GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 29/6/2005

 

1) Ban Hành Cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo

2) ĐTC BĐXVI: Tự Sắc Phê Chuẩn và Ban Hành Cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo

3) Cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: nội dung, cấu trúc, hình thức và 10 câu vấn đáp mẫu

4) Chương Trình Nghỉ Hè 2005 của ĐTC BĐXVI

 

 

Ban Hành Cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo

 

Sáng Thứ Ba 28/6/2005, áp lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, tại Sảnh Đường Clementine, ĐTC BĐXVI đã chủ sự một cử hành phụng vụ để chính thức ban hành cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo.

 

Mở đầu là một trong những vị hồng y thuộc ủy ban đặc biệt trong việc soạn thảo cuốn giáo lý tổng tắt này đã ngỏ lời cám ơn ĐTC về cuốn sách ấy.

 

Sau đó là hát một số bài Thánh Vịnh và đọc Thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêsô, đoạn tới bài giảng của ĐTC.

 

ĐTC BĐXVI đã nhắc lại làm thế nào sau khi ban hành cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo vào năm 1992 đã tiến tới chỗ cần phải có “một cuốn giáo lý ngắn gọn, chất chứa tất cả nhưng chỉ có những yếu tố căn bản thiết yếu của đức tin và luân lý Công giáo, được trình bày một cách đơn giản, có thể hiểu được một cách phổ quát, rõ ràng và xúc tích”.

 

ĐTC tiếp: “Chắc chắn đây không phải là cuốn giáo lý mới, mà là một cuốn tổng lược hoàn toàn phản ảnh Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo”, một cuốn giáo lý “bởi thế vẫn còn nguyên vẹn tất cả th6ảm quyền và tầm quan trọng của nó, và sẽ tìm thấy nơi cuốn tóm lược này sự hỗ trợ đáng kể cho việc hiểu biết nó hơn cũng như được sử dụng một cách rộng rãi hơn như là một dụng cụ căn bản cho việc giáo dục đức tin”.

 

Sau bài giảng, ĐTC đã phân phối một số cuốn giáo lý tổng lược này cho một vị hồng y, một vị giám mục, vài linh mục, tu sĩ và giáo dân.

 

Tâm Phương, theo VIS 28/6/2005

 TOP

 

ĐTC BĐXVI: Tự Sắc Phê Chuẩn và Ban Hành Cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo

 

Gửi Quí Huynh Đáng Kính Hồng Y, Thượng Phụ, Tổng Giám Mục, Giám Mục

Linh Mục, Phó Tế cùng toàn thể Dân Chúa.

 

Hai mươi năm trước đây, việc bắt đầu thực hiện cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo là do Thượng Hội Giám Mục Thế Giới ngoại lệ vào dịp kỷ niệm 20 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II yêu cầu.

 

Tôi hết lòng cám ơn Chúa là Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội cuốn Giáo Lý này, cuốn giáo lý được vị Tiền Nhiệm đáng kính và yêu dấu của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành vào năm 1992.

 

Giá trị cao cả và vẻ đẹp của món quà này được thể hiện trước hết bởi việc đón nhận một cách thiết tha và tích cực cuốn Giáo Lý ấy nơi các vị Giám Mục, những vị mà cuốn giáo lý này thực sự là một văn bản qui chiếu vững chắc và đích thực cho việc giảng dạy tín lý Công giáo, nhất là cho việc hình thành các cuốn giáo lý địa phương. Nó còn được thể hiện bởi việc đón nhận một cách hết sức hoan hỉ nơi tất cả mọi thành phần Dân Chúa nữa, thành phần đã tiến đến chỗ hiểu biết và cảm nhận nó qua hơn 50 bản dịch đã được phát hành cho tới nay.

 

Giờ đây tôi thật là vui mừng phê chuẩn và ban hành cuốn Tổng Lược Giáo Lý đây.

 

Cuốn Tổng Lược này đã được các tham dự viên Hội Nghị Giáo Lý Quốc Tế tháng 10/2002 thiết tha mong muốn khi lên tiếng cho biết trong Giáo Hội có một nhu cầu rộng rãi cần đến cuốn sách này. Vị Tiền Nhiệm yêu dấu của tôi, chấp nhận niềm ước vọng ấy, vào Tháng 2/2003, đã quyết định bắt đầu sửa soạn cuốn sách ấy, khi ủy thác công việc cho một Ủy Ban Hồng Y do tôi làm đầu với sự hỗ trợ của một số chuyên gia. Trong giai đoạn thực hiện, bản thảo của cuốn Tổng Lược này đã được gửi đến tất cả mọi vị Hồng Y và Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục, mà đại đa số các vị đã tỏ ra ủng hộ bản thảo này.

 

Cuốn Tổng Lược mà tôi giờ đây trao cho Giáo Hội Hoàn Vũ, là một tổng hợp hoàn toàn và vững chắc của Cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Qua hình thức ngắn gọn của mình, nó chất chứa tất cả những yếu tố chính yếu và nền tảng của đức tin Giáo Hội, nhờ đó, như vị Tiền Nhiệm của tôi mong ước, trở thành một thứ vademecum (cẩm nang) giúp thành phần tín ngưỡng cũng như vô tín ngưỡng có thể thấy được toàn diện đức tin Công Giáo.

 

Qua cấu trúc, nội dung và ngôn từ của mình, cuốn Tổng Lược này hoàn toàn phản ảnh Cuốc Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, nhờ đó sẽ giúp cho cuốn Giáo Lý này được biết đến rộng rãi hơn và được hiểu sâu xa hơn.

 

Tôi xin ký thác cuốn Tổng Lược này trước hết cho toàn thể Giáo Hội, nhất là cho hết mọi Kitô hữu, để nó có thể làm bừng lên trong Giáo Hội của ngàn năm thứ ba nhiệt tình mới trong việc truyền bá phúc âm hóa cũng như cho việc giáo dục đức tin, một đức tin phải làm nên đặc tính của hết mọi cộng đồng trong Giáo Hội cũng như của hết mọi tín hữu, bất kể tuổi tác hay quốc tịch.

 

Thế nhưng, cuốn Tổng Lược này, qua tính cách vắn gọn, rõ ràng và tổng quan của mình, được nhắm tới hết mọi người, những con người ở trong một thế giới bị phân tâm và tràn ngập những thứ tín liệu mong muốn biết được Con Đường Sự Sống, biết Chân Lý, là những gì Thiên Chúa đã ký thác cho Giáo Hội Con của Ngài.

 

Nhờ việc chuyển cầu của Rất Thánh Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, chớ gì hết mọi người đọc cuốn sách có uy tín này có thể nhìn nhận và thiết tha hoàn toàn hơn bao giờ hết vẻ đẹp khôn lường, tính cách đặc thù và tầm quan trọng của Tặng Ân khôn sánh được Thiên Chúa ban cho loài người nơi Con duy nhất của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Đấng là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Jn 14:6).

 

Ban hành ngày 28/6/2005, áp Lễ Trọng Kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô trong năm thứ nhất của giáo triều tôi.

 

Benedictus PP XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 28/6/2005

 

TOP

 

Cuốn Tổng Lược Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: nội dung, cấu trúc, hình thức và 10 câu vấn đáp mẫu

 

Cuốn Giáo Lý Tổng Lược này dày 205 trang, bao gồm 598 câu vấn đáp, 15 tấm hình, một phụ lục (về các kinh nguyện chính của Kitô giáo và một số công thức về tín lý Công giáo), và một đề mục theo mẫu tự.

 

Ngoài ra, cuốn Tổng Lược này còn có Tự Sắc Phê Chuẩn và Ban Hành của ĐTC BĐXVI (trên đây) và Lời Giới Thiệu của ĐHY Joseph Ratzinger đề ngày 20/3/2005, Chúa Nhật Lễ Lá, trước khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tạ thế.

 

Bố cục của cuốn Tổng Lược Giáo Lý này cũng bao gồm 4 phần chính yếu: 1) Tuyên Xưng Đức Tin gồm 217 câu vấn đáp; 2) Cử Hành Mầu Nhiệm Kitô Giáo với các câu vấn đáp 218-356; 3) Sự Sống Trong Chúa Kitô, với các câu vấn đáp 357-533; 4) Kinh Nguyện Kitô Giáo với các câu vấn đáp 534-598.

 

Cuốn sách được kết thúc bằng một phần phụ lục kép, với các kinh nguyện thông dụng (từ việc làm dấu Thánh Giá, Kinh Vinh Danh và Kinh Lạy Cha, tới Kinh cầu cho Người Chết và kinh ăn năn tội), và “Các Công Thức Tín Lý Công Giáo” (như 7 tặng ân Thánh Thần, các việc làm của tình thương cả bề ngoài lẫn bề trong, các Mối Phúc Thật v.v.).

 

Cuốn Sách Tổng Lược này mới được phát hành bằng tiếng Ý bởi Vatican Publishing House và St Paul, còn các ấn bản tiếng địa phương sẽ được các hội đồng giám mục địa phương đặc trách.

 

Ngoài ra, cuốn sách này còn có cả 15 tấm hình của nghệ thuật Kitô giáo, được để ở mỗi đầu phần hay tiết. Bởi vì, trong bài giảng ban hành cuốn sách này, ĐTC BĐXVI đã nói: “Các ảnh thánh, qua vẻ đẹp của mình, cũng là cách công bố Phúc Âm và diễn tả ánh quang của chân lý Công giáo”.

 

Trong số các ảnh này có ảnh Chúa Kitô “Pantokrator” của Theophanes ở Crete (1546) đang được giữ tại Đan Viện Stavronikita ở Mount Athos; tấm “Bộ Ba Bảy Bí Tích” của Roger van der Wyden; hai tác phẩm của El Greco là “Thánh Gioan Chiêm Ngưỡng Mẹ Vô Nhiễm” và “Chúa Giêsu Cầu Nguyện Trong Vườn”; và tấm “Bài Giảng Trên Núi” của Chân Phước Angelico.

 

Sau đây là 10 câu vấn đáp mẫu trong cuốn tổng lược giáo lý này.

 

3.             Làm thế nào để có thể biết được Thiên Chúa bằng nguyên ánh sáng của lý trí?

 

Căn cứ vào thiên nhiên tạo vật, tức là căn cứ vào thế giới và nhân loại, con người, nhờ nguyên trí khôn của mình cũng có thể chắc chắn biết được một vị Thiên Chúa là nguyên thủy và cùng đích của vũ trụ, và là sự thiện tối cao, là sự thật và là sự mỹ vô cùng.

 

23.           Cựu Ước và Tân Ước liên kết với nhau như thế nào?

 

Chỉ có một Thánh Kinh duy nhất, như chỉ có một Lời Thiên Chúa duy nhất; Thiên Chúa chỉ có một dự án cứu độ duy nhất, chỉ có một linh ứng duy nhất cho cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Cựu Ước sửa soạn cho Tân Ước, và Tân Ước hoàn tất Cựu Ước: cả hai làm sáng tỏ lẫn nhau.

 

32.           Cần phải coi những người Kitô hữu không phải Công giáo ra sao?

 

Có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý nơi các Giáo Hội và các Cộng Đồng giáo hội, những cơ cấu đã tách khỏi mối hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Tất cả những sự thiện này đều phát xuất từ Chúa Kitô và đều dẫn đến mối hiệp nhất Công giáo. Các phần tử thuộc các Giáo Hội và Cộng Đồng này được liên kết với Chúa Kitô nhờ Phép Rửa: bởi thế, chúng ta nhìn nhận họ là anh em.

 

171.     Lời khẳng định “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu rỗi” nghĩa là gì?

Nó có nghĩa là tất cả ơn cứu độ đều phát xuất từ Chúa Kitô là Đầu qua Giáo Hội là Thân Thể của Người. Bởi thế, không thể nào được cứu độ những ai, khi biết rằng Giáo Hội được Chúa Kitô xây dựng và cần cho phần rỗi, mà không gia nhập và không kiên tâm bền vững. Đồng thời, nhờ Chúa Kitô và nhờ Giáo Hội của Người, cũng có thể được cứu độ là những ai, không bởi lỗi của họ, chẳng biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô và biết đến Giáo Hội của Người, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và theo tác động của ân sủng, cố gắng làm theo ý của Ngài được tỏ hiện qua các mệnh lệnh lương tâm của họ.

 

471.     Tại sao xã hội cần phải bảo vệ hết mọi phôi bào?

Quyền sống bất khả tước đoạt của hết mọi con người từ khi được thụ thai là một yếu tố cấu tạo của xã hội dân sự và luật pháp của nó. Khi một Quốc Gia không nỗ lực phục vụ các quyền lợi của tất cả mọi người, nhất là của thành phần yếu kém, trong đó có thai nhi, thì chính nền tảng của Tình Trạng luật lệ bị suy yếu.  

 

475.     Khi nào các thí nghiệm về khoa học, y khoa hay tâm lý thực hiện nơi con người hay nơi nhóm người được coi là hợp lệ theo luân lý?

Chúng là những thí nghiệm hợp lệ theo luân lý khi chúng phục vụ sự thiện trọn vẹn của con người và của xã hội, mà không xẩy ra những nguy hại bất xứng với sự sống cũng như với tính cách toàn vẹn về thể lý và tâm lý của con người, thành phần hiểu biết một cách thích đáng và tỏ ra đồng ý.

482.     Đâu là những điều kiện cần để xây dựng hòa bình thế giới?

Hòa bình đòi hỏi việc phân phối chính đáng và bảo vệ những sản vật của dân chúng, việc tự do thông đạt con người với nhau, việc tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc, và việc chuyên chăm thực hành công lý và tình huynh đệ.

 

502.     Đâu là những sự xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân?

 

Đó là: ngoại tình, ly dị, đa thê, loạn luân, chung sống không chính thức lấy nhau,  tà dâm trước hôn nhân hay ngoài hôn nhân.

 

514.     Hết mọi người đều có quyền đối với loại việc làm nào?

Cần phải giúp cho tất cả mọi người có thể có được việc làm an toàn và lương thiện, không bị kỳ thị một cách bất công, liên quan tới sáng kiến tự do về kinh tế và việc bồi thường chính đáng.

 

533.     Điều con người mong ước nhất là gì?

 

Điều con người mong muốn nhất đó là được thấy Thiên Chúa. Đây là tiếng kêu của tất cả con người của họ: “Tôi muốn thấy Thiên Chúa!” Con người đạt được niềm hạnh phúc đích thực và trọn vẹn của mình nơi việc thị kiến và hoan hưởng Đấng đã tạo dựng nên họ vì yêu thương và lôi kéo họ đến với Ngài bằng tình yêu vô cùng của Ngài.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, theo Zenit ngày 28/6/2005

 

 TOP

 

Chương Trình Nghỉ Hè 2005 của ĐTC BĐXVI

 

Theo thông báo của Văn Phòng Giáo Hoàng Gia thì ĐTC sẽ nghỉ hè tại vùng Valle d’Aosta thuộc miền tây bắc nước Ý, nơi ngài sẽ xả hơi từ ngày 11 đến 28/7.

 

Trong thời gian này, các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần là ngày 13, 20 và 27/7 sẽ được tạm ngưng. Nhưng các huấn từ Truyền Tin vẫn được tiếp tục tại nơi nghỉ hè của ngài ở Les Combes.

 

Vào ngày Thứ Năm 28/7, ngài sẽ đến tông dinh Castelgandolfo ở phía nam thành Rôma. Trong thời gian nghỉ hè, tất cả mọi cuộc triều kiến riêng tư và đặc biệt đều được tạm ngưng. Những buổi triều kiến chung hằng tuần sẽ được tái tiếp bình thường từ ngày Thứ Tư 3/8/2005.

 

 Bá Vũ Ly, theo VIS ngày 28/6/2005

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ