GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 20/6/2005

 

1) ĐTC BĐXVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 19/6/2005 về Ngày Tị Nạn Thế Giới

2) ĐTC BĐXVI đón nhận 7 tân lãnh sự

3) ĐTC GPII: Vị Giáo Hoàng Khởi Xướng Chiến Dịch Bãi Nợ hay Giảm Nợ Quốc Tế

  

 

  

ĐTC BĐXVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 19/6/2005 về Ngày Tị Nạn Thế Giới

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Ngày mai, 20/6/2005, là Ngày Tị Nạn Thế Giới, do tổ chức Liên Hiệp Quốc phát động gây chú ý tới vấn đề của thành phần bị bắt buộc phải từ bỏ quê cha đất tổ của họ. Đề tài năm nay là “Đức Can Đảm Là Một Người Tị Nạn”, là những gì nhấn mạnh đến sứ cmạnh tinh thần cần thiết của những ao phải từ bỏ mọi sự, có những lúc phải bỏ cả gia đình của mình, để thoát khỏi những khó khăn và nguy hiểm trầm trọng. Cộng đồng Kitô giáo cảm thấy gần gũi với những ai đang sống trong tình trạng đau thương này; cộng đồng này dấn thân giúp đỡ họ và biểu lộ bằng những cách thức khác nhau mối quan tâm và lòng yêu mến của mình, những gì được chuyển thành các cử chỉ cụ thể của tình đoàn kết để ai thấy mình xa quê hương đất nước đều cảm thấy Giáo Hội như là một thứ quê hương không có ai là xa lạ.

 

Việc thành phần Kitô hữu ưu ái chú trọng tới những ai đang gặp khó khăn và việc họ dấn thân phục vụ một xã hội đoàn kết hơn là những gì được liên tục dưỡng nuôi bằng việc tích cực và ý thức tham dự Thánh Thể. Bằng niềm tin vào Chúa Kitô, ai được dưỡng nuôi nơi bàn tiệc Thánh Thể thì đồng hóa với cùng mẫu sống của Người, đó là mẫu sống của việc quan tâm phục vụ, nhất là thánh phần hèn kém và thiếu may mắn (xem tông thư “Xin Chúa Ở Với Chúng Con”, số 28). Chớ gì Năm Thánh Thể là năm chúng ta đang sống đây giúp cho các cộng đồng giáo phận và giáo xứ làm tài sinh động khả năng này trong việc tiến lên đáp ứng nhiều trường hợp bần cùng trên thế giới của chúng ta.

 

Hôm nay chúng ta muốn đặc biệt ký thác những con người nam, nữ và trẻ em đang sống cảnh tị nạn cho việc che chở từ mẫu của Đức Maria Rất Thánh, Vị đã cùng với phu quân của mình là Thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu trải qua cảnh khổ ải lưu đầy. Vào lúc bấy giờ, Thánh Gia đã phải tẩu thoát sang Ai Cập vì cuộc bắt bớ điên cuồng của Hêrôđê (Mt. 2:13-23). Chúng ta hãy cầu cùng Vị Trinh Nữ Rất Thánh để những người anh chị em này của chúng ta có thể được tiếp đón và thông cảm trong cuộc hành trình của họ.

 

Tâm Phương, theo Zenit ngày 19/6/2005

 

 

TOP

 

 

ĐTC BĐXVI đón nhận 7 tân lãnh sự

 

Hôm Thứ Năm 16/6/2005, ĐTC BĐXVI đã chấp nhận ủy nhiệm thư của 7 vị tân lãnh sự của các nước, trong đó có một quốc gia chưa bao giờ có đại diện là Cộng Hòa Azerbaijan.  Những vị tân lãnh sự này là  các ông Elchin Oktyabar oglu Amirbayov của nước Azerbaijan; El Hadj Aboubacar Dione của quốc gia Guinea; Antonio Ganado của Malta, Geoffrey Kenyon Ward của New Zealand; Joseph Bonesha của Rwanda, Jean-Francois Kammer của Switzerland và David Douglas Hamadziripi của Zimbabwe. Sau khi ngở lời chúng với các vị bằng tiếng Pháp, ngài đã trao cho mỗi vị một sứ điệp ngài viết liên quan đến quốc gia của họ.

 

Với chung các vị tân lãnh sự này, ĐTC nói rằng qua những vị ngoại giao này, ngài muốn nói cùng các dân tộc thuộc các quốc gia là “tôi gần gũi với họ và nguyện cầu cho họ. Tôi kêu mời họ hãy dấn thân cho một nền văn minh huynh đệ hơn nữa, bằng việc tái quan tâm tới mọi người, nhất là thành phần nghèo khổ nhất cũng như những ai bị loại ra ngoài xã hội.

 

“Theo chiều hướng ấy, thế giới của chúng ta đang phải đối diện với nhiều thách đố cần phải thắng vượt để con người bao giờ cũng là những gì quan trọng hơn kỹ thuật, và định mệnh chính đáng của các dân tộc là mối quan tâm chính của thành phần chấp nhận việc quản trị công vụ, không phải cho mình mà là cho công ích. Tâm hồn của chúng ta không thể nào bằng an khi chúng ta thấy an hem của chúng ta bị thiếu thốn lương thực, việc làm, nhà cửa hay những sản vật căn bản nhất”.

 

Thế nhưng, để giúp đỡ cho những người anh chị em thiếu thốn của mình, “chúng ta cần phải đối diện cái thách đố đầu tiên trong các thứ thách đố, đó là cái thách đố về tình liên kết giữa các thế hệ, tình đoàn kết giữa những quốc gia cũng như giữa các châu lục với nhau trong việc chia sẻ một cách công bằng hơn nữa trong số tất cả những con người giầu thịnh trên trái đất này. Nó là một trong những việc căn bản nhất được con người thiện tâm cống hiến cho nhân loại. Thật vậy, trái đất này có khả năng để nuôi dưỡng tất cả mọi cư dân sống ở đó, với điều kiện là các quốc gia giầu thịnh đừng giữ khư khư lấy những gì thuộc về mọi người”.

 

ĐTC nói tiếp, Giáo Hội sẽ không bao giờ thôi nhắc nhở con người rằng “tất cả mọi người cần phải chú trọng đến tình huynh đệ nhân loại bằng những cử chỉ cụ thể, ở cấp độ cá nhân cũng như ở tầm cấp chính quyền và tổ chức quốc tế… Giáo Hội sẽ tiếp tục ở tất cả mọi châu lục việc hỗ trợ các dân tộc, nhờ sự nâng đỡ của các cộng đồng địa phương và của tất cả mọi con người năm nữ thiện tâm, nhất là nơi những lãnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và những sản vật căn bản”.

 

Với ông Elchin Oktyabar oglu Amirbayov của nước Azerbaijan, ĐTC nhắn nhủ rằng:

 

“Nhân dân Azerbaijan quá biết rằng nếu chiều kích thiêng liêng của con người bị áp đảo hay thậm chí bị chối bỏ thì linh hồn của một quốc gia bị chà đạp. Trong giai đoạn thê thảm của tình trạng đe dọa của lịch sử Đông Âu, trong lúc cái thống trị của quyền lực thắng thế thì các cộng đồng tín hữu độc thần hiện diện qua các thế kỷ ở xứ sở của ông đã bảo trì niềm hy vọng sống trong công lý và tự do, một tương lai được vai trò tối cao của sự thật làm chủ. Ngày nay, họ lại nêu lên vấn đề này. Thật vậy, khi vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là ĐGH Gioan Phaolô II, vào tháng 11/2004, gặp gỡ các Vị Lãnh Đạo Tôn Giáo Azerbaijan đại diện các cộng đồng Hồi giáo, Chính Thống Nga và Do Thái, ngài đã nhận định rằng việc gặp gỡ này đối với thế giới là một biểu hiệu về cách thức việc nhân nhượng giữa các cộng đồng đức tin đặt nền tảng ra sao cho việc phát triển về tình đoàn kết nhân bản, dân sự và xã hội rộng lớn hơn nữa.

 

“Xứ sở của ông đã thực hiện một số tiến bộ trong việc bảo đảm các quyền lợi căn bản của người công dân và phát động việc thựa hành dân chủ. Tuy nhiên, nhiều điều vẫn chưa đạt được. Chỉ khi nào biết tôn trọng phẩm giá bất khả vi phạm của con người và cổ võ các quyền tự do cá nhân tương hợp xã hội dân sự mới được kiến tạo để góp phần vào tình trạng thịnh vượng của tất cả mọi người công dân của mình. Chắc chắn là cộng đồng Giáo Hội Công Giáo, mặc dù ít về dân số ở Azerbaijan, về phần mình, sẽ tiếp tục góp phần một cách vô vị lợi vào việc cổ võ công lý và bênh vực người nghèo”.

 

Với ông tân lãnh sự David Douglas Hamadziripi nước Zimbabwe, ĐTC nhắn gửi ông những lời sau đây:

 

“Nhờ việc bầu cử ngày 31/3/2005, nước Zimbabwe đã tái bắt đầu đối phó với những vấn đề xã hội trầm trọng là những gì đã ảnh hướng đến quốc gia này mấy năm gần đây…. Cái thách đố lớn lao của việc hòa giải quốc gia cũng đòi hỏi là trong khi cần phải nhịn nhận và giải quyết những thứ bất công trong quá khứ, cần phải thực hiện hết mọi nỗ lực trong tương lai để hành động một cách công bằng và tôn trọng phẩm vị và quyền lợi của người khác.

 

“Về vấn đề này, tôi xin tán thành những nhận định của các vị Giám Mục Zimbabwe trước các cuộc bầu cử mới đây ‘Cái mục tiêu cao cả của việc chiếm đạt công ích bằng một đời sống xã hội có trật tự chỉ có thể thực hiện nếu các vị lãnh đạo chính trị dấn thân bảo đảm tình trạng phúc hạnh cho cá nhân cũng như phái nhóm trong tinh thần liêm chính và công bằng’. Hướng về vai trò tương lai của Phi Châu trong cộng đồng thế giới, vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của tôi nhấn mạnh rằng: ‘Chỉ có thể có một thế giới tốt đẹp hơn nếu nó được xây dựng trên nền tảng của những nguyên tắc đạo lỳ và thiêng liêng lành mạnh mà thôi” (Tông Huấn “Ecclesia in Africa”, 114).

 

Với ông tân lãnh sự Tân Tây Lan Geoffrey Kenyon Ward, ĐTC nhắn nhủ rằng:

 

“Ước muốn theo đuổi công ích được căn cứ vào niềm tin là con người hiện hữu trên thế gian này như một tặng ân của Thiên Chúa. Chính từ Thiên Chúa mà tất cả mọi con người nam nữ – được dựng nên theo hình ảnh Ngài – lãnh nhận phẩm giá chung bất khả vi phạm của họ cũng như việc họ được kêu gọi để thi hành trách nhiệm của họ. Ngày nay, lúc mà con người thường quên đi nguồn gốc của mình, do đó, không còn nhìn thấy đích điểm của mình nữa, họ đã dễ dàng trở thành mồi ngon cho các khuynh hướng quái dị của xã hội, cho cái méo mó của lý trí theo những nhóm có xu hướng riêng biệt, cũng như cho chủ nghĩa cá nhân thái quá. Đối đầu với ‘tình trạng khủng hoảng về ý nghĩa’ này (x Thông Điệp “Đức Tin và Lý Trí”, số 81), các vị thẩm quyền về dân sự và tôn giáo được kêu gọi để cùng nhau hoạt động trong việc khuyến khích mọi người, bao gồm cả giới trẻ, để ‘hướng dẫn họ bước theo một thứ chân lý làm biến đổi họ’ (ibid 5). Tách ra khỏi sự thật phổ quát ấy, một sự thật là bảo đảm duy nhất cho tự do và hạnh phúc, con người trở thành vô định đáng thương và dần dần bị mất đi khả năng nhận thức được ý nghĩa sâu xa làm thỏa nguyện sự sống của con người.

 

“Dân Tân Tây Lan, theo truyền thống, nhìn nhận và tôn trọng vị thế chính yếu trong xã hội của hôn nhân và đời sống gia đình vững chắc, và thực sự tiếp tục mong rằng các lực lượng xã hội và chính trị ủng hộ gia đình và bênh vực phẩm giá của nữ giới, nhất là của thành phần dễ bị tổn thương nhất. Họ cảm nhận rằng những méo mó theo trần tục về hôn nhân không bao giờ có thể làm lu mờ đi ánh rạng ngời của giao ước trọn đời phát xuất từ một tình yêu thương quảng đại trao ban và vô vị lợi. Lý trí đúng đắn cho họ biết rằng ‘tương lai của nhân loại băng qua đường lối gia đình’ (Tông Huấn “Familiaris Consortio”, 86) là những gì cống hiến cho xã hội một nền tảng bảo đảm cho những khát vọng của nó. Bởi thế tôi khuyến khích nhân dân ở Aotearoa hãy tiếp tục đương đầu với cuộc thách đố uốn nắn một thứ mẫu sống, cả về cá nhân cũng như cộng đồng, liên quan đến dự án của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại.

 

“Tiến trình đáng lo ngại của việc tục hóa đang xẩy ra ở nhiều phấn đất trên thế giới. Nơi nào những nền tảng Kitô giáo của xã hội có cơ nguy bị lãng quên thì công việc bảo trì chiều kích siêu việt hiện diện nơi hết mọi thứ văn hóa, cũng như công việc củng cố việc thực thi đích thực quyền tự do cá nhân ngược lại với tương đối chủ nghĩa lại là những gì càng trở thành khó khăn.

 

“Tình huống khó khăn này kêu gọi cả Giáo Hội lẫn các vị lãnh đạo dân sự hãy bảo đảm rằng vấn đề luân lý phải được bàn luận rộng rãi hơn ở cuộc diễn đàn chung. Về vấn đề này ngày nay rất cần phải tái phục hồi nhãn quan liên hệ hỗ tương giữa luật dân sự và luật luân lý là những gì, như được phác họa theo truyền thống Kitô giáo, cũng là một phần gia sản nơi truyền thống pháp lý lớn lao của nhân loại (x Thông Điệp “Phúc Âm Sự Sống”, 71). Chỉ có thế nhiều điều cho là ‘quyền lợi’ mới liên kết với sự thật, và bản chất của tự do đích thực mới được hiểu một cách xác đáng liên quan tới sự thật, một sự thật đặt giới hạn và mục đích cho tự do”.

 

Với vị tân lãnh sự Antonio Ganado của Malta, ĐTC nói:

 

“Việc cống hiến hồn sống cho một Âu Châu hiệp nhất và kết đoàn là việc dấn thân cho tất cả mọi dân tộc làm nên châu lục này. Âu Châu cần phải làm sao để có thể hòa hợp những lợi ích hợp lý của mỗi quốc gia với những nhu cầu cấp bách của công ích cho toàn thể châu lục”.

 

ĐTC cám ơn Malta về những nỗ lực của họ, mặc dù không thành công, trong việc đem các căn gốc Kitô giáo vào Bản Hiến Pháp Âu Châu. Ngài cũng kêu gọi cộng đồng Âu Châu đừng đánh mất “di sản các giá trị về văn hóa và tôn giáo của quá khứ. Chỉ với điều kiện ấy mới có thể mãnh liệt hy vọng xây dựng một tương lai đoàn kết và an bình mà thôi”.

 

Với vị tân lãnh sự Thụy Sĩ Jean-François Kammer, ĐTC cũng đề cập tới 2 vấn đề sôi động hiện nay là sự sống và gia đình như sau:

 

“Về tất cả những vấn đề này, những vấn đề liên quan đến các thứ giá trị căn bản, Giáo Hội Công Giáo đã bày tỏ rõ ràng, qua tiếng của các vị chủ chiên của mình, và Giáo Hội sẽ tiếp tục làm như thế bao lâu còn cần thiết để không ngừng nhắc nhở tính chất cao cả bất khả tước đoạt của phẩm vị con người, một phẩm vị đòi phải tôn trọng nhân quyền và nhất là quyền sống”.

 

Hội đồng giám mục Thụy Sĩ chống lại cuộc trưng cầu dân ý mới đây đồng ý cho các cặp hôn nhân đồng tính một số quyền tương hợp với hôn nhân. Cuộc trưng cầu dân ý này đã chiếm 58% phioếu thuận về vấn đề này.


Bá Vũ Ly, theo Zenit và VIS ngày 16/6/2005

 

 TOP

 

 

ĐTC GPII: Vị Giáo Hoàng Khởi Xướng Chiến Dịch Bãi Nợ hay Giảm Nợ Quốc Tế

 

Hôm Thứ Ba 14/6/2005, Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình đã phổ biến một văn thư sau đây để hoan nghênh thông báo của Hội Nghị Đệ Nhất Bát Cường G8 trong việc hủy bỏ 40 tỉ nợ của 18 quốc gia đang phát triển và dự định sẽ thực hiện việc tha nợ này cho thêm 20 quốc gia khác nữa.

 

“Giáo Hội, qua nhiều năm, đã kêu gọi các quốc gia tân tiến giảm hay hoàn toàn tha nợ cho các quốc gia đang phát triển. Trong nhiều sứ điệp của mình cho Ngày Hòa Bình Thế Giới, ĐGH GPII đã nói về gánh nặng của các món nợ đè nén niềm hy vọng phát triển được những quốc gia đang phát triển tìm kiếm một cách tuyệt vọng… Sau cùng, Hội Nghị Đệ Nhất Bát Cường G8 đã ngả theo chiều hướng ấy…"

 

Thật vậy, vấn đề hòa bình liên quan đến vấn đề nghèo khổ trên thế giới, vấn đề chênh lệch giữa các cường quốc và nhược quốc. Nếu các cường quốc chẳng những thực sự “viện trợ nhân đạo”, không phải thứ viện trợ từ những thứ đồ dư thừa trong nước và là thứ viện trợ để đô hộ nền kinh tế của nhược quốc và khai thác nguồn lợi của nước này, mà còn sử dụng các ngân khoản khổng lồ hằng năm chi phí cho việc chế tạo các thứ vũ khí giết người để nâng đỡ các nước nghèo khổ, thì bộ mặt thế giới này đã không quá tang thương như hiện nay, mà Dafur ở Sudan Phi Châu hiện nay là hiện thân. Các cường quốc vẫn hô hào bảo vệ tự do dân chủ trên thế giới dường như chỉ thấy xuất hiện và “hy sinh bỏ mình” ở vùng có dầu hỏa mà thôi, còn ở Darfur Sudan thì… “bay chết mặc bay”.

 

Trong Sứ Điệp cuối đời của mình cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2005, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng của “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” đã nêu lên một trong những yếu tố liên quan đến hòa bình, đó là vấn đề “sự thiện hòa bình và việc sử dụng những sản vật trên thế gian”. Ngài đã nhận định và kêu gọi như sau:

 

“Vì sự thiện hòa bình liên hệ chặt chẽ với việc phát triển của tất cả mọi dân tộc mà những đòi hỏi về luân thường đạo lý đối với việc sử dụng các thứ sản vật của trái đất này cần phải được luôn luôn chú trọng. Công Đồng Chung Vaticanô II đã có lý để nhắc nhở rằng ‘Thiên Chúa đã muốn trái đất này cùng tất cả những gì chất chứa nơi nó là để cho hết mọi người và tất cả mọi dân tộc sử dụng; nên những gì tốt lành của thiên nhiên tạo vật cần phải được cung ứng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người, theo công lý hướng dẫn và đức bác ái điều khiển’ (Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 69)” (khoản 6).

 

“Nguyên tắc về mục đích đại đồng của các sản vật cũng có thể làm khả dĩ một đường lối hiệu nghiệm hơn trong việc giải quyết vấn đề thách đố về nghèo khổ, nhất là khi chúng ta để ý tới tình trạng cực bần cùng mà hằng triệu triệu con người đang sống. Cộng đồng quốc tế, vào lúc mở màn cho tân thiên kỷ đây, đã đặt ưu tiên việc làm sao để giảm phân nửa số thành phần nghèo này vào năm 2015. Giáo Hội ủng hộ và khuyến khích quyết tâm này và kêu gọi tất cả mọi người tin tưởng vào Chúa Kitô hãy chứng tỏ, một cách cụ thể và ở mọi lãnh vực, tình yêu thương ưu tiên đối với thành phần nghèo khổ (Cf. John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 42: AAS 80 [1988], 572).

 

“Thảm trạng nghèo khổ vẫn còn liên hệ chặt chẽ với vấn đề nợ nần ngoại quốc của các xứ sở nghèo. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể ở lãnh vực này, vấn đề ấy vẫn chưa được giải quyết cách đầy đủ. Mười năm năm trước đây, tôi đã kêu gọi dư luận quần chúng hãy lưu ý tới sự kiện nợ nần ngoại quốc của các xứ sở nghèo là những gì có ‘liên hệ chặt chẽ tới một chuỗi những vấn đề khác, như việc đầu tư hải ngoại, việc thi hành xứng hợp của những tổ chức quốc tế chính, giá cả của các thứ vật liệu nguyên sơ v.v.’ (Address to Participants in the Study Week of the Pontifical Academy of Sciences (27 October 1989), 6: Insegnamenti XII/2 (1989), 1050.). Những biến chuyển gần đây thuận lợi cho vấn đề giảm nợ, chính yếu nhắm đến những nhu cầu của thành phần nghèo khổ, thực sự đã cải tiến đươc phẩm chất của tình trạng phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, vì một số những yếu tố nào đó, tình trạng phát triển này vẫn còn thiếu hụt về số lượng, nhất là liên quan đến các mục tiêu của ngàn năm đã được đồng ý phác họa. Các xứ sở nghèo vẫn bị lẩn quẩn trong vòng bại hoại: nào là lợi tức thấp và việc yếu kém phát triển làm hạn chế các thứ thu tích giành dụm, ngược lại, các thứ đầu tư yếu kém và việc sử dụng không hiệu nghiệm các khoản giành dụm lại không thuận lợi cho việc phát triển”. (khoản số 8).

 

“Vào lúc kết thúc Đại Năm Thánh 2000, trong Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, tôi đã nói đến nhu cầu khẩn trương của một thứ sáng tạo mới của đức bác ái, để truyền bá Phúc Âm hy vọng trên thế giới. Chúng ta rõ ràng thấy được nhu cầu này khi chúng ta quan tâm tới nhiều vấn đề khó khăn đang chặn đường phát triển ở Phi Châu: như nhiều cuộc xung đột võ trang, những thứ bệnh nạn truyền nhiễm càng tăng bội gây ra bởi tình trạng cực bần cùng, và tình hình bất ổn về chính trị càng gây bất an hơn nữa. Đó là những tình trạng thê thảm cần phải có một chiều hướng thực sự mới cho Phi Châu: cần phải tạo ra những hình thức mới của tình đoàn kết, ở cả lãnh vực song phương và đa phương, bằng việc mọi người phải cương quyết dấn thân hơn nữa, với niềm xác tín trọn vẹn là tình trạng phúc hạnh của các dân tộc ở Phi Châu là một điều kiện bất khả châm chước để đạt tới công ích đại đồng.

 

“Nhiều dân tộc ở Phi Châu đã trở thành những vai chủ yếu trong việc nắm lấy tương lai của mình cũng như trong việc phát triển về văn hóa, dân sự, xã hội và kinh tế của mình! Chớ gì Phi Châu không còn chỉ là một lãnh nhận viên viện trợ nữa, mà trở thành một tác nhân hữu trách trong vấn đề chia sẻ một cách ý thức và sinh lợi! Việc đạt được mục tiêu này đòi phải có một nền văn hóa chính trị, nhất là nơi lãnh vực hợp tác quốc tế. Một lần nữa, tôi muốn nói rằng việc không tôn trọng những hứa quyết được lập lại trong chương trình Cứu Trợ Công Cộng Cho Việc Phát Triển, những vấn đề chưa được giải quyết về vấn đề nặng nợ ngoại quốc của các quốc gia Phi Châu và việc không đặc biệt lưu tâm tới các quốc gia ấy trong mối liên hệ thương vụ quốc tế, là những gì làm ngăn trở trầm trọng cho hòa bình cần phải được lên tiếng và giải quyết. Ngày nay, hơn bao giờ hết, điều kiện quyết liệt để mang lại hòa bình cho thế giới đó là việc công nhận mối liên thuộc giữa các xứ sở giầu thịnh và nghèo khốn, để nhờ đó, ‘việc phát triển một là trở thành việc tham dự chung ở hết mọi phần đất trên thế giới, hay là phải trải qua một tiến trình suy thoái, thậm chí ở ngay cả những vùng được cho là liên tục tiến bộ’ (John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis, 17:AAS 80 (1988) 532)” (số 10).

 

Thật vậy, như đã đề cập đến ở khoản số 8 của Sứ Điệp cho Ngaỳ Thế Giới Hòa Bình 2005 trên đây, “mười năm năm trước đây, tôi đã kêu gọi dư luận quần chúng hãy lưu ý tới sự kiện nợ nần ngoại quốc của các xứ sở nghèo”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến ban hành ngày 10/11/1994, ở khoản số 51 như sau:

 

“Theo quan điểm này, nếu chúng ta nhớ lại rằng Chúa Giêsu đến ‘để rao giảng tin mừng cho người nghèo khó’ (Mt.11:5; Lk.7:22), thì làm sao chúng ta lại có thể bỏ qua không nhấn mạnh hơn về việc Giáo Hội quan tâm đặc biệt đến kẻ nghèo nàn và kẻ vô loài? Thật vậy, cần phải nói rằng, cuộc dấn thân cho công lý và hòa bình trong một thế giới như của chúng ta đây, một thế giới bị ghi dấu bởi quá nhiều giằng co, với những tình trạng thiếu quân bình về xã hội cũng như về kinh tế không thể nào chấp nhận được, là một điều kiện cần thiết cho việc sửa soạn và cử hành cuộc mừng kỷ niệm này. Bởi thế, theo tinh thần của Sách Lêvi (25:8-12), Kitô hữu cần phải lên tiếng thay cho tất cả mọi người nghèo trên thế giới, lấy cuộc mừng kỷ niệm này như một thời điểm thích thuận, để đưa ra ý tưởng, cùng với các điều khác, về việc giảm bớt thật nhiều, nếu không hoàn toàn hủy bỏ, số nợ quốc tế là cái hằng đe dọa tương lai của nhiều quốc gia một cách trầm trọng. Cuộc kỷ niệm mừng này cũng có thể là một dịp để suy nghĩ về những thách đố khác trong thời điểm của chúng ta, như những khó khăn trong việc đối thoại giữa các thứ văn hóa khác nhau, và những vấn nạn liên hệ đến việc tôn trọng các quyền của người phụ nữ, cũng như đến việc đề cao gia đình và hôn nhân”.


ĐTGM Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, hôm Thứ Ba 19/10/2004, đã trình bày nhận định và quan điểm của Giáo Hội Công Giáo với Khóa Họp thứ 59 của Đại Hội Đồng LHQ bàn đến vấn đề Vai Trò Tân Đồng Chí Cho Việc Phát Triển Phi Châu (NEPAD: New Partnership for Africa's Development), trong đó, ngài có đề cập đến hiện tình hay phát triển trong vấn đề nợ nần quốc tế như sau:

 

“… Việc thực hiện những qui chế về kinh tế xứng hợp cho Phi Châu, cho tình trạng phúc hạnh của những gia đình ở ngoại ô và làng quê như nhau cũng như cho việc bảo trì những giá trị của người Phi Châu, thực sự là một trách nhiệm khẩn trương của quốc tế. Bởi thế mới đáng tiếc là những Hội Đồng Quản Trị IMF và Ngân Hàng Thế Giới, cũng như cuộc họp của các Tác Viên Tài Chính ở Thượng Nghị G-7 trước đó, đã không đồng ý về việc hoàn toàn bãi nợ cho 27 quốc gia nghèo…”.

 

Thứ Ba ngày 29/6/2004, vị đại diện của Tòa Thánh là bà Mary Ann Glendon, tân chủ tịch Viện Tòa Thánh Về Các Khoa Học Xã Hội, đã lãnh đạo phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh tham dự hội nghị 2004 High Level Segment of Least Developed Countries (LDC) của Hội Đồng Về Kinh Tế Và Xã Hội Của Liên Hiệp Quốc. Đề tài vị tân chủ tịch này muốn phát biểu đó là “Việc Sử Dụng Nguồn Liệu và Môi Trường Khả Dĩ Để Nhổ Tận Gốc Rễ Tình Trạng Bần Cùng Theo Chiều Hướng Áp Dụng Chương Trình Hoạt Động Cho Các Quốc Gia Kém Phát Triển Nhất Trong Thập Niên 2002-2010”, trong đó bà có nhấn mạnh đến vấn đề giảm nợ nần quốc tế như sau:

 

“Phái đoàn đại biểu chúng tôi chú ý thấy rằng, căn cứ vào sự tiến bộ cho tới nay, hầu hết những quốc gia chậm phát triển nhất không thể đạt được, chẳng hạn, những mục tiêu của Chương Trình Hành Động Brussels (Brussels Program of Action [BPOA]). Mức độ phát triển về kinh tế của các quốc gia chậm phát triển ở sâu dưới mức cần để bắt đầu tiến vào con đường giảm nghèo thì những cuộc đầu tư không gia tăng mấy, những Việc Hỗ Trợ Phát Triển Chính Thức (ODA: Official Development Assistance) và Việc Trực Tiếp Đầu Tư Nước Ngoài (FDI: Foreign Direct Investment) không đầy đủ. Ngoài ra, nhiều quốc gia chậm phát triển nhất thấy mình rơi vào tình trạng hậu xung khắc, lên tới con số 80% trong 20 các quốc gia chậm phát triển nhất đã thoát khỏi tình trạng nội chiến trong vòng 15 năm qua.

 

“Thế nhưng, những khó khăn và thách đố ấy không được coi như là những thứ chữa mình, mà là những gì thôi thúc những đồng bạn phát triển cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Vì như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh là ‘thành phần nghèo khổ không thể đợi chờ’. Không ai có thể phủ nhận được rằng cái thách đố để bảo tồn những gì thường cho thấy như là một cái vòng lẩn quẩn nghèo khổ tự kéo dài, nhất là ở các quốc gia chậm phát triển nhất, là những gì ghê gớm.

 

“Đôi khi trong số những trở ngại cho việc tiến bộ không được chú trọng lắm đó là sự kiện vấn đề toàn cầu hóa đã tăng bội tình trạng lũng đoạn hết mọi lối sống. Khi mà những mẫu mực cổ xưa về vấn đề làm việc và đời sống gia đình đã bị phân tán thì cảm quan về sự bất lực lại gia tăng. Khi mà những hình thức mới về nghèo khổ xuất hiện thì những bộ mặt của thành phần nghèo khổ là những bộ mặt nữ giới và trẻ em gia tăng. Tóm lại, thế giới hiện nay đang trải qua một giai đoạn chao đảo, đầy những nguy hiểm lẫn hứa hẹn. Thành phần bị nguy hiểm nhất giữa cơn náo động về kinh tế và xã hội này thường là thành phần bị lãng quên nhất.

“Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã phác họa ra một đường lối hợp tác có tổ chức để các quốc gia chậm phát triển nhất có thể phát triển nền kinh tế của mình và để nhập cuộc sản xuất và trao đổi. Những yếu tố của đường lối này đã được đa số đồng ý: đó là vấn đề giảm nợ, là những việc mậu dịch công bằng, là qui tắc luập pháp, là việc đầu tư giáo dục, là việc chăm sóc sức khỏe căn bản, là vấn đề dinh dưỡng và phương tiện vệ sinh.

 

“Về vấn đề này, Tòa Thánh nhận thấy rằng Chương Trình Hành Động Brussels, một chương trình hoạng động nhắm đến việc nhổ tận gốc rễ vấn đề nghèo khổ và đói ăn ở 50 quốc gia chậm phát triển nhất trên thế giới, nơi có 7 trăm triệu người nghèo trên thế giới đang sống. Những cuộc dấn thân đặc biệt được phác họa ra nơi Chương Trình Hành Động này có thể đẩy mạnh việc gia tăng vấn đề viện trợ phát triển, vấn đề cổ võ việc đầu tư nước ngoài, vấn đề giảm gánh nặng nợ nần, và vấn đề mở thị trường ở các nước kỹ nghệ cho việc xuất cảng của các quốc gia chậm phát triển nhất”.


Trong Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Hòa Bình 2005, Đức Thánh Cha đã nhận thấy có sự tiến bộ trong việc đáp ứng lời đề nghị của ngài trong Tông Thư “Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba”, nhưng vẫn chưa đủ, cần phải nỗ lực hơn nữa, bằng không, không thể nào có hòa bình trên thế giới giữa cảnh quá chênh lệch giầu nghèo như thế.

 

Những biến chuyển gần đây thuận lợi cho vấn đề giảm nợ, chính yếu nhắm đến những nhu cầu của thành phần nghèo khổ, thực sự đã cải tiến đươc phẩm chất của tình trạng phát triển về kinh tế. Tuy nhiên, vì một số những yếu tố nào đó, tình trạng phát triển này vẫn còn thiếu hụt về số lượng, nhất là liên quan đến các mục tiêu của ngàn năm đã được đồng ý phác họa. Các xứ sở nghèo vẫn bị lẩn quẩn trong vòng bại hoại: nào là lợi tức thấp và việc yếu kém phát triển làm hạn chế các thứ thu tích giành dụm, ngược lại, các thứ đầu tư yếu kém và việc sử dụng không hiệu nghiệm các khoản giành dụm lại không thuận lợi cho việc phát triển”.

 

Bởi vì, chính ngài đã chủ trương ở Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/1987 rằng: “Phát Triển và Đoàn Kết là Hai Chìa Khóa mở Cửa Hòa Bình”, hay ở Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/1993: “Nếu anh chị em muốn hòa bình thì hãy tiến đến với người nghèo”.

 

Hôm Thứ Bảy 16/4/2005, Thượng Nghị G-7, thượng nghị 7 cường quốc trên thế giới là Hiệp Chủng Quốc, Hiệp Vương Quốc, Gia Nã Đại, Nhật, Đức, Pháp và Ý đã diễn ra ở Washington DC Hoa Kỳ. Hai vấn đề được họ nhấn mạnh là tình trạng khủng hoảng về giá dầu hỏa (đã lên quá cao trong thời gian hơn một năm, hiện nay tại California là 2.50 Mỹ kim cho 1 gallon xăng unleaded), và vấn đề nợ nần quốc tế. Văn kiện G-7 đã chấp thuận mục đích hoàn toàn hủy bỏ nợ nần cho những quốc gia nặng nợ. Thế nhưng, các viên chức vẫn chưa giải quyết những điểm khác nhau giữa các dự án cạnh tranh của Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc (Great Britian of United Kingdoms). Bởi thế, vấn đề nợ nần quốc tế vẫn còn bị bế tắc.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, trích cuốn "Đức GPII: Sống là Chúa Kitô, Chết là Vinh Thắng"

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ