GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 25/5/2005

 

1) Do Thái phát hành tem thư để tưởng nhớ Đức Gioan Phaolô II

2) Hội Đồng Chống Nạn Bạo Lực tấn công thành phần lãnh đạo và các cơ quan của Giáo Hội Công Giáo ở Ấn Độ

3) Tòa Thánh với vấn đề nạn khiêu dâm đối với giới trẻ

 

 

Do Thái phát hành tem thư để tưởng nhớ Đức Gioan Phaolô II

Vị Lãnh Sự Do Thái ở Vatican chính thức thông báo việc phát hành tem thư bức hình lịch sử Đức Gioan Phaolô II tại Bức Tường Phía Đông Thành Giêrusalem, nhân dịp mừng sinh nhật 85 tuổi của ngài, 18/5/2005. Tờ L’Osservatore Romano hôm Chúa Nhật 22/5/2005 đã cho biết như thế.

Cũng theo tờ báo bán chính thức này của Tòa Thánh thì Cơ Quan Môi Sinh Do Thái sẽ vận động việc thiết lập một “Công Viên Hội Ngộ Cho Vị Giáo Hoàng của Giới Trẻ” ở Galilê, “nơi liên quan đến Kitô giáo và được Đức Gioan Phaolô mến chuộng, vị trí ấy cũng sẽ xây một sân khấu lộ thiên”.

Sáng kiến này nhắm đến mục đích để “phát triển nơi giới trẻ thuộc về các tôn giáo độc thần khác nhau thứ văn hóa đối thoại để xây dựng một tương lai hòa bình”.
 


TOP


Hội Đồng Chống Nạn Bạo Lực là nạn tấn công thành phần lãnh đạo và các cơ quan của Giáo Hội Công Giáo ở Ấn Độ

Hội đồng này được tổng giáo phận Patna phát động ở tiểu bang Bihar. Lý do chính thiết lập Hinsa Virodhi Manch (diễn đàn chống bạo lực) này đó là việc sát hại vị tổng đại diện của tổng giáo phận này là linh mục Matthew Uzhuthal, 72 tuổi, vị đã chết vào đầu tháng này vì không chịu thấu những vết đâm chém của thành phần tấn công ngài.

Vị tổng đại diện này đã bị đâm vào cổ và vào ngực hôm 1/4/2005 khi ngài không chịu đáp ứng đòi hỏi tống tiền cho Gyan Prakash Das là một tay phạm pháp nổi tiếng ở khu vực Munger. Trong lời khai với cảnh sát, vị linh mục nạn nhân đã cho biết kẻ tấn công chính là Das.

Vị linh mục này đã bị tấn công tại văn phòng ngài ở Mokama. Ngài đã được chữa trị ở Bệnh Viện Nazaret ở tỉnh này cho tới ngày 15/4. Được chuyển đến Bệnh Viện Thánh Gia Kurji ở Patna, ngài đã bị mổ xương sống vào ngày 23/4. Sau đó bệnh trạng của ngài càng ngày càng tệ và ngài đã bị hôn mê hai ngày sau đó, cuối cùng đã qua đi vào ngày 1/5.

Từ khi vị linh mục này qua đời, thành phần lãnh đạo Giáo Hội và thành phần hoạt động cho công lý yêu cầu giam giữ tay sát nhân. Thế nhưng, cha K. M. Joseph, một biện hộ viên ở Tòa Thượng Thẩm Patna và là phần tử của hội đồng mới này, đã nói rằng Giáo Hội “cảm thấy buồn là sau cả hơn một tháng trời xẩy ra vụ tấn công này với cái chết của cha Uzhuthal mà tay thủ phạm vẫn chưa bị cảnh sát giam giữ”.


Thành phần giáo sĩ, nữ tu và giáo dân thuộc hội đồng mới này nói rằng việc sát hại vị linh mục tổng đại diện đã gây chấn động Giáo Hội ở Bihar: “Giờ đây chúng tôi hiệp nhất lại vì công lý, chúng tôi muốn hòa bình làm chủ ở Bihar”. Nữ tu Teresa Kotturan, vị giám tỉnh của Chị Em Bác Ái Nazarét đã nói như thế.


 

TOP


 

Tòa Thánh với vấn đề nạn khiêu dâm đối với giới trẻ

 

Hôm Thứ Năm 19/5/2005, trong một cuộc họp báo ở Rôma, một bản tường trình thứ tư về nạn khiêu dâm ở Ý quốc đã được phổ biến. Bản tường trình này cho biết có 2/3 thanh thiếu niên, tuổi từ 15 đến 18, đã có được những tài liệu về in ấn hay trên mạng điện toán toàn cầu liên quan tới vấn đề truyền thông khiêu dâm. Bản tường trình này còn cảnh giác là con số trẻ em vị thành niên càng ngày càng tăng đang bị khai thác trên những mạng điện toán toàn cầu về truyền thông khiêu dâm.

 

Về vấn đề thương mại nạn truyền thông khiêu dâm này, như loại truyền hình trả tiền, các băng hình và mạng điện toán toàn cầu khiêu dâm là những gì tạo nên số lượng thương mại nhiều nhất ở lãnh vực kỹ nghệ này, cộng với cả những thứ điện thoại truyền hình lưu động đang thông phần vào nạn truyền thông khiêu dâm này.

 

Trước nạn truyền thông khiêu dâm tràn lan như thế, Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Truyền Thông Xã Hội đã phổ biến một văn kiện với tựa đề: “Nạn Truyền Thông Khiêu Dâm và Bạo Lực nơi Vấn Đề Truyền Thông Xã Hội: Một Đáp Ứng Mục Vụ”.

 

Tổ chức thực hiện và phổ biến bản tường trình trên đây là Eurispes, một Giáo Hoàng Học Viện Nghiên Cứu về Chính Trị, Kinh Tế và Xã Hội hoạt động từ năm 1982 nơi lãnh vực huấn luyện và nghiên cứu về chính trị, kinh tế và xã hội.

 

ĐTGM John Foley, chủ tịch của Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Truyền Thông Xã Hội, trong cuộc họp báo tường trình trên đây, đã nhìn nhận những khía cạnh tích cực của một thế giới đang phát triển về các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng cũng công nhận rằng nó thường được sử dụng như một phương tiện để “tạo nên những mẫu thức hành động mới là những gì không phải lúc nào cũng xây dựng phẩm vị con người”.

 

“Hy vọng rằng cuộc nghiên cứu mới nhất này của Eurispes sẽ góp phần vào việc hình thành những người công dân hữu trách chẳng những sống trong một cơ cấu truyền thông pháp lý bảo vệ giới trẻ mà còn hành sử việc tự chế và phán đoán khôn ngoan để có thể làm tiêu ma thị trường của thành phần phổ biến nạn truyền thông khiêu dâm”.

 

Theo vị TGM chủ tịch này thì Eurispes đã “thực hiện một việc đóng góp đáng kể trong việc làm sáng tỏ vấn đề tràn lan đáng lo ngại về một thứ ô nhục như nạn truyền thông khiêu dâm là những gì đáng tiếc lại được coi như lợi ích. Trong bối cảnh ấy thì thành phần bị tổn thương nhất là trẻ em và giới trẻ, thành phần đã bỏ ra nhiều giờ trước màn ảnh truyền hình và lục lội các mạng điện toán toàn cầu”.

 

Bởi thế, vị TGM này nhận định cần phải có “một phương pháp giáo dục thực sự về vấn đề này nơi gia đình, nơi học đường cũng như nơi xã hội, kêu gọi trách nhiệm cá nhân của thành phần chuyên môn hoạt động ở lãnh vực truyền thông, bằng cách thiết lập những khoản luật đặc biệt về đạo lý được tác động bởi việc tôn trọng nhân phẩm, công ích và hướng về việc phát triển con người”.

 

Vì “nạn truyền thông khiêu dâm làm bại hoại những liên hệ về con người; nó phát xuất từ việc khai thác con người, tạo nên những thái độ phản xã hội, làm tiêu ma cảm quan luân lý và không thể dẫn đến những liên hệ trưởng thành vì nó theo chiều hướng cái tôi và tạo nên một thứ lệ thuộc thực sự”.

 

Theo ngài, chúng ta được kêu gọi để phản ứng “trước một thứ đe đọa như thế đối với việc hình thành lkạnh mạnh con người”. Tuy nhiên, “thái độ của chúng ta không được là một thái độ kiểm soát và lên án mà thôi”, trái lại, chúng ta phải “đáp ứng vấn đề này bằng việc thiết lập một cuộc đối thoại liên tục với thế giới truyền thông, với những ngành kỹ nghệ điện ảnh liên quan tới vấn đề phổ biến các thứ thái độ và các thứ thời trang, với các thẩm quyền quốc gia, nhất là với quần chúng, nhờ đó nó có thể được sáng suốt nhận định và chọn lựa”.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ