GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 18/6/2005,

NGÀY THÁNH MẪU

 

1) ĐTC BĐXVI với Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới về “Việc Tìm Kiếm Hiệp Nhất Kitô Giáo là những gì bất khả vãn hồi”

2) Phải chăng Giáo Hội Chúa Kitô là Một Giáo Hội Thiêng Liêng Duy Nhất?

3) ĐHY Balan Jozef Glemp ở Warsaw chủ sự Lễ Phong Chân Phước cho 3 Linh Mục Balan

 

 

   

ĐTC BĐXVI với Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới về “Việc Tìm Kiếm Hiệp Nhất Kitô Giáo là những gì bất khả vãn hồi”

Theo đúng chương trình, ĐTC BĐXVI đã gặp mục sư Samuel Kobia, tổng thư ký Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới, cùng phái đoàn của ông hôm Thứ Năm 16/6/2005 tại Vatican. Sau đây là nguyên văn bài nói của ngài ngỏ cùng phái đoàn đại diện cho hội đồng này.

Ông Tổng Thư Ký thân mến,

“Nguyện chúc anh em ân sủng và bình an của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô” (Phil 1:2). Với những lời này của Thánh Phaolô, tôi hân hoàn chào đón ông và các phần tử đại biểu thuộc Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới. Sau khi ông bắt đầu vai trò Tổng Thư Ký của mình, ông đã có ý định viếng thăm vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Cho dù dự định ấy chưa bao giờ được thực hiện, nhưng tôi xin cám ơn ông đã đại diện Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới tham dự lễ an táng của ngài, và tôi xin cám ơn ông về lời lẽ ông gửi cho tôi nhân dịp đăng quang trọng thể củc thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma của tôi.

Mối liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới này đã triển nở trong thời Công Đồng Chung Vaticanô II, biến cố đã có sự hiện diện của hai quan sát viên ở Geneva trong cả 4 khóa. Điều này, vào năm 1965, đã đi đến chỗ thiết lập Nhóm Làm Việc Chung như phương tiện liên lạc và cộng tác liên tục, một phương tiện luôn ý thức công việc hiệp nhất chung để đáp ứng lời nguyện cầu của Chúa: “xin cho tất cả được hiệp nhất nên một” (Jn 17:21). Vào Tháng 11 tới đây sẽ có một cuộc tham vấn quan trọng về tương lai của Nhóm Hoạt Động Chung này, để đáng dấu 40 năm thành lập của nó. Tôi hy vọng và nguyện cầu rằng mục đích và phương pháp hoạt động của cơ cấu này sẽ được sáng tỏ hơn cho lợi ích đại kết hữu hiệu hơn về vấn đề hiểu biết, hợp tác và tiến bộ.

Trong những ngày đầu tiên của Giáo Triều của mình, tôi đã nói rằng “công việc chính yếu của tôi đó là nhiệm vụ liên lỉ hoạt động để tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình cho tất cả mọi thành phần môn đệ của Chúa Kitô”. Điều này, ngoài những ý hướng tốt lành, còn cần phải có “những cử chỉ cụ thể chạm đến cõi lòng và đánh động lương tâm… làm cho mọi người cảm thấy cần phải hoán cải nội tâm là điều kiện tiên quyết cho tất những mọi sự tiến bộ về đại kết” ("Missa pro ecclesia," 5).

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường nhắc nhở rằng cốt lõi của việc tìm cầu hiệp nhất Kitô giáo đó là “việc đại kết về thiêng liêng”. Ngài đã thấy được cái cốt lõi này liên quan tới việc ở trong Chúa Kitô: “Tin tưởng vào Chúa Kitô nghĩa là mong muốn hiệp nhất; mong muốn hiệp nhất nghĩa là mong muốn Giáo Hội; mong muốn Giáo Hội nghĩa là mong muốn mối hiệp thông về ân sủng tương hợp với dự án của Cha từ đời đời. Đó là ý nghĩa của lời Chúa Kitô cầu nguyện: ‘để chúng được hiệp nhất nên một’ (Thông Điệp ‘Ut Unum Sint’, 9).

Tôi hy vọng rằng việc anh em đến viếng thăm Tòa Thánh được tốt đẹp, để củng cố những liên hệ về hiểu biết và thân hữu giữa chúng ta. Việc Giáo Hội Công Giáo dấn thân tìm kiếm mối hiệp nhất Kitô giáo là điều bất khả nghịch đảo. Bởi thế, tôi xin có đôi lời khích lệ ông, Vị Tổng Thư Ký, khích lệ các phần tử thuộc Tiểu Ban Trung Ương cùng toàn thể nhân viên, khi ông hoạt động để lãnh đạo và canh tân cơ chế đại kết quan trọng ấy. Xin biết rằng tôi hằng cầu nguyện cho anh em và không ngừng tin tưởng anh em. “Xin ân sủng và bình an dồi dào nơi anh em” (2Pt 1:2).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 16/6/2005

 

TOP

 

Phải chăng Giáo Hội Chúa Kitô là Một Giáo Hội Thiêng Liêng Duy Nhất?

Hôm Thứ Năm, 16/6/2005, ĐTC Biển Đức XVI đã gặp phái đoàn đại biểu Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới (the World Council of Churches) có trụ sở trung ương ở Geneva Thụy Sĩ. Phái đoàn đại biểu cho một tổ chức bao gồm các Giáo Hội Kitô giáo nhưng không có Giáo Hội Công Giáo này đã đến Rôma từ hôm Chúa Nhật 12/5 vừa qua, gồm có những nhân vật chính yếu là Mục Sư Samuel Kobia, tổng thư ký, Giám Mục Eberhardt Renz thuộc Giáo Hội Tin Lành ở Đức, chủ tịch của tổ chức ấy, và ĐTGM Makarios ở Kenya và Irinoupolis thuộc Tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp Alexandria và Toàn Phi Châu, một trong những phần tử trong tiểu ban trung ương của Hội Đồng Chư Giáo Hội Thế Giới.

 

Thật ra, trong vấn đề Hiệp Nhất Kitô Giáo, cái khó nhất, không phải là vấn đề về tín lý, luân lý hay kỷ luật, cho bằng vấn đề quyền bính Giáo Hội nói chung và tối thượng quyền của Giáo Hoàng nói riêng. Bởi vì, tận nguồn gốc của việc phân rẽ này được phát xuất từ sự kiện tranh chấp quyền bính. Điển hình nhất là trường hợp với Giáo Hội Chính Thống Giáo năm 1054 và Giáo Hội Anh Giáo năm 1535. Cho đến  nay, chỉ có Giáo Hội Công Giáo còn xây dựng Đức Tin Cứu Độ trên chiếc kiềng 3 chân là Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền. Giáo Hội Chính Thống chỉ công nhận Thánh Kinh và Thánh Truyền mà không có Huấn Quyền, vì không phục quyền Giáo Hội Công Giáo Rôma. Các Giáo Phái Cải cách Tin Lành chỉ chấp nhận duy có Thánh Kinh được gọi là sola scriptura mà thôi. Căn cứ vào Thánh Kinh, nhưng giải thích một cách chủ quan theo ý mình, người ta có đủ mọi lập luận để chối bỏ quyền bính của Giáo Hội và Giáo Hoàng. Chẳng hạn như trường hợp điển hình sau đây.

 

Thật vậy, hôm Thứ Tư ngày 23/3/2005, tôi đã nhận được một điện thư bằng tiếng Anh của một em nam huynh trưởng TNF ở El Monte TGP/LA, hỏi tôi về một vấn đề em không thể làm sáng tỏ cho những lập luận của một người bạn Tin Lành liên quan tới vấn đề tính chất duy nhất hay hiệp nhất của Giáo Hội. Vấn đề tranh luận giữa em và người bạn của em như thế này:

 

Về phía em là người Công giáo, căn cứ vào cả những đoạn Thánh Kinh Tân Ước lẫn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (Rom. 12:5, 1 Cor. 10:17, 12:13, CCC 813-822), em tin rằng Chúa Giêsu đã thiết lập một Giáo Hội duy nhất, chứ không phải là một tổng hợp nhiều giáo hội khác nhau (Lutherô, Baptist, Anglican v.v.). Bởi vì, Thánh Kinh viết Giáo Hội là hôn thê của Chúa Kitô (Eph 5:23-32). Mà Chúa Giêsu chỉ có một hôn thê duy nhất mà thôi, và vị hôn thê này của Người chính là Giáo Hội Công Giáo. 

 

Về phía người bạn của em, theo tôi, thuộc về giáo phái Pentecost, căn cứ vào chủ trương của họ, vì họ căn cứ vào các đoạn Thánh Kinh Tân Ước liên quan đến một thân thể duy nhất (Roman 12:5; 1 Cor 10:17; 1 Cor 12:13) đã đi đến chỗ kết luận là Thánh Kinh nói về một thân thể thiêng liêng; ai tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế thì thuộc về thân thể Chúa Kitô; thân thể của Chúa Kitô này là Giáo Hội; Thánh Kinh không nói đó là Giáo Hội Công Giáo; Thánh Kinh chỉ nói về một thân thể thiêng liêng là Giáo Hội, một Giáo Hội được xây trên niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải vào một dinh thự, một giáo phái hay một tôn giáo. Bởi thế, Giáo Hội nào cho rằng mình là Giáo Hội Duy Nhất như Thánh Kinh nói tới thì kể như chẳng biết gì về vấn đề này.

 

Vào ngày 25/3/2005, Lễ Mẹ Thai Lời, tôi đã trả lời điện thư của em, và điện thư bằng tiếng Anh của tôi đã được em chuyển cho người bạn của em, để rồi cho tới nay không thấy người bạn của em nói năng gì nữa. Câu trả lời của tôi được căn cứ vào chính cốt lõi của lập luận được người bạn của em nêu lên, để rồi từ đó tôi đã lật ngược lại vấn đề như sau:

 

Cốt lõi của lập luận duy tín (sola fide) của người bạn này là: “Nếu anh tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế của mình thì anh thuộc về thân thể Chúa Kitô”.

 

Vậy vấn đề được đặt ra ở đây là: Nếu “Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế” là một chân lý thì chân lý này từ đâu mà ra?

 

Nếu chân lý ấy từ Thánh Kinh mà ra thì ai là người đã viết ra Thánh Kinh?

 

Nếu có Thánh Kinh là những gì chất chứa tất cả mạc khải thần linh, một mạc khải cho chúng ta thấy được chân lý cứu độ trên đây, thì làm sao chúng ta biết được đâu là tính cách chân thực của Thánh Kinh?

 

Nếu có một ai đó, thành phần được Giáo Hội Công Giáo coi là thuộc về Truyền Thống (Tradition), quả thực đã viết ra Thánh Kinh (Scriptures), và cũng có một thẩm quyền được Giáo Hội Công Giáo gọi là Huấn Quyền (Magisterium) có quyền tối cao trong việc công nhận những cuốn sách được gọi là Thánh Kinh, thì cần phải có một cơ cấu vừa thần linh vừa nhân loại được gọi là Giáo Hội.

 

Giáo Hội hữu hình này là Giáo Hội đã được Chúa Kitô sai đi (sau khi Người Phục Sinh và trước khi Người Thăng Thiên) để thi hành sứ vụ thiết yếu là truyền bá phúc âm hóa, một việc truyền bá phúc âm nhắm đến mục đích phổ biến chân lý cứu độ trên đây, như chính Chúa Kitô cũng đã khẳng định: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ bằng ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mk 16:16).

 

Sứ vụ thiết yếu này bao gồm ba chiều kích ngoại tại bất khả phân chia và bất khả thiếu, như lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm Thánh Mathêu (28:19-20), đó là chứng từ (những gì liên quan tới vai trò làm môn đệ đích thực của Kitô hữu), thừa tác vụ (liên quan tới riêng phép rửa và chung các bí tích), và mục vụ (liên quan tới giáo huấn và giáo lý của Giáo Hội).

 

Giáo Hội hữu hình được Chúa Kitô Phục Sinh sai đi thực hiện sứ vụ tam diện này là Giáo Hội Duy Nhất được Chúa Kitô xây dựng trên tảng đá Phêrô (x Mt 16:18) và là Một Giáo Hội Duy Nhất như Người mong muốn ở Lời Nguyện Kết Bữa Tiệc Ly (x Jn 17:21). Để thiết lập Một Giáo Hội Duy Nhất này, Chúa Kitô đã chọn một mình “Simon, con Jonah” trong số 12 vị tông đồ, nhân vật được Người gọi là “Phêrô” (x Jn 1:42), nghĩa là “Đá”, một nền móng Người muốn dùng để xây dựng Giáo Hội của Người (x Mt 16:18). Đó là lý do tại sao, Chúa Kitô, sau khi Phục Sinh, đã trao Giáo Hội hữu hình của Người, bao gồm cả “cừu” lẫn “chiên”, cho một mình Phêrô mà thôi (x Jn 21:15-17).

 

Giáo Hội hữu hình là Một Giáo Hội Duy Nhất bao gồm cả “cừu” (biểu hiệu cho thành phần tín hữu giáo dân) lẫn “chiên” (biểu hiệu cho thành phần tín hữu thừa tác), hiệp thông với chính Chúa Kitô, như cành nho dính liền với cây nho (x Jn 15:5). Và để chăn dắt cộng đồng đàn chiên và cừu là Giáo Hội hữu hình này “cho đến tận thế” (x Mt 28:20), thời điểm Chúa Kitô tái giáng, cần phải có một tiến trình thừa kế Thánh Phêrô và các Vị Tông Đồ, thành phần là nền tảng của Giáo Hội hữu hình (x Eph 2:20) và là thành phần đã truyền đạt quyền bính của mình cho những ai được các ngài đặt tay (x Acts 6:6; 2Tim 1:6). Giáo Hội Công Giáo đã gọi thành phần thừa kế Thánh Phêrô và các Vị Tông Đồ là Giáo Hoàng và Giám Mục; và chỉ có Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội hiện hữu từ ban đầu mới lãnh nhận việc thông đạt quyền năng cứu độ này mà thôi.

 

Giáo Hội Công Giáo, qua Công Đồng Chung Vaticanô II, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium”, đoạn 18 và 23, đã xác nhận tính chất Duy Nhất của Giáo Hội Chúa Kitô, một tính chất được phản ảnh một cách hữu hình nơi vai trò Thừa Tác Vụ Thánh Phêrô nói riêng và giáo phẩm đoàn tính nói chung, như sau:

 

“Chúa Giêsu Kitô, vị mục tử hằng hữu, đã thiết lập Giáo Hội bằng cách trao phó cho các vị tông đồ sự vụ của các vị như chính Người đã được Cha sai (x Jn 20:21). Người muốn là thành phần thừa kế của các vị, tức là các vị giám mục, phải là những mục tử chăn dắt Giáo Hội của Người cho đến tận thế. Tuy nhiên, để hàng giáo phẩm được nên một bất phân ly, Người đã đặt Thánh Phêrô làm thủ lãnh các vị tông đồ khác, và nơi ngài, Người thiết lập một nguồn mạch và là nền tảng hữu hình bền vững cho việc hi5êp nhất về cả đức tin lẫn hiệp thông”.

 

Tuy nhiên, Giáo Hội Duy Nhất do Chúa Kitô thiết lập và mong muốn Là Một này, theo thời gian, vì yếu đuối loài người, đã bị phân chia thành những giáo hội” khác nhau: với Giáo Hội Chính Thống từ năm 1054, Phong Trào Cải Cách (1519) và Giáo Hội Anh Giáo (1535) từ tiền bán thế kỷ 16. Từ Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965), Giáo Hội Công Giáo đã quyết tâm dấn thân đi cho tới cùng con đường Đại kết Kitô Giáo, để chẳng những đáp lại ước nguyện của Đấng Sáng Lập và còn để làm chứng nhân truyền giáo nữa: “Con không nguyên cầu cho họ. Con cũng cầu cho cả những ai tin Con nhờ lời của họ, để tất cả được nên  một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha. Con nguyện cầu để họ được nên một trong chúng ta hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Jn 17:20-21).

 

Chúng ta hãy cầu nguyện để tất cả những ai tuyên xưng và lập lại đức tin cứu độ của Thánh Phêrô: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16), được sớm tái hiệp nhất với nhau trong Một Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Bài Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống www.tinmungsusong.org 249 ngày 26/6/2006

 

 

TOP

 

ĐHY Balan Jozef Glemp ở Warsaw chủ sự Lễ Phong Chân Phước cho 3 Linh Mục Balan

Theo lời yêu cầu của ĐTC, ĐHY Jozef Glemp của Warsaw sẽ chủ sự thánh lễ bế mạc Hội Nghị Thánh Thể Toàn Quốc và phong á thánh cho 3 vị linh mục Ba Lan.

Trong số những vị chân phước sẽ được tôn phong này, có một vị tử đạo là linh mục Ladislaw Findysz. Cha sinh tại Kroscienko Nizne là giáo phận Przemysl theo lễ nghi Latinh bấy giờ, vào ngày 13 tháng 12 năm 1907.

Là vị linh mục giáo xứ ở Nowy Zmigrod, ngày nay là giáo phận Rzeszow, cha đã thi hành sứ vụ của mình trong thời Thế Chiến II. Vào năm 1963, dưới chế độ cộng sản, ngài bị bỏ tù vì công việc mục vụ của mình.

Trong tù, ngài đã bị đọa đầy và bị ngược đãi. Sức khỏe ngài kiệt quệ, ngài được thả ra nhưng đã chết vài tháng sau đó vào ngày 21 tháng 8 năm 1964.

ĐHY Glemp, vị giáo chủ Ba Lan, cũng sẽ chủ sự việc phong á thánh cho Cha Bornislaw Markiewicz, vị sinh tại Pruchnik, gần Przemysl, vào ngày 13 tháng 7 năm 1842.

Ngài là linh mục coi xứ và là giáo sư chủng viện. Ngài đã gia nhập dòng Salêgiêng của thánh John Bosco ở Turin, Ý Quốc.

Trở về Ba Lan, công việc chính của ngài là huấn luyện thành phần giới trẻ nghèo và mồ côi.

Ngài thành lập hội dòng Tổng Lãnh Thần Micae cho cả nam và nữ. Hội dòng đã được Tòa Thánh phê chuẩn sau khi ngài mất tại Miejsce Piastowe vào ngày 29 tháng giêng năm 1912. Nhiều năm hai hội dòng này đã thuộc về Gia Đình dòng Salêgiêng của Thánh Don Bosco.

Vị chân phước thứ ba là Cha Ignatius Klopotowski. Ngài sinh vào ngày 20 tháng 5 năm 1866 tại Korzeniowka.

Ngài dấn thân thực hiện những việc bác ái. Là một vị linh mục coi xứ ở Warsaw, ngài đã thành lập dòng Chị Em Đức Trinh Nữ Maria Loreto. Ngài hoạt động cho việc đào luyện người trẻ, cải huấn những thiếu nữ hư đốn, và chăm sóc những em mồ coi và người già yếu. Cha mất tại Warsaw vào ngày 7 tháng 9 năm 1931.

Quảng trường Pilsudski ở Warsaw sẽ là nơi diễn ra thánh lễ phong chân phước long trọng này. ĐGH JPII đã chủ tế thánh lễ tại đó nhân chuyến tông du Ba Lan lần đầu tiên vào năm 1979; bấy giờ, nơi đây dòn được gọi là Quảng Trường Chiến Thắng .

ĐTC Biển Đức 16 đã phục hồi truyền thống là giáo hoàng không chủ sự các cuộc phong chân phước nữa, một việc đã bị gián đoạn vào năm 1971 bởi ĐGH Phao Lô Đệ Lục khi ngài phong chân phước cho Maximilian Kolbe. Về phần mình, ĐTC JPII đã chủ sự lễ phong chân phước cho hơn 1,330 tôi tớ của Thiên Chúa.

Trần Đại, theo Zenit ngày 15/6/2005

 TOP
 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ