GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 13/10/2006

 TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

 

?  Giầu Lòng Thương Xót - Tình Yêu Mạnh Hơn Sự Chết và Tội Lỗi 

?  Tại Sao Thế Giới Càng Tân Tiến Con Người Càng Bạo Loạn? - Một Giải Đáp nơi Vị Đương Kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI 

?  Bắc Hàn: Cuộc Thử Nghiệm Vũ Khí Nguyên Tử thách thức riêng Hoa Kỳ và chung cộng đồng thế giới

 

 

? Giầu Lòng Thương Xót - Tình Yêu Mạnh Hơn Sự Chết và Tội Lỗi 

 

(Thông Điệp "Dives in Mesericordia" của ĐTC Gioan-Phaolô II ban hành Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, 30-11-1980, Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL trích dịch theo Saint Paul Editions, một số đoạn tiêu biểu)

 

Thập giá của Chúa Kitô trên đồi Canvê cũng là một bằng chứng nói lên sức mạnh của sự dữ tấn công chính Con Thiên Chúa, tấn công Đấng duy nhất trong tất cả con cái loài người, tự bản tính, tuyệt đối vô tội và không phạm tội, và là Đấng đến trong thế gian không bị ô nhiễm bởi việc bất tuân phục của Adong cũng như bởi di sản của nguyên tội. Thế mà, ở nơi đây, đúng hơn, ở nơi Người, nơi Chúa Kitô, công lý được đền thay cho tội lỗi bằng giá hy sinh của Người, bằng việc Người "vâng lời cho đến chết" (Phil. 2:8). Người là Đấng vô tội, "vì chúng ta mà Thiên Chúa làm cho Người trở thành tội lỗi" (2Cor. 5:21). Công lý cũng được đền bù bằng sự chết là cái đã có liên hệ với tội lỗi ngay từ đầu của lịch sử loài người. Sự chết đền bù cho công lý được trả giá bằng cái chết của Đấng chẳng có tội lỗi gì, cũng là Đấng duy nhất, nhờ cái chết của mình, đã có thể lấy cái chết đập chết cái chết (x.1Cor. 15:54-55). Như thế, thập giá của Chúa Kitô mà, Người Con, đồng bản thể với Cha, bị đóng đanh để đền lại cho trọn công lý Thiên Chúa, cũng là một mạc khải nền tảng về tình thương, hay nói khác đi, về tình yêu đối với cái tạo nên tận gốc rễ của sự dữ nơi lịch sử loài người, đó là tội lỗi và sự chết.

 

Thập giá là việc Thiên Chúa tự hạ sâu thẳm nhất trước con người, và cũng là cái mà con người, đặc biệt trong những lúc khó khăn và đau đớn, cảm thấy như một số phận bất hạnh. Thập giá như là một tiếp xúc giữa tình yêu hằng hữu với những vết thương đau nhất nơi cuộc hiện hữu trần gian của con người' nó là việc hoàn tất trọn vẹn chường trình thiên sai, mà có một lần, Chúa Kitô đã phác hoạ ra ở hội trường Nazarét (x.Lc. 4:18-21), và rồi Người đã lập lại cho các sứ giả được Gioan Tẩy Giả sai đến với Người (x. Lc. 7:20-23). Theo những ngôn từ có lần đã được viết trong lời tiên tri của Isaia (x.35:5'61:1-3), thì chường trình này bao hàm trong việc mạc khải tình yêu nhân hậu cho người nghèo khó, người đau khổ và những tù nhân, cho kẻ đui mù, kẻ bị áp bức và những tội nhân. Trong mầu nhiệm vượt qua, những giới hạn của sự dữ đa diện mà con người trở thành một kẻ thừa hưởng trong cuộc hiện hữu trần gian của mình đều được vượt qua: thập giá của Chúa Kitô thực sự làm cho chúng ta hiểu được những cội rễ sâu xa nhất của sự dữ được gắn liền với tội lỗi và sự chết' như thế, thập giá trở nên một dấu hiệu  chung cuộc. Chỉ vào lúc hoàn tất việc chung cuộc này, cũng như vào lúc thế giới được thực sự canh tân, tình yêu mới thắng cuộc, nơi tất cả mọi kẻ được chọn, nơi tận những gốc rễ sâu xa nhất của sự dữ, mang lại hoa trái hoàn toàn chín mùi  của mình, là một vương quốc sự sống, thánh thiện và trường sinh vinh hiển. Nền tảng của việc hoàn tất chung cuộc này đã đưộc chất chứa nơi thập giá của Chúa Kitô cũng như trong cái chết của Người. Sự việc Chúa Kitô "ngày thứ ba được phục sinh" (1Cor. 15:4) tạo nên dấu hiệu cuối cùng của sứ mệnh thiên sai, một dấu hiệu hoàn thành trọn vẹn mạc khải của tình yêu nhân hậu trên thế gian là nơi lụy thuộc sự dữ.  Đồng thời, nó cũng tạo nên một dấu hiệu báo trước "một trời mới và một đất mới" (KH 21:1), khi mà Thiên Chúa "sẽ lau khô hết nước mắt, sẽ không còn chết chóc, hay than van, kêu khóc, vì những cái trước kia đã qua đi rồi" (KH 21:4). 

 

Nơi việc hoàn tất chung cuộc này, tình thương sẽ được tỏ hiện như tình yêu, tuy nhiên, còn trong giai đoạn tạm thời này, giai đoạn lịch sử nhân loại, cũng là lịch sử của tội lỗi và sự chết, thì tình yêu, trước hết, phải được tỏ hiện ra như là tình thương và cũng phải được hiện thực như là tình thương. Chương trình thiên sai của Chúa Kitô, chương trình của tình thương, trở thành chương trình của dân Người, chương trình của Giáo Hội. Cây thập giá luôn luôn ở ngay tâm điểm của nó, vì nơi thập giá mà mạc khỉi của tình yêu nhân hậu đạt được tột đỉnh của mình. Cho đến khi "những sự trước kia qua đi" (KH 21:4), thập giá sẽ còn là điểm liên hệ với những lời khác nữa của Khải Huyền thánh Gioan: "Này đây, Ta đứng ở cửa mà gõ' hễ ai nghe thấy tiếng Ta mà mở cửa ra, Ta sẽ vào mà ăn uống với họ và họ ăn uống với Ta" (KH 3:20). Bằng một cách thức đặc biệt, Thiên Chúa cũng mạc khải tình thương của Ngài ra khi Ngái kêu mời con người hãy 'thương lấy' Con duy nhất của Ngái, Đấng bị đóng đanh.

 

Chúa Kitô, đúng hơn, Đấng bị đóng đanh, là Lời không qua đi (x.Mt. 24:35), và Người cũng là Đấng đứng ở cửa mà gõ vào cõi lòng của mọi người (x.KH 3:20), song không ép uổng tự do của họ, trái lại, tìm cách lôi kéo tình yêu từ chính cái tự do này, một tình yêu không phải chỉ là một tác động liên kết với Con Người đau khổ, mà còn là một loại 'tình thương' được tỏ ra bởi mỗi một người trong chúng ta đối với Người Con của Chúa Cha hằng hữu. Trong cả chương trình thiên sai này của Chúa Kitô, cả mạc khải của tình thương bằng thập giá, phẩm giá của con người còn có thể nào được tôn trọng và cao trọng cao hơn nữa, vì, trong việc nhận lấy tình thương, theo một nghiã nào đó, Người cũng đồng thời là Đấng 'tỏ lộ tình thương'?

 

Tóm lại, không phải hay sao, đó là vị thế của Chúa Kitô liên quan đến con người, khi Người nói: "Khi các ngươi làm điều ấy cho một trong những anh em nhỏ mọn nhất này... là các ngươi làm điều ấy cho chính Ta" (Mt. 25:40)?  Cũng không phải hay sao, theo một nghĩa nào đó, nơi những lời của Bài Giảng Trên Núi: "Phúc cho kẻ có lòng xót thương, vì họ sẽ được thương xót" (Mt. 5:7), mà một tổng lược của toàn thể Tin Mừng, của toàn thể cuộc 'trao đổi diệu kỳ' (admirabile commercium) được chất chứa? Cuộc trao đổi này là một lề luật của chính dự án cứu độ, một lề luật đơn giản, mạnh mẽ, đồng thời cũng 'dễ dàng' nữa. Không phải hay sao, những lời của Bài Giảng Trên Núi này, ngay từ đầu nói lên cái mà 'con tim nhân loại' có thể ("được xót thương"), cũng mạc khải cho thấy, trong cùng một khung cảnh, mầu nhiệm sâu thăm nơi Thiên Chúa: đó là mối hiệp nhất khôn thấu của Cha, Con và Thánh Linh, trong đó, tình yêu, bao gồm công lý, tác động tình thương, để rồi, ngược lại, tình thương tỏ hiện sự thiện toàn của công lý?

 

Mầu Nhiệm Vượt Qua đó là Chúa Kitô ở tột đỉnh của mạc khải mầu nhiệm khôn thấu nơi Thiên Chúa. Bởi thế, thật là chính xác cho những lời được công bố tại Lầu Thất Tiệc Ly sau đây được hoàn toàn thực hiện: "Ai thấy Thày là thấy Cha" (Gn. 14:9). Thật thế, Chúa Kitô, Đấng mà Cha đã vì loài người "không dung tha cho" (Rm. 8:32), và cũng là Đấng, bằng cuộc khổ nạn của mình và bằng cực hình thập giá, không chiếm lấy lòng thương của con người, đã mạc khải trọn vẹn, trong cuộc phục sinh của mình, tình yêu mà Chúa Cha dành cho Người và, trong Người, cho tất cả mọi người. "Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống" ( (Mc. 12:27). Trong cuộc phục sinh của mình, Chúa Kitô đã mạc khải cho thấy một vị Thiên Chúa của tình yêu nhân hậu, chính bởi vì Người đã chấp nhận thập giá như đường lối để phục sinh. Và chính vì lý do này mà, khi chúng ta tưởng nhớ đến thạp giá của Chúa Kitô, đến cuộc khổ nạn và tử nạn của Người, đức tin và đức cậy của chúng ta đặt trọng tâm vào Đấng Phục Sinh: tức là vào Chúa Kitô là Đấng "vào buổi tối hôm đó là ngày thứ nhất trong tuần,... đứng giữa họ" ở Lầu Thất Tiệc Ly, "nơi các môn đệ ở,... thở hơi trên họ mà nói với họ: 'Hãy nhận lấy Thánh Linh. Nếu các con tha tội cho ai thì họ được tha' nếu các con cầm tội ai thì họ bị cầm tội'" (Gn. 20:19-23).

 

Đây Người Con Thiên Chúa, Đấng nghiệm thấy một cách sâu xa, trong cuộc phục sinh của mình, tình thương được tỏ ra cho chinh Người, tức là tình yêu của Chúa Cha mạnh hơn cả sự chết. Và cũng Chúa Kitô đó, là Con Thiên Chúa, Đấng vào cuối sứ vụ thiên sai của mình, cũng như, theo một nghĩa nào đó, ngay cả sau đó nữa, mạc khải chính mình ra như một mạch nguồn tình thương vô tận của cùng một tình yêu mà, trong một bối cảnh sau đó của lịch sử cứu độ trong Giáo Hội, được vĩnh viễn xác nhận mạnh mẽ hơn cả tội lỗi. (Phụ chú của người trích dịch: Ở đây, phải chăng Đức Thánh Cha có ý nối đến cả những mạc khải tư của Chúa Giêsu, như Những Lời Thỏ Thẻ trong bộ "Tội Tràn Lan... Phúc Ngập Lụt!" này, nhất là những lời mạc khải tư của Chúa Giêsu về tình thương của Người cho nữ tu Ba-Lan Maria Faustina mà ngài, khi còn là hồng y tổng giám mục ở Cracow, đã chính thức thực hiện tiến trình phong chân phước cho chị ngày 20-9-1967 và khi làm giáo hoàng đã phong á thánh cho chị ngày 18-4-1993). Chúa Kitô vượt qua quả thực là một nhập thể của tình thương' là dấu chứng sống động của tình thương: trong lịch sử cứu chuộc cũng như trong lúc chung cuộc. Trong tinh thần đó, phụng vụ của tin mừng Phục Sinh đặt vào môi miệng chúng ta những lời Thánh Vịnh 89 (88):2 là "Muôn đời tôi sẽ ca ngợi tình thương Chúa" (Misericordias Domini in aeternum cantabo). 

 

(Loạt bài về Thánh Tâm và Lòng Thương Xót Chúa liên tục vào các ngày thứ sáu hằng tuần từ 18/8)
 

 

TOP

 

 

 ? Tại Sao Thế Giới Càng Tân Tiến Con Người Càng Bạo Loạn? - Một Giải Đáp nơi Vị Đương Kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Hướng về Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI với  2 chuyến tông du lịch sử - Đức Quốc và  Thổ Nhĩ Kỳ

Bối Cảnh và Vấn Nạn Lịch Sử

D

ù khách quan mấy đi nữa, dường như không ai có thể chối cãi được rằng nhân loại càng tân tiến càng bạo loạn. Thật vậy, nhân loại tân tiến đến nỗi, càng ngày nhân loại càng văn minh, một nền văn minh chẳng những về phương diện vật chất, với những khám phá chưa từng thấy nơi lãnh vực khoa học, nổi bật nhất là lãnh vực sinh học, và những phát minh diệu kỳ siêu đẳng không thể tưởng tượng về lãnh vực kỹ thuật, đặc biệt là các phương tiện truyền thông xã hội, mà còn về cả về phương diện nhân quyền, với những ý thức về phẩm giá là người và quyền lợi làm người, được thể hiện qua những bản tuyên ngôn nhân quyền, cùng với những tổ chức phục vụ sự sống con người, như Hội Hồng Thập Tự, Hội Bác Ái Caritas v.v. Thế nhưng, càng văn minh về cả vật chất lẫn nhân bản như thế, thế giới lại càng trở nên bạo loạn, một tình trạng chẳng những tràn lan bạo lực hay bạo động (violent) mà còn đầy những loạn cuồng hay hỗn loạn (turbulent) nữa.   

 

Trước hết, nói đến bạo lực hay bạo động, người ta nói chung và thế giới Tây phương nói riêng hiện nay thường nghĩ ngay tới thế giới Ả Rập Hồi Giáo, nhất là thành phần Hồi Giáo cực đoan, cũng như nói tới tục hóa, đối với tín đồ Hồi Giáo, họ nghĩ đến một thế giới Tây phương văn minh nhưng đầy sa đọa. Thực tế cho thấy rõ, những điểm nóng nhất, bạo động nhất hiện nay trên thế giới, đầy những bạo lực, đều xẩy ra ở trong vùng Trung Đông, vùng tập trung đa số quốc gia Hồi Giáo Ả Rập, điển hình nhất và tiêu biểu nhất, có thể kể đến ở Thánh Địa, giữa lực lượng của Tổ Chức Giải Phóng Palestine PLO nói chung và nhóm khủng bố Hamas nói riêng với quốc gia Do Thái; ở Iraq, giữa hai phái Hồi giáo Shitte và Sunni; ở A Phú Hãn, với lực lượng Taliban, nhất là với nhóm khủng bố Al Qaeda, nơi có thể nói là lò sản xuất khủng bố; ở Sudan v.v., chưa kể đến cuộc đụng độ đúng 1 tháng trời giữa nhóm khủng bố Hezbollah và lực lượng Do Thái ở ngay trên đất nước Labanon, từ ngày 14/7 đến 14/8/2006. Bạo lực ở trong vùng thế giới Ả Rập Hồi Giáo này, như thế, không phải chỉ giữa khối Hồi Giáo Ả Rập với Do Thái, như ở Thánh Địa và Lebanon, mà còn giữa các phái Hồi Giáo với nhau nữa, như ở Iraq.

 

Sau nữa, nếu bạo lực và bạo động liên quan tới thế giới Ả Rập Hồi Giáo, thì có thể nói tình trạng loạn cuồng hay hỗn loạn là một đặc điểm của thế giới Tây phương hiện nay, một thế giới văn minh về vật chất nhưng lại đang bị khủng hoảng về luân thường đạo lý, đang bị phá sản về văn hóa nhân bản chân chính, đến nỗi, người ta cảm thấy Tây phương giống như một anh chàng đóng khố (luân lý) đi giầy tây (văn minh) trên khấu trường lịch sử thế giới hiện đại.

 

Tây phương không hỗn loạn là gì, với những luật lệ rừng (jungle law), luật mạnh được yếu thua, luật cá lớn nuốt cá bé, điển hình nhất là luật cho phép phá thai, tức cho phép thai mẫu sát hại chính đứa con vô tội đã thực sự là con người ngay từ khi được thụ thai trong lòng mẹ của mình, hay luật cho phép triệt sinh an tử (điển hình nhất là vụ Terri Schiavo ở Florida vào tháng 4/2005), hoặc triệt sinh trợ tử hay triệt sinh xử tử, những thứ luật cho thấy con người đang làm loạn ngông cuồng muốn nắm quyền sát sinh của nhau, như thể con người tự mình toàn năng tạo nên được sự sống nên cũng có toàn quyền tự diệt nó đi vậy.

 

Chưa hết, thế giới Tây phương không cuồng loạn hơn nữa là gì, với luật cho phép một thứ hôn nhân đồng tính, nam nam lấy nhau, nữ nữ lấy nhau, kèm theo luật cho phép nhận con nuôi, để làm nên một gia đình, như gia đình theo luật tự nhiên giữa một người nam và một người nữ. Tệ hơn nữa, trong khi một đàng muốn trở thành tử thần trong việc ra tay triệt sinh với đủ mọi hình thức (như được liệt kê trên đây), đàng khác, ngược lại, con người văn minh Tây phương lại còn loạn cuồng đến nỗi, muốn trở thành Hóa Công, trong việc muốn tạo sinh ngoại nhiên, như bằng phương pháp tạo sinh sao bản (cloning), tạo sinh thai mướn, tạo sinh ống nghiệm (điển hình là thành phần trẻ em được Tổng Thống Bush hôm 19/7/2006 sử dụng như bằng cớ để phủ quyết dự luật tài trợ việc nghiên thân bào hay stem cell từ phôi thai bào con người).

 

Như thế, nhìn chung, chúng ta thấy, thế giới càng tân tiến càng bạo loạn ngày nay, bao gồm cả thế giới Ả Rập Hồi Giáo với nạn khủng bố đầy bạo độngbạo lực, và thế giới Tây phương văn minh cuồng loạn với những luật lệ phi nhân, phản luân thường đạo lý, đều giống nhau ở một điểm, đều có cùng một tụ điểm, đó là sát hại sự sống con người, đó là tái diễn hiện tượng chẳng những có tính cách chuyên chế độc đoán về ý hệ, mà còn đi đến một hậu quả bất khả tránh của tính cách ý hệ nguy hiểm này là hành động diệt chủng đã từng xẩy ra trong Thế Chiến Thứ Hai. Có thể nói, lịch sử hiện đại, từ cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21 này, hay từ cuối thiến kỷ thứ hai sang đầu thiên kỷ thứ ba này, đang ở trong cuộc đại chiến thứ ba, một trận đại chiến xuất phát từ trong ý hệ lệch lạc của con người đến hành động bạo loạn ra tay sát hại nhau của con người, một trận đại chiến vô biên giới, bao gồm tất cả mọi quốc gia trên khắp thế giới, một trận đại chiến theo chiều hướng toàn cầu hóa (globalization).  

 

Đúng vậy, đại chiến thứ ba chẳng những đang xẩy ra trong nội bộ của thế giới Ả Rập Hồi Giáo cũng như của thế giới văn minh Tây phương, mà thực sự còn xẩy ra giữa hai thế giới này nữa. Không phải hay sao, chính vì tính cách bạo loạn, cho thấy cả hai thế giới đều sắt máu như thế, mà thế giới Ả Rập Hồi Giáo và thế giới văn minh Tây phương không thể nào không đụng độ nhau. Và ngay trong những cuộc đụng độ ấy, lịch sử hiện đại càng thấy được bộ mặt đầy bạo loạn của cuộc đại chiến thứ ba toàn cầu hóa này. Điển hình nhất là hai trường hợp sau đây: Iraq và Iran.

 

Ở trường hợp Iraq, Tây phương không loạn là gì, khi tổ chức Liên Hiệp Quốc, qua cơ quan nguyên tử lực quốc tế IAEA vào cuối năm 2002 và đầu năm 2003, đang thi hành nhiệm vụ thanh tra vũ khí đại công phá ở Iraq theo quyết nghị của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, một hội đồng đa số Tây phương, bao gồm 4 trong 5 quốc gia thành viên chính là Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Hoa, thì Mỹ (và Anh) đã ngang nhiên hất Liên Hiệp Quốc ra ngoài chơi, trong đó tất nhiên có cả hai quốc gia Tây phương khác là Nga và Pháp (cộng Đức bấy giờ), tự động nhào vô “giải phóng” Iraq vào ngày 19/3/2003. Hành động có tính cách làm loạn này của đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ thuộc thế giới Tây phương đã đưa đến một hậu quả ra sao, thế giới đã và đang chứng kiến thấy, đó là một Iraq nội chiến càng ngày càng bạo động chết chóc và một Hoa Kỳ bị sa lầy (còn hơn cả ở Việt Nam cho đến năm 1972), đến nỗi, Hoa Kỳ muốn sống (rút quân) cũng không được mà muốn chết (chiếm đóng) cũng không xong.

 

Ở trường hợp Iran, liên quan tới việc chế tạo nguyên tử, Iran đã tỏ ra lì lợm đến khinh thường tất cả mọi đe dọa của Hoa Kỳ thuộc thế giới Tây phương, thậm chí kể cả quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Có lẽ bởi vì Iran chẳng những, về chính trị, được âm thầm hỗ trợ bởi Nga và Trung Cộng, mà còn cảm thấy rằng Hoa Kỳ đang bị sa lầy ở Iraq, đang lủng củng trong nội bộ tại Mỹ quốc về một Iraq nhức nhối, chưa kể đến về mặt tôn giáo, Iran đang được khối Ả Rập Hồi Giáo ủng hộ, vì tân tổng thống nước này đã đánh trúng tim đen của khối Ả Rập Hồi Giáo trong việc muốn xóa tên Do Thái trên bản đồ thế giới, trong lúc khối Ả Rập Hồi Giáo lại đang hết sức hận tức trước những thái độ ngông cuồng của Tây phương đụng chạm tới vị tiên tri giáo tổ của Hồi Giáo, gây ra bởi bộ tranh biếm họa của Tây phương từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2/2006. Ngoài ra, gương Bắc Hàn lì lợm với dự án nguyên tử của mình, bất chấp Hoa Kỳ, cũng không thể nào không ảnh hưởng tới thái độ cố chấp của Iran. Chưa hết, việc Hoa Kỳ âm thầm bắt giữ và hành hạ thành phần bị tình nghi là khủng bố ở những nhà tù bí mật tại một số nơi, (điển hình là nhà tù Abu Ghraib được đài truyền hình SBS của Úc phổ biến ngày 15/2/2005 về các hình ảnh thu thập được từ năm 2003, gây chấn động cả thế giới Hồi Giáo), trái với luật lệ quốc tế, (lại còn muốn tự sửa đổi luật lệ nhân đạo quốc tế theo ý mình), cũng là yếu tố chẳng những làm cho chính thế giới Tây phương phản đối mà còn làm cho cả thế giới Hồi Giáo Ả Rập phẫn nộ, nhất là thành phần cực đoan và khủng bố.

 

(còn tiếp)  

 

TOP

 

 

?  Bắc Hàn: Cuộc Thử Nghiệm Vũ Khí Nguyên Tử thách thức riêng Hoa Kỳ và chung cộng đồng thế giới

 

Hôm Thứ Hai 9/10/2006, đúng như đã tuyên bố, Bắc Hàn đã bắn thử vũ khí nguyên tử. Theo bài Bush: N. Korea must face 'serious repercussions' , được mạng điện toán CNN phổ biến sáng ngày 11/10, thì vào hôm Thứ Tư, 11/10/2006, Tổng Thống Bush đã lên tiếng trong cuộc họp báo ở Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc như sau:

 

“Để đáp ứng những hành động của Bắc Hàn, chúng ta sẽ làm việc với đồng minh của mình ở miền đó cùng với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để bảo đảm có những việc phản ứng nghiêm trọng đối với chế độ Bình Nhưỡng. Cùng nhau chúng ta sẽ bảo đảm rằng Bắc Hàn hiểu được các hậu quả nếu nó tiếp tục đi theo con đường hiện nay của mình”.

 

Lời lẽ trên đây của Tổng Thống Bush diễn ra khi Bắc Hàn, cũng vào cùng ngày, đe dọa là bất cứ một áp lực nào xuất phát từ phía Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đều được coi như “việc tuyên bố chiến tranh”, như lời của phát ngôn viên thuộc bộ ngoại giao Bắc Hàn cho cơ quan thông tin KCNA biết.

 

Tổng Thống Bush cho biết ông sẽ cố gắng gia tăng nỗ lực ngoại giao và giúp vào việc bênh vực các đồng minh trong vùng, nhất là Nhật Bản và Nam Hàn: “Hiệp Chủng Quốc vẫn nỗ lực thực hiện chính sách ngoại giao. Hiệp Chủng Quốc cũng bảo trì tất cả mọi chọn lựa trong việc bênh vực cho các thân hữu của chúng ta cùng những quyền lợi của chúng ta ở miền đó chống lại những đe dọa từ phía Bắc Hàn”.

 

Trong bài “Bush: North Korea a 'threat to international peace'”, được mạng điện toán toàn cầu CNN phổ biến vào buổi tối cùng ngày trên đây, Tổng Thống Bush hứa bênh vực đồng minh cùng quyền lợi của Hoa Kỳ ở vùng đó, nhưng không sử dụng đến hành động quân sự, và kêu gọi Bắc Hàn hãy ngồi lại bàn hội nghị 6 nước như trước đây:

 

“Bắc Hàn một lần nữa đã quyết định phủ nhận cái viễn tượng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn… Trái lại, nó đã muốn làm gia tăng tình trạng căng thẳng ở miền này… Chúng ta sẽ không tấn công Bắc Hàn… Để giải quyết vấn đề theo tính cách ngoại giao thì cần phải có tiếng nói không phải chỉ nguyên của Hoa Kỳ nữa”.

 

Hoa Kỳ là nước dẫn đầu trong việc yêu cầu trừng phạt Bắc Hàn sau khi Bắc Hàn tuyên bố đã thử nguyên tử hôm Thứ Hai vừa rồi. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đang đặt vấn đề về việc soạn thảo bản quyết nghị này.

 

Trái lại, Bắc Hàn đã cho Cơ Quan Thông Tin Kyodo của Nhật Bản biết rằng những biện pháp thanh trừng sẽ là những gì ngăn cản Bình Nhưỡng tái trở lại bàn thương lượng sáu bên về chương trình nguyên tử của Bắc Hàn, một hội nghị đã bị tắc nghẽn từ năm trước. Chưa hết, Bắc Hàn còn đe dọa sẽ tiếp tục thử nguyên tử nếu Hoa Kỳ tiếp tục tỏ thái độ hận thù với Bình Nhưỡng. Còn nữa, bộ trưởng quốc phòng của Bắc Hàn là Yoon Kwang-ung sau đó còn cho biết Bắc Hàn sẽ mở rộng lò nguyên tử của mình để đối đầu với quốc gia láng giềng về khả năng trang bị nguyên tử của họ.

 

Nhật Bản đã tỏ ra thái độ tẩy chay Bắc Hàn, bằng cách cấm các thứ đồ nhập cảng của Bắc Hàn và cấm các tầu của Bắc Hàn vào các hải cảng của Nhật. Các người có quốc tịch Bắc Hàn cũng không được nhập cảnh Nhật. Vị tân thủ tướng Nhật là Shinzo Abe cho hãng thông tấn AP biết rằng:

 

“Nhật Bản đang lâm vào tình trạng tối ư nguy hiểm, nếu chúng ta cảm thấy rằng Bắc Hàn đã phát triển các thứ phi đạn tầm xa và các năng lực nguyên tử. Chúng ta không thể chấp nhận những hành động của Bắc Hàn nếu chúng ta cần phải bảo vệ sinh mạng của người Nhật và tài sản của họ. Những biện pháp này được thực hiện để bảo vệ hòa bình”.

 

Một viên chức Hoa Kỳ hôm Thứ Ba nói rằng Bắc Hàn đã cố gắng cho nổ bộ phận nguyên tử nhưng “bị hỏng làm sao đó”, nên vụ nổ tương đối là nhỏ. Viên chức này cũng cho biết Bắc Hàn đã thông báo cho chính quyền Trung Hoa biết trước cuộc thử nghiệm là việc thử nghiệm này liên quan tới một bộ phận nguyên tử nặng 4 tấn, một vụ nổ nhỏ so với những cuộc thử 15 tấn nguyên tử được Ấn Độ và Pakistan thực hiện vào năm 1998. Chính một nhà ngoại giao Bắc Hàn được dấu tên cũng công nhận là cuộc thử này xẩy ra nhỏ hơn Bắc Hàn mong tưởng, tờ nhật báo Nam Hàn là Hankyoreh đã tường trình như thế vào hôm Thứ Ba.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL  tổng hợp theo CNN

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ