GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 10/6/2005,

THÁNG THÁNH TÂM

 

1) ĐTC Biển Đức XVI với Tiểu Ban Do Thái Quốc Tế Đặc Trách Việc Tham Vấn Liên Tôn

2) Cuộc Đối Thoại giữa Công Giáo và Do Thái Giáo: Nhận định của một vị hồng y Công Giáo gốc Do Thái

3) Tinh thần truyền giáo: “Tấm bánh bẻ ra” ở Rwanda, Burundi và Congo

 

 

ĐTC Biển Đức XVI với Tiểu Ban Do Thái Quốc Tế Đặc Trách Việc Tham Vấn Liên Tôn

 

Hôm Thứ Năm 9/6/2005, ĐTC Biển Đức XVI đã tiếp phái đoàn đại biểu của Tiểu Ban Do Thái Quốc Tế Đặc Trách Việc Tham Vấn Liên Tôn, và đã bày tỏ với phái đoàn này những cảm nhận liên tôn của ngài với dân Do Thái như sau:

 

Quí Vị Thượng Khách,

Quí Bạn thân mến,

 

Tôi hân hoan chào mừng phái đoàn đại biểu của Tiểu Ban Do Thái Quốc Tế Đặc Trách Việc Tham Vấn Liên Tôn đến thăm Vatican.

 

Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra trong năm nay là năm đánh dấu 40 năm Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” của Công Đồng Chung Vaticanô II, một công đồng ban bố một giáo huấn làm nền tảng cho mối liên hệ giữa Giáo Hội với nhân dân Do Thái từ đó. Công Đồng này đã khẳng định niềm xác tín của Giáo Hội là, trong mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa thì khởi nguyên cho đức tin của Giáo Hội đã được bắt nguồn từ Abraham, Moisen và các vị Tiên Tri. Bắt nguồn từ gia sản thiêng liêng này và giáo huấn của Phúc Âm, cần phải tiến đến chỗ hiểu biết nhau hơn và cảm mến nhau hơn giữa Kitô hữu và người Do Thái, cũng như lấy làm tiếc xót về tất cả mọi hình thức ghét bỏ, bách hại và bài Do Thái (“Nostra Aetate”, 4). Ngay vào lúc mở màn cho Giáo Triều của mình, tôi muốn cam đoan với quí vị là Giáo Hội vẫn mạnh mẽ quyết tâm, qua giáo lý của mình cũng như qua mọi khía cạnh sinh hoạt của mình, áp dụng giáo huấn quan trọng ấy.

 

Trong những năm sau Công Đồng này, các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI, nhất là Đức Gioan Phaolô II, đã thực hiện những bước tiến quan trọng trong việc cải thiện những liên hệ với nhân dân Do Thái. Tôi cũng có ý tiếp tục con đường này. Lịch sử của mối liên hệ giữa hai cộng đồng của chúng ta đã từng là những gì phức tạp và thường đau thương, nhưng tôi tin rằng “cái gia sản thiêng liêng” được ấp ủ bởi cả Kitô hữu lẫn người Do Thái tự bản chất là nguồn mạch khôn ngoan và hứng khởi có thể hướng chúng ta đến “một tương lai hy vọng” theo dự án thần linh (x Jer 29:11). Đồng thời, việc nhớ lại quá khứ, đối với cả hai cộng đồng chúng ta, vẫn là một đòi hỏi về luân lý và là một nguồn thanh tẩy nơi những gì chúng ta nỗ lực nguyện cầu cùng hoạt động cho việc hòa giải, cho công lý, cho việc tôn trọng phẩm giá con người cũng như cho một nền hòa bình trên hết là tặng ân do Thiên Chúa ban. Tự chính bản chất của mình, đòi hỏi này cần phải bao gồm cả việc liên tục suy tưởng về các vấn đề lịch sử, luân lý và thần học được chất chứa nơi kinh nghiệm của biến cố Shoah.

 

Trong 35 năm qua, Tiểu Ban Do Thái Quốc Tế Đặc Trách Việc Tham Vấn Liên Tôn đã gặp gỡ các phái đoàn đại biểu của Ủy Ban của Tòa Thánh Đặc Trách Liên  Hệ Tôn Giáo với Người Do Thái 18 lần, kể cả cuộc họp gần đây nhất ở Buenos Aires vào Tháng 7/2004 về đề tài “Công Lý và Bác Ái”. Tôi xin dâng lời tạ ơn Chúa về sự tiến bộ đã đạt được trong những năm ấy, và tôi xin quí vị hãy kiên trì nơi công việc quan trọng này của quí vị, đặt những nền tảng cho việc tiếp tục đối thoại và xây dựng một thế giới hòa giải, một thế giới hòa hợp hơn bao giờ hết với ý muốn của Đấng Hóa Công. Tôi ưu ái xin Thiên Chúa ban phúc lành khôn ngoan, sức mạnh và an bình xuống trên tất cả quí vị cũng như trên những người thân yêu của quí vị.


 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit 9/6/2005

 

 

TOP

 

 

Cuộc Đối Thoại giữa Công Giáo và Do Thái Giáo: Nhận định của một vị hồng y Công Giáo gốc Do Thái

 

Trong cuộc phỏng vấn với mạng lưới điện toán toàn cầu Zenit, vị hồng y người Pháp là Jean-Marie Lustiger, vị TGM Paris hồi hưu và là người Do Thái từ bẩm sinh, đã nhấn mạnh đến những chiếm đạt quan trọng của Đức Gioan Phaolô II trong việc duy trì liên hệ với người Do Thái, cũng như đến tầm quan trọng của Do Thái giáo trong việc hiểu biết đức tin Kitô giáo của mình.

 

Vấn:     ĐHY đang ở Tây Ban Nha, ngoài những lý do khác, là để nói về tầm quan trọng của việc đối thoại giữa những người Do Thái và Kitô hữu. Tình trạng hiện nay ra sao nơi cuộc đối thoại giữa những người Do Thái và Kitô hữu, và đâu là sự tiến bộ đã đạt được, nhất là trong giáo triều của Đức Gioan Phaolô II?

 

Đáp:    Nỗ lực của ĐTC Gioan Phaolô II thật là vĩ đại. Công Đồng Chung Vaticanô II đã đánh dấu chủ trương của Giáo Hội liên quan đến các tôn giáo không phải Kitô giáo, nhất là đến những người Do Thái.

 

Sau đó, theo sắc lệnh “Nostra Aetate”, ĐGH Gioan Phaolô II đã theo chủ trương này một cách lạ lùng, vì ngài không muốn giải quyết vấn đề chỉ với tư cách là một nhà ngoại giao hay như là một con người hy vọng thiết lập vấn đề liên lạc và liên hệ theo thành tâm thiện chí, mà đồng thời như là một nhà thần bí, là một thần học gia, một con người của đức ái thật sự, một con người của đức tin, một người môn đệ của Chúa Kitô, và đặc biệt như là một Vị Giáo Hoàng, là Vị Thừa Kế Thánh Phêrô.

 

Ngài đã chứng tỏ rằng cuộc đối thoại Do Thái Kitô Giáo không phải thuần túy là một nỗ lực để thiết lập các thứ liên hệ tốt đẹp, mà còn bao hàm việc khám phá, nơi việc hiện hữu của nhân dân Do Thái, khía cạnh nồng cốt của Mạc Khải, vì nó là một vấn đề của mối liên minh do Thiên Chúa thiết lập với dân của Ngài, mà nếu không có mối liên minh này, mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng chúng ta tin tưởng và là Đấng đã thiết lập Giáo Hội của Người,  sẽ mất đi tất cả tính chất nhất trí của mình.

Vị Giáo Hoàng này đã nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là ai bằng việc làm cho chúng ta hiểu được người Do Thái là ai. Ngài đã dạy chúng ta hiểu rằng nếu chúng ta yêu mến Chúa Kitô và theo Người, chúng ta không thể coi thường dân của Người cũng như ân sủng Người đã ban cho họ.

 

Nỗ lực vĩ đại của Đức Gioan Phaolô II chẳng những đã đánh động tâm can Kitô hữu mà còn được cảm nhận bởi những người Do Thái khác nhau nhất, từ thành phần Do Thái chính thống nhất đến thành phần xa cách nhất với việc sống đạo của họ, thành phần bị tục hóa nhất. Tất cả họ đều hiểu rằng một con người trung thành của Thiên Chúa hiện hữu, vị mà họ có thể tin tưởng.

 

Tôi nghĩ rằng ngày nay, sau những thế kỷ bị tàn sát và chết chóc, những thế kỷ chưa thể nào quên đi được, họ thực sự tin tưởng vào con người của vị Giáo Hoàng đại diện Giáo Hội này.


Vấn:     Tầm mức quan trọng của cuộc đối thoại này nói chung như thế nào theo quan điểm của ĐHY, căn cứ vào kiến thức của ĐHY về cả hai thế giới cũng như căn cứ vào kinh nghiệm của ĐHY về cuộc đối thoại này nơi đời sống tư riêng của ĐHY?

 

Đáp:    Nó thực sự là một cuộc mạo hiểm thiêng liêng, vì tính cách đa dạng ngoại thường của những trào lưu tư tưởng Do Thái dẫn chúng ta tới đủ mọi thứ khía cạnh khác nhau nơi niềm tin của chúng ta cũng như nơi việc sống đạo, và chúng ta mới chỉ ở vào khởi điểm của cuộc đối thoại này mà thôi!

 

Chúng ta đã đạt tới chỗ cuộc đối thoại này có thể bắt đầu tồn tại một cách vững chắc, vì đã có được lòng tin tưởng, hay nói cho chính xác hơn, đã được tái thiết. Song chúng ta không nghĩ được là cuộc đối thoại này sẽ dẫn chúng ta đi tới đâu.

 

Nó không phải là vấn đề của việc người Do Thái trở thành Kitô hữu hay ngược lại; nó về những gì họ cùng có chung với nhau, chẳng những như là đối tượng của đức tin mà còn liên quan tới thái độ và tác phong nữa. Nó có thể dẫn tới chỗ làm sáng tỏ những gì khác nhau giữa đôi bên.

 

Chẳng hạn, Chúa Giêsu rất nhấn mạnh rằng ai là kẻ mến yêu Cha và Chúa Kitô thì phải tuân giữ các lệnh truyền của Người, vì kẻ nào không làm theo ý muốn của Cha là kẻ không thực sự yêu mến Ngài, mà chúng ta cần phải vâng theo các lệnh truyền ấy. Đó là những gì được Thánh Âu Quốc Tinh nói: “Hãy yêu rồi muốn làm gì thì làm”, một câu tóm tắt về thần nhiệm. Thế nhưng, Thánh Gioan Thánh Giá nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không yêu mến nếu chúng ta không thực hành các giới luật.

 

Kitô hữu có khuynh hướng quên sót nhu cầu tuân giữ các lệnh truyền là một tác động của yêu thương, là chính cuộc thử thách của yêu thương, và thấy hiện nay những người Do Thái thực hành ra sao các lệnh truyền theo đường lối của họ, một cách chi tiết, vì chúng là các lệnh truyền của Thiên Chúa, việc thực hành của họ làm cho chúng ta suy nghĩ. Khi Chúa Giêsu nói rằng Người giữ các lệnh truyền là Người xin chúng ta hãy tuân giữ chúng như Người tuân giữ. Đó chỉ là một thí dụ điển hình mà thôi.
 
Vấn:     Tại sao ĐHY nói rằng cuộc đối thoại này đặc biệt quan trọng đối với Kitô hữu?

 

Đáp:    Tôi nghĩ rằng cuộc đối thoại này dẫn Kitô hữu chúng ta tới tính cách nguyên tuyền và chân thật của đức tin Kitô giáo.

 

Hãy tưởng tượng nó như là một con tầu và hãy tưởng tượng một cái neo. Nếu chúng ta không gắn bó với cái neo, chúng ta sẽ bị trôi dạt và lạc mất. Thế nhưng chúng ta không bị lạc mất nếu chúng ta nối kết với cái neo, một cái neo không phải là con tầu, nhưng là những gì cần thiết cho việc giữ được cân bằng của nó, và tình trạng căng thẳng gây ra bởi sức kháng đối của nó giúp chúng ta nắm vững lấy mình.

 

Thật là lạ lùng khi thấy rằng trước cuộc ‘trôi dạt’ cả thể này của nền văn minh tân tiến, hiện tại, hiện đại, một nền văn minh được Công Đồng Chung Vaticanô II muốn đáp ứng mạnh mẽ, thì chủ trương về đạo lý, luân lý và nhân loại học đối với thân phận con người, của thành phần Do Thái tin tưởng – trung thành với truyền thống đạo giáo của dân Do Thái – cũng như của Giáo Hội Công giáo lại có nhiều điểm tương đồng.

 

Nó như thể chúng ta thấy mình gần gũi nhau trước một thứ ánh sáng chung chúng ta đã được nhận lãnh, và điều này không có gì là lạ lùng, vì theo giáo huấn của Chúa Giêsu, khi Người được hỏi về những gì ngày nay chúng ta gọi là các vấn đề về nhân loại học – vấn đề về mối liên hệ của con người nam nữ, với tiền bạc, với thế giới, với thực tại, với tha nhân, với người nghèo – bao giờ Người cũng qui chiếu về Sách Khởi Nguyên.

 

Nếu chúng ta lắng nghe Giáo Hội, nghe Đức Gioan Phaolô II, chúng ta thấy rằng bao giờ vấn đề cũng được qui chiếu về “thuở ban đầu” khi nói tới mối liên hệ giữa người nam và người nữ, con người là hình ảnh Thiên Chúa.

 

Người Do Thái cũng có những qui chiếu thánh kinh và nhân loại học tương tự về thân phận con người, bao gồm cả niềm tin tưởng vào ơn cứu chuộc, mặc dù chúng ta không kín múc lấy Đấng Cứu Chuộc cùng một cách thức. Chúng ta chủ trương và tin tưởng rằng Thiên Chúa đã sai Con của Ngài, Vị là Đấng Thiên Sai. Dân Do Thái vẫn đợi chờ Đấng Thiên Sai đến, nhưng tin tưởng vào sự tha thứ tội lỗi được Thiên Chúa hứa, cũng như vào ân sủng và sự phục sinh của kẻ chết cùng sự sống đời đời. Họ hy vọng Đấng Thiên Sai sẽ đến trong vinh quang, và chúng ta cũng đang đợi chờ Chúa Kitô đến trong vinh quang.

 

Tóm lại, chúng ta chia sẻ cùng một kinh nghiệm thánh kinh liên quan tới cấu trúc của đức tin cũng như cấu trúc của nhân loại học, một cấu trúc nhân loại học chúng ta cảm thấy sát cánh bên nhau, cho dù chúng ta có tách biệt bởi những yếu tố về đức tin của chúng ta đi nữa.

Vấn:     Làm thế nào mà vấn đề chủ nghĩa trần thế và việc tục hóa – theo quan diểm Do Thái và Kitô giáo – lại quá cắm rễ sâu xa vào Nước Pháp và đang xâm nhập một cách mãnh liện ở Tây Ban Nha như vậy?

 

Đáp:    Nó là một vấn đề rất khó khăn, vì chúng ta trải qua một tiến trình đột biến rất lớn lao. Khó mà phân tách được những yếu tố của một vấn đề khi người ta không nắm vững được những yếu tố ấy.

 

Có ít là hai yếu tố quyện lấy nhau.

 

Yếu tố thứ nhất đó là một thứ thay đổi sâu xa nơi toàn thể nền văn hóa. Tôi đang nói đến văn hóa phổ thông, ngược với văn hóa của thành phần trí thức, thành phần thế giá, thành phần được cơ hội gặt hái được ích lợi từ những việc học hỏi chuyên môn hơn. Ngày nay văn hóa phổ thông cũng bao gồm cả các bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà băng, lao công – tất cả đều có chung một văn hóa, chung một truyền hình.

 

Ngày nay thứ văn hóa này thực sự đã mặc lấy một hình thức mới, thay thế việc suy nghĩ đắn đo của lý trí bằng những hình ảnh và việc thâu nhập của các giác quan. Tôi nghĩ rằng cái tiến hóa này của kỹ thuật và của văn minh đã dẫn đến vấn đề hủy hoại lý trí đối với hàng loại thành phần dân chúng; nó đã thay thế lý trí bằng tình cảm và ý kiến, một tham vọng lớn lao và là niềm hy vọng vào lúc khởi đầu của kỷ nguyên tân tiến này.

 

Sau thảm kịch của nền văn minh tiến đến chỗ chủ nghĩa độc đoán là chủ nghĩa tự bản chất phủ nhận lý trí và niềm hy vọng Kitô giáo, đã có một sự đột biến về văn minh; đó là thời điểm chúng ta đang sống đây. Hiện nay đang có một loạt những loại thần học Kitô giáo, không nhiều thì ít ăn khớp với nhau, những loại thần học đã hiểu được cái thay đổi được chúng ta nói tới từ đầu.

 

Tôi không biết là có thể thực hiện việc so sánh giữa tính cách thế tục và nạn bài Do Thái hay chăng, mặc dù có những liên hệ nơi hai điều này, thế nhưng hiện đang có một cuộc đối chọi thiêng liêng, một cuộc đối chọi về sự thật, trong việc khai tâm - vì thiện ích của con người trong tình trạng đổi thay về văn minh đây – lý trí và tự do của họ, cũng như về ánh sáng của một Phúc Âm làm sáng tỏ những gì chúng ta là những con người thụ tạo.

 

Chúng ta hãy đáp ứng Thiên Chúa và lãnh nhận lấy phẩm giá của mình được Ngài ban cho. Thật vậy, chúng ta không biết được xã hội này đi về đâu, nhưng chúng ta sẽ thực hiện những gì có thể để làm cho nó nên tốt nhất chứ không phải tệ nhất.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit 7/6/2005

 

 

TOP

 

 

Tinh thần truyền giáo: “Tôi cũng cố gắng trở thành tấm bánh bẻ ra” ở Rwanda, Burundi và Congo

 

Nữ tu Sabina Iragui Redin, dòng Nữ Tử Bác Ái, và một nữ tu khác cùng dòng đã từ Âu Châu đến Rwanda 32 năm trước đây để thiết lập dòng này tại đó. Cho đến này, vị nữ tu này vẫn còn tại đây, ở Kigali, ở một miền đất đang gắng gượng vượt qua tình trạng chấn động về nạn diệt chủng. Qua cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, nữ tu đã cho biết về tình hình xã hội, chính trị và tôn giáo như sau.

 

Vấn:     Làm sao sơ đã đến Rwanda và Burundi?

 

Đáp:    Chúng tôi đã đến để sống và thành lập dòng của chúng tôi ở đó vào năm 1973. Bấy giờ dòng Nữ Tử Bác Ái đã mở 6 khu vực truyền giáo ở Burundi và 3 ở Rwanda.

 

Đầu tiên chúng tôi được các vị giám mục mời gọi để phục vụ lãnh vực sức khỏe như những người y tá. Chúng tôi đã dấn thân đặc biệt phục vụ như thế ở các trung tâm sức khỏe.

 

Từ từ, những nữ tu bản xứ kết hợp lại và việc phục vụ của chúng tôi được nới rộng ra. Giữa năm 1985 và 1987, tổng thống Burundi không chịu cấp chiếu khán nhập cảnh cho các vị thừa sai được tiếp tục ở xứ sở này nữa. Các nữ tu ở Burundi buộc phải ra đi. Nhiều nữ tu bản xứ đã cùng chúng tôi đến Rwanda và chúng tôi đã mở hai khu vực truyền giáo ở phía đông nước Congo, thuộc miền biển hồ.


Vấn:     Thế rồi vào năm 1994 xẩy ra nạn diệt chủng…

 

Đáp:    Khi xẩy ra nạn diệt chủng, chúng tôi đã di chuyển đến Goma ở Congo, để có thể trợ giúp người tị nạn. Chúng tôi bắt đầu hoạt động ở các trại tị nạn.

 

Có khoảng 35 nữ tu kéo nhau đến giúp. Thoạt đầu chúng tôi tổ chuưc một trại tị nạn với các tu sĩ dòng Salesian và một trại tị nạn khác với tổ chức Chư Y Sĩ Vô Biên Giới. Tổ chức y sĩ này đã cho chúng tôi các thứ ống chích và thuốc men để chữa trị người bệnh, vì chúng tôi chẳng có gì cả ngoài những cánh tay của mình mà thôi.

 

Ngoài ra, bệnh dịch tả bùng phát. Nó xẩy ra đột ngột, vì những thi thể của thành phần bị sát hại bị quẳng vào hồ Kivu rồi dân chúng lại uống nước hồ này. Nạn dịch này xẩy ra dữ dội một cách khủng khiếp.

 

Những người lính Pháp đóng ở đó đã mang đến cho chúng tôi nước uống, vì chúng tôi cũng chẳng có nước uống nữa. Tôi nhớ là có một người lính nói với chúng tôi rằng: “Các sơ ơi, việc các sơ làm cao cả biết bao! Những gì tôi có thể làm đây như tôi chẳng làm gì vậy?” Và anh ta đã moi tất cả tiền bạc anh ta có trong túi trao cho tôi. Chúng tôi đã sử dụng số tiền ấy để nuôi dân chúng, vì thực sự là buồn thảm khi thấy họ từ Rwanda đến trắng tay chẳng có gì hết.

 

Sau đó, tôi đã đến hoạt động ở một trại tị nạn để hợp tác với UNICEF. Đó là một trại của trẻ em mồ côi. Ở đó có khoảng 5 ngàn em. Cơ quan này mang các em từ hè phố và từ rừng rú là những nơi họ thấy các em trên thi thể của mẹ các em. Thật là kinh hoàng. Sau đó tôi trở về Rwanda, về Kivu, ở những những vùng núi cao.


Vấn:     Sơ có gặp nguy hiểm ở đó hay chăng?

 

Đáp:    Có chứ, ở những miền núi cũng nguy hiểm nữa và chúng tôi đã phải thoát thân bằng con đường khác để đến Congo.

 

Thế nhưng tình hình cũng chẳng sáng sủa gì ở đây. Hai nhà của chúng tôi ở Congo, một bị đóng cửa vì có một đêm họ đã sát hại vị linh mục coi xứ của làng ấy và các nữ tu phải rút lui. Còn nhà khác, nhà ở Goma, cũng phải đóng luôn khi chiến tranh bùng nổ ở cả Congo nữa.

 

Thế rồi trận phun núi lửa ở Yiragongo xẩy ra, với những nham thạch chôn vuì nó đi. Thế là hết đời cái nhà ở Goma này…


Vấn:     Làm thế nào sơ thiết lập được khu vực truyền giáo sau quá nhiều tàn phá như thế?

 

Đáp:    Sau năm 1996, trong tình trạng tàn phá của nạn diệt chủng ở Rwanda, chúng tôi đã thực hiện một cuộc gặp gỡ để tìm cách đáp ứng những hoàn cảnh bần cùng mới đã xẩy ra tại xứ sở này, và chúng tôi gắng gõi tiến lên.

 

Hiện nay chúng tôi đang hoạt động ở một số lãnh vực. Trước hết là với trẻ em bụi đời. Các em nhiều vô số kể, nhất là các em nữ. Đoạn với các nhà tù là nơi bị lấy đi lương thực.


Vấn:     Các nhà tù thì chật cứng phải không?

 

Đáp:    Các nơi ấy hầu như thế, vì dân chúng tiếp tục bị truy tố.

 

Hiện nay có trên 100 ngàn người ở trong tù, thế nhưng con số có thể lên tới 700 ngàn. Chúng tôi không biết ai là người có tội và ai vô tội, thế nhưng có nhiều người bệnh bị Hội Chứng Liệt Kháng và lao phổi.

 

Chúng tôi cũng chú trọng đến việc phục vụ cho nữ giới nữa. Đó là một xứ sở của nữ giới. Nhiều đàn ông bị chết, và nhiều người hơn nữa đang ở trong tù. Chúng tôi đã tổ chức các hiệp hội của nữ giới và chúng tôi phục vụ tất cả mọi người không kỳ thị một ai.

 

Chúng tôi tổ chức các cuộc gặp gỡ, đọc Phúc Âm, chia sẻ Lời Chúa, giúp đỡ họ. Chúng tôi xin đất đai cho họ có thể trồng tỉa n hờ đó giúp con cái của họ học hành và tiến thân.

 

Những người phụ nữ rất can đảm, đáng giúp họ vì họ nhiều can trường tiến lên bất chấp mọi sự. Chúng tôi cũng phục vụ các trẻ em mồ côi, thành phần bị Hội Chuưng Liệt Kháng nữa…


Vấn:     “Sứ Vụ Truyền Giáo: tấm bánh được bẻ ra cho thế giới” là đề tài được Đức Gioan Phaolô II đề ra cho Chúa Nhật Truyền Giáo tới đây.

 

Đáp:    Chúa Giêsu là tấm bánh thật được bẻ ra cho thế giới. Khi trở nên nghèo khổ với thành phần nghèo khổ, tôi cũng cố gắng trở thành tấm bánh ấy nữa, và chia sẻ cuộc đời và lòng nhiệt thành của tôi với thành phần nghèo khổ, ở một xứ sở thật là nghèo, nhờ đó, trở thành phản ảnh tình yêu nhân hậu của Chúa Giêsu, vì yêu thương là những gì quan trọng nhất vậy.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 8/6/2005

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ