GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 26/6/2005,

CN XIII QUANH NĂM

 

1) Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 26/6/2005 về Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, về vấn đề nghỉ hè và về việc cẩn thận lái xe

2) ĐTC BĐXVI với HĐGM Papua New Guinea và Solomon Islands về việc truyền bá phúc âm hóa và căn tính của linh mục

3) Đức Gioan Phaolô II: Hiện Thân của Lòng Từ Ái Thứ Tha

  

  

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 26/6/2005 về Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, về vấn đề nghỉ hè và về việc cẩn thận lái xe

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Chúng ta đang sửa soạn long trọng cử hành lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, những vị đã đổ máu mình ra ở Rôma trong việc loan báo Phúc Âm. Vào 9 giờ 30 sáng ngày 29/6 tôi sẽ chủ sự Thánh Lễ ở đền thờ Vatican: Đây là một một cơ hội quan trọng để nhấn mạnh đến mối hiệp nhất và công giáo tính của Giáo Hội.

 

Như trong quá khứ, cuộc cử hành này sẽ có sự tham dự của một phái đoàn đại biểu của đức thượng phụ ở Constantinople giáo chủ Chính Thống toàn cầu. Tôi mời tín hữu Rôma, những người tôn kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô như những vị quan thày đặc biệt của mình, những giáo lữ và toàn thể Dân Chúa hãy xin Chúa bảo vệ Giáo Hội và các vị mục tử của Giáo Hội.

 

Cuối tháng sáu đối với các xứ sở thuộc miền bắc trái đất là thời điểm bắt đầu mùa hè, và đối với nhiều người là thời điểm bắt đầu nghỉ ngơi. Tôi chúc mọi người được thản nhiên sống một ít ngày nghỉ ngơi và xả hơi một cách xứng đáng, tôi cũng kêu gọi cẩn thận những ai muốn đi nghỉ ở những nơi khác nhau. Tiếc thay, hằng ngày, nhất là cuối tuần, vẫn xẩy ra những tai nạn trên đường xá làm thiệt mạng thê thảm rất nhiều mạng người, mà hơn một nửa nạn nhân là giới trẻ.

 

Trong những năm gần đây người ta đã cố gắng nhiều để ngăn ngừa những tai nạn thê thảm ấy xẩy ra, thế nhưng vẫn còn cần và phải thực hiện hơn nữa với việc góp phần và dấn thân của tất cả mọi người. Cần phải coi chừng tính cách lơ đễnh và sôi nổi là những gì chỉ trong giây phút có thể tiêu rụi tương lai của mình cũng như của người khác. Sự sống là những gì quá giá và đặc biệt: Nó luôn cần phải được tôn trọng và bảo vệ, bao gồm cả tác hành đúng đắn và khôn ngoan trên đường xá nữa.

 

Xin Đức Trinh Nữ Maria, vị cùng đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình hằng ngày của chúng ta, trông coi những ai đang du hành và thương xót thành phần nạn nhân trên đường xá. Chúng ta ủy thác Giáo Hội và hoạt động truyền giáo của Giáo Hội trên toàn thế giới cho Mẹ là Nữ Vương thiên đình của Các Vị Tông Đồ và dịp lễ sắp tới của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

 

Sau đây là những chi tiết liên quan đến huấn từ truyền tin của ĐTC trên: Năm ngoái, Đức Thượng Phụ Giáo Hội Chính Thống Giáo Toàn Cầu Bartholomew I đã đích thân dự Thánh Lễ do Đức Gioan Phaolô II chủ tế để kỷ niệm 40 năm kể từ khi Giáo Hoàng Phaolô VI và Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Toàn Cầu Athenagoras I gặp nhau và ôm nhau tại Giêrusalem năm 1964, thời điểm Công Đồng Chung Vaticanô II đang diễn tiến.

 

Vào ngày 7/12/1965, tức áp ngày bế mạc Công Đồng này, Đức Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras I đã phổ biến một bản tuyên ngôn chung để tỏ ra tiếc xót và bãi bỏ “án tuyệt thông” xẩy ra vào năm 1054 là biến cố đưa đến tình trạng ly giáo giữa hai Giáo Hội Đông và Tây.


Tâm Phương, theo Zenit ngày 16/6/2005


 

TOP

 

 

ĐTC BĐXVI với HĐGM Papua New Guinea và Solomon Islands về việc truyền bá phúc âm hóa và căn tính của linh mục

 

Hôm Thứ Bảy 25/6/2005, ĐTC đã gặp 27 vị giám mục của “hai quốc gia quần đảo” Papua New Guinea và Solomon, để kết thúc việc viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên của các vị. ĐTC đã nhận định về tình hình truyền giáo ở đây và nhấn mạnh đến sứ vụ của linnh mục như sau:

 

Về vấn đề truyền giáo: “Chúa Giêsu Kitô tiếp tục kéo nhân dân của hai quốc gia quần đảo này đến niềm tin và đời sống sâu xa hơn trong Người…. ‘Cuộc Đại Hội’ quốc gia gần đây ở Papua New Guinea và ‘Cuộc Hội Luận’ ở Solomon Islands đã cho thấy công việc này. Từ hai biến cố ấy đã hiện lên những dấu chỉ hy vọng sáng lain, bao gồm cả việc tham dự hăng say của người trẻ vào sứ vụ Giáo Hội, lòng quảng đại trổi vượt của các thừa sai, và sự phát triển các ơn gọi địa phương. Đồng thời chư huynh cũng không ngần ngại nhìn nhận những khó khăn tiếp tục gây rắc rối cho các giáo phận của mình…. Tín hữu nhìn đến chư huynh như là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô”.

 

Về căn tính linh mục: “Các linh mục là và phải là các cộng sự viện thân cận nhất của vị giám mục. Vấn đề quan trọng nhất của quí huynh đó là việc quí huynh lưu ý tới tình trạng phúc hạnh của họ. Mối liên hệ đặc biệt này được diễn tả hiệu nghiệm nhất qua việc chư huynh tận tình chăm sóc cho vấn đề nâng đỡ căn tính đặc thù nơi linh mục của chư huynh, khuyến khích họ thánh hóa bản thân khi thi hành thừa tác vụ, và nuôi dưỡng tính cách sâu xa vững bền dấn thân mục vụ. Căn tính của linh mục không bao giờ được giống như bất cứ một danh hiệu trần thế nào hay bị lẫn lộn với vai trò dân sự hoặc chính trị. Trái lại, nên giống Chúa Kitô là Đấng hủy Mình trong thân phận tôi đòi, linh mục sống một đời sống giản dị, thanh tịnh và khiêm tốn phục vụ là những gì đánh động kẻ khác như các gương lành. Việc sốt sắng cử hành Thánh Lễ là tâm điểm hằng ngày của thiên chức linh mục. Trong Năm Thánh Thể, tôi kêu gọi các linh mục là hãy trung thành với quyết tâm này”.

 

Ngoài ra, cũng theo tinh thần truyền bá phúc âm hóa, ĐTC cũng nhấn mạnh đến cả việc huấn luyện linh mục tu sĩ nữa: “Việc huấn luyện xứng hợp cho linh mục và tu sĩ hoàn toàn cần thiết cho thành đạt việc truyền bá phúc âm hóa. Việc chư huynh quan tâm tới vấn đề phát triển về nhân bản, tu đức và mục vụ của thành phần chủng sinh của chư huynh, cũng như của thành phần tu sĩ nam nữ được huấn luyện, sẽ sinh hoa kết trái nơi các giáo phận của chư huynh”. Tuy nhiên, ĐTC cũng lưu ý các vị giám mục hai xứ sở này là “hãy cẩn thận chọn lọc các tuyển sinh, hãy đích thân xem sóc những chủng viện và hãy cung cấp những chương trình huấn luyện tiếp tục rất cần thiết cho việc đào say căn tính của linh mục và tu sĩ cũng như thăng hoa việc hân hoan dấn thân sống đời độc thân”.

 

Ở Solomon Islands có khoảng 538 ngàn dân cư là Công giáo, chừng 45% là Anh giáo. Ở Papua New Guinea, một quốc gia có 5.5 triệu dân cư, Công giáo chiếm 22% dân số.

 

Bá Vũ Ly, theo Zenit ngày 26/6/2005 và VIS ngày 27/6/2005

 

 

TOP

 

 

Đức Gioan Phaolô II: Hiện Thân của Lòng Từ Ái Thứ Tha

 

(Tiếp  Chúa Nhât 26)

 

Qua những huấn dụ của vị giáo hoàng được Thiên Chúa sai đến để dẫn Giáo Hội của Con Ngài tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô giáo qua ngưỡng cửa Đại Năm Thánh 2000, qua việc thiết tha tưởng niệm và cử hành Mầu Nhiệm Nhập Thể, chúng ta thấy ngài đã cùng với Giáo Hội chẳng những cử hành việc Thiên Chúa là Đấng đã bị con người xúc phạm ngay từ ban đầu qua nguyên tội lại chủ động đi hòa giải với loài người tội lỗi khi tự động sai Con Ngài là Lời Nhập Thể đến với con người, mà còn đáp ứng việc hòa giải của Thiên Chúa bằng cách thú nhận lỗi lầm của mình, xin Ngài tha thứ và thứ tha lẫn cho nhau, một việc hòa giải không phải chỉ trong nội bộ Giáo Hội có tính cách đại kết Kitô giáo, mà còn có tính cách liên tôn và tính cách nhân bản toàn cầu nữa.

 

Trong văn kiện “Ký Ức và Hòa Giải: Giáo Hội và Lỗi Lầm Quá Khứ” được soạn thảo bởi Ủy Ban Thần Học Quốc Tế dưới sự lãnh đạo và chuẩn nhận của ĐHY Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin Joseph Ratzinger, một văn kiện được phổ biến trên tờ L’Osservatore Romano ấn bản Anh ngữ ngày 12/3/2000 ở 8 trang đặc biệt giữa tờ báo, người ta thấy nội dung và mục đích của văn kiện này là để dẫn giải về nền tảng (thánh kinh, thần học, lịch sử, đạo lý, và mục vụ) hợp tình hợp lý cho việc hòa giải của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, như văn kiện này đã đề cập đến ở tiết đoạn 1.4:

 

“Như thế, một số vấn đề có thể được nhận diện như sau: Có thể nào lương tâm ngày nay lại cảm thấy ‘lỗi lầm’ về hiện tượng lịch sử riêng biệt như những Cuộc Thánh Chiến hay Vấn Đề Tòa Án Xử Lạc Giáo? Không phải là quá dễ dàng hay sao trong việc phán đoán con người ngày xưa với lương tâm ngày nay (như thành phần Luật Sĩ và Biệt Phái đã làm theo Phúc Âm Thánh Mathêu 23:29-32), như thể lương tâm luân lý hầu như là những gì cố định theo thời gian vậy? Trái lại, có thể nào chối bỏ là phán đoán về đạo lý bao giờ cũng khả dĩ, ở chỗ sự thật của Thiên Chúa cùng với những đòi hỏi về luân lý của sự thật này luôn giữ nguyên giá trị của nó?... Bởi thế, vấn đề trên hết đó là vấn đề làm sáng tỏ việc cần phải xin tha thứ, đặc biệt khi ngỏ với những nhóm người ngày nay, về những lỗi lầm trong quá khứ là những gì theo chiều hướng thánh kinh và thần học của vấn đề hòa giải với Thiên Chúa cũng như với tha nhân”.

 

Văn kiện được nghiên cứu kỹ lưỡng của một ủy ban gồm 7 nhà thần học có thế giá trên thế giới này, ở đầu tiết đoạn 1.1, còn nhận định tính cách độc nhất vô nhị của hành động của ĐTC GPII làm trong Đại Năm Thánh này như sau;

 

·         “Cho tới nay, không có một cuộc cử hành Năm Thánh nào đã thực hiện việc nhận thức theo lương tâm về bất cứ lỗi lầm nào thuộc quá khứ của Giáo Hội, hay về nhu cầu cần phải xin Thiên Chúa thứ tha cho việc làm trong quá khứ gần xa. Thật thế, trong suốt lịch sử của Giáo Hội, chưa từng có vấn đề Giáo Quyền xin tha thứ về những lỗi lầm đã qua. Các Công Đồng và các sắc chỉ của giáo hoàng đã áp dụng những việc chế tài cần phải có đối với những lạm dụng được cho là lầm lỗi nơi giáo sĩ và giáo dân, và là những lạm dụng đã được nhiều vị mục tử thành tâm cố gắng để sửa chữa. Tuy nhiên, những trường hợp được thẩm quyền giáo hội là Giáo Hoàng, các Vị Giám Mục hay các Công Đồng, công khai nhìn nhận những lầm lỗi hay những lạm dụng mà các vị cảm thấy có lỗi, thì hoàn toàn hiếm có”.

 

Ở đầu tiết đoạn 1.3, văn kiện dẫn giải việc làm quan trọng đầy ý nghĩa và cần thiết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn phân tích nội dung của những gì ngài đã làm trong Ngày Tha Thứ như sau:

 

“Đức Gioan Phaolô chẳng những lập lại những bày tỏ hối tiếc về ‘những ký ức buồn đau’ đánh dấu lịch sử chia rẽ nơi thành phần Kitô hữu, như Đức Phaolô VI và Công Đồng Chung Vaticanô II đã làm (như ngài đã đề cập tới trong Thông Điệp Xin Cho Họ Hiệp Nhất Nên Một, khoản số 88, khoản ngài viết: ‘tôi xin hợp với vị tiền nhiệm Phaolô VI của mình để xin tha thứ về những gì chúng tôi phải chịu trách nhiệm đối với những điều ấy’, nhưng Đức Phaolô VI, khi mở đầu cho Khóa Họp 2 của Công Đồng Chung Vaticanô II, chỉ xin tha thứ về những lỗi lầm liên quan tới sự kiện chia rẽ Kitô giáo mà thôi), còn ngài lại nới rộng việc xin tha thứ cho nhiều biến cố lịch sử mà Giáo Hội hay các nhóm Kitô hữu đã dính líu vào ở những góc cạnh khác nhau (chẳng hạn, ngài đã xin lỗi những người Moravia khi phong thánh cho chân phước Jan Sarkander ở Cộng Hòa Tiệp Khắc ngày 21/5/1995; hay ngài xin lỗi những người Da Đỏ ở Mỹ Châu Latinh trong Sứ Điệp ngỏ cùng Dân Da Đỏ Mỹ Châu ngày 13/10/1992 trong chuyến tông du Santo Domingo, và xin lỗi cả những người Phi Châu bị lưu đầy làm nô lệ trong bài Huấn Từ của Buổi Triều Kiến Chung ngày Thứ Tư 21/10/1992; riêng với thành phần Phi Châu này ngài còn xin lỗi họ về cách thức họ đã bị đối xử nữa, trong bài diễn từ ở Yaoundé ngày 13/8/1985). Trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến (khoản 33-36), Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ niềm hy vọng là Năm Thánh 2000 trở thành một cơ hội để thanh tẩy ký ức của Giáo Hội khỏi tất cả mọi hình thức ‘phản chứng từ và gương mù’ đã xẩy ra trong thời gian của thiên niên kỷ qua”.

 

Sau khi vị Giáo Hoàng của Ngày Tha Thứ này nằm xuống được hơn nửa tháng, ý hướng hòa giải hướng về đại kết của ngài đã được chính vị thừa kế của ngài là Giáo Hoàng Biển Đức XVI lập lại trong Sứ Điệp ngỏ cùng hồng y đoàn tại Nguyện Đường Sistine cuối Thánh Lễ ngày 20/4, sau khi kết thúc mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng (18-19/4/2005) như sau:

 

“Những cuộc đối thoại về thần học là những gì cần phải có. Cũng không thể châm chước bỏ qua việc khảo sát kỹ lưỡng những nguyên do lịch sử đã gây ra những việc quyết định trong quá khứ. Thế nhưng, khẩn thiết hơn thế nữa là việc ‘thanh tẩy ký ức’, một việc đã thường được Đức Gioan Phaolô gợi lên, và là một việc duy nhất có thể sửa soạn cho các tâm hồn đón nhận tất cả sự thật của Chúa Kitô. Chính vì trước nhan Người là Vị Thẩm Phán tối cao của tất cả mọi sinh vật, mà mỗi một người trong chúng ta cần phải trả lẽ, với ý thức là một ngày kia chúng ta cần phải cắt nghĩa cho Người về những gì chúng ta đã làm và những gì chúng ta không làm cho thiện ích cao cả là mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình nơi tất cả thành phần môn đệ của Người”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, trích cuốn: "Đức Gioan Phaolô II: Sống là Chúa Kitô- Chết là Vinh Thắng"

 

 

TOP
 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ