GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 8/5/2005

NGÀY THẾ GIỚI

TRUYỀN THÔNG

 

1)  “Các Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng là để Giúp Cho Con Người Hiểu Biết Nhau”

2) Tòa Thánh Vatican với Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 8/5/2005

3) “Phát Triển Nhanh”

 

 

“Các Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng là để Giúp Cho Con Người Hiểu Biết Nhau”

 

ĐTC GPII: Sứ Điệp cho Ngày Truyền Thông Thế Giới thứ 39 ngày 8/5/2005

 

 

Anh Chị Em Thân Mến,

 

1.         Ở Bức Thư của Thánh Giacôbê, chúng ta đọc thấy rằng: “Từ cùng một miệng lưỡi phát xuất ra cả những gì là chúc phúc và nguyền rủa. Hỡi anh chị em đừng có làm như thế” (3:10). Thánh Kinh đã nhắc nhở chúng ta rằng lời nói có một khả năng phi thường trong việc mang con người lại với nhau hay phân rẽ họ, tạo nên những mối liên hệ thân tình hay khêu lên thù hận.

 

Điều này chẳng những đúng với những lời của người này nói với người khác, nó còn áp dụng cho cả vấn đề truyền thông ở mọi cấp độ nữa. Kỹ thuật tân tiến chúng ta đang có trong tay cho chúng ta những cơ hội chưa từng có để hành thiện, để loan truyền sự thật cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô cũng như để cổ võ sự hòa hợp và hòa giải. Tuy nhiên, việc lạm dụng nó cũng có thể gây tai hại khôn xiết kể, làm phát sinh tình trạng hiểu lầm, thành kiến và thậm chí xung đột. Đề tài được chọn cho Ngày Truyền Thông Thế Giới 2005, “Các Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng là để Giúp Cho Con Người Hiểu Biết Nhau”, nói lên cho thấy một nhu cầu khẩn trương đó là việc cổ võ mối hiệp nhất gia đình nhân loại bằng việc sử dụng những nguồn phương liệu rất hay này.

 

2.         Đường lối quan trọng duy nhất để đạt được mục đích này đó là bằng việc giáo dục. Truyền thông có thể dạy cho cả tỉ người biết về các phần đất khác trên thế giới cũng như các thứ văn hóa khác. Họ có lý để được gọi là “Những Công Đường tiên khởi của thời đại tân tiến… đối với nhiều phương tiện thông tin và giáo dục, hướng dẫn và khơi động hành vi cử chỉ của họ như là thành phần cá nhân con người, gia đình và chung xã hội” (Thông Điệp Redemptoris Missio, 37). Việc hiểu biết xác đáng là những gì cổ võ nỗi cảm thông, đánh tan thành kiến và khơi động ước muốn học biết thêm. Đặc biệt là các thứ hình ảnh có khả năng chuyên chở những ấn tượng sâu xa và tác tạo nên những thái độ. Chúng dạy cho con người cách quan niệm về những phần tử thuộc các nhóm khác cũng như thuộc các quốc gia khác, gây ảnh hưởng một cách tinh vi đến nỗi những nhóm ấy hay các quốc gia ấy được coi như là bạn hữu hay thù địch, đồng minh hay có thể là đối phương.

 

Khi những người khác được vẽ vời bằng những từ ngữ hận thù thì các mầm mống xung khắc đã được gieo vãi có thể rất dễ dàng đi đến chỗ bạo lực, chiến tranh, thậm chí diệt chủng. Thay vì xây dựng mối hiệp nhất và cảm thông thì truyền thông có thể được sử dụng để biến những nhóm xã hội, sắc tộc và tôn giáo khác thành quỉ ma, làm dậy lên men sợ hãi và hận thù. Những ai có trách nhiệm về kiểu cách và nội dung của những gì được truyền đạt có trách nhiệm nặng nề trong việc bảo đảm không để cho điều ấy  xẩy ra. Thật vậy, truyền thông có một khả năng khủng khiếp trong việc cổ võ hòa bình và dựng xây những chiếc cầu nối giữa các dân tộc, phá đổ cái vòng tử vong của bạo lực, nổi loạn, cùng với thứ bạo động mới đang quá lan tràn ngày nay. Theo lời của Thánh Phaolô, những lời làm nên cơ bản cho Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay: “Đừng để chế ngự bởi sự dữ nhưng hay chế ngự sự dữ bằng sự lành” (Rm 12:21).

 

3.         Nếu việc đóng góp vào vấn đề xây dựng như thế là một trong những cách thức đáng kể thì truyền thông mới có thể mang con người lại với nhau, ảnh hưởng của nó mới có thể giúp vào việc động viên nhanh chóng trong vấn đề cứu trợ để đáp ứng các thiên tai. Thật là khích lệ khi thấy nhanh chóng biết bao cộng đồng quốc tế đã đáp ứng trước cơn biển động sóng thần mới đây đã làm thiệt hại cho vô số nạn nhân. Tốc độ mà tín liệu ngày nay di chuyển dĩ nhiên làm tăng thêm khả năng sử dụng những đường lối cụ thể đúng lúc để cống hiến việc trợ giúp cho đến mức tối đa. Như thế, truyền thông có thể đạt được một mức độ thiện ích khổng lồ.

 

4.         Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Nếu muốn truyền thông được sử dụng một cách xác đáng, thì tất cả mọi người sử dụng chúng cần phải biết những nguyên tắc về phương diện luân lý và trung thành áp dụng chúng” ("Inter Mirifica," 4).

 

Nguyên tắc về luân thường đạo lý nồng cốt đó là: “Con người và cộng đồng con người là đích điểm và là thẩm lượng của vấn đề sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng; truyền thông cần phải thực hiện bởi con người cho con người vì việc phát triển toàn vẹn con người” (“Ethics in Communications”, 21). Bởi vậy, trước hết, chính các nhà truyền thông cần phải mang ra thực hành nơi đời sống của mình các giá trị và thái độ họ được kêu gọi để truyền đạt cho người khác. Đặc biệt là điều này cần phải có một cuộc dấn thân thực sự cho công ích, một sự thiện không được hạn chế vào những lợi lộc hẹp hòi của một nhóm nào hay của một quốc gia nào mà là bao gồm các nhu cầu cùng lợi lộc của tất cả mọi người, sự thiện của toàn thể gia đình nhân loại (x “Pacem in Terris”, 132). Các nhà truyền thông có cơ hội để cổ võ một thứ văn hóa sự sống đích thực, bằng việc tách mình khỏi mưu đồ chống lại sự sống ngày nay (x “Evangelium Vitae”, 17) và chuyên chở sự thật về giá trị và phẩm vị của hết mọi con người.

 

5.         Mô phạm và kiểu mẫu của tất cả vấn đề truyền thông được thấy nơi chính Lời Chúa. “Bằng nhiều cách thức khác nhau, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các vị tiên tri; thế nhưng, trong những ngày cuối cùng này, Ngài đã nói với chúng ta nơi Người Con” (Heb 1:1). Lời Nhập Thể đã thiết lập một giao ước mới giữa Thiên Chúa và dân của Ngài, một giao ước cũng liên kết chúng ta thành một cộng đồng với nhau. “Vì Người là hòa bình của chúng ta, Đấng đã làm cho hai chúng ta thành một và đã phá đổ bức tường hận thù ngăn cách” (Eph 2:14).

 

Trong Ngày Thế Giới Truyền Thông năm nay tôi cầu xin để con người nam nữ đi làm truyền thông đóng vai trò của mình trong việc phá đổ các bức tường hận thù chia rẽ trên thế giới của chúng ta, những bức tường phân rẽ các dân tộc và các quốc gia, những bức tường của hiểu lầm và ngờ vực lẫn nhau. Chớ gì họ sử dụng những phương tiện trong tầm tay của họ để củng cố những liên hệ thân hữu và yêu thương là dấu chỉ rõ ràng cho sự phát triển của Vương Quốc Thiên Chúa trên trái đất này.

 

Tại Vatican ngày 24/1/2005, Lễ Thánh Phanxicô Salêsiô

 

Gioan Phaolô II

 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/messages/communications/documents/hf_jp-ii_mes_20050124_world-communications-day_en.html


 

 

TOP


 

Tòa Thánh Vatican với Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 8/5/2005

Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông Xã Hội đã phổ biến một sứ điệp về Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 39 ngày Chúa Nhật 8/5/2005 như sau:

Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội Thứ 39
Đề tài: “Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội giúp Các Dân Tộc Hiểu Biết Nhau”
Ngày 8/5/2005

Nhận Định / Chia Sẻ

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần Thứ 39, đã viết: “Thật vậy, truyền thông đã có một khả năng to lớn trong việc cổ võ hòa bình và bắc những nhịp cầu nối các dân tộc lại với nhau. Truyền thông có thể dạy cả hằng tỉ người về các phần đất khác trên thế giới cũng như về những nền văn hóa khác. Việc hiểu biết chính xác làm phát triển vấn đề thông cảm, loại trừ những thành kiến và khơi dậy ước muốn học hiểu hơn nữa”.

Qua sứ điệp này trong năm nay, Đức Thánh Cha đã chú trọng tới một đề tài có tính cách đặc biệt quan trọng vào lúc này đây, đó là vấn đề liên hệ giữa các dân tộc và các nền văn hóa, cùng chiếc chìa khóa vai trò truyền thông có thể sử dụng trong việc cổ võ hòa bình và thông cảm nơi những nỗ lực của họ.

Suy nghĩ về thực tại hiện nay, chúng ta không thể tỏ ra dửng dưng trước những tình hình hệ trọng trên thế giới của chúng ta. Sứ điệp này, cùng với sứ điệp cho Ngày Thế Giới Hòa Bình, kêu gọi tất cả chúng ta, nhất là các phương tiện truyền thông xã hội hãy phục vụ công ích, một thiện ích có thể hiện thực một cách cụ thể nhờ sự thông cảm thuận lợi giữa các dân tộc.

Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng, chẳng những hành động của chúng ta, mà còn lời nói của chúng ta cùng với những hình thức truyền thông khác đều gây ra những hậu quả của chúng. Mỗi người phải chú ý tới việc chọn lựa lời nói được sử dụng cũng như tới những cách thức có thể cổ võ hiệp nhất hơn hay gây chia rẽ và xung khắc hơn đối với các người khác. Những ai được ân huệ hoạt động nơi những phương tiện truyền thông xã hội liên quan đến nhiều thính giả đều có một trách nhiệm đặc biệt trong lãnh vực này.

Nhiều những sự xung khắc đã bắt nguồn từ những thành kiến và những sự hiểu lầm giữa dân tộc này với dân tộc khác, hoặc gần hay xa. Quan niệm này về xã hội được kiến tạo và bảo trì phần lớn trên tín liệu nhận được từ truyền thông. Những sứ điệp được truyền đạt đi có thể làm phát sinh một tình thần đoàn kết và thông cảm nhau, hay một tinh thần loại trừ nhau và đối nghịch nhau. “Khi phác tả người khác bằng những từ ngữ hận thù là hành động gieo mầm mống xung khắc có thể dễ đưa đến việc gia tăng bạo động, chiến tranh hay thậm chí sát hại”.

Vì lý do ấy, sứ điệp này buộc chúng tôi phải đương đầu với những gì có thể dẫn đến việc sử dụng vô trách nhiệm những phương tiện truyền thông xã hội là những gì rất mãnh lực trong việc chi phối tâm linh con người.

“Đặc biệt là những hình ảnh có một quyền lực chuyên chở những ấn tượng lâu dài và khuôn đúc những thái độ. Những hình ảnh ấy dạy cho con người ta biết đánh giá các phần tử thuộc các nhóm khác và các quốc gia khác ra sao, khiến các nhóm ấy và các quốc gia ấy có thể được coi như bạn hay bị coi như thù, được coi như đồng minh hay bị coi như đối phương”.

Mới đây một kinh nghiệm rất đáng khích lệ cho thấy ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông vào cuối năm 2004 khi mang lại một cuộc động viên lớn tình đoàn kết đối với các dân tộc Á Châu. Trong sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha ghi nhận: “Thật là phấn khởi khi thấy biết bao cộng đồng thế giới mau mắn đáp ứng trước cuộc biển động sóng thần làm thiệt mạng vô số nạn nhân. Tốc độ tín liệu được truyền đạt ngày nay bình thường làm gia tăng cơ hội của những phương sách cụ thể được phác họa ra để thực hiện việc tối đa trợ giúp. Như thế, phương tiện truyền thông có thể đạt được một số lượng thật nhiều thiện ích”. Cái năng động tính này nơi các vấn đề truyền thông cho thấy cái qui tụ giữa tín liệu hợp thời với việc dấn thân chung riêng cũng như với việc quảng đại đáp ứng.

Như thế, vị Giáo Hoàng lúc nào cũng kêu gọi tất cả mọi con người thành tâm thiện chí hãy hết sức trở thành những cổ động viên cho hòa bình ở một thế giới đầy xung khắc. Tiếng kêu gọi này càng khẩn trương hơn khi nó nhắm đến thành phần nam nữ làm việc ở ngành truyền thông. Ngài nhắc họ rằng đệ nhất mô phạm của vấn đề truyền thông là Chúa Giêsu Kitô: “Lời Nhập Thể đã thiết lập một giao ước mới giữa Thiên Chúa và dân Người – một giao ước cũng liên kết chùng ta lại thành một cộng đồng với nhau. ‘Vì Người là bình an của chúng ta, Người là Đấng đã làm cho hai nên một và phá đổ bức tường hận thù ngăn cách như xác thịt của Người” (Eph 2:14).

Việc phá đổ những bức tường ngăn cách và bắc những nhịp cầu liên kết là hai thách đố lớn của vấn đề truyền thông mà tất cả chúng ta, về phương diện cá nhân cũng như phương diện của các chuyên gia truyền thông, phải đối diện. Cần phải hoạt động để không ai bị ảnh hưởng bởi thành kiến hay trở thành nguồn gây ra thành kiến, cũng như để bảo đảm rằng việc truyền thông trở thành một khí cụ “củng cố những liên hệ thân hữu và yêu thương là những gì báo hiệu phát triển Vương Quốc Thiên Chúa trên trái đất này”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tiĩnh, BVL, dịch theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 6/5/2005
 

 

TOP

 

“Phát Triển Nhanh”

 

Tông Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
gửi Thành Phần Hữu Trách Các Ngành Truyền Thông

 

1.     Việc phát triển nhanh về kỹ thuật nơi lãnh vực truyền thông chắc chắn là một trong những dấu hiệu tiến bộ của xã hội ngày nay. Theo chiều hướng của những sự đổi mới liên tục tiến hóa này, những lời trong Sắc Lệnh Inter Mirifica của Công Đồng Chung Vaticanô II được ban bố bởi vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là vị đầy tớ đáng kính của Chúa Phaolô VI, ngày 4/12/1963, thậm chí vẫn còn hiện đại hơn bao giờ hết: “Thiên khiếu của con người, với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã sản xuất ra được những phát minh về kỹ thuật kỳ diệu từ thiên nhiên, nhất là trong thời đại của chúng ta đây. Giáo Hội là mẹ của chúng ta đặc biệt chú trọng tới những gì trực tiếp đụng chạm tới tâm linh của con người và là những gì mở ra những đường lối mới cho việc dễ dàng truyền đạt tất cả mọi thứ tín liệu, tư tưởng và xu hướng” (1).

 

 

I. Sự Tiến Bộ Tốt Đẹp của Truyền Thông sau Sắc Lệnh Inter Mirifica

2-     Hơn 40 năm sau khi ban hành văn kiện này, thật là thích hợp để suy nghĩ về “những thách đố” do các phương tiện truyền thông tạo nên cho Giáo Hội, một Giáo Hội được Đức Phalô VI nói rằng “sẽ cảm thấy có lỗi với Chúa nếu Giáo Hội không lợi dụng những phương tiện mãnh lực này” (2). Thật vậy, Giáo Hội chẳng những được kêu gọi để sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để truyền bá Phúc Âm mà còn, hôm nay đây, hơn bao giờ hết, hội nhập sứ điệp cứu độ vào “thứ văn hóa mới” được những phương tiện truyền thông quyền năng này tạo nên và phổ biến. Giáo Hội nói cho chúng ta biết rằng việc sử dụng các kỹ thuật cùng các khoa kỹ thuật của những ngành truyền thông xã hội hiện đại là một phần thuộc về sứ mạng của Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba.

Ý thức như thế, cộng đồng Kitô hữu đã thực hiện những bước tiến quan trọng trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông cho tín vụ tôn giáo, cho việc truyền bá phúc âm hóa, cho việc giảng dạy giáo lý, cho việc huấn luyện các cán sự mục vụ về ngành truyền thông này, và cho việc giáo dục về trách nhiệm chín chắn nơi thành phần sử dụng cũng như thành phần thụ hưởng các phương tiện truyền thông.

3.     Nhiều thách đố gây khó dễ cho việc tân truyền bá phúc âm hóa trong một thế giới giầu khả năng truyền thông như của chúng ta đây. Đó là lý do tôi đã nhấn mạnh đến trong Thông Điệp Redemptoris Missio là Công Nghị Đường trước hết của thời đại tân tiến là thế giới truyền thông, một thế giới có khả năng hiệp nhất loài người và biến đổi loài người thành “một ngôi làng hoàn vũ” như vốn được nói tới. Các phương tiện truyền thông đã chiếm được một vai trò quan trọng như là các phương tiện chính yếu trong việc hướng dẫn và tác động hành vi cử chỉ của nhiều người về phương diện cá nhân, gia đình và xã hội. Chúng ta đang đương đầu với một vấn đề phức tạp, vì chính nền văn hóa, bất kể nội dung của nó, xuất phát từ chính sự hiện hữu của các đường lối mới trong việc truyền đạt mà, cho tới nay, có những kỹ thuật và từ vựng không được biết tới.

Thời đại của chúng ta là thời đại của truyền thông toàn cầu, một thời đại có vô vàn giây phút trong cuộc hiện hữu của con người được sử dụng vào, hay ít là chạm trán với, những tiến trình khác nhau của các phương tiện truyền thông đại chúng. Tôi muốn giới hạn vào việc đề cập tới vấn đề huấn luyện nhân cách và lương tâm, vấn đề tìm hiểu và kiến tạo các mối liên hệ về tình cảm, vấn đề qui tụ lại với nhau cho các giai đoạn học hỏi và huấn luyện, vấn đề chế biến và truyền bá hiện tượng văn hóa, cũng như vấn đề phát triển sinh hoạt xã hội, chính trị và kinh tế.

Các phương tiện truyền thông đại chúng có thể và cần phải cổ võ công lý và tình đoàn kết theo một quan điểm có hệ thông và xác đáng về vấn đề phát triển nhân bản, bằng việc tường trình các biến cố một cách chính xác và trung thực, bằng việc phân tích những trường hợp và các vấn đề một cách đầy đủ, cũng như bằng việc cung cấp một thứ diễn đàn cho biết các ý kiến khác nhau. Đường lối luân thường đạo lý chân thực trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông mãnh lực này cần phải được thực hiện theo chiều hướng tác hành tự do và trách nhiệm chín chắn, căn cứ vào qui tắc tối cao của sự thật và công lý.

 

 
II. Phản Ảnh Phúc Âm và Dấn Thân Truyền Giáo

4.     Thế giới truyền thông đại chúng cũng cần đến ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Bằng con mắt đức tin, để phân tách những tiến trình và giá trị của các thứ truyền thông, chắc chắn việc hiểu được sâu xa Thánh Kinh là những gì có thể như là một “thứ đại luật tắc” đối với vấn đề truyền thông một sứ điệp nào đó, một thứ đại luật tắc không nông cạn mà là sâu xa bởi giá trị cứu độ của nó.

Lịch sử Cứu độ đã trình thuật và ghi nhận việc Thiên Chúa thông đạt với loài người, một thông đạt đã sử dụng đến tất cả mọi hình thức và đường lối truyền thông. Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa để chấp nhận mạc khải thần linh cũng như để tham dự vào cuộc đối thoại thân tình với Ngài. Vì tội lỗi, khả năng đối thoại này, ở cả lãnh vực cá nhân cũng như xã hội, đã bị xê dịch đi, và loài người đã phải chịu đau khổ và sẽ tiếp tục chịu khổ đau, một cảm nghiệm cay cực của việc thiếu hiểu biết và phân ly. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không bỏ rơi loài người, trái lại đã sai Con một của Ngài đến (x Mk 12:1-11). Nơi Lời hóa thành nhục thể, chính việc truyền thông có một ý nghĩa cứu độ sâu xa nhất: nhờ đó, trong Thánh Thần, nhân loại được ban cho khả năng để lãnh nhận ơn cứu độ, và loan truyền cùng làm chứng cho ơn cứu độ trước mắt thế gian.

5.     Việc truyền thông giữa Thiên Chúa và nhân loại như thế đã đạt đến mức trọn hảo nơi Lời hóa thành nhục thể. Tác động yêu thương được Thiên Chúa dùng để tỏ mình ra, hiệp với việc con người đáp ứng bằng đức tin, làm phát sinh một cuộc đối thoại tốt đẹp. Chính vì lý do ấy, ở một nghĩa nào đó khi sử dụng những lời kêu xin của các môn đệ “xin dạy chúng con nguyện cầu” (Lk 11:1), chúng ta có thể xin Chúa giúp chúng ta hiểu được làm sao có thể thông đạt với Thiên Chúa cũng như với tha nhân bằng những phương tiện truyền thông kỳ diệu. Vì việc truyền thông rất quyết liệt và dứt khoát như thế mà các phương tiện truyền thông là những gì cống hiến một cơ hội thích thuận để vươn tới dân chúng ở hết mọi nơi, bắng cách thắng vượt những chướng ngại của thời gian, không gian và ngôn ngữ; bằng cách trình bày nội dung của đức tin bằng những cách khác nhau nhất có thể nghĩ được; cũng như bằng cách cống hiến cho tất cả mọi người tìm kiếm cơ hội để tham dự vào cuộc đối thoại với mầu nhiệm Thiên Chúa là mầu nhiệm được hoàn toàn tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô.

Lời Nhập Thể đã lưu lại cho chúng ta một tấm gương về cách thức thông đạt với Chúa Cha cũng như với nhân loại, trong những lúc thinh lặng và suy niệm, hay trong khi giảng dạy ở mọi nơi và bằng mọi cách. Người giải thích Thánh Kinh, bày tỏ mình nơi những dụ ngôn, những cuộc đối thoại thân tình trong gia đình, nói năng ở phố xá, trên đường đi, ở bờ hồ và trên đỉnh núi. Cuộc hội ngộ riêng tư với Người khiến con người không thể dửng dưng mà là thôi thúc việc noi gương bắt chước: “Những gì Thày nói với các con trong bóng tối, các con hãy nói giữa ban ngày; những gì các con nghe thủ thỉ hãy công bố trên mái nhà” (Mt 10:27).

Tuy nhiên, vẫn có một giây phút tuyệt đỉnh làm cho việc truyền đạt trở thành việc thông hiệp trọn vẹn, đó là giây phút hội ngộ Thánh Thể. Bằng việc nhận ra Chúa Giêsu nơi “việc bẻ bánh” (x Lk 24:30-31), tín hữu cảm thấy mình được thôi thúc loan truyền cuộc tử nạn và phục sinh của Người, và trở thành những chứng nhân hoan hỉ cùng can trường cho Vương Quốc của Người (x Lk 24:35).

6.     Nhờ Ơn Cứu Chuộc, khả năng truyền đạt của tín hữu được chữa lành và canh tân. Cuộc hội ngộ với Chúa Kitô làm cho họ trở thành những tạo vật mới, và khiến họ có thể trở thành phần tử của một dân tộc mà nhờ chết trên Thập Giá Người đã chiếm lấy bằng máu của mình, để dẫn họ vào cuộc sống thân tình của Ba Ngôi, một thực tại truyền thông luân chuyển yêu thương vô cùng thiện hảo của Cha, Con và Thánh Linh.

Việc truyền thông thấm nhuần những chiều kích thiết yếu của Giáo Hội, những chiều kích được kêu gọi để loan báo cho tất cả mọi người sứ điệp cứu độ hân hoan. Đó là lý do Giáo Hội lợi dụng những cơ hội được các phương tiện truyền thông cống hiến cho như là những cách thế quan phòng do Thiên Chúa ban để gia tăng mối hiệp thông cũng như để đi sâu hơn vào việc loan báo lời của Người (3). Các phương tiện truyền thông giúp cho việc biểu lộ tính chất hoàn vũ của Dân Chúa, tạo thuận lợi hơn cho việc trao đổi nhiều hơn nữa và trực tiếp hơn nữa giữa các Giáo Hội địa phương, và nuôi dưỡng việc hiểu biết lẫn nhau cùng hợp tác với nhau.

Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về sự hiện diện của các phương tiện quyền lực này, các phương tiện mà nếu các tín hữu biết sử dụng bằng thiên khiếu đức tin cùng dễ dạy theo ơn soi động của Thánh Linh, có thể làm dễ dàng hóa việc truyền đạt Phúc Âm và mang lại những mối liên kết hiệp thông giữa các cộng đồng giáo hội một cách hiệu nghiệm hơn.

 

 

III. Một Đổi Thay về Tâm Thức và Canh Tân về Mục Vụ

7.     Nơi các phương tiện truyền thông Giáo Hội tìm thấy được một sự hỗ trợ quí báu cho việc truyền bá Phúc Âm cùng những giá trị về đạo đức, cho việc cổ võ đối thoại, cho việc hợp tác đại kết và liên tôn, cũng như cho việc bênh vực những nguyên tắc vững chắc bất khả châm chước để xây dựng một xã hội tôn trọng phẩm giá con người và chú trọng đến công ích. Giáo Hội sẵn sàng sử dụng những phương tiện truyền thông này để cung cấp tin tức về mình cũng như để mở rộng biên giới truyền bá phúc âm hóa, giảng dạy giáo lý và huấn luyện, khi coi việc sử dụng này như là một đáp ứng mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Các con hãy đi khắp thế gian loan báo phúc âm cho tất cả mọi tạo vật” (Mk 16:15).

Chắc chắn đây không phải là một sứ vụ dễ thực hiện ở vào một thời đại như của chúng ta đây, một thời đại có niềm xác tín rằng thời gian của những gì vững chắc là một quá khứ bất khả vãn hồi. Thật vậy, nhiều người tin rằng nhân loại cần phải biết sống trong một bầu khí thiếu vắng nghĩa lý, nhất thời và thoáng qua (4). Trong bối cảnh này, các phương tiện truyền thông có thể được sử dụng “để loan truyền Phúc Âm hay để biến Phúc Âm thành câm lặng trong lòng người” (5). Điều này trở thành một thách đố trầm trọng đối với thành phần tín hữu, nhất là với những bậc phụ huynh, gia đình cũng như tất cả những ai hữu trách đối với việc huấn luyện trẻ em và giới trẻ. Những cá nhân trong cộng đồng Giáo Hội đặc biệt có thiên khiếu hoạt động nơi ngành truyền thông cần phải được tác động bởi sự thận trọng và khôn ngoan về mục vụ, nhờ đó họ có thể trở thành những chuyên gia có khả năng đối thoại với một thế giới rộng lớn của phương tiện truyền thông đại chúng.

8.     Việc cảm nhận các phương tiện truyền thông không phải chỉ giành riêng cho những ai thông thạo nơi ngành này, mà còn cho toàn thể Cộng Đồng Giáo Hội nữa. Nếu, như đã nhận định, các phương tiện truyền thông chú ý tới những khía cạnh khác nhau của việc bày tỏ đức tin, thì Kitô hữu cần phải để ý tới thứ văn hóa truyền thông họ sống: từ việc Phụng Vụ là việc bày tỏ hoàn toàn nhất và sâu xa nhất của vấn đề thông đạt với Thiên Chúa cũng như với nhau, đến việc giảng dạy giáo lý, việc giảng dạy giáo lý không thể bỏ qua sự kiện hướng về thành phần bị chìm ngập trong ngôn ngữ và văn hóa ngày nay.

Hiện tượng truyền thông hiện nay thúc bách Giáo Hội hướng tới một thứ kiểm điểm về mục vụ và văn hóa, để đương đầu một cách trọn vẹn với thời đại chúng ta đang sống đây. Trước hết, các Vị Mục Tử cần phải lãnh nhận trách nhiệm này. Cần phải thực hiện mọi sự có thể để Phúc Âm thấm nhuần vào xã hội, tác động con người lắng nghe Phúc Âm và thực hành sứ điệp của Phúc Âm (6). Thành phần tận hiến tu trì thuộc về các hội dòng có đặc sủng về việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng có một trách nhiệm đặc biệt về vấn đề này. Được huấn luyện về đạo đức và kỹ thuật liên quan đến mục đích này, những hội dòng ấy “cần phải sẵn sàng ra tay giúp đỡ ở bất cứ nơi nào thích hợp về mục vụ […] hầu bù lại việc sử dụng truyền thông sai trái cũng như để cổ võ những chương trình mang tính chất khá hơn, những nội dung có tính cách tôn trọng lề luật luân lý và phong phú về các giá trị nhân bản và Kitô giáo” (7).

9.     Vì tầm vóc quan trọng của các phương tiện truyền thông như thế mà 15 năm trước đây tôi đã cho rằng thật là thất sách khi để việc sử dụng các phương tiện này cho những sáng kiến cá nhân hay nhóm nhỏ, nên tôi đã đề nghị rằng chúng nhất định cần phải được đưa vào các chương trình mục vụ (8). Các khoa kỹ thuật mới đặc biệt tạo nên những cơ hội hơn nữa hầu vấn đề truyền thông được hiểu như là việc phục vụ cho vấn đề quản trị và tổ chức về mục vụ thuộc các công việc khác nhau của cộng đồng Kitô hữu. Một thí dụ rõ ràng ngày nay đó là làm sao để Mạng Điện Toán Toàn Cầu chẳng những cung cấp các nguồn tín liệu hơn nữa, mà còn làm cho con người quen với việc truyền đạt giao liên (9). Nhiều Kitô hữu đang sử dụng phương tiện này một cách sáng tạo, lợi dụng khả năng của nó để hỗ trợ vào các công việc truyền bá phúc âm hóa và giáo dục, cũng như vào việc truyền thông, quản trị và điều hành nội bộ. Tuy nhiên, song song với Mạng Điện Toán Toàn Cầu này còn có những phương tiện truyền thông mới cũng như những phương tiện truyền thông cổ truyền cũng cần phải được sử dụng nữa. Các tờ nhật san và tuần san, các thứ in ấn đủ loại, và truyền hình cùng truyền thanh Công giáo vẫn còn là những phương tiện rất hữu dụng trong toàn diện các phương tiện truyền thông của Giáo Hội.

Cho dù nội dung được truyền đạt hiển nhiên cần phải được thích ứng với những nhu cầu của các nhóm khác nhau, mục tiêu bao giờ cũng phải là làm cho dân chúng ý thức được chiều kích đạo lý và luân lý của tín liệu (10). Cũng thế, vấn đề quan trọng là làm sao bảo đảm rằng các chuyên gia truyền thông cần được huấn luyện và chăm sóc về mục vụ để đương đầu với những căng thẳng đặc biệt cũng như với những nan giải về đạo lý xuất phát từ hoạt động thường nhật của họ. Thường những con người nam nữ này “thành thức muốn biết và thực hành những gì chính đáng về luân thường đạo lý cũng như luân lý”, và tìm kiếm nơi Giáo Hội sự hướng dẫn và nâng đỡ (11).

 

  

IV. Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng, Giao Điểm của Những Đại vấn Đề Xã Hội

10.     Giáo Hội, theo chiều hướng sứ điệp cứu độ được Chúa Kitô ký thác cho là thày dạy nhân loại, nhận thấy nhiệm vụ cần phải đóng góp vào việc hiểu biết hơn nữa về những quan niệm và trách nhiệm liên quan tới những phát triển hiện nay nơi ngành truyền thông. Đặc biệt vì những phương tiện truyền thông này ảnh hưởng đến lương tâm con người, hình thành tâm thức của họ và khuôn đúc quan niệm của họ về các sự vật, cần phải nhấn mạnh một cách mãnh liệt và rõ ràng là các phương tiện truyền thông đại chúng tạo nên một gia sản cần phải được bảo toàn và cổ võ. Những phương tiện truyền thông đại chúng cần phải đi sâu vào chiều kích của các thứ quyền lợi và nghĩa vụ căn bản, cần phải là chiều kích này theo quan điểm huấn luyện và trách nhiệm về luân thường đạo lý, hay theo sự liên hệ với luật lệ cũng như với các điều lệ về cơ cấu.

Việc phát triển tích cực của các phương tiện truyền thông cho việc phục vụ công ích là một trách nhiệm của mỗi người và mọi người (12). Vì mối liên hệ chặt chẽ giữa các phương tiện truyền thông với kinh tế, chính trị và văn hóa, cần phải có một hệ thống điều hành cần thiết có thể bảo đảm được vai trò chính yếu và phẩm vị của con người, tính cách nền tảng của gia đình như một đơn vị căn bản của xã hội cùng mối liên hệ xứng hợp giữa các lãnh vực này với nhau.

11.     Chúng ta đang phải đối diện với ba giải pháp là việc huấn luyện, việc tham dự và việc đối thoại.

Trước hết, việc huấn luyện rộng lớn là việc cần phải có để bảo đảm rằng các phương tiện truyền thông đại chúng được hiểu biết và sử dụng một cách sáng suốt và thích hợp. Ngữ vựng mới được các phương tiện này đưa vào xã hội đang điều chỉnh cả tiến trình học hỏi lẫn phẩm chất của các mối liên hệ nhân bản, do đó, nếu không được huấn luyện thích hợp, những phương tiện truyền thông này có nguy cơ mạo dụng và hạn chế sâu nặng hơn là phục vụ dân chúng. Điều này đặc biệt đúng nơi giới trẻ, thành phần tỏ ra tự nhiên hào hứng với những cái mới mẻ về kỹ thuật, do đó lại càng cần phải được giáo dục về việc sử dụng một cách hữu trách và ý thức các phương tiện truyền thông.

Sau nữa, tôi xin nhắc lại việc chúng ta chú trọng tới vấn đề khả dụng các phương tiện truyền thông cũng như đến vấn đề đồng trách nhiệm tham dự vào việc quản trị những phương tiện truyền thông này. Nếu các phương tiện truyền thông là một sự thiện giành cho toàn thể nhân loại thì những phương tiện hằng mới mẻ này cần phải, kể cả việc sử dụng đến những phương sách lập pháp thích thuận, được làm sao để tất cả mọi người đều thực sự tham phần vào việc điều hành chúng. Cần phải nuôi dưỡng thứ văn hóa đồng trách nhiệm.

Sau hết, không thể bỏ qua những trách nhiệm lớn lao của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc cổ võ đối thoại, trong việc trở thành những phương tiện tương kiến, kết đoàn và hòa bình. Chúng trở thành một phương tiện mãnh liệt cho thiện ích, nếu chúng được sử dụng để nuôi dưỡng sự hiểu biết giữa các dân tộc; nhưng chúng sẽ trở thành một “thứ vũ khí” tiêu diệt, nếu chúng được sử dụng để nuôi dưỡng bất công cùng các thứ xung khắc. Vị tiền nhiệm khả kính của tôi là Chân Phước Gioan XXIII đã cảnh giác có tính cách tiên tri về một nhân loại với những nguy cơ trầm trọng như thế trong Thông Điệp Bình An Dưới Thể (13).

12.     Việc suy tư về vai trò “của ý kiến quần chúng trong Giáo Hội”, cũng như “về Giáo Hội theo ý kiến quần chúng” là những gì được chú trọng rất nhiều. Trong một cuộc gặp gỡ các vị chủ bút các báo chí Công giáo, vị tiền nhiệm Piô XII đáng kính của tôi đã nói rằng có một cái gì đó thiêu thiếu nơi đời sống của Giáo Hội nếu Giáo Hội không chú ý tới ý kiến quần chúng. Tư tưởng này từ đó đã được lập lại vào những dịp khác (14), và Bộ Giáo Luật nhìn nhận, với một số điều kiện, quyền được bày tỏ ý nghĩ riêng của con người (15). Cho dù thật sự là các sự thật của đức tin không được tự do dẫn giải một cách độc đoán, và việc tôn trọng quyền lợi của người khác giới hạn việc bày tỏ phán đoán của con người, thì cũng đúng nữa đó là vẫn còn chỗ nơi tín hữu Công giáo cho việc trao đổi ý kiến bằng một cuộc đối thoại tôn trọng công lý và thận trọng.

Việc truyền đạt cả trong cộng đồng Giáo Hội lẫn giữa Giáo Hội với chung thế giới đòi phải cởi mở và một đường lối mới đối với những vấn đề đang cần phải đương đầu đối với thế giới truyền thông. Việc truyền đạt này cần phải hướng về một cuộc đối thoại xây dựng, hầu phát động một thứ ý kiến quần chúng được hiểu biết và ý thức một cách xác đáng trong cộng đồng Kitô hữu. Giáo Hội, như các tổ chức và nhóm hội khác, có nhu cầu và quyền được làm cho các sinh hoạt của mình được biết tới. Tuy nhiên, khi hoàn cảnh đòi hỏi, Giáo Hội cần phải làm sao để có thể bảo đảm được tính cách trọn vẹn bảo mật, mà lại bởi đó không gây tổn hại cho việc truyền đạt hợp thời và đầy đủ các biến cố của Giáo Hội. Đây là một trong những lãnh vực mà việc hợp tác giữa tín hữu giáo dân và các vị Chủ Chiên cần đến nhất, như Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh một cách thích đáng là “hy vọng rằng sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội: ở chỗ, giáo dân ý thức ttrách nhiệm của mình một cách vững chắc hơn, lòng hăng say của họ được phát triển và họ góp sức dễ dàng hơn vào công việc của các chủ chăn. Phần các vị chủ chăn, nhờ sự hỗ trợ kinh nghiệm của giáo dân, các ngài có thể phán đoán minh bạch và xác đáng hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế. Nhờ vậy, toàn thể Giáo Hội được vững mạnh bởi tất cả mọi chi thể sẽ có thể chu toàn một cách hữu hiệu hơn sứ mệnh của Giáo Hội là mang lại sự sống cho thế gian” (16).

 

  

V. Để Thực Hiện Việc Truyền Thông với Quyền Năng của Chúa Thánh Thần

13.     Cái thách đố lớn của thời đại chúng ta đối với thành phần tín hữu cũng như đối với tất cả mọi con người thành tâm thiện chí đó là thách đố bảo trì việc truyền thông trung thực và tự do giúp vào việc củng cố sự tiến bộ toàn diện trên thế giới. Hết mọi người đều biết cách để làm sao nuôi dưỡng một thứ cẩn thận nhận thức và liên lỉ tỉnh táo, bằng việc phát triển một thứ khả năng nhận định lành mạnh về mãnh lực thu hút của các phương tiện truyền thông.

Cũng trong ngành truyền thông này, thành phần tin tưởng nơi Chúa Kitô biết rằng họ có thể trông cậy vào ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Ơn trợ giúp này lại càng cần thiết hơn nữa khi người ta để ý tới vấn đề những trở ngại nội tại nơi vấn đề truyền thông có thể gia tăng nhiều là dường nào bởi các thứ ý hệ, bởi ước muốn lợi lộc hay quyền lực, cũng như bởi những thứ kình địch cùng xung khắc giữa cá nhân và đoàn thể, đồng thời cũng bởi nỗi yếu kém của con người cùng với các thứ rắc rối trong xã hội. Các khoa kỹ thuật tân tiến gia tăng đến độ đáng kể về tốc độ, lượng chất và tính cách khả dụng của truyền thông, thế nhưng chúng trước hết lại không thuận lợi cho một thứ trao đổi khéo léo diễn ra giữa trí khôn với trí khôn, giữa con tim với con tim, song là một thứ trao đổi cần phải làm nên đặc tính của bất cứ việc truyền thông nào muốn phục vụ tình đoàn kết và yêu thương.

Trải qua suốt lịch sử cứu độ, Chúa Kitô hiện diện với chúng ta như là “một vị trền đạt” của Chúa Cha: “Thiên Chúa, vào những ngày cuối này, đã nói với chúng ta qua Con của Ngài” (Heb 1:2). Lời hằng hữu nhập thể, nơi việc thông đạt Bản Thân Mình, bao giờ cũng tỏ ra tôn trọng những ai lắng nghe Người, giảng dạy cho họ biết về tình trạng và các nhu cầu của họ, cảm thương trước nỗi khổ đau của họ cũng như dứt khoát chỉ nói với họ về những gì họ cần nghe mà không áp đặt hay ve vuốt, lừa đảo hay mạo dụng. Chúa Giêsu dạy rằng việc truyền đạt là một hành động về luân lý: “Một con người tốt thì xuất ra những gì chất chứa tốt lành, song kẻ dữ thì xuất ra những gì chất chứa xấu xa. Tôi nói cho quí vị hay, vào Ngày Phán Xét, người ta sẽ phải trả lẽ về hết mọi lời nói vô trách nhiệm của họ. Quí vị sẽ bị xét xử theo những lời nói của mình, và quí vị sẽ bị án phạt vì lời lẽ của mình” (Mt 12:35-37).

14.     Thánh tông đồ Phaolô đã rõ ràng nhắn nhủ những ai đi làm truyền thông (chính trị gia, chuyên gia truyền thông, khán thính giả), rằng “Bởi thế, bằng việc loại trừ đi điều sai lạc, mỗi người hãy nói điều chân thật với tha nhân của mình, vì chúng ta là phần tử của nhau… Miệng lưỡi của anh em không được thốt ra thứ ngôn từ gian manh dối trá, mà là những gì tốt lành cần cho việc xây dựng, hầu mang lại ân huệ cho người nghe” (Eph 4:25,29).

Đối với những ai đang hoạt động trong ngành truyền thông, nhất là đối với thành phần tín hữu tham gia vào lãnh vực quan trọng này của xã hội, thì tôi muốn gửi đến họ lời mời gọi mà, ngay từ đầu thừa tác vụ làm Mục Tử Giáo Hội Hoàn Vũ, tôi đã muốn bày tỏ cho toàn thế giới là “đừng sợ!”.

Đừng sợ những khoa kỹ thuật mới! Những khoa kỹ thuật mới này thuộc về “số những điều tuyệt diệu” – inter mirifica – Thiên Chúa đã trao vào tay của chúng ta để khám phá, sử dụng và làm cho sự thật được nhận biết, một sự thật về cả phẩm giá của chúng ta cũng như về thân mệnh của chúng ta là con cái của Ngài, thành phần thừa tự Vương Quốc hằng hữu của Ngài.

Đừng sợ bị thế giới chống đối! Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta rằng “Thày đã thắng thế gian” (Jn 16:33). Đừng sợ ngay cả đến nỗi yếu hèn và thiếu kém của mình! Vị Sư Phụ Thần Linh đã phán: “Thày luôn ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:20). Hãy thông đạt sứ điệp của Chúa Kitô, ân sủng và yêu thương, hãy làm cho sống động trong thế giới qua đi này cái viễn ảnh vĩnh hằng thiên quốc, một viễn ảnh không một phương tiện truyền thông nào có thể trực tiếp truyền đạt, đó là “Những gì mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, và những gì lòng chưa từng cảm, những gì Thiên Chúa đã sửa soạn cho những ai yêu mến Ngài” (1Cor 2:9).

Tôi xin ký thác cuộc hành trình của Giáo Hội trong thế giới ngày nay cho Mẹ Maria, vị đã ban cho chúng ta Lời sự sống và là vị lưu giữ những lời bất đổi thay trong lòng Mẹ. Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta biết sử dụng mọi phương tiện để truyền đạt vẻ đẹp và niềm vui của sự sống trong Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta.

Tôi ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người!


Tại Vatican ngày 24/1/2005, Lễ Thánh Phanxicô Salêsiô, Quan Thày Thành Phần Phóng Viên Ký Giả

 

Gioan Phaolô II
 


Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL
http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_20050124_il-rapido-sviluppo_en.html

 

 

TOP

 

NOTES
[1] No. 1.
[2] Apostolic Exhortation Evangelio Nuntiandi (December 8th, 1975): AAS 68 (1976), 45.
[3] Cf. John Paul II, Apostolic Exhortation Christifideles Laici (December 30 th , 1988), 18-24: AAS 81 (1989), 421-435; cf. Pontifical Council for Social Communications, Pastoral Instructive Ae tatis Novae (February 22 nd , 1992), 10: AAS 84 (1992), 454-455.
[4] Cf. John Paul II, Encyclical Letter Fides et Ratio (September 14 th , 1998), 91: AAS 91 (1999), 76-77.
[5] cf. Pontifical Council for Social Communications, Pastoral Instructive Ae tatis Novae (February 22 nd , 1992), 4: AAS 84 (1992), 450.
[6] Cf. John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation, Pastores Gregis, 30: L’Osservatore Romano, October 17 th , 2003, p. 6.
[7] John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation, Vita Consecrata (March 25 th , 1996), 99: AAS 88 (1996), 476.
[8] Cf. John Paul II, Encyclical Letter, Redemptoris Missio (December 7 th , 1990), 37: AAS 83 (1991), 282-286.
[9] Cf. Pontifical Council for Social Communications, The Church and Internet (February 22 nd , 2002), 6: Vatican City, 2002, p. 13-15.
[10] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Inter Mirifica, 15-16; Pontifical Council for Social Communications, Pastoral Instructional Communio et Progressio (May 23 rd , 1971), 107: AAS 63 (1971), 631-632; Pontifical Council for Social Communications, Pastoral Instructional Aetatis Novae (February 22 nd , 1992), 18: AAS 84 (1992), 460.
[11] Cf. Ibid., 19: l.c.
[12] Cf. The Catechism of the Catholic Church, num. 2494.
[13] Cf. John Paul II, Message for the 37 th World Communications Day (January 24 th , 2003): L’Osservatore Romano, January 25 th , 2003, p. 6.
[14] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Lumen Gentium, 37; Pontifical Council for Social Communications, Pastoral Instruction Communio et Progressio (May 23 rd , 1971), 114-117: AAS 63 (1971), 634-635.
[15] Can. 212, ậ3: According to the knowledge, competence, and prestige which they possess, they have the right and even at times the duty to manifest to the sacred pastors their opinion on matters which pertain to the good of the Church and to make their opinion known to the rest of the Christian faithful, without prejudice to the integrity of faith and morals, with reverence toward their pastors, and attentive to common advantage and the dignity of persons.
[16] Second Vatican Ecumenical Council, Lumen Gentium, 37.
 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ