GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 4/6/2005,

LỄ KHIẾT TÂM MẸ

 

1) Các Hội Đoàn Thánh Mẫu ở Ý Liên Hợp cử hành Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria

2) ĐTC Biển Đức XVI ví Việc Đức Mẹ Đi Thăm Viếng như là Một Cuộc Kiệu Thánh Thể

3) Quĩ Thánh Phêrô Mang Chủ Đề Thánh Mẫu

4) MẸ MARIA: Mt Mẫu Sống cho Chúng Ta Noi Gương Bắt Chước

5) Tháng Sáu là Tháng tái nhận thức Tình Yêu Chúa Kitô

 

   

  

Các Hội Đoàn Thánh Mẫu Ý quốc cùng nhau tôn vinh Mẹ Maria dịp Lễ Kính Trái Tim Mẹ 4/6/2005 tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Hằng năm, theo thông lệ, Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới ở Ý cử hành Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria hằng năm tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma, “Thế nhưng, năm nay”, theo ĐGM Diego Bona, chủ tịch phong trào ở Ý này cho biết, “lễ này được tổ chức đặc biệt long trọng” vì có sự tham gia của nhiều hội đoạn Thánh Mẫu nữa.

 

Vào Thứ Bảy là ngày cử hành Lễ này, vị giám mục chủ tịch cho biết, mở đầu là cuộc nghênh đón “bức ảnh đáng kính Trinh Nữ thánh du của Đền Thánh Fatima”. Bức ảnh này sẽ được “tín hữu nghênh đón ở nhiều phần đất khác nhau tại Ý quốc” và “bằng việc hiệp thông nguyện cầu cũng như sùng mộ chân thành, sâu xa và thảo kính”.

 

ĐTGM Angelo Comastri sẽ hướng dẫn việc suy niệm cầu kinh mân côi trước Thánh Lễ, một Thánh Lễ do ĐHY Camillo Ruini chủ tế. Sau Thánh Lễ tín hữu sẽ đọc lời cầu cùng Mẹ Maria là Mẹ sinh linh, lời nguyện kết thúc thông điệp “Phúc Âm Sự Sống” của Đức Gioan Phaolô II.

 

ĐGM Bona chủ tịch Đạo Binh Xanh Ý Quốc này cho biết lễ này là một lễ có một truyền thống lâu đời, một truyền thống “được đẩy mạnh bởi biến cố Fatima (1917), thời điểm mà trong những lần hiện ra của Đức Trinh Nữ, ba tiểu mục đồng đã được nghe thấy những lời sau đó được vang đi khắp thế giới, đó là lời ‘Chúa Giêsu muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới” (13/6); “Mẹ sẽ đến xin hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”, “Cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng” (13/7).

 

Sứ điệp Fatima đã được truyền bá khắp thế giới và là sứ điệp được Đức Gioan Phaolô II nói rằng: ‘Nếu Giáo Hội công nhận sứ điệp Fatima là vì sứ điệp này chất chứa một sự thật và một lời kêu gọi chính yếu của Phúc Âm’”.

 

Thật vậy, có khoảng 6 ngàn người thuộc 30 hội đoàn Thánh Mẫu đã tập trung lần đầu tiên tại Đền Thờ Thánh Phêrô để hợp nhau cầu nguyện và suy niệm về sứ điệp Fatima hôm Thứ Bảy 4/6/2005, Lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

Cuộc gặp gỡ này đã được bắt đầu bằng bài diễn từ của cha Gabriele Amorth, nhà trừ quỉ thuộc Giáo Phận Rôma, vị đã nhấn mạnh, bằng những gương mẫu, đến việc tận hiến cho Mẹ Maria là cách thức để thuộc về Chúa Kitô một cách sâu xa hơn nữa.

Sau khi chầu Thánh Thể và cầu kinh mân côi, do ĐTGM Angelo Comastri, tổng đại diện Quốc Đô Vatican, hướng dẫn, là Thánh Lễ trọng thể do ĐHY Camillo Ruini, đại diện ĐTC ở Giáo Phận Rôma, chủ tế. Thánh Lễ bao gồm cả nghi thức tận hiến cho Mẹ.

 

TOP

 

ĐTC Biển Đức XVI ví Việc Đức Mẹ Đi Thăm Viếng như là Một Cuộc Kiệu Thánh Thể

ĐTC Biển Đức XVI nói rằng: cuộc viếng thăm chị họ Ellizabeth của Mẹ Maria, ở một nghĩa nào đó, là một cuộc kiệu Thánh Thể đầu tiên trong lịch sử.

Hôm Thứ Ba, ngày cuối cùng của Tháng 5, ĐTC đã đến với buổi kết thúc bằng việc lần hạt Mân Côi, một cuộc lần hạt qui tụ nhiều tín hữu cầu nguyện tại Khu Vườn Vatican, dưới sự hướng dẫn của Đức TGM Angelo Comastri, tổng đại diện Quốc Đô Vatican.

Khi nhận định là ĐTC GPII thích nhắc nhở rằng Đức Mẹ là "Người Nữ Thánh Thể", ĐTC Biển Đức XVI ghi nhận ngày này là ngày phụng vụ cử hành lễ kính Đức Trinh Nữ thăm viếng bà thánh Elizabeth.

ĐTC Biển Đức XVI đã nói: "Khi cưu mang Chúa Giêsu vừa được thụ thai trong lòng mình, Mẹ Maria đã đi thăm người chị họ Elizabeth, người được cho là son sẻ, song lại là người nhờ ơn Chúa đã thai nghén được sáu tháng".

ĐTC nói: "Mẹ Maria là một thiếu nữ trẻ, nhưng Mẹ không sợ, vì Chúa ở với Mẹ, ở trong Mẹ. Ở một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói rằng cuộc hành trình của Mẹ - chúng ta muốn nhấn mạnh đến cuộc hành trình này trong Năm Thánh Thể đây – là một cuộc kiệu Thánh Thể đầu tiên trong lịch sử.

"Khi Mẹ vào nhà bà chị họ Elizabeth, lời chào của Mẹ đầy tràn ơn phúc: khiến cho Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ, như thể thấy được việc xuất hiện của Đấng ngài sẽ loan báo cho dân Israel".

ĐTC nói: "Hai người con trai hoan hỉ, hai bà mẹ hỉ hoan. Cuộc gặp gỡ này, đầy tràn hân hoan Thần Linh, được phản ảnh qua ca vịnh Ngợi Khen".

ĐTC hỏi rằng: "Phải chăng đây cũng là niềm hân hoan của Giáo Hội, một Giáo Hội không ngừng lãnh nhận Chúa Kitô trong Thánh Thể và mang Người đến cho thế giới bằng chứng hoạt động bác ái đầy tin tưởng và hy vọng?"

"Đúng vậy, lãnh nhận Chúa Giêsu và đưa Chúa đến cho người khác là một niềm hân hoan thực sự của người Kitô hữu! Chúng ta hãy soi gương bắt chước Mẹ Maria, một tâm hồn sâu xa về Thánh Thể, thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành một bài ca vịnh Ngợi Khen vậy".

Trần Đại, dịch theo Zenit ngày 1/6/2005

 

TOP

 

Quĩ Thánh Phêrô Mang Chủ Đề Thánh Mẫu


"Lòng tốt thì âm thầm làm việc" là chủ đề năm nay cho việc quyên góp cho Quĩ Thánh Phêrô tại các giáo xứ Hoa Kỳ.

Sự quyên góp hằng năm giúp cho ĐTC có thể đáp ứng bằng việc cứu trợ khẩn cấp về tài chính cho thành phần túng thiếu trên thế giới, kể cả những người bị đau khổ vì chiến tranh và thiên tai.

Được sắp xếp vào Chúa Nhật gần nhất với lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, việc quyên góp năm nay sẽ được thực hiện ở hầu hết các giáo xứ tại Hoa Kỳ vào ngày 25-26 tháng 6.

Trong bức thư gởi cho các vị giám đốc ngành truyền thông thuộc cấp giáo phận, ĐTGM John Vlazny, chủ tịch Ủy Ban Đặc Nhiệm thuộc hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Các Quan Tâm Kinh Tế của Tòa Thánh đã giải thích về nguồn gốc của chủ đề lạc quyên năm nay.


Ngài nhắc lại là năm ngoái, trong Thánh Lễ trọng kính Đức Mẹ Lên Trời, “ĐTC GPII, đã thúc giục chúng ta hãy noi gương bắt chước Mẹ Maria, khi kêu gọi chúng ta hãy phục vụ trong tin tưởng và hân hoan". Theo vị giám mục này thì Đức tân giáo hoàng Biển Đức XVI đang tiếp tục công cuộc của vị tiền nhiệm ngài.


Vị TGM này nói rằng: "Sức mạnh của tình yêu được thể hiện nơi cái âm thầm khiêm tốn của việc phục vụ hằng ngày. Qua những việc bác ái, người Công giáo thể hiện một chứng từ yêu thương âm thầm nhưng mạnh mẽ cùng với những việc làm để kiên cường thành phần yếu kém, thành phần bất khả tự vệ, thành phần thấp cổ bé miệng, cũng như để nâng đỡ thành phần khổ đau".

 

Trần Đại, dịch theo Zenit ngày 1/6/2005

 

TOP
 

 

MẸ MARIA: Mt Mẫu Sống cho Chúng Ta Noi Gương Bắt Chước

(Tô Thanh Gương chuyển ngữ từ tác phẩm The Everyday Catholic – Martin Harrison, O.P. – Roman Catholic Books)

Hi Thánh đặt cuộc đời các Thánh trước mắt chúng ta không phải chỉ để tôn vinh các ngài, nhưng còn để cho chúng ta thấy được những lý tưởng trọn lành hầu làm gương cho đời sống của chúng ta.  Tuy nhiên, trong khi chúng ta ngưỡng mộ các ngài, có những vị làm chúng ta phải sợ bởi vì cuộc đời cực kỳ khắc khổ của các ngài -- những việc hãm mình khắt khe -- mà con người nói chung, mang bản tính thường yếu đuối, rất khó làm theo.  Tuy vậy, có một vị thánh tuyệt hảo nhất trên tất cả các thánh, đó là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, theo sự hiểu biết chung, đã không sống một lối sống khắc khổ như vậy; Mẹ đã sống một đời sống con người rất bình thường, nhưng lại vượt trên hết tất cả các vị thánh khác của Chúa.  Vì vậy Mẹ Maria là một gương mẫu lý tưởng nhất cho chúng ta noi theo bắt chước.  Chọn lựa chính Mẹ Thiên Chúa tinh tuyền không hề phạm tội để noi gương bắt chước có phải là một hành động thái quá không?  Chúng ta có với cao quá không?  Mẹ không hề phạm tội; chúng ta cũng có thể không bao giờ phạm tội nữa trong quãng đời còn lại của mình nếu chúng ta sống hoàn toàn tương hợp với ơn thánh Chúa như Mẹ Maria.  Như Mẹ Maria đã hoàn toàn và không chút do dự trao mình cho tác động của ơn sủng, chúng ta cũng có thể làm như vậy.  Chính trong việc này, hơn hết tất cả mọi sự, mà Mẹ Maria là gương mẫu cho chúng ta.

 

Việc Mẹ được thụ thai vô nhiễm nguyên tội, được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, là một mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống.  ‘Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc cao vời.’  Tuy nhiên, cũng như tất cả các thánh khác, sự thánh thiện của Mẹ, ở một nghĩa nào đó, là do cố gắng riêng của Mẹ, và bí quyết nên thánh của Mẹ là do việc Mẹ hoàn toàn vâng phục, cũng như chấp nhận, thánh ý Chúa. ‘Xin thực hiện nơi tôi những gì ngài nói’.  Cho dù bất cứ việc gì xẩy ra Mẹ đều chấp nhận là thánh ý Chúa, và uốn ý riêng của mình theo ý Chúa.  Nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta cũng thật sự nên thánh.  Sức thu hút độc đáo từ cuộc đời Đức Mẹ đó là tính cách đơn sơ giản dị tự nhiên;  chưa ai đã từng nghe nói Mẹ tự mình làm những việc đền tội gắt gao nào; làm những việc bác ái vĩ đại nào, hay làm bất cứ công việc to tát nào về bề ngoài.  Đức Mẹ của chúng ta là một phụ nữ lấy chồng; là vợ của một con người lao động, hằng ngày lo lắng săn sóc cho những nhu cầu của chồng và Con; Mẹ bận bịu với những việc nội trợ tầm thường: nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp và may vá.  Gia đình thánh này, theo cái nhìn bề ngoài, là một gia đình bình thường không một chút gì khác biệt với những gia đình khác trong xóm cả. 

 

Giờ đây chúng ta hãy tạm gác qua khía cạnh siêu nhiên của cuộc đời Đức Mẹ, và hãy cân nhắc cuộc đời của Mẹ theo cái nhìn của họ hàng và thân hữu, những người đã từng biết Mẹ.  Từ khi tuổi còn rất trẻ, Mẹ đã đính hôn với Giuse, một anh thợ mộc.  Mẹ thể hiện tấm lòng nữ nhi nhân hậu thường tình của mình qua việc hối hả đến thăm chị họ của Mẹ là Elizabeth.  Đến đúng thời điểm Mẹ hạ sinh con mình, để cứu mạng Con, Mẹ được Thánh Giuse đem sang Ai Cập và sinh sống ở đó một thời gian, và chúng ta không biết gì thêm về những chi tiết khác của cuộc đời các vị.  Có biết bao những người mẹ khác cũng đã phải từng rời bỏ đất nuớc và bạn bè mình vì gia đình.  Khi trở về quê hương, Mẹ lại tiếp tục an phận với một cuộc sống làng quê.  Từ đó chúng ta lại không biết gì hơn, cho đến lúc Chúa Con lên mười hai tuổi, khi Người đi lạc ở Giêrusalem mất ba ngày.  Việc con nít đi lạc làm bố mẹ lo âu thì đâu có gì là lạ.   Sau khi được tìm thấy, Chúa Con cũng trở về nhà với cha mẹ ‘và sống tuân phục các ngài.’  Câu ngắn gọn này trong Phúc Âm bao gồm thời gian mười tám năm kế tiếp, nhưng cũng trong thời gian đó hình như Thánh Giuse qua đời, và Chúa Con trở nên một thanh niên, và chắc hẳn là người đi làm mang tiền về cho mẹ.  Cuộc đời công khai của Chúa được khởi đầu bằng một chi tiết rất thông thường trong đời sống, đó là khi Chúa và Mẹ được mời đến dự một đám cưới.  Còn lại suốt trong ba năm Chúa đi rao giảng chúng ta biết rất ít về Mẹ;  những dữ kiện có được cho thấy rằng Mẹ đã theo Con Mẹ trong những cuộc hành trình đi rao giảng, vấn đề ai cũng có thể đoán được.  Sau khi Chúa lên trời Mẹ sống thêm một thời gian nữa, cũng một cách rất ẩn dật, không tham gia một cách công khai (như chúng ta có thể suy biết) trong việc truyền bá Phúc Âm, tuy nhiên Mẹ vẫn luôn tỏ ra trợ giúp tất cả, bằng tâm tình cảm thông và bằng lời cầu nguyện, với tư cách là vị hiền mẫu của Giáo Hội sơ khai, cho đến khi Thiên Chúa gọi Mẹ về với Ngài.

 

Nếu nhìn theo chiều kích trên đây thì cuộc đời một con người đơn giản như Mẹ Maria cũng chỉ như hằng bao triệu người mẹ khác. Tuy nhiên khi nhìn theo chiều kích thiêng liêng thì Mẹ khác biệt biết bao!  Mẹ Maria chính thực là một gương mẫu tuyệt hảo cho mỗi người, bởi vì Mẹ chỉ cho chúng ta để làm thế nào, bởi việc tuyệt đối tuân phục Thiên Chúa, một cuộc sống nhân loại bề ngoài xem ra bình thường ấy lại có thể trở nên phương tiện đạt đến tầm mức trọn hảo siêu nhiên là những gì cả chúng ta cũng cần phải thực hiện nữa: ‘Các con hãy nên trọn lành, như Cha các con trên trời là Đấng Trọn Lành.’

 

Như vậy, vấn đề có thể được đặt ra ở đây là: làm cách  nào chúng ta có thể đem gương sáng này để áp dụng một cách thích ứng vào đời sống của mình.  Chúng ta có thể làm gì để bắt chước một người nữ đã hết sức xứng đáng với câu nói rằng Người là ‘niềm vinh phúc duy nhất cho nhân loại sa ngã’?  Chúng ta hãy thận trọng trong việc tìm lấy một câu trả lời chí lý và hữu hiệu, câu trả lời được chất chứa nơi cái nhìn của Mẹ Maria về cuộc đời trong tương quan với Thiên Chúa.  Có một vị giảng thuyết kia, trong khi đang nói với thành phần con cái Đức Mẹ, đã vấp phải lỗi lầm về lập luận ngớ ngẩn sau đây: ‘Đức Mẹ không bao giờ hút thuốc lá, cho nên các anh chị em cũng không nên hút.’  Đó là một chuẩn mực tức cười về tác hành; căn cứ vào cái luận kết ấy người ta thấy được tính cách ngớ ngẩn của nó.  Nếu chúng ta gạt bỏ ra khỏi đời sống mình tất cả những gì mà Mẹ Maria đã không làm – dĩ nhiên ngoại trừ việc phạm tội – chúng ta sẽ tự đặt mình vào một hoàn cảnh oái ăm trong cái bối cảnh của cuộc sống hiện nay.  Có vô số những chi tiết trong đời sống và cả một nền văn hóa chúng ta đang sống hiện nay nữa, là những gì hoàn toàn xa lạ đối với Mẹ Maria ở vào thời Mẹ sống.  Tuy nhiên câu hỏi chính yếu và thực tế về những việc như vậy đó là:  Mẹ Maria sẽ cư xử thế nào nếu Mẹ sống trong vào thời của chúng ta?  Qua 2000 năm và ở những miền đất khác nhau, nhiều phong tục tập quán và lối sống đã thay đổi.  Cho dù vậy, thay đổi thì thay đổi, lề luật của Thiên Chúa và bổn phận của chúng ta đối với Người vẫn không hề đổi thay; trời và đất có qua đi, nhưng lời Chúa thì không.  Chính trong thái độ của Đức Mẹ đối với những lề luật ấy và đối với chính Thiên Chúa, cùng với việc áp dụng điều này trong đời sống hằng ngày của Mẹ, mà chúng ta phải noi gương bắt chước Đức Mẹ.  Chúng ta không bị buộc phải trở ngược lại với những ngày tháng mà Mẹ đã sống, nhưng chúng ta phải đem Mẹ đến với đời sống của chúng ta hiện nay.  Chúng ta nên tập thói quen luôn tự hỏi mình:  Mẹ Thiên Chúa liệu có làm điều mà tôi đang dự tính làm hay chăng?  Nếu chúng ta thấu hiểu được người tỳ nữ này của Chúa ở một mức độ nào đó, lương tâm của chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy được câu trả lời.

 

Mẹ Maria chắc chắn không phải là một người chuyên làm cho người khác mất vui.  Ở bữa tiệc cưới Cana, khi để ý thấy không còn rượu nữa và đoán rằng có thể vì vậy mà chủ tiệc sẽ vô cùng mắc cỡ với khách, như mây mù giăng phủ trên niềm vui của họ, Mẹ liền kêu cầu với Con mình và Người đã làm phép lạ để đáp ứng hoàn cảnh thiếu hụt này.  Cứ để cho những ai tự hào mình là người sống đức độ chừng mực và những kẻ có đầu óc hạn hẹp thường hay làm cho người khác mất vui cảm thấy bất bình đi!  Mẹ Maria không bao giờ ngăn cản, còn khuyến khích nữa là khác, những thú vui hồn nhiên.  Mẹ biết cảm tạ những điều tốt lành Thiên Chúa ban cho con người dùng, Mẹ chỉ không lạm dụng nó như chúng ta thường làm.  Như vậy chúng ta hãy cứ bắt chước Mẹ giúp cho người khác đỡ bị xấu hổ, bằng cách làm cho họ được hạnh phúc hơn nữa với những ý tưởng tốt lành, tránh việc phê bình chỉ trích.  Nếu như Mẹ Maria đang sống ở thời chúng ta, Mẹ có cầm uống một tách trà không?  Dĩ nhiên là có:  Mẹ sẽ làm như những người khác trong những việc bình thường của cuộc sống.  Tuy nhiên, Mẹ sẽ không bao giờ cầm một tách trà ở một cuộc trao đổi thiếu bác ái khi đi nói xấu người khác.  Có câu nói rằng: ‘Cứ đặt ra hai cái ghế, hai tách trà, và hai người đàn bà – thì có nước xin Chúa cứu cái cộng đoàn này!’  Ít ra chúng ta được biết chắc rằng trường hợp này sẽ không bao giờ xảy ra nếu Mẹ Maria là một trong hai người đàn bà ấy, hoặc cả hai bà đều cố gắng áp dụng gương của Đức Mẹ vào đời sống của mình.  Mẹ sẽ một là sử dụng các tặng ân Thiên Chúa ban, hai là tránh không sử dụng những ân ban ấy cho lợi ích riêng của Mẹ; Mẹ không bao giờ ngăn cản người khác trong việc sử dụng những tặng ân ấy.   Duy chỉ đối với những gì là tội hoặc đưa đến tội thì Đức Mẹ không bao giờ có phần trong đó mà thôi.

 

Nếu Đức Mẹ cũng sống ở một trong những hè phố tân thời thuộc giới lao động của chúng ta, Mẹ sẽ không được ai để ý đến, ngoại trừ đức tính dịu dàng và tốt lành của Mẹ.  Mẹ cũng sẽ bận với việc trong nhà, cũng đi mua các thứ, nấu những bữa ăn, giữ nhà cửa gọn gẽ và sạch sẽ; và căn nhà của Mẹ sẽ là một mái ấm thật sự.  Mẹ sẽ không bao giờ bị bắt gặp bàn tán nói xấu ai trước cửa nhà, hay phê bình chỉ trích người lối xóm.  Mẹ không bao giờ ngụy biện mình cho rằng mình là một con người nào khác, mà chính là vợ một người lao động, không phô trương hay giả hình, an phận với tất cả những gì Chúa đã ban cho Mẹ.  Luôn bác ái với tất cả mọi người, giúp đỡ những ai cần giúp, săn sóc người đau yếu bệnh nạn, giao tiếp với hàng xóm láng giềng, làm những việc lành mà không gây cản trở ai, làm một hiền thê và hiền mẫu – đó sẽ là cuộc sống của Mẹ ngày nay, cũng như ngày xưa ở Nazareth vậy.

 

Cũng cần phải thay đổi và nên ăn mặc theo thời trang để khỏi bị lập dị; tuy nhiên, cần phải ở một mức độ quân bình tốt đẹp giữa lối thời trang quá lố và quê mùa.  Chúng ta có thể chắc rằng Mẹ Maria sẽ luôn chọn lựa ở mức quân bình đó, vẫn luôn đứng đắn và không diêm dúa, không phải người ăn mặc mốt nhất nhưng cũng không lỗi thời.

 

Như thế là cách chúng ta nên noi gương bắt chước Đức Mẹ; bằng cách luôn luôn tránh những gì là tội hay dịp tội, luôn chăm chỉ trong công việc chúng ta phải làm, bác ái và đắc lực đối với mọi người, không bao giờ làm ai mất vui hay cản trở những việc giải trí lành mạnh của người khác; bằng cách nuôi dưỡng đức khiêm nhường, không gây trở ngại cho ai, hay đề cao mình khi đóng góp ý kiến; bằng cách biểu lộ một tư cách đứng đắn dè dặt và ý tứ trong cách ăn mặc; nói tóm lại, bằng cách làm một con người bình thường với tất cả dáng dấp bề ngoài, nhưng bao giờ cũng nhận thức được trách nhiệm của mình đối với Thiên Chúa và mục đích thực sự của đời sống.  Trong sự khôn ngoan đời đời của mình, Thiên Chúa đã đặt chúng ta nơi chúng ta đang ở, ban cho chúng ta một cuộc sống riêng biệt để chúng ta sống, trao cho chúng ta một công việc gì đó phải làm, việc bổn phận phải chu toàn, cùng với những gì người khác cần đến chúng ta.   Cũng như Mẹ Maria, đó là những thứ tầm thường mà chính từ đó Chúa muốn chúng ta thích ứng cả cuộc đời của mình để phụng sự và yêu mến Chúa.  Cũng như Mẹ Maria, chúng ta cũng phải sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh để thưa với Chúa:  “Này con là tôi tớ Chúa; xin hãy thực hiện nơi con theo lời Chúa phán”.                                                             

                                                  Lễ Mình Máu Thánh Chúa 29 tháng 5, 2005

 

TOP

 

Tháng Sáu là Tháng tái nhận thức Tình Yêu Chúa Kitô

ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi giới trẻ và cách riêng người đau yếu hãy tái nhận thức tình yêu Chúa Kitô trong Tháng 6 này, một tháng được giành cho việc sùng kính Thánh Tâm Chúa.

Nói bằng tiếng Tây Ban Nha vào cuối buổi triều kiến chung hôm nay ở Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC đã nhắc nhở tín hữu rằng "Thứ Sáu tới đây là lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu" và ngài đã khuyến khích họ hãy cầu nguyện "để Người giúp chúng ta biết yêu thương anh chị em như Người đã yêu thương chúng ta".

Lễ này được thiết lập để tưởng nhớ đến những lần Chúa Kitô hiện ra với Thánh Margaret Mary Alacoque (1647-1690), những lần Chúa Kitô đã bày tỏ nỗi đau đớn của Người vì những tội lỗi và phạm thánh của con người.

Trước khi rời khỏi buổi triều kiến chung (ngày thứ Tư 1/6/2005) với 25 ngàn khách hành hương, ĐTC bày tỏ những lời chào mừng đặc biệt đến các bạn trẻ, những người đau yếu và những người mới kết hôn.

ĐTC nói: "Hôm nay chúng ta bắt đầu tháng 6, là tháng được giành để kính Thánh Tâm Chúa. Chúng ta hãy thường xuyên ngừng lại để suy tưởng mầu nhiệm sâu xa của Tình Yêu Thần Linh

"Các bạn trẻ thân mến, trong trường học của Thánh Tâm Chúa Kitô, các bạn sẽ thận trọng học biết để gánh vác trách nhiệm đang chờ đợi các bạn".

Ngỏ ý cùng người đau yếu, nhiều người đang ở dãy hàng phía trên, ĐTC mời gọi họ hãy tìm "trong nguồn thương xót vô hạn ấy sự can đảm và kiên nhẫn để hiểu được thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh".

ĐTC nói thêm: "Và các bạn, những người mới thành hôn thân mến, các bạn hãy kiên trì với tình yêu thương của Thiên Chúa, bằng việc làm chứng cho tình yêu này qua tình yêu phối ngẫu”.

 

TOP
 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ