GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 30/10/2006

 TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

 

?  Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXX Thường Niên 29/10/2006 về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người mù trong Bài Phúc Âm

?  "Tôn giáo phải là sứ giả của hòa bình".

?   "Hòa bình trước tiên vẫn cần phải được xây dựng trong tâm hồn".

 

 

? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXX Thường Niên 29/10/2006 về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người mù trong Bài Phúc Âm

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Chúng ta đọc thấy trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này (Mk 10:46-52) rằng, trong khi Chúa đi ngang qua những đường phố Giêricô thì có một người mù tên là Batimê lên tiếng nói với Người bằng cách kêu lớn tiếng rằng: ‘Hỡi Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót tôi cùng!’ Điều này đã làm Chúa Giêsu động lòng, Người đã dừng bước, gọi anh ta đến và chữa lành cho anh ta.

 

Giây phút quyết liệt này là cuộc hội ngộ riêng tư trực tiếp giữa Chúa Giêsu và con người khổ đau ấy. Hai bên đối diện với nhau. Thiên Chúa có ý muốn chữa lành và con người ấy muốn được chữa lành. Hai quyền tự do, hai ý muốn đồng qui: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Chúa Kitô hỏi anh ta. Người mù đáp: “Xin cho tôi được thấy”. “Được, đức tin của anh đã cứu chữa anh”.

 

Với những lời ấy, phép lạ đã xẩy ra. Thiên Chúa hân hoan, con người vui sướng. Và Batimê, người đã được sáng mắt – như Phúc Âm trình thuật – “đã đi theo Người”: Tức là, anh trở nên môn đệ của Người và đi theo Vị Sư Phụ này lên Giêrusalem để dự phần với Người vào mầu nhiệm cứu độ. Căn cứ vào ý chính của những lời lẽ đó thì đoạn trình thuật này cho thấy hành trình của thành phần dự tòng hướng đến phép rửa, một cuộc hành trình vào thời Giáo Hội sơ khai cũng được gọi là ‘cuộc soi sáng’.

 

Đức tin là một đường lối sáng soi; nó được bắt đầu từ lòng khiêm nhượng nhận biết nhu cầu cần được cứu độ của mình và tiến tới chỗ gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng gọi con người theo Người trên con đường yêu thương. Căn cứ vào mẫu thức này, những cuộc hành trình khai tâm Kitô Giáo ấy đã được thiết lập trong Giáo Hội để sửa soạn cho việc lãnh nhận bí tích rửa tội, thêm sức và Thánh Thể.

 

Ở những địa điểm được truyền bá phúc âm hóa trước đây – nơi bí tích rửa tội cho trẻ em được thịnh hành – thì các cảm nghiệm về giáo lý và tu đức được dạy cho giới trẻ và người lớn hầu giúp cho họ có thể đi vào con đường tái nhận thức đức tin một cách trưởng thành và ý thức, để sau đó thiết tha lãnh nhận trách nhiệm chứng nhân. Các vị chủ chiên và giáo lý viên cần phải thi hành công việc này biết bao!

 

Việc tái nhận thức giá trị nơi phép rửa của mình là nền tảng cho việc dấn thân truyền giáo của hết mọi Kitô hữu, vì chúng ta thấy nơi Phúc Âm rằng ai để cho Chúa Kitô thu hút không thể nào không tỏ ra niềm vui của việc theo Người. Trong tháng 10, tháng đặc biệt giành cho việc truyền giáo, chúng ta thậm chí còn hiểu hơn là, vì phép rửa, chúng ta vồn được kêu gọi thực hiện việc truyền giáo.

 

Chúng ta hãy nguyện cầu cùng Trinh Nữ Maria để gia tăng thành phần thừa sai của Phúc Âm. Mật thiết liên kết với Chúa Kitô, chờ gì hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa nghe thấy rằng họ được kêu gọi để loan truyền tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, bằng chứng từ của đời sống riêng mình.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 29/10/2006

 

  

TOP

 

 

 ? "Tôn giáo phải là sứ giả của hòa bình".

 

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Benedictô XVI ngày 4/9/2006 gởi Cuộc Hội Ngộ Liên Tôn để Cầu Nguyện cho Hòa Bình lần thứ 20

 

Trân trọng gởi người anh em đáng kính

Đức Giám Mục Domenico Sorrentino, Giám Mục giáo phận Assisi-Nocera Umbra-Gualdo Tadino

 

Đây là năm thứ 20 của Cuộc họp Liên tôn để cầu nguyện cho hòa bình, một cuộc họp đươc thực hiện theo ước nguyện của vị tiền nhiệm khả kính của tôi là ĐTC Gioan Phaolô II vào ngày 27 tháng 10 năm 1986 tại Assisi.

 

Điều đã được mọi người biết là ngài đã không chỉ mời đại diện của các phái Kitô giáo nhưng còn đại diện của cả các tôn giáo khác nữa. Việc khởi xướng này đã tác động mạnh mẽ đến dư luận. Biến cố đã tạo nên một thông điệp đầy khí lực đẩy mạnh hòa bình và đã để lại dấu ấn trên lịch sự thời đại.

 

Vì thế, ký ức về các biến cố này vẫn tiếp tục gây cảm hứng cho các nỗ lực suy tư và dấn thân. Một số nỗ lực sẽ được diễn ra ngay tại Assisi trong dịp kỷ niệm thứ 20 của cuộc khởi xướng ấy. Tôi đang liên tưởng đến sự kiện được Cộng Đoàn Sant’Egidio tổ chức với sự đồng thuận của Giáo phận này, cũng như các cuộc họp thường niên khác của Cộng Đoàn ấy.

 

Ngoài ra, chính trong những ngày diễn ra cuộc họp kỷ niệm, cũng sẽ diễn ra một Hội nghị được Viện Thần học Assisi tổ chức, và các Giáo hội trong vùng sẽ tụ họp trong Thánh lễ được các Đức Giám Mục Giáo Phận Umbria cử hành trong nhà thờ thánh Phanxicô.

 

Hội đồng Đối thoại Liên tôn của Tòa Thánh sẽ tổ chức một cuộc họp đối thoại, cầu nguyện, và huấn luyện về hòa bình cho giới trẻ Công giáo và các bạn trẻ thuộc các tôn giáo khác.

 

Các nỗ lực này, mỗi việc mang một phong thái khác nhau, nêu bật giá trị nơi sự sáng suốt của ĐTC Gioan Phaolô II và thể hiện tính cách hợp thời theo chiều hướng những gì đã xảy ra trong 20 năm qua cũng như tình trạng nhân loại ngày nay.

 

Chắc chắn biến cố quan trọng nhất trong giai đoạn này là sự sụp đổ của các chế độ Cộng sản tại Đông Âu. Điều này đã làm chấm dứt Cuộc Chiến Tranh Lạnh là cuộc chiến đã từng gây chia rẻ thế giới thành hai phe đối nghịch, đưa đến tình trạng dự trữ các kho chứa vũ khí và quân lực ghê gớm để chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn lực.

 

Đây là khoảnh khắc mà niềm hy vọng hòa bình lan tràn đã thúc đẩy nhiều người mơ ước có một thế giới khác biệt, nơi các mối quan hệ có thể phát triển giữa con người, không còn bị ác mộng chiến tranh đe dọa, và nơi tiến trình “toàn cầu hóa” là  những gì sẽ diễn ra theo chiều hướng các dân tộc và văn hóa gặp gỡ nhau một cách thuận hòa, dựa vào một nền luật pháp quốc tế chung, luôn biết tôn trọng nhu cầu chân lý, công bình, và đoàn kết.

 

Tiếc thay, ước mơ hòa bình này chưa trở nên hiện thực. Ngược lại, thiên niên kỷ thứ 3 đã khai mạc bằng những cảnh khủng bố và bạo lực mà không thấy dấu chỉ thuyên giảm. Rồi, sự kiện về các cuộc xung đột đang diễn ra bởi sự căng thẳng về địa dư và chính trị ở nhiều vùng là những gì có thể gây ấn tượng rằng: không phải chỉ có vấn đề đa văn hóa nhưng còn cả vấn đề khác biệt về tôn giáo nữa là nguyên do gây ra tình trạng bất ổn hay các mối đe dọa đối với niềm hy vọng hòa bình.

 

Trước bối cảnh ấy mà sự khởi xướng của ĐTC Gioan Phaolô II cách đây 20 năm đã đạt được những tính chất tiên tri thực sự. Lời ngài mời gọi các vị lãnh đạo tôn giáo trên thế giới hãy đồng nhất làm chứng cho hòa bình là những gì cho thấy một cách không thể lầm lẫn rằng: tôn giáo phải là sứ giả của hòa bình.

 

Như Công đồng Vaticanô II đã chỉ dẫn trong Tuyên Ngôn “Nostra Aetate” về Mối Quan hệ giữa Giáo hội và các Tôn giáo không thuộc Kitô giáo rằng: “Chúng ta không thể thực sự cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha của mọi người nếu chúng ta không đối xử theo tinh thần huynh đệ với bất cứ người nào khác, bởi vì mọi người được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa” (số 5).

 

Mặc dầu có những khác biệt giữa các niềm tin tôn giáo, sự nhận biết về Thiên Chúa, điều mà con người chỉ có được qua cảm nghiệm về thiên nhiên tạo vật (x. Rom 1,20), phải khiến các tín hửu nhìn vào những người khác như là anh em. Bởi thế, bất kể ai lấy sự khác biệt tôn giáo làm giả định hay lý do để có thái độ hung hăng với những người khác là không hợp lý.

 

Người ta tranh có thể phản đối rằng: lịch sử đã trải qua hiện tượng đáng tiếc là các cuộc chiến tôn giáo. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, các biểu hiện bạo lực này không thể được quy cho tôn giáo nhưng là các hạn chế về văn hóa được sống và phát triển vào lúc ấy.

 

Tuy nhiên, khi ý thức tôn giáo được trưởng thành sẽ tạo nên một quan niệm trong người tín hữu rằng: niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa vũ trụ và Người Cha của mọi người phải là những gì khuyến khích mối tương quan về tình huynh đệ giữa toàn thể mọi người.

 

Trên thực tế, chứng từ về sự liên kết mật thiết giữa mối tương quan với Thiên Chúa và luân lý yêu thương là những gì đã được ghi nhận trong tất cả các tôn giáo lớn. Chúng ta là những Kitô hữu cảm thấy được củng cố bởi điều này và tiếp tục được Lời Chúa soi sáng. Sách Cựu Ước đã cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi dân tộc, một mối tình Ngài đã thiết lập với ông Noah, khi Ngài đã ôm ấp qui tụ họ lại, được tượng trưng qua “chiếc cầu vồng” (ST 9,13,14,16); và theo lời của các Tiên tri, ngài dự tính sẽ tụ họp tất cả vào một gia đình thống nhất (x. Is 2,2tt; 42;6, 66,18-21, Jer. 4,2; TV 47[46]).

 

Trong sách Tân Ước, chương trình yêu thương này được mạc khải trong Mầu nhiệm Phục Sinh; Con Một của Ngài, qua hành động vô cùng đoàn kết, đã hiến mình trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại. Bởi thế, Thiên Chúa đã chứng tỏ rằng bản tính của Ngài là tình yêu. Đây là điều tôi muốn nhận mạnh trong thông điệp đầu tiên của tôi với các chữ mở đầu là “Deus caritas est” (1Gn 4,7).

 

Sự khẳng định trong Thánh Kinh không chỉ làm tỏa sáng mầu nhiệm của Chúa mà con làm rõ mối tương quan giữa con người được mời gọi để tuân theo điều răn yêu thương.

 

(xin xem tiếp phần hai của sứ điệp này dưới đây)

 

Rev Antôn Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/letters/2006/documents/hf_ben-xvi_let_20060902_xx-incontro-assisi_en.html

 

 

 

TOP

 

 

?  "Hòa bình trước tiên vẫn cần phải được xây dựng trong tâm hồn".

 

Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Benedictô XVI ngày 4/9/2006 gởi Cuộc Hội Ngộ Liên Tôn để Cầu Nguyện cho Hòa Bình lần thứ 20

 

Cuộc gặp gỡ được Người Tôi Tớ của Chúa là ĐTC Gioan Phaolô II tổ chức tại Assisi nhấn mạnh một cách xứng đáng đến giá trị của lời cầu nguyện trong việc xây dựng hòa bình. Quả thật, chúng ta ý thức được rằng tiến trình này có thể rất khó khăn và đôi khi rất tuyệt vọng. Hòa bình là giá trị mà nhiều yếu tố phải hội tụ. Để xây dựng hòa bình, các đường lối về văn hóa, chính trị, và hệ thống kinh tế, dù quan trọng đến đâu chăng nữa, hòa bình trước tiên vẫn cần phải được xây dựng trong tâm hồn. Chính nơi đây mới phát triển những cảm nghỉ có thể nuôi dưỡng hòa bình, hay ngược lại, có thể đe dọa, làm suy yếu, và bóp chết nó.

 

Ngoài ra, trong quả tim của con người mới là nơi Thiên Chúa can thiệp. Về điều này, ngoài chiều kích “ngang” trong mối quan hệ với người khác, chiều kích “dọc” trong mối quan hệ với Thiên Chúa là nền tảng của mọi điều, mang tính cách quan trọng thực sự. Đây chính là điều ĐTC Gioan Paolô II muốn nhắc nhở thế giới trong biến cố 1986.

 

Ngài đã kêu gọi thực hiện việc cầu nguyện chân thật bằng cả đời sống của mình. Vì thế, ngài muốn sự ăn chay đi kèm lời cầu nguyện và được biểu lộ qua cuộc hành hương, là những gì biểu hiệu cho cuộc hành trình gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài đã giải thích rằng: “Lời cầu nguyện đòi hỏi sự biến đổi trong quả tim chúng ta” (Lễ khai mạc Ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình, Assisi, 28-10-1986, số 4; L’Osservatore Romano bản tiếng Anh, 3-11, tr.1).

 

Trong các khía cạnh của Cuộc họp năm 1986, chúng ta nên nhấn mạnh rằng giá trị cầu nguyện trong việc xây dựng hòa bình đã được thành phần đại diện của các tôn giáo khác nhau chứng nhận; điều này không xảy ra ở những khoảng cách xa nhau mà chính trong bối cảnh của cuộc họp. Bởi thế, các thành viên thuộc các tôn giáo khác nhau cầu nguyện có thể diễn tả qua ngôn ngữ minh chứng rằng: lời cầu nguyện không chia rẻ nhưng đoàn kết và là một yếu tố có tính cách quyết định việc thực hiện hòa bình, dựa vào tình thân hữu, vào sự đón nhận lẫn nhau, và vào việc đối thoại giữa những người xuất phát từ các truyền thống và tôn giáo khác nhau.

 

Hơn bao giờ hết chúng ta cần có sự đối thoại, đặc biệt nếu chúng ta nhìn vào các thế hệ mới. Những cảm tưởng oán thù đã được gieo vào nhiều người trẻ ở các nơi trên thế giới đang sống trong các cuộc xung đột, trong các bối cảnh về ý hệ là nơi đang vun trồng các hạt giống của những mối oán giận lâu đời, và tinh thần họ đang được chuẩn bị để tham gia vào bạo lực trong tương lai. Các rào cản phải được kéo xuống và sự gặp gỡ phải được khuyến khích.

 

Vì thế, tôi vui mừng vì nỗ lực được dự định tại Assisi năm nay đi theo đường hướng này, cụ thể, Hội đồng Đối thoại Liên tôn của Tòa Thánh đã có ý tưởng áp dụng nó một cách đặc biệt cho giới trẻ.

 

Để bảo đảm cái ý nghĩa của điều mà ĐTC Gioan Phaolô II muốn đạt được năm 1986 và điều, trong chính ngôn từ của ngài, ngài có thói quen gọi là “tinh thần Assisi”, chúng ta không thể thiếu thận trọng trong dịp này trong việc bảo đảm rằng: “Buổi cầu nguyện liên tôn” không có tính cách hòa đồng theo quan niệm tương đối.

 

Chính vì lý do này mà ĐTC Gioan Phaolô II đã tuyên bố ngay từ lúc đầu: “Việc chúng ta đến đây không hàm chứa bất cứ ý định nào muốn tìm đến một sự hòa đồng về tôn giáo hay để thương lượng về tín ngưỡng của chúng ta. Nó cũng không có nghĩa tôn giáo có thể được giải hòa ở mức độ dấn thân chung trong một dự án trần thế sẽ bao trùm lên tất cả. Nó cũng không phải là sự nhượng bộ trong đức tin tôn giáo theo thuyết tương đối” (ibid, số 2).

 

Tôi muốn tái khẳng định nguyên tắc này là cơ sở cho việc đối thoại liên tôn mà Công Đồng Vaticanô II đã mong muốn, như đã được bày tỏ trong bản Tuyên Ngôn về Mối quan hệ giữa Giáo hội và các tôn giáo ngoài Kitô giáo (x. “Nostra Aetate,” số 2).

 

Tôi vui mừng lấy cơ hội này để gởi lời chào đến các đại biểu của các tôn giáo khác đang tham dự trong các việc kỷ niệm tại Assisi. Như những người Kitô hữu chúng ta, họ biết rằng lời cầu nguyện giúp chúng ta có thể cảm nghiệm thấy Thiên Chúa và từ đó có thể lấy được niềm phấn khởi thực sự cho cuộc dấn thân thực hiện sự nghiệp hòa bình.

 

Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng phải tránh sự lầm lẫn không thích đáng. Vì thế, ngay cả khi chúng ta tụ họp để cầu nguyện cho hòa bình, lời cầu nguyện phải nằm trong khuôn khổ khác nhau của các tôn giáo. Đây là quyết định từ năm 1986 và ngày nay vẫn còn hợp lý.

 

Sự gặp gỡ giữa nhiều sự khác biệt không tạo nên ấn tượng rằng có sự đầu hàng trước tương đối thuyết là thuyết từ chối chính ý nghĩa về chân lý và khả năng tìm ra chân lý.

 

Để thực hiện sáng kiến táo bạo và tiên tri của mình, ĐTC Gioan Phaolô II đã muốn chọn một nơi gợi lên nhiều cảm xúc, đó là thị trấn Assisi, mà toàn thế giới đều biết đến vì thánh Phanxicô.

 

Thực ra, vị “Poverello” đã thể hiện một cách mẫu mực các Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã công bố trong Tin Mừng: “Phúc cho người hòa giải, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Matt. 5,9). Chứng từ của thánh Phanxicô trong thời đại của ngài đã tạo ra một cứ điểm tất yếu ngày nay cho những ai đang nung nấu lý tưởng hòa bình, tôn trọng thiên nhiên, và đối thoại giữa các dân tộc, tôn giáo và văn hóa. Tuy nhiên, nếu không muốn đi ngược với thông điệp của ngài, chúng ta phải nhớ rằng, chính lời tuyên bố quyết liệt của Đức Kitô ấy đã cung cấp cho ngài chìa khóa để thấu hiểu tình huynh đệ mà tất cả đều được mời gọi tham dự; và trong đó, ngay cả các tạo vật vô tri vô giác – từ “anh mặt trời” đến “chị mặt trang” – đều tham dự ở một mức độ nào đó.

 

Vì thế, tôi muốn nêu lên rằng biến cố kỷ niệm 800 năm cuộc đổi đời của thánh Phanxicô trùng hợp với dịp kỷ niệm 20 năm Buổi họp cầu nguyện cho hòa bình này của ĐTC Gioan Phaolô II. Cả hai lễ kỷ niệm làm sáng tỏ lẫn nhau. Theo lời Chúa Giêsu nói với ngài từ cây thánh giá thánh Damian: “Phanxicô, hãy đi sửa chữa ngôi nhà của Cha”; một cuộc phiêu lưu, bằng việc chọn lối sống khốn khó, nơi nụ hôn trao cho người mắc bệnh phong cùi bày tỏ khả năng nhìn thấy và yêu mến Đức Kitô trong người anh em khốn cùng, đã được bắt đầu, mang tính con người và Kitô giáo, mà cho đến ngày nay vẫn tiếp tục quyến rũ vô số người hành hương đến thị trấn này.

 

Tôi xin ủy thác cho ngài, hỡi huynh đáng kính, Vị Mục Tử của Nhà Thờ Thánh Assisi-Nocera-Umbra-Gualdo Tadino, trách nhiệm truyền đạt những cảm nghỉ này đến các tham dự viên trong các buổi lễ được tổ chức vào dịp kỷ niệm năm 20 biến cố lịch sử Buổi họp Liên tôn ngày 27 tháng 10 năm 1986. Đồng thời xin huynh vui lòng truyền lại đến mọi người lời chào hỏi thân thương cũng như lời chúc lành, tôi muốn gởi kèm theo lời chào và lời cầu nguyện của vị “Poverello” thành Assisi: “Xin Thiên Chúa ban cho quí vị sự bình an!”.

 

Rev Antôn Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/letters/2006/documents/hf_ben-xvi_let_20060902_xx-incontro-assisi_en.html

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ