GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 28/8/2005

TUẦN 22 QUANH NĂM

 

1) ĐTC Biển Đức thẳng thắn về vấn đề Đại Kết Kitô Giáo với Tin Lành Đức Quốc: "Xin tha lỗi cho tôi nếu tôi đã bày tỏ ý nghĩ riêng tư; tôi cho rằng cần phải làm như thế”….".

2) Đức Biển Đức XVI với Cuộc Khủng Hoảng Văn Hóa Âu Châu qua nhận định của Hồng Y Joseph Ratzinger ngay trước khi Cố Giáo Hoàng GPII qua đời

3) Người Khách … Nửa Đêm Về Sáng

 

   

 

ĐTC Biển Đức thẳng thắn về vấn đề Đại Kết Kitô Giáo với Tin Lành Đức Quốc: "Xin tha lỗi cho tôi nếu tôi đã bày tỏ ý nghĩ riêng tư; tôi cho rằng cần phải làm như thế”….".

Trong hai bản văn về bài ĐTC Biển Đức XVI ngỏ cùng thành phần anh chị em Tin Lành Đức Quốc dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX được mạng điện toán toàn cầu Zenit phổ biến hôm 19/8/2005 và sau đó phổ biến lại vào ngày 26/8/2005, có những chỗ vừa dư vừa thiếu. Cuối mỗi bài đều có những hàng chữ


[Translation of German original issued by the Vatican press office] hay [Translation of German original by the Vatican press office], tức “bài chuyển dịch từ nguyên Đức ngữ của văn phòng báo chí Tòa Thánh Vatican”. Tuy nhiên, đọc bài được phổ biến lần thứ hai, người dịch bản Việt ngữ của thoidiemmaria.net thấy được trong những điều không có trong bản văn trước có những điểm rất quan trọng, được ĐTC Biển Đức vừa nói thẳng vừa nói mạnh, (và cũng có thể, theo người dịch, vì tính cách tế nhị của vấn đề nên các điểm ấy không nên phổ biến hay chăng?). Thật vậy, sau đây là đoạn quan trọng. Trong bản văn trước, đoạn văn ấy thế này:

“Ở đây tôi không có ý vạch ra một chương trình cho những đề tài trực tiếp liên quan tới vấn đề đối thoại - công việc này thuộc về các thần học gia làm việc bên cạnh các vị giám mục. Tôi chỉ muốn nhận định rằng: các vấn đề về Giáo Hội học, nhất là vấn đề thừa tác vụ thánh hay thiên chức linh mục, là những gì liên kết bất khả phân ly với vấn đề về mối liên hệ giữa Thánh Kinh và Giáo Hội, tức là việc giải thích xác thực Lời Chúa cùng với việc phát triển của việc giải thích này trong đời sống của Giáo Hội”.

Nhưng trong bản văn sau, đoạn văn ấy không có những chỗ in nghiêng trên đây, thay vào đó là những điểm quan trọng mà tôi thấy là ĐTC đã đi thẳng vào vấn đề, không úp mở, những vấn đề cần phải vượt qua mới có thể đi tới mối hiệp nhất trọn vẹn hữu hình như Giáo Hội Công Giáo mong ước. Nguyên văn đoạn văn quan trọng này như sau:

“Ở đây tôi không có ý vạch ra một chương trình cho những đề tài trực tiếp liên quan tới vấn đề đối thoại - công việc này thuộc về các thần học gia làm việc bên cạnh các vị giám mục: các thần học gia, theo kiến thức của họ về vấn đề; các vị giám mục, theo kiến thức của các vị về tình hình cụ thể trong Giáo Hội ở xứ sở chúng ta cũng như trên thế giới.

“Xin cho tôi được nêu lên một nhận định nhỏ: giờ đây vấn đề được cho là sau việc làm sáng tỏ tín lý về việc công chính hóa thì việc soạn thảo kỹ lưỡng về các vấn đề giáo hội học cùng những vấn đề liên quan đến thừa tác vụ vẫn là những trổ ngại chính cần phải được thắng vượt. Tóm lại thì đúng như thế, nhưng tôi cũng cần phải nói rằng tôi không thích kiểu dùng chữ này, một thuật dụng ngữ, theo một quan điểm nào đó đã phân định vấn đề ấy, vì nó như thể giờ đây chúng ta cần phải tranh luận về các thứ cơ chế thay vì Lời Chúa, như thể chúng ta cần phải đặt trọng tâm vào các thứ cơ chế của chúng ta và phải tranh đấu cho các cơ chế ấy. Tôi nghĩ rằng như thế thì vấn đề giáo hội học cũng như vấn đề ‘thừa tác vụ’ không được hành sử một cách đúng đắn.

"Vấn đề thực sự này là vấn đề hiện diện của Lời Chúa trên thế giới đây. Trong thế kỷ thứ hai, Giáo Hội sơ khai thực sự đã thực hiện một quyết định tam diện: thứ nhất, thiết lập một sổ bộ, nhờ đó nhấn mạnh đến tính chất chủ trị của Lời Chúa và giải thích rằng không phải chỉ có Cựu Ước mới là ‘hai graphai’ mà cùng với Tân Ước kiến tạo nên một Thánh Kinh duy nhất là những gì, bởi thế, đối với chúng ta là cuốn sách chính yếu.

"Tuy nhiên, Giáo Hội đồng thời cũng hình thành việc tông truyền, tức thừa tác vụ của hàng giáo phẩm, với ý thức là Lời Chúa và chứng nhân đi liền với nhau; tức là, Lời Chúa sống động và hiện diện có thể nói chỉ nhờ có chứng nhân, và nhận lãnh từ chứng nhân ấy lời dẫn giải về mình. Tuy nhiên, chứng nhân chỉ có thể gây tác dụng như vậy nếu họ làm chứng cho Lời Chúa.

"Nhận định thứ ba cũng là nhận định cuối cùng, đó là Giáo Hội đã thêm đến qui luật đức tin ‘regula fidei” như là cái then chốt trong việc giải thích Lời Chúa nữa. Tôi tin rằng việc cùng thấu nhập Lời Chúa một cách hỗ tương này đã trở thành đối tượng bất hòa giữa chúng ta, cho dù chúng ta chắc chắn liên kết về những điều nống cốt.

"Bởi thế, khi chúng ta nói về giáo hội học và về thừa tác vụ tốt nhất chúng ta cần phải bao gồm Lời Chúa, chứng từ và qui luật đức tin, và coi cái bao gồm này như là vấn đề về giáo hội học, và bởi thế như là vấn đề về Lời Chúa, về chủ quyền cùng sự khiêm nhượng của Người, vì Chúa đã ký thác Lời của Người, cùng trao nhượng việc cắt nghĩa Lời Người, cho các chứng nhân, thành phần dù sao bao giờ cũng phải tương xứng với ‘qui luật đức tin - regula fidei’ cũng như với tính cách nguyên tuyền của Lời Chúa. Xin tha lỗi cho tôi nếu tôi đã bày tỏ ý nghĩ riêng tư; tôi cho rằng cần phải làm như thế”….

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
 

TOP

 

Đức Biển Đức XVI với Cuộc Khủng Hoảng Văn Hóa Âu Châu qua nhận định của Hồng Y Joseph Ratzinger ngay trước khi Cố Giáo Hoàng GPII qua đời

 

(tiếp 31/7 Chúa Nhật 1/8 Thứ Hai)

 

Chủ Nghĩa Minh Tri: Động Lực Chối Bỏ Thiên Chúa cùng Căn Tính Kitô Giáo

 

Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn đến cái tương phản này nơi hai nền văn hóa đã làm nên tính chất của Âu Châu. Trong cuộc tranh luận về Lời Ngỏ của Bản Hiến Pháp Âu Châu, cái tương phản này có hai điểm được bàn cãi, đó là vấn đề nói đến Thiên Chúa trong Bản Hiến Pháp và vấn đề đề cập tới căn gốc Kitô giáo của Âu Châu. Nếu ở khoản 52 của Bản Hiến Pháp này các quyền lợi theo hiến pháp của các Giáo Hội được bảo đảm thì nói được là chúng ta có thể an tâm.

 

Thế nhưng, điều này có nghĩa là nơi đời sống Âu Châu, các Giáo Hội có được một chỗ đứng ở lãnh vực dấn thân của chính trị, nhưng nơi lãnh vực về nền tảng của Âu Châu, đặc tính của châu lục này không có chỗ đứng. Những lý do được viện dẫn nơi cuộc công khai tranh luận này về vấn đề “không” rõ ràng ấy là những gì nông nổi, nó cho thấy rõ ràng là thay vì nói lên cái động lực thực sự của mình thì những lý do ấy lại giấu diếm nó đi. Việc khẳng định là việc đề cập tới căn gốc Kitô giáo của Âu Châu là những gì làm tổn thương tới các cảm quan của nhiều người không phải là Kitô hữu ở Âu Châu không phải là lý do rất chính đáng, ở chỗ, trước hết, nó liên quan tới một sự kiện lịch sử không ai có thể nghiêm chỉnh chối cãi.

 

Bình thường thì việc đề cập về lịch sử này có liên quan tới hiện tại. Việc đề cập đến những căn gốc ấy bao hàm cả việc xác định nữa những mạch nguồn chất chứa của chiều hương luân lý, moat chiều hướng là yếu tố của căn tính Âu Châu. Ai là người sẽ bị xúc phạm đây? Căn tính của ai bị đe dọa đây?

 

Những người Hồi giáo, thành phần về vấn đề này thường muốn cho những căn tính ấy vào Bản Hiến Pháp, không cảm thấy bị đe dọa bởi những nền tảng Kitô giáo về luân lý của chúng ta, thế nhưng, nó lại bị đe dọa bởi tính chất hoài nghi của một thứ văn hóa tục hóa chối bỏ chính căn gốc của mình. Cả người anh em Do Thái của chúng ta nữa cũng không bị xúc phạm bởi việc qui chiếu về các căn gốc Kitô giáo của Âu Châu, vì những căn gốc này trở về với Núi Sinai. Chúng mang dấu hiệu của một tiếng nói đã vang lên ở ngọn núi này của Thiên Chúa và liên kết với chúng ta theo những chiều hướng hết sức sâu xa được Bản Thập Điều cống hiến cho nhân loại. Điều này cũng đúng nữa đối với việc đề cập tới Thiên Chúa, ở chỗ, việc không đề cập tới Thiên Chúa chẳng những là việc xúc phạm tới những ai thuộc về các tôn giáo khác, mà còn là một nỗ lực muốn xây dựng cộng đồng nhân loại hoàn toàn không có Thiên Chúa.

Những động lực liên quan đến cái “không” lưỡng diện này là những gì sâu xa hơn người ta có thể nghĩ đến những lý do được viện dẫn. Chúng cho rằng chỉ có thứ văn hóa thực sự của chủ nghĩa Minh Tri, một thứ văn hóa đã đạt đến mức hoàn toàn phát triển trong thời đại của chúng ta đây, mới có thể làm nên căn tính Âu Châu. Nhờ đó các nền văn hóa về tôn giáo khác nhau cùng với những quyền lợi tương xứng mới có thể đồng hiện hữu bên cạnh thứ văn hóa Minh Tri ấy, với điều kiện và ở mức độ chúng tôn trọng các qui chuẩn của văn hóa Minh Tri và phụ thuộc vào văn hóa Minh Tri.

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 26-27/7/2005 

 

 TOP

 

Người Khách … Nửa Đêm Về Sáng

 

Ngày Thánh Mẫu XXVIII (1978-2005) do Chi Dòng Đồng Công tổ chức vào thời khoảng 4-7/8/2005 vẫn đông như mọi năm. Tuy nhiên, giống như năm ngoái, năm nay thời tiết cũng hơi đặc biệt. Năm ngoái, ba ngày chính, Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy có những trận mưa nửa đêm về sáng, làm cho nhiều người cảm thấy lạnh lẽo, không ngủ được, vì không ngờ khí hậu cần đến áo ấm khác với mọi năm đầy nóng bức.

 

Năm nay, trời mưa nửa tiếng trước giờ khánh thành Đồi Canvê được dự trù theo chương trình vào 4 giờ 30 chiều. Thứ Sáu, trời mát như lưỡng lự muốn mưa mà không đành, giúp cho việc cử hành Đường Thánh Giá kính Lòng Thương Xót Chúa trong Năm Thánh Thể (10/2004-2005) do Liên Đoàn Thiếu Nhi Fatima TGP/LA, được thập phần thuận lợi; bằng không, với những bộ hóa trang nóng bức mặc suốt 6 tiếng liền (từ 11 giờ sáng tới 5 giờ chiều), gặp trận mưa nhẹ như ngày hôm trước, các em sẽ bị cảm rất nặng vì mồ hôi tắm mưa, và nếu gặp trận mưa ngày hôm sau thì chắc chắc những em đóng những bộ đồ lính La Mã đầy những thứ kim loại sắt trên đầu (ở mũ) và thân (ở áo) nhất định sẽ khó lòng mà thoát được bị sét đánh. Thứ Bảy, vào lúc sau 5 giờ chiều một chút, sau vũ hoa dâng Mẹ mở đầu và ngay khi cuộc Cung Nghinh Mẹ được tiến hành, chưa kịp ra khỏi cổng thì trời đổ mưa tới tấp, kéo dài cả 1 tiếng rưỡi đồng hồ, có lúc nắng lên sáng ngời mà mưa vẫn cứ nặng hạt tuôn xuống, chớp vẫn cứ không ngừng tung tóe trên bầu trời, đến nỗi có 4 người bị sét đánh, trong đó có một người được trực thăng chở đi nhà thương, và cuộc cung nghinh Mẹ đành phải  bãi bỏ (lần thứ hai trong lịch sử Ngày Thánh Mẫu Missouri, lần đầu vào năm 1989, và cả hai lần đều trùng hợp với sự có mặt của ĐTGM Saint Louis ở Missouri). Tuy nhiên, Thánh Lễ Đại Trào vẫn tiếp tục đúng như dự định, chỉ sớm hơn 15 phút.

 

Trận mưa tầm tã chiều tối Thứ Bảy này, còn hơn cả chiều Thứ Năm, đã làm cho các lều bán kỷ vật ngập lụt. Thế nhưng, sau Thánh Lễ Đại Trào, vào khoảng 9 giờ tối, các quán kỷ vật lại thay nhau mở ra để tiếp tục công việc gây quĩ của mình, vớt vát những giây phút cuối cùng của Ngày Thánh Mẫu 2005. Quầy kỷ vật của Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống (www.tinmungsusong.org) cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, hai chúng tôi vừa bán vừa thu dọn, vì nghĩ rằng cũng chẳng được bao nhiêu nữa. Vào khoảng 12 giờ đêm, khi gần thu xong mọi sự, sách vở cũng đã cho vào thùng gần hết, chỉ còn mấy loại sách khác nhau chưa kịp thu và một số CD vậy thôi, thì người khách cuối ngày xuất hiện, đứng lật lật mấy cuốn sách còn nằm trên bàn. Tôi nghĩ rằng chắc anh chàng chạc tam thập nhi lập này cũng chỉ đứng trong giây lát rồi đi, để chúng tôi thu cho xong, sau đó còn đi ăn đêm, ngủ nghỉ, sáng còn lên đường về cho kịp chương trình nghỉ hè sau đó. Ai ngờ đâu, chính vào giây phút ấy, trong ý định của Đấng Quan Phòng Thần Linh, tôi đã được gặp một người khách cuối ngày có tâm hồn nửa đêm về sáng.

 

Đúng thế, câu truyện được mở đầu bằng câu hỏi của con người cho đến nay tôi vẫn chưa biết tên ấy:

 

-  Nhà xuất bản này ở đâu vậy?

 

Anh vừa hỏi vừa chỉ vào hai tác phẩm, đó là cuốn “Mạch Nước Vọt Lên Sự Sống Đời Đời”, một tác phẩm gồm có 33 bài giáo lý về Chúa Thánh Thần, và cuốn “Là Tất Cả Trong Mọi Sự”, một tác phẩm gồm 36 bài giáo lý về Chúa Cha, cả hai loạt bài giáo lý chủ đề về 2 Ngôi Thiên Chúa này đều của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II do tôi tuyển dịch, và đều được nhà xuất bản, nơi được người khách cuối cùng của quán kỷ vật Tin Mừng Sự Sống này hỏi, phát hành cho tôi, một cuốn vào đầu năm 1998, Năm Kính Chúa Thánh Thần, và cuốn kia vào cuối năm 1998 này, để hướng về năm 1999, Năm Kính Chúa Cha, tức vào giữa thời khoảng 3 năm Giáo Hội Hoàn Vũ đang sửa soạn gần để long trọng Mừng Đại Năm Thánh 2000. Tôi đã thành thực cho người khách về khuya này biết nơi chốn của nhà xuất bản. Đâu ngờ, sau đó, tôi đã nghe anh ta cho biết rằng anh cảm thấy “không có cảm tình” với nhà xuất bản này. Chưa kịp hỏi lý do tại sao thì anh ta đã bày tỏ cho biết rằng anh ta đã đọc một cuốn sách của nhà xuất bản ấy, cuốn sách mang tựa đề “Chân Dung Đức Kitô”, và anh ta thấy rằng tác giả cuốn sách này đã không công nhận phép bánh hóa ra nhiều của Chúa Kitô, ở chỗ, tác giả cho rằng, thực phẩm được Phúc Âm cho là bánh hóa ra nhiều ấy là của dân mang theo bỏ ra ăn mà thôi.

 

Thật ra tôi chưa hề đọc tác phẩm này, nhưng biết ai viết, và vì thế cũng không lạ gì chi tiết được người độc giả trẻ trung ấy đặt ra. Tuy nhiên, tôi đã không đả động gì tới nội dung hay tác giả của cuốn sách, mà chỉ nói tổng quát đến vấn đề phép in của giáo quyền thôi. Tôi cho người khách cuối cùng này biết rằng, theo Giáo Luật mới thì vấn đề kiểm duyệt sách vở không còn ngặt như trước nữa. Có những cuốn sách buộc phải kiểm duyệt, như những loại sách dịch về Thánh Kinh, Phụng Vụ, Giáo Lý hoặc các thứ sách giáo khoa về tín lý thần học v.v. Ngoài ra, những loại sách khác về tu đức hay suy tư thần học, như cuốn sách được anh ta đề cập tới, không buộc phải kiểm duyệt nữa, vì dù sao cũng là những nhận thức cá nhân thôi, tuy nhiên, nếu có gì trục trặc, giáo quyền vẫn can thiệp thẳng tay. Vả lại, thành phần độc giả tìm đọc những loại sách này, nhất là thành phần độc giả Việt Nam, cũng hiếm thấy và cần phải có kiến thức, “chẳng hạn như trường hợp của anh”, nên cũng dễ thấy được đâu là vấn đề cần phải lưu ý.

 

Sau khi nghe tôi đối đáp như thế, anh đã lấy hai tác phẩm dịch thuật trên đây của tôi, được phát hành bởi nhà xuất bản anh vốn không có cảm tình, xếp vào một chỗ. Thấy anh muốn mua hai cuốn đó, tôi liền mời anh mua cặp tác phẩm về nhị vị Giáo Hoàng, đó là cuốn “Đức Gioan Phaolô II: Sống là Chúa Kitô – Chết là Vinh Thắng!” (267 trang), và cuốn “Giáo Hoàng Biến Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của Hiệp Nhất Kitô Giáo và cho Một Tân Âu Châu” (236 trang), hai cuốn sách mà chính tôi cũng không ngờ đã hoàn tất quá nhanh như thế, ngay trong Tháng Tư 2005 (ngày 30), thời điểm qua đời của vị cố giáo hoàng vào đầu tháng (2/4), và cũng là thời điểm được tuyển bầu của đức tân giáo hoàng vào giữa tháng (19/4), và đã được phát hành vào ngày 13/5//2005. Tuy nhiên, người khách cuối cùng của chúng tôi trong Ngày Thánh Mẫu 2005 không bao giờ quen được này đã bất ngờ đặt vấn đề liên quan đến đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II. Theo anh ta thì hiện tượng quá nổi nang của vị giáo hoàng này có thể làm lu mờ đi vị trí của Giáo Hội, vì người ta chỉ chú ý tới con người của vị giáo hoàng này mà thôi. Nghe thấy thế, tôi liền vừa vào hùa với anh vừa nhờ đó kéo anh ra khỏi tâm tưởng hết sức nguy hại của anh như sau:

 

-  Vấn đề anh đặt ra cũng giống như vấn đề một số người vẫn đặt ra liên quan đến Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Những người ấy đặt vấn đề là tại sao chỉ cầu nguyện với Chúa Giêsu hay chỉ tập trung vào Chúa Giêsu thôi, mà không lưu ý mấy tới Chúa Cha và Chúa Thánh Thần? Hay tại sao cứ phải lần hạt Mân Côi vì kinh này chú trọng tới Đức Mẹ hơn là Chúa Kitô? Thế nhưng, vấn đề không phải như vậy. Trước hết, về vấn đề Chúa Giêsu nổi nhất trong Ba Ngôi, chúng ta không nên đặt vấn đề kỳ thị như thế, bằng không, chúng ta cho rằng Ba Ngôi không phải là một Thiên Chúa chân thật duy nhất; vì một khi chúng ta đến với Chúa Giêsu là chúng ta đến với Chúa Cha, bởi Chúa Giêsu đã khẳng định rằng “không ai đến được với Cha mà không qua Thày” (Jn 14:6), và “Cha Tôi và Tôi là một” (Jn 10:30), và việc chúng ta đến được với Chúa Giêsu là do Thánh Thần làm trong chúng ta, như Thánh Phaolô Tông Đồ đã khẳng định: “Nếu không có Thánh Thần, không ai có thể nói Chúa Giêsu là Chúa” (1Cor 12:3), và “ai không có Thần Linh của Chúa Kitô thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8:9). Sau nữa, về vấn đề Kinh Mân Côi chú trọng tới Mẹ Maria hơn là Chúa Kitô, nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa của Kinh Mân Côi chúng ta sẽ không đặt vấn đề như thế. Bởi vì, Kinh Mân Côi có hai phần, khẩu nguyện (được ví như thân xác) và tâm nguyện (được ví như linh hồn): khẩu nguyện chính yếu là Kinh Kính Mừng, và tâm nguyện chính yếu là Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Thân xác chỉ là một tử thi nếu không có linh hồn thế nào thì cầu Kinh Mân Côi mà không suy ngắm Mầu Nhiệm Chúa Kitô cũng thế. Chúng ta đọc kinh “Kính Mừng” là chúng ta chúc tụng Mẹ Maria “đầy ơn phúc”, nhưng Mẹ đầy ơn phúc chẳng những vì Mẹ được “Thiên Chúa ở cùng”, tức được Ngài thương yêu trên hết mọi tạo vật, mà còn vì Mẹ đã tin (xem Lk 1:45), đã nghe và giữ Lời Chúa (xem Lk 11:28). Bởi thế, mỗi lần chúng ta đọc Kinh Kính Mừng là chúng ta cùng với Mẹ Maria tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Kitô, chẳng hạn tin rằng thai nhi trong lòng Mẹ (Mầu Nhiệm Vui thứ nhất và hai) hay hài nhi trong máng cỏ (Mầu Nhiệm Vui thứ ba) chính là Vị Thiên Chúa hóa thân làm người, nhất là tin rằng nhân vật Giêsu Nazarét bị khổ nạn và tử giá (Mầu Nhiệm Thương)  chính là Con Thiên Chúa v.v. Đó là lý do Đức Gioan Phaolô II đã định nghĩa việc lần hạt Mân Côi là cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô.

 

Chắc thấm thía những điều tôi chia sẻ, người khách cuối cùng này chẳng những lấy hai cuốn sách về nhị vị giáo hoàng được tôi giới thiệu chồng lên hai cuốn sách trước, tỏ ý sẽ mua cả 4 cuốn ấy, mà còn bắt đầu từ từ hé mở cho tôi thấy tâm hồn nửa đêm về sáng của anh. Anh tâm sự với tôi rằng anh rất muốn đến với Chúa, bằng việc cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng hằng ngày, nhưng hình như càng muốn đến gần Chúa thì càng bị cám dỗ, nhất là về đức trong sạch, trong khi đọc kinh. Tôi vừa tỏ ra thông cảm vừa phấn khích anh như thế này. “Ai khao khát nhân đức trọn lành ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no thỏa vậy”. Việc anh tiếp tục cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng mỗi ngày là việc anh tỏ ra khao khát Chúa, tìm kiếm Chúa và muốn đến với Chúa, nhất là trong lúc anh bị cám dỗ mà vẫn không bỏ lại càng chứng tỏ cái thực tình thành tâm của anh, chắc chắn Chúa sẽ làm cho anh được mãn nguyện. Nguyên việc anh còn trung thành cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng cho tới nay cũng là ơn Chúa ban cho anh…

 

Tôi chưa nói hết lời thì anh tiết lộ thêm về chước cám dỗ anh chịu đựng càng ngày càng kinh khủng là chừng nào. Anh nói, trước đây, nhìn một người nữ, anh chỉ bị thu hút bởi nhan sắc của họ mà thôi; nhưng gần đây, nhìn họ, anh còn thấy được tất cả thân xác của họ nữa. Lần này, càng thông cảm với anh, tôi cảm thấy cần phải nâng đỡ tâm hồn nửa đêm về sáng này bằng một dụ ngôn của Chúa Giêsu, rất thích hợp với tình trạng tâm hồn của anh, đó là dụ ngôn thần ô uế xuất nhập tâm hồn con người ta (xem Lk 11:24-26)). Tôi nói với người khách cuối cùng đã tâm sự với tôi hơn nửa tiếng này rằng:

 

-  Ma quỉ không dễ dàng buông tha con mồi của mình đâu. Tâm trạng của anh làm tôi nhớ đến dụ ngôn Chúa Giêsu nói về tình trạng thần ô uế ra khỏi con người kia, nó đi lang thang trong hoang địa, không tìm được chỗ của mình, nó liền quay về với con người hắn đã bỏ đi ấy, thấy ngôi nhà tượng trưng cho tâm hồn của con người ấy đã đuợc dọn dẹp gọn ghẽ và sạch sẽ, nó liền đi rủ thêm 7 tên quỉ khác còn dữ hơn nó về ngôi nhà ấy và làm cho ngôi nhà ấy trở thành tệ hơn trước nữa. Tâm hồn của anh hiện nay cũng thế, tôi nghĩ, anh càng khao khát Chúa, càng dọn dẹp tâm hồn của anh cho gọn ghẽ và sạch sẽ, bằng cách xa lìa chúng và sống đạo đức hơn, thì thần ô uế là các tính mê nết xấu trước đây của anh lại càng lộ mặt và vùng vẫy, nếu anh mạnh tay thì cái vùng vẫy của chúng sẽ là cử chỉ giẫy chết,  bằng không, nếu anh hoảng sợ bỏ chạy thì cái vùng vẫy đó là một cuộc cách mạng vô cùng nguy hiểm và sẽ làm cho tâm hồn của anh trở nên tệ hại hơn trước nữa, đúng như lời Chúa Giêsu khẳng định. Có tâm hồn ở vào trường hợp như anh còn bị cám dỗ cả về đức trong sạch với chính Đức Mẹ nữa kìa…

 

-  Đúng thế, (người khách cuối cùng vào lúc nửa đêm về sáng của tôi ấy chặn lời tôi). Có một lần em lau chùi tượng ảnh Đức Mẹ, em đã bị cám dỗ như thế, đến nỗi em không dám rước lễ nữa.

 

-  Dầu sao đó cũng chỉ là chước cám dỗ thôi chứ chưa phải là tội lỗi. Nếu anh cương quyết chống trả, anh chẳng những không phạm tội mà còn lập công nữa là đằng khác. Cứ bám lấy Đức Mẹ. Trong bữa tiệc cưới Cana, đôi tân hôn và chủ tiệc không hề biết mình rơi vào tình trạng thiếu rượu, thế mà, Mẹ cũng đã tự động giải quyết tất cả mọi sự cho họ cách tốt đẹp. Nếu chỉ cần có sự hiện diện của Mẹ thì Mẹ sẽ làm việc của Mẹ như thế, thì việc chúng ta chạy đến kêu cầu Mẹ, xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta được thoát khỏi chước cám dỗ và sống đẹp lòng Chúa, chẳng nhẽ Mẹ lại bỏ rơi chúng ta hay sao?

 

-  Rất tiếc không có nhiều giờ tâm sự với anh, (vừa nói anh ta vừa giơ tay ra bắt lấy tay tôi một cách thân tình), bằng không chúng ta sẽ nói chuyện thâu đêm tới sáng. Thật là một cuộc chia sẻ rất hay và hữu ích…

 

Nói xong, người khách cuối cùng này đòi mua tất cả các thứ sách khác tôi đã bỏ vào thùng sách, tổng cộng gần 20 cuốn, kể cả hai bộ CD, một về Kinh Mân Côi (2 CD) được Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống thực hiện và phát hành cuối năm Mân Côi (10/2002-2003), và một về Lòng Thương Xót Chúa (3CD) cũng do nhóm anh chị em chủ trương Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống thực hiện và phát hành trong Năm Thánh Thể (10/2004-2005). Tôi nói với người khách cuối cùng có tâm hồn nữa đêm về sáng này rằng nếu sau này có cần liên lạc với nhau thì cứ theo địa chỉ email ở trong hai bộ CD ấy. Nhưng anh đã cho biết cả 4 tháng nay anh đã không xem TV và vào Internet. Thì ra, theo tôi, để chống trả với chước cám dỗ về tình dục, tâm hồn nửa đêm về sáng của người khách cuối cùng này đã từ bỏ cả những phương tiện truyền thông hiện đại nhất… Anh quả thực đã thực hiện đúng như lời Chúa Giêsu khuyên dạy: “Nếu mắt phải của các con gây rắc rối cho các con thì hãy móc nó đi! Thà mất một phần thể còn hơn đầy đủ mà lại bị quẳng vào hỏa ngục” (Mt 5:29).

 

Khi người khách cuối cùng này đã rời quán kỷ vật của Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống của chúng tôi lúc đồng hồ chỉ 1 giờ sáng Chúa Nhật 7/8/2005, ngày Giáo Hội long trọng cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô hằng tuần. Xin cùng với Mẹ Maria “ngợi khen” Chúa đã làm những việc lạ lùng nơi các tâm hồn (xem Lk 1:46,49), như Ngài đã đưa tâm hồn của người khách nửa đêm về sáng của tôi trong Ngày Thánh Mẫu 2005 “đi từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng” (1Pt. 2:9).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ