GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 23/10/2006

 TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

 

?  Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXIX Thường Niên 22/10/2006 về Ngày Thế Giới Truyền Giáo 80

?  Tìm Hiểu và Học Hỏi Huấn Từ và Sứ Điệp về Truyền Giáo 22/10/1006 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

?   “Tín Đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo với Cuộc Tin Tưởng Đối Thoại để Cùng Nhau Giải Quyết Những Thách Đố Trên Thế Giới của Chúng Ta”.

 

 

 

? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXIX Thường Niên 22/10/2006 về Ngày Thế Giới Truyền Giáo 80

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa Nhật Ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 80. Ngày này được Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập, vị đã đẩy mạnh việc truyền  giáo “cho muôn dân – ad gentes”, và trong Năm Thánh 1925 ngài đã phát động một cuộc triển lãm vĩ đại sau này đã trở thành một Cuộc Thu Thập Cuộc Truyền Giáo Sắc Tộc Học cho Các Bảo Tàng Viện của Vatican. Năm nay, trong sứ điệp bình thường nhân dịp ngày này, tôi đã nêu lên đề tài “Đức Ái là Hồn Sống của Việc Truyền Giáo”. Thật vậy, nếu việc truyền giáo không được tác động bởi yêu thương, thì nó biến thành một thứ hoạt động bác ái và xã hội. Tuy nhiên, đối với Kitô hữu, những lời của Thánh Phaolô là những gì có thể ứng dụng: “Tình yêu của Chúa Kitô thúc bách tôi” (2Cor 5:14).

 

Đức ái đã khiến Chúa Cha sai Con mình vào thế gian, và Con hiến mình cho chúng ta đến chết trên thập tự giá, cũng đức ái ấy đã được Thánh Linh tuôn đổ vào tâm can của các tín hữu. Mỗi một người được lãnh nhận phép rửa, như một chồi nho được liên kết với cây nho, có thể cộng tác với sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ có thể được tóm gọn như thế này: đó là mang tin mừng cho hết mọi người biết rằng “Thiên Chúa là tình yêu” và chính vì thế Ngài muốn cứu độ thế giới.

 

Sứ vụ này xuất phát từ tâm can, ở chỗ, khi con người thinh lặng nguyện cầu trước một cây thập tự giá, nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu, họ không thể nào lại không cảm thấy trong bản thân mình niềm vui nhận biết rằng họ được yêu thương và mong muốn yêu mến và muốn mình trở thành dụng cụ cho tình thương và sự hòa giải. Đó là những gì đã xẩy ra, đúng 800 năm trước đây, cho con người trẻ Phanxicô Assisi, trong ngôi nhà thờ nhỏ ở San Damiano, một ngôi nhà thờ bấy giờ đã bị xiêu vẹo. Từ cây thập giá, giờ đây đang được cất giữ ở Đền Thờ Thánh Claire, Thánh Phanxicô đã nghe thấy Chúa Giêsu phán rằng: “Hãy đi sửa chữa ngôi nhà của Cha, như con thấy nó đang bị tàn rụi”.

 

“Ngôi nhà” ấy trước tiên là cuộc đời của ngài, một cuộc đời đã được “sửa chữa” bằng một cuộc thực tâm hoán cải; ngôi nhà ấy cũng là Giáo Hội, không phải là ngôi nhà được làm bằng gạch mà bằng con người sống động, thành phần luôn cần phải được thanh tẩy. Ngôi nhà ấy cũng là toàn thể nhân loại là nơi Thiên Chúa muốn trú ngụ. Việc truyền giáo bao giờ cũng xuất phát từ một con tim được tình yêu Thiên Chúa biến đổi, như được chứng thực bởi muôn vàn tích truyện các thánh nhân và các vị tử đạo, thành phần đã hiến cuộc sống mình phục vụ Phúc Âm bằng những đường lối khác nhau.

 

Bởi thế, việc truyền giáo là nguồn mạch bao gồm tất cả mọi người: đối với những ai quyết tâm hiện thực vương quốc của Thiên Chúa trong ngôi nhà riêng của mình; đối với những ai thực hiện việc làm chuyên nghiệp của mình theo tinh thần Kitô hữu; đối với những ai hoàn toàn hiến mình cho Chúa; đối với những ai theo Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành nơi thừa tác vụ thánh chức đối với Dân Thiên Chúa; đối với những ai đặc biệt loan báo Chúa Kitô cho thành phần chưa nhận biết Ngài. Chớ gì Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta sống niềm vui và lòng can đảm của việc truyền giáo bằng một động lực mới, tùy hoàn cảnh theo Quan Phòng Thần Linh giành cho mỗi người.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/10/2006 

 

  

TOP

 

 

 ? Tìm Hiểu và Học Hỏi Huấn Từ và Sứ Điệp về Truyền Giáo 22/10/1006 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

 

“Tháng mười cũng là tháng truyền giáo, và ngày Chúa Nhật 22/10 chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Chúa Giêsu phục sinh đã nói với các tông đồ ở Nhà Tiệc Ly rằng: ‘Như Cha đã sai Thày thế nào thì Thày cũng sai các con như vậy’ (Jn 20:21).

 

“Việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô: đó là sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể. Trong sứ điệp gửi cho Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, tôi đã trình bày cho thấy đức ái thực sự là “hồn sống của việc truyền giáo”.

 

“Thánh Phaolô, vị tông đồ của thành phần Dân Ngoại, đã viết rằng: ‘Vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta’ (2 Cor 5:14). Chớ gì hết mọi Kitô hữu lấy những lời đó làm của mình, hân hoan cảm nghiệm được việc mình là một thừa sai của tình yêu ở những nơi được Đấng Quan Phòng sai đến, bằng tấm lòng khiêm nhượng và can đảm, phục vụ tha nhân một cách bất vụ lợi, và cầu nguyện cho mình được mãnh lực của một đức ái hân hoan và tận tụy (Thiên Chúa là Tình Yêu, 32-39).

 

“Vị quan thày thế giới cho việc truyền giáo, cùng với Thánh Phanxicô Xaviê là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một trinh nữ tu Carmêlô và là một tiến sĩ của Giáo Hội, vị chúng ta thực sự tưởng kính vào ngày hôm nay đây. Chớ gì chị, người đã nhận thấy con đường “đơn sơ” nên thánh là tin tưởng phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân uy tín của Phúc Âm bác ái. Xin Mẹ Maria rất thánh, vị trinh nữ của kinh mân côi và là nữ vương của việc truyền giáo, dẫn tất cả chúng ta tới Chúa Kitô là Đấng cứu độ của chúng ta”.

 

Trong bài huấn từ truyền tin cho Chúa Nhật đầu tháng 10/2006 trên đây, ĐTC đã đề cập tới 5 điểm quan trọng về vấn đề truyền giáo chúng ta cần lưu ý như sau:

 

Thứ nhất, Đức Thánh Cha đã xác nhận niềm tin của Giáo Hội về bản chất của Giáo Hội là truyền giáo: ngài nói: “Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo”.

 

Thứ hai, Đức Thánh Cha dẫn giải tính cách thực sự của việc truyền giáo, theo ngài, “Việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô”.

 

Thứ ba, cũng theo ngài, nếu “việc truyền giáo của Giáo Hội là việc nối dài sứ vụ của Chúa Kitô”, thì cần phải thực hiện “sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể”.

 

Thứ bốn, ngài dẫn giải thêm, nếu “sứ vụ mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, loan báo đức ái bằng lời nói và chứng từ cụ thể”, thì “đức ái thực sự là ‘hồn sống của việc truyền giáo”, như ngài đã diễn giải “trong sứ điệp gửi cho Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo” 22/10/2006.

 

Thứ năm, ngài còn dẫn chứng niềm xác tín “đức ái thực sự là ‘hồn sống của việc truyền giáo”  bằng gương truyền giáo của Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, của nhị vị Thánh Quan Thày của việc truyền giáo đó là Phanxicô Xavier, và nhất là Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tiến sĩ Hội Thánh thông suốt khoa học “bé nhỏ” thiêng liêng, vị Thánh được Giáo Hội mừng kính ngay đầu tháng 10 là tháng truyền giáo của Giáo Hội.

 

Riêng về vấn đề “Đức Ái là hồn sống của việc truyền giáo”, Ngài đã dẫn giải bằng cả một sứ điệp dài gửi cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2006 này. Sau đây là một số ý tưởng chính yếu tiêu biểu được tóm gọn thế này:

 

1) Nếu không được thúc đẩy bởi tình yêu Thiên Chúa thì việc truyền giáo trở thành một việc nhân bản:

 

“Trừ phi việc truyền giáo được đức ái hướng động, tức là trừ phi nó xuất phát từ tác động mãnh mẽ của tình yêu thần linh, bằng không nó sẽ có cơ nguy bị biến thành một thứ hoạt động thuần túy nhân đạo và xã hội...”

 

2) Nếu tình yêu Thiên Chúa là động lực truyền giáo thì việc truyền giáo được nên  trọn theo Ý Chúa

 

“Đức Gioan Phaolô II yêu dấu viết trong Thông Điệp Redemptoris Missio, cho thấy ‘hồn sống của tất cả mọi hoạt động truyền giáo là tình yêu, một tình yêu vẫn là mãnh lực lôi kéo của việc truyền giáo, và còn là ‘tiêu chuẩn duy nhất để phân định những gì được thực hiện hay chưa được thực hiện, những gì cần được thay đổi hay không được đổi thay. Nó là nguyên tắc cần phải hướng dẫn mọi hành động, và mọi đích điểm chi phối hành động. Khi chúng ta tác hành theo chiều hướng đức ái, hay được tác động bởi đức ái, thì không gì lại không thể và mọi sự đều tốt đẹp’ (đoạn 60).

 

3) Nếu tình yêu Thiên Chúa là động lực truyền giáo thì vị thừa sai trung thành với sứ vụ cho tới tận tuyệt

 

“Tóm lại, là thành phần thừa sai nghĩa là thành phần mến yêu Thiên Chúa với tất cả tâm hồn của mình, cho đến độ, nếu cần, chết vì Ngài. Biết bao nhiêu là các vị linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân, đã cống hiến chứng từ cao cả yêu thương này bằng việc tử đạo ngay trong thời điểm của chúng ta đây!

 

4) Nếu tình yêu Thiên Chúa là động lực truyền giáo thì vị thừa sai đến không để được phục vụ mà là phục vụ

 

“Là thành phần thừa sai nghĩa là thành phần cúi mình xuống với những nhu cầu của tất cả mọi người, như Người Samaritanô Nhân Lành, nhất là những ai bần cùng nhất và thành phần cơ cực nhất, vì những ai yêu mến bằng Trái Tim Chúa Kitô thì không tìm kiếm tư lợi của mình mà là vinh quang của Chúa Cha và thiện ích của tha nhân mình mà thôi.

 

5) Nếu tình yêu Thiên Chúa là động lực truyền giáo thì việc truyền giáo sẽ sinh muôn vàn hoa trái thiêng liêng

 

“Đó là cái bí mật của việc sinh hoa trái tông đồ nơi hoạt động truyền giáo vượt biên cương bờ cõi và các nền văn hóa, vươn tới các dân tộc và lam tới tận cùng thế giới”. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuyển dịch và phân tích học hỏi

 

 

TOP

 

 

?  “Tín Đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo với Cuộc Tin Tưởng Đối Thoại để Cùng Nhau Giải Quyết Những Thách Đố Trên Thế Giới của Chúng Ta”.

 

Tòa Thánh gửi Sứ Điệp cho Tín Đồ Hồi Giáo nhân dịp Kết Thức Mùa Chay Tịnh Ramadan hằng năm

 

Các bạn Hồi Giáo thân mến,

 

1.         Tôi hân hoan gửi sứ điệp này đến các bạn lần đầu tiên với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Đối Thoại Liên Tôn, và gửi lời chào thân ái nhất của hội đồng này đến các bạn nhân dịp các bạn kết thúc mùa chay tịnh Ramadan.

 

Tôi xin chúc các bạn bình an, tĩnh lặng và hân hoan trong tâm hồn các bạn, trong gia đình các bạn và trong xứ sở của các bạn. Các lời chúc tốt đẹp này là những gì âm vang những lời chúc được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đích thân bày tỏ vào đầu mùa chay tịnh Ramadan cùng những vị ngoại giáo thuộc các quốc gia đa số Hồi Giáo làm việc với Tòa Thánh, cùng những ai thuộc các xứ sở là phần tử và là quan sát viên của Tổ Chức Hội Nghị Hồi Giáo, cũng như cho các vị đại diện những cộng đồng Hồi Giáo ở Ý quốc.

 

2.         Thật là hay khi có thể chia sẻ giây phút quan trọng này với các bạn trong tương quan của việc đối thoại đang diễn tiến của chúng ta. Những hoàn cảnh đặc biệt chúng ta vừa cùng nhau cảm nghiệm được đã rõ ràng chứng tỏ rằng, dù gian nan khốn khó đến thế nào đi chăng nữa, có những lúc cuộc đối thoại chân thực là những gì cần hơn bao giờ hết.

 

3.         Tháng Ramadan mà các bạn vừa hoàn tất chắc chắn cũng là một thời gian nguyện cầu và suy nghĩ đến những tình trạng khó khăn trên thế giới ngày nay. Trong khi chiêm ngưỡng và tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những gì tốt lành, chúng ta không thể nào không nhận thấy những vấn đề trầm trọng ảnh hưởng tới thời đại của chúng ta đây, như tình trạng bất công, nghèo khổ, căng thẳng và xung đột giữa các quốc gia cũng như trong các quốc gia với nhau.

 

Bạo lực và khủng bố đặc biệt là một nạn nhức nhối. Có quá nhiều mạng sống con người bị hủy diệt, có quá nhiều phụ nữ trở thành góa bụa, có quá nhiều trẻ em bị mất cha mất mẹ, có quá nhiều trẻ em bị mồ côi… Có quá nhiều người bị thương tật, về thể lý lẫn tâm thần…. Có quá nhiều thứ cần nhiều tháng năm hy sinh và lao nhọc để dựng xây lại bị hủy diệt trong vòng mấy giây phút!

 

4.         Là thành phần tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, không phải hay sao chúng ta là thành phần đầu tiên được kêu gọi để góp phần đặc biệt của chúng ta vào việc giải quyết tình hình trầm trọng và những vấn đề phức tạp ấy? Chắc chắn là cái thế giá của các tôn giáo, cũng như uy tín của các vị lãnh đạo tôn giáo cũng như của tất cả mọi tín hữu, là những gì cứng cát. Nếu chúng ta không thực hiện vai trò của chúng ta như thành phần tín hữu thì nhiều người sẽ đặt vấn đề về sự hữu ích của tôn giáo cùng tính chất chính đáng của tất cả mọi con người nam nữ cúi đầu trước Thiên Chúa.

 

Hai tôn giáo của chúng ta đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yêu thương, nhân hậu và đoàn kết. Về khía cạnh này tôi muốn chia sẻ cùng các bạn sứ điệp nơi bức thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI,ø “Thiên Chúa là Tình Yêu”, một sứ điệp âm vang “cái định nghĩa” sắc nét nhất về Thiên Chúa theo Thánh Kinh Kitô Giáo, “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8).

 

Tình yêu chân thực đối với Thiên Chúa là những gì bất khả phân ly với tình yêu tha nhân: “Ai nói rằng ‘tôi kính mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình là kẻ dối trá, vì một người không yêu thương anh em họ thấy được cũng không thể mến yêu Thiên Chúa là Đấng họ không thấy” (1Jn 4:20). Khi nhắc lại điều này, bức thông điệp ấy đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của đức ái huynh đệ trong sứ vụ của Giáo Hội, đó là Yêu Thương cần phải hiệu nghiệm mới khả tín.

 

Cần phải trợ giúp hết mọi người, bắt đầu là thành phần thiếu thốn nhất. Tình yêu chân thực cần phải phục vụ tất cả mọi nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày; nó cũng cần phải tìm kiếm những giải pháp chính đáng và ôn hòa cho những vấn đề trầm trọng đang chi phối thế giới của chúng ta.

 

5.         Thành phần tín hữu đang dấn thân giúp đỡ dân chúng bị thiếu thốn hay tìm kiếm những giải pháp cho những vấn đề này, hãy làm như thế trước hết bằng tình họ kính mến Thiên Chúa, “vì dung nhan Thiên Chúa”. Thánh Vịnh 27 nói: “Ôi Chúa, con tìm kiếm dung nhan Chúa, xin đừng ẩn mặt xa con” (8b-9a).

 

Tháng chay tịnh mà các bạn vừa hoàn tất đây chẳng những làm cho các bạn quan tâm hơn tới việc nguyện cầu, còn làm cho các bạn nhạy cảm hơn với nhu cầu của người khác, nhất là thành phần đói khổ, gia tăng lòng quảng đại hơn với những ai đang lâm vào tình trạng buồn khổ.

 

6.         Chúng ta cần chú trọng và hành động đối với những nỗi lo lắng hằng ngày cùng với những trục trặc trầm trọng hơn nữa đang gây khó khăn cho thế giới đây. Chúng ta hãy nguyện cầu Thiên Chúa giúp chúng ta đương đầu với những thứ ấy một cách can đảm và cương quyết. Chúng ta đừng lao nhọc một cách tách biệt ở những nơi chúng ta có thể cùng nhau hoạt động.

 

Thế giới này đang cần đến và chúng ta cũng cần đến thành phần Kitô hữu và Hồi hữu biết tôn trọng và trân quí nhau và làm chứng cho lòng họ yêu thương nhau và cộng tác với nhau cho vinh quang của Thiên Chúa và thiện ích của toàn thể nhân loại.

 

7.         Bằng lòng cảm mến của tình bạn chân thành, tôi chào các bạn và gửi đến các bạn những tâm tưởng của tôi để các bạn suy nghĩ. Tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng để những tâm tưởng ấy góp phần vào việc làm gia tăng ở khắp nơi mối liên hệ hiểu biết nhau hơn và hợp tác với nhau hơn giữa tín đồ Kitô Giáo và Hồi Giáo, nhờ đó họ góp phần quan trọng vào việc tái thiết lập và củng cố nền hòa bình trong các quốc gia và giữa các dân tộc, theo lòng mong muốn sâu xa của tất cả mọi tín đồ cũng như của tất cả mọi con người thành tâm thiện chí.

 

Hồng Y Paul Poupard, Chủ Tịch

 

Tổng Giám Mục Pier Luigi Celata, Bí Thư


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/10/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ