GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 6/5/2005

 

1)  Tân Giáo Hoàng Biển Đức: Vị Giáo Hoàng của Bữa Tiệc Ly . ... của Hiệp Thông Giáo Hội

2) ĐTC Biển Đức XVI về tình hình Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến trước nhận định của Hồng Y Ratzinger năm 2002

3) KHOA GIÁO HỘI HỌC HIỆP THÔNG CỦA CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II

 


Tân Giáo Hoàng Biển Đức: Vị Giáo Hoàng của Bữa Tiệc Ly . ... của Hiệp Thông Giáo Hội

Trước hết, chúng ta nên biết, khi còn là giáo sư khoa tín lý thần học, là một Thần Học Gia và là Hồng Y tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Đức Joseph Ratzinger đã xuất bản rất nhiều tác phẩm về thần học, nhất là thần học liên quan đến khoa giáo hội học hiệp thông là những gì trực tiếp liên quan đến Bữa Tiệc Ly, đến Thánh Thể. Có thể kể đến những tác phẩm sau đây:

Tác phẩm đầu tiên cho thấy khuynh hướng chủ yếu liên quan đến thao thức thần học về một khoa giáo hội học hiệp thông của nhân vật mang tên Joseph Ratzinger được Thiên Chúa tuyển chọn làm giáo hoàng 265 của Giáo Hội Công Giáo, đó là luận án tiến sĩ thần học năm 1953 mang tựa đề “Dân Chúa và Nhà Chúa nơi giáo huấn của Thánh Âu Quốc Tinh về Giáo Hội”.

Ông David Schindler, chủ nhiệm tạp chí thần học Hiệp Thông và là khoa trưởng hàn lâm Viện Gioan Phaolô II, trong cuộc chia sẻ với mạng điện toán toàn cầu Zenit (bài chia sẻ được Zenit phổ biến hôm Chúa Nhật 1/5/2005) đã cho biết như sau:

“Hiệp Thông là tờ tam cá nguyệt san Điểm Báo Thần Học Quốc Tế được thành lập từ năm 1972 bởi các thần học gia Hans Urs von Balthasar, Henri de Lubac và Joseph Ratzinger. Từ khi thực hiện ấn bản bằng Đức ngữ, có thêm 13 ấn bản khác nữa, trong đó có cả ấn bản Balan do Hồng Y Karol Wojtyla thực hiện. Ngài Ratzinger vẫn là một tay chủ động điều hành tờ tập san này, viết và duyệt bài vở cho tới khi ngài được bổ nhiệm làm tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin 1981. Mặc dù vào lúc ấy, trách nhiệm của ngài không cho phép ngài chính thức tham gia vào tờ Hiệp Thông nữa, ngài vẫn thiết tha quan tâm tới hoạt động của tờ tập san này”.

Ngoài ra, ngài còn viết bộ hồi niệm đầu tiên về mình, được biết đến như là “Những Đoạn Đường Đời”, đã cho thấy đức tin sâu xa và kiến thức của con người cao cả này. Rồi sau đó là taá phẩm “Nhập Môn Kitô Giáo”, một tổng hợp các bài dạy ở đại học về việc tuyên xưng đức tin, được xuất bản năm 1968, và cuốn “Tín Điều và Mạc Khải”. Những tác phẩm của ngài bao gồm một lãnh vực rộng lớn, về thần học có những cuốn như “Những Nguyên Tắc Thần Học Công Giáo”; về những suy tư mục vụ như cuốn “Đồng Cán Sự Viên Chân Lý”; về những phân tách sâu xa liên quan đến các thứ ý hệ tân tiến khác nhau cũng như về cuộc nói chuyện thẳng với các ký giả về đời sống lẫn đức tin của mình cùng tình trạng Giáo Hội được ghi lại trong ba cuốn “Muối Đất”, “Tường Trình Ratzinger”, “Thiên Chúa và Thế Giới”.

Trong số các tác phẩm khác có tác phẩm ngài viết về “Bản Chất và Sứ Vụ của Khoa Thần Học” là tác phẩm liên quan tới văn kiện của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin dưới nhan đề “Ơn Gọi Giáo Hội của Thần Học Gia”. Tác phẩm “Được Kêu Gọi Hiệp Thông” chất chứa những cuộc bàn luận thần học về bản chất của Giáo Hội, về vai trò giáo hoàng cũng như về vấn đề thần học đang được tranh cãi sôi nổi nơi vấn đề liên hệ giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ. Cũng thế, cuốn “Chân Lý và Dung Nhượng”, một tác phẩm bàn đến Kitô giáo và các tôn giáo không phải Kitô giáo, đã cho thấy những ý nghĩ của thần học gia Ratzinger về giáo huấn của Giáo Hội trong văn kiện “Chúa Giêsu” được tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Ratzinger ban hành.

Ngoài ra, còn có hai tác phẩm liên quan đến Chúa Giêsu Thánh Thể, đó là cuốn “Tinh Thần Phụng Vụ - The Spirit of The Liturgy” xuất bản trong Đại Năm Thánh 2000, và cuốn “Thiên Chúa Gần Gũi Chúng Ta - God is Near Us” xuất bản năm 2003, năm ĐTC GPII ban hành Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể. Cả hai tác phẩm này đều được Ignatius Press xuất bản cho thế giới Anh ngữ. Riêng trong cuốn Tinh Thần Phụng Vụ, ngài đã bàn đến những điều hiểu lầm chiều hướng canh tân phụng vụ của Công Đồng Chung Vaticanô II, cách riêng liên quan tới vị trí của nhà tạm và cử chỉ bái gối. Trong lời dẫn nhập, ngài đã minh định ý hướng viết cuốn sách Tinh Thần Phụng Vụ này như sau:

“Tôi chỉ muốn giúp vào việc ý thức đức tin cũng như vào cách thức xứng đáng để đức tin trở thành một hình thức chính yếu trong việc thể hiện nơi phụng vụ. Nếu cuốn sách này là một cái gì gợi hứng, một cách mới mẻ nào đó, như một thứ ‘phong trào phụng vụ’, một phong trào hướng về phụng vụ cũng như hướng về cách thức thích đáng để cử hành phụng vụ, cả bên trong lẫn bên ngoài, thì ý hướng tác động viết thành cuốn sách này hoàn toàn được mãn nguyện rồi vậy”.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ tuần san Ý Famiglia Cristiana, một cuộc phỏng vấn được mạng điện toán toàn cầu Zenit phổ biến ngày 23/2/2004, ĐHY Joseph Ratzinger bấy giờ là Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, vị vừa xuất bản cuốn sách mang tựa đề "La Communione nella Chiesa" (Mối Hiệp Thông Trong Giáo Hội), đã cho biết nhận định của mình về việc cử hành phụng vụ hiện nay trong Giáo Hội như sau. Ngài nói:

“Tôi thấy rằng có nhiều lần, trong các lễ mồ, lễ cưới cũng như nhiều trường hợp khác, người ta lên Rước Lễ như thể đó là một phần của lễ nghi vậy, tức nó là một bữa tối mà người ta cần phải ăn. Thế nhưng, làm như thế là người ta không còn sống tính cách sâu xa thiêng liêng của biến cố này nữa, một biến cố bao giờ cũng là một thách đố lớn lao cho mỗi một người trong chúng ta. Tôi thực sự đồng ý với các vị đại giáo hoàng khi các ngài nói rằng chúng ta cần Hiệp Lễ vì chỉ có Chúa mới là Đấng có thể ban cho chúng ta những gì chúng ta không thể tự mình chiếm hữu. Chính vì chúng ta thiếu thốn mà chúng ta mới cần đến sự hiện diện của Người. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tránh đi một thứ nghi thức hời hợt làm hạ giá tác động này, và hãy cố gắng đi sâu vào tính cách cao cả của nó.

Giờ đây, với tư cách là một tân giáo hoàng, tân giáo hoàng của Bữa Tiệc Ly, ngài đã thực sự và chính thức công khai liên kết Thánh Thể với giáo triều của ngài, như chính ngài đã minh định trong sứ điệp ngỏ cùng hồng y đoàn cuối Thánh Lễ ngày Thứ Tư 20/4/2005, tức ngay sau ngày ngài được bầu làm giáo hoàng như sau:

“Giáo triều của tôi, một cách hết sức ý nghĩa, được mở màn vào lúc Giáo Hội đang sống một năm đặc biệt giành cho Thánh Thể. Làm sao tôi lại không thấy được cái trùng hợp được quan phòng này một yếu tố cần phải đánh dấu thừa tác vụ tôi đã được kêu gọi thi hành đây? Thánh Thể, tâm điểm của đời sống Kitô hữu và là nguồn mạch của sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội, chắc chắn bao giờ cũng phải là tâm điểm và là nguồn mạch cho sứ vụ thừa kế Thánh Phêrô đã được trao phó cho tôi.

“Thánh Thể làm cho Chúa Kitô Phục Sinh liên lỉ hiện diện, một Chúa Kitô là Đấng tiếp tục hiến Mình cho chúng ta, kêu gọi chúng ta hãy tham dự vào bàn tiệc Mình Máu của Người. Từ mối hiệp thông trọn vẹn này với Người mới xuất phát ra hết mọi yếu tố khác của đời sống Giáo Hội, trước hết là mối hiệp thông giữa tín hữu, việc dấn thân loan truyền và làm chứng cho Phúc Âm, nhiệt tình bác ái đối với tất cả mọi người, nhất là với thành phần nghèo khổ và hèn mọn nhất.

“Bởi thế, trong năm nay, Lễ Trọng Kính Mình Thánh Chúa Kitô cần phải được cử hành một cách hết sức đặc biệt. Thánh Thể sẽ là trọng tâm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Cologne vào Tháng Tám, và của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ vào Tháng Mười, một thượng nghị sẽ bàn đến đề tài ‘Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tuyệt Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội’. Tôi xin hết mọi người hãy gia tăng vào những tháng tới đây lòng yêu mến và việc sùng kính đối với Chúa Giêsu Thánh Thể và thể hiện một cách can đảm tỏ tường sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, trước hết, qua những việc cử hành một cách long trọng và đúng đắn.

“Tôi đặc biệt xin các vị linh mục thực hiện điều ấy, những vị giờ đây tôi đang hết lòng quí mến nghĩ đến vào lúc này đây. Thừa tác vụ linh mục được phát sinh từ Nhà Tiệc Ly, cùng với Thánh Thể, như vị tiền nhiệm đáng kính Gioan Phaolô II của tôi đã nhiều lần nhấn mạnh đến. ‘Đời sống linh mục cần phải đặc biệt có một ‘dạng thức Thánh Thể’, ngài đã viết như thế trong Bức Thư cuối cùng của ngài cho Ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Việc sốt sắng cử hành hằng ngày Thánh Lễ, tâm điểm của đời sống và sứ vụ của hết mọi vị linh mục, là những gì góp phần vào việc đạt được mục đích ấy”.

Theo tôi, nếu mỗi vị giáo hoàng đều ban hành một bức thông điệp khai triều, một thông điệp gói ghém tất cả tinh thần và đường hướng mục vụ của giáo triều mình, như Đức Phaolô VI, với Thông Điệp “Ecclesiam Suam - Giáo Hội của Người”, ban hành ngày 6/8/1964, liên quan đến Hiến Chế tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân” của Công Đồng Vaticanô II, và như Đức Gioan Phaolô II với Thông Điệp “Redemptor Hominis – Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”, ban hành ngày 4/3/1979, liên quan đến Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội “Gaudium et Spes – Vui Mừng và Hy Vọng”, thì vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng sẽ ban hành một bức thông điệp, theo dự đoán, có thể sẽ liên quan đến Giáo Hội Hiệp Thông hay Hiệp Thông Giáo Hội, một văn kiện liên quan tới hai hiến chế còn lại đi đôi với nhau của Công Đồng Chung Vaticanô II, đó là Hiến Chế về Mạc Khải Thần Linh “Dei Verbum - Lời Chúa” và Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh “Sacrosanctum Concilium – Cộng Đồng Thánh”. Bởi vì, muốn hiệp thông Giáo Hội hay muốn Giáo Hội hiệp thông, trước hết và trên hết, Kitô hữu Công giáo cần phải sống hiệp thông với Chúa Kitô nơi Phụng Vụ Thánh. Và chỉ khi nào Chúa Kitô sống trong chúng ta, Người mới làm cho chúng ta được “Ut Unum Sint hiệp nhất nên một” mà thôi.

 

Bài viết cho Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống FM 106.3 Nam California ngày Thứ Sáu 6/5/2005

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 

 

TOP


 

ĐTC Biển Đức XVI về tình hình Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến trước nhận định của Hồng Y Ratzinger năm 2002 (tiếp theo Thứ Tư 4/5/2005)

Nhân dịp Hội Nghị về chủ đề “Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” ở Viện Đại Học Công Giáo Thánh Antôn ở Murcia Tây Ban Nha hôm Thứ Bảy 30/11/2002, các phóng viên báo chí, trong đó có cả của Zenit, đã phỏng vấn ngài về một số vấn đề liên quan đến tình trạng Giáo Hội Hiện Thế ở nhiều phương diện khác nhau như sau:

 

Vấn     Đức Hồng Y là bộ trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, trước kia Thánh Bộ này được gọi là Tòa Điều Tra. Nhiều người không biết gì về các phân bộ ở tòa thánh Vatican. Họ nghĩ rằng đó là một nơi lên án. Việc làm của Đức Hồng Y về những gì?

Đáp     Khó mà trả lời vấn nạn này trong hai chữ. Chúng tôi có hai ngành chính, một ngành về kỷ luật và một ngành về tín ký.

Ngành về kỷ luật phải quan tâm đến những vấn đề vi phạm của hàng linh mục chẳng may xẩy ra trong Giáo Hội. Hiện nay, như quí vị biết, chúng tôi đang gặp phải vấn đề trầm trọng về việc linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Trong trường hợp này, chúng tôi trước hết phải giúp cho các vị giám mục tìm thấy những phương thức thích hợp. Và chúng tôi còn là một thứ tòa án khiếu nại nữa, tức là nếu ai cảm thấy bị giám mục đối xử một cách bất công họ có thể khiếu nại với chúng tôi.

Một ngành được biết đến nhiều hơn là ngành về tín lý. Bởi thế Đức Phaolô VI mới ấn định công việc của chúng tôi như là “việc cổ võ” và “bênh vực” đức tin. Cổ võ tức là giúp cho việc đối thoại nơi gia đình các thần học gia trên thế giới, theo dõi cuộc đối thoại này, và khuyến khích những luồng tư tưởng tích cực cũng như làm sao giúp cho những xu hướng ít tích cực hợp với những xu hướng tích cực hơn.

Một khía cạnh khác nữa là việc bênh vực: trong môi trường của thế giới ngày nay, với chiều hướng tương đối thuyết của nó, với tình trạng mạnh mẽ chống đối đức tin của Giáo Hội ở nhiều nơi trên thế giới, với khuynh hướng bất khả thức thần linh, với chủ nghĩa vô thần v.v., với những ý hệ, thì việc đánh mất đi căn tính đức tin rất dễ xẩy ra. Chúng ta cần phải giúp phân biệt những cái mới chân thực, phận biệt tình trạng tiến bộ đích thực khác với những hành động chất chứa cái mất mát căn tính đức tin.

Chúng tôi có hai khí cụ rất quan trọng trong tầm tay của mình để làm việc này, đó là Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, với 30 thần học gia được các vị giám mục đề cử; và Ủy Ban Thánh Kinh, với 30 nhà dẫn giải, thành phần cũng do các vị giám mục đề cử. Hai ủy ban này là những diễn đàn bàn bạc cho các thần học gia, có thể nói, để tìm tòi một kiến thức quốc tế, bao gồm giữa những trường phái thần học khác nhau và việc đối thoại với huấn quyền.

Đối với chúng tôi, thì việc hợp tác của các vị giám mục là việc quan trọng. Nếu có thể, các vị giám mục phải giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, thường các thần học gia nổi danh quốc tế (giải quyết những vấn đề ấy), và bởi thế vấn đề vượt quá khả năng của một vị giám mục. Bởi thế vấn dề được trình lên Thánh Bộ này.

Ở đây, chúng tôi cổ võ việc đối thoại với các thần học gia, để nhờ đó có thể tiến đến chỗ giải quyết bình lặng. Rất ít trường hợp giải quyết tiêu cực xẩy ra.

Vấn     Năm vừa qua là một năm khốn khó cho người Công Giáo, ở chỗ truyền thông tấn công những gương mù gây ra bởi các vị linh mục. Có lời đồn là người ta vận động chống lại Giáo Hội. Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp     Nơi Giáo Hội, linh mục cũng là tội nhân. Thế nhưng, cá nhân tôi tin rằng việc liên lỉ lên tiếng của báo chí về tội của hàng linh mục Công Giáo, nhất là ở Hoa Kỳ, là một cuộc vận động có mưu cơ, khi phần trăm của những vi phạm này nơi hàng linh mục không cao hơn những thành phần khác, có lẽ còn thấp hơn là đằng khác.

Ở Hoa Kỳ tin tức liên tục phổ biến về đề tài này, nhưng không đầy 1% linh mục phạm lỗi về những hành động loại ấy. Việc liên tục phổ biến những thứ tin tức này không xứng hợp với tính cách khách quan của vấn đề thông tin cũng như tính cách khách quan của thống kê về các sự kiện ấy. Bởi thế người ta tiến đến chỗ kết luận rằng chính vì muốn chủ tâm, muốn bóp mép mới có ý làm mất uy tín của Giáo Hội. Đó là một kết luận hợp lý và chắc chắn.

Vấn     Hiện đang xẩy ra một cuộc tranh luận về việc đem lời Chúa và những vấn đề liên quan đến quá khứ của một Kitô Giáo Âu Châu vào phần dẫn nhập của Bản Hiến Pháp Âu Châu sau này. Đức Hồng Y có nghĩ rằng sẽ có một khối Hiệp Nhất Âu Châu lại chối bỏ quá khứ Kitô Giáo của mình chăng?

Đáp     Tôi tin rằng Âu Châu không phải chỉ là một cái gì thuần kinh tế hay chính trị; trái lại, nó cần đến những nền tảng thiêng liêng.

Sự kiện lịch sử cho thấy Âu Châu là một đại lục Kitô Giáo, và nó đã phát triển trên nền tảng đức tin Kitô Giáo, một đức tin tiếp tục là nền tảng cho những giá trị của một đại lục ảnh hưởng các đại lục khác.

Cần phải có một nền tảng cho những giá trị, mà nếu chúng ta hỏi mình nền tảng đó là gì, chúng ta sẽ nhận ra rằng, ngoài các niềm tin ra, chỉ có những giá trị cao cả thuộc đức tin Kitô Giáo mà thôi. Và đó là lý do tại sao cần phải đề cập đến những nền tảng Kitô Giáo của Âu Châu trong bản Hiến Pháp Âu Châu sau này.

Tôi không muốn vấp phải lỗi lầm trong việc xây dựng một thế giới Công Giáo chính trị. Đức tin không cống hiến những chỉ dẫn chính trị nhưng qui định các nền tảng của chính trị. Một đàng chính trị có quyền tự lập, nhưng đàng khác giữa chính trị và tôn giáo lại không hoàn toàn tách biệt nhau. Có những nền tảng đức tin giúp cho những lý lẽ của chính trị. Bởi thế, vấn đề được đặt ra là những nền tảng giúp cho chính trị tác hành đây là gì? Những khía cạnh nào cần phải được để nó tự do hành sử?

Trước hết, cần phải có một cái nhìn nhân loại học và chính ở đây chúng ta được đức tin soi sáng. Con người của Thiên Chúa có cần phải chiếm thủ cái nhìn nhân loại học bảo đảm cho quyền tự do lập luận chính trị này hay chăng?

Một nền luân lý vắng bóng Thiên Chúa, một nền luân lý phân mảnh, do đó, có rất ít trực giác mạnh mẽ về một Vị Thiên Chúa biết chúng ta và là Đấng ấn định con người mang hình ảnh Thiên Chúa, là thứ luân lý cần phải có những nền tảng này. Ngoài ra, việc đề cập đến Thiên Chúa không phải là hành vi phạm đến bất cứ một ai, nó không phá hoại quyền tự do của một người nào cả, nhưng hướng tất cả mọi người về một nơi chốn tự do có thể kiến tạo nên một đời sống luân lý nhân bản thực sự.

Vấn     Có những vị giáo sư chủng viện ở Basque (một miền thuộc nước Pháp nằm về phía Tây rặng núi Pyréné – biệt chú của người dịch được viết bằng những hàng chữ nhỏ như ở đây và những chỗ sau này) đã đi đến chỗ cho rằng việc khủng bố của tổ chức ETA là chính đáng, hoặc họ là những người không lên án loại khủng bố ấy. Hình như có những liên hệ giữa những vị linh mục này với phong trào thần học giải phóng thì phải. Họ thậm chí còn đề cập đến một thứ giáo hội Basque bản xứ nữa. Đã có quyết định nào chống lại vấn đề này chưa?

Đáp     Ở trường hợp này, người ta chỉ có thể áp dụng những gì Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã nói về thần học giải phóng vào khoảng giữa những năm 1984 [see "Instruction on Certain Aspects of the 'Theology of Liberation'"] và 1986 [see "Instruction on Christian Freedom and Liberation"].

Chắc chắn Kitô Giáo có liên hệ đến vấn đề tự do, nhưng tự do thật sự không phải là thứ tự do về chính trị. Lãnh vực chính trị có quyền tự lập của nó; điều này trước hết đã được Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh và không phải đức tin kiến tạo nên như thế; nó cần phải có lý lẽ riêng của mình.

Người ta không được suy diễn từ Sách Thánh để lấy ra những chỉ dẫn về chính trị, lại càng không được biện minh cho việc khủng bố. Tôi nghĩ rằng về vấn đề này thì mọi sự đã được phân giải trong hai bản Hướng Dẫn về thần học giải phóng trên đây của Thánh Bộ chúng tôi.

Tính cách mới mẻ của vị thiên sai Kitô Giáo là ở chỗ Chúa Kitô không trực tiếp là một vị thiên sai về chính trị, vị thực hiện cuộc giải phóng cho dân Do Thái, như được mong đợi. Đây là kiểu giải phóng Do Thái của Barabbas, một kiểu giải phóng họ muốn chiếm đạt cấp thời, kể cả bằng việc khủng bố.

Chúa Kitô đã tạo nên một thứ giải phóng khác, một thứ giải phóng chiếm được nơi cộng đồng tông đồ cũng như trong Giáo Hội, đúng như Giáo Hội đã được kiến tạo, xác nhận và chứng thực trong Tân Ước. Tuy nhiên, như tôi đã nói, mọi sự đều đã được nói đến trong hai bản Hướng Dẫn này.

Còn tiếp

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Màn Điện Toán Zenit phổ biến những ngày Thứ Ba 3/12/2002 và Thứ Tư 4/12/2002, sau khi hồng y Ratzinger trở thành Giáo Hoàng ngày 19/4/2005, Zenit lại cho phổ biến bài phỏng vấn trên vào ngày Thứ Sáu 22/4/2005)

 

 

TOP

 

 

KHOA GIÁO HỘI HỌC HIỆP THÔNG CỦA CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II (tiếp theo Thứ Tư 4/5/2005)

ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin - Bài Mở Đầu cho Hội Nghị Mục Vụ của Giáo Phận Aversa Ý Quốc chiều ngày 15/9/2001


2) Giáo Hội Học Thánh Thể

Chúng ta hãy trở về để nhìn xem những phát triển trong kỷ nguyên tiền Công Đồng. Tư tưởng về Nhiệm Thể Chúa Kitô đã đánh dấu giai đoạn đầu tiên nơi việc Giáo Hội tái khám phá nội tại của mình; tư tưởng này được bắt đầu từ Thánh Phaolô, dẫn tới chỗ đặt nền tảng cho sự hiện diện của Chúa Kitô cùng với những năng động của những gì tồn tại (trong Người và nơi chúng ta). Việc nghiên cứu hơn nữa đã góp phần làm cho vấn đề nhận thức thêm tươi mới. Trước hết, hơn bất cứ một ai khác, nhà thần học người Pháp Henri de Lubac, trong những nghiên cứu sáng chói và thức giả của mình đã làm sáng tỏ vấn đề là từ ban đầu chữ “corpus mysticum” ám chỉ về Thánh Thể. Đối với Thánh Phaolô và các vị Giáo Phụ thì tư tưởng về Giáo Hội như Thân Mình Chúa Kitô được thắt kết bất khả phân ly với ý niệm về Thánh Thể là bí tích Chúa Kitô hiện diện một cách thể lý và là bí tích Người ban cho chúng ta Thân Mình của Người làm lương thực. Đó là lý do xuất hiện vấn đề giáo hội học về Thánh Thể.

Hôm nay chúng ta có ý nói gì đối với “vấn đề giáo hội học về Thánh Thể” đây? Tôi sẽ cố gắng giải đáp câu hỏi này bằng cách đề cập ngắn gọn tới một số điểm nồng cốt. Điểm thứ nhất đó là Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu có thể được định nghĩa như là một biến cố thành lập Giáo Hội. Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ của Người Phụng Vụ Tử Nạn và Phục Sinh này, đồng thời Người cũng ban cho các vị Bữa Tiệc Sự Sống. Trong Bữa Tiệc Ly, Người đã lập lại giao ước ở Núi Sinai – hay nói cách khác, những gì ở Núi Sinai chỉ là một dấu hiệu hay là một nguyên mẫu giờ đây hoàn toàn trở thành một thực tại, đó là mối hiệp thông bằng máu và sự sống giữa Thiên Chúa và loài người. Hiển nhiên là Bữa Tiệc Ly ấy đã hướng về cũng như đã giả định trước Cây Thập Giá và Cuộc Phục Sinh, bằng không Bữa Tiệc Ly này là một cử chỉ trống rỗng. Đó là lý do tại sao các vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã có thể sử dụng một hình ảnh đẹp đẽ khi nói rằng Giáo Hội đã được hạ sinh từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa kitô là nơi máu và nước chảy ra. Khi tôi nói rằng Bữa Tiệc Ly là khởi nguyên của Giáo Hội, tôi thực sự nói đúng như thế theo một quan điểm khác. Công thức này có nghĩa là Thánh Thể liên kết tất cả mọi người lại với nhau, không phải chỉ với nhau thôi mà với Chúa Kitô nữa; nhờ đó Thánh Thể biến cả hai thành “Giáo Hội”. Công thức này đồng thời cũng diễn tả cho thấy hiến pháp chính yếu của Giáo Hội: đó là Giáo Hội hiện hữu nơi các cộng đồng Thánh Thể. Thánh Lễ của Giáo Hội là hiến pháp của Giáo Hội, vì Giáo Hội tự bản chất là một Thánh Lễ (“missa” nghĩa là được sai đi), là việc phụng sự Thiên Chúa, và bởi thế cũng là việc phục vụ con người và là một việc phục vụ để biến đổi thế giới.


Thánh Lễ là mô thức của Giáo Hội, tức là nhờ Thánh Lễ Giáo Hội phát triển một mối liên hệ hoàn toàn nguyên tuyền không có ở một nơi nào khác, một mối liên hệ vừa đa dạng lại vừa duy nhất. Chúa Kitô thực sự hiện diện nơi mỗi một lần cử hành Thánh Thể. Người đã sống lại và không còn chết nữa. Người không thể nào bị phân chia thành nhiều phần khác nhau nữa. Người luôn luôn trao ban Bản Thân Người trọn vẹn và hoàn toàn. Đó là lý do tại sao Công Đồng viết: “Giáo Hội của Chúa Kitô đây thực sự hiện diện nơi tất cả mọi cộng đồng địa phương hợp lệ của tín hữu, những cộng đồng hiệp nhất với các vị chủ chiên của mình, được gọi là Giáo Hội theo Tân Ước” . Bởi vì, theo địa phương của mình, những Giáo Hội này là Dân mới được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và đầy lòng tin tưởng (x 1Thes 1:5)… Nơi những cộng đồng này, mặc dù thường là nhỏ bé và nghèo nàn, hay sống lưu lạc, Chúa Kitô vẫn hiện diện, và nhờ quyền năng của Người mới phát sinh ra một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” (Lumen Gentium, 26). Điều này tức là giáo hội học về các Giáo Hội địa phương phát xuất từ công thức vấn đề giáo hội học về Thánh Thể. Đây là một tính chất tiêu biểu của Công Đồng Chung Vaticanô II cho thấy nền tảng nội tại và có tích cách bí tích của tín lý về đoàn tính chúng ta sẽ nói đến sau.

Để hiểu đúng giáo huấn của Công Đồng này, trước hết chúng ta phải nhìn kỹ hơn vào những gì Công Đồng thực sự muốn nói. Công Đồng Chung Vaticanô II đã biết đến các mối quan tâm của cả thần học Chính Thống lẫn Tin Lành và đã hội nhập chúng lại thành một thứ kiến thức Công Giáo bao rộng hơn. Nơi thần học Chính Thống Giáo, tư tưởng giáo hội học về Thánh Thể đầu tiên được phát biểu bởi những nhà thần học Nga bị lưu đầy để chống lại những ý nghĩ cho rằng Rôma là chính. Họ khẳng định là bao lâu có Chúa Kitô một cách trọn vẹn thì hết mọi cộng đồng Thánh Thể tự bản chất đã là Giáo Hội rồi vậy. Do đó, việc hiệp nhất ngoại tại với các cộng đồng khác không phải là yếu tố làm nên Giáo Hội. Bởi thế, họ kết luận là vấn đề hiệp nhất với Rôma không phải là yếu tố làm nên Giáo Hội. Một cuộc hiệp nhất như thế là một điều tuyệt vời, vì nó nói lên cho thấy tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô trước thế giới ngoại tại, thế nhưng nó không thiết yếu vì không có gì cần phải thêm thắt vào cái hoàn toàn của Chúa Kitô cả. Kiến thức của Tin Lành về Giáo Hội cũng theo cùng một chiều hướng. Luther không công nhận Thần Linh của Chúa Kitô nơi Giáo Hội hoàn vũ; ông trực tiếp coi Giáo Hội này là một công cụ của tên phản Kitô. Ông cũng không coi Các Giáo Hội Quốc Gia Tin Lành của Thời Cải cách là Giáo Hội theo đúng ý nghĩa của từ ngữ. Những giáo hội này chỉ là những thực thể chính trị xã hội cần thiết cho những mục đích riêng và lệ thuộc vào các thứ quyền lực chính trị, ngoài ra không còn gì nữa. Theo Luther, Giáo Hội hiện hữu trong cộng đồng. Chỉ có hội đồng nào lắng nghe Lời Chúa ở một nơi đặc biệt nào đó mới là Giáo Hội. Ông đã thay thế chữ “Giáo Hội” bằng chữ “cộng đồng” (Geneinde). Giáo Hội đã trở thành một quan niệm tiêu cực.

Giờ đây nếu chúng ta trở lại với bản văn của Công Đồng chúng ta sẽ thấy rõ một số sắc thái. Bản văn không chỉ nói suông: “Giáo Hội hoàn toàn hiện diện nơi mỗi một cộng đồng cử hành Thánh Thể”, mà nói: “Giáo Hội của Chúa Kitô đây thực sự hiện diện nơi tất cả mọi cộng đồng địa phương hợp lệ, những cộng đồng liên kết với các vị chủ chiên của mình, được gọi là Giáo Hội”. Ở đây có hai yếu tố rất quan trọng: để là Giáo Hội, cộng đồng phải là một cộng đồng “hợp lệ”; các cộng đồng hợp lệ là những cộng đồng “liên kết với các vị chủ chiên”. Điều này nghĩa là gì? Trước hết, không ai có thể tự mình làm Giáo Hội. Một nhóm không thể chỉ cần qui tụ lại với nhau, đọc Tân Ước rồi tuyên bố: “Lùa này đây chúng tôi là Giáo Hội vì Chúa hiện diện nơi nào có hai ba người tụ họp nhân danh Người”. Yếu tố “nhận lãnh” là yếu tố thiết yếu đối với Giáo Hội, như vấn đề đức tin từ “nghe” mà có chứ không phải là kết quả của việc con người quyết định hay suy tư mà có. Đức tin là điểm hội tụ với một điều gì đó không do tự mình tôi nghĩ được hay sản xuất ra; đức tin cần phải đến đón gặp tôi. Chúng ta gọi cơ cấu của việc gặp gỡ này là một “Bí Tích”. Nó là một phần của thể thức nồng cốt nơi một bí tích cần phải được nhận lãnh chứ không tự ban phát lấy cho mình. Không ai có thể tự rửa tội lấy cho mình. Không ai có thể tự truyền chức lấy cho mình. Không ai có thể tự tha tội lỗi lấy cho mình. Việc thống hối cách trọn không thể chỉ là một điều gì đó ở trong lòng, theo yếu tính của mình, việc thống hối cách trọn này cần đến một thể thức gặp gỡ về Bí Tích. Cả điều này cũng là thành quả của một thứ cấu trúc căn bản nơi bí tích như là một cuộc gặp gỡ (Chúa Kitô). Vì lý do này mối hiệp thông với chính mình không phải chỉ là một thứ vi phạm về những khoản của Giáo Luật liên quan đến bề ngoài, mà còn là một thứ tấn công đến chính bản chất sâu xa nhất của bí tích. Để một vị linh mục có thể ban phát bí tích đặc thù này, và chỉ bí tích này thôi, chính ngài phải trở thành một phần của mầu nhiệm uy linh mysterium tremendum được Thánh Thể bao hàm. Nơi Thánh Thể, vị linh mục tác hành “in persona Christi”, với tư cách Chúa Kitô (là Đầu); đồng thời, trong khi đóng vai đại diện cho Chúa Kitô ngài vẫn là một tội nhân, hoàn toàn sống bởi việc lãnh nhận Tặng Ân của Chúa Kitô.

Người ta không thể tạo ra Giáo Hội mà chỉ lãnh nhận Giáo Hội thôi; người ta lãnh nhận Giáo Hội nơi Giáo Hội ở, nơi Giáo Hội thực sự hiện diện: đó là nơi cộng đồng bí tích của Thân Thể Chúa Kitô qua giòng lịch sử. Chúng ta có thể hiểu được quan niệm khó khăn này nếu chúng ta thêm điều này là “các cộng đồng hợp lệ”. Chúa Kitô là tổng thể ở tất cả mọi nơi. Đây là công thức quan trọng nhất của Công Đồng cũng như của anh em Chính Thống Giáo. Đồng thời Chúa Kitô chỉ là một ở khắp mọi nơi, nên tôi có thể chiếm hữu Vị Chúa duy nhất này chỉ nơi mối hiệp nhất Người có, nơi mối hiệp nhất của tất cả những ai là Thân Mình của Người và những ai nhờ Thánh Thể càng cần phải trở nên hiệp nhất hơn. Bởi thế, mối hiệp nhất hỗ tương này của tất cả những cộng đồng cử hành Thánh Thể không phải là một cái gì đó ngoại tại được thêm vào cho vấn đề giáo hội học về Thánh Thể, nhưng là một điều kiện nội tại: chỉ có Một Đấng Duy Nhất nơi mối hiệp nhất. Đó là lý do tại sao Công Đồng này đã nhắc nhở đến trách nhiệm xứng hợp của các cộng đồng song loại trừ những gì là tự mãn. Công Đồng này đã khai triển một khoa giáo hội học bao gồm vấn đề làm người Công Giáo, tức là bao gồm vấn đề hiệp thông với các tín hữu ở tất cả mọi nơi và trong mọi lúc, một vấn đề không phải chỉ là một yếu tố ngoại tại của một hình thức tổ chức, mà là một tiêu biểu cho ân sủng phát xuất từ bên trong, đồng thời cũng là dấu hiệu hữu hình của ân sủng Chúa là Đấng duy nhất có thể thiết lập mối hiệp nhất bằng cách phá vỡ vô vàn những ranh giới cách ngăn.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, N.4- 23/1/2002, trang 5-7

(còn tiếp nhiều kỳ)


 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ