tỏ giữa chúng ta. Nơi đây, Người lúc nào cũng ban mình một lần nữa. Nơi đây, Người lúc nào cũng để cho trái tim Người bị xuyên đâm một lần nữa. Nơi đây Người đã giữ những gì Người hứa hẹn, lời hứa là từ trên Thập Giá Người sẽ thu hút tất cả mọi người đến cùng Người. Nơi Thánh Thể, chính chúng ta biết được tình yêu của Chúa Kitô.

 

“Nhờ trung tâm và tâm điểm này, tức nhờ Thánh Thể, các vị thánh đã sống, mang tình yêu Thiên Chúa đến cho thế giới bằng những hình thức và đường lối mới mẻ hơn bao giờ hết. Nhờ Thánh Thể, Giáo Hội luôn được tái sinh. Giáo Hội chính là cơ cấu ấy – là cộng đồng Thánh Thể! – một cộng đồng mà tất cả chúng ta, bằng việc lãnh nhận cùng một Chúa, trở thành một thân thể duy nhất và bao gồm toàn thể thế giới. Tóm lại, việc chủ sự trong tín lý và trong yêu thương cần phải trở nên một điều duy nhất: vì tất cả mọi tín lý của Giáo Hội cuối cùng cũng dẫn đến yêu thương. Và Thánh Thể, như tình yêu hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, là tiêu chuẩn của tất cả mọi tín lý. Tất cả mọi lề luật và lời tiên tri đều lệ thuộc vào yêu thương như lời Chúa phán (Mt 22:40). Yêu thương là làm trọn lề luật, Thánh Phaolô đã viết như thế cho tín hữu Rôma (13:10).

 

“Nhân dân Rôma thân mến, giờ đây tôi là giám mục của anh chị em. Xin cám ơn lòng quảng đại của anh chị em, xin cám ơn lòng cảm mến của anh chị em, xin cám ơn sự nhẫn nại của anh chị em! Là người Công giáo, ở một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là người Rôma. Bằng những lời của Thánh Vịnh 87, một bài thánh ca chúc tụng Sion, Mẹ của tất cả mọi dân nước, Do Thái đã hát và Giáo Hội đang hát: ‘Thế nhưng cần phải nói về Sion thế này: tất cả họ đều được sinh ra ở đây’ (Ps 87:5). Cũng thế, chúng ta có thể nói rằng, là người Công Giáo, ở một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều được sinh ra ở Rôma. Bởi thế, tôi hết sức cố gắng để làm giám mục của anh chị em, làm Giám Mục Rôma. Và tất cả chúng ta đều muốn cố gắng để trở thành những người Công giáo hơn bao giờ hết, trở thành anh chị em của đại gia đình Thiên Chúa hơn bao giờ hết, một gia đình không có ai là xa lạ cả.

 

“Sau hết, tôi xn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tôi đối với vị tổng quản giáo phận Rôma là ĐHY Camillo Ruini, cũng như các vị giám mục phụ tá cùng toàn thể nhân viên cộng sự của các vị. Tôi cũng thành thật cám ơn các vị linh mục coi xứ, hàng giáo sĩ Rôma, và tất cả những ai, với tư cách là tín hữu, góp phần vào việc xây dựng nơi đây ngôi nhà sống động cho Thiên Chúa. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 9-10/5/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ