GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 2/11/2006

 TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

LỄ KÍNH CÁC ĐẲNG

 

?  Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Lễ Các Thánh Thứ Tư 1/11/2006

?  Lâm Bô: Có thực sự hiện hữu? Trẻ Em chết trước khi được lãnh nhận Phép Rửa có được rỗi? Tòa Thánh và Hồng Y Joseph Ratzinger nghĩ gì?  

?   Tính Cách Tông Truyền của Thánh Thể và của Giáo Hội

 

 

 

? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Lễ Các Thánh Thứ Tư 1/11/2006

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay chúng ta long trọng cử hành Lễ Chư Thánh, và ngày mai chúng ta tưởng nhớ đến thành phần tín hữu đã ly trần.

 

Hai cử hành phụng vụ sâu xa cảm xúc này cống hiến cho chúng ta một cơ hội đặc biệt để suy niệm về sự sống trường sinh. Phải chăng con người tân tiến vẫn còn tìm kiếm sự sống đời đời và phải chăng họ nghĩ rằng nó thuộc về những gì là hoang đường thần thoại chúng ta đã vượt thoát?

 

Trong thời đại của chúng ta đây, còn hơn thế nữa trong quá khứ, chúng ta đã bị những sự trần gian thu hút đến nỗi chúng ta khó nghĩ về Thiên Chúa như vị thủ vai chính trong lịch sử cũng như trong đời sống riêng của chúng ta. Tuy nhiên, tự bản chất của mình, đời sống của con người hướng tới một cái gì đó cao cả hơn, một cái gì đó biến đổi nó. Nỗi khát vọng này nơi con người hướng tới tầm vóc viên trọn của công lý, sự thật và hạnh phúc là những gì bất khả đè nén. 

 

Trước cái bí ẩn của chết chóc, nhiều người vẫn còn ước mong và hy vọng thấy được những người yêu dấu của mình một lần nữa ở trên cao. Như niềm tin tưởng mãnh liệt vào cuộc chung thẩm là biến cố sẽ tái thiết công lý thế nào thì niềm mong đợi của cuộc đối chọi cuối cùng cũng giúp cho mỗi người lãnh nhận được những gì họ xứng đáng.

 

Tuy nhiên, “sự sống đời đời”, đối với Kitô hữu chúng ta, không chỉ có nghĩa là một sự sống kéo dài tới muôn đời, mà còn là một tính chất mới của việc hiện hữu hoàn toàn được ngập ngục vào tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu giải phóng chúng ta khỏi sự dữ và sự chết, và là một tình yêu đưa chúng ta vào mối hiệp thông vĩnh hằng với tất cả mọi anh chị em cùng tham phần vào cùng một tình yêu thương ấy.

 

Như thế, sự sống đời đời có thể đã hiện diện ngay tâm điểm của sự sống trần gian tạm thời này, khi mà, nhờ ân sủng, linh hồn được liên kết với Thiên Chúa là nền tảng tối hậu của nó. Hết mọi sự sẽ qua đi, chỉ một mình Thiên Chúa là không đổi thay. Có bài Thánh Vịnh đã viết: “Xác thịt của tôi và tâm can của tôi trở nên sầu héo; thế nhưng Thiên Chúa là đá tảng của lòng tôi, Thiên Chúa là gia phần của tôi đời đời kiếp kiếp” (Ps 72{73]:26).

 

Tất cả mọi Kitô hữu, được kêu gọi nên thánh, là thành phần nam nữ gắn bó vững chắc vào “tảng đá” này; chân của họ đi trên mặt đất này nhưng lòng của họ đã ở trên trời rồi, hoàn toàn ngự trị với bạn bè của Thiên Chúa.

 

Anh chị em thân mến, chúng ta suy niệm về thực tại này với linh hồn của chúng ta hướng tới định mệnh cuối cùng và tối hậu của mình, một thực tại mang lại ý nghĩa cho các cảnh đời của cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy phục hồi cảm thức hân hoan về mối hiệp thông các thánh, và hãy để mình được các vị lôi kéo đến mục đích cuộc sống của chúng ta, đó là được nhãn tiền hội ngộ cùng Thiên Chúa.

 

Chúng ta hãy nguyện cầu để cuộc hội ngộ này là gia sản của tất cả mọi tín hữu đã ly trần, chẳng những của các kẻ thân yêu của chúng ta mà còn của tất cả mọi linh hồn, nhất là của thành phần bị lãng quên và cần đến lòng thương xót Chúa nhất. Chớ gì Đức Trinh Nữ Maria, nữ vương các thánh, giúp chúng ta luôn luôn biết chọn sự sống đời đời – “sự sống đời sau”, như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính; một đời sau đã được khai mào bằng cuộc phục sinh của Chúa Kitô, và bằng việc thực tình hoán cải cùng thực hiện các việc làm bác ái của mình, chúng ta có thể hớn hở đón chờ Người đến.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/11/2006

 

TOP

 

 

 ? Lâm Bô: Có thực sự hiện hữu? Trẻ Em chết trước khi được lãnh nhận Phép Rửa có được rỗi? Hồng Y Joseph Ratzinger nghĩ gì?

  Trẻ Em chết trước khi được lãnh nhận Phép Rửa có được rỗi hay chăng?

 

Trẻ Em chết trước khi được lãnh nhận Phép Rửa có được rỗi?

 

Theo mạng điện toán toàn cầu Zenit ngày 3/10/2006 thì vấn đề trẻ em chết trước khi được lãnh nhận Phép Rửa có được rỗi hay chăng là một trong những vấn đề cần được bàn luận và được nêu lên trong văn kiện soạn thảo cho cuộc họp thường niên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế do chính Đức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin làm đầu là William Levada. Cuộc họp thường niên của ủy ban này năm 2006 được bắt đầu hôm Thứ Hai 2/10, và các văn kiện của ủy ban này không thuộc về huấn quyền của Giáo Hội, mà chỉ là gợi ý mà thôi.

 

Ngoài vấn đề phần rỗi của trẻ em tiền phép rửa ra, bản thông báo của văn phòng báo chí của tòa thánh về cuộc họp thường niên này còn cho biết hai vấn đề khác cũng được bàn tới, đó là vấn đề nhận định bản chất và phương pháp của thần học như là một khoa học đức tin “scientia fidei”, và vấn đề về nền tảng của luật luân lý tự nhiên theo chiều hướng hai thông điệp của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là “Rạng Ngời Chân Lý – Veritatis Splendor” và “Đức Tin và Lý Trí – Fides et Ratio”.

 

Riêng về vấn đề hiện hữu của lâm bô cho trẻ em chết trước khi lãnh nhận bí tích rửa tội, vào tháng 12/2005, vị tổng thư ký của ủy ban này là linh mục dòng Tên Luis Ladaria đã nói về bản văn này trên Đài Phát Thanh Vatican rằng “không có vấn đề định tín” và “vấn đề đấu giá tín lý Công Giáo” về lâm bô.

 

“Chúng ta biết rằng qua nhiều thế kỷ vẫn được tin tưởng rằng thành phần trẻ em này đi vào lâm bô, nơi họ hoan hưởng một hạnh phúc tự nhiên, nhưng không được Phúc Kiến. Căn cứ vào những diễn tiến mới đây, chẳng những về thần học mà còn về cả ghuấn quyền nữa, niềm tin này ngày nay đang bị chao đảo.

 

“Chúng ta cần phải bắt đầu bằng sự kiện là Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu rỗi và không muốn loại trừ bất cứ một ai; chúng ta cần phải dựa vào dữ kiện là Chúa Kitô đã chết cho tất cả mọi người, và Giáo Hội là một bí tích cứu độ phổ quát, như giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II. 

 

“Bởi thế, nếu chúng ta bắt đầu từ những giả thiết ấy, vấn đề cần phải được lãnh nhận phép rửa là những gì có tính cách bao rộng hơn nữa”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/10/2006

 

Hội Nghị của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế với những chia sẻ về Lâm Bô và Trẻ Em chết chưa được lãnh nhận Phép Rửa

 

Theo mạng điện toán toàn cầu CNS ngày 6/10/2006 thì Hội nghị của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế do Đức Hồng Y Levada Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin lãnh đạo đã diễn tiến trong thời khoảng 2-6/2006. Một trong những vấn đề được bàn tới là Lâm Bô và phần rỗi của thành phần trẻ em chết trước khi lãnh nhận phép rửa. Ủy ban này sẽ tiếp tục soạn thảo một văn kiện cho biết lý do tại sao trong giáo huấn của Giáo Hội lạci có quan niệm về Lâm Bô, tại sao nó chưa bao giờ chính thức được xác định là tín lý của Giáo Hội, và tại sao niềm hy vọng họ được cứu độ là những gì chấp nhận được.

 

Nói chung, cho dù không ai nắm chắc được số phận của các em bé chết chưa được lãnh nhận phép rửa, các tham dự viên đồng ý là các em được cứu độ bởi Lòng Thương Xót Chúa, tức các em được về trời hơn là vào lâm bô. Có 30 phần tử đồng ý về những ý chính trong văn kiện, thế nhưng, họ sẽ bỏ phiếu bằng thư tín ấn bản cuối cùng, trước khi bản văn đúc kết được phổ biến vào năm 2007.

 

Hội nghị này cũng vẫn thận trọng về vấn đề Phép Rửa liên quan tới tính cách khẩn thiết của bí tích này trong việc bảo đảm phần rỗi và thúc giục cha mẹ hãy cho con cái rửa tội.

 

Ủy ban này đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề này vào năm 2004 khi Hồng Y Joseph Ratzinger hiện nay là Giáo Hoàng Biển Đức XVI là chủ tịch của ban cố vấn và là chủ tịch Chủ Tịch Tín Lý Đức Tin.

 

Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ hôm 6/10/2006 với các phần tử của ủy ban này; trong bài giảng của mình, ngài đã nói về vai trò của các nhà thần học trong việc lắng nghe lời Chúa để giúp cho người khác nghe tin mừng. Thế nhưng ngài không đã động gì tới văn kiện về lâm bô này tí nào hết.

 

Ủy Ban này bắt đầu quan tâm tới vấn đề này là vì các vị linh mục và giám mục trên thế giới đã yêu cầu  hồng ý Ratzinger bấy giờ hãy “ban bố một bản tuyên cáo Công Giáo cập nhật hóa để đáp ứng tình trạng cảm thấy buồn chán” nơi thành phần cha mẹ than khóc cho việc mất mát một thơ nhi trước khi lãnh nhận phép rửa.

 

Như Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo giải thích: “Được sinh ra với một bản tính nhân loại sa đọa và bị nhiễm mắc nguyên tội, trẻ em cũng cần một cuộc tái sinh mới trong phép rửa để được giải phóng khỏi quyền lực tối tăm và mang vào lãnh giới tự do của thành phần làm con cái Thiên Chúa là lãnh vực tất cả mọi con người được kêu gọi tới. Thế nhưng, cuốn giáo lý được xuất bản năm 1992 đã không đề cập tới Lâm Bô.

 

Cảm nghĩ của nguyên Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger

 

Trong cuốn “The Ratzinger Report”, ấn bản Anh ngữ được nhà xuất bản Ignatius ấn hành năm 1985, một tác phẩm có nội dung là một cuộc phỏng vấn, bao gồm tất cả các câu vấn đáp liên quan đến mọi vấn đề, được đặt ra bởi chính ký giả Vittorio Messori sau này là nhân vật đã phỏng vấn Đức Gioan Phaolô II trong tác phẩm “Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” (xuất bản năm 1994).

 

Tác phẩm này như là một “bản tường trình của Đức Hồng Y Ratzinger” về tình hình Giáo Hội sau 20 năm bế mạc Công Đồng Chung Vatican II. Trong các vấn đề sôi nổi được bàn tới, chẳng hạn về chính Công Đồng Chung Vaticanô II, về cuộc khủng hoảng nơi ý nghĩ về Giáo Hội, về các vị linh mục và giám mục, về thảm kịch luân lý, về nữ giới, về phụng vụ, về đại kết, về thần học giải phóng v.v., có vấn đề về cánh chung, ở chương 10, dưới tựa đề “Về một số ‘Những Sự Sau Hết’”, bao gồm cả Luyện Ngục và Lâm Bô.

 

Riêng về vấn đề Lâm Bô, ở trang 147, vị nguyên tổng trưởng thánh bộ Tín Lý Đức Tin của Tòa Thánh Vatican bấy giờ đã chia sẻ cảm nhận cá nhân của ngài như sau:

 

“Lâm Bô không bao giờ là một sự thật xác quyết của đức tin cả. Theo cá nhân tôi – ở đây tôi nói với tư cách là một thần học gia chứ không phải là vị Tổng Trưởng của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin – tôi không chấp nhận nó vì nó chỉ là một giả thiết theo thần học mà thôi. Nó là một thứ phụ đề nâng đỡ cho một sự thật tuyệt đối mang tính cách quan trọng trên hết đối với đức tin, đó là tầm quan trọng của phép rửa. Nếu nói theo những lời của Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô thì ‘Thật vậy, thật vậy, Tôi nói cho ông hay, nếu con người không được tái sinh bởi nước và Thần Linh, thì họ không được vào Vương Quốc của Thiên Chúa’ (Jn 3:5). Người ta không được chần chừ trong việc từ bỏ ý nghĩ về ‘lâm bô’ nếu cần (và cũng đáng ghi nhận rằng chính các thần học gia cho rằng có ‘lâm bô’ cũng nói là thành phần cha mẹ có thể cứu con cái mình khỏi vào lâm bô bằng lòng khao khát cho con cái mình được lãnh nhận phép rửa và nhờ lời nguyện cầu); thế nhưng, cũng không được thoái lui trước mối quan tâm ở đằng sau ý nghĩ về lâm bô này. Phép rửa không bao giờ lại là vấn đề bên lề đối với đức tin; phép rửa không phải là hiện tại (now), cũng không phải thường tại (ever)”. 

 

Ở đây, qua câu phát biểu ngắn ngủi về một vấn đề cần phải bàn luận sâu rộng này, theo người đọc hiểu thì Đức Hồng Y Joseph Ratzinger là vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI không chấp nhận thực tại Lâm Bô, nhưng vẫn không phủ nhận tầm quan trọng của Phép Rửa cứu độ. Bởi thế, vấn đề vẫn còn kẹt ở đây là: nếu chưa được lãnh nhận phép rửa, thì thành phần trẻ em chưa đủ trí khôn nói chung, nhất là thành phần sơ sinh hay còn là một bào thai bị phá hoặc bị chết trong lòng mẹ, như các bào thai bị phá chẳng hạn, sẽ đi đâu ngay sau khi chết. Vì bấy giờ họ tuy chưa có tư tội nhưng vẫn chưa được thanh tẩy cho khỏi nguyên tội? Xuống hỏa ngục thì cũng không phải mà lên thiên đàng cũng chẳng đáng? Vậy thì phải có một nơi cho họ chứ, một nơi mà cho tới nay tín hữu Công Giáo nói chung vẫn được truyền dạy và tin tưởng là Lâm Bô.

 

Thiển nghĩ cá nhân của người viết

 

Theo thiển nghĩ của người viết thì Lâm Bô có hiện hữu, nhưng chỉ hiện hữu một cách tạm thời, cho tới ngày cánh chung mà thôi, như ngục tổ tông ngày xưa, cho tới khi Chúa Kitô hoàn tất công cuộc cứu chuộc của Người. Bởi vì, như các vị thời cựu ước vào ngục tổ tông chờ Chúa Kitô đến cứu chuộc xong mới được vào thiên đàng thế nào, thì các trẻ sơ sinh chết chưa được lãnh nhận phép rửa (và kể cả thành phần bị chậm phát triển - developmental disabilities, liên quan đến tình trạng bị chậm trí khôn - mental retardation, ngây ngô khờ khạo không biết gì), sẽ vào lâm bô chờ Chúa Kitô đến lần thứ hai để được vào thiên đàng như vậy.

 

Nếu Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu rỗi (1Tim 2:4), và Chúa Kitô đến lần thứ hai là để cứu những ai thiết tha trông đợi Người (x Heb 9:28), thì các linh hồn chết trong tình trạng nguyên tội thật sự cũng đang chờ được cứu độ, như toàn thể tạo sinh vẫn đang quằn quại chờ đợi cuộc tỏ hiện của con cái Thiên Chúa vậy (x Rm 8:21).

 

Chẳng lẽ thành phần trẻ em chết một cách vô tội trong tình trạng vẫn còn vướng mắc nguyên tội lại hư đi vào thời điểm cánh chung, thời điểm mà tất cả mọi sự sẽ được canh tân (x. Rev 21:5), để cuối cùng “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (x 1Cor 15:28). Thành phần trẻ em còn mắc nguyên tội, dù theo lý luận tự nhiên, chứ chưa nói đến lòng thương xót Chúa và đức công minh của Ngài, không thể nào lại thuộc về thành phần bị chung số phận với ma quỉ, với con mãnh thú và với thành phần tiên tri giả (x Rev 20:10), đầy gian ác đã từng làm hại nhiều linh hồn, đáng chịu số phận bị quăng vào hồ lửa là cái chết lần thứ hai (x Rev 20:15) vĩnh viễn hư đi.

 

Trái lại, trường hợp thành phần trẻ em bị chết trước khi được lãnh nhận phép rửa cũng có thể cho là tương tự với trường hợp của thành phần trẻ em Do Thái ở Bêlem và các vùng lân cận bị quận vương Hêrôđê thảm sát khi Chúa Kitô mới giáng sinh (x Mt 2:16).

 

Nếu thành phần được Giáo Hội gọi là các Thánh Anh Hài, và được Giáo Hội cử hành Lễ kính vào những ngày ngay sau Lễ Chúa Kitô Giáng Sinh, 28/12 hằng năm, chết lúc chưa có trí khôn và lúc đang mắc nguyên tội, thì thành phần trẻ em chưa lãnh nhận phép rửa cũng thế, cũng chết vào lúc chưa có trí khôn và chưa được lãnh nhận ơn cứu độ.

 

Nếu thành phần các Thánh Anh Hài đã được Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông cứu độ sau khi Người hoàn tất công cuộc cứu độ của Người trên Thánh Giá thế nào, thì thành phần trẻ em vẫn còn mắc nguyên tội, tức vẫn còn đang mong chờ ơn cứu độ của Chúa Kitô, chẳng lẽ không được Người cứu độ khi Người đến lần thứ hai ban ơn cứu độ cho những ai thiết tha trông đợi Người hay sao!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

?  Tính Cách Tông Truyền của Thánh Thể và của Giáo Hội

(Thông Điệp GIÁO HỘI SỐNG BỞI THÁNH THỂ của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/edocs/ENG0821/_INDEX.HTM)

30.       Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về mối liên hệ giữa thừa tác vụ tư tế và Thánh Thể, cũng như giáo huấn về Hiến Tế Thánh Thể đều là chủ đề đối thoại tốt đẹp trong lãnh vực đại kết trong những thập niên gần đây. Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi về sự tiến bộ và chiều hướng qui hội đáng kể đạt được về khía cạnh này là những gì khiến chúng ta hy vọng rằng một ngày kia sẽ tiến tới chỗ trọn vẹn chia sẻ niềm tin. Tuy nhiên, những nhận định của Công Đồng Chung Vaticanô II về các Cộng Đồng Giáo Hội phát xuất ở Tây Phương từ thế kỷ 16 trở đi và là những cộng đồng tách khỏi Giáo Hội Công Giáo vẫn còn là những nhận định hoàn toàn xác thực: “Các Cộng Đồng Giáo Hộitách khỏi chúng ta thiếu hẳn mối hiệp nhất với chúng ta là mối hiệp nhất bắt nguồn từ Phép Rửa, và chúng ta tin rằng vì đặc biệt thiếu bí tích Truyền Chức Thánh họ đã không giữ được thực tại chuyên chính và trọn vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể. Tuy nhiên, khi họ tưởng niệm việc Chúa chịu chết và sống lại trong Bữa Dạ Tiệc Thánh là họ tuyên xưng rằng bữa tiệc này tiêu biểu cho sự sống hiệp thông với Chúa Kitô và họ đợi chờ việc Người lại đến trong vinh quang” (62). 

Bởi thế, tín hữu Công giáo, tuy vẫn tôn trọng niềm xác tín tôn giáo của anh chị em ly khai này, cũng phải tránh không được lãnh nhận việc hiệp thông được họ phân phát trong các cuộc cử hành của họ, để không tỏ ra coi thường tính cách mập mờ về bản chất Thánh Thể, từ đó, không chịu thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc minh nhiên làm chứng cho chân lý. Điều này đưa đến chỗ làm chậm bước tiến đã được thực hiện về việc hoàn toàn hiệp nhất nên về hình thức bề ngoài. Cũng thế, không thể chấp nhận được việc thay thế Thánh Lễ Chúa Nhật bằng những việc cử hành lời Chúa theo đại kết hay bằng những buổi cầu nguyện chung với Kitô hữu thuộc các Cộng Đồng Giáo Hội được đề cập tới trước đây, hoặc bằng việc tham dự vào những buổi phụng vụ riêng của họ.  Những cuộc cử hành và những buổi như thế, dù sao  vẫn đáng ca ngợi ở một số trường hợp, cũng sửa soạn cho mục đích hoàn toàn hiệp thông, kể cả việc hiệp thông Thánh Thể, song họ không thể thay thế Thánh Lễ Chúa Nhật.

Sự kiện quyền năng thánh hiến Thánh Thể đã được trao phó cho các vị Giám Mục và linh mục mà thôi không phải là việc coi thường một cách nào đó phần Dân Chúa còn lại, vì nơi mối hiệp thông của một thân thể Chúa Kitô duy nhất là Giáo Hội thì tặng ân quyền linh này mang lại thiện ích cho tất cả mọi người.

31.       Nếu Thánh Thể là tâm điểm và là tuyệt đỉnh của đời sống Giáo Hội thì Thánh Thể cũng là tâm điểm và là tuyệt đỉnh của thừa tác vụ tư tế. Bởi thế, bằng một tấm lòng hết sức biết ơn Chúa chúng ta Giêsu Kitô, Tôi xin lập lại rằng Thánh Thể “là lý do chính yếu và trọng tâm của bí tích linh mục, một bí tích hiện hữu một cách hiệu thành vào chính lúc thiết lập Thánh Thể” (63).

Các vị linh mục dấn thân thực hiện nhiều hoạt động mục vụ khác nhau. Nếu chúng ta xét đến những điều kiện về xã hội và văn hóa của thế giới tân tiến này, chúng ta sẽ dễ hiểu được các vị linh mục phải đối diện ra sao với chính mối nguy cơ thực sự nơi tình trạng không còn tập trung được nữa giữa cả đống việc khác nhau như vậy. Công Đồng Chung Vaticanô II đã thấy nơi việc bác ái mục vụ mối giây liên kết đời sống và hoạt động của vị linh mục. Công Đồng nói thêm là mối giây ấy “chính yếu được bắt nguồn từ Hiến Tế Thánh Thể là hiến tế bởi thế là tâm điểm và là căn gốc của tất cả đời sống tư tế” (64). Như thế, chúng ta có thể hiểu được tầm vóc quan trọng ra sao, đối với đời sống thiêng liêng của vị linh mục, cũng như đối với thiện ích của Giáo Hội và thế giới, việc linh mục tuân theo khuyến dụ của Công Đồng này trong việc cử hành Thánh Thể hằng ngày: “Cho dù tín hữu không thể hiện diện, thì đó cũng là tác động của Chúa Kitô và của Giáo Hội” (65). Có như thế, vị linh mục mới có thể đối đầu với các thứ căng thẳng hằng ngày đưa đến chỗ thiếu tập trung và các vị sẽ tìm thấy nơi Hiến Tế Thánh Thể, tâm điểm thực sự của đời sống và thừa tác vụ của các ngài, sức mạnh thiêng liêng cần thiết để đối đầu với những trách nhiệm mục vụ khác nhau. Nhờ vậy sinh hoạt hằng ngày của các vị mới thực sự trở thành sinh hoạt Thánh Thể.

Tính cách trung tâm điểm của Thánh Thể nơi đời sống và thừa tác vụ của linh mục là căn bản chính yếu của việc cổ võ mục vụ ơn gọi linh mục. Chính ở nơi Thánh Thể mà lời cầu nguyện cho ơn gọi mới là lời cầu nguyện liên kết chặt chẽ nhất với lời nguyện của Chúa Kitô Thượng Tế Đời Đời. Đồng thời việc linh mục chuyên tâm thi hành thừa tác vụ Thánh Thể, cùng với sự tham dự vào Thánh Thể một cách ý thức, chủ động và tốt đẹp của tín hữu, là những gì cống hiến cho giới trẻ một tấm gương và niềm khích lệ mãnh liệt trong việc quảng đại đáp lại ơn gọi của Thiên Chúa. Việc linh mục nhiệt thành bác ái thi hành mục vụ thường là những gì Chúa dùng để gieo rắc và làm trổ sinh hoa trái nơi tâm can giới trẻ hạt giống ơn gọi linh mục.

 

(các bài chủ đề về Thánh Thể vào các Thứ Năm hằng tuần)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ