GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHÂT 1/5/2005

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH

 

1) ĐTC GPII: Thần Linh Cư Ngụ Nơi Từng Người

2) ĐTC Biển Đức XVI về Mẫu Chủ Nghĩa Trần Thế ở Hoa Kỳ qua nhận định của ĐHY Joseph Ratzinger

3) ĐTC Biển Đức XVI về tình trạng xã hội tân tiến vô thần, nhất là vấn đề liên quan tới hiện tượng hôn nhân đồng tính qua nhận định của ĐHY Joseph Ratzinger

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Thần Linh Cư Ngụ Nơi Từng Người 

Bài Phúc Âm VI Phục Sinh: "Người là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con"

Trong bài giáo lý lần trước, Tôi đã loan báo là chúng ta sẽ trở lại đề tài về việc hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi linh hồn. Căn cứ vào thần học và kho tàng tu đức, những đề tài này có một sức hấp dẫn nào đó, nói được là, gây nên một khoái thú tự nhiên cho những ai thích sống nội tâm. Những đề tài này thu hút những ai dễ dạy và chú tâm đến tiếng của Đấng ở bên trong họ như trong một đền thờ, và cũng là Đấng sáng soi họ trong lòng và bảo trì họ trên những nẻo đường hợp với Phúc Aâm. Vị tiền nhiệm của Tôi là Đức Lêô XIII đã nghĩ đến những người này khi viết Thông Điệp Divinum Illud về Chúa Thánh Thần (ngày 9-5-1897), cũng như sau đó khi viết bức thư Ad Fovendum về lòng tôn sùng của Kitô hữu đối với Ngôi Vị Thiên Chúa của Thần Linh (ngày 18-4-1902), để thiết lập việc làm tuần chín ngày kính Ngài, nhất là nhắm đến việc để xin ơn lành cho sự hiệp nhất Kitô giáo (ad maturamdum Christianae unitatis bunum). Vị giáo hoàng của Thông Điệp Rerum Novarum cũng là vị giáo hoàng của lòng sùng kính Chúa Thánh Thần. Ngài cũng biết cần phải lấy nghị lực từ nguồn mạch nào để có thể mang lại sự thiện hảo chân thật cho lãnh vực xã hội nữa. Tôi cũng kêu gọi Kitô hữu của ngày hôm nay đây chú ý đến nguồn mạch này trong Thông Điệp Dominum et Vivificantem (ngày 18-5-1986), và giờ đây Tôi sẽ dùng phần kết thúc giáo lý thánh linh để bàn về vấn đề này.

            Kinh nghiệm Kitô hữu sống nội tâm, nguyện cầu và hiệp nhất với Thiên Chúa đã cho thấy một thực tại - như tất cả khoa thần học và giáo lý về thánh linh - một thực tại được bắt nguồn từ các bản văn Thánh Kinh, nhất là từ những lời của Chúa Kitô và của các tông đồ: đó là thực tại về việc Chúa Thánh Thần cư ngụ trong linh hồn các kẻ lành như một vị khách thần linh.

            Thánh Tông Đồ Phaolô, trong Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô (3:16) đã đặt vấn nạn: “Anh em không biết rằng... Thần Linh của Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” Dĩ nhiên, Chúa Thánh Thần hiện diện và làm việc trong toàn thể Giáo Hội, như chúng ta đã nghe trong các bài giáo lý trước đây. Thế nhưng, việc hiện diện và hoạt động của Ngài hoàn toàn cụ thể nơi mối liên hệ với con người, với linh hồn kẻ lành, thành phần mà nơi họ Ngài thiết lập chỗ trú ngụ của mình và tràn ban tặng ân do Chúa Kitô lập được nhờ việc cứu chuộc. Hành động của Chúa Thánh Thần thấu nhập thâm cung con người, tâm can tín hữu, và tuôn xuống trên họ ánh sáng cũng như ân sủng ban sự sống. Đây là điều chúng ta xin Ngài trong ca tiếp liên Lễ Hiện Xuống: “Ôi thần linh ánh sáng chứa chan hồng phúc, xin chiếu soi nơi những tâm hồn này”.

            Còn thánh Tông Đồ Phêrô, trong bài diễn từ của mình vào Ngày Lễ Hiện Xuống, sau khi thôi thúc thính giả ăn năn trở lại và lãnh nhận phép rửa, đã thêm lời hứa: “Anh em sẽ lãnh nhận tặng ân Thánh Thần” (Acts 2:38). Ở đây chúng ta thấy rằng lời hứa này liên quan riêng đến từng người ăn năn trở lại và lãnh nhận phép rửa bấy giờ. Thánh Phêrô đã nói rõ là “mỗi một người” trong thành phần hiện diện (x.2:38). Sau này, phù thủy Simon xin các tông đồ ban cho mình quyền năng có tính cách bí nhiệm này: “Hãy ban cho tôi quyền năng ấy để tôi đặt tay trên ai thì người đó được nhận lãnh Thánh Thần” (8:19). Tặng ân Thánh Thần được coi như là một tặng ân ban cho từng người. Việc xác định này còn được chứng thực trong đoạn thuật lại việc trở lại của Cornêliô cùng với cả nhà ông. Khi thánh Phêrô đang cắt nghĩa mầu nhiệm Chúa Kitô cho họ, thì “Thánh Thần đã xuống trên mọi người đang lắng nghe” (10:44). Bởi thế, thánh Tông Đồ nhận thức rằng: “Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một tặng ân Ngài ban cho chúng ta” (Acts 11:17). Theo thánh Phêrô, việc Chúa Thánh Thần xuống biểu hiệu việc Ngài hiện diện nơi những ai Ngài thông ban chính mình Ngài cho.

            Về việc Chúa Thánh Thần hiện diện nơi con người như thế, chúng ta cần phải nhớ lại những cách thế tiếp nối nhau làm cho chúng ta thấy được nơi chúng việc hiện diện thần linh trong lịch sử cứu độ. Thời cựu ước, Thiên Chúa hiện diện và tỏ hiện sự có mặt của mình đầu tiên ở trong “lều” giữa sa mạc,  rồi sau đó ở nơi “Cực Thánh” trong Đền Thờ Gialiêm. Thời tân ước, việc hiện diện của Ngài được hoàn trọn nơi và đồng nhất với biến cố Nhập Thể của Ngôi Lời. Thiên Chúa hiện diện giữa loài người nơi Con hằng hữu của Ngài, qua nhân tính được Con Ngài mặc lấy, trong sự hiệp nhất của con người với bản tính thần linh của Người. Nhờ việc hiện diện hữu hình nơi Chúa Kitô này, Thiên Chúa sửa soạn cho một hiện diện mới qua một Đấng vô hình, một hiện diện sẽ được nên trọn khi Thánh Thần hiện xuống. Thật vậy, việc hiện diện của Chúa Kitô “ở giữa” người ta đã mở ra con đường dẫn đến việc hiện diện của Thánh Thần, một hiện diện nội tại, một hiện diện trong tâm can con người. Như thế là hoàn tất lời tiên tri Ezekien (36:26-27): “Ta sẽ ban cho các ngươi một con tim mới và đặt một thần trí mới trong các ngươi... Ta sẽ đặt thần trí Ta trong các ngươi”.

            Vào ngay đêm trước khi bỏ thế gian mà ra đi về cùng Cha, qua thập giá và lên trời của mình, chính Chúa Giêsu đã loan báo việc Chúa Thánh Thần đến với các tông đồ: “Thày sẽ xin Cha, và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng Bầu Chữa khác là Thần Chân Lý để luôn ở cùng các con... Ngài sẽ ở trong các con” (Jn.14:16-17). Thế nhưng, chính Chúa Giêsu cũng phán rằng việc Chúa Thánh Thần hiện diện này, một việc hiện diện trong tâm can con người còn hàm ngụ cả việc hiện hiện của Chúa Cha và Chúa Con, cần phải có một điều kiện, đó là tình yêu: “Ai yêu mến Thày thì sẽ giữ lời Thày, và Cha Thày sẽ yêu thương người ấy, rồi chúng ta sẽ đến cùng người ấy mà lấy họ làm nơi trú ngụ” (Jn.14:23).

            Việc đối chiếu với Chúa Cha và Chúa Con được nói đến trong diễn từ của Chúa Giêsu bao gồm cả Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô và truyền thống giáo phụ cũng như thần học qui việc trú ngụ ba ngôi cho Thần Linh vì Ngài là Ngôi-Vị-Tình-Yêu, ngoài ra, việc hiện diện nội tâm này phải là một sự hiện diện linh thiêng. Việc hiện diện của Chúa Cha và Chúa Con bởi tình yêu mà có, thế nên, việc hiện diện này cũng là việc hiện diện trong Thánh Thần. Chính ở nơi Thánh Thần mà Thiên Chúa, trong mối hiệp nhất ba ngôi của mình, truyền đạt chính mình cho tâm linh mỗi người.

            Thánh Tôma Aquina nói rằng chỉ có nơi tâm linh con người (và thiên thần) mà cách hiện diện thần linh này mới khả thực (nhờ việc cư ngụ), vì chỉ có loài thụ tạo biết suy nghĩ mới có khả năng để được thông phần hiểu biết, ý thức yêu thương và hoan hưởng Thiên Chúa như một vị khách nội tại. Cách hiện diện thần linh này được thực hiện là do Chúa Thánh Thần, Đấng mà chính vì thế mới là tặng ân tối yếu đệ nhất (Summa Theol.,I,q.38,a.1).

            Tuy nhiên, qua việc cư ngụ này, người ta được trở thành “đền thờ của Thiên Chúa” (của Thiên Chúa Ba Ngôi), vì chính “Thần Linh của Thiên Chúa (là Đấng) cư ngụ trong” họ, như thánh Tông Đồ nhắc nhở Kitô hữu giáo đoàn Côrintô (1Cor.3:16). Thiên Chúa là thánh và là Đấng thánh hóa. Thánh Phaolô sau đó chút xíu đã viết rằng: “Anh em không biết rằng thân xác của anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần trong anh em, Đấng anh em lãnh nhận bởi Thiên Chúa hay sao?” (1Cor.6:19). Bởi thế, việc Chúa Thánh Thần cư ngụ bao hàm cả việc hiến thánh đặc biệt toàn thể con người (cả phương diện  thân xác như được thánh Phaolô nhấn mạnh) giống như một đền thờ. Sự hiến thánh này là việc thánh hóa. Nó là chính yếu tính của ân sủng cứu độ mà con người nhờ đó có thể thông phần vào sự sống ba ngôi của Thiên Chúa. Như thế, một nguồn mạch nội tại của sự thánh thiện mở ra nơi con người, phát sinh ra cuộc sống “theo Thần Linh”, như thánh Phaolô viết trong Thư gửi giáo đoàn Rôma (8:9): “Anh em không ở trong xác thịt; trái lại, nếu duy có Thần Linh Thiên Chúa ở trong anh em thì anh em ở trong Thần Linh”. Đây là căn gốc của niềm hy vọng mong chờ việc thân xác phục sinh, vì “nếu Thần Linh của Đấng đã phục sinh Chúa Giêsu từ kẻ chết cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã phục sinh Chúa Kitô từ kẻ chết cũng sẽ ban sự sống cho thân xác chết chóc của anh em như vậy, nhờ Thần Linh của Ngài là Đấng cư ngụ trong anh em” (Rm.8:11).

            Chúng ta phải lưu ý là việc cư ngụ của Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa toàn thể con người, thân xác lẫn linh hồn, ban cho con người một phẩm vị cao trọng hơn. Việc thánh hóa này ban cho những mối tương giao của con người, cả những mối tương giao thể lý nữa, một giá trị mới, như Thánh Phaolô đề cập đến trong bản văn của Bức Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô (6:9) chúng ta đã trích dẫn.

            Thế nên, nhờ việc Chúa Thánh Thần cư ngụ mà Kitô hữu được tham dự vào một mối lên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, một mối liên hệ cũng bao gồm tất cả những mối tương giao loài người, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Khi thánh Tông Đồ nói: “đứng làm phiền lòng Thánh Thần” (Eph.4:30), là thánh nhân dựa vào nền tảng của chân lý được mạc khải này: sự hiện diện riêng tư của vị khách nội tại là Đấng có thể “buồn phiền” vì tội lỗi - vì mọi tội lỗi - bởi tội lỗi luôn luôn đối nghịch lại với tình yêu. Chính Ngài, như Ngôi-Vị-Tình-Yêu cư ngụ trong con người, tạo nên trong linh hồn một đòi hỏi nội tâm phải sống trong tình yêu. Thánh Phaolô nói lên điều này khi viết cho Kitô hữu giáo đoàn Rôma rằng: “Tình yêu của Thiên Chúa” (tức là, mạch suối mãnh lực của tình yêu từ Thiên Chúa mà đến) “được tuôn tràn vào lòng chúng ta nhờ quyền năng Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta” (Rm.5:5).

            (Bài Giáo Lý thứ 70 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 20-3-1991, trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)

 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI về Mẫu Chủ Nghĩa Trần Thế ở Hoa Kỳ qua nhận định của ĐHY Joseph Ratzinger


ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin của Tòa Thánh, trong loạt bài phỏng vấn với Đài Phát Thanh Vatican, về nhiều vấn đề, nhất là vấn đề tình hình Âu Châu liên quan đến ý hệ duy trần thế ở đây, ngài đã hướng về mẫu chủ nghĩa trần thế ở Hoa Kỳ. Sau đây là một số tư tưởng tiêu biểu chính yếu của ngài.


“Các nền văn hóa trên thế giới mạnh mẽ đối đầu lại với việc trần thế hóa cực đoan là những gì vẫn vững mạnh ở Tây Phương. Những nền văn hóa trên thế giới này xác tín rằng một thế giới không có Thiên Chúa là một thế giới không có tương lai.


“Tình trạng đa văn hóa rất nhiều của chúng ta kêu gọi chúng ta hãy sống bản thân mình…. Chúng ta vẫn không biết Âu Châu sẽ đi về đâu, thế nhưng Bản Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu có thể là bước đầu tiên hướng về một cuộc ý thức tìm kiếm mới cái hồn sống của nó.


Được hỏi phải chăng việc mới đây loại bỏ ông Rocco Buttiglione làm ủy viên Khối Hiệp Nhất Âu Châu là những gì cho thấy việc chống đối có tính cách hận thù đối với việc đóng góp của Kitô hữu vào vấn đề xây dựng Khối này hay chăng, vị hồng ý này cho biết:


“Trước hết nó là một dấu hiệu cho thấy đường lối mà tính cách trung lập của lãnh vực quốc gia liên quan đến nhãn quan về thế giới, sắp sửa được biến đổi thành một thứ ý hệ về tín điều. Chủ nghĩa trần thế không còn bảo đảm cho nhiều niềm xác tín nữa, nhưng lấy mình như là một ý hệ áp đặt những gì cần phải suy tư và nói năng; chẳng hạn nó không còn bảo đảm cho sự hiện diện công khai của Kitô Giáo nữa.


“Tôi tin rằng nó là một hiện tượng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Những gì dường như bảo đảm cho một thứ tự do chung đang bị biến thành một ý hệ là những gì cũng đang tiến đến chỗ giáo điều nguy hại đến quyền tự do tôn giáo”.


Liên quan tới vấn đề tranh đấu để các căn gốc Kitô giáo được công khai nhìn nhận nơi bản Hiến Pháp của Khối Âu Châu, vị hồng y này cho biết: “Chắc chắn vấn đề quan trọng trước hết đó là việc hiện diện của lương tâm chúng ta về pháp lý và luân lý được rõ ràng bảo đảm nơi những lãnh vực có tính cách quan trọng hơn, những vấn đề đã từng được đạt tới một phần nào đó.


“Tôi nghĩ rằng người ta đã thực hiện những nỗ lực để làm cho di sản Kitô giáo trở thành những yếu tố đặc biệt nơi bản Hiến Pháp Âu Châu cũng như nơi hình thức pháp lý của nó, ở các mức độ thành đạt khác nhau, tùy từng trường hợp.


“Thế nhưng tôi cũng không coi nó là vô dụng hay hoàn toàn sai lầm trong việc nói lên căn tính của Âu Châu nơi Lời Nói Đầu, cũng như trong việc chỉ cần nói nó là gì, nó từ đâu tới, và làm thế nào nó trở thành các qui chuẩn phán đoán.


“Tôi cũng xin nói là lập luận cho rằng đường lối này gây ra một cuộc đụng chạm với các tôn giáo khác là thứ lập luận sai lầm. Trái lại, các tôn giáo cảm thấy mình bị tấn công bởi chủ nghĩa duy trần thế của chúng ta.


Trong việc so sánh những thái độ của Hoa Kỳ và Âu Châu đối với những tôn giáo đa dạng, vị hồng y này cho biết: “Tôi nghĩ rằng, căn cứ vào nhiều quan điểm thì mẫu Hoa Kỳ là một mẫu trần thế khá hơn. Âu Châu vẫn bị sa lầy trong một thứ chủ nghĩa duy trần thế caesaropapism.


“Những người không muốn thuộc về một thứ giáo hội quốc gia đã đến Hiệp Chủng Quốc và có chủ ý kiến tạo nên một quốc gia không áp đặt giáo hội và là một quốc gia không phải chỉ được coi như trung lập về tôn giáo mà còn là một nơi cho các tôn giáo có thể nhúc nhích cũng như hoan hưởng quyền tự do về cơ cấu tổ chức chứ không bị đẩy vào lãnh vực tư riêng.


“Người ta có thể hiển nhiên học nơi Liên Hiệp Quốc cái tiến trình giúp cho quốc gia giành chỗ cho tôn giáo là những gì không bị áp đặt, mà là những gì nhờ quốc gia sống động, hiện hữu và có một quyền lực sáng tạo công khai”.


Đề cập tới sử gia Arnold Toynbee, vị hồng ý này cho biết: “Ông ta đã đúng khi nói rằng vận mệnh của một xã hội bao giờ cũng lệ thuộc vào những nhóm thiểu số sáng tạo. Những người Kitô hữu cần phải coi mình là một nhóm thiểu số sáng tạo loại này và đóng góp những gì họ có thể để Âu Châu nhờ đó tái nhận thức được cái gia sản được thừa hưởng cao quí nhất của mình mà trở thành hữu dụng cho toàn thể nhân loại”.

 

 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI về tình trạng xã hội tân tiến vô thần, nhất là vấn đề liên quan tới hiện tượng hôn nhân đồng tính qua nhận định của ĐHY Joseph Ratzinger

Hôm Thứ Sáu 19/11/2004, tờ nhật báo Ý “La Reppublica” đã phổ biến bài phỏng vấn của họ với ĐHY Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger, vị đã phát biểu cảm nhận của mình rằng bất cứ một xã hội nào không coi trọng Thiên Chúa đều sẽ dần dần tiến đến chỗ tự diệt.

Theo ngài, “đang có một thứ ý hệ trần tục càng ngày càng gia tăng đến độ lo ngại. Ở Thụy Điển, một vị mục sư Tin Lành đã giảng về vấn đề đồng tính luyến ái, căn cứ vào những trích dẫn Thánh Kinh, đã bị ngồi khám một tháng. Chủ nghĩa trần thế không còn là một yếu tố trung dung nữa, một yếu tố bao gồm những quyền tự do cho tất cả mọi người. Nó đang bị biến thành một ý hệ được áp đặt bởi chính trị và là một ý hệ không chấp nhận quan điểm Công Giáo hay Kitô Giáo là quan điểm đang có nguy cơ trở thành những gì thuần túy tư riêng do đó là quan diểm bị bóp méo. Bởi thế mới xẩy ra một cuộc đối chọi và chúng ta cần phải bênh vực quyền tự do tôn giáo chống lại cái áp đặt của một thứ ý hệ cho mình như là tiếng nói duy nhất của lý lẽ, trong khi nó chỉ là biểu hiện của một thứ duy lý chủ nghĩa ‘nào đó’ mà thôi”.

Sau đây là trích dẫn những đoạn phỏng vấn từ tờ nhật báo này với đức hồng y tổng trưởng:

Vấn:     Đối với Đức Hồng Y thì chủ nghĩa trần thế là gì?

Đáp:     Một chủ nghĩa trần thế chính đáng là một chủ nghĩa có quyền tự do tôn giáo. Quốc Gia không được áp đặt tôn giáo mà là tỏ ra tôn trọng những tôn giáo có trách nhiệm đối với xã hội dân sự, và vì thế làm cho những tôn giáo này trở thành những yếu tố xây dựng xã hội.

Vấn:     Thiên Chúa ở đâu trong xã hội tân tiến này?

Đáp:     Ngài đã bị đẩy ra bên lề đường. Trong sinh hoạt chính trị thì hầu như là những gì khiếm nhã khi nói về Thiên Chúa, như thể đó là một cuộc tấn công vào quyền tự do của những ai không tin tưởng gì. Thế giới chính trị đi theo những qui chuẩn và đường lối của nó, loại trừ Thiên Chúa như là một cái gì đó không thuộc về thế giới này. Cũng thế, nơi thế giới thương mại, kinh tế và đời sống riêng tư. Thiên Chúa vẫn bị hất ra ngoài chơi. Đối với tôi… cho dù lãnh vực chính trị và kinh tế đi nữa cũng cần phải có trách nhiệm về luân lý, một trách nhiệm phát xuất từ tâm can con người là trách nhiệm tựu kỳ trung có liên hệ tới việc hiện diện hay không hiện diện của Thiên Chúa. Một xã hội hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa sẽ đi đến chỗ tự diệt. Chúng ta thấy điều này nơi những đại chế độ chuyên chế ở thế kỷ vừa qua.   


Vấn:     Một vấn đề quan trọng là vấn đề về luân thường đạo lý về tình dục. Thông điệp ‘Sự Sống Con Người – Humanae Vitae’ đã gây ra một khoảng cách giữa Huấn Quyền của Giáo Hội và việc thực hành cụ thể của tín hữu. Phải chăng đã tới lúc để sửa chữa lại cái khoảng cách này?

Đáp:     Đối với tôi, chúng ta cần phải tiếp tục phản tỉnh. Trong những năm đầu làm giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã cống hiến một đường lối mới về khoa nhân loại học lấy con người làm chính cho vấn đề này, bằng cách khai triển một nhãn quan rất khác biệt nơi mối liên hệ giữa ‘cái tôi’ và ‘cái anh/em‘ của nam nhân và nữ giới. Đó thật sự là một liều thuốc làm bừng lên một cuộc cách mạng về khoa nhân loại học có những chiều kích cao cả. Nó vẫn không phải là, như được chủ trương ngay từ đầu, giải pháp duy nhất cho những trường hợp khó khăn, song nó đã làm thay đổi nhãn quan về tính dục, về con người cũng như về chính thân thể con người. Tính dục đã từng bị tách biệt khỏi vấn đề sinh sản, và bởi thế quan niệm về sự sống con người đã bị thay đổi tận gốc rễ. Tác động tính dục đã mất đi mục đích và cứu cánh của mình là những gì trước đó hiển nhiên và chuyên biệt, làm cho tất cả mọi hình thức về tính dục hóa ra tương đương như nhau. Từ cuộc cách mạng này, trước hết, đã xuất phát ra một thứ bình đẳng hóa giữa tình dục đồng tính và tình dục dị tính. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng Đức Phaolô VI đã nói lên tới một vấn đề thật là quan trọng vậy.

Vấn:     Tình dục đồng tính là một đề tài liên quan tới yêu đương giữa hai con người chứ không chỉ tới tình dục. Giáo Hội làm sao để có thể hiểu được hiện tượng này?

Đáp:     Xin cho tôi nói hai điều. Trước hết, chúng ta cần phải hết sức tôn trọng những con người đang chịu đựng và đang tìm cách để sửa đổi lối sống của họ. Ngoài ra, việc kiến tạo nên một hình thức về pháp lý cho một thứ hôn nhân đồng phái tính là những gì thực sự không giúp gì cho những con người này hết.

Vấn:     Thế là ngài đã có ý nghĩ tiêu cực về việc chọn lựa ở Tây Ban Nha phải không?

Đáp:     Đúng thế, ví cái chọn lựa này là những gì hủy hoại đời sống gia đình và xã hội. Luật pháp tạo nên luân lý hay một hình thức luân lý nào đó, vì dân chúng thường nghĩ rằng những gì luật pháp xác nhận đều là những gì được phép làm theo luân lý. Và nếu chúng ta cho rằng việc hiệp nhất này không nhiều thì ít tương đương với đời sống hôn nhân là chúng ta có một thứ xã hội không còn nhìn nhận bản chất chuyên biệt của gia đình hay nhìn nhận tính chất nồng cốt của nó nữa, tức là không nhìn nhận bản chất của người nam và người nữ là những gì cần thiết, không phải chỉ theo ý nghĩa sinh lý mà thôi, cho tình trạng liên tục cho nhân loại,. Bởi thế mà điều quyết định của người Tây Ban Nha không mang lại ích lợi thực sự cho những con người ấy, vì như vậy chúng ta đang hủy hoại đi những yếu tố nền tảng thuộc lãnh vực luật pháp.

Vấn:     Đôi khi Giáo Hội, khi lên tiếng bất đồng ý với mọi thứ đã bị thất bại. Không nên hay sao, ít là, luật pháp có thể công nhận và bảo vệ một hiệp ước liên kết giữa hai người đồng phái tính?

Đáp:     Thế nhưng, để cơ cấu hóa một thứ hiệp ước loại này, cho dù thành phần lập pháp có tỏ ý muốn hay không muốn, cũng vẫn hiện lên trước công luận là một thứ loại hôn nhân khác là thứ hôn nhân không thể nào tránh được mang tính cách có giá trị tương đối. Chúng ta đừng quên rằng, với những chọn lựa này, những chọn lựa mà ngày nay Âu Châu đang hướng chiều, chúng ta có thể nói, về tình trạng suy đồi, là chúng ta đang tách mình khỏi tất cả mọi thứ văn hóa cao cả của nhân loại là những văn hóa bao giờ cũng nhìn nhận chính ý nghĩa của tính dục, ở chỗ, nhìn nhận rằng con người nam nữ được dựng nên để cùng nhau bảo đảm tương lai của nhân loại. Không phải chỉ là một thứ bảo đảm về thể lý mà còn là một thứ bảo đảm về luân lý nữa.



(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được VIS của Tòa Thánh phổ biến ngày 19/11/2004)
 


TOP

 


 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ