GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 26/10/2006

 TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

 

?  "Đức Kitô nhìn thế gian như một 'cánh đồng của Chúa' (x. Matt. 13,38-43), mùa gặt ngày càng lớn và cần có thợ gặt"

?  "Các người làm trong mùa gặt của Chúa là những người bước theo Đức Kitô"

?  Tính Cách Tông Truyền của Thánh Thể và của Giáo Hội

 

 

 

? "Đức Kitô nhìn thế gian như một 'cánh đồng của Chúa' (x. Matt. 13,38-43), mùa gặt ngày càng lớn và cần có thợ gặt".

 

Giáo Hoàng Bin Đức XVI: Tông Du Đức Quc 9-14/9/2006 – Bài Hun T (được soạn sẵn song không đọc mà lại nói bộc phát, nhưng bài đã được trao cho thành phần giáo sĩ tham dự hôm ấy) Th Năm 14 ti Vương Cung Thánh Đường Thánh Maria và Thánh Corbinian, Freising

Kính thưa các anh em trong hàng giáo phẩm và tư tế!

Các thầy Phó tế vĩnh viễn thân mến!

 

Đây là buổi gặp gỡ cuối cùng của tôi trước khi rời khỏi vùng đất Bavaria thân thương của tôi, và tôi rất vui vì cuộc gặp gỡ này diễn ra với quý vị, các linh mục và phó tế vĩnh viễn, là những viên đá sống động đã được chọn lựa của Giáo hội. Tôi xin bày tỏ lời chào huynh đệ đến Đức Hồng Y Friedrich Wetter và lòng biết ơn sâu xa của tôi đối với những lời nồng hậu ngài đã bày tỏ thay cho mọi người đang hiện diện.

 

Khi nhìn một vòng nhà thờ chánh tòa tuyệt vời của thành phố Freising này, rất nhiều ký ức trở lại với tôi về những năm tháng tôi hành trình trên con đường tới chức linh mục và những công việc mục vụ đã gắn bó với nơi này. Và khi tôi nghĩ tới các thế hệ tín đồ, từ thời các nhà truyền giáo tiên khởi, đã mang lại cho quốc gia này một bản chất Kitô giáo riêng biệt và truyền lại cho chúng ta kho tàng châu báu là đức tin, từ đáy lòng tôi dâng lên Chúa một lời nguyện tạ ơn sâu sắc.

 

Trong lịch sử đất nước, “Thiên Chúa của mùa gặt” đã chưa từng để cho vùng đất này thiếu người làm, là những người phục vụ Lời Ngài và Bàn Thánh, mà qua họ Ngài đã muốn dẫn dắt và nuôi dưỡng tổ tiên chúng ta trên con đường tìm về quê trời. Các anh em thân mến, ngày nay đã đến phiên chúng ta phải thực hiện công việc này, và tôi rất vui mừng được đồng hành với các anh em trong chức vị Giám Mục Rôma. Trong tình thương mến tôi kêu gọi anh em đừng nản lòng, nhưng hãy tự tin theo đuổi việc mục vụ đã đưc trao phó cho anh em.

 

Chúng ta vừa lắng nghe bài đọc Kinh Thánh trong chương 9 Tin Mừng của thánh Matthêu (Matt. 9,35-38). Trong đoạn này chúng ta có thể nhận ra thái độ nội tâm của Chúa Giêsu, một điều rất quan trọng cho chúng ta. Thái độ này thực ra đánh dấu cả cuộc đời rao giảng của Ngài. Nó được bày tỏ qua một hình ảnh nét nông nghiệp.

 

Bằng con mắt của trái tim, Chúa Giêsu nhận ra nơi những người đang tụ họp xung quanh Ngài một “mùa gặt” của Chúa Cha đang sẵn chờ. Mùa gặt ấy rất lớn; Ngài nói: “lúa chín đầy đồng” (Matt. 9,37; x. Luca 10,2). Trong Phúc Âm thánh Gioan, chúng ta nhận ra cùng một hình ảnh này chương bốn, trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samaritan. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái” (35).

 

Đức Kitô nhìn thế gian như một “cánh đồng của Chúa” (x. Matt. 13,38-43), mùa gặt ngày càng lớn và cần có thợ gặt. Một điều tương tự được tìm thấy trong Tin Mừng của thánh Marcô (4,26-29). Khuynh hướng căn bản của Chúa Giêsu xuất hiện trong các lời nói này là thái độ lạc quan, dựa trên lòng tự tin vào quyền năng của Chúa Cha là “Thiên Chúa của mùa gặt” (Matt. 9,38).

 

Lòng tự tin của Chúa Giêsu trở nên nguồn hy vọng cho chúng ta, vì Ngài có khả năng nhìn xuyên qua lớp màn bên ngoài để nhận ra những công việc huyền nhiệm nhưng vô cùng lôi cuốn của Chúa Cha. Hạt giống của Lời Chúa luôn mang lại hoa quả. Và vì thế mùa gặt của Chúa đang gia tăng, cho dù trong tầm mắt con người, điều này dường như không phải là như thế.

 

Cuộc sống của một linh mục và bản chất thực sự v ơn gọi và về  mục vụ của ngài được chứa đựng trong viễn tượng được Chúa Giêsu bày tỏ. Viễn tượng này đã thúc đẩy Ngài đi từ làng này sang làng khác, giảng dạy trong hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa lành người bệnh tật (x. Matt. 9,35). Như người gieo giống trong ngụ ngôn, Ngài đã gieo Lời Chúa với sự rộng lượng xem ra có vẻ bất cẩn, vì thế có hạt đã rơi trên đường, trên đất sỏi, và trong bụi gai (x. Matt. 13,3-8).

 

Cơ sở cho sự rộng lượng này là lòng tự tin vào quyền năng của Chúa Cha có thể biến đổi đất sỏi và gai gốc trở nên đất màu mở. Mỗi người linh mục phải để cho mình được chứa đầy lòng tự tin như thế vào quyền năng của ân sủng, bởi vì chính người đã từng là một vùng đất cần được làm sạch bởi người gieo giống thiêng liêng để hạt giống có thể nảy mầm và lời đáp trả chng chạc có thể diễn ra. Lời đáp trả “Con đây” mà chúng ta đã thể hiện trong ngày nhận chức linh mục và nói lại mỗi ngày nơi sự hiệp thông với Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể.

 

Qua sự thích ứng vào cảm nghĩ của Vị Thầy này, người linh mục sẽ dần dần chia sẻ khuynh hướng tự tin của Ngài. Bằng cách đi sâu vào tầm nhìn của Chúa Giêsu, vị linh mục sẽ nhìn thầy xung quanh mình toàn là “mùa gặt của Chúa”, đang sẵn chờ để được thu gom vào nhà kho của thiên đàng (x. Matt. 13,30). Ân sủng sẽ hoạt động qua người và vì thế, người sẽ tìm được những đáp trả chân thành và rộng lượng đối với lời kêu mời của Chúa.

 

(xem tiếp phần hai của bài huấn từ này dưới đây)

 

Rev Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/9/2006 

 

  

TOP

 

 

 ? "Các người làm trong mùa gặt của Chúa là những người bước theo Đức Kitô"

 

Giáo Hoàng Bin Đức XVI: Tông Du Đức Quc 9-14/9/2006 – Bài Hun T (được soạn sẵn song không đọc mà lại nói bộc phát, nhưng bài đã được trao cho thành phần giáo sĩ tham dự hôm ấy) Th Năm 14 ti Vương Cung Thánh Đường Thánh Maria và Thánh Corbinian, Freising

 

Tuy nhiên, chúng ta phải luôn lưu ý về ngôn từ trong Thánh Kinh: “Thiên Chúa của mùa gặt” chính là Vị “sai” thợ gặt đi làm công tác. Chúa Giêsu đã không giao cho các môn đệ trách nhiệm đi kêu gọi những tình nguyện viên khác hay tổ chức những chiến dịch đẩy mạnh nhằm tụ họp thêm thành viên; Ngài bảo họ hãy “cầu xin” với Chúa. Điều này có nghĩa là gì? Phải chăng công tác ơn gọi của chúng ta chỉ hạn chế trong việc cầu nguyện? Rõ ràng là không.

 

“Cầu xin Thiên Chúa của mùa gặt” mang ý nghĩa sâu sắc hơn: Chỉ qua sự kết hợp thân mật với Thiên Chúa của mùa gặt, qua việc sống một cách chìm đắm trong “trái tim” tràn đầy tình thương cho nhân loại của Ngài, chúng ta mới có thể đưa các người làm khác đến để chia sẻ công việc Nước Trời. Đầu óc chúng ta không chỉ xoay quanh những con số và hiệu lực, nhưng là sự cho đi chính mình. Đấy chính là hạt lúa nẩy mầm và mang lại hoa quả khi nó rơi xuống đất và tan biến.

 

Các người làm trong mùa gặt của Chúa là những người bước theo Đức Kitô. Điêu này đòi hòi phải từ bỏ chính mính và trở nên hoàn toàn “hòa hợp” với thánh ý Ngài. Việc này không đơn giản, vì nó đi ngược với “trọng lực” sâu xa ở bên trong chúng ta, khiến cho chúng ta trở nên ích kỷ. Chúng ta chỉ có thể vượt qua sức lực này khi chúng ta trải qua cuộc hành trình Phục Sinh, chết đi và sống lại.

 

Trên cuộc hành trình này Đức Kitô không chỉ đã đi trước chúng ta, nhưng Ngài còn đồng hành với chúng ta; quả thật Ngài tiến đến chúng ta, như Ngài đã từng tiến tới với Simon Phêrô khi ông bắt đầu bị chìm lúc đang cố bước tới Chúa Giêsu trên mặt nước (x. matt. 14,28-31). Đến khi nào Phêrô vẫn còn nhìn vào khuôn mặt của Chúa Giêsu thì ông ta có thể vững bước trên mặt nước cuồn cuộn của biển Galilee, vì ông ta xem như vẫn còn nằm trong vùng có lực hấp dẫn của ân sủng Ngài. Tuy nhiên khi ông ta quay mắt đi thì ông đã nhìn thấy gió mạnh làm cho ông trở nên sợ hãi và chìm xuống.

 

Chúa Giêsu đã làm cho ông thấy quyền năng nơi bàn tay cứu rỗi của Ngài, như tiên đoán hành động “cứu rỗi” cuối cùng và quyết định đối với vị tông đồ này, đó  là “sự phục sinh” của ông sau khi đã “chìm xuống” vì những lời chối Chúa. Qua cuộc hành trình Phục Sinh này, người môn đệ đã trở nên chứng nhân trung thực của Chúa.

 

Vậy công việc chứng nhân là gì? Sự phục vụ này bao gồm những gì? Thánh Augustinô đã cố gắng giải thích bản chất của công việc của một vị thừa tác đã được phong chức bằng cách đưa ra hai giải nghĩa đã trở nên kinh điển. Ngài diễn tả người thừa tác trên hết là “servus Christi” (x. Sermo Guelf. 9,4; Ep. 130; Ep. 228,2, v.v.)

 

Cụm từ “tôi tớ” bao hàm khái niệm về mối quan hệ: Làm tôi tớ trong mối tương quan với người chủ. Gọi vị linh mục là “servus Christi” tức nhấn mạnh rằng cuộc sống của vị linh mục mang một “ý nghĩa về mối quan hệ” thiết yếu: Với tất cả con người của mình, vị linh mục sống trong mối tương quan với Đức Kitô. Điều này không chia phối mối tương quan của người với cộng đoàn, nhưng nó là cơ sở cho mối tương quan ấy. Chính vì là “tôi tớ của Đức Kitô” nên vị linh mục “nhân danh Ngài, là tôi tớ của tôi tớ Ngài” (tiêu đề của Ep. 217 Vitale; x. De pecc. Mer. Et rem. III; Ep. 130; sermo Guelf. 32,3, v.v.).

 

Do bản chất bí tích của việc truyền chức, vị linh mục thuộc về Đức Kitô và hiến dâng hoàn toàn cho “thân thể” của Giáo hội. Khía cạnh mang tính bản thể học này của mục vụ tư tế, là điều đi sâu vào chính con người linh mục, tạo trong người một giả định trước về một hình thức phục vụ vô cùng táo bạo mà giới trần tục không thể mường tượng được.

 

Ý nghĩa khác về linh mục mà thánh Augustinô thường sử dụng là “vox Christi”. Ngài phát triển những ý tưởng về đề tài này bằng cách suy gẫm về hình ảnh của thánh Gioan Tiền hô (x. Serm. 22; 293,3; Serm. Dolbeau 3, v.v.). Người tiên phong cho Chúa Giêsu xác định mình là một “tiếng kêu” đơn sơ được sai đến để công bố về Đức Kitô là “Ngôi Lời”. Như thế, vị linh mục thừa tác, theo thánh Augustinô, có trách nhiệm trở nên “vox Verbi” (x. Srm. 46,30-32), “praedicator Verbi” (x. Serm. 71,13/22), “Verbi prolator” (x. En. in Ps. 134,1; Serm 23,1, v.v.)

 

 Đây là một ý tưởng mà thánh Augustinô nhắc đến nhiều lần; nó nêu lên thêm lần nữa “ý nghĩa tương quan” của vị linh mục thừa tác: là “tiếng nói”, người luôn có mối quan hệ với “Ngôi Lời” là Đức Kitô. Sự vĩ đại và khiêm nhường của vị linh mục thừa tác được bày tỏ ở đây. Như thánh Gioan Tiền hô, vị linh mục và phó tế chỉ là những người báo trước, là những người phục vụ cho Ngôi Lời. Họ không phải là trung tâm điểm, nhưng là Đức Kitô, và họ phải gắn bó với “tiếng nói” của Ngài suốt cuộc đời mình.

 

Xuất phát từ những suy niệm này là câu trả lời đối với một câu hỏi mà không có vị chủ chiên của các linh hồn nào có tinh thần trách nhiệm không thể không tự hỏi, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay đang thiếu linh mục: làm sao có thể duy trì sự liên kết nội tâm giữa những sinh hoạt mục vụ náo động?  

 

Hướng đi đến một giải pháp đối với vấn đề này là sự gắn bó mật thiết với Đức Kitô, lương thực Ngài là thi hành thánh ý của Chúa Cha (x. Gioan 4,34). Một điều quan trọng là mối tương quan với Đức Kitô, mang tính bản thể học, được tạo ra nơi biến cố tấn phong, phải trở nên sống động trong ý thức và sau đó là những hành động của vị linh mục. Tất cả những gì tôi làm là trong sự hiệp thông với Ngài. Chính trong hành động đó mà tôi được liên kết với Ngài.

 

Cho dù từ bên ngoài nhìn vào, sinh hoạt của tôi đa dạng và thậm chí đối nghịch nhau như thế nào đi nữa, chúng đều thống nhất ở mức độ động cơ căn bản: tất cả đều là trong Đức Kitô, hành động như một dụng cụ sự hiệp thông với Ngài. Từ đó xuất hiện một chiều kích khổ chế mới đối với chức linh mục. Điều này không phải song song với sinh hoạt mục vụ như thêm một gánh nặng, một trách nhiệm khác đè nặng trên ngày làm việc.

 

Chính trong hành động tôi học cách làm chủ bản thân, tôi học cách cho đi cuộc sống mình một cách bình thản; trong sự thất vọng và trong sự thất bại tôi học cách quên mình; tôi học cách đón nhận sầu muộn, tôi học cách từ bỏ chính mình. Trong niềm vui thành công tôi học cách tạ ơn. Trong việc cử hành các bí tích tôi đón nhận các bí tích trong tôi… Lối khổ chế phục vụ này, sự phục vụ chính là sự khổ chế của đời mình, chắc chắn là động cơ quan trọng nhất mà tuy nhiên luôn đòi hỏi sự giải nghĩa liên tục về hành động dựa trên sự tồn tại.

 

Ngay cả khi vị linh mục thực hiện đời sống mục vụ như việc khổ chế và các hoạt động bí tích như là cuộc gặp gỡ riêng tư với Đức Kitô, vị linh mục vẫn cần có những khoảnh khắc để nghỉ ngơi, để hướng đi nội tâm có thể trở nên thực và có hiệu quả. Chính Chúa Giêsu, khi các môn đệ trở lại từ cuộc rao giảng thứ nhất, đã nói với họ: “Hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Marcô 6,31).

 

Cho đi chính mình một cách rộng lượng không khả thi nếu không có huấn luyện và liên tục tìm lại sự nội tâm chất chứa niềm tin đích thực. Hiệu quả của hoạt động mục vụ trên hết tùy thuộc vào lời cầu nguyện; nếu không, phục vụ trở nên một thứ hoạt động trống rỗng.

 

Vì thế thời giờ bỏ ra để trực tiếp gặp gỡ Chúa trong lời cầu nguyện có thể được diễn tả chính xác là một ưu tiên tối hậu về  mục vụ. Đây là hơi thở của linh hồn, nếu không có nó thì vị linh mục chắc chắn “không còn hít thở”, không có “dưỡng khí” là sự lạc quan và niềm vui, là những thứ vị linh mục cần có để ngày ngày được sai đi làm việc trong mùa gặt của Chúa. Amen!

 

Rev Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/9/2006 

 

 

 

TOP

 

 

?  Tính Cách Tông Truyền của Thánh Thể và của Giáo Hội

(Thông Điệp GIÁO HỘI SỐNG BỞI THÁNH THỂ của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/edocs/ENG0821/_INDEX.HTM)

26.       Nếu, như Tôi đã nói, Thánh Thể xây dựng Giáo Hội và Giáo Hội thực hiện Thánh Thể thì cả hai có một mối liên hệ sâu xa, tới nỗi chúng ta có thể áp dụng mầu nhiệm Thánh Thể chính những lời chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Chung Nicene-Constantinopolitan là Giáo Hội “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Cả Thánh Thể nữa cũng duy nhất và công giáo. Thánh Thể còn thánh thiện, thực sự là một Bí Tích Cực Thánh. Thế nhưng, trước hết, chúng ta giờ đây cần phải nhận định về tính cách tông truyền của Thánh Thể.

27.       Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, khi giải thích làm sao Giáo Hội tông truyền được căn cứ vào các Vị Tông Đồ, đã thấy được ba ý nghĩa nơi lời phát biểu này. Trước hết, “Giáo Hội đã và vẫn được xây dựng trên ‘nền tảng các Vị Tông Đồ’ (Eph 2:20), những vị chứng nhân được chính Chúa Kitô tuyển chọn và sai đi truyền giáo” (51). Thánh Thể cũng có nền tảng trên các Vị Tông Đồ, không phải ở chỗ Thánh Thể không bắt nguồn từ chính Chúa Kitô, mà là ở chỗ Thánh Thể được Chúa Giêsu ký thác cho các Vị Tông Đồ và đã được các vị cùng những người thừa kế các vị truyền lại cho chúng ta. Chính vì việc tiếp tục thực hiện theo các Vị Tông Đồ tuân giữ lệnh truyền của Chúa mà Giáo Hội vẫn cử hành Thánh Thể qua các thế kỷ.

Ý nghĩa thứ hai cho thấy Giáo Hội tông truyền, như Sách Giáo Lý trình bày, đó là “được sứ nâng đỡ của Thần Linh ở trong mình, Giáo Hội gìn giữ và truyền đạt giáo huấn, ‘kho tàng thiện hảo’, những lời tác hiệu Giáo Hội đã nghe từ các Vị Tông Đồ” (52). Thánh Thể cũng tông truyền cả ở chỗ này nữa. Vì Thánh Thể được cử hành hợp với đức tin của các Vị Tông Đồ. Ở vào những thời điểm khác nhau trong giòng lịch sử 2000 năm của Dân Tân Ước, Huấn Quyền của Giáo Hội đã truyền dạy chính xác hơn nữa về Thánh Thể, bao gồm cả vấn đề ngữ pháp xứng hợp, chính là để bảo toàn đức tin  tông truyền liên quan đến mầu nhiệm cao quí này. Niềm tin này vẫn không thay đổi và Giáo Hội cần phải làm sao để niềm tin này không đổi thay.

28.       Sau hết, Giáo Hội còn tông truyền theo nghĩa là Giáo Hội “tiếp tục được dạy dỗ, thánh hóa và hướng dẫn bởi các Vị Tông Đồ cho đến khi Chúa Kitô tái giáng, qua những người thừa kế của các vị trong vai trò mục vụ là Giám Mục đoàn được các linh mục hỗ trợ, hợp nhất với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, vị mục tử tối cao của Giáo Hội” (53). Việc kế thừa các Vị Tông Đồ trong vai trò mục tử cần đến bí tích Truyền Chức Thánh, tức là tính cách liên tục không bị gián đoạn ngay từ ban đầu nơi những việc truyền chức hàng giáo phẩm (54). Việc thừa kế là việc thiết yếu đối với Giáo Hội để hiện hữu một cách xứng hợp và trọn vẹn.

Thánh Thể cũng thể hiện ý nghĩa tông truyền này nữa. Như Công Đồng Chung Vaticanô II dạy, “tín hữu tham dự vào việc hiến dâng Thánh Thể vì vai trò tư tế vương giả của họ” (55), tuy nhiên chỉ có vị tư tế có chức thánh, “tác hành thay ngôi vị Chúa Kitô, thực hiện Hy Tế Thánh Thể và hiến dâng Hy Tế lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân Chúa” (56). Vì lý do này, Lễ Nghi Rôma qui định rằng chỉ có linh mục mới đọc Lời Nguyện Thánh Thể, trong khi đó dân Chúa tham dự vào bằng đức tin và trong thinh lặng (57).

29.       Công Đồng Chung Vaticanô II sử dụng nhiều lần lời diễn tả “thành phần linh mục thừa tác, tác hành thay ngôi vị Chúa Kitô, mới là vị thực hiện Hiến Tế Thánh Thể” (58), là lời diễn tả đã được bắt nguồn sâu xa từ giáo huấn của giáo hoàng (59). Như Tôi đã nói đến ở các lần khác, câu in persona Christi “có nghĩa còn hơn là việc hiến dâng ‘nhân danh’ hay ‘thay cho’ Chúa Kitô. In persona nghĩa là đồng hóa đặc biệt về bí tích với Vị Thượng Tế đời đời, Đấng là tác giả và là chủ thể chính của hiến tế này của Người, một hiến tế thực sự không ai có thể thay Người” (60). Thừa tác vụ của các vị linh mục, thành phần đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, trong công cuộc cứu độ được Chúa Kitô tuyển chọn, là thừa tác vụ cho thấy rõ Thánh Thể được các vị cử hành là một tặng ân hoàn toàn trổi vượt trên quyền hạn của cộng đồng, và là một tặng ân hết sức cần thiết cho mối liên hệ thành hiệu giữa việc thánh hiến Thánh Thể với hiến tế Thập Tự cũng như với Bữa Tiệc Ly. Cộng đồng qui tụ lại với nhau để cử hành Thánh Thể, nếu thật sự là cộng đồng Thánh Thể, tuyệt đối cần phải có sự hiện diện của một vị linh mục có chức thánh chủ sự. Ngoài ra, cộng đồng này, tự mình không thể cung cấp một vị thừa tác viên có chức thánh. Vị thừa tác viên này là một tặng ân cộng đồng nhận được qua việc thừa kế hàng giáo phẩm bắt nguồn từ các Vị Tông Đồ. Chính vị Giám Mục, vị qua Bí Tích Truyền Chức Thánh, làm nên một vị tư tế mới bằng việc ban cho họ quyền thánh hiến Thánh Thể. Tóm lại, “mầu nhiệm Thánh Thể không thể được cử hành nơi bất cứ một cộng đoàn nào ngoại trừ bởi một vị linh mục có chức thánh, như Công Đồng Chung Latêranô IV minh nhiên truyền dạy” (61)

 

(các bài chủ đề về Thánh Thể vào các Thứ Năm hằng tuần)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ