GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 25/8/2005,

NGÀY THÁNH THỂ

 

1) ĐTC Biển Đức XVI tại Hội Đường Do Thái ngày 19/8/2005: “Ai gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô là gặp gỡ Do Thái giáo”

2) ĐTC Biển Đức với Các Chủng Sinh tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX hôm 19/8/2005: “Người chủng sinh cảm nghiệm thấy vẻ đẹp của ơn gọi vào giây phút ân sủng là giây phút có thể được cho là ‘phải lòng’

3) ĐTC Biển Đức XVI với Chư Vị Đại Diện Các Giáo Phái Tin Lành Đức Quốc 19/8/2005: “Không thể nào có vấn đề đối thoại bất chấp sự thật; đối thoại cần phải tiến triển trong bác ái và trong chân lý” 

   

 

 

ĐTC Biển Đức XVI tại Hội Đường Do Thái ngày 19/8/2005: “Ai gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô là gặp gỡ Do Thái giáo”

 

Cùng Quí Vị Nam Nữ,

Anh Chị Em thân mến!

 

“Shalom lechem!” Từ ngày được chọn làm Vị Thừa Kế Tông Đồ Phêrô, tôi hết sức mong muốn trong chuyến viếng thăm đầu tiên Đức quốc của mình được gặp gỡ cộng đồng Do Thái ở Cologne và các vị đại diện Do Thái giáo ở Đức. Bằng cuộc viếng thăm này, tâm trí tôi xin trở về với cuộc gặp gỡ xẩy ra ở Mainz ngày 17/11/1980, giữa vị tiền nhiệm khả kính của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị bấy giờ thực hiện chuyến viếng thăm Đức quốc lần đầu tiên, với các phần tử thuộc Tiểu Ban Do Thái ở Đức và với Hội Đồng Tôn Sư. Hôm nay đây nữa, tôi muốn tái khẳng định rằng tôi có ý muốn tiếp tục con đường hướng tới những mối liên hệ cải tiến cùng thân hữu với Nhân Dân Do Thái, theo những gì được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cương quyết dẫn đường mở lối (cf. "Address to the Delegation of the International Jewish Committee on Interreligious Consultations," June 9, 2005: "L'Osservatore Romano," June 10, 2005, p. 5).

 

Cộng đồng Do Thái ở Cologne có thể thực sự cảm thấy “tự nhiên như ở nhà” nơi thành phố này. Thật vậy, Cologne là địa điểm cổ nhất của một cộng đồng Do Thái trên mảnh đất của nước Đức, mãi thời các Thuộc Địa của Đế Quốc Rôma. Lịch sử liên hệ giữa cộng đồng Do Thái và Kitô hữu đã từng là những gì phức tạp và đau thương. Có những lúc cả hai sống với nhau một cách thuận hòa, nhưng cũng có vụ tẩy chay người Do Thái khỏi Cologne vào năm 1424. Rồi trong thế kỷ 20, vào giai đoạn đen tối nhất của lịch sử Đức quốc và Âu Châu, một ý hệ duy chủng bệnh hoạn xuất phát từ chủ nghĩa tân ngoại giáo, đã làm bùng lên một nỗ lực, được chế độ này âm mưu và tìm cách thực hiện để diệt chủng Do Thái Âu Châu.

 

Hậu quả đã đi vào lịch sử như là một thứ “Shoah”. Các nạn nhân của thứ tội ác không kể xiết và không thể tưởng tượng nổi trước đó lên tới 7 ngàn người được liệt danh ở Cologne mà thôi; con số thực sự chắc chắn là cao hơn nhiều. Vì không nhận biết sự thánh thiện của Thiên Chúa nên mới xẩy ra việc khinh miệt tính cách linh thánh của sự sống con người.

 

Năm nay đánh dấu 60 năm kỷ niệm việc giải tỏa các trại tập trung Nazi, là những địa điểm có cả triệu triệu người Do Thái, nam nhân, nữ giới và trẻ em, đã bị sát hại trong những phòng hơi và hỏa lò. Tôi xin sử dụng những lời được vị Tiền Nhiệm khả kính của tôi viết nhân dịp 60 năm giải tỏa trại Auschwitz để cả tôi nữa cũng nói rằng: “Tôi xin cúi đầu trước tất cả những ai đã trải qua việc bộc phát ‘mầu nhiệm tội lỗi’ này”.

 

“Những biến cố kinh hoàng vào thời ấy không bao giờ được thôi khơi dậy lương tri, thôi giải quyết những xung khắc, thôi thúc đẩy việc xây dựng hòa bình” (Message for the Liberation of Auschwitz," Jan. 15, 2005). Cùng nhau chúng ta cần phải nhớ rằng Thiên Chúa và dự án khôn ngoan của Ngài giành cho thế giới được Ngài tạo dựng. Như chúng ta đọc thấy trong Sách Khôn Ngoan thì Ngài là “vị yêu chuộng sự sống” (11:26).

 

Năm nay kỷ niệm 40 năm việc Công Đồng Chung Vaticanô II ban bố tuyên ngôn “Nostra Aetate”, một tuyên ngôn mở ra những viễn tượng mới đối với mối liên hệ giữa Do Thái và Kitô Hữu về vấn đề đối thoại và đoàn kết. Bản tuyên ngôn này, ở chương thứ 4, nhắc lại những gốc gác chung cũng như gia sản thiêng liêng hết sức phong phú mà cả người Do Thái lẫn Kitô hữu cùng nhau có được. Cả người Do Thái lẫn Kitô hữu đều nhìn nhận nơi Abraham là cha của mình trong đức tin (x Gal 3:7; Rm 4:11ff), và họ chú ý tới các giáo huấn của Moisen và các vị tiên tri. Linh đạo Do Thái, giống như bản sao Kitô giáo của nó, là những gì lấy được dưỡng chất từ các bài thánh vịnh. Với Thánh Phaolô, Kitô hữu tin rằng “các tặng ân và ơn gọi của Thiên Chúa là những gì bất khả vãn hồi” (Rm 11:29, cf. 9:6,11; 11:1ff.). Trong việc cứu xét các căn gốc Do Thái của Kitô giáo (x Rm 11:16-24), vị Tiền Nhiệm khả kính của tôi, khi trích một câu nói của các Vị Giám Mục Đức Quốc, đã khẳng định rằng: “ai gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô là gặp gỡ Do Thái giáo” ("Insegnamenti," vol. III/2, 1980, p. 1272).

 

Bản tuyên ngôn của công đồng “Nostra Aetate” bởi thế “lấy làm xót xa về những cảm giác hận thù, về những cuộc bách hại và về những việc tỏ ra bài Do Thái nhắm đến những người Do Thái ở bất cứ lúc nào và bởi bất cứ ai” (khoản số 4). Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta tất cả “theo hình ảnh Ngài” (x Gen 1:27), bởi thế đã ban vinh dự cho chúng ta với một phẩm vị siêu việt. Trước nhan Thiên Chúa, tất cả mọi con người nam nữ đều có phẩm vị như nhau, bất cứ là quốc gia nào, văn hoa hay tôn giáo nào. Thế nên, tuyên ngôn “Nostra Aetate” cũng rất kính trọng nói về các người Hồi giáo (x khoản số 3) cũng như về các tín đồ thuộc các tôn giáo khác (x khoản số 2).

 

Trên căn bản phẩm vị con người chung của chúng ta, Giáo Hội Công giáo “lên án như là những gì không hợp với tinh thần của Chúa Kitô bất cứ loại kỳ thị nào giữa con người, hay việc phiền nhiễu họ, được thực hiện vì lý do chủng tộc hay mầu da, tầng lớp hay tôn giáo” (khoản 5). Giáo Hội ý thức được nhiệm vụ của mình trong việc truyền đạt giáo huấn ấy, nơi việc dạy giáo lý cũng như nơi hết mọi khía cạnh của đời sống Giáo Hội, cho các thế hệ trẻ là thành phần không chứng kiến thấy các biến cố kinh hoàng đã xẩy ra trước và trong Thế Chiến Thứ Hai. Đó là một công việc đặc biệt quan trọng, vì ngày nay, tiếc thay, chúng ta đang chứng kiến thấy việc nổi lên những dấu hiệu mới của vấn đề bài Do Thái cùng với các hình thức khác của một thứ thù hằn chung đối với thành phần ngoại quốc. Làm sao chúng ta lại không thấy được nơi tình trạng này lý do để quan tâm và cảnh giác chứ? Giáo Hội Công Giáo quyết tâm thực hiện – hôm nay đây tôi xin lập lại rằng – việc khoan dung, tôn trọng, thân tình và bình an giữa tất cả mọi dân tộc, văn hóa và tôn giáo.

 

Trong 40 năm qua kể từ Bản Tuyên Ngôn công đồng “Nostra Aetate”, đã có nhiều tiến bộ được thực hiện, ở Đức cũng như trên khắp thế giới, hướng đến những mối liên hệ tốt đẹp hơn và gần gữi hơn giữa người Do Thái và Kitô hữu. Song song với những mối liên hệ chính thức, nhất là vì việc hợp tác giữa những chuyên viên về các khoa học thánh kinh, đã phát xuất ra nhiều mối thân tình. Về vấn đề này, tôi xin đề cập tới những bản tuyên ngôn khác nhau của Hội Đồng Giám Mục Đức, và hoạt động bác ái được thực hiện bởi “Hội Hợp Tác Do Thái Kitô Hữu ở Cologne”, mợt hoạt động từ năm 1945 đã khiến cho cộng đồng Do Thái có thế cảm thấy một lần nữa “tự nhiên như ở nhà” tại Cologne này đây, và thiết lập những mối liên hệ tốt đẹp với các cộng đồng Kitô hữu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

 

Chúng ta cần phải tiến đến chỗ biết nhau nhiều hơn và khá hơn nữa. Bởi thế mà tôi xin khuyến khích thực hiện một cuộc đối thoại chân thành và tin tưởng giữa người Do Thái và Kitô hữu, vì chỉ nhớ thế mới có thể tiến đến chỗ cùng giải quyết những vấn đề lịch sử được trang cãi, nhất là mới thực hiện được mức tiến bộ đối với cuộc thẩm định về thần học đối với mối liên hệ giữa Do Thái giáo và Kitô giáo. Cuộc đối thoại này, nếu chân thành, không được bưng bít hay coi nhẹ những khác biệt vốn có: nơi những lãnh vực mà, theo những niềm xác tín sâu xa của chúng ta trong đức tin, chúng ta đã tách lìa nhau, và thực sự cũng chính vì ở những lãnh vực ấy mà chúng ta cần phải tỏ ra tôn trọng lẫn nhau.

 

Sau hết, ánh mắt của chúng ta không chỉ hướng về quá khứ mà còn phải hướng đến những việc làm đang đợi chờ chúng ta hôm nay và mai ngày. Gia sản chung phong phú của chúng ta cũng như các mối liên hệ huynh đệ và tin tưởng nhau hơn của chúng ta kêu gọi chúng ta hãy cùng nhau cống hiến một chứng từ hòa hợp hơn nữa, và cùng nhau hoạt động ở lãnh vực thực tiễn, đối với việc bênh vực và cổ võ các thứ nhân quyền cùng tính cách linh thánh của sự sống con người, đối với các giá trị về gia đình, đối với vấn đề công bằng xã hội, và đối với nền hòa bình trên thế giới. Bản Thập Điều (x Ex 20, Deut 5) đối với chúng ta là một di sản và là một cuộc dấn thân chung. Mười Giới Răn không phải là một gánh nặng mà là một dấu đường chỉ cho thấy lối đi đến một cuộc sống thành đạt. Điều này đặc biệt thích hợp với giới trẻ là thành phần tôi đang gặp gỡ trong các ngày này và là thành phần rất thân thương đối với tôi. Tôi ước mong là họ có thể nhận thấy nơi Bản Thập Giới một ngọn đèn soi bước chân của họ, một ánh sáng soi đường họ đi (x Ps 119:105).

 

Thành phần người lớn có trách nhiệm truyền lại cho giới trẻ ngọn đuốc hy vọng được Thiên Chúa trao cho người Do Thái cũng như Kitô hữu, nhờ đó, “không bao giờ còn tái diễn” những quyền lực sự dữ lộng hành, và các thế hệ tương lai, nhờ ơn Chúa giúp, có thể xây dựng một thế giới chân chính và an bình hơn, một thế giới tất cả mọi dân tộc đều có quyền như nhau và coi như nhà của mình giống nhau.

 

Tôi xin kết thúc với những lời của bài Thánh Vịnh 92, những lời Thánh Vịnh bày tỏ cả ước vọng lẫn nguyện cầu: “Xin Chúa ban sức mạnh cho dân Ngài, xin Ngài ban phúc an bình cho dân Ngài”. Xin Ngài nhậm lời nguyện cầu của chúng ta!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 19/8/2005

 

 

TOP

 

ĐTC Biển Đức với Các Chủng Sinh tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX hôm 19/8/2005: “Người chủng sinh cảm nghiệm thấy vẻ đẹp của ơn gọi vào giây phút ân sủng là giây phút có thể được cho là ‘phải lòng’


(Bằng tiếng Đức)

 

Các chủng sinh thân mến,

 

Tôi hết sức cảm mến chào tất cả các bạn và cám ơn về việc các bạn chào đón tôi, nhất là việc các bạn đến với cuộc gặp gỡ này từ rất nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Tôi đặc biệt chân thành cám ơn chủng sinh, linh mục và giám mục đã cống hiến cho chúng ta chứng từ bản thân của mình. Tôi rất hân hoan được dịp ở với các bạn.

 

Tôi đã yêu cầu là chương trình của những ngày này ở Cologne cần phải bao gồm cả một cuộc gặp gỡ đặc biệt với các chủng sinh trẻ, để chiều kích ơn gọi, một chiều bao giờ cũng là một phần của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, càng trở nên hiển nhiên rõ ràng và mãnh liệt hơn. Dĩ nhiên là các bạn đang dự vào cảm nghiệm này theo cách thế riêng của mình, vì các bạn là những chủng sinh, tức các bạn là thành phần giới trẻ đã giành giai đoạn hăng say của cuộc đời mình vào việc tìm kiếm Chúa Kitô và giành thời gian sống với Người để sửa soạn cho sứ vụ quan trọng của các bạn trong Giáo Hội.

 

Đó là những gì cho một chủng viện: Không phải là một nơi chốn cho bằng là một thời gian quan trọng trong đời sống của một người theo Chúa Giêsu. Tôi có thể tưởng tượng ra việc anh em có liên hệ tới đề tài của Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 20 này ra sao – “Chúng tôi đã đến để triều bái Người” (Mt 2:2) – cũng như tới tất cả đoạn Phúc Âm trình thuật về các Nhà Đạo Sĩ chất chứa đề tài ấy. Đoạn này có một ý nghĩa đặc biệt đối với các bạn, nhất là vì các bạn đang dính dáng đến việc nhận thức và khẳng định ơn gọi làm linh mục của mình. Vậy chúng ta hãy lắng đọng và suy nghĩ về đề tài ấy.

 
(Bằng tiếng Pháp)

 

Tại sao các Nhà Đạo Sĩ từ xa lên đường đến Bêlem? Câu trả lời có liên hệ tới mầu nhiệm “ngôi sao” được họ thấy “ở Phương Đông” và là ngôi sao họ nhìn nhận là ngôi sao của “Vua dân Do Thái”, tức là dấu chỉ hạ sinh của Đấng Thiên Sai (x Mt 2:2). Bởi vậy cuộc hành trình của họ đã được thúc đẩy bởi một niềm hy vọng mãnh liệt, một niềm hy vọng được ngôi sao này củng cố và hướng dẫn, ngôi sao dẫn họ đến với Vị Vua của dân Do Thái, tới vương quyền của chính Thiên Chúa. Các Nhà Đạo Sĩ lên đường vì ước vọng sâu xa thúc đẩy họ lìa bỏ mọi sự và bắt đầu cuộc hành trình. Hình như họ đã từng đợi chờ ngôi sao ấy. Hình như cuộc hành trình này lúc nào cũng là một phần nơi số phận của họ, và cuối cùng sắp sửa bắt đầu.

 

Các bạn thân mến, đó là mầu nhiệm của lời Chúa kêu gọi, mầu nhiệm của ơn kêu gọi. Nó là một phần trong cuộc sống của hết mọi Kitô hữu, thế nhưng nó đặc biệt hiển nhiên nơi những ai được Chúa Kitô xin hãy bỏ hết mọi sự mà theo Người khít khao hơn. Người chủng sinh cảm nghiệm thấy vẻ đẹp của ơn gọi ấy vào giây phút ân sủng là giây phút có thể được gọi là  “phải lòng”. Linh hồn họ cảm thấy đầy những ngỡ ngàng bàng hoàng khiến họ đặt vấn đề khi cầu nguyện là: “Chúa ơi, tại sao lại là con nhỉ?” Thế nhưng tình yêu không hế biết đến vấn đề “tại sao”; nó là một tặng ân nhưng không mà con người đáp lại bằng việc hy hiến bản thân mình.

(Bằng tiếng Anh)

 

Những năm sống trong chủng viện là để được đào luyện và nhận thức. Việc đào luyện, như các bạn quá rõ, có những chiều kích đồng qui ở mối hiệp nhất con người: Nó bao gồm những chiều kích nhân bản, thiêng liêng và văn hóa. Mục tiêu sâu xa nhất của nó là mang người học sinh đến chỗ hiểu biết sâu xa về Thiên Chúa là Đấng đã tỏ dung nhan của Ngài ra nơi Chúa Giêsu Kitô. Bởi thế cần phải sâu xa học hỏi Thánh Kinh cũng như học hỏi về đức tin và đời sống của Giáo Hội là nơi Thánh Kinh cư ngụ như là Lời sự sống. Tất cả những điều ấy cần phải liên hệ với những vấn đề được trí khôn của chúng ta đặt ra cũng như với môi trường bao rộng hơn của cuộc sống tân tiến. Việc học hỏi như thế có lúc dường như gay go, song nó là một phần bất khả châm chước của việc chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô cũng như của việc chúng ta được ơn gọi để loan báo về Người.

 

Tất cả những điều ấy là để nhắm đến việc hình thành một nhân cách vững vàng và quân bình, một nhân cách có khả năng mau mắn lãnh nhận và hữu trách làm trọn sứ vụ linh mục. Vai trò của thành phần huấn luyện viên là một vai trò quan trọng: Phẩm chất của linh mục nơi một Giáo Hội riêng phần lớn lệ thuộc vào phẩm chất của chủng viện, bởi thế, lệ thuộc vào phẩm chất của những ai có trách nhiệm đối với việc đào luyện.

 

Các chủng sinh thân mến, chính vì lý do này mà chúng ta hôm nay với lòng tri ân chân thành nguyện cầu cho các vị bề trên của các bạn, các vị giáo sư và các nhà giáo dục, thành phần hiện diện ở buổi họp này trong tinh thần. Chúng ta hãy xin Chúa giúp họ thi hành tốt đẹp bao nhiêu có thể công việc quan trọng được trao phó cho họ.

 

Những năm chủng viện là một thời gian hành trình, một thời gian thăm dò, nhất là một thời gian khám phá ra Chúa Kitô. Chỉ khi nào một con người trẻ có được một cảm nghiệm riêng tư về Chúa Kitô họ mới có thể thực sự hiểu được ý của Chúa và nhờ đó hiểu được ơn gọi của mình. Các bạn càng biết Chúa Giêsu thì mầu nhiệm của Người càng thu hút các bạn. Các bạn càng khám phá ra Người các bạn càng được thúc đẩy tìm kiếm Người. Đó là một biến động của một tinh thần kéo dài suốt cuộc đời của các bạn, và là tinh thần làm cho chủng viện trở thành một thời gian đầy hứa hẹn, một “mùa xuân” thực sự vậy.

(Bằng tiếng Ý)

 

Khi các Nhà Đạo Sĩ đến Bêlem, “tiến vào nhà họ thấy con trẻ với Maria mẹ của Người, thì họ phục xuống tôn thờ Người” (Mt 2:11). Cuối cùng thì đây là giây phút hằng mong đợi – đó là việc họ gặp gỡ Chúa Giêsu. “Tiến vào nhà”: ngôi nhà này ở một nghĩa nào đó là tiêu biểu cho Giáo Hội. Để tìm kiếm Đấng Cứu Thế, người ta phải tiến vào nhà đó là Giáo Hội. Trong thời gian ở chủng viện, một tiến trình quan trọng đặc biệt của việc trưởng thành diễn tiến nơi tâm thức của người chủng sinh trẻ: họ không còn thấy Giáo Hội “từ bên ngoài” nữa, mà thực sự là “từ bên trong”, và họ cảm thấy rằng Giáo Hội là “nhà” của họ, vì Giáo Hội là nhà của Chúa Kitô, nơi “Maria Mẹ Người cư trú.

 

Chính Mẹ Maria tỏ cho họ thấy Chúa Giêsu Con của Mẹ; Mẹ dẫn họ tới, và ở một nghĩa nào đó Mẹ cho họ có thể thấy cùng chạm đến Chúa Giêsu, rồi ẵm lấy Người trong tay của họ. Mẹ Maria dạy người chủng sinh ấy chiêm ngưỡng Chúa Giêsu bằng con mắt của cõi lòng và làm cho Chúa Giêsu thành chính sự sống của họ. Mỗi giây phút của cuộc đời chủng viện có thể trở thành dịp cho cái cảm nghiệm yêu thương về sự hiện diện của Đức Mẹ, vị dẫn mọi người đến gặp gỡ Chúa Kitô trong thinh lặng của việc niệm suy, của nguyện cầu và tình huynh đệ. Mẹ Maria giúp chúng ta gặp gỡ Chúa trước hết ở nơi việc cử hành Thánh Thể là lúc, qua Lời Chúa và Tấm Bánh được thánh hiến, Người trở nên dưỡng chất thiêng liêng hằng ngày của chúng ta.

(Bằng tiếng Tây Ban Nha)

 

“Họ phục xuống tôn thờ Người… rồi dâng hiến Người các lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược” (Mt 2:11-12). Đây là tột đỉnh của tất cả cuộc hành trình: đó là việc gặp gỡ trở thành việc tôn thờ; nó nở ra thành một tác động đức tin và yêu mến đó là việc nhận biết nơi Chúa Giêsu được hạ sinh bởi Đức Maria Con Thiên Chúa làm người. Làm sao chúng ta không thấy được cử chỉ này của các Nhà Đạo Sĩ tiền thân của đức tin của Simon Phêrô cũng như của các Tông Đồ khác, đức tin của Phaolô cũng như của tất cả mọi vị thánh, nhất là của nhiều chủng sinh và linh mục thánh đức là thành phần đã làm vẻ vang hai ngàn năm lịch sử Giáo Hội chứ?

 

Cái bí mật của thánh đức đó là mối thân tình với Chúa Kitô và trung thành tuân phục ý muốn của Người. Thánh Ambrôsiô đã nói: “Chúa Kitô là tất cả đối với chúng ta”; và Thánh Biển Đức đã cảnh giác việc coi bất cứ sự gì hơn tình yêu Chúa Kitô. Chớ gì Chúa Kitô là tất cả mọi sự cho các bạn. Các chủng sinh thân mến, các bạn hãy là những người đầu tiên hiến dâng lên Người những gì cao quí nhất đối với các bạn, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nêu lên trong sứ điệp ngài viết cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới này: đó là thứ vàng tự do của các bạn, nhũ hương thiết tha nguyện cầu của các bạn, mộc dược cảm tình sâu xa nhất của các bạn (x khoản số 4).

(Bằng tiếng Đức)

 

Những năm chủng viện là một thời gian sửa soạn cho sứ vụ. Các Nhà Đạo Sĩ “lên đường trở về xứ sở của mình” và nhất định làm chứng cho việc họ gặp gỡ Vị Vua của dân Do Thái. Các bbạn cũng thế, sau chương trình lâu dài và cần thiết của việc đào luyện ở chủng viện, sẽ được sai đi như các thừa tác viên của Chúa Kitô; thật vậy, mỗi một người trong các bạn sẽ trở về như là một “Chúa Kitô khác”. Ở cuộc hành trình hồi hương của mình, các Nhà Đạo Sĩ chắc chắn phải đương đầu với các hiểm nguy, nhọc mệt, lạc hướng, ngờ vực… Ngôi sao không còn nữa để hướng lộ cho họ! Ánh sáng bấy giờ ở trong họ. Công việc của họ đó là canh giữ và nuôi dưỡng nó bằng một ký ức liên lỉ về Chúa Kitô, về Dung Nhan Thánh của Người, về Tình Yêu bất khả phai nhòa của Người.

 

Các chủng sinh thân mến! Một ngày kia, nếu Chúa muốn, bằng việc thánh hiến của Thánh Linh, các bạn cũng sẽ bắt đầu sứ vụ của các bạn. Hãy luôn nhớ những lời của Chúa Giêsu: “Các con hãy ở trong Thày” (Jn 15:9). Nếu các bạn ở trong Chúa Kitô, các bạn sẽ sinh nhiều hoa trái. Các bạn đã không chọn Người mà là Người đã chọn các bạn (x Jn 15:16). Đó là cái bí mật ơn gọi của các bạn và sứ vụ của các bạn! Bí mật này được giữ trong Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, Đấng canh chừng mỗi một người trong các bạn bằng tình yêu thương từ mẫu. Các bạn hãy chạy đến với Mẹ một cách thường xuyên và với lòng tin tưởng. Các bạn hãy an tâm, tôi quí mến và nguyện cầu cho các bạn hằng ngày. Và tôi ưu ái chúc lành cho tất cả các bạn.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 19/8/2005

 

 

TOP

 

ĐTC Biển Đức XVI với Chư Vị Đại Diện Các Giáo Phái Tin Lành Đức Quốc 19/8/2005: “Không thể nào có vấn đề đối thoại bất chấp sự thật; đối thoại cần phải tiến triển trong bác ái và trong chân lý” 

 

 

Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô, Vị Chúa chung của chúng ta!

 

Tôi hân hoan được gặp gỡ anh chị em, những vị đại diện các Giáo Hội và Cộng Đồng giáo hội khác trong chuyến viếng thăm Đức quốc của tôi. Tôi hết sức thân ái chào toàn thể anh chị em!

 

Là người bản xứ của đất nước này, tôi quá biết về tình trạng đau thương gây ra bởi cuộc đổ vỡ mối hiệp nhất trong việc tuyên xưng đức tin đối với rất nhiều cá nhân và gia đình. Đó là một trong những lý do tại sao, ngay sau khi được bầu làm Giám Mục Rôma, tôi đã tuyên bố, với tư cách là Vị Thừa Kế Tông Đồ Phêrô, rằng ưu tiên của Giáo Triều tôi đó là việc tôi mạnh mẽ quyết tâm phục hồi mối hiệp nhất Kitô giáo một cách trọn vẹn và hữu hình. Để làm như thế, tôi thực sự muốn theo bước chân của hai vị đại Tiền Nhiệm của tôi: đó là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, vị 40 năm trước đây đã ký sắc lệnh công đồng về vấn đề đại kết “Unitatis Redintegratio”, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị đã làm cho văn kiện này trở thành nguồn hứng khởi cho hoạt động của ngài.

 

Trong cuộc đối thoại đại kết, Đức quốc giữ một vị thế đặc biệt quan trọng. Chẳng những nó là nơi xuất phát ra cuộc Cải Cách; nó còn là một trong những xứ sở mà phong trào đại kết từ thế kỷ 20 bắt nguồn. Với những làn sóng liên tục di dân trong thế kỷ vừa qua, các Kitô hữu thuộc Chư Giáo Hội Chính Thống cũng như các Giáo Hội cổ thời Đông Phương cũng đã lấy đất nước này làm quê hương mới của họ. Sự kiện này chắc chắn thuận lợi cho việc liên hệ và trao đổi nhiều hơn nữa. Cùng nhau chúng ta có thể hân hoan ở sự kiện là cuộc đối thoại đại kết, qua giòng thời gian, đã mang lại một cảm quan mới về tình huynh đệ và đã tạo nên một bầu khí cởi mở hơn cùng tin tưởng hơn giữa thành phần các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội cũng như Cộng Đồng giáo hội khác nhau. Vị Tiền Nhiệm khả kính của tôi, trong thông điệp của ngài là “Ut Unum Sint” (1995) đã thấy được điều này như là một hoa trái đặc biệt đáng kể của việc đối thoại (x các khoản số 41ff; 64).

 

Trong thành phần Kitô hữu, tình huynh đệ không phải chỉ là một cảm tình mông lung mơ hồ, cũng không phải là một dấu hiệu tỏ ra dửng dưng trước sự thật. Nó được căn cứ vào thực tại siêu nhiên của một phép rửa duy nhất là những gì làm cho chúng ta trở thành phần tử của Thân Mình Chúa Kitô duy nhất (x 1Cor 12:13; Gal 3:28; Col 2:12). Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Chúa; cùng nhau chúng ta nhận biết Người là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x 1Tim 2:5), và chúng ta nhấn mạnh rằng cùng nhau chúng ta là phần tử của Thân Thể Người (cf. "Unitatis Redintegratio," 22; "Ut Unum Sint," 42). Từ căn bản chung này việc đối thoại đã sinh hoa kết trái. Tôi xin đề cập tới việc tái kiểm điểm về vấn đề luận án nhau, một việc được Đức Gioan Phaolô II kêu gọi thực hiện trong chuyến viếng thăm Đức quốc lần đầu tiên vào năm 1980, và nhất là tới “Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa” (1999), một bản tuyên ngôn đã xuất phát từ việc tái kiểm điểm này để rồi dẫn tới việc đồng thuận về những vấn đề căn bản đã từng là đề tài tranh luận từ thế kỷ 16.

 

Chúng ta cũng cần phải tri ân nhìn nhận các thứ thành quả của việc chúng ta cùng tranh đấu cho những vấn đề quan trọng như các vấn đề nồng cốt liên quan tới việc bênh vực sự sống cũng như việc cổ võ công lý và hòa bình. Tôi quá biết rằng nhiều Kitô hữu ở xứ sở này, không phải chỉ ở xứ sở này mà thôi, mong thấy được những bước tiến cụ thể hơn nữa để mang chúng ta lại gần nhau hơn. Chính bản thân tôi cũng có cùng một nỗi mong đợi như thế. Đó là lệnh truyền của Chúa Kitô, song cũng là trách nhiệm của thời điểm hiện nay, trong việc thực hiện vấn đề đối thoại, một cách tin tưởng, ở tất cả mọi tầm cấp sinh hoạt của Giáo Hội. Điều này hiển nhiên là cần phải diễn ra một cách chân tình và thực tiễn, một cách nhẫn nại và kiên trì, hoàn toàn trung thành với những đòi hỏi của lương tâm con người. Không thể nào có vấn đề đối thoại bất chấp sự thật; đối thoại cần phải tiến triển trong bác ái và trong chân lý.

 

Ở đây tôi không có ý vạch ra một chương trình cho những đề tài trực tiếp liên quan tới vấn đề đối thoại -  công việc này thuộc về các thần học gia làm việc bên cạnh các vị giám mục. Tôi chỉ muốn nhận định rằng: các vấn đề về Giáo Hội học, nhất là vấn đề thừa tác vụ thánh hay thiên chức linh mục, là những gì liên kết bất khả phân ly với vấn đề về mối liên hệ giữa Thánh Kinh và Giáo Hội, tức là việc giải thích xác thực Lời Chúa cùng với việc phát triển của việc giải thích này trong đời sống của Giáo Hội.

 

Một ưu tiên khẩn thiết khác trong vấn đề đối thoại đại kết được xuất phát từ những vấn đề đạo đức học lớn lao của thời đại chúng ta; về lãnh vực này, việc nghiên cứu mới mẻ đã có lý để mong đợi việc đáp ứng chung từ phía các Kitô hữu, thành phần mà, tạ ơn Chúa, thường tỏ ra sẵn sàng. Thế nhưng, than ôi, không phải bao giờ cũng xẩy ra như thế. Vì những chủ trương tương khắc trong các lãnh vực này mà việc làm chứng của chúng ta cho Phúc Âm cũng như việc hướng dẫn về đạo lý chúng ta mắc nợ với tín hữu cũng như với xã hội đã mất đi ảnh hưởng của chúng và thường trở thành quá ư là mơ hồ, kết quả là chúng ta không thể cống hiến chứng từ cần thiết cho thời đại của chuúg ta. Những việc chia rẽ của chúng ta là những gì phản lại với ý muốn của Chúa Giêsu và chúng làm cho thành phần đương thời của chúng ta thất vọng về các điều họ trông mong.

 

Việc phục hồi mối hiệp nhất cho tất cả mọi Kitô hữu nghĩa là gì? Giáo Hội Công Giáo đã lấy làm mục đích của mình là việc các môn đệ của Chúa Kitô hiệp nhất với nhau một cách trọn vẹn hữu hình, như được Công Đồng Chung Vaticanô II xác định ở những văn kiện khác nhau của công đồng này (cf. "Lumen Gentium," 8, 13; "Unitatis Redintegratio," 2, 4, etc.). Chúng tôi tin tưởng rằng mối hiệp nhất này vẫn tiếp tục tồn tại nơi Giáo Hội Công Giáo, không phải là không có thể bị mất đi (cf. "Unitatis Redintegratio," 4). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đồng nhất nơi tất cả mọi thứ diễn đạt về thần học và tu đức, nơi những hình thức về phụng vụ cũng như nơi kỷ luật.

 

Hiệp nhất trong đa dạng và đa dạng trong hiệp nhất: trong bài giảng cho Lễ Trọng Kính Hai Thánh Phêrô và Phaolô ngày 29/6 vừa rồi, tôi đã nhấn mạnh rằng mối hiệp nhất trọn vẹn và công giáo tính trọn vẹn là những gì đi đôi với nhau. Là một điều kiện cần thiết cho việc đạt chiếm lấy tình trạng cùng chung sống này, vấn đề dấn thân cho mối hiệp nhất cần phải được liên lỉ thanh tẩy và đổi mới; nó cần phải liên lỉ phát triển và trưởng thành. Để đạt được mục đích ấy, việc đối thoại đã đóng góp phần của mình. Nó không phải là một thứ trao đổi tư tưởng, nó là một thứ trao đổi về các tặng ân (cf. "Ut Unum Sint," 28), một thứ trao đổi được các Giáo Hội cũng như các Cộng Đồng giáo hội cống hiến những thứ phong phú dồi dào của mình (cf. "Lumen Gentium," 8, 15; "Unitatis Redintegratio," 3, 14ff; "Ut Unum Sint, 10-14).

 

Là thành quả của việc dấn thân này, cuộc hành trình ấy có thể từng bước tiến lên theo con đường trọn vẹn hiệp nhất, khi mà cuối cùng chúng ta tất cả sẽ “đạt tới mối hiệp nhất đức tin và nhận biết Con Thiên Chúa, tới thân phận làm người trưởng thành, tới tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô” (Eph 4:13). Hiển nhiên là, cuối cùng, cuộc đối thoại ấy có thể phát triển chỉ trong môi trường của thứ linh đạo chân tình và dấn thân. Chúng ta không thể “làm phát sinh ra” mối hiệp nhất bằng quyền năng của chúng ta mà thôi. Chúng ta chỉ có thể đạt được mối hiệp nhất như là một tặng ân của Thánh Linh. Do đó, vấn đề đại kết thiêng liêng – như việc nguyện cầu, việc cải hối và việc thánh hóa đời sống – làm nên tâm điểm của phong trào đại kết (cf. "Unitatis Redintegratio," 8; "Ut Unum Sint," 15ff., 21, etc.). Có thể nói rằng hình thức hay nhất của vấn đề đại kết là ở chỗ sống theo Phúc Âm.

 

Tôi thấy có lý do để mà lạc quan ở sự kiện là ngày nay có một thứ “liên kết” về các mối liên hệ thiêng liêng đang phát triển giữa những người Công giáo với các người Kitô giáo thuộc chư Giáo Hội và các Cộng Đồng giáo hội khác: ở chỗ, mỗi người dấn thân cầu nguyện, kiểm điểm đời sống của mình, thanh tẩy ký ức, cởi mở bác ái. Ông tổ của vấn đề đại kết thiêng liêng là Paul Couturier, về vấn đề này, đã nói đến một “thứ nội vi tu viện vô hình” là nơi hiệp nhất trong các bức tường của nó các linh hồn cháy lửa mến yêu Chúa Kitô cùng Giáo Hội của Người.

 

Tôi tin rằng nếu càng nhiều người liên kết mình với lời nguyện cầu của Chúa là “xin cho tất cả được hiệp nhất nên một” (Jn 17:21), thì kinh nguyện này, một kinh nguyện được dâng lên nhân danh Chúa Giêsu, sẽ không bị vô vọng (cf. John 14:13; 15:7, 16, etc.). Với ơn trợ giúp từ trời, chúng ta cũng sẽ tìm thấy những giải pháp cụ thể cho những vấn đề khác nhau vẫn còn chưa giải quyết, để rồi cuối cùng niềm mong ước hiệp nhất của chúng ta sẽ được mãn nguyện, bất cứ khi nào và cách Chúa muốn. Tôi kêu gọi tất cả anh chị em hãy cùng tôi tiến bước theo con đường này.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 19/8/2005

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ