GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 23/5/2005

 

1) ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Ba Ngôi 22/5/2005 về Con Người Hình Ảnh Thiên Chúa Hiệp Thông

2) “Đức Maria: Ân Sủng và Hy Vọng trong Chúa Kitô” - Điểm Hẹn của Công Giáo và Anh Giáo

3) Cuộc Thăm Dò cho thấy Dân Chúng ở Hoa Kỳ tỏ ra chống việc tạo sinh sao bản về bất cứ mục đích nào

 

 

ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Ba Ngôi 22/5/2005 về Con Người Hình Ảnh Thiên Chúa Hiệp Thông

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Hôm nay phụng vụ cử hành lễ trọng Kính Ba Ngôi Chí Thánh để nhấn mạnh rằng trong ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua tâm điểm của vũ trụ và của lịch sử đã được hoàn toàn tỏ hiện: đó là chính Thiên Chúa, Tình Yêu hằng hữu và vô cùng. “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16), đó là lời tóm tắt toàn thể mạc khải. Và tình yêu bao giờ cũng là một mầu nhiệm, một thực tại vượt quá trí khôn nhưng không ngược với trí khôn; trái lại, nó còn thăng hóa khả năng của trí khôn nữa. 

 

Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm về Thiên Chúa. Người, Ngôi Con, đã tỏ chúng ta biết Ngôi Cha là Đấng ở trên trời, và đã ban cho chúng ta Thánh Thần, Tình Yêu của Ngôi Cha và Ngôi Con. Thần học Kitô giáo tóm tắt sự thật về Thiên Chúa bằng câu diễn tả là: một bản thể duy nhất có ba ngôi. Thiên Chúa không đơn độc mà là hiệp thông trọn vẹn. Đó là lý do con người, hình ảnh Thiên Chúa, được nên trọn trong yêu thương là chân thành trao tặng bản thân mình.

 

Chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa bằng việc tham dự một cách cao cả vào Thánh Thể chí thánh, bí tích Mình Máu Chúa Kitô là hiện thực hiến tế cứu chuộc của Người. Bởi thế, hôm nay, lễ Ba Ngôi Chí Thánh, tôi hân hoan gửi lời chào đến thành phần tham dự viên hội nghị Thánh Thể của Giáo Hội Ý được khai mạc từ hôm qua ở Bari. Ở tâm điểm của năm giành kính Thánh Thể này, dân Kitô giáo qui tụ lại quanh Chúa Kitô hiện diện nơi Bí Tích Cựu Thánh là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của mình. Đặc biệt là mỗi giáo xứ được kêu gọi để tái khám phá ra cái vẻ đẹp của Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày mà thành phần môn đệ của Chúa Kitô lập lại nơi Thánh Thể mối hiệp thông với Đấng ban ý nghĩa cho niềm vui và sự kiệt lực của họ mỗi ngày. “Chúng ta không thể sống nếu không có Chúa Nhật””, các Kitô hữu tiên khởi đã tuyên bố như thế, cho dù họ có bị thiệt mạng sống, và đây là những gì ngày nay chúng ta được kêu gọi để lập lại.

 

Với niềm hy vọng sẽ đích thân đến Bari vào Chúa Nhật tới đây để cử hành Thánh Thể, giờ đây tôi xin liên kết bản thân mình một cách thiêng liêng với biến cố quan trọng này của giáo hội. Cùng nhau chúng tax in Trinh Nữ Maria chuyển cầu để những ngày thiết tha nguyện cầu và tôn thờ Chúa Kitô Thánh Thể này sẽ thắp lên nơi Giáo Hội Ý quốc một nhiệt tình mới tin cậy mến.

 

Tôi cũng xin phó thác cho Mẹ Maria tất cả mọi con em, thanh thiếu niên và giới trẻ vào lúc này đây đang Rước Lễ lần đầu hay đang chịu phép thêm sức. Với ý hướng này, giờ đây chúng ta hãy nguyện Kinh Truyền Tin, cùng Mẹ Maria sống lại mầu nhiệm Truyền Tin.

 

 

TOP

 

 

“Đức Maria: Ân Sủng và Hy Vọng trong Chúa Kitô” - Điểm Hẹn của Công Giáo và Anh Giáo

 

Nếu Giáo Hội Công Giáo và Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới đã ký kết với nhau công nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa ở Đức Quốc ngày 31/10/1999, thì Hiệp Thông Anh Giáo và Giáo Hội Công Giáo cũng đang tiến lại gần với nhau qua những cảm thức về Thánh Mẫu Học.

 

Hy vọng trong giáo triều của vị giáo hoàng Biển Đức XVI hiện nay chủ trương đặt ưu tiên hàng đầu việc đại kết Kitô giáo, phong trào đại kết Kitô giáo sẽ đạt được thành quả càng ngày càng tốt đẹp hơn, thậm chí đi đến chỗ hiệp nhất trọn vẹn một cách hữu hình nữa, một biến cố có thể bất ngờ sẽ xẩy ra ngoài sức tưởng tượng của con người, như đã xẩy ra cho Biến Cố Đông Âu cuối năm 1989 trong thời Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. 

 

Thật vậy, Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo và Công Giáo Rôma (ARCIC: Anglican Roman Catholic International Commission), bao gồm 18 thần học gia thuộc 10 quốc gia của cả hai bên, hôm Thứ Hai 16/5/2005, đã phổ biến văn kiện đúc kết 6 năm bàn luận về hình ảnh Đức Maria, với tựa đề “Đức Maria: Ân Sủng và Hy Vọng trong Chúa Kitô”.

 

Bản văn kiện này được phổ biến trong một cuộc cử hành tại vương cung Thánh Đường Công Giáo ở TGP Seattle, với sự hiện diện của cả 2 vị đồng chủ tịch là TGM Công Giáo Alexander Brunett và TGM Anh Giáo Peter Carnley, giáo chủ Úc Châu. Bản văn này còn được gọi là “Bản Tuyên Cáo Seattle” không phải là một bản tuyên ngôn có thẩm quyền hoặc bởi Công giáo hay Anh giáo nhưng có mục đích để đôi bên bàn luận hơn nữa.

 

ĐHY Cormac Murphy-O’Connor, TGM Công Giáo ở Westminster, đã nhận định là bản văn kiện này “là một thành đạt chính yếu trong cuộc đối thoại đang diễn tiến giữa người Công giáo và Anh giáo hoàn vũ. Nó là một thành đạt trong việc gia tăng vấn đề hiểu biết sâu xa nơi chủ trương của mỗi giáo hội”.

 

ĐGM McMahon Công giáo ở Nottingham nói rằng: “Việc hiểu biết của người Anh giáo và Công giáo đã được củng cố rất nhiều bởi cuộc đối thoại này. Những gì chúng ta đã thực hiện đó là dọn đường dẫn đến vấn đề hiệp nhất Kitô giáo”.

 

Ủy ban này đã được bắt đầu từ năm 1970 và đã viết những văn kiện về Thánh Thể, thẩm quyền thừa tác vụ trong Giáo Hội, ơn cứu độ và công chính hóa cùng bản chất của Giáo Hội.

 

Cha Donald Bolen, linh mục Công giáo đồng thư ký của ủy ban này và là trợ tá cho ngành Tây Phương của Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Hiệp Nhất Kitô Giáo, trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit về một số vấn đề chung liên quan tới bản văn kiện chung vừa được phổ biến trên đây.

 

Vấn:    Những ai là tác giả viết lên văn kiện này?

 

Đáp:    Bản văn “Đức Maria: Ân Sủng và Niềm Hy Vọng trong Chúa Kitô”, cũng được gọi là “Bản Văn Seattle”, là tác phẩm của Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo Và Công Giáo Rôma ARCIC, một văn bản là phương tiện chính thức cho việc đối thoại về thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Hiệp Thông Anh Giáo.

 

Cuộc đối thoại này, một cuộc đối thoại trước hết được Đức Phaolô VI và ĐTGM Michael Ramsey ở Canterbury năm 1966 kêu gọi thực hiện, và được thiết lập vào năm 1970. Giai đoạn đầu tiên của hoạt động do ủy ban ARCIC thực hiện (1970-1981) mang lại những bản văn về Thánh Thể, về thừa tác vụ và về hai bản công bố về quyền bính trong Giáo Hội. Giai đoạn thứ hai của ARCIC (1983 tới nay) bao gồm những công bố về ơn cứu độ và đức công chính, về bản tính của Giáo Hội, về những điều luân lý, về thẩm quyền trong Giáo Hội một lần nữa, để rồi giờ đây đến vai trò của Đức Trinh Nữ Maria nơi tín lý và đời sống Giáo Hội. Ủy ban soạn biên văn kiện Thánh Mẫu này gồm có 18 phần tử. ARCIC bắt đầu bàn đến Đức Maria vào cuộc họp năm 1999 của mình, và hoàn tất bản văn vào năm 2004.

 

Những phần tử bên Anh giáo được ĐTGM Canterbury chỉ định sau khi tham vấn với Văn Phòng Hiệp Thông Anh Giáo, trong khi đó các phần tử Công Giáo Rôma được chỉ định bởi Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo. Hai vị đồng chủ tịch là Giám Mục Công Giáo Alexander Brunett ở Seattle và ĐTGM Anh Giáo Peter Carnlety ở Perth, vị cũng là giáo chủ Úc Châu. Văn kiện về Đức Maria đã kết thúc giai đoạn thứ hai của hoạt động ARCIC. Giai đoạn thứ ba của ARCIC sẽ được bắt đầu vào thời điểm của nó.

 

Vấn:    Bản văn này có thẩm quyền tới đâu?

 

Đáp:    “Đức Maria: Ân Sủng và Niềm Hy Vọng trong Chúa Kitô” là công cuộc của ARCIC, và được phổ biến trong thẩm quyền của ủy ban này, như được phép của Văn Phòng Hiệp Thông Anh Giáo và Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo. Nó không phải là một bản tuyên ngôn có thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo hay bởi Hiệp Thông Anh Giáo là những thẩm quyền nghiên cứu và thẩm định bản văn kiện này. Các thẩm quyền chỉ định ủy ban ấy đã cho phép phổ biến bản văn để nó có thể được nghiên cứu và bàn luận.


Vấn:    Tại sao vị trí của Đức Maria trong Giáo Hội lại được chọn làm đề tài để nghiên cứu?

 

Đáp:    Bản Văn Seattle là một bản văn đối thoại song phương quốc tế đầu tiên về chủ đề vai trò của Đức Maria trong Giáo Hội. Đoạn mở đầu của văn kiện này nói rằng ARCIC đã được các vị lãnh đạo Anh Giáo và Công Giáo Rôma yêu cầu sửa soạn một cuộc nghiên cứu về Đức Maria. Cho dù Đức Maria đều có một vị thế quan trọng nơi đời sống và phụng vụ của người Anh giáo lẫn Công Giáo Rôma, hai tín điều Thánh Mẫu và việc tôn sùng Thánh mẫu ở Giáo Hội Công giáo vẫn được coi là những gì phân rẽ Giáo Hội Anh giáo và Công giáo.


Vấn:    Điều gì đã được cả người Anh giáo lẫn Công giáo cùng nhau nói về Đức Maria trước bản văn kiện hiện nay?

 

Đáp:    ARCIC đã nói một cách ngắn gọn về Đức Maria một lần trước đây, trong bản văn năm 1981 về “Thẩm Quyền trong Giáo Hội II”. Đoạn 2 của Bản Văn Seattle đã tóm tắt mức độ quan trọng của việc đồng ý về Đức Maria vào năm 1981, rồi trích dẫn bản văn trước đó về vấn đề liên quan đến những khác biệt vẫn còn đó, những khác biệt được bản văn hiện nay đưa ra giải quyết, đặc biệt chú trọng tới các tín điều Thánh Mẫu: “Các tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm và Mông Triệu đã gây ra một vấn đề trầm trọng đối với những người Anh giáo không coi những định tín của các tín điều này là những gì có đầy đủ chứng cớ trong Thánh Kinh”.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 18-19/5/2005

TOP

Cuộc Thăm Dò cho thấy Dân Chúng ở Hoa Kỳ tỏ ra chống việc tạo sinh sao bản về bất cứ mục đích nào

 

Cuộc thăm dò mới nhất (1000 người Mỹ được phỏng vấn qua điện thoại trong thời khoảng 6-11/5/2005) của Văn Phòng Hoạt Đồng Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã cho thấy một trong những chi tiết cho thấy 2/3 dân chúng Hoa Kỳ (77% trên 15%) tỏ ra chống lại việc cho phép các nghiên cứu gia tạo sinh sao bản các phôi bào con người vì bất cứ mục đích nào, bao gồm cả mục đích cung cấp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn (84% trên 10%).

 

Liên Hiệp Quốc trong tháng 3/2005 đã chấp nhận một bản tuyên ngôn thúc giục các quốc gia hãy cấm tất cả mọi hình thức tạo sinh sao bản con người. Một cuộc cấm toàn diện đã được Hạ Viện Hoa Kỳ chấp thuận hai lần, và được Tổng Thống Bush tán thành, thế nhưng Thượng Viện không tỏ thái độ gì cả.


TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ