GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 26/5/2005

NĂM THÁNH THỂ

 

1) ĐTC Biển Đức XVI với hàng giáo sĩ Rôma: Bài Huấn Từ về Ơn Gọi và Tinh Thần Linh Mục

2) ĐTC Biển Đức XVI Ứng Đáp những vấn nạn và quan tâm của hàng giáo sĩ giáo phận Rôma

3) ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý 135 về Giờ Kinh Phụng Vụ - Thánh Vịnh 115 (116) Thiên Chúa luôn gần gũi chúng ta

 

 

ĐTC Biển Đức XVI với hàng giáo sĩ Rôma: Bài Huấn Từ về Ơn Gọi và Tinh Thần Linh Mục


Sau đây là nguyên văn huấn từ ĐTC Biển Đức ngỏ cùng hàng giáo sĩ giáo phận Rôma tại Đền Thờ Latêranô ngày Thứ Sáu 13/5/2005. Tuy nhiên, ở đây, người dịch chỉ dịch những phần chính yếu liên quan đến thiên chức và thừa tác vụ linh mục mà thôi, không dịch phần chào chúc mở và kết của ngài.

 

Cũng xin lưu ý là trong cuộc gặp gỡ hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Rôma đây, ngài nói hai bài, bài thứ nhất được dọn trước, và bài thứ hai là bài nói buông sau khi đã lắng nghe các phát biểu của hàng giáo sĩ này. Trong bài nói buông của ngài cũng thế, người dịch sẽ trích lại hầu hết, trừ mấy đoạn ngắn mà thôi.

.......

 

Quí linh mục thân mến, tính chất đời sống của anh em cũng như việc mục vụ của an hem cho thấy rằng ở Giáo Phận đây, cũng như ở nhiều giáo phận khác trên thế giới, giờ đây chúng ta đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng về căn tính là giai đoạn làm điên đảo rất nhiều linh mục. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn còn những căn nguyên gây ra “tình trạng hoang vắng thiêng liêng” đang hành khổ nhân loại trong thời đại của chúng ta đây, do đó cũng làm suy yếu Giáo Hội ở giữa loài người. Làm sao chúng ta lại không sợ rằng những căn nguyên ấy cũng có thể trở thành mối nguy cơ cho đời sống linh mục chứ?

 

Bởi thế, không thể nào không trở về một cách mới mẻ hơn bao giờ hết với căn gốc vững chắc của vai trò làm linh mục của chúng ta. Căn gốc này, như chúng ta quá rõ, là một căn gốc duy nhất, đó là Đức Giêsu Kitô Chúa của chúng ta. Chính Người là Đấng được Cha sai đến, Người là tảng đá góc tường (x 1Pt 2:7). Nhờ Người, nhờ mầu nhiệm tử giá và Phục Sinh của mình, Vương Quốc của Thiên Chúa được thiết lập và ơn cứu độ của loại người được thực hiện.

 

Tuy nhiên, Chúa Giêsu này không có gì là của mình hết; mọi sự ngài có đều từ Cha và cho Cha. Bởi thế mà Người đã nói rằng giáo huấn của Người không phải của Người mà là những gì từ Đấng đã sai Người (x Jn 7:16): tức là Người, Ngôi Con, không thể tự mình làm gì hết (x Jn 5:19,30).

 

Quí bạn thân mến, đó cũng là bản chất thực sự về thiên chức linh mục của chúng ta. Thật vậy, tất cả những gì làm nên thừa tác vụ linh mục của chúng ta không thể là sản phẩm bởi khả năng riêng của chúng ta. Điều này đúng chẳng những đối với việc ban phát các Bí Tích, mà còn với việc phục vụ Lời Chúa nữa, ở chỗ, chúng ta không được sai đi để loan báo về mình hay về những ý nghĩ riêng tư của mình, mà là mầu nhiệm Chúa Kitô, và trong Người, cả tầm vóc nhân bản đích thực nữa. Chúng ta không được ủy thác cho trách nhiệm phát ngôn nhiều lời mà là làm vang vọng và chuyên chở sứ điệp về một “lời” duy nhất, đó là Lời Chúa đã hóa thành nhục thể vì phần rỗi của chúng ta. Đó là lý do mà những lời sau đây của Chúa Giêsu cũng được áp dụng cho cả chúng ta nữa: “Giáo huấn của tôi không phải là của tôi mà từ Đấng đã sai tôi” (Jn 7:16).

 

Quí linh mục Rôma thân mến, Chúa Kitô đã gọi chúng ta là bạn hữu, Người đã làm cho chúng ta thành bạn hữu của Người, Người ký thác bản thân Người cho chúng ta, Người trao phó cho chúng ta Thân Mình của Người nơi Thánh Thể, Người ủy thác cho chúng ta Giáo Hội của Người. Bởi thế mà chúng ta cần phải trở thành những người bạn thực sự của Người, chúng ta cần phải có cùng một quan điểm như Người, chúng ta cần phải muốn những gì Người muốn và không muốn những gì Người không muốn. Chính Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng: “Các con là bạn hữu của Thày nếu các con thi hành những gì Thày truyền dạy các con” (Jn 15:14). Vậy chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm như thế này, đó là tất cả chúng ta cùng nhau thực hiện ý muốn thánh hảo của Người là những gì bao gồm tự do và niềm vui của chúng ta.

 

Vì thiên chức linh mục được bắt nguồn nơi Chúa Kitô mà theo bản chất của mình thiên chức này là thiên chức trong Giáo Hội và cho Giáo Hội. Thật vậy, đức tin Kitô giáo không phải là một cái gì đó thuần thiêng liêng hay nội tại, cũng không phải là chính mối liên hệ của chúng ta với Chúa Kitô hoàn toàn chủ quan và riêng tư.

 

Trái lại, nó là một mối liên hệ hoàn toàn cụ thể và có tính cách giáo hội. Có những lúc, vai trò linh mục thừa tác có một mối liên hệ nội tại với Thân Mình của Chúa Kitô là Thánh Thể và là Giáo Hội, là thân mình Thánh Thể và thân mình Giáo Hội, theo những chiều kích lưỡng đôi bất khả phân ly.

 

Bởi thế mà thừa tác vụ của chúng ta là “sứ vụ yêu thương – amoris officium” (St. Augustine, "In Iohannis Evangelium Tractatus" 123, 5), nó là sứ vụ của Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng hiến mạng sống mình cho chiên (x Jn 10:14-15). Trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Kitô hằng ban mình, và chính nơi Thánh Thể chúng ta biết được tình yêu của Chúa Kitô, nhờ đó, biết yêu mến Giáo Hội.

 

Do đó, tôi muốn lập lại cùng quí huynh trong hàng giáo sĩ thân mến những lời không thể quên được của Đức Gioan Phaolô II: “Thánh Lễ là tâm điểm trên hết của đời sống tôi và của mỗi ngày tôi sống” (Address at a Symposium in honor of the 30th anniversary of the Decree "Presbyterorum Ordinis," Oct. 27, 1995, n. 4; L'Osservatore Romano English edition, Nov. 15, 1995, p. 7). Mỗi một người trong chúng ta làm sao để có thể nói những lời ấy như là những lời của mình: Thánh Lễ là tâm điểm trên hết của đời sống tôi và của mỗi ngày tôi sống.

 

Cũng thế, việc vâng lời Chúa Kitô, Đấng đã bù đắp việc bất tuân phục của Adong, trên thực tế được thể hiện qua việc tuân phục Giáo Hội, một thái độ đối với cuộc sống hằng ngày của linh mục, trước hết và trên hết, đó là tuân phục vị Giám Mục của mình. Tuy nhiên, trong Giáo Hội, đức tuân phục không phải là một điều gì đó theo hình thức; nó là đức tuân phục cho vị tuân phục và là hiện thân của Chúa Kitô tuân phục. Tất cả những điều này chẳng những không làm suy yếu đi những đòi hỏi của đức tuân phục mà còn bảo đảm tính cách sâu xa về thần học và chiều hướng Công giáo của nó: nơi vị Giám Mục, chúng ta tuân phục Chúa Kitô và toàn thể Giáo Hội mà ngài là hiện thân với vai trò của mình.

 

Chúa Giêsu Kitô đã được Cha sai đến bởi quyền phép Chúa Thánh Thần vì phần rỗi của toàn thể gia đình nhân loại, và thành phần linh mục chúng ta, nhờ ơn bí tích, được thông phần vào sứ vụ của Người. Như Thánh Tông Đồ Phaolô viết: “Thiên Chúa… đã ban cho chúng ta thừa tác vụ hòa giải… Điều này làm cho chúng ta trở thành những vị khâm sứ cho Chúa Kitô, Thiên Chúa thực sự được kêu gọi qua chúng ta. Chúng tôi nài xin an hem, nhân danh Chúa Kitô: hãy làm hòa cùng Thiên Chúa (2 Cor 5:18-29). Đó là cách thức Thánh Phaolô diễn tả sứ vụ làm linh mục của chúng ta.

 

Đó là lý do, trong bài giảng trước mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng, tôi đã nói về “nỗi khắc khoải thánh đức” là những gì cần phải tác động chúng ta, về mối quan tâm muốn mang lại cho hết mọi người tặng ân đức tin, cống hiến cho hết mọi người ơn cứu độ là những gì duy nhất tồn tại đến muôn đời. Và ở một thành phố lớn như thành phố Rôma đây, một đàng rất sâu xa đức tin nhưng lại là nơi rất nhiều người sống như chưa thật sự lĩnh hội được việc loan báo đức tin, chúng ta đặc biệt được thúc đẩy bởi mối quan tâm khôn nguôi này trong việc mang lại niềm vui này, tâm điểm của đời sống này, những gì mang lại ý nghĩa và hướng đi.

 

Quí linh mục Rôma thân mến, Chúa Kitô Phục Sinh đang kêu gọi chúng ta hãy trở thành chứng nhân của Người và ban cho chúng ta sức mạnh Thần Linh của Người để chúng ta có thể thực sự trở thành như thế. Thế nên cần phải ở với Người (x Mk 3:14; Acts 1:21-23) trong cả cuộc sống. Như trong lời diễn tả đầu tiên về “sứ vụ tông đồ – munis apostolicum” ở Phúc Âm Thánh Marcô đoạn 3, một trình thuật nói về những gì Chúa Kitô nghĩ về ý nghĩa của một vị tông đồ, đó là ở với Người và sẵn sàng thi hành sứ vụ. Hai điều này đi đôi với nhau và chỉ ở với Người chúng ta cũng và luôn cùng Phúc Âm tiến đến với những người khác mà thôi.

 

Như thế, rất cần phải ở với Người, có thế, nỗi khắc khoải ấy mới thấm nhập chúng ta và mới làm cho chúng ta có thể mang quyền lực và niềm vui của đức tin đến cho những người khác bằng cả cuộc sống của chúng ta chứ không phải chỉ bằng mấy lời nói suông.

 

Những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô có thể được áp dụng vào chúng ta: “Nhưng việc rao giảng Phúc Âm không phải là vấn đề huyênh hoang; tôi cảm thấy bị thúc bách làm việc này không còn chọn lựa nào khác. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm… Tôi biến mình trở thành tất cả mọi sự cho mọi người để cứu độ tối thiểu một số trong họ” (1Cor 9:16-22).

 

Những lời diễn tả chân dung của vị Tông Đồ ấy cũng diễn tả chân dung của mỗi vị linh mục. Biến mình trở nên “tất cả mọi sự cho tất cả mọi người” là những gì được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, chú trọng đến mọi người và mọi gia đình: về vấn đề này thì anh em linh mục Rôma có cả một đại truyền thống, và tôi nói như thế với tất cả niềm xác tín sâu xa của mình, và an hem cũng đang tôn vinh truyền thống này vào lúc thành phố đây đang lan rộng rất nhiều và đang thay đổi sâu xa. Như an hem quá rõ, việc gần gũi và chú trọng đến hết mọi người cần phải luôn được thể hiện nhân Danh Chúa Kitô và liên lỉ nỗ lực để dẫn dân chúng về với Người.

 

Dĩ nhiên, đối với chúng ta, việc gắn bó và hiến thân này mỗi một người trong anh em phải trả giá riêng. Cái giá phải trả này bao gồm nào là giờ giấc, lo toan, tiêu hao sinh lực. Tôi biết các nỗ lực hằng ngày của anh em và xin thay Chúa cám ơn anh em. Thế nhưng, tôi cũng muốn giúp anh em bao nhiêu có thể để anh em không đứt gánh giữa đường.

 

Thật vậy, để có thể mang vác, thậm chí có thể tăng trưởng, với tư cách là một con người và là một linh mục, trước hết cần phải sống hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng được dinh dưỡng bằng ý muốn của Chúa Cha (x Jn 4:34): tất cả những gì chúng ta làm đều được thực hiện trong mối hiệp thông với Người, nhờ đó, chúng ta luôn tái nhận thức được mối hiệp nhất của cuộc sống chúng ta nơi nhiều phương diện trong các mối quan tâm hằng ngày của mình.

 

Chúng ta cũng học được từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến để làm theo ý muốn của Cha, nghệ thuật khổ chế của linh mục là những gì ngày nay cần thiết: nó không được thực hiện như là một gánh nặng chồng chất thêm vào các hoạt động mục vụ khiến cho ngày sống của chúng ta càng trở nên  khó khăn hơn. Trái lại, chúng ta cần phải biết cách thắng vượt bản thân mình, biết cách ban tặng và biết cách cống hiến đời sống của mình.

 

Thế nhưng, nếu tất cả những điều này thực sự xẩy ra nơi chúng ta, nhờ đó chính hành động của chúng ta thực sự trở thành việc khổ chế của chúng ta và là việc tự hiến của chúng ta, có thế tất cả những điều ấy không phải chỉ là một điều ước muốn suông, thì chắc chắn chúng ta cần đến những giây phút để lấy lại nghị lực của mình, bao gồm cả nghị lực về thể lý, nhất là để cầu nguyện và suy niệm, trở về với con người nội tâm của chúng ta và tìm Chúa trong chúng ta.

 

Như thế, vấn đề bỏ giờ ra sống trước nhan Chúa bằng việc nguyện cầu là một ưu tiên mục vụ thực sự; nó không phải là một thứ thêm thắt vào hoạt động mục vụ: ở trước nhan Chúa là một ưu tiên mục vụ và phải nói là một ưu tiên quan trọng nhất. Đức Gioan Phaolô II đã cho chúng ta thấy điều này một cách cụ thể và rạng ngời nhất qua tất cả mọi hoàn cảnh sống và thi hành thừa tác vụ của ngài.

 

Quí linh mục thân mến, chúng ta không bao giờ có thể nhấn mạnh cho đủ tính cách sâu xa và quan trọng của việc bản thân chúng ta đáp ứng với ơn gọi nên thánh. Nó không những là một điều kiện để việc tông đồ riêng của chúng ta sinh hoa kết trái mà, nói một cách tổng quan hơn, còn để cho dung nhan của Giáo Hội phản quang ánh sáng của Chúa Kitô nữa (x Ánh Sáng Muôn Dân, 1), nhờ đó lôi kéo dân chúng nhìn nhận và tôn thờ Chúa Kitô.

 

Trước hết chúng ta cần phải chấp nhận lời kêu nài của Thánh Phaolô là chúng ta hãy tự làm hòa với Thiên Chúa (x 2Cor 5:20), thành tâm và mạnh mẽ cương quyết xin Chúa hãy cất đi khỏi chúng ta tất cả những gì làm phân rẽ chúng ta với Chúa và phản lại sứ vụ chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta tin Chúa là tình thương và sẽ đáp ứng lời nguyện cầu của chúng ta.

 

Thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma của tôi theo sau thừa tác vụ các vị Tiền Nhiệm của tôi đã thực hiện. Tôi đặc biệt tiếp nhận gia sản quí báu được Đức Gioan Phaolô II để lại: hỡi quí linh mục và phó tế, chúng ta hãy an tâm và tin tưởng tiến bước trên con đường này.

…………

Quí linh mục và phó tế thân mến, đó là một số tâm tưởng tôi muốn anh em lưu ý. Trước khi an hem đặt vấn đề và chia sẻ, tôi còn một tin rất vui muốn loan báo nữa. Hôm nay chúng ta đã nhận được một bản thông báo. Bản thông báo này được viết bởi ĐHY Saraiva Martins, tổng trưởng Thánh Bộ Điều Tra Phong Thánh, cùng với ĐTGM Nowak, thư ký của Thánh Bộ này.

 

(Sau đó ĐTC đã đọc bản Latinh về việc tôn phong cho cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nguyên văn thế này:)

Instante Em.mo ac Rev.mo Domino D. Camillo S.R.E. Cardinali Ruini, Vicario Generali Suae Sanctitatis pro Dioecesi Romana, Summus Pontifex BENEDICTUS XVI, attentis peculiaribus expositis adiunctis, in audentia eidem Cardinali Vicario Generali die 28 mensis Aprilis huius anni 2005 concessa, dispensavit a tempore quinque annorum exspectationis post mortem Servi Dei Ioannis Pauli II (Caroli Wojtyla), Summi Pontificis, ita ut causa Beatificationis et Canonizationis eiusdem Servi Dei statim incipi posset. Contrariis non obstantibus quibuslibet.

Datum Romae, ex aedibus huius Congregationis de Causis Sanctorum, die 9 mensis Maii A.D. 2005.

Iosephus Card. Saraiva Martins
Praefectus
Eduardus Nowak
Archiepiscopus tit. Lunensis a Secretis

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 20/5/2005

 

TOP

 

 

ĐTC Biển Đức XVI Ứng Đáp những vấn nạn và quan tâm của hàng giáo sĩ giáo phận Rôma

………..

Để kết thúc, tôi chỉ có thể lên tiếng “cám ơn” về những đóng góp dồi dào và sâu xa này, những đóng góp của một hàng giáo sĩ hiển nhiên đầy nhiệt tâm, đầy tình yêu đối với Chúa Kitô cũng như đối với đàn chiên được trao phó cho chúng ta, và đầy tình yêu đối với thành phần nghèo khổ. Chẳng những của thành Rôma, mà thực sự là của Giáo Hội hoàn vũ, của tất cả mọi anh chị em chúng ta. Tôi cũng xin cám ơn anh em về lòng cảm mến anh em bày tỏ đối với tôi; nó giúp tôi nhiều lắm.

Giờ đây, tôi không cảm thấy cần phải đi vào chi tiết liên quan tới những gì đã được anh em bày tỏ. Điều này cần phải được tiếp tục bằng một cuộc bàn luận thực sự, và tôi hy vọng rằng sẽ có một cuộc bàn luận cụ thể theo kiểu vấn đáp.
………..

Tôi chỉ muốn đề cập tới ba hay bốn điểm tôi còn nhớ được. Anh em đã nói về mối liên kết giữa “Rôma” và “hoàn vũ”. Đối với tôi, đây dường như là một điểm rất quan trọng.

…………

Thế nhưng tôi muốn một lần nữa nói về mối liên kết Rôma và hoàn vũ. Một trong những người an hem của chúng ta đã nói về trách nhiệm của chúng ta đối với Phi Châu. Chúng ta đã thấy được rằng ở Rôma đây có sự hiện diện của Phi Châu, của Ấn Độ, của hoàn vũ. Và sự hiện diện này của anh chị em chúng ta buộc chúng ta chẳng những nghĩ về mình, mà còn thực sự cảm thấy trong thời điểm lịch sử này đây, trong tất cả mọi trường hợp chúng ta quen thuộc, sự hiện diện của các Châu Lục khác.

Đồi với tôi, vào lúc này đây, chúng ta có một trách nhiệm đặc biệt đối với Phi Châu, đối với Châu Mỹ Latinh và đối với Á Châu, nơi mà Kitô giáo, ngoại trừ ở Phi Luật Tân, vẫn còn là một cực đại thiểu số, ngay cả ở Ấn Độ là nơi đang phát triển và cho thấy sinh lực mai hậu. Bởi thế chúng ta cũng nghĩ cả đến trách nhiệm này nữa.

Phi Châu là một đại lục có một khả năng lớn lao và tinh thần rất quảng đại của dân chúng, kèm theo một đức tin sâu xa sống động. Thế nhưng chúng ta phải công nhận rằng Âu Châu đã xuất cảng chẳng những niềm tin tưởng vào Chúa Kitô mà còn xuất cảng tất cả những gì là trụy lạc của Châu Lục Cổ này nữa.

Nó xuất cảng cảm quan băng hoại, nó xuất cảng bạo lực là những gì hiện nay đang tàn phá Phi Châu. Và chúng ta cần phải nhìn nhận trách nhiệm của chúng ta để việc xuất cảng đức tin, một giải đáp cho niềm hy vọng sâu xa của mọi người, mãnh liệt hơn là việc xuất cảng những thứ đồi trụy của Âu Châu. Tôi cảm thấy đây là một trách nhiệm lớn lao.

Việc buôn bán các thứ vũ khí vẫn còn tồn tại, cùng với việc khai thác những sản vật của trái đất này. Kitô hữu chúng ta cần phải nhiều hơn nữa về khía cạnh này để đức tin được thể hiện, và nhờ đức tin mới có sức mạnh để chống lại với những thứ đồi trụy này mà xây dựng một Phi Châu Kitô giáo, trở thành một Phị Châu hạnh phúc, một đại Châu Lục của một tân nhân bản chủ nghĩa.

Thế rồi vấn đề được nói đến về nhu cầu, một đàng liên quan tới việc loan báo, việc nói lên, đàng khác, lại liên quan đến cả việc cần cần phải lắng nghe nữa. Đối với tôi thì vấn đề này dường như là một vấn đề quan trọng theo cả hai chiều.

Thành phần linh mục, phó tế, giáo lý viên và Tu sĩ, một đàng, cần phải loan báo, phải trở thành những chứng nhân. Thế nhưng, cũng chính vì thế mà họ cũng cần phải lắng nghe theo ý nghĩa lưỡng diện: thứ nhất, đó là việc họ mở lòng mình ra trước Chúa Kitô, chuyên chú lắng nghe Lời Người để nhờ đó nó được đồng hóa, biến đổi và làm thành bản ngã của mình; thứ hai, đó là việc lắng nghe nhân loại của ngày hôm nay đây, lắng nghe tha nhân của chúng ta, những người thuộc giáo xứ của mình, những người tôi đã được trao cho một trách nhiệm nào đó.

Bình thường khi lắng nghe thế giới của ngày hôm nay đây, một thế giới hiện hữu ở cả nơi chúng ta, chúng ta lắng nghe thấy được tất cả mọi thứ rắc rối, tất cả những khó khăn ngược nghịch với đức tin. Và chúng ta phải làm sao để có thể nghiêm chỉnh suy nghĩ về những vấn đề ấy.

Trong Bức Thứ Thứ Nhất của mình, Thánh Phêrô, vị Giám Mục Rôma đầu tiên, đã nói rằng Kitô hữu chúng ta cần phải sẵn sàng giải thích về đức tin của mình. Điều này có nghĩa là chính chúng ta đã hiểu được lý do chúng ta tin tưởng, chúng ta đã thực sự “tiêu hóa”, thậm chí về cả phương diện lý lẽ, bằng tâm can, bằng đức khôn ngoan của cõi lòng, thứ lời có thể thực sự trở thành câu giải đáp cho kẻ khác.

Ở Bức Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, theo bản Hy Lạp, bằng việc khéo sử dụng ngôn từ, bức thư này có chữ “apologia” là câu giải đáp cho “logos”, tức về lý do nơi niềm tin của chúng ta. Bởi thế mà “logos”, ly do tin tưởng, lời đức tin, phải trở thành giải đáp đức tin. Và chúng quá quá biết rằng ngôn ngữ đức tin thường rất xa cách với con người nam nữ ngày nay; nó có thể mang họ lại gần chỉ khi nào nó trở thành nơi chúng ta thứ ngôn ngữ tân thời của chúng ta. Chúng ta là con người hiện đại, chúng ta đang sống trong thế giới này, bằng những tâm tưởng ấy, với những cảm xúc này. Nếu ngôn ngữ đức tin được biến đổi trong mình thì người ta có thể tìm thấy câu giải đáp.

Bình thường tôi ý thức cũng như tất cả chúng ta đều biết được rằng nhiều người không thể nào đồng nhất ngay bản thân mình, không thể nào hiểu biết, không thể nào đồng hóa với tất cả những gì Giáo Hội truyền dạy. Đối với tôi, vấn đề quan trọng trước hết đó là khơi dậy ý hướng muốn tin tưởng vào Giáo Hội, cho dù theo cá nhân người ta chưa đồng hóa được với nhiều vấn đề đặc biệt nào đó. Cấn phải làm sao có ý muốn tin tưởng nơi Giáo Hội, tin tưởng rằng Giáo Hội này, một cộng đồng chẳng những của 2000 năm dân Chúa lữ hành mà còn là một cộng đồng bao gồm cả trời đất, một cộng đồng bao gồm tất cả mọi con người công chính thuộc mọi thời đại, là Giáo Hội được Thánh Linh sinh động đang thực sự hành sử theo “chiều hướng” Thần Linh bởi thế thực sự là chủ thể của đức tin.

Bởi thế mà cá nhân được ghép vào chủ thể này, gắn bó với chủ thể ấy, nhờ đó, cho dù họ vẫn chưa được hoàn toàn thấm nhập bởi chủ thể này, con người ấy vẫn tin tưởng và thông công với đức tin của Giáo Hội, mới tin tưởng như Giáo Hội. Đối với tôi, điều này là một cuộc hành trình suốt cả cuộc đời của chúng ta, đó là làm cho tư tưởng, cảm tình, toàn thể đời sống của chúng ta đạt đến mối hiệp thông đức tin ấy. Chúng ta có thể cống hiến mối hiệp thông đức tin này cho mọi người, để từ từ người ta có thể nhận ra, nhất là có thể tiếp tục tin tưởng vào đức tin của Giáo Hội, tham dự cuộc hành trình đức tin này, để nhận được ánh sáng đức tin.

Để đúc kết, một lần nữa tôi xin gửi lời “cám ơn” đến anh em đã đóng góp nơi đây về vấn đề Chúa Kitô là tâm điểm, một điều kiện để đức tin của chúng ta được luôn nuôi dưỡng bằng việc gặp gỡ riêng với Chúa Kitô, nơi tình tư hữu với Chúa Giêsu.

Bảy mươi năm trước đây Romano Guardini đã nói đúng rằng yếu tính của Kitô giáo không phải là một ý tưởng mà là một Con Người. Các đại thần học gia đã cố gắng diễn tả những ý tưởng thiết yếu làm nên Kitô giáo như thế. Thế nhưng, cuối cùng thì Kitô giáo được họ kiến tạo không phải là một Kitô giáo thu phục lòng người, vì trước hết Kitô giáo là một Biến Cố, là một Con Người. Bởi thế, nơi Con Người này chúng ta khám phá ra cái phong phú dồi dào của những gì được chất chứa. Đó là vấn đề quan trọng.

Ở đây tôi nghĩ rằng chúng ta cũng phải tìm câu trả lời cho một thứ khó khăn ngày nay thường được nói tới liên quan đến bản chất truyền giáo của Giáo Hội. Nhiều người có xu hướng nghĩ rằng đó là đường lối có liên quan đến kẻ khác: “Vậy tại sao chúng ta lại không để họ yên? Họ có tính cách chân chính của họ, có chân lý của họ. Thôi chúng ta hãy chung sống với nhau trong hòa đồng, để mặc mọi người cho họ tìm kiếm cái chân thực của mình theo cách thức nào hay nhất”.

Thế nhưng, cái chân thực cá nhân của người ta có thể được khám phá ra ra sao, nếu trong thực tế, trong nội tâm của lòng mình, họ vẫn mong mỏi Chúa Giêsu, và cái chân chính đích thực của mỗi người thực sự được tìm thấy nơi mối hiệp thông với Chúa Kitô chứ không thể nào ngoài Chúa Kitô? Nói cách khác, nếu chúng ta thấy Chúa và nếu Người là ánh sáng và là niềm vui của đời sống chúng ta, thì chúng ta có chắc rằng đối với người nào đó chưa thấy Chúa Kitô họ sẽ không thiếu cái gì đó thiết yếu chăng, và đó là nhiệm vụ của chúng ta trong việc cống hiến cho họ thực tại thiết yếu này?

Vậy chúng ta hãy để những gì sẽ toát ra cho việc hướng dẫn của Thánh Thần cũng như cho tự do của mỗi người. Thế nhưng nếu chúng ta tin tưởng và cảm nghiệm được sự kiện là nếu không có Chúa Kitô thì đời sống không trọn vẹn, đang thiếu mất thực tại, một thực tại trọng yếu, chúng ta cũng cần phải xác tín rằng chúng ta thực sự không làm hại ai khi chúng ta tỏ ra cho họ biết Chúa Kitô và chúng ta qua đường lối này cống hiến cho họ cơ hội để khám phá ra tính cách chân chính thực sự, niềm vui khám phá được đời sống.

……….
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 20/5/2005

 

TOP


 

ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý 135 về Giờ Kinh Phụng Vụ - Thánh Vịnh 115 (116) Thiên Chúa luôn gần gũi chúng ta

Thứ Tư 25/5/2005, trước 27 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô, như thường lệ cho buổi triều kiến chung hằng tuần, ĐTC Biển Đức XVI lại tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Giờ Kinh Phụng Vụ đã được ĐTC GPII soạn dọn. Bài giáo lý lần này là bài thứ 135 về Thánh Vịnh 115 (116) cho Giờ Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Lễ Thứ Hai (trong 4 tuần Phụng Vụ Kinh Thần Vụ).

1.     Bài Thánh Vịnh 115 (116) chúng ta vừa cầu nguyện, luôn được sử dụng theo truyền thống Kitô giáo, bắt đầu từ Thánh Phaolô, vị trích dẫn lời mở đầu, theo bản dịch 70 của Hy Lạp, đã viết cho Kitô hữu Côrintô là: “Bởi thế, vì chúng ta có cùng một tinh thần đức tin, theo những gì đã được viết, ‘tôi tin nên tôi mới nói’, chúng tôi cũng thế, chúng tôi tin nên chúng tôi mới nói” (2Cor 4:13).

Vị Tông Đồ này về tinh thần hợp với Thánh Vịnh gia, trong việc an tâm tin tưởng và thành tâm chứng thực, bất chấp những khổ đau và yếu hèn của con người. Viết cho Kitô hữu thành Rôma, Thánh Phaolô lấy câu 2 của bài Thánh Vịnh này để nói lên cái tương phản giữa việc Thiên Chúa trung thành và việc con người bất nhất: “Thiên Chúa phải là Đấng chân thực cho dù mọi người đều giả trá” (Rm 3:4).

Truyền thống sau đó đã biến bài ca này thành một cử hành mừng tử đạo (see Origen, "Exhortation to Martyrdom," 18: "Testi di Spiritualità," Milan, 1985, pp. 127-129), vì lời khẳng định “cái chết của những vị thánh nhân của Ngài là những gì cao quí” (Ps 115[116]:15), hay nó được thành văn từ Thánh Thể vì đề cập đến “chén cứu độ” được Thánh Vịnh gia dâng lên để kêu cầu danh Chúa (câu 13). Truyền thống Kitô giáo đồng hóa “chén cứu độ” này với “chén chúc tụng” (x 1Cor 10:16), “chén Tân Ước” (x 1Cor 11:25; Lk 22:20): những diễn tả được Tân Ước đặc biệt qui về Thánh Thể.

2.     Theo nguyên ngữ Do Thái thì bài Thánh Vịnh 115 (116) tạo nên một bài duy nhất được dẫn mở bằng bài Thánh Vịnh 114 (115). Cả hai bài này là một lời tạ ơn duy nhất dâng lên Chúa là Đấng giải thoát khỏi cơn ác mộng chết chóc.

Trong bài Thánh Vịnh của chúng ta đây chất chứa một hồi niệm về một quá khứ khổ sầu: Thánh Vịnh gia đã giơ cao ngọn lửa đức tin, ngay cả lúc trên môi miệng của ông thoát ra những lời đắng cay thất vọng và vô phúc (câu 10). Thật vậy, chung quanh ông là một bức màn đông lạnh hận thù và dối gian hiện lên, vì đồng bạn của ông đã cho ông thấy rằng ông sai lầm và bất trung (câu 11). Tuy nhiên, giờ đây, lời cầu nguyện đã được biến thành niềm tri ân vì Chúa đã giải thoát kẻ trung thành của Ngài khỏi cơn lốc tối tăm lầm lạc (câu 12).

Bởi thế, Thánh Vịnh gia sửa soạn để dâng một hiến tế tạ ơn, trong đó chén của nghi thức sẽ được uống, chén của rượu hiến thánh, dấu hiệu của việc nhìn nhận về một cuộc giải phóng (câu 13). Do đó, phụng vụ là nơi đặc biệt để dâng lời chúc tụng tạ ơn lên Vị Thiên Chúa Cứu Tinh.

3.     Thật vậy, ngoài nghi thức hy hiến, hoàn toàn liên quan tới cộng đoàn của “tất cả mọi dân tộc” là thành phần được Thánh Vịnh gia hứa quyết và làm chứng cho đức tin của ông (câu 14). Chính trong trường hợp này ông đã ngỏ lời cảm tạ quần chúng, ý thức rằng, ngay cả khi tử thần bất thình lình xuất hiện, Chúa cũng ưu ái cúi xuống trên ông. Thiên Chúa không dửng dưng lạnh lùng trước thảm kịch của tạo sinh, nhưng bẻ gẫy xiềng xích cho ông (câu 16).
Được cứu khỏi tay tử thần, Thánh Vịnh gia cảm thấy mình là “tôi tớ” của Chúa, là “con của nữ tỳ Ngài” (ibid), một diễn tả tuyệt vời của Đông phương về người được sinh ra từ nhà của ông chủ. Thánh Vịnh gia tuyên xưng một cách khiêm cung và hân hoan việc ông thuộc về nhà của Thiên Chúa, về gia đình tạo vật được liên kết với Ngài trong mến yêu và trung thành.


4.     Bao giờ cũng bằng những lời lẽ của một con người đang cầu nguyện, Bài Thánh Vịnh đã kết thúc bằng việc thực hiện một lần nữa nghi thức tạ ơn là những gì sẽ được cử hành trong khung cảnh đền thờ (câu 17-19). Nhờ đó lời cầu nguyện của ông sẽ được đặt ở giữa cộng đồng. Câu truyện tư riêng của ông được kể ra để nó có thể trở thành kích tố cho tất cả mọi người tin tưởng và mến yêu Chúa. Bởi thế, ở bối cảnh, chúng ta thấy toàn thể dân Chúa trong khi họ tạ ơn Vị Chúa của sự sống, Đấng không bỏ rơi kẻ công chính trong vùng tăm tối của khổ đau và sự chết, song dẫn họ tới hy vọng và sự sống.


5.     Chúng ta hãy kết thúc bài chia sẻ của chúng ta việc sử dụng những lời của Thánh Basiliô Cả, vị mà, trong Bài Giảng của mình về Thánh Vịnh 115 (116), nhận định về câu vấn đáp trong bài Thánh Vịnh: “Tôi biết lấy gì dâng cho Chúa để đền đáp tất cả những gì tốt lành Ngài đã làm cho tôi? Tôi sẽ nâng chén cứu độ. Thánh Vịnh gia đã hiểu chính những tặng ân dồi dào được Chúa ban, như từ hư không ông đã hiện hữu, ông được tạo nên từ cát bụi và được ban cho có lý trí… Đoạn ông nhận thấy công cuộc cứu độ được thực hiện vì loài người, nhìn nhận rằng Chúa đã ban mình để cứu chuộc tất cả chúng ta; và trong việc tìm kiếm qua tất cả những gì thuộc về mình, ông cũng không thấy được tặng vật nào ông có thể tìm thấy xứng đáng với Chúa. Bởi thế, tôi sẽ lấy gì dâng cho Chúa? Không phải là các hy tế hay lễ toàn thiêu … mà là tất cả đời sống của tôi. Đó là lý do ông nói: ‘Tôi sẽ nâng chén cứu độ’, khi gọi ‘chén’ này là cuộc khổ đau trong cuộc chiến thiêng liêng, là việc chống lại tội lỗi cho tới chết. Hơn nữa, nó là những gì được Vị Cứu Thế của chúng ta dạy trong Phúc Âm: ‘Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này cho Con’; và khi Người nói cùng các môn đệ rằng: ‘Các con có thể uống chén Thày sẽ uống chăng?’ là Người có ý nói một cách rõ ràng đến cái chết Người chấp nhận vì phần rỗi của thế gian” (PG XXX, 109).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 115 là lời cầu nguyện tạ ơn Chúa là Đấng trung thành nâng đỡ Thánh Vịnh gia trong những lúc gian nan khốn khó. Nó bắt đầu như một lời nguyên riêng tư nhưng phát triển thành một tác động phượng thờ công khai. Thánh Vịnh gia thấy mình ở trong đền thờ, trước dân chúng, hiến dâng hy tế tạ ơn và nâng “chén cứu độ”. Truyền thống Kitô giáo của chúng ta nhận thấy nơi bài Thánh Vịnh này lời mời gọi tin tưởng vào Chúa là Đấng không bao giờ bỏ rơi các tôi trung của Ngài. “Chén cứu độ”, một hình ảnh gợi lên cả Thánh Thể lẫn Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, kêu gọi mỗi người chúng ta hãy can đảm dấn thân vào cuộc chiến đấu thiêng liêng hằng ngày của chúng ta.
....
Ngày mai là Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tôi sẽ chủ tế Thánh Lễ vào lúc 7 giờ tối ở quảng trường Đền Thờ Gioan Latêranô. Sau đó là cuộc Kiệu Thánh Thể theo truyền thống đến Đền Thờ Đức Bà Cả. Tôi thân ái mời tất cả anh chị em hãy tham dự vào cuộc cử hành này để cùng nhau chúng ta làm chứng cho đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 25/5/2005


 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ