GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 7/6/2005

 

1) ĐTC Biển Đức XVI với Luật Thánh Biển Đức

2) Các Vị Giám Mục Âu Châu và chính trị gia châu lục này phân tích về “Vấn Đề Phủ Nhận” bản dự thảo Hiến Pháp Âu Châu

3) Thụy Sĩ trở về với quyền lợi pháp lý của các cặp hôn nhân đồng phái tính

 

 

ĐTC Biển Đức XVI với Luật Thánh Biển Đức

Dòng Biển Đức được thành lập từ thế kỷ thứ 6 và là dòng chú trọng tới việc cử hành phụng vụ, chăm sóc cho các linh hồn, truyền giáo, nghiên cứu, nghệ thuật, giáo dục giới trẻ và truyền thông xứng hợp với đời sống đan viện. Dòng này hiện nay có 7.860 đan sĩ, trong đó có 4.139 linh mục.

Cha Notker Wolf, viện phụ của Liên Hiệp Đan Sĩ Biển Đức đã cho biết về vị tân giáo hoàng qua cuộc phỏng vấn với Zenit, một cuộc phỏng vấn được Zenit phổ biến ngày 31/5/2005, như sau:

Vấn:     Cha cảm thấy thế nào khi cha nghe thấy vị tân Giáo Hoàng nhân danh hiệu là Biển Đức XVI?

Đáp:     Bấy giờ tôi đang ở Đan Viện Tepeyac Mễ Tây Cơ, và tôi đã theo dõi các biến cố trên truyền hình. Chúng tôi rất bỡ ngỡ và vui mừng khi nghe thấy danh hiệu của ngài.

Vấn:     Làm thế nào việc hiện diện của các đan sĩ Biển Đức ở Bavaria đã ảnh hưởng tới vị tân Giáo Hoàng này, hoặc về lãnh vực thần học hay về việc chọn danh hiệu của ngài?

Đáp:     Kinh nghiệm ngài đã có được từ các đan sĩ Biển Đức ở Bavaria dường như có một ảnh hưởng thực sự. Chính ngài đã nghĩ đến việc gia nhập một đan viện Biển Đức. Có tất cả 17 đan viện Biển Đức ở Bavaria.

Tâm thức của người Bavaria bị ảnh hưởng rất nhiều của các đan sĩ Biển Đức. Những năm gần đây Vị Giáo Hoàng này đã Tĩnh Tâm hằng năm ở Đan Viện Biển Đức ở Scheyern.

Thật vậy, trong một số dịp ngài đã trích dẫn một đoạn của Luật Dòng Biển Đức: “Christo omnino nihil prepanant – tuyệt đối không coi gì hơn Chúa Kitô – Chúa Kitô là tâm điểm đời sống của chúng ta. Chúa Kitô là ơn cứu độ của thế giới.

Vấn:     Các vị đan sĩ Biển Đức là một tổ chức năng động. Họ không tập trung nhưng để mỗi đan việc được nhiều tự do hơn. Cha có nghĩ rằng vị Giáo Hoàng này sẽ được tác động bởi mẫu thức Giáo Hội phân quyền này hay chăng?

Đáp:     Thánh Biển Đức yêu cầu vị viện phụ phải thi hành quyền bính, nhưng ngài không chấp nhận vấn đề độc quyền. Khi cần phải giải quyết một vấn đề quan trọng thì tất cả đều được góp ý kiến. Vị viện phụ chỉ quyết định sau đó mà thôi.

Chúng ta biết rằng, ở các cuộc họp, ĐHY Joseph Ratzinger muốn để cho mọi người nói và ngài biết cách lắng nghe. Tôi không lấy làm lạ nếu ngài thực hiện nhiều việc ủy quyền và nếu ngài phát động nguyên tắc trợ thuộc.

Chính ngài đã nói rằng Giáo Hội hoàn vũ không được theo chiều hướng tập quyền. Ngài sẽ tôn trọng các Giáo Hội địa phương mà không gây hại đến mối hiệp nhất của Giáo Hội.

Vấn:     Làm thế nào Thánh Biển Đức tác động Âu Châu ngày nay?

Đáp:     Qua luật dòng của ngài và các đan sĩ của ngài, Thánh Biển Đức đã truyền đạt cho Tây phương tình trạng ổn định và một thứ văn hóa mới ở vào một thời điểm có những thay đổi cả thể.

Trong một thời đại như của chúng ta đây, một thời đại cũng được đánh dấu bằng những đổi thay lớn lao, các nguyên tắc của ngài cũng cần phải cho thấy con đường tiến đến tương lai là con đường cần phải có, trong những điều khác, trách nhiệm chung đối với Thiên Chúa, tôn trọng phẩm vị con người, tôn trọng việc cá nhân con người hội nhập vào cộng đồng, và tôn trọng phương thức chân chính nơi tác hành ở lãnh vực luật lệ và việc áp dụng luật lệ này.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 31/5/2005

 

TOP

 

Các Vị Giám Mục Âu Châu và chính trị gia châu lục này phân tích về “Vấn Đề Phủ Nhận” bản dự thảo Hiến Pháp Âu Châu

 

Cả Pháp (hôm Chúa Nhật 29/5/2005) và Hòa Lan (hôm Thứ Tư 1/6/2005) đã bác bỏ bản dự thảo hiến pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Trong khi đó, 10 quốc gia khác đã phê chuẩn bản hiến pháp này, 9 bởi quốc hội là Áo, Hung, Ý, Đức, Hy, Látvia, Lithuania, Slovakia và Slovenia, và một là Tây Ban Nha được phê chuẩn bởi cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, bản hiến pháp này cần phải được chuẩn nhận bởi tất cả 25 quốc gia phần tử, hoặc bởi trưng cầu dân ý hay bởi quốc hội, mới có công hiệu vào tháng 10/2006.

 

Đức Ông Noel Treanor, tổng bí thư của Ủy Ban Chư Hội Đồng Giám Mục thuộc Cộng Đồng Âu Châu đã kêu gọi “các chính trị gia và công dân hãy nhận thức”.

 

“Việc bác bỏ này như là một lời cảnh giác về vấn đề nới rộng vô hạn của Khối Hiệp Nhất Âu Châu”, và những nỗi sợ hãi của thành phần công dân Âu Châu “đòi phải có những đáp ứng can đảm và kết đoàn về phía các vị lãnh đạo chính trị của chúng ta ở cả cấp quốc gia và châu lục. Nó nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải khai triển tính cách minh bạch, hợp lý và tham phần nơi guồng máy quản trị. Cần phải nghĩ ra những đường lối mới để truyền đạt mục đích của chính dự án Âu Châu cùng tiến trình soạn thảo chính sách Âu Châu. Để khá tín và được công dân Âu Châu chấp nhận, việc lập pháp Âu Châu cần phải rõ ràng bắt nguồn từ bậc thang của các giá trị biết tôn trọng và cổ võ gia sản của Âu Châu”.

 

Dù Pháp và Hà Lan, hai nước thành lập Khối Hiệp Nhất Âu Châu, qua hai cuộc trưng cầu dân ý, một vào Chúa Nhật 29/5 và một vào Thứ Tư 1/6/2005, đã phủ nhận bản dự thảo hiến pháp Âu Châu, Quốc Hội nước Latvian vẫn chấp thuận bản dự thảo hiến pháp Âu Châu hôm Thứ Năm 2/6/2005, với 71 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 6 phiếu trống.

 

Tuy nhiên, chính phủ Hiệp Vương Quốc vẫn cân nhắc biến cố bác bỏ này của Pháp và Hà Lan qua việc trưng cầu dân ý là có nên thực hiện việc trưng cầu dân ý để cứu xét bản dự thảo này hay chăng, hay chỉ để cho quốc hội thôi.

 

Hầu hết các vị lãnh tự Âu Châu nói rằng hiện nay họ hướng đến cuộc thượng nghị Brussels 16-17/6/2005 để giải quyết tình hình và quyết định cho hướng đi tiếp tới của khối này.

 

Một trong những vị lãnh đạo của Hòa Lan vận động chống bản dự thảo hiến pháp là chủ tịch Willem Bos đã nói cho CNN biết rằng “rõ ràng là nhân dân Hòa Lan không muốn bản hiến pháp ấy”. Tuy nhiên, vị này xác định thêm là kết quả ấy không chống lại việc thống nhất Âu Châu nhưng là chống lại đường lối đang hành sự của Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Trong cuộc trưng cầu dân ý này, số phiếu chống là 61.6 còn số phiếu thuận là 38.4. Tuy nhiên kết quả sau cùng sẽ được biết vào ngày 6/6/2005, khi việc kiểm phiếu bầu bằng thư tín được đúc kết.

 

Các nhà phê bình sợ rằng Hòa Lan, với con số 16.4 triệu dân, sẽ bị đè bẹp bởi các cường quốc được đặt trụ sở ở Brussels và bị thống trị bởi Đức, Pháp và Hiệp Vương Quốc. Theo vị chủ biên về chính trị Âu Châu của CNN là Robin Oakley cho biết thì việc bỏ phiếu chống ở Hòa Lan và Pháp phần lớn là vì kinh tế bị suy yếu, là vì quan tâm đến vấn đề di dân, đến vấn đề nới rộng Khối Hiệp Nhất và vấn đề mất căn tính quốc gia.

 

Tuy có hai nước chống, bởi thế bản hiến pháp dự thảo không thành, nhưng Pháp, Đức và Lục Xâm Bảo (đang giữ chức chủ tịch luân phiên của khối này) vẫn chủ trương tiếp tục tiến trình chấp thuận bản hiến pháp này ở các nước hội viên chưa thực hiện xem sao.

 

TOP

 

Thụy Sĩ trở về với quyền lợi pháp lý của các cặp hôn nhân đồng phái tính

Trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý hôm Chúa Nhật 5/6/2005, tỷ số 58% phiếu bầu ủng hộ cho các quyền về xã hội và thuế má, như quyền thừa hưởng, quyền an sinh xã hội và quyền hưu trí, cho các cặp hôn nhân đồng tính nhưng không có quyền nhận con nuôi.

Các vị giám mục Công giáo đã ban hành một văn thư trong thời gian vận động để chống lại dự thảo ấy, vì các vị cho rằng đó là một việc làm không đúng khi làm cho hôn nhân ngang bằng với các thứ kiểu liên kết khác.

ĐGM Pier Giacomo Grampa giáo phận Lugano đã nói với Đài Phát Thanh Vatican hôm Thứ Hai 6/6/2005 rằng:

“Các vị giám mục không bị ảo tưởng tí nào đối với thành quả của cuộc trưng cầu dân ý về PAC (Civil Pact of Solidarity). Vấn đề cần phải lưu ý đó là mức cân bằng giữa người Công giáo và Tin Lành ở xứ sở này, và có dấu hiệu cho thấy Liên Hiệp Chư Giáo Hội Cải Cách bỏ phiếu thuận. Trong 7 bang loại bỏ luật này chỉ có một bang có đa số người Tin Lành; 6 bang khác đa số là Công giáo”. Chẳng hạn Địa Phận Lugano nói tiếng Ý “đã bỏ phiếu theo những chỉ dẫn của các giám mục và điều này làm tôi rất vui mừng”.

Sau Bỉ, Tây Ban Nha và Hòa Lan, giờ đây đến phiên Thụy Sĩ đã thực hiện phương thức để chấp nhận thứ hôn nhân được gọi là đồng tính.

ĐGM Grampa nói: “Cùng với quan niệm về gia đình, những gì liên quan tới luân thường đạo lý của Âu Châu đang bồng bềnh phiêu bạt. Chúng tôi đang lênh đênh trôi dạt về tất cả những vấn đề ấy – từ phá thai đến các thứ thân bào phôi thai, đến triệt sinh an tử, đến luật đồng tính hôn nhân – vì thiếu vấn đề đào luyện căn bản về đạo lý” ở đại lục này.

“Bởi thế, chúng tôi cần phải quan tâm tới vấn đề đào luyện lương tâm cho nhân dân Âu Châu trước khi đi đến chỗ bầu cử như thế ấy. Bằng không, sẽ có một thứ phân tán từ từ di sản về các thứ giá trị đã là đặc tính của đời sống gần 2 ngàn năm”.

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ