GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 1/9/2005,

NGÀY THÁNH THỂ

 

1) Ý chỉ của ĐTC trong Tháng 9/2005

2) Không Có Thánh Thể cũng Chẳng Có Giáo Hội?

3) Khối Công Đoàn Balan mừng kỷ niệm thành lập 25 năm: Lời kêu gọi của Vị Sáng Lập Walesa

4) Đức Gioan Phaolô II là vị  đã phấn khích Khối Công Đoàn Balan chiến đấu bất bạo động

5) Khối Công Đoàn Balan mừng kỷ niệm thành lập 25 năm: Sứ điệp của ĐTC Biển Đức

   

 

 

Ý chỉ của ĐTC trong Tháng 9/2005

 

Ý Chung: “Xin cho quyền tự do tôn giáo được chính quyền của tất cả mọi dân nước tôn trọng”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho việc loan báo sứ điệp Kitô giáo ở các Giáo Hội mới được bảo đảm bằng việc làm cho sứ điệp này ăn sâu vào các nền văn hóa hiện đại”.

  

 

TOP

 

Không Có Thánh Thể cũng Chẳng Có Giáo Hội?

Nếu Giáo Hội là Gia Đình Thiên Chúa (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium 6, 28, 50; Sắc Lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes 1; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes 32, 40, 92), là Nhiệm Thể Chúa Kitô (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium 7, 14, 17, 30, 33, 39, 43, 48, 52; Sắc Lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio 2; Sắc Lệnh về Canh Tân Đời Sống Tu Trì Perfectae Caritatis 1; Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem 2; Sắc Lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes 5, 7, 16, 38, 39; Sắc Lệnh về Linh Mục Presbyterorum Ordinis 1-2, 5, 6, 8, 15, 22; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes 32), là Dân Chúa Lữ Hành (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium 9-17; Sắc Lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes 13-14), thì Giáo Hội hiện hữu sẽ không đầy đủ, phát triển và vững tiến nếu không có Thánh Thể. Vì Thánh Thể là Bữa Tiệc cho Gia Đình Thiên Chúa, là Máu Huyết tràn đầy Thần Linh nơi Nhiệm Thể Chúa Kitô, và là Sinh Lực cho Dân Chúa Lữ Hành.

Thánh Thể là Bữa Tiệc cho Gia Đình Thiên Chúa: “Hiệu năng cứu độ của hiến tế này được hoàn toàn hiện thực khi lãnh nhận mình máu Chúa lúc hiệp lễ. Hiến Tế Thánh Thể tự bản chất nhắm đến việc hiệp nhất nội tâm của tín hữu với Chúa Kitô qua việc hiệp lễ; chúng ta lãnh nhận chính Đấng đã hiến mình cho chúng ta, chúng ta lãnh nhận thân thể Người đã trao nộp cho chúng ta trên Thập Giá cũng như lãnh nhận máu Người ‘đã đổ ra cho nhiều người được tha tội’ (Mt 26:28). Chúng ta được lời Người nhắc nhớ rằng: ‘Như Cha hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống bởi Cha thế nào, thì ai ăn Tôi cũng sẽ sống bởi Tôi như vậy’ (Jn 6:57). Chính Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta rằng việc hiệp nhất này, một thứ hiệp nhất được Người so sánh với việc hiệp nhất sự sống Ba Ngôi, được thực sự thể hiện. Thánh Thể thực sự là một bữa tiệc Chúa Kitô đã tự hiến mình làm của dưỡng nuôi chúng ta”. (Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, 16);

Thánh Thể là Máu Huyết tràn đầy tặng ân Thần Linh nơi Nhiệm Thể Chúa Kitô: “Trong Sách Lễ Rôma, vị chủ tế nguyện rằng: ‘Xin ban cho chúng con là những kẻ được nuôi dưỡng bởi mình máu Người được tràn đầy Thánh Thần của Người, và được trở nên một thân thể, một tinh thần duy nhất trong Chúa Kitô’ (Kinh Nguyện Thánh Thể III). Như thế, nhờ tặng ân mình máu của Người, Chúa Kitô làm tăng lên trong chúng ta tặng ân Thần Linh của Người đã được tuôn đổ xuống trên chúng ta qua Phép Rửa cũng như đã được ban xuống cho chúng ta như “dấu ấn” qua bí tích Thêm Sức” (Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, 17).

Thánh Thể là Sinh Lực cho Dân Chúa Lữ Hành: “Thành quả đáng kể của chiều kích cánh chung chất chứa nơi Thánh Thể còn ở sự kiện là Thánh Thể thúc đẩy chúng ta tiến bước lữ hành qua giòng lịch sử và gieo một mầm mống hy vọng sống động nơi việc dấn thân hằng ngày của chúng ta đối với công việc trước mắt. Nhãn quan Kitô giáo bao giờ cũng dẫn đến niềm trông đợi ‘trời mới’ và ‘đất mới’ (Rev 21:1), thế nhưng nhãn quan này thay vì làm suy yếu lại làm tăng thêm cảm quan trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới hôm nay (Cf. Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes, 39)”. (Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, 20).

Chính vì Chúa Giêsu đã thiết lập Thánh Thể là vì sự tồn tại của Giáo Hội và cho sự phát triển của Giáo Hội như thế mà Giáo Hội ý thức được rằng Thánh Thể là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Giáo Hội: “Công Đồng Chung Vaticanô II đã có lý công bố rằng hy tế Thánh Thể là ‘nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo’ (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 11). ‘Vì Bí Tích Thánh Thể tuyệt hảo chất chứa tất cả nguồn phong phú linh thiêng của Giáo Hội đó là chính Chúa Kitô, cuộc vượt qua và là bánh sự sống của chúng ta. Bằng xác thịt của mình, một xác thịt giờ đây được Thánh Linh làm cho sống động và ban sự sống, Người cống hiến sự sống cho con người’ (Sắc Lệnh về Linh Mục Presbyterorum Ordinis, 5)” (Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, 1).

Tuy nhiên, nếu Giáo Hội là Đền Thờ (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 2; Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 6; Sắc Lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes 9), tức là Nơi Chúa Ngự Giữa Loài Người (x. Rev 21:3), mà Thánh Thể là Hiện Diện Thần Linh Thực Sự trong Giáo Hội trên thế gian này, thì không có Thánh Thể cũng không có Giáo Hội. Vì nếu Giáo Hội được thiết lập để trở thành nơi cho Chúa ngự một cách đích thực và thực sự trong Bí Tích Thánh Thể thì nếu không có Thánh Thể, tức không có sự Hiện Diện Thần Linh Thực Sự thì cũng không cần Giáo Hội. Tóm lại, nếu Giáo Hội được thiết lập là để cho Thánh Thể thì nếu không có Thánh Thể cũng không có Giáo Hội, hay Giáo Hội sẽ không được thiết lập nếu không có Thánh Thể.

Dù các vị Tông Đồ không phải là tất cả những gì làm nên Giáo Hội mà chỉ là nền tảng của Giáo Hội (x Eph 2:20), nhưng nếu không có Thánh Thể cũng không cần đến các vị. Không phải hay sao, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể bằng lời toàn năng thánh hiến bánh rượu: “Này là Mình Thày…, là chén Máu Thày…” (x Lk 22:19-20; 1Cor 11:24-25), trước khi chính thức truyền chức thánh cho các vị: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (x Lk 22:19; 1Cor 11:24-25). Tức là các vị được truyền chức thánh, có tư cách và khả năng là một Alter Christus, làm được việc biến thể bánh rượu như thế là để cho Thánh Thể. Đó là lý do Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã xác quyết rằng Giáo Hội nào không có hàng giáo phẩm và từ đó cũng không có Thánh Thể thì không phải là hay thực sự là Giáo Hội: “Các cộng đồng giáo hội nào không bảo tồn Hàng Ngũ Giám Mục được công nhận cũng như bản chất đích thực trọn vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể (x Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 22) thì không phải là những Giáo Hội đúng nghĩa” (Tuyên Ngôn “Vai Trò Chuyên Nhất Của Chúa Kitô Và Giáo Hội”, 7).

Tuy nhiên, cho dù không có Thánh Thể không có Giáo Hội, nhưng nếu “con người ở một mình không tốt” (Gen 2:18), đến nỗi cần phải có “một đồng bạn xứng hợp” (cùng nguồn vừa dẫn) thế nào, thì Chúa Kitô là Đầu sẽ không thể thiếu Giáo Hội là thân thể của Người (x Eph 5:23), và là một Phu Quân sẽ không thiếu Giáo Hội là Hiền Thê của Người (x Rev 21:2). Đó là lý do cả Mầu Nhiệm Thánh Thể lẫn Mầu Nhiệm Giáo Hội đều liên hệ mật thiết với Sự Sống Hiệp Thông, đến nỗi, một khi có Thánh Thể thì phải có Giáo Hội, và một khi có Giáo Hội thì không thể thiếu Thánh Thể, vì Thánh Thể là để cho Giáo Hội và Giáo Hội phải sống bởi Thánh Thể: “Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô: chúng ta tiến bước ‘với Chúa Kitô’ ở chỗ chúng ta liên kết ‘với thân thể của Người’. Chúa Kitô đã thiết lập và làm phát triển mối hiệp nhất này bằng việc tuôn đổ Thánh Linh của Người xuống. Và chính Người liên lỉ xây dựng mối hiệp nhất ấy bằng sự hiện diện Thánh Thể của Người. Chính tấm bánh Thánh Thể duy nhất làm cho chúng ta nên một thân thể duy nhất, vì chúng ta tất cả cùng tham phần vào một tấm bánh duy nhất” (1Cor 10:17). Nơi mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Giêsu muốn xây dựng Giáo Hội như là một mối hiệp thông, theo khuôn mẫu tối hậu đã được Người nói lên trong lời nguyên tư tế của Người: ‘Như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để họ cũng được ở trong Chúng Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con’ (Jn 17:21)” (Tông Thư Xin Chúa Ở Với Chúng Con, 20).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

TOP

 

Khối Công Đoàn Balan mừng kỷ niệm thành lập 25 năm: Lời kêu gọi của Vị Sáng Lập Walesa

 

Một hội nghị về việc góp phần của Khối Công Đoàn Balan đối với việc sụp đổ Cộng Sản Đông Âu với chủ đề “Từ Đoàn Kết Tới Tự Do”, một hội nghị được kết thúc trước sự hiện diện của 20 vị tổng thống và thủ tướng, trong đó có Tổng Thống Đức Horst Kohler và Chủ Tịch Ủy Ban Khối Hiệp Nhất Âu Châu là José Manuel Barroso, vị sáng lập tổ chức này là Lech Walesa đã kêu gọi đừng làm hoang phí đi những gì tổ chức này đã góp phần xây dựng cho lịch sử, và nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất ngày nay đó là đừng làm phí phạm cơ hội lớn lao đang có nơi giới trẻ.

 

“Chúng tôi đã bẻ gẫy không ít hàm răng của con gấu ở Gdansk, và sức mạnh chúng tôi có được phần lớn là do Đức Gioan Phaolô II”.

 

Theo vị sáng lập kiêm đệ nhất thủ lãnh của tổ chức mừng 25 năm này, người đã được giải Nobel Hòa Bình năm 1983, thì cuộc tranh đấu của thành phần lao động Balan không thể nào thiếu được để mở màn cho một tân kỷ nguyên, kỷ nguyên tín liệu và toàn cầu hóa.

 

Đương kim Tổng Thống Balan là Aleksander Kwasniewski đã nhắc lại là 25 năm trước đây, cả triệu người gắn bó với Công Đoàn này để tái thiết tình hình thế giới và thực hiện một cuộc cách mạng bất bạo động.

 

“Tôi cám ơn ông Lech Walesa và Công Đoàn về các công nghiệp của họ, những công nghiệp đã góp phần cả thể cho việc dân chủ hóa Âu Châu. Không có Tháng 8/1980 là biến cố chúng ta tưởng niệm hôm nay đây, Cuộc Cách Mạng Cam của Ukraine sẽ không thể nào xẩy ra”.

 

Tổng Thống Ukraine là Viktor Yushchenko đồng ý với tổng thống Balan và xác nhận là nếu không có việc thành đạt lẫy lừng của Công Đoàn Balan thì vấn đề dân chủ không thể nào vinh thắng nổi ở Ukraine được.

 

Trong bức thư gửi thành phần tham dự viên hội nghị này, nguyên tổng thống George H.W. Bush của Hoa Kỳ, nhân vật không thể tới tham dự những cử hành Gdansk này, đã cho thấy rằng Công Đoàn Balan là “một khối và là một phong trào liên kết con người nam nữ thuộc các môi trường khác nhau nhân danh các quyền lợi chính trị và một lối sống tốt đẹp hơn. Sauk hi Công Đoàn được thiết lập, Balan đã biến thành một xã hội tự do và năng động, một xã hội cho thấy rõ ràng những biến chuyển tốt đẹp”.

 

Nguyên tổng thống Cộng Hòa Tiệp Khắc là Vaclav Havel, đã ủng hộ những tư tưởng được nguyên tổng thống Bush bày tỏ và còn vạch ra cho thấy rằng Belarus là trường hợp cụ thể cho thấy thế giới dân chủ cần phải hỗ trợ những ước vọng của một thứ dân chúng bị cắt xén và hạn chế các quyền lợi của mình.

 

Cuộc hội nghị này được bắt đầu các phiên họp ở Warsaw, giành ngày đầu tiên để thẩm định hoa trái của Công Đoàn này, một phong trào làm bừng lên việc chấm dứt chế độ độc tài Cộng sản và trở thành một tấm gương trực tiếp cho nhân dân Ukraine và Georgia trong cuộc cách mạng ôn hòa gần đây của họ.

 

Ngày thứ hai của hội nghị được giành cho vấn đề nhân quyền, cho các thứ đe dọa đang chập chờn trên nhân quyền ở nhiều lãnh vực, cũng như cho trách nhiệm của các xứ sở đang hoan hưởng dân chủ trong việc bênh vực các quyền lợi ấy.

 

Tham dự viên hội nghị này đã ủng hộ dự thảo, được trình bày bởi các vị đại biểu Balan Âu Châu, đó là ngày 31/8 cần phải được công nhận là Ngày Tự Do và Đoàn Kết khắp Âu Châu.

 

Công Đoàn này được thành lập ngày 31/8/1980, gần hai tháng sau những cuộc xuống đường và chiếm cứ hàng chục công ty bởi thành phần lao động Balan do Lech Walesa lãnh đạo.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 31/8/2005

 TOP

Đức Gioan Phaolô II là vị  đã phấn khích Khối Công Đoàn Balan chiến đấu bất bạo động

 

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập khối lao động Balan hôm Thứ Hai, 22/8/2005, nguyên chủ tịch của khối này và cựu đệ nhất tổng thống Balan Walesa, khi ngỏ lời cùng lưỡng viện lập pháp Balan, đã nói về Đức Gioan Phaolô II như sau:

 

“Ngài đã không xin chúng tôi thực hiện một cuộc cách mạng, ngài không yêu cầu chúng tôi thực hiện một cuộc lật đổ; trái lại, ngài đề nghị chúng tôi hãy xác định về mình.

 

“Bấy giờ nước Balan và nhiều nước khác đã bừng tỉnh. Bất kể những gì ngày nay được nghĩ tới hay những gì chúng tôi đã phải trả giá, chúng tôi đã thành công trong việc kết thúc một kỷ nguyên chia rẽ, phân khối và biên giới, mở đường cho một kỷ nguyên toàn cầu hóa”.

 

Sau đó, theo chiều hướng mừng kỷ niệm 25 năm thành lập này, đương kim Tổng Thống Balan là Aleksander Kwasniewski, một nguyên bộ trưởng cộng sản, đã cho biết:

 

“25 năm trước đây tôi không ở cùng một bên với anh, Tổng Thống Walesa. Thế nhưng, hôm nay đây tôi tin rằng chính viễn ảnh của ông về Balan là những gì đã dẫn chúng ta đi trên con đường tốt đẹp. Tất cả chúng ta đều sống trong một nước Balan tự do, một đất nước tuy thế không được tự do nếu không có ông là Tổng Thống”.

 

Những cuộc xuống đường ở thành phố Gdansk thuộc miền Baltic cũng như ở các miền khác của đất nước này vào mùa hè năm 1980 đã dẫn tới việc mở màn cho khối lao động độc lập đầu tiên ở Đông Âu.

 

Sau khi bị cấm đoán theo thiết quân luật của Tướng Wojciech Jaruzelski, Khối Công Đoàn này âm thầm chiến đấu cho tới năm 1989, khi nó dẫn thành phần Cộng sản tới việc thương thảo việc ôn hòa chuyển sang chế độ dân chủ. Điều ấy mở màn cho việc sụp đổ của những chính thể độc tài ở các quốc gia liên minh còn lại thuộc Khối Sô Viết.

 

Những việc cử hành kỷ niệm 25 năm Khối Công Đoàn sẽ lên tới tột đỉnh vào hôm Thứ Tư, với một Thánh Lễ ở Gdansk, một Thánh Lễ sẽ được một số vị lãnh đạo trên thế giới tới tham dự. Cuộc cử hành này sẽ được chủ sự bởi đặc sứ của ĐTC Biển Đức XVI là ĐTGM Stanislaw Dziwisz TGP Krekow, vị thư ký riêng lâu đời của Đức Gioan Phaolô II.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 30/8/2005

 

 

TOP

 

Khối Công Đoàn Balan mừng kỷ niệm thành lập 25 năm: Sứ điệp của ĐTC Biển Đức

 

Nhân dịp mừng kỷ niệm đúng 25 năm thành lập Khối Công Đoàn Balan, một phong trào được ĐTC GPII phấn khích từ chuyến tông du đầu tiên về nước của ngài vào tháng 6/1979, ĐTC Biển Đức XVI đã gửi đặc sứ của mình là ĐTGM Stanislaw Dziwisz TGP Krakow đến chủ tế Thánh Lễ hôm Thứ Tư 31/8/2005 tại xưởng đóng tầu Gdansk cũ là chính nơi xuất phát ra phong trào này. Bức thư của ngài đã được đọc trong Thánh Lễ. Sau đây là những điểm chính yếu tiêu biểu nói lên lòng ngưỡng phục của ngài đối với một phong trào đi làm lịch sử có một không hai này.

 

“Tất cả chúng ta đều nhận thấy tính cách rất quan trọng nơi việc xuất hiện của khối lao động này nơi cuộc thăng trầm của Balan cũng như trong lịch sử của toàn thể Âu Châu.

 

“Nó chẳng những mang lại những đổi thay không thể nào ngờ được ở Balan, khiến nhân dân Balan tiến trên con đường tới tự do và dân chủ, mà còn cống hiến cho các quốc gia khác thuộc khối Đông Âu cơ hội sửa chữa lại cái bất công của lịch sử đã để lại nơi họ ở bên kia Bức Màn Sắt”.

 

Trong sứ điệp của mình, ĐTC Biển Đức cũng nhắc lại những nỗ lực của ĐGH Gioan Phaolô II để “thực hiện hành động công lý lịch sử này”, nhờ đó Âu Châu mới “có thể thở bằng hai buồng phổi, Tây phương và Đông phương”. 

 

Ngài cũng không quên đề cập tới “hoạt động ngoại giao khéo léo” để hỗ trợ Khối Công Đoàn Balan này, những hoạt động được thi hành bởi chính ĐTGM Dziwisz, vị đã làm thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II.

 

“Tôi cũng biết rằng đó là một lý tưởng chính đáng với chứng cớ tuyệt nhất của nó đó là việc sụp đổ của Bức Tường Bá Linh và việc gia nhập vào Khối Hiệp Nhất Âu Châu những quốc gia vẫn ở ngoài khối này từ sau Thế Chiến Thứ Hai”.

 

Trong sứ điệp của mình, ĐTC cũng chúc mừng nhân dân Balan là thành phần, “nhờ sự nâng đỡ của Giáo Hội, đã can đảm hiệp nhất tinh thần của mình, tư tưởng của mình và lực lượng của mình với khối này trong việc sinh hoa kết trái được kéo dài cho tới ngày nay nơi toàn thế Âu Châu.

 

“Tôi thành tâm hy vọng rằng tất cả mọi người sẽ có thể hoan hưởng chẳng những tự do mà còn phúc hạnh về kinh tế của đất nước này nữa”.

 

Phần mình, ĐTGM Dziwisz đã chia sẻ trong Thánh Lễ thế này: “nơi thành phố này, thành phần lao động đã công bố lời ‘đoàn kết’ một cách mới mẻ và trong một hoàn cảnh mới mẻ. Họ công bố nó với tất cả sức mạnh và lòng cương quyết, khi một thể chế không thể nào tiếp tục chấp nhận được nữa, một thể chế gây ghen tị, đấu tranh giai cấp, một thứ đấu tranh giai cấp giữa dân tộc này với dân tộc kia, giữa người với người”.

 

Vị TGM Krakow này đã kể đến những nhân vật nâng đỡ khối công đoàn này. Ngoài Đức Gioan Phaolô II, ngài còn kể tới ĐHY Stefan Wyszynski và Cha Jerzy Popieluszko, tuyên úy của công đoàn này, vị mà vào đêm 19/10/1984, đã bị lực lượng công an bắt cóc, hành hạ và sát hại.

 

“Không thể chối cãi được rằng Công Đoàn này đặc biệt đã làm bừng lên nơi con người bị chế độ độc tài đàn áp cái ý thức về tính cách chủ thể xã hội của họ”.

 

Vị TGM này đã kêu gọi khối lao động này hãy trở về với những căn gốc và lý tưởng của mình, khi “quyền lực được chuyển sang những bàn tay mới”, thế nhưng thành phần lao động “mong được trợ giúp trong vấn đề bênh vực các thứ quyền lợi chân chính của mình.

 

“Chúng tôi thực sự nhận thấy rằng cần phải có những cố gắng và hy sinh mới để cải tiến tình trạng về vật chất của dân chúng cả ở nơi đây cũng như ở các nơi khác”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 31/8/2005

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ