GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 1/6/2005

 

1) Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng Sáu 2005

2) ĐTGM John Foley chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Truyền Thông Xã Hội: “Đức Gioan Phaolô II đã Ôm Lấy Cây Thánh Giá”

3) Việc Bác Bỏ Bản Hiến Pháp Âu Châu của Pháp làm bàng hoàng Khối Hiệp Nhất Âu Châu: Nguyên nhân?

4) ĐTC Biển Đức XVI Nhắc Lại Truyện Những Vị Tử Đạo Chết Vì Thánh Lễ Chúa Nhật đưới Thời Hoàng Đế Diocletian
 

 

Ý Chỉ ĐTC 6/2005

 

Ý Chung: “Xin cho xã hội của chúng ta, bằng những hành động cụ thể trong việc bày tỏ lòng yêu thương Kitô giáo và huynh đệ, ra tay trợ giúp hằng triệu triệu người tị nạn sống trong tình trạng cực kỳ thiếu thốn và bị bỏ rơi”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho Bí Tích Thánh Thể càng ngày càng được nhận thức là con tim sống động của đời sống Giáo Hội”.  

 

 

TOP

 

ĐTGM John Foley chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Truyền Thông Xã Hội: “Đức Gioan Phaolô II đã Ôm Lấy Cây Thánh Giá”

 

ĐTGM John Foley chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Truyền Thông Xã Hội, trong Thánh Lễ kính nhớ Đức Gioan Phaolô II của Hiệp Hội Báo Chí Công Giáo ở Orlando đã chia sẻ cảm thức của mình về vị cố giáo hoàng như sau:

 

Mến Chào Anh Chị Em trong Đức Giêsu Kitô,


Một trong những hồi niệm sống động nhất của tôi từ những ngày cuối cùng của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đó là trong cuộc cử hành Đường Thánh Giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ngài đã tham dự qua vô tuyến truyền hình ở nguyện đường của ngàị việc cử hành này ở Hí Trường Coliseum.

Máy chụp truyền hình trong nguyện đường của ngài được đặt ở đằng sau ngài, vì thế ngài không bị chi phối việc tham dự nghi thức được ngài liên tục đích thân theo dõi những gì bấy giờ tôi dẫn giải qua truyền hình bằng Anh ngữ, khi đọc những bài suy niệm rất cảm kích do chính Đức Hồng Y Joseph Ratzinger dọn.

Vào lúc gần kết thúc của Đường Thánh Giá, có ai đó đã đặt Tượng Chịu Nạn khá lớn trên đầu gối của ĐTC và ngài âu yếm ngắm nhìn hình ảnh Chúa Giêsu. Khi nghe đến những lời "Chúa Giêsu chết trên cây thập tự giá," ĐGH Gioan Phaolô II đã kéo tượng chịu nạn về phía mình rồi ôm lấy cây thập giá.


Cha tự nhủ: Thật là một bài giảng không lời tuyệt vời biết bao! Giống như Chúa Giêsu, ĐGH Gioan Phalô II đã ôm lấy cây thập giá; thật vậy, ngài đã ôm ẵm tượng chịu nạn, cùng với Chúa Giêsu ôm lấy thập giá.

 

Như anh chị em còn nhớ, qua nhiều năm, đã có người đề nghị ĐTGH GPII nên từ nhiệm. ĐTC đã nói như sau: "Chúa Giêsu đã không xuống khỏi thập giá cơ mà".


ĐGH Gioan Phaolô II dạy cho chúng ta biết rằng còn có nhiều cái về vai trò làm giáo hoàng hơn là thuyết giảng hay viết sách hoặc chào hỏi dân chúng và đi thăm quan - mặc dù Ngài thực sự đã làm đủ hết tất cả những việc đó rồi.

ĐTC còn dạy chúng ta sống như thế nào, chịu đựng ra sao, và chết cách nào nữa.

Tất cả chúng ta, là những nhà truyền thông Công giáo, một lần nữa đã học được nơi tất cả những điều ấy là, chúng ta có thể truyền đạt bằng chính con người của mình, cũng như chúng ta truyền đạt bằng những gì chúng ta viết và những gì chúng ta nói.

 

Những ai đã vượt qua đời này vào đời sau được chúng ta hôm nay tưởng nhớ thì giờ đây đều là những người đang được hợp đoàn với vị rất thường được chúng ta nhận định – và tôi dám nói, nếu có một danh sách của những ai cần được tưởng nhớ trong phụng vụ hôm nay, thì chúng ta sẽ bắt đầu với tên của ĐGH Gioan Phaolô II, một con ngườiø truyền thông siêu đẳng, một con người đã từng làm ký giả, viết cho tờ Tygodnik Powschechny ở Krakow, và là một vị Giáo Hoàng được truyền hình nhất trong lịch sử.


Một trong những đại lợi điểm do việc tôi làm ở Roma đó là được mời dùng bữa trưa với ĐTC.


Tôi có nhiều kỷ niệm từ những lần dùng bữa trưa ấy, tôi xin đặc biệt kể lại 2 bữa.

Một lần đó là lần cuối cùng tôi được dùng bữa trưa với ngài – cách đây khoảng 1 năm.

Ngài hỏi rằng: "Huynh có muốn tôi viết một văn kiện đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 40 năm hội đồng của huynh hay chăng?" Tôi tự nhiên nói "dạ muốn." Như một nhà báo tài ba, ngài hỏi --- bằng tiếng Ý, một thứ tiếng tôi có thể chuyển dịch một cách thoải mái -- "Thế hạn chót huynh muốn là lúc nào?" Tôi mới ‘táo bạo’ nói rằng: "Chúng con cần trước Tháng 2 năm 2005 để kịp cho cuộc đại hội của hội đồng chúng con". Ngài nói, "Tôi sẽ cố gắng làm xong cho Cha".

Anh chị em có nghĩ rằng vào ngày Thứ Bảy trước cuộc đại hội của chúng tôi, một đại hội được bắt đầu vào ngày 21/2, chúng tôi đã nhận được văn kiện "Il Rapido Sviluppo" -- "Sự phát triển mau chóng" -- đã được chính ngài ký tên và chuyển đến chúng tôi chỉ vài ngày trước khi ngài nhập bệnh viện?

Trong khi ĐTC Gioan Phaolô II đã bỏ lại một thứ di chúc thư đã được đọc cho các vị hồng y và thực sự cũng đã được chia sẻ với thế giới nữa, thì văn kiện chính yếu chính thức cuối cùng ngài gửi cho chúng tôi, những người về ngành truyền thông, là một bức tông thư.

 

Một bữa trưa khác tôi xin được nhắc lại đó là bữa tôi nói với ngài rằng “Tâu Đức Thánh Cha, ĐTC biết rằng đôi khi những hành động tiêu biểu của ĐTC còn hùng biện hơn là một số bài diễn văn của ĐTC nữa” – có lẽ đây là một điều rất ‘táo tợn’ để nói với Vị Giáo Hoàng!

 

Thế nhưng ngài đáp: “Tôi biết thế – nhưng tôi không có ý gì nơi hầu hết các tác động này; chúng là những hành động tự phát, thế nhưng huynh biết rằng chữ ‘biểu hiệu’ của chúng ta từ tiếng Hy Lạp ‘symbolein’ – ‘qui tụ lại’; nó trái với tiếng Hy Lạp ‘diabolein’ là ‘phân ly, chia rẽ’ – căn ngữ tiếng ‘ma quỉ’ của chúng ta.

 

Ngài nói: “Những hành động biểu hiệu giúp con người ta xích lại với nhau trong an bình và yêu thương”.

Đến giây phút ngài mất -- và ngay cả sau đó, ĐGH GPII đã mang con người lại với nhau trong hòa bình và trong yêu thương.
 

Mong sao những gì chúng ta truyền đạt bằng lời nói và bằng hành động ở một tầm mức nhỏ bé cũng có một tác hiệu như thế - và chớ gì hồi niệm về những vị chúng ta nhắc lại hôm nay đây mang tất cả mọi người chúng ta lại với nhau trong hòa bình và trong yêu thương, bằng một quyết tâm mới trong việc nhắc nhở con người về mục đích của cuộc sống, về giá trị của cái chết và về vận mệnh đời đời của chúng ta với những ai chúng ta mến thương trong Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Tinh của chúng ta. 

 

Trần Đại (dịch từ Zenit ngày 27/5/2005)

 

TOP

 

Việc Bác Bỏ Bản Hiến Pháp Âu Châu của Pháp làm bàng hoàng Khối Hiệp Nhất Âu Châu: Nguyên nhân?

Các vị lãnh đạo chính quyền thuộc châu lục Kitô giáo này bàng hoàng trước sự kiện thành phần cử tri Pháp quốc bác bỏ bản hiến pháp Âu Châu.

Hôm Thứ Hai 30/5/2005, tức sau ngày biến cố này xẩy ra ở Pháp, vị trưởng Ủy Ban Âu Châu là José Manuel Barroso đã công nhận với đài tin tức LCI là “Đó là một vấn đề rất trầm trọng mà chúng tôi không thể thực sự nói rằng đó là một việc bình thường. Không có vấn đề dự án B. Thậm chí không thể nghĩ đến việc tái thương thảo nữa”.

Thủ Tướng Lục Xâm Bảo Jean-Clude Juncker, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, đã cho biết: “Tiến trình tu chính cần phải được tiếp tục ở những quốc gia khác nữa”.

Tổng Thống Pháp Jacques Chirac sẽ nói trên truyền thanh và truyền hình vào tối Thứ Ba, Điện Elysee đã cho biết như vậy.

Thủ Tướng Đức Gerhard Schroder đã bày tỏ niềm tiếc xót trước kết quả này, nhưng nói rằng như thế không có nghĩa là bản hiến pháp bị khai tử.

Pháp là quốc gia thứ 10 của Khối Âu Châu bỏ phiếu bản hiến pháp này và là quốc gia đầu tiên bác bỏ văn kiện ấy, một văn kiện nhắm đến việc tổ chức một cách tốt đẹp hơn cách thức khối này đang hành sự và thiết lập mối hiệp nhất sâu xa hơn về chính trị giữa 25 quốc gia hội viên.
Bản hiến pháp này cũng sẽ được bỏ phiếu ở Hòa Lan vào Thứ Tư 1/6/2005, nơi được các cuộc thăm dò cho thấy ít ủng hộ bản văn kiện ấy.

Trước hiện tượng Pháp là một quốc gia vốn làm đầu trong việc cương quyết tỏ ra chống đối vấn đề công nhận rõ ràng căn tính của Kitô Giáo trong bản hiến pháp này lại quay ra bác bỏ chính bản hiến pháp ấy, mạng điện toán Zenit hôm 31/5/2005 đã phổ biến nhận định của vị phó chủ tịch Hội Đồng Kitô Giáo Cho Âu Châu là Giorgio Salina về lý do và hậu quả của hiện tượng này như sau.

Theo ông một trong những lý do gây ra hiện tượng này đó là vấn đề bản hiến pháp này không đề cập một cách minh nhiên đến căn gốc của Kitô giáo:

“Việc điếc lác của Hội Đồng do Giscard d’ Estaing làm đầu cũng như của Quốc Hội đối với những thái độ của những người công dân…

 

"Không ai đề cập đến vấn đề loại bỏ các căn gốc Do Thái Kitô Giáo cả: thích hay không thích, điều này có thể đã góp phần làm nên một phán đoán tiêu cực cho nhiều công dân Âu Châu…

 

"Phải, tôi tin rằng vấn đề không đề cập tới các thứ căn gốc của Âu Châu là một trong những lý do khiến cho có những người không bầu. Người ta không thích thấy việc coi thường một sự thật lịch sử bất khả phủ nhận này và chắc chắn là họ cũng không thích thấy việc ngang nhiên bác bỏ của thái độ thậm chí không muốn xem xét đến cái lập luận này nữa…

 

"Vấn đề độc đoán về văn hóa đã không được lưu ý đến. Hình như có những người không thích kiểu độc đoán của tương đối thuyết (chẳng hạn, “nhân danh việc khoan nhượng để phủ nhận truyền thống Kitô giáo và hủy bỏ cơ cấu gia đình bằng việc cổ võ vấn đề hôn nhân đồng tính”, theo vấn nạn của Zenit nêu lên). Có lẽ đó là những gì Pháp không thích. Tôi cũng nghĩ rằng Kitô hữu có thể và cần phải góp phần vào việc bắt đầu lại quan điểm về tình đoàn kết nội ngoại thật sự mới mẻ này”.

 

TOP

 

ĐTC Biển Đức XVI Nhắc Lại Truyện Những Vị Tử Đạo Chết Vì Thánh Lễ Chúa Nhật đưới Thời Hoàng Đế Diocletian

Trong thời đại đầy những khô đạo, ĐTC Biển Đức 16 đưa ra những mẫu gương của các anh hùng tử đạo ở Bắc Phi, những vị đã liều mạng sống mình vì việc cử hành thánh lễ Chúa Nhật.

Chủ tế thánh lễ bế mạc Hội Nghị Thánh Thể Toàn Quốc ở Ý lần thứ 24 ngày hôm nay, (29/5/2005), ĐTC, trong bài giảng, đã nói về một nhóm Kitô hữu đã hy sinh năm 304 trong cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Rôma Diocletian.

Chủ đề của hội nghị là khẩu hiệu của các vị tử đạo: “Chúng tôi không thể sống thiếu ngày Chúa Nhật.”

ĐTC tường thuật rằng, vị hoàng đế Diocletian này đã cấm Kitô hữu, “phải chịu án tử nếu có các Sách Thánh, gặp gỡ nhau vào Chúa Nhật để cử hành Thánh Thể, và xây dựng các cơ sở để hộp họp”.

ĐTC nói như sau: Tại Abitene, một làng nhỏ mà ngày nay gọi là Tunis, “có 49 người công giáo họp mặt trong nhà của Octavius Felix, đã bị đột ngột bắt đi khi cử hành Thánh Thể vào Chúa Nhật vì bất chấp lệnh cấm của hoàng đế. Sau khi bị bắt nhốt, các vị đã bị giải đến Carthage cho thống đốc Anulinus chất vấn”.

ĐTC nhắc lại: ” Điều đặc biệt đáng chú ý ở đây là lời đối đáp của Emeritus đối với  câu thống đốc hỏi tại sao ông ta đã vi phạm lệnh của hoàng đế”.

ĐTC nói rằng: ”Ông ta đã nói rằng: ‘Chúng tôi không thể sống nếu không tham dự ngày Chúa Nhật để cử hành Thánh Thể. Chúng tôi sẽ không có đủ nghị lực để đối diện với những khốn khó hằng ngày và sẽ không chống nổi. Sau khi bị tra tấn tàn nhẫn, 49 vị anh hùng tử đạo ở Abitence đã bị giết chết.”

”Thế là các vị đã minh chứng đức tin của mình bằng việc đổ máu mình ra. Các vị đã chết nhưng các vị đã khải hoàn: Giờ đây chúng ta tưởng nhớ đến các vị trong vinh quang của Đức Giêsu Kitô phục sinh”.

ĐGH đã gọi những người Kitô hữu này của thế kỷ 21 hãy suy nghĩ về kinh nghiệm này, vì “đối với chúng ta cũng không dễ sống đời Kitô hữu đâu” trong một thế giới  “đầy xu hướng hưởng thụ, khô khan nguội đạo, và chủ trương thế tục khép kín trước siêu việt tính”.

Trần Đại (dịch theo Zenit ngày 29/5/2005)

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ