GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 26/8/2005

 

1) ĐTC Biển Đức XVI với Khối Hồi Giáo ngày 20/8/2005: “Chúng ta không được nhường bước cho những áp lực tiêu cực nơi chúng ta…

2) ĐTC Biển Đức XVI – Bài Giảng Thánh Lễ Bế Mạc Chúa Nhật 21/8/2005: “Chúng ta hãy tiến lên với Chúa Kitô và chúng ta hãy sống cuộc đời mình như là thành phần tôn thờ đích thực của Thiên Chúa!

3) ĐTC Biển Đức XVI với Các Vị Giám Mục Đức chiều Bế Mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX Chúa Nhật 21/8/2005: “Chúng tôi đã đến bái thờ Người. Chúng tôi đã tìm thấy Người. Giờ đây xin hãy giúp chúng tôi trở thành môn đệ và chứng nhân của Người.

   

 

 

ĐTC Biển Đức XVI với Khối Hồi Giáo ngày 20/8/2005: “Chúng ta không được nhường bước cho những áp lực tiêu cực nơi chúng ta…

 

Các Bạn Hồi Giáo thân mến!

 

Tôi hết sức vui mừng được có thể đến với các bạn và gửi đến các bạn lời chào chân thành của tôi. Tôi đến đây để gặp gỡ giới trẻ thuộc mọi phần đất Âu Châu và thế giới. Giới trẻ là tương lai của nhân loại và là niềm hy vọng của các quốc gia. Vị tiên nhiệm yêu dấu của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lần đã nói với giới trẻ Hồi giáo tụ họp ở vận động trường Casablanca (Morocco) rằng: “Tuổi trẻ có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn nếu trước hết họ tin tưởng vào Thiên Chúa và nếu họ hứa quyết dựng xây thế giới mới ấy theo dự án của Thiên Chúa, một cách khôn ngoan và tin tưởng” ("Insegnamenti," VIII/2, 1985, p. 500). Chính tinh thần này khiến tôi hướng về các bạn, hỡi các bạn Hồi giáo thân mến, để chia sẻ niềm hy vọng của tôi với các bạn và để các bạn biết được những mối quan tâm của tôi ở vào những thời điểm đặc biệt khó khăn này trong lịch sử của chúng ta.

 

Tôi tin rằng tôi làm ân vang những tư tưởng của các bạn khi tôi nêu lên tình trạng lan tràn nạn khủng bố như là một trong những quan tâm của chúng ta. Hoạt động khủng bố đang tiếp tục diễn ra ở các phần đất khác nhau trên thế giới, gieo rắc chết chóc và hủy hoại, và nhận chìm nhiều anh chị em của chúng ta vào sầu thương và tuyệt vọng. Những ai xúi giục và mưu đồ những cuộc tấn công này rõ ràng là muốn đầu độc mối liên hệ của chúng ta, khi sử dụng mọi phương tiện, kể cả tôn giáo, để chống lại mọi nỗ lực xây dựng một cuộc sống chung an bình, đẹp đẽ và bình thản.

 

Nạn khủng bố bất cứ ở thể loại nào cũng là một quyết định quái ác và tàn bạo cho thấy thái độ tỏ ra khinh miệt quyền sống linh thánh và coi nhẹ chính nền tảng của tất cả mọi xã hội dân sự. Nếu cùng nhau chúng ta thành công trong việc loại trừ đi khỏi tâm can bất cứ dấu vết của cảm thức đắng cay nào, trong việc chống lại hết mọi hình thức bất khoan dung cũng như trong việc chống lại hết mọi bộc phát bạo động, chúng ta sẽ quay long lại với làn sóng cuồng tín độc hại đang gây nguy hiểm cho mạng sống của rất nhiều người cũng như đang làm cản trở việc tiến tới nền hòa bình thế giới. Công việc thì khó khăn nhưng không phải là bất khả thực hiện. Thành phần tín hữu biết rằng, bất chấp nỗi yếu hèn của mình, họ vẫn có thể cậy dựa vào quyền lực thiêng liêng của lời cầu nguyện.

 

Các bạn thân mến, tôi hết sức thâm tín rằng chúng ta không được nhường bước cho những áp lực tiêu cực nơi chúng ta, nhưng phải khẳng định các giá trị của việc tôn trọng nhau, của tình đoàn kết và của an bình. Mạng sống của hết mọi con người là những gì linh thánh, cả đối với Kitô hữu lẫn đối với Hồi hữu. Đối với chúng ta có nhiều tiêu điểm cần phải cùng nhau hoạt động để phục vụ các thứ giá trị luân lý căn bản. Phẩm vị của con người và việc bênh vực các thứ quyền lợi nhờ phẩm vị ấy mà có cần phải tiêu biểu cho mục tiêu của mọi nỗ lực về xã hội cũng như của mọi nỗ lực làm cho nó sinh hoa kết trái. Sứ điệp này được chuyển đến chúng ta một cách không sai lầm bởi tiếng nói âm thầm nhưng rõ ràng của lương tâm. Nó là một sứ điệp cần phải được lắng nghe và truyền đạt cho người khác: Nếu nó thôi vang vọng trong tâm can con người thì thế giới này sẽ bị phơi bày trước bóng tối của một thứ tân trạng man di mọi rợ. Chỉ nhờ biết nhìn nhận tính cách trọng yếu của con người mới có chung căn bản kiến thức, một căn bản kiến thức chung khiến chúng ta có thể vượt ra ngoài những xung khắc về văn hóa cũng như có thể hóa giải quyền lực lũng đoạn của các ý hệ.

 

Trong cuộc gặp gỡ của tôi vào Tháng Tư vừa rồi với các vị đại biểu Chư Giáo Hội và các cộng đồng Kitô hữu, cũng như với các vị đại diện những truyền thống tôn giáo khác nhau, tôi đã khẳng định rằng: “Giáo Hội muốn tiếp tục xây dựng những chiếc cầu thân hữu với các môn đề thuộc tất cả mọi tôn giáo, để tìm kiếm sự thiện đích thực của hết mọi người cũng như của toàn thể xã hội” (L'Osservatore Romano, 25 April 2005, p. 4). Kinh nghiệm quá khứ dạy cho chúng ta biết rằng những liên hệ giữa Kitô hữu và Hồi hữu không phải bao giờ cũng được ghi dấu bằng việc tôn trọng lẫn nhau và hiểu biết lẫn nhau. Biết bao nhiêu là trang sử đã ghi chép các cuộc chiến đấu, thậm chí những cuộc chiến tranh, được gây ra bởi cả hai phía đều nhân danh Thiên Chúa, như thể việc đánh nhau và sát hại kẻ thù là những gì có thể làm hài lòng Ngài vậy. Việc hồi tưởng những biến cố buồn thảm này phải làm cho chúng ta cảm thấy hết sức hổ thẹn, vì chúng ta quá biết những gì là tàn ác nhân danh tôn giáo gây ra như thế nào. Những bài học trong quá khứ cần phải giúp cho chúng ta tránh được việc tái diễn cùng những sai lầm. Chúng ta cần phải tìm kiếm con đường hòa giải và biết sống một cách tôn trọng căn tính của nhau. Việc bênh vực quyền tự do tôn giáo, theo nghĩa này, là những gì vĩnh viễn đòi buộc, và việc tôn trọng thành phần thiểu số là một dấu hiệu rõ ràng cho nền văn minh chân thực.

 

Về khía cạnh này bao giờ cũng cần phải nhắc lại những gì được các vị Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticanô II nói về mối liên hệ với người Hồi giáo. “Giáo Hội trân trọng nhìn đến những người Hồi giáo. Họ tôn thờ Vị Thiên Chúa duy nhất hằng sống và tồn tại, xót thương và toàn năng, Đấng dựng nên trời đất, Đấng đã nói với loài người, và họ tìm cách hết lòng thuần phục những lệnh truyền của Ngài, cho dù là những lệnh truyền kín đáo, như Abraham, vị được đức tin Hồi giáo vốn liên hệ với, tùng phục Thiên Chúa… Mặc dù có những bất đồng và thù hằn đáng kể xẩy ra giữa Kitô hữu và Hồi hữu trong giòng lịch sử, Công Đồng này cũng thúc giục mọi phía rằng, bằng việc quên đi những gì trong quá khứ, họ hãy cố gắng hướng tới việc hiểu biết nhau và cùng nhau bảo tồn, cổ võ sự công bình xã hội và các giá trị luân lý, cũng như hòa bình và tự do cho tất cả mọi dân tộc” (Tuyên Ngôn “Nostra Aetate”, khoản số 3).

 

Hỡi các bạn quí mến của tôi, các bạn đại diện cho một số cộng đồng Hồi hữu ở xứ sở tôi được sinh vào đời này, nơi tôi đã học hành và là nơi tôi đã sống một phần đời tốt đẹp của mình. Đó là lý do tại sao tôi muốn gặp gỡ các bạn. Các bạn hướng dẫn các tín đồ Hồi hữu và huấn luyện họ sống theo niềm tin Hồi giáo. Việc giảng dạy là phương tiện để truyền đạt các tư tưởng và niềm xác tín. Ngôn từ có một tác dụng lớn trong việc giáo dục tâm trí. Bởi thế, các bạn có một trách nhiệm lớn lao đối với vấn đề đào luyện thành phần thế hệ trẻ. Là Kitô hữu và Hồi hữu, chúng ta phải cùng nhau đương đầu với nhiều thách đố của thời đại chúng ta. Không có chỗ cho việc lạnh cảm và dửng dưng, thậm chí càng không có chỗ cho việc thiên vị và bè phái. Chúng ta không được nhường bước cho sợ hãi hay bi quan. Trái lại, chúng ta phải gieo rắc vun trồng lạc quan và hy vọng.

 

Việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa giữa Kitô hữu và Hồi hữu không thể bị biến thành một thứ ngoại lệ tùy nghi. Nó thực sự là một nhu cầu quan trọng mà phần lớn tương lai của chúng ta tùy thuộc vào nó. Giới trẻ từ nhiều phần đất trên thế giới ở nơi Cologne này đây như là những chứng tá sống động của tình đoàn kết, của tình huynh đệ và của yêu thương. Họ là những hoa trái đầu mùa của một tân rạng đông của nhân loại. Tôi nguyện cầu với cả tâm can, các bạn Hồi hữu thân mến, để xin vị Thiên Chúa thương xót và thương cảm bảo vệ các bạn, chúc phúc cho các bạn và luôn soi sáng cho các bạn. Chớ gì Thiên Chúa của an bình nâng lòng trí chúng ta lên, nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta, và hướng dẫn bước chân của chúng ta trên các nẻo đường thế giới.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 20/8/2005

 

 

TOP

 

ĐTC Biển Đức XVI – Bài Giảng Thánh Lễ Bế Mạc Chúa Nhật 21/8/2005: “Chúng ta hãy tiến lên với Chúa Kitô và chúng ta hãy sống cuộc đời mình như là thành phần tôn thờ đích thực của Thiên Chúa!

 

(Bằng tiếng Đức)

 

Các bạn trẻ thân mến,

 

Tối hôm qua chúng ta đã đến với nhau trước sự hiện diện của Tấm Bánh Thánh là nơi đối với chúng ta Chúa Giêsu đã trở nên bánh bảo trì và nuôi dưỡng chúng ta (x Jn 6:35), và ở đó chúng ta bắt đầu cuộc hành trình nội tâm tôn thờ của chúng ta. Nơi Thánh Thể, việc tôn thờ phải trở thành việc hiệp nhất. Khi cử hành Thánh Thể, chúng ta cảm thấy mình ở vào “giờ khắc” của Chúa Giêsu, nếu sử dụng ngôn từ của Phúc Âm Thánh Gioan. Nhờ Thánh Thể, “giờ khắc” này của Chúa Giêsu trở thành giờ khắc của chúng ta, giờ khắc Người hiện diện giữa chúng ta. Cùng với các môn đệ, Người đã cử hành Lễ Vượt Qua của dân Do Thái là việc tưởng niệm hành động Thiên Chúa giải phóng dân Do Thái làm cho họ từ tình trạng bị nô lệ được trở thành tự do. Chúa Giêsu theo các nghi thức của dân Do Thái. Người đã đọc lời chúc tụng và ngợi khen trên bánh.

 

Thế nhưng, lúc ấy đã xẩy ra một điều mới lạ. Người tạ ơn Thiên Chúa chẳng những vì những việc cao cả Thiên Chúa đã làm trong quá khứ; Người còn tạ ơn Thiên Chúa về việc được tôn vinh của Người là việc chẳng mấy chốc sẽ được hoàn tất bằng Thập Tự Giá và Phục Sinh, và Người đã nói với các môn đệ những lời tóm tắt toàn thể Lề Luật và các vị Tiên Tri, đó là lời “Này là Mình Thày hy sinh cho các con. Chén này là Tân Ước trong Máu Thày”. Đoạn Người phân phát bánh và rượu, rồi căn dặn các vị hãy lập đi lập lại những lời lẽ và tác động của Người bấy giờ để tưởng nhớ đến Người.

 

Những gì đang xẩy ra đây? Làm sao Chúa Giêsu có thể phân phát Mình Người và Máu Người? Bằng việc làm cho tấm bánh trở thành Mình Người và rượu trở thành Máu Người, Người đã ngưỡng vọng cái chết của mình, Người chấp nhận nó trong tâm can và biến nó thành tác động yêu thương. Những gì bề ngoài chỉ là bạo lực bạo tàn thì bề trong lại trở thành một tác động của tình yêu trọn vẹn hiến thân. Đó là một việc biến đổi theo bản thể được hoàn tất ở Bữa Tiệc Ly và được thực hiện để tiếp tục trở thành một chuỗi biến đổi cuối cùng dẫn đến chỗ biến đổi thế giới này vào lúc Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự (x 1Cor 15:28). Trong tâm can của mình, con người luôn luôn và ở mọi nơi đều trông mong thấy được một thứ thay đổi cách nào đó, một thứ biến đổi thế giới. Bởi thế mà hành động biến đổi chính yếu duy nhất có thể thực sự canh tân thế giới là ở nơi đây: Bạo lực được biến đổi thành yêu thương, và chết chóc được biến đổi thành sự sống.

 

Vì tác động này chuyển hóa chết chóc thành yêu thương, mà chết chóc bởi thế tự bản chất đã bị khống chế, Phục Sinh đã hiện diện nơi chết chóc. Có thể nói chết chóc đã bị tử thương, do đó nó không còn là phán quyết cuối cùng nữa. Nếu sử dụng một hình ảnh quá quen thuộc với chúng ta ngày nay thì điều ấy giống như việc phân nhân nguyên tử ở chính tâm điểm của sự vật – đó là việc chiến thắng của yêu thương trên hận thù, việc chiến thắng của yêu thương trên chết chóc. Chỉ có việc bùng nổ thâm sâu này của sự thiện chiến thắng sự dữ mới có thể gây ra hàng loạt những biến đổi là những gì dần dần sẽ làm thay đổi thế giới.


(Bằng tiếng Anh)

 

Viện biến đổi nồng cốt tiên khởi từ bạo lực thành yêu thương này, từ chết chóc thành sự sống ấy, mang lại những thay đổi khác theo sau. Bánh và rượu trở thành Mình và Máu của Người. Thế nhưng không được dừng lại ở đó, trái lại, tiến trình biến đổi bấy giờ cần phải cô đọng lại với nhau. Mình và Máu Chúa Kitô được hiến ban cho chúng ta, để về phần mình, chính chúng ta cũng được biển đổi nữa. Chúng ta phải trở thành Mình Chúa Kitô, thành thịt và máu của Người. Tất cả chúng ta đều ăn cùng một tấm bánh duy nhất, nên điều này có nghĩa là chính chúng ta trở nên một. Nhờ đó, việc tôn thờ, như chúng ta đã nói trên đây, trở thành việc hiệp nhất. Thiên Chúa không còn chỉ đứng trước chúng ta, như một vị hoàn toàn là một Đấng Khác. Ngài ở trong chúng ta, và chúng ta ở trong Ngài. Năng lực của Ngài nhập vào chúng ta, rồi tìm cách lan tỏa ra những người khác, cho đến khi nó tràn đầy thế giới, để tình yêu của Ngài thực sự trở thành tấm vóc chủ chốt của thế giới này.

 

Tôi xin làm sáng tỏ cái bước mới mẻ thôi thúc chúng ta bởi Bữa Tiệc Ly đây, bằng việc rút tỉa ra những sắc thái khác nhau của chữ “tôn thờ” theo Hy ngữ và La ngữ. Hy ngữ là “proskynesis”. Chữ này ám chỉ cử chỉ thuần phục, việc nhìn nhận Thiên Chúa là tầm vóc đích thực của chúng ta, với qui tắc chúng ta chọn để tuân theo. Nó có nghĩa là tự do không phải chỉ là việc hoan hưởng đời sống hoàn toàn độc lập, mà là sống theo tấm mức của chân lý và thiện hảo, nhờ đó chính chúng ta mới có thể trở nên chân thực và thiện hảo. Cử chỉ này cần thiết cho dù thoạt tiên việc chúng t among ước tự do làm cho chúng ta có khuynh hướng chống lại nó. Chúng ta chỉ có thể hoàn toàn chấp nhận nó khi chúng ta thực hiện bước thứ hai được Bữa Tiệc Ly đề ra cho chúng ta. Hy ngữ của chữ tôn thờ đó là “ad-oratio” – là việc giao tiếp bằng miệng với nhau, là một cái hôn, một thứ ôm ghì và bởi đó cuối cùng chính là việc yêu thương. Việc thuận phục trở thành việc hiệp nhất, vì Đấng chúng ta thuận phục là Tình Yêu. Như thế, việc thuận phục mới có ý nghĩa, vì nó không áp đặt bất cứ sự gì trên chúng ta từ bên ngoài, mà giải thoát chúng ta sâu xa từ bên trong.


(Bằng tiếng Pháp)

 

Chúng ta hãy trở lại một lần nữa với Bữa Tiệc Ly. Yếu tố mới xuất phát ở đây là ý nghĩa sâu xa được cống hiến cho lời nguyện chúc tụng cổ thời của dân Do Thái, lời nguyện từ đó trở đi trở thành lời biến đổi, khiến chúng ta có thể tham dự vào “giờ khắc” của Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã không bảo chúng ta lập lại bữa Vượt Qua là những gì vì là một kỷ niệm nên bất khả lập lại theo ý muốn. Người đã bảo chúng ta hãy tham dự vào “giờ khắc” của Người. Chúng tat ham dự vào giờ khắc này bằng linh quyền của những lời thánh hiến – một biến đổi xẩy ra nhờ lời cầu chúc tụng là những gì chẳng những làm cho chúng ta tiếp tục với dân Do Thái cùng với toàn thể lịch sử cứu độ, mà đồng thời còn dẫn chúng ta vào cái mới mẻ được lời nguyện xưa hướng tới ở tầm mức sâu xa nhất của mình. Kinh nguyện mới này – kinh nguyện được Giáo Hội gọi là “Kinh Nguyện Thánh Thể” – làm cho Thánh Thể hiện hữu. Chính lời quyền năng này biến đổi các tặng vật của trái đất một cách hoàn toàn mới mẻ thành tặng ân chính mình của Thiên Chúa và lôi kéo chúng ta vào tiến trình biến đổi ấy. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi hành động này là “Thánh Thể”, một từ ngữ được dịch từ chữ Do Thái “beracha” – là tạ ơn, chúc tụng, ngợi khen, và là một biến đổi do Chúa thực hiện – sự hiện tại của “giờ khắc” của Người.

 

Giờ khắc của Chúa Giêsu là giờ khắc yêu thương chiến thắng. Nói cách khác: Chính Thiên Chúa đã chiến thắng, vì Ngài là Tình Yêu. Giờ khắc của Chúa Giêsu tìm cách trở thành giờ khắc của chúng ta và thực sự sẽ trở nên như thế nếu chúng ta để mình, nhờ việc cử hành Thánh Thể, được lôi kéo vào tiến trình biến đổi được Chúa có ý thực hiện. Thánh Thể cần phải trở thành tâm điểm của đời sống chúng ta. Nếu Giáo Hội nói với chúng ta rằng Thánh Thể là một phần thiết yếu của Ngày Chúa Nhật thì đây không phải là những gì thuần thực chứng chủ nghĩa hay khát vọng quyền lực. Vào buổi sáng Phục Sinh, đầu tiên là nữ giới, rồi sau đó mới tới các môn đệ được diễm phúc thấy Chúa. Từ lúc ấy trở đi, họ biết rằng ngày thứ nhất trong tuần, là Chúa Nhật, sẽ là ngày của Người, ngày của Đức Kitô là Chúa. Ngày mà việc tạo dựng bắt đầu trở thành ngày việc tạo dựng được tái tấu. Việc tạo dựng và việc cứu chuộc thuộc về nhau. Đó là lý do tại sao Chúa Nhật là ngày rất ư quan trọng. Thật là tốt đẹp ngày nay, nơi nhiều nền văn hóa, Chúa Nhật là một ngày tự do thong thả, và thường được ghép với ngày Thứ Bảy để làm thành một thứ “cuối tuần” thảnh thơi thì giờ. Tuy nhiên, thời gian tự do thảnh thơi này chẳng có lợi gì nếu không có Thiên Chúa.

 

Các bạn thân mến!

 

Đôi khi, cái ấn tượng đầu tiên của chúng ta là việc phải có giờ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật là một cái gì đó đúng là bất tiện. Thế nhưng, nếu các bạn cố gắng, các bạn sẽ thấy rằng đó là những gì cống hiến cho thời gian thảnh thơi thoải mái của mình một cái mục tiêu xứng hợp. Các bạn đừng nản tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, và giúp cho người khác khám phá ra nó nữa. Đó là vì Thánh Thể ban phát niềm vui chúng ta rất cần đến, và chúng ta cần phải biết nắm bắt lấy nó sâu xa hơn nữa, chúng ta cần phải biết yêu chuộng nó. Chúng ta hãy hứa quyết thực hiện điều này – nó xứng đáng với việc nỗ lực của chúng ta! Chúng ta hãy khám phá ra những kho tàng sâu xa nơi phụng vụ của Giáo Hội cùng với sự cao cả thực sự của phụng vụ: không phải là chúng ta cử hành cho chính chúng ta, mà là Thiên Chúa hằng sống là Đấng đang sửa dọn một bữa tiệc cho chúng ta. Nhờ lòng mến yêu Thánh Thể của mình, các bạn cũng sẽ tái nhận thức được bí tích Hòa Giải, là bí tích sự thiện hảo nhân hậu của Thiên Chúa bao giờ cũng khiến cho chúng ta có thể bắt đầu lại cuộc sống của chúng ta.


(Bằng tiếng Ý)

 

Bất cứ ai đã khám phá ra Chúa Kitô đều dẫn kẻ khác đến cùng Người. Một niềm vui lớn lao không thể nào chỉ giữ lấy cho mình. Nó cần phải được truyền lan ra. Ở những miền rộng lớn trên thế giới này, ngày nay đang xẩy ra một thứ lãng quên Thiên Chúa một cách lạ lùng. Dường như là mọi sự cũng chẳng có gì khác nếu thiếu mất Ngài. Thế nhưng, đồng thời cũng có một cảm giác chán chường, một cảm quan bất mãn với hết mọi người và mọi sự. Con người có khuynh hướng than rằng: “Đó không thể nào là tất cả nghĩa lý của đời sống!” Thật sự không phải vậy. Bởi đó mà, cùng với việc quên lãng Thiên Chúa còn có một thứ bùng nổ mới về tôn giáo nữa. Tôi không có ý muốn làm mất mặt tất cả mọi hình thức của hiện tượng này. Niềm vui chân thực có thể ở nơi việc khám phá ấy. Tuy nhiên, nếu bị đẩy quá xa thì tôn giáo hầu như trở thành một sản phẩm tiêu thụ. Người ta chọn lựa những gì họ thích, một số thậm chí còn kiếm được lợi lộc từ nó nữa. Thế nhưng thứ tôn giáo đã kiến tạo trên căn bản “tự động làm lấy” cuối cùng không thể nào giúp chúng ta được. Nó có thể là dễ chịu đấy nhưng có những lúc gặp khủng hoảng chúng ta lại loay hoay một mình thôi. Hãy giúp người ta khám phá ra ngôi sao đích thực là những gì soi đường chỉ lối cho chúng ta: đó là Chúa Giêsu Kitô! Chúng ta hãy tìm cách nhận biết Người mỗi ngày một hơn, để có thể hướng dẫn kẻ khác ý thức đến với Người.

 

Đó là lý do tại sao, đối với Sách Thánh, yêu thương là những gì rất hệ trọng, nên bởi đó, cần phải biết đức tin của Giáo Hội là đức tin mở ra cho chúng ta thấy ý nghĩa của Thánh Kinh. Chính Thánh Thần là Đấng dẫn dắt Giáo Hội khi đức tin của Giáo Hội tăng tiến, khiến Giáo Hội tiến sâu hơn nữa vào sự thật (x Jn 16:13). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cống hiến cho chúng ta một công trình tuyệt vời trong đó những gì đức tin của các thế kỷ được dẫn giải một cách tổng luận, đó là cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Chính tôi mới đây cũng ban hành cuốn Tổng Tắt Giáo Lý này, một cuốn được soạn dọn theo lời yêu cầu của cố Giáo Hoàng. Đó là hai cuốn sách nồng cốt tôi khuyên tất cả các bạn hãy đọc.


(Bằng tiếng Tây Ban Nha)

 

Tất nhiên sách vở mà thôi cũng chưa đủ. Các bạn hãy hình thành những cộng đồng được xây dựng trên đức tin! Trong những thập niên vừa qua, các phong trào và cộng đồng đã xuất hiện, những gì cảm thấy thấm thía quyền lực của Phúc Âm. Hãy tìm kiếm mối hiệp thông trong đức tin, như những kẻ đồng hành cùng nhau tiếp tục theo đường lối của cuộc hành hương cao cả được các Nhà Đạo Sĩ Đông Phương tiên khởi vạch ra cho chúng ta. Tính chất tự phát của các cộng đồng mới là những gì quan trọng, thế nhưng cũng quan trọng nữa trong việc bảo tồn mối hiệp thông với Giáo Hoàng cũng như với các vị giám mục. Chính các vị là người bảo đảm là chúng ta không tìm kiếm những con đường riêng rẽ mà là sống như đại gia đình của Thiên Chúa được Chúa thiết lập qua 12 Vị Tông Đồ.

 

(Bằng tiếng Đức)

 

Một lần nữa, tôi cần phải trở về với Thánh Thể. “Vì chỉ có một tấm bánh duy nhất, mặc dù là nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể duy nhất”, Thánh Phaolô đã nói như thế (1Cor 10:17). Nói như thế ngài có ý là: Vì chúng ta lãnh nhận cùng một Chúa và Người qui tụ chúng ta lại với nhau, kéo chúng ta lại với Người, nên chính chúng ta là một. Điều này cần phải trở thành hiển nhiên nơi đời sống của chúng ta. Nó cần phải được tỏ ra nơi khả năng tha thứ của chúng ta. Nó cần phải được thấy nơi cảm thức của chúng ta về các nhu cầu của người khác. Nó cần phải được thấy nơi việc chúng ta sẵn sàng chia sẻ. Nó cần phải được tỏ ra nơi việc chúng ta dấn thân cho tha nhân của mình, có những ai gần gũi lẫn những người xa cách về thể lý, thành phần chúng ta vẫn coi là gần gũi. Ngày nay có nhiều hình thức tình nguyện trợ giúp, những mẫu thức của việc phục vụ lẫn nhau là những gì xã hội của chúng ta hết sức cần thiết. Chẳng hạn, chúng ta không được bỏ mặc thành phần lão thành lẻ loi cô độc, chúng ta không được bỏ đi khi gặp những người đang gặp khổ đau. Nếu chúng ta nghĩ và sống theo mối hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô thì mắt của chúng ta sẽ mở ra.

 

Bấy giờ chúng ta sẽ không còn thỏa mãn với việc đánh bóng cuộc đời cho bản thân mình, song chúng ta sẽ thấy chúng ta cần phải có ở đâu và cách nào. Sống động và hành động như thế, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng tốt hơn là trở thành hữu dụng và tùy nghi cho kẻ khác sử dụng mình hơn là chỉ quan tâm tới những thoải mái được giành cho chúng ta. Tôi biết rằng là giới trẻ các bạn có những ước vọng lớn lao, là các bạn muốn hứa quyết xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Hãy làm cho người khác thấy được điều ấy, hãy làm cho thế giới thấy được như vậy, vì đó chính là chứng từ thế giới mong đợi nơi thành phần môn đệ Chúa Kitô; có thế, nhất là nhờ tình yêu của các bạn, thế giới mới có thể khám phá ra ngôi sao được chúng ta là tín hữu dõi theo.

 

Chúng ta hãy tiến lên với Chúa Kitô và chúng ta hãy sống cuộc đời mình như là thành phần tôn thờ đích thực của Thiên Chúa! Amen.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 21/8/2005

 

 

TOP

 

ĐTC Biển Đức XVI với Các Vị Giám Mục Đức chiều Bế Mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX Chúa Nhật 21/8/2005: “Chúng tôi đã đến bái thờ Người. Chúng tôi đã tìm thấy Người. Giờ đây xin hãy giúp chúng tôi trở thành môn đệ và chứng nhân của Người.

 

Chư Huynh trong Hàng Giáo Phẩm thân mến,

 

Tôi chúc tụng Chúa là Đấng đã cho tôi niềm vui được gặp chư huynh nơi đây, trên mảnh đất Đức quốc, vào lúc bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX đây. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nói là bàn tay Quan Phòng đã tỏ hiện trong những ngày này, chẳng những ban tay ấy đã phấn khích tôi, Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, mà còn cống hiến một dấu hiệu hy vọng cho Giáo Hội ở xứ sở này nữa, nhất là cho chư huynh là các vị Chủ Chiên của Giáo Hội đây. Tôi xin lập lại cùng tất cả chư huynh lời cám ơn chân thành của tôi về nỗ lực chư huynh đã bỏ ra để sửa soạn cho biến cố này. Tôi đặc biệt cám ơn ĐHY Joachim Meisner và những người phụ tá của ngài, cũng như vị chủ tịch hội đồng giám mục là ĐHY Karl Lehmann, và tất cả những ai đã hỗ trợ bất cứ cách nào. 

 

Như tôi đã nói sáng nay khi kết thúc việc cử hành long trọng Thánh Thể ở Marienfeld, Đức quốc đã chứng kiến thấy một cuộc hành hương đáng kể trong những ngày gần đây. Đây không phải là một nhóm hành hương bình thường mà là một cuộc hành hương của giới trẻ! Biến cố này, một biến cố được Giáo Phận Cologne cùng tất cả chư huynh làm việc rất vất vả để sửa soạn, giờ đây đã kết thúc: và đó là lý do cần phải tạ ơn Thiên Chúa, cần phải suy nghĩ và cần phải tái dấn thân! Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất yêu dấu, vị sáng lập Ngày Giới Trẻ Thế Giới, thường nói rằng ở những cuộc hành hương này, giới trẻ là thành phần đóng vai chính, và Giáo Hoàng, ở một nghĩa nào đó, theo họ thôi. Một nhận định khôi hài nhưng cũng là một nhận định cho thấy một sự thật sâu xa, đó là giới trẻ, thành phần đang tìm kiếm một đời sống viên mãn, bất chấp những yếu hèn và giới hạn của họ, thôi thúc những vị mục tử của họ lắng nghe những vấn nạn của họ và làm mọi sự có thể để giúp họ hiểu được câu trả lời chân thực duy nhất đó là Chúa Kitô. Bởi thế, chúng ta cần yêu chuộng tặng ân này được Thiên Chúa ban cho Giáo Hội ở Đức, cần chấp nhận thách đố đang diễn ra, và cần biết lợi dụng khả năng có được của tặng ân ấy.

 

Cần phải nhấn mạnh là biến cố này, dù ngoại thường, nhưng không phải là chuyên nhất. Vương Cung Thánh Đường ở Cologne không phải, theo một thành ngữ quen thuộc, “một Vương Cung Thánh Đường ở trong sa mạc”. Tôi đang nghĩ đến nhiều tặng ân làm phong phú Giáo Hội ở Đức. Tôi hoan hỉ liệt kê cùng chư huynh ở đâu một cách vắn tắt những tặng ân ấy, với cùng một tinh thần chúc tụng và tạ ơn là những gì đánh dấu những ngày ân sủng này đây. Nhiều người ở xứ sở này sống đức tin của họ một cách gương mẫu, có một lòng hết sức mến yêu Giáo Hội, mến yêu các vị chủ chăn của Giáo Hội và Vị Thừa Kế Thánh Phêrô. Một số khá đông tình nguyện đảm nhận những gì đôi khi đòi hỏi những trách nhiệm nơi sinh hoạt giáo phận và giáo xứ, nơi các hội đoàn và phong trào, nhất là để giúp đỡ giới trẻ.

 

Nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân thi hành việc trung thành phục vụ ở những trường hợp mục vụ thường khó khăn. Và người Công Giáo Đức rất quảng đại đối với người nghèo. Nhiều vị linh mục “Fidei Donum” và các vị thừa sai Đức quốc thi hành việc tông đồ ở những miền đất xa xôi. Giáo Hội Công Giáo bảo trì việc hiện diện của mình nơi sinh hoạt quần chúng bằng nhiều tổ chức khác nhau. Hoạt động đáng kể đang được thực hiện bởi những cơ quan từ thiện khác nhau, như Misereor, Adveniat, Missio, Renovabis, cũng như các tổ chức Caritas giáo phận và giáo xứ. Hoạt động về giáo dục cũng lớn rộng không kém, được thực hiện nơi các trường Công giáo cũng như nơi các cơ cấu và tổ chức Công giáo vì giới trẻ. Đó chỉ là một ít thí dụ vắn vỏi, không đầy đủ nhưng đáng kể, những thí dụ thực sự vẻ lên chân dung của một Giáo Hội sống động, một Giáo Hội sinh ra chúng ta trong đức tin và là một Giáo Hội chúng ta được hân hạnh hân hoan phục vụ.

 

Chúng ta biết rằng trên dung nhan của Giáo Hội cũng có những vết nhăn nheo đáng tiếc, những bóng tối làm lu mờ đi ánh quang của Giáo Hội. Cả những điều ấy nữa, trong tinh thần của một tình yêu bất khuất, chúng ta cũng cần phải nhớ tới vào lúc tán tụng và tạ ơn này. Chủ nghĩa tục hóa và thoái hóa Kitô giáo vẫn tiếp tục gia tăng. Ảnh hưởng của đạo lý và luân lý Công giáo liên tục xuống dốc. Nhiều người đã bỏ Giáo Hội, hay nếu còn, họ chỉ chấp nhận một phần giáo huấn Công giáo mà thôi. Tình hình đạo giáo ở Đông Phương là một tình hình đặc biệt đáng lo ngại, vì đa số dân chúng chưa chịu phép rửa và không được giao tiếp với Giáo Hội. Nơi mỗi một vấn đề này chúng ta đều thấy được một thách đố mới. 

 

Chính chư huynh biết được điều ấy hơn ai hết, như được thấy rõ trong bức thư mục vụ ngày 21/9/2004, dịp tưởng niệm 1250 năm tử đạo của Thánh Bônifaciô. Trong bức thư ấy, trích lại lời của vị linh mục Dòng Tên Alfred Delp, chư huynh đã nói rằng “chúng ta đã trở thành một khu vực truyền giáo”. Là người bản quốc của xứ sở rất thân thương của mình đây, tôi đặc biệt cảm thấy được những vấn đề của nó. Hôm nay đây tôi muốn chư huynh hãy tin tưởng vào lòng quí mến và gắn bó của tôi, cùng với lòng quí mến và gắn bó của toàn thể Giám Mục Đoàn, và tôi xin chư huynh hãy cứ đoàn kết và hiên ngang kiên trì trong sứ vụ của chư huynh. Giáo Hội ở Đức cần phải trở thành Giáo Hội truyền giáo hơn bao giờ hết, một Giáo Hội truyền giáo quyết tâm tìm kiếm những đường lối hay nhất để truyền đạt đức tin cho các thế hệ mai hậu.

 

Đó là toàn cảnh được Ngày Giới Trẻ Thế Giới mở ra trước chúng ta: Nó mời chúng ta hãy nhìn đến tương lai. Đối với Giáo Hội, nhất là với các vị chủ chăn, cha mẹ và các nhà giáo dục thì giới trẻ là một lời mời gọi sống động đến với đức tin và hy vọng. Vị Tiền Nhiệm khả kính của tôi, khi chọn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX này chủ đề: “Chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2:2), thì đã ngầm xác nhận lời mời gọi ấy. Ngài đã phác họa một con đường rõ ràng cho giới trẻ tiến bước. Ngài đã thôi thúc họ tìm kiếm Chúa Kitô, lấy các Nhà Đạo Sĩ làm mô phạm; ngài mời họ hãy theo ngôi sao là những gì phản ảnh Chúa Kitô nơi khung trời của cuộc sống cá nhân và xã hội; ngài huấn luyện họ, bằng tấm gương mãnh liệt song dịu dàng của mình, quì gối xuống trước Vị Thiên Chúa làm người, Con của Trinh Nữ Maria, và nhìn nhận nơi Người Đấng Cứu Chuộc của nhân trần.

 

Cùng một mô phạm nêu lên cho giới trẻ ấy, Đức Gioan Phaolô II cũng muốn cống hiến cả cho các vị chủ chăn của họ nữa, như phương tiện để hướng dẫn thừa tác vụ của các vị nơi thế hệ trẻ cũng như nơi toàn thể gia đình Giáo Hội. Đường Lối, Sự Thật và Sự Sống mà mọi người tìm kiếm, nhất là mọi giới trẻ, đã được trao phó cho những vị chủ chiên chúng ta bởi chính Chúa Kitô là Đấng làm cho chúng ta nên chứng nhân của Người và là thừa tác viên cho Phúc Âm của Người (x Mt 28:18-20). Bởi thế, chúng ta không được giảm sút cường độ tìm kiếm sự thật hay che giấu sự thật, trái lại hãy bảo tồn cái căng thẳng hữu hiệu đang có giữa hai cực: một cái căng thẳng rất tương hợp với đặc tính của con người tân tiến. Với ánh sáng và sức mạnh xuất phát từ tặng ân này, tức là Phúc Âm được Thánh Thần không ngừng làm cho sinh động và chủ động, chúng ta có thể hiên ngang loan báo Chúa Kitô và mời gọi hết mọi người đừng sợ mở lòng mình ra cho Người, vì chúng ta tin rằng nơi Người mới có trọn vẹn sự sống và hạnh phúc.

 

Điều này có nghĩa là trở thành một Giáo Hội hướng về tương lai, do đó là một Giáo Hội đầy hứa hẹn cho các thệ hệ mai này. Thật thế, giới trẻ không tìm kiếm một Giáo Hội xúi bẩy tuổi trẻ mà là một Giáo Hội thực sự trẻ trung trong tinh thần; một Giáo Hội hoàn toàn hướng về Chúa Kitô là Con Người mới. Đó là cuộc dấn thân chúng ta muốn thực hiện hôm nay đây, ở vào giây phút thực sự quan trọng này, ở vào lúc kết thúc biến cố trọng đại đối với tuổi trẻ đây, một biến cố buộc chúng ta nghĩ đến tương lai của Giáo Hội cũng như của xã hội. Chính trong ánh sáng t ích cực và đầy hy vọng này chúng ta có thể tin tưởng đương đầu với những vấn đề khó khăn nhất mà Giáo Hội ở Đức đang phải đối diện. Một lần nữa, giới trẻ đang cống hiến cho chúng ta là chủ chiên của họ một phấn khích bổ ích, vì họ đang xin chúng ta hãy nhất trí, liên kết và can trường. Về phần mình, chúng ta cần phải huấn luyện họ một cách nhẫn nại, sáng suốt và thực tiễn lành mạnh. Tuy nhiên không thể nào có vấn đề dung hòa ngụy tạo, không thể nào có vấn đề pha loãng Phúc Âm.

 

Chư Huynh thân mến, kinh nghiệm 20 năm qua đã dạy cho chúng ta rằng mỗi một Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiêu biểu cho một thứ khởi đầu mới đối với việc chăm sóc mục vụ cho giới trẻ ở quốc gia chủ sự. Việc sửa soạn cho biến cố ấy là những gì động viên nhân sự cùng các phương tiện, và việc cử hành ngày này làm dậy lên lòng nhiệt thành cần phải được tung tỏa ra bằng đường lối hay nhất. Nó chất chứa thứ năng lực khả thể lớn lao có thể tăng trưởng khi nó lan phát. Ở đây tôi đang nghĩ đến các giáo xứ, các hiệp hội giáo dân, các phong trào; đến các vị linh mục, tu sĩ, giáo lý viên và các cán sự trẻ trung. Tôi nghĩ rằng ở Đức một số rất lớn trong họ đã tham gia vào biến cố này. Tôi ước nguyện là đối với hết mọi người nó sẽ là một cơ hội thực sự tăng trưởng lòng mến yêu Chúa Kitô và Giáo Hội, và tôi xin tất cả mọi người hãy tiếp tục hợp tác, trong một tinh thần phục vụ mới, để cải tiến việc chăm sóc mục vụ cho giới trẻ.

 

Đa số người trẻ Đức quốc sống trong những hoàn cảnh về xã hội và kinh tế thoải mái, tuy nhiên cũng không thiếu những trường hợp khó khăn. Nơi tất cả mọi tầng lớp xã hội, giới trẻ xuất thân từ các gia đình bị đổ vỡ với con số càng ngày càng gia tăng. Vấn đề thất nghiệp nơi giới trẻ ở Đức tiếc thay cũng gia tăng. Ngoài ra nhiều con người nam nữ trẻ cảm thấy bị bối rối, thiếu những giải đáp thực sự cho các vấn đề của họ về ý nghĩa của sự sống và sự chết, về hiện tại và tương lai của họ. Nhiều ý nghĩ được xã hội tân tiên bày ra chẳng đi đến đâu, và nhiều giới trẻ cuối cùng đã sa vào tình trạng nghiện rượu và nghiện hút, hoặc bị rơi vào cạm bẫy của những nhóm cực đoan. Một số giới trẻ Đức quốc, nhất là ở phía Đông, bản thân chưa bao giờ được gặp gỡ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

 

Ngay cả ở những miền vốn theo truyền thống Công giáo, giáo huấn về đạo nghĩa và giáo lý không phải lúc nào cũng có thể hình thành những liên hệ bền chặt giữa giới trẻ và cộng đồng Giáo Hội đâu. Vì lý do này mà Giáo Hội ở Đức mới quyết tâm tìm những đường lối mới để vươn ra với giới trẻ hầu loan báo Chúa Kitô cho họ. Ngày Giới Trẻ Thế Giới, theo thành ngữ thân thương của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bao giờ cũng là một “phòng thí nghiệm” ngoại hạng cho vấn đề này.

 

Nó cũng là một phòng thí nghiệm của các ơn kêu gọi nữa, vì trong thời gian của mấy ngày này, Chúa sẽ không thôi làm cho lời mời gọi của Người được lắng nghe nơi tâm khảm của nhiều giới trẻ. Nó là một lời mời gọi dễ dàng lãnh nhận và thấm thía trong tâm hồn, nếu nó được cắm rễ sâu xa để nhờ đó sinh hoa kết trái tốt đẹp lâu bền. Bởi vậy mà nhiều chứng từ của giới trẻ và các đôi phối ngẫu trẻ cho thấy rằng cảm nghiệm về những cuộc gặp gỡ thế giới này, khi nó nở ra trong cuộc hành trình đức tin, nhận thức và phục vụ giáo hội, có thể dẫn đến những quyết định chín chắn đối với vấn đề hôn nhân, vấn đề sống đời tu sĩ, vấn đề phục vụ làm linh mục và thừa sai. Trước tình trạng thiếu hụt linh mục và tu sĩ, một tình trạng đang tiến đến những tỷ lệ thê thảm ở Đức quốc đây, tôi xin chư huynh, hỡi chư huynh thân mến, hãy tái cương quyết phát động việc chăm sóc mục vụ cho các ơn gọi, để tiến đến với các giáo xứ, các trung tâm giáo dục và các gia đình.

 

Việc chăm sóc mục vụ cho giới trẻ và ơn gọi thật sự có liên quan đến việc chăm sóc mục vụ cho gia đình. Tôi chẳng nói điều gì là mới mẻ khi tôi nhận định rằng gia đình ngày nay đang đương đầu với nhiều vấn đề và nhiều khó khăn. Tôi thiết tha kêu gọi chư huynh đừng thất đảm, song hãy tin tưởng thi hành việc dấn thân của mình trong vấn đề nâng đỡ các gia đình Kitô hữu. Mục tiêu chúng ta tìm kiếm đó là bảo đảm rằng các đôi phối ngẫu có thể hoàn thành sứ vụ của họ một cách trọn vẹn, nhất là sự vụ truyền bá phúc âm hóa cho trẻ em và giới trẻ.

 

Nơi giới trẻ, các hội đoàn và phong trào đóng một vai trò quan trọng, những hội đoàn và phong trào này chắc chắn là một phương tiện làm cho giới trẻ được phong phú rất nhiều. Giáo Hội cần phải trân quí chúng, đồng thời cần phải hướng dẫn chúng bằng sự khôn ngoan mục vụ, nhờ đó chúng sẽ góp phần một cách tốt đẹp nhất, qua những tặng ân khác nhau của chúng, vào việc xây dựng cộng đồng, không đụng độ nhau mà tôn trọng nhau cùng hoạt động với nhau để làm bừng lên nơi giới trẻ niềm vui của đức tin, lòng mến yêu Giáo Hội và lòng say mê với Vương Quốc của Thiên Chúa. Vì mục đích ấy những người có liên hệ với giới trẻ và cho giới trẻ cần phải trở thành những chứng nhân sống động cho Chúa Kitô và trung thành với giáo huấn của Giáo Hội. Cũng được áp dụng như thế vào lãnh vực giáo dục và giáo lý Công giáo: tôi tin tưởng rằng chư huynh sẽ cẩn trọng bảo đảm rằng những con người được chọn làm thày cô dạy về tôn giáo và những giáo lý viên là những người được huấn luyện kỹ lưỡng và trung thành với huấn quyền của Giáo Hội. Một phương trợ hữu dụng cho việc dấn thân đào luyện thế hệ trẻ này chắc chắn sẽ là cuốn Tổng Tắt Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, một cuốn sách thu thập và tổng hợp tất cả mọi yếu tố chính yếu của đức tin và luân lý Công giáo bằng một ngôn ngữ rõ ràng và dễ hiểu.

 

Chư huynh trong hàng giáo phẩm thân mến, nếu Chúa muốn sẽ có những cơ hội khác để đi sâu hơn nhiều vấn đề cần đến việc chăm sóc mục vụ của chư huynh cũng như của tôi. Trong dịp này, tôi muốn chia sẻ với chư huynh về sứ điệp của cuộc hành trình cao cả này của giới trẻ. Tôi dường như cảm thấy rằng, tận cùng của cảm nghiệm này, đó là giới trẻ muốn nói với chúng ta rằng: “Chúng tôi đã đến bái thờ Người. Chúng tôi đã tìm thấy Người. Giờ đây xin hãy giúp chúng tôi trở thành môn đệ và chứng nhân của Người”.

 

Đó là một lời kêu gọi gay go, thế nhưng an ủi nhiều biết mấy đối với tấm lòng của một vị mục tử! Chớ gì hình ảnh về những ngày đầy hy vọng ở Cologne đây bảo trì thừa tác vụ của chư huynh, thừa tác vụ của chúng ta. Tôi xin cống hiến cho chư huynh những lời nồng nàn khích lệ cùng với lời yêu cầu thiết tha theo tình huynh đệ là hãy sống và hoạt động với nhau trong hiệp nhất, theo mối hiệp thông có tột đỉnh của nó và nguồn mạch vô tận của nó nơi Thánh Thể. Trao phó chư huynh cho Đức Maria Rất Thánh, Mẹ của Chúa Kitô và của Giáo Hội, tôi thân ái ban cho mỗi chư huynh cũng như cho tất cả mọi cộng đồng của chư huynh phép lành tòa thành đặc biệt.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 21/8/2005

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ