GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 24/6/2005,

THÁNG THÁNH TÂM

 

1) Fatima là một biến cố và là một sứ điệp hướng về và dẫn đến Lòng Thương Xót Chúa là vì cốt lõi của Biến Cố Fatima và Sứ Điệp Fatima là Chúa Giêsu Thánh Thể

2) ĐHY Kasper Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Hiệp Nhất Kitô Giáo về chuyến viếng thăm Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga

3) Văn Hóa Sự Sống Chống Văn Hóa Sự Chết: Phò Hôn Nhân Gia Đình chống Hôn Nhân Đồng Tính

4) Lại Một Nữ Tu Viện Công Giáo Bị Tấn Công ở Ấn Độ

 

 

Fatima là một biến cố và là một sứ điệp hướng về và dẫn đến Lòng Thương Xót Chúa là vì cốt lõi của Biến Cố Fatima và Sứ Điệp Fatima là Chúa Giêsu Thánh Thể

 

(Tiếp tuần trước: Thứ Sáu 17)

 

Biến Cố Fatima và Sứ Điệp Fatima là một biến cố và là một sứ điệp hướng về và dẫn đến Lòng Thương Xót Chúa. Bởi vì, cốt lõi của Biến Cố Fatima và Sứ Điệp Fatima là Chúa Giêsu Thánh Thể, vì Thánh Thể mở đầu Biến Cố Fatima và là tột đỉnh của Sứ Điệp Fatima.

 

Trước hết, Thánh Thể mở đầu Biến Cố Fatima, ở chỗ, Thiên Thần Hòa Bình đã hiện ra với 3 em Thiếu Nhi Fatima 3 lần, một vào Mùa Xuân, 1 vào Mùa Hè và 1 vào Mùa Thu, đều về Chúa Giêsu Thánh Thể.

 

Lần thứ nhất, Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào Mùa Xuân năm 1916 ở trong hang Loca do Cabeco, để kêu gọi và dạy các em cầu nguyện: "Lạy Chúa, con tin kính Chúa, con thờ lạy Chúa, con trông cậy Chúa và con yêu mến Chúa. Xin Chúa thứ tha cho những người không tin kính Chúa, không thờ lạy Chúa, không trông cậy Chúa và không yêu mến Chúa".

 

Lần thứ hai, Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào Mùa Hè cùng năm, sau giờ nghỉ trưa, ở dưới bóng cây bên một giếng nước, để kêu gọi các em hy sinh cầu nguyện và dạy cho các em biết cách hy sinh đền tạ Chúa mà cứu rỗi các tội nhân: "Hãy biến mọi sự có thể thành những hy sinh dâng lên Chúa như một việc để đền tạ tội lỗi Ngài đã bị xúc phạm mà cầu cho tội nhân ơn ăn năn hối cải".

 

Lần thứ ba, Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào một buổi chiều Mùa Thu cũng năm ấy, trên đường các em từ Pregueira về Lapa, để cho các em rước Mình Thánh (Lucia) và Máu Thánh (Phanxicô và Giaxinta), sau khi kêu gọi các em đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể như sau: "Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh là Cha và Con và Thánh Thần, con sấp mình thờ lạy Chúa. Con xin dâng lên Chúa Mình Máu châu báu, linh hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trong các nhà tạm trên khắp thế giới, để đền tạ những lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm mà chính Người đã phải chịu. Xin vì công nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Chúa Giêsu và của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, xin Chúa ban cho các tội nhân ơn ăn năn hối cải".

 

Sau nữa, Thánh Thể là tột đỉnh của Sứ Điệp Fatima, ở chỗ, trong 3 Mệnh Lệnh Fatima, mệnh lệnh chính yếu đó là Mệnh lệnh Cải Thiện Đời Sống, một mệnh lệnh kêu gọi con người tội nhân hãy hoán cải trở về cùng “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, như lời Mẹ Maria kêu gọi loài người vào lần hiện ra ở Fatima cuối cùng 13/10/1917 ngay trước khi biến đi để kết thúc Biến Cố Fatima. “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi đây chính là Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã mở đầu cho Biến Cố Fatima, cũng là Đấng đã được nữ tu Lucia thị kiến thấy vào ngày 13/6/1929, tại Tuy nước Tây Ban Nha, qua hình ảnh “Những giọt máu từ mặt của Chúa Giêsu Tử Giá và từ cạnh sườn của Người chảy xuống bánh thánh và nhỏ vào chén thánh”.

 

 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

ĐHY Kasper Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Hiệp Nhất Kitô Giáo về chuyến viếng thăm Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga

 

Trước khi gặp gỡ TGM Kirill ở Smolensk và Kaliningrad, chủ tịch Phân Bộ Liên Hệ Ngoại Giao của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, đã được tờ tuần san Công Giáo Nga Svet Evangelia và ngài đã cho biết là việc ngài đại diện Tòa Thánh Rôma làm đây là để thực hiện “những bước tiến nho nhỏ”, nhưng “nhiều bước tiến nho nhỏ cũng sẽ dẫn quí vị đến đích điểm của mình”.

 

Vị TGM Kirill đã tham dự lễ đăng quang của ĐGH BĐXVI, và vào dịp ấy, hai vị làm đầu hai phân bộ của hai Giáo Hội đã gặp nhau nửa tiếng đồng hồ và quyết định tiếp tục cuoọc đối thoại về những sự khác biệt chính yếu giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống.

 

ĐHY Kasper cho biết: “Giờ đây chúng tôi đang mong tiếp tục và thậm chí đi sâu hơn vào cuộc đối thoại này. Ngay từ khi bắt đầu được bầu làm giáo hoàng, vị Giáo Hoàng này đã tuyên bố rằng vấn đề ấy là ưu tiên chính yếu của ngài. Giờ đây chúng tôi đang ở đây để thấy được những bước tiến mới nào chúng tôi có thể thực hiện”.

 

“Chúng tôi muốn thấy được những gì chúng tôi có thể cùng nhau làm, thấy được những cơ hội thực hiện; nó sẽ không phải là những bước tiến quan trọng mà chỉ là những bước tiến nho nhỏ thôi. Nhiều bước tiến nho nhỏ cũng sẽ dẫn quí vị tới đích điểm vậy. Có hai phần liên quan tới việc đối thoại này, và những bước tiến ấy cần phải được cả đôi bên thực hiện”.

 

Về lý do tại sao ngài không gặp gỡ Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Nga Alexy II trong cuộc viếng thăm lần này, ĐHY Kasper cho biết: “Tôi không xin ngài cho hội kiến vì việc này mới chỉ bắt đầu. Nó không có gì là chính thức cả bởi thế không cần phải làm như thế. Mục đích của chúng tôi là bàn đến những điều cụ thể về kỹ thuật mà thôi”.

 

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ĐHY Kasper còn nói rằng Giáo Hội Công Giáo ở Nga đang thực hiện tiến trình đối thoại, vì “không có Giáo Hội địa phương, việc đại kết sẽ là một vấn đề rất ư là trừu tượng. Tôi đã nói chuyện rất nhiều với ĐTGM Tadeusz Kondrusiewicz. Ngài đã biết và sau đó còn biết đến vấn đề này nữa. Tất cả những gì tôi đã thực hiện cho tới nay đều thực hiện với Giáo Hội địa phương. Có những mối liên hệ giữa Tòa Thánh Rôma và Tòa Thượng Phụ Moscow, có những mối liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma riêng với Giáo Hội Chính Thống Nga, và rõ ràng là cả hai phải đi với nhau”.

 

Vị hồng y chủ tịch này còn cho biết ngài sẽ không giải quyết những công việc của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine vì “đó không phải là việc của tôi trong vấn đề nói tới Giáo Hội khác, họ phải tự làm lấy; bởi thế đó không phải là vấn đề thương thảo của tôi. Về vấn đề này, vị tân Giáo Hoàng cũng chủ trương như Đức Gioan Phaolô II. Chúng tôi không bàn đến những người Ukraine nhưng bàn đến những gì Tòa Thánh Rôma và Giáo Hội Chính Thống Nga có thể cùng nhau làm ở Âu Châu và cho Âu Châu, cho các giá trị của Kitô Giáo ở Âu Châu – đó là lãnh vực thuộc lợi ích chung”.

 

Vị hồng y này hy vọng rằng vào mùa thu tới đây cuộc đối thoại sẽ được tái thiết giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính Thống Nga, và công việc của Ủy Ban Thần Học Hỗn Hợp sẽ được tái diễn, sau khi bị gián đoạn vào năm 2001 trong cuộc gặp nhau ở Baltimore, tiểu bang Maryland Hoa Kỳ.


Tâm Phương, theo Zenit ngày 22/6/2005

 

 

TOP

 

 

Văn Hóa Sự Sống Chống Văn Hóa Sự Chết: Phò Hôn Nhân Gia Đình chống Hôn Nhân Đồng Tính

 

Trận chiến văn hóa sự sống chống văn hóa sự chết không phải chỉ xẩy ra trong lãnh vực phò sự sống (pro life) chống phá thai (pro choice), mà còn xẩy ra trong cả lãnh vực hôn nhân gia đình nữa, với những cuộc biểu dương chống hợp pháp hóa vấn đề hôn nhân đồng phái tính, điển hình nhất và vĩ đại nhất từ trước đến nay, với con số ước lượng lên tới 1 triệu rưỡi tham dự viên, tại Ma Ní, thủ đô nước Tây Ban Nha hôm Thứ Bảy 18/6/2005.

 

Diễn Đàn của Người Tây Ban Nha Về Gia Đình, một nhóm không thuộc tôn giáo nào, đại diện cho hơn 4 triệu gia đình, đã thực hiện một hoạt động của người công dân ủng hộ con cái, hôn nhân và quyền tự do, chống lại dự án của chính quyền muốn chấp thuận việc nhận con nuôi của các cặp đồng tính lấy nhau.

 

Chủ đề của cuộc xuống đường biểu tình chống đối này là “Gia Đình Thực Sự Là Một Vấn Đề”, một cuộc xuống đường đã thu hút được các gia đình khắp Tây Ban Nha và những phái đoàn đại biểu của ngoại quốc nữa thuộc 15 hiệp hội quốc tế và hơn 1 ngàn tổ chức không thuộc chính quyền.

 

Sharon Slater, chủ tịch của Liên Hiệp Gia Đình Quốc Tế ở Mỹ và đại diện cho Liên Minh Gia Đình Thế Giới, đã diễn tả ngày này là một ngày lịch sử, đánh dấu “việc khởi đầu cho một phong trào thế giới bảo vệ hôn nhân và gia đình”. Bà này cho biết phong trào này “trổi vượt trên các chủng tộc, tôn giáo và biên giới”.

 

Jean-Louis Thès, chủ tịch Viện Gia Đình Chính Trị ở Pháp, đã gọi ngày này là “một ngày lịch sử cho phong trào gia đình ở toàn Âu Châu”, và cám ơn nhân dân Tây Ban Nha đã “phất cờ gia đình khởi nghĩa một cách nổi bật như thế”. Vị này tham dự thay mặt cho 400 hiệp hội ở Pháp.

 

María del Prete, thay mặt cho 400 nhóm ở Mỹ Châu Latinh tham dự vào tổ chức Cơ Cấu Gia Đình, đã bày tỏ tình đoàn kết với các gia đình, hôn nhân và trẻ em Tây Ban Nha.

 

Josep Miró i Ardèvol, một phần tử của Hiệp Ước Về Các Quyền Lợi và là chủ tịch Hội Đồng Kitô Hữu Cho Âu Châu, đã nói cùng tham dự viên rằng: “Trong những tháng vừa qua, Âu Châu và toàn thế giới đã nhìn Tây Ban Nha một cách nghi ngại. Ở Âu Châu cũng như trên thế giới, hôn nhân là cuộc hiệp nhất giữa một người nam và một người nữ (ông trích dẫn bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền của LHQ). Trong số 191 quốc gia phần tử của LHQ có 189 nước cấm hôn nhân đồng tính”.

 

José Gabaldón, chủ tịch tổ chức Diễn Đàn của Người Tây Ban Nha cho Các Gia Đình, khi ngỏ lời cùng tham dự viên và cám ơn sự ủng hộ khắp nơi trên thế giới ông nhận được, đã nói rằng: “Anh chị em là bằng chứng rõ ràng cho thấy rằng hôm nay đã đến thời điểm của gia đình”.

 

Vị chủ tịch này đã đề cập tới các nhóm đại diện đến từ Pakistan, Nam Hàn, Mông Cổ, Nga, Sri Lanka, Madagascar, Guinea, the Colombo Islands, Bangladesh, Ai Cập và Rwanda.

 

Cuộc biểu tình này được sự hỗ trợ của các tổ chức dân sự, chính trị và tôn giáo, cũng như của Seg Munir, giáo trưởng Đại Đền Hồi Giáo ở Ma Ní, Liên Hiệp Cộng Đồng Do Thái Tây Ban Nha, và các tôn giáo khác. Riêng Công Giáo, hội đồng giám mục ở xứ sở này đã tỏ ra ủng hộ và có khoảng 20 vị giám mục đã tham dự cuộc biểu tình, trong đó có cả ĐHY Antonio Rouco TGM Ma Ní cùng với các vị giám mục phụ tá của ngài.

 

Marek Raczkiewicz, phóng viên của Đài Phát Thanh Vatican đặc trách phần tiếng Balan, đã đề cập đến việc tất cả các quốc gia Đông Âu đang “hết sức chăm chú và quan tâm” theo dõi tình hình ở Tây Ban Nha, “nhất là liên quan đến vấn đề gia đình và hôn nhân”. Vị này cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của tiếng nói giáo dân, theo ông, đây không phải là vấn đề “của hàng giáo sĩ hay giáo phẩm, mà trước hết của việc giáo dân ý thức hơn bao giờ hết”.  

 

Ký giả Cristina López Schlichting phụ trách việc đọc “bản hiến chương” của biến cố này, một bản hiến chương kêu gọi hãy loại bỏ khỏi bản thảo về khoản luật “hôn nhân” đồng tính và đòi quyền lợi cho trẻ em được có cha có mẹ đàng hoàng. Bản hiến chương này cũng kêu gọi thực hiện một qui chế bảo vệ gia đình và quyền lợi của cha mẹ trong việc chọn lựa việc giáo dục cho con cái của mình.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp theo Zenit ngày 20/6/2005

 

TOP

 

Lại Một Nữ Tu Viện Công Giáo Bị Tấn Công ở Ấn Độ

 

Chỉ sau một vài ngày hội đồng giám mục Ấn Độ lên tiếng kêu gọi thẩm quyền dân sự hãy bảo vệ nhân viên của Giáo Hội khỏi bị tấn công như những vụ đã xẩy ra trước đó thì một nữ tu viện khác lại bị tấn công vào sáng sớm hôm Thứ Ba 21/6/2005, ở tiểu bang Bihar.

 

Thật vậy, theo mạng điện toán Zenit ngày Thứ Tư 22/6/2005, thì vào sáng sớm Thứ Ba, có 10 tay tấn công cầm súng và các thứ khí giới khác tấn công vào Trung Tâm Chetanalaya là nơi được quản trị bởi dòng Chị Em Bác Ái Nazarét ở Rajgir, một thành phố nhỏ du lịch ở quận hạt Nalanda thuộc trung độ Bihar, cách thủ đô Patna khoảng 100 cây số (62 dặm).

 

Theo các nữ tu tại đây thì những tay hôi của ấy đã lấy đi những đồ giá trị và 560 Mỹ kim tiền mặt.

 

Nữ tu Rose Plathottam, nữ giám đốc trung tâm này cho biết như sau: “Tôi đang ngủ trên sân thượng cùng với 11 em gái khuyết tật, những em ở lại trong mùa hè. Vào khoảng 11 giờ đêm, có chừng 10 người trẻ mang súng ống cùng với các loại khí giới khác tiến vào tu viện của chúng tôi… bằng cách trèo tường vào. Không thấy ai ở lầu dưới, họ đã lục soát tu viện để tìm cho ra chìa khóa các phòng ốc. Sau đó họ lên sân thượng, lấy súng đe dọa tôi và lôi tôi lê trên sàn”. Rồi sau đó những người này điện thoại lưu động và tiền mặt.

 

Nữ tu này cảm thấy sợ vì bấy giờ chỉ có một mình sơ ở đó, và sơ đã mở phòng cho đám trẻ này lấy điện thoại của sơ và tiền bạc. Đoạn họ bắt sơ đến một đầu khác của dinh thự này và yêu cầu thêm tiền bạc. Trong khi đó, những tay khác thuộc đồng bọn lục soát tất cả trung tâm này, kể cả trạm phát thuốc và trường học. Những tay khác hăm dọa những em gái, tuổi từ 5-14, đang che mặt bằng chăn màn. Cuối cùng họ bỏ đi với những đồ lấy được trong tay.

 

Nữ tu Teresa Kotturan là bề trên giám tỉnh của dòng này đã cho cơ quan Tín Vụ SAR biết rằng nội vụ đã được báo trình cho cảnh sát: “Dường như những tay ăn cướp này biết được địa điểm ấy. Bằng không họ không cách nào lọt được vào bên trong một cách dễ dàng như thế”.

 

Theo nữ tu bề trên này thì hình như đó là “coach thức trong tất cả những cuộc tấn công gần đây vào các nữ tu viện ở Bihar. Các nữ tu viện là những nơi dễ bị tổn thương nhất vì là nơi những băng tham của có thể kiếm được tiền bạc”.

 

Thật vậy, hôm 9/6, đã có 2 nữ tu viện khác ở Bihar bị tấn công, một của cùng dòng trên đây ở Slkho, giáo phận Bhagalpur, và một của dòng Notre Dame ở giáo phận Bettiah.

 

Vào ngày 12/6, tiểu bang Rajasthan đã xẩy ra cuộc tấn công nữ tu viện Chị Em Phanxicô Đức Bà Ban Ơn ở Bhiwadi, kết quả là các nữ tu bị thương tích và của cải bị cướp giật.


Bá Vũ Ly, theo Zenit ngày 22/6/2005

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ