GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 9/10/2006

 TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

 

?  Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVII Thường Niên 8/10/2006 về vấn đề hôn nhân theo lời Chúa Giêsu dạy trong Phúc Âm

?  Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ đón Đức Thánh Cha  

?   Về Thiên Chúa với Bạo Lực và Thánh Kinh

 

 

 

 

? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVII Thường Niên 8/10/2006 về vấn đề hôn nhân theo lời Chúa Giêsu dạy trong Phúc Âm

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Chúa Nhật này, bài Phúc Âm trình bày cho chúng ta những lời của Chúa Giêsu về đời sống hôn nhân. Để trả lời cho câu hỏi là chồng có được phép bỏ vợ mình hay chăng, như được ấn định theo chỉ thị của luật Moisen (x Deuteronomy 24:1), Người đã trả lời rằng Moisen đã nhượng bộ vì “sự cứng lòng”, trong khi sự thật về hôn nhân đi ngược lại “thuở ban đầu của việc tạo dựng”, khi mà, như được viết trong Sách Khởi Nguyên, thì Thiên Chúa “đã dựng nên họ có nam có nữ. Vì thế mà người nam lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ, và cả hai trở nên một” (Mk 10:6-7; x. Gen 1:27,2:24).

 

Và Chúa Giêsu nói thêm: “Bởi thế họ không còn là hai mà là một. Do đó, những gì Thiên Chúa đã kết hợp thì không ai được phép phân chia” (Mk 10:8-9). Đó là dự định ban đầu của Thiên Chúa, như Công Đồng Chung Vaticanô II cũng nhắc nhở trong hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”: “Mối thân hữu sâu xa của đời sống và tình yêu hôn nhân đã được Đấng Hóa Công thiết lập và được luật lệ của Ngài trân quí, cũng như được cắm rễ vào giao ước hôn nhân…. Vì chính Thiên Chúa là tác giả của đời sống hôn nhân vợ chồng” (số 48).

 

Trí khôn tôi nhớ đến tất cả thành phần phối ngẫu Kitô Giáo: Cùng với họ tôi tạ ơn Chúa về tặng ân bí tích hôn phối, và khuyến dụ họ hãy trung thành với ơn gọi của mình ở mỗi giai đoạn đời sống họ, “khi vui cũng như lúc buồn, lúc mạnh khỏe cũng như đau yếu”, như họ thề nguyền trong nghi thức bí tích.

 

Chớ gì các đôi phối ngẫu Kitô Giáo, ý thức được ân sủng đã lãnh nhận, xây dựng một gia đình hướng về sự sống và có thể cùng nhau đối diện với muôn vàn thách đố phức tạp trong thời đại của chúng ta. Chứng từ của họ đặc biệt cần thiết hôm nay đây. Các gia đình cần phải làm sao đừng để mình bị lôi cuốn bởi những trào lưu văn hóa tân tiến đầy chủ nghĩa khoái lạc và tương đối, và sẵn sàng hiện thực sứ vụ của mình trong Giáo Hội và xã hội bằng việc quảng đại dấn thân.

 

Trong tông huấn “Familiaris Consortio”, Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II đã viết rằng bí tích hôn nhân “làm cho các đôi vợ chồng và cha mẹ thành chứng nhân của Chúa Kitô ‘cho tới tận cùng trái đất’, như thành phần ‘thừa sai’ đích thực của yêu thương và sự sống” (x Số 54). Sứ vụ này hướng tới cả đời sống nội bộ trong gia đình – nhất là trong việc phục vụ nhau cũng như trong việc giáo dục con cái – cũng như đời sống bên ngoài: thật vậy, cộng đồng tại gia này được kêu gọi trở nên dấu hiệu của tình Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Gia đình chỉ có thể hoàn thành sứ vụ này nếu nó được ân sủng thần linh nâng đỡ. Đó là lý do cần phải không ngừng nguyện cầu và kiên trì trong nỗ lực hằng ngày để giữ những lấy những quyết tâm đã thể hiện trong ngày cưới.

 

Tôi nguyện cầu việc bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ và việc hỗ trợ của Thánh Giuse là phu quân của Mẹ cho tất cả mọi gia đình, nhất là những gia đình đang gặp phải khó khăn. Hỡi Mẹ Maria là Nữ Vương Gia Đình, xin cầu cho chúng con!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/10/2006 

 

  

TOP

 

 

 ? Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ đón Đức Thánh Cha

 

Vị đại diện tòa thánh ở Anatolia là Đức Giám Mục Luigi Padovese cho mạng điện toán toàn cầu biết rằng các thứ căng thẳng gây ra bởi bài diễn văn của ĐTC tại Đại Học Regensburg đã trở nên yên ắng, và cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha ở Thổ Nhĩ Kỳ là một biến cố được nghênh đón.

 

“Các việc sửa soạn cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha được tiếp tục theo chương trình ấn định, cả ở Vatican lẫn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những viễn phóng ảnh và điện thoại gọi đến yêu cầu Đức Thánh Cha đừng tới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ lưa thưa lác đác vậy thôi.

 

“Ngoài ra, nếu chuyến đi này bị hủy bỏ thì sẽ bỏ lỡ mất một cơ hội. Đức Thánh Cha cần phải làm cho tư tưởng của Giáo Hội được nghe thấy, về những mối liên hệ giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo, một cách trực tiếp và rõ ràng, như được trình bày trong văn kiện ‘Nostra Aetate’ của Công Đồng”.

 

Vị giám mục 59 tuổi này đã nói rằng những căng thẳng trước đây đã gây ra bởi sự giải thích sai lạc bài diễn văn của Đức Thánh Cha, xẩy ra bởi sự kiện là “các tin tức thường xuất phát từ Tây phương bị ‘thấm nhiễm’ theo ý hệ”.

 

Vị giám mục này nói rằng nếu Đức Thánh Cha nói trực tiếp với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ thì mọi sự sẽ khác đi. Vì, theo vị giám mục này, “báo chí Thổ Nhĩ Kỳ trái lại đã phản ứng một cách tích cực” về bài diễn từ của ngài ngỏ cùng các vị lãnh sự thuộc các quốc gia Hồi Giáo ngày 25/9.

 

“Những đoạn của bài diễn văn này đã được trích lại. Chỉ có một ít lời chỉ trích thực sự là ở chỗ, theo một số tờ nhật báo, cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi. Vị giám đốc của Văn Phòng Tôn Giáo Vụ Thổ Nhĩ Kỳ là Tiến Sĩ Ali Bardagoglu… một trong những người đầu tiên phản ứng một cách dữ dội những lời của Đức Thánh Cha ở Regensburg,… đã bày tỏ những lời lẽ cảm mến” sau cuộc họp ngày 25/9/2006. Theo vị giám mục này thì ông Bardagoglu nói rằng “Thổ Nhĩ Kỳ nghênh đón Đức Biển Đức XVI”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/10/2006 

 

 

 

TOP

 

 

?  Về Thiên Chúa với Bạo Lực và Thánh Kinh

 

Mạc dù Thánh Kinh có chất chứa những trường hợp hỗn hợp giữa bạo lực và tôn giáo, nhưng vẫn cho thấy ý định của Thiên Chúa trong việc phục hồi thành phần công chính, một cuộc phục hồi cuối cùng được thực hiện nơi cuộc phục sinh an bình của Chúa Giêsu Kitô. Đó là cảm nhận của Cha Rinaldo Fabris, chủ tịch Hiệp Hội Thánh Kinh Ý Quốc, trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, nhân dịp Tuần Lễ Thánh Linh Toàn Quốc lần thứ 39 được tổ chức ở Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh vào thời khoảng 11-15/9/2006, với chủ đề “Vấn Đề Bạo Động Trong Thánh Kinh”.

 

Vấn:    Trong bài nói ở Regensburg, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã lên án thánh chiến quân Hồi Giáo vì nó phản lại lý trí và Thiên Chúa. Cha nghĩ thế nào?

 

Đáp:   Nếu thánh chiến quân, được nói tới mấy lần trong Sách Koran, đồng nghĩa với “cuộc thánh chiến”, tức là một cuộc chiến đấu võ trang chống lại các kẻ địch thù – thành phần không theo Hồi Giáo hay thành phần bỏ đạo Hồi Giáo – được biện minh và thi hành nhân danh Thiên Chúa, thì hiển nhiên cho thấy cuộc thánh chiến ấy là những gì phản với niềm tin tôn giáo, một niềm tin cần phải tự do bày tỏ việc chấp nhận Thiên Chúa.

 

Nó trái với hình ảnh của Kitô Giáo về Thiên Chúa, vị Thiên Chúa được Chúa Giêsu Kitô mạc khải, Đấng đã tự chấp nhận chịu đựng bạo lực của con người và bất lực hóa bạo lực bằng cuộc tử giá của mình, một cuộc tử giá gay go đối với thái độ cao cả nhất của việc trung thành thảo kính đối với Thiên Chúa và hoàn toàn liên kết với thân phận của con người.

 

Tuy nhiên, trong việc dẫn giải Sách Koran của Hồi Giáo, thánh chiến không phải chỉ là một cuộc thánh chiến mà trước nhất là việc dấn thân và nỗ lực chống lại sự dữ ở tất cả mọi hình thức của nó.

 

Vấn:    Thành phần Hồi Giáo cực đoan kêu cầu Thiên Chúa khi họ thi hành những tác động khủng bố ghê rợn. Có thể nhân danh Thiên Chúa mà sát hại hay chăng?

 

Đáp:   Trong trường hợp được gọi là tử đạo […] thì nó là một mạo dụng hiển nhiên và hồ đồ niềm tin tôn giáo, tùy theo cử chỉ đáng ghê tởm liên quan tới đường lối tác hành về đạo lý, cá nhân và xã hội. Những hành động khủng bố, một việc bạo động thái quá và thiếu lý trí, bao giờ cũng được biện minh bằng việc nhân danh chủ nghĩa quốc gia dân tộc, chủ nghĩa duy chủng và, ở trong những xã hội sống theo nền văn hóa tôn giáo cũng nhân danh cả Thiên Chúa nữa.

 

Vấn:    Hiệp Hội Thánh Kinh Ý Quốc được cha lãnh đạo vừa kết thúc một hội nghị về chủ đề bạo động trong Thánh Kinh. Đâu là những chia sẻ và những đúc kết của hội nghị này?

 

Đáp:   Để cố gắng tóm lại việc đóng góp của 13 bài diễn văn trong tuần lễ này, được 160 tham dự viên hào hứng theo dõi – bao gồm các vị giáo sư Thánh Kinh thuộc các phân khoa thần học và học viện khoa tôn giáo học – có thể nói rằng bạo động theo tất cả mọi ý nghĩa của nó – về thể lý, xã hội và luân lý – đều là những gì xẩy ra trong lịch sử thánh kinh, được ghi lại trong các sách Cựu Ước và Tân Ước.

 

Nó là một vấn đề bạo động giữa con người với nhau, bắt đầu từ tội ác của Cain, bị lân án là tội lỗi, mà còn là vấn đề bạo lực được thực hiện nhân danh Thiên Chúa và nhân danh hình ảnh bạo lực về Thiên Chúa.

 

Thánh Kinh nói về vị Thiên Chúa của các đạo binh và về cơn giận dữ của Thiên Chúa, Đấng trừng phạt kẻ gian ác một cách lạnh lùng bằng một phán quyết trầm luân. Đàng khác, như hiến chế “Lời Chúa – Dei Verbum” của Công Đồng Chung Vaticanô II, số 12, nói, trong Thánh Kinh Thiên Chúa nói với con người theo đường lối nhân loại.

 

Nếu cái bạo động ấy thuộc về cảm nghiệm lịch sử của nhân loại, thì chẳng lạ gì nó được thấy trong Thánh Kinh như tấm gương soi. Trong cuộc tranh cãi của Tuần Lễ Thánh Kinh này, chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu những căn gốc của bạo loạn theo Thánh Kinh, và làm cách nào để có thể giải hóa nó.

 

Về vấn đề này, vấn đề đã được nói đến về vai trò của luật pháp cũng như của luật hình sự, những gì thường không thành đạt trong việc bao gồm cả vấn đề bạo động nhưng lại trở thành yếu tố cho việc bạo động mới.

 

Trước bối cảnh ấy, biến cố ngược đời mâu thuẫn của cuộc Chúa Giêsu tử giá hiện lên, một biến cố nhờ đó Thiên Chúa đã đi vào lịch sử bạo động của loài người và kiềm chế nó.

 

Hình ảnh này của Thiên Chúa bao giờ cũng hiện diện nơi một số bản văn tiên tri và khôn ngoan của Cựu Ước. Chỉ bằng cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa thực sự phục hồi con người công chính mà không gây ra việc bạo động nào khác nữa.

 

Vấn:    Vấn đề “chiến tranh chính đáng” có được nói tới trong cuộc hội nghị này hay chăng? Cha có thể nói cho chúng tôi biết vấn đề này ra sao chăng?

 

Đáp:   Trong tuần lễ học hỏi và tranh luận của Hiệp Hội Thánh Kinh Ý Quốc, vấn đề về chiến tranh không được trực tiếp nói tới, một vấn đề đã được đề cập tới nhiều trong các bản ấn hành về Thánh Kinh chất chứa những chuyện về “linh” chiến hay “thánh” chiến.

 

Thánh chiến có trong Thánh Kinh cũng như trong toàn cõi Trung Đông cổ thời. Nó bao gồm vấn đề hy sinh “herem” của kẻ thù, tức là nhân danh Thiên Chúa để loại trừ kẻ thù.

 

Loại chiến tranh chính đáng, bắt đầu bằng mấy ý nghĩ của Thánh Âu Quốc Tinh, đã được diễn giải vào thời xẩy ra những cuộc chiến của Charles V, thuộc thế kỷ 16, bởi những luật gia Tây Ban Nha, thành phần xác định những điều kiện cho một cuộc chiến được kể là chính đáng và hợp lý.

 

Sau kinh nghiệm của hai Trận Thế Chiến và trong tình hình hiện nay của việc bạo động khủng bố được toàn cầu hóa này, thì lý thuyết về cuộc chiến tranh công chính chẳng những thái quá mà còn nguy hiểm nữa.

 

Người ta ưa thích nói tới quyền lợi có nhiệm vụ bênh vực một cách hợp lệ con người và xã hội, bằng việc sử dụng các phương tiện và phương pháp không gây ra những hình thức và tình trạng bạo động khác.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/10/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ