GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 18/12/2006

 TUẦN BÁT NHẬT TRƯỚC LỄ GIÁNG SINH

 

?  Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật III Mùa Vọng 17/12/2006 về Niềm Vui của Chúa Nhật III Mùa Vọng

?  ĐTC Gioan Phaolô II Chiêm Ngưỡng Mầu Nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh: "Khi thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến”

?   Thành công trong mục tiêu đại kết với Giáo Hội Chính Thống Constantinople Thổ Nhĩ Kỳ: 2) Quá khứ: Những cuộc viếng thăm nhau và những tuyên ngôn chung 

 

 

 

? Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật III Mùa Vọng 17/12/2006 về Niềm Vui của Chúa Nhật III Mùa Vọng

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Vào Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng này, phụng vụ mời gọi chúng ta đến với niềm vui của tinh thần, bằng một câu tụng ca được lấy từ lời khuyến dụ của Thánh Tông Đồ Phaolô: ‘Hãy hớn hở trong Chúa… Chúa gần đến rồi’ (x Phil 4:4,5). Bài đọc thứ nhất cho Thánh Lễ cũng mời gọi hân hoan. Vào cuốùi thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên, tiên tri Zephaniah đã ngỏ cùng thành Gia Liêm và dân cư của thành ấy những lời này: ‘Ôi nữ tử Duyên Ân (Sion), hãy hát to lên; Ôi Yến Duyên (Israel), hãy hô lên! Hãy vui mừng hớn hở với tất cả tấm lòng của mình, Ôi nữ tử Gia-Liêm! … Chúa là Thiên Chúa của các người đang ở giữa các người, một chiến binh mang lại chiến thắng’ (3:14,17). 

 

Chính Thiên Chúa cũng được cho thấy có cùng một tâm tình như thế: ‘Ngài sẽ vui mừng hơn hở về các người, Ngài sẽ canh tân các người trong tình yêu thương của Ngài; Ngài sẽ hoan hỉ về các người bằng tiếng ca vang to như vào một ngày lễ hội’ (Zep 3:17,18a). Lời hứa hẹn này đã được hoàn toàn nên trọn nơi mầu nhiệm Giáng Sinh, một mầu nhiệm chúng ta cử hành trong một tuần lễ nữa, và là một mầu nhiệm cần phải được đổi mới vào ‘ngày hôm nay đây’ của cuộc sống chúng ta cũng như trong lịch sử.

 

Niềm vui được phụng vụ khơi lên ấy trong tâm hồn của các tín hữu không phải là những gì chỉ giành riêng cho họ mà thôi: Nó là một lời loan báo ngôn sứ nhắm tới toàn thể nhân loại, nhất là thành phần bần cùng nhất, những người nghèo ở đây là thành phần nghèo khó trong tinh thần!

 

Chúng ta hãy nghĩ đến anh chị em của chúng ta, nhất là ở Trung Đông, ở một số miền thuộc Phi Châu và ở những phần đất khác trên thế giới, đang sống trong thảm trạng của chiến tranh. Họ cảm thấy được niềm vui nào đây? Giáng Sinh của họ sẽ ra sao? Chúng ta hãy nghĩ tới tất cả những người bệnh nhân và những ai cô đơn, thành phần, ngoài tình trạng khổ đau về thể lý, đang chịu đựng khốn khổ về tinh thần nữa, vì họ thường cảm thấy họ bị bỏ rơi. Làm sao chúng ta có thể chia sẻ niềm vui với họ mà lại không chú trọng tới nỗi khổ đau của họ?

 

Thế nhưng, chúng ta cũng nghĩ tới những ai, đặc biệt là giới trẻ, thành phần đã mất đi cảm quan vui mừng thực sự, và là những người đang tìm kiếm niềm vui này trong vô vọng nơi không thể tìm thấy, như nơi cuộc đua định thân và thành đạt quá khích, nơi những cuộc vui chơi sai lạc, nơi khuynh hưởng hưởng thụ, nơi những giây phút say sưa, nơi địa đường nhân tạo của thuốc phiện và của những hình thức tâm thần khác. Chúng ta không thể không đối đầu với phụng vụ hôm nay cùng với lời mời gọi của phụng vụ – ‘Hãy vui lên’ – khi biết được những thực tại thảm thương ấy.

 

Vào thời điểm của tiên tri Zephaniah, Lời Chúa được thực sự ngỏ cùng những ai đang bị thử thách, ‘cho cuộc sống bị tổn thương và những cô nhi thiếu thốn niềm vui’. Lời mời gọi vui mừng không phải là một sứ điệo xa lạ, hay là một xoa dịu khô cằn, mà là một lời loan báo ơn cứu độ, một lời kêu gọi phục hồi những gì được bắt đầu bằng việc canh tân đổi mới.

 

Để biến đổi thế giới này, Thiên Chúa đã chọn một nữ tỳ thấp hèn ở một tỉnh xứ Galilêa, đó là Đức Maria thành Nazarét, và đã kêu gọi Mẹ bằng lời chào này: ‘Chào đầy ơn phúc, Chúa ở cùng người’. Chất chứa nơi những lời này là cái bí mật của Lễ Giáng Sinh đích thực. Thiên Chúa đã lập lại những lời ấy cho Giáo Hội cũng như cho mỗi một người chúng ta. Hãy vui lên, Chúa sắp đến rồi! Nhờ Mẹ Maria phù giúp, chúng ta hãy khiêm nhượng và can đảm hiến mình để thế giới đón nhận Chúa Kitô, Đấng là nguồn vui chân thực.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/12/2006

 

 

 

TOP

 

 

?  ĐTC Gioan Phaolô II Chiêm Ngưỡng Mầu Nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh: "Khi thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến”

 

(Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba)

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, tuyển dịch

 

"Khi thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến”

 

1- Trong lúc mà Ngàn Năm Thứ Ba của một tân thiên niên gần đến, thì tâm tưởng của chúng ta tự nhiên nghĩ đến những lời của thánh tông đồ Phaolô: "Khi thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến, được hạ sinh bởi một người nữ" (Gal.4:4). Thời gian viên trọn này trùng hợp với mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, của Con, Đấng là một với Cha và với mầu nhiệm cứu chuộc trần gian. Trong đoạn thư này, thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: Con Thiên Chúa được hạ sinh bởi một người nữ, được hạ sinh theo lề luật, và đến thế gian để cứu chuộc tất cả những ai lệ thuộc lề luật, để họ nhận được ơn làm nghĩa tử, nghĩa nữ. Rồi thánh nhân thêm: "Vì anh em là những người con, Thiên Chúa đã sai Thần Linh của Con Ngài vào tâm hồn của chúng ta, kêu lên 'Abba! Lạy Cha!'" Và lời ngài kết luận thật là an ủi: "Thế nên, do Thiên Chúa anh em không còn là nô lệ mà là con cái, và nếu là con cái thì anh em là kẻ thừa tự" (Gal.4:6-7).

         

Việc thánh Phaolô trình bày mầu nhiệm Nhập Thể bao gồm mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi, và về công cuộc của Con được tiếp tục nơi sứ mệnh của Chúa Thánh Thần. Việc nhập thể của Con Thiên Chúa, việc Người được thụ thai và hạ sinh, là điều kiện tiên quyết cho việc Chúa Thánh Thần được sai đến. Như thế, đoạn văn này của thánh Phaolô đã làm sáng tỏ sự viên trọn của mầu nhiệm Nhập Thể cứu rỗi.

 

2- Trong Phúc Âm của mình, thánh Luca đã truyền lại cho chúng ta một trình thuật trọn gọn về trường hợp giáng sinh của Chúa Giêsu: "Vào những ngày ấy, hoàng đế Cêsa Augustô ban sắc lệnh truyền cho toàn cõi đế quốc của mình phải khai tên làm sổ... Nên tất cả mọi người đã đi khai tên làm sổ tại quê qúan của mình. Giuse cũng từ thành Nazarét xứ Galilêa xuống Giuđêa, đến thành Đavít là Bêlem, vì người là giòng dõi của nhà Đavít, để khai tên làm sổ với Maria, người bạn đính hôn đang có thai của mình. Khi các ngài đang ở đó thì ngày sinh nở của Maria đã đến. Maria đã sinh con trai đầu lòng, bọc Người trong khăn và đặt Người nằm trong máng cỏ, vì các ngài không có chỗ nào để trọ" (2:1,3-7).

 

Như thế là điều Thiên Thần Ga-Biên báo trước vào lúc truyền tin đã được nên trọn. khi thiên thần nói cùng Trinh Nữ Nazarét những lời này: "Kính mừng đầy ơn phúc, Chúa ở cùng trinh nữ" (Lk.1:28). Maria bối rối khi nghe thấy những lời này, vì thế, vị sứ giả thần linh liền thêm: "Hỡi Maria, đừng sợ, vì trinh nữ đã được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa. Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và cưu mang một người con trai, Đấng trinh nữ sẽ gọi tên là Giêsu. Người sẽ là một Đấng cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao... Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và quyền phép Đấng Tối Cao sẽ bao phủ trinh nữ; bởi thế con trẻ sinh ra sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa" (x.Lk.1:30-33,35). Maria đã không ngần ngại đáp lại lời thiên thần: "Này tôi là nữ tì của Chúa; xin hãy thực hiện nơi tôi theo như lời của ngài" (Lk.1:38). Chưa bao giờ lịch sử loài người, như lần này, lại tùy thuộc vào việc đồng ý của một tạo vật đến như vậy (x.thánh Bênađô).

 

3- Thánh Gioan, trong phần Mở Đầu Phúc Âm của mình, chỉ bằng một câu, đã gói trọn tất cả ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Nhập Thể. Ngài viết: Và Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, đầy ân sủng và chân lý; chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha (1:14). Đối với thánh Gioan, việc nhập thể của Lời hằng hữu làm một với Cha được thực hiện nơi cuộc đầu thai và hạ sinh của Chúa Giêsu. Thánh ký nói về Lời ở nơi Cha ngay từ ban đầu, và nhờ Người mà mọi vật hiện hữu được tạo thành; trong Người là Ngôi Lời có sự sống, một sự sống là ánh sáng soi con người (x.1:1-4). Về Người Con duy nhất là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa này, thánh tông đồ Phaolô viết rằng: Người là "trưởng tử của mọi tạo vật" (Col.1:15). Bởi Ngôi Lời, Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế gian này. Ngôi Lời là sự khôn ngoan đời đời; là tư tưởng và là hình ảnh chính yếu của Thiên Chúa; "Người phản ảnh vinh hiển của Cha và là hiện thân đích thực của bản tính Cha" (Heb.1:3) Từ đời đời được Cha sinh ra và yêu mến, như Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Người là nguyên lý (principle) và là mẫu thức (archetype) của mọi sự Thiên Chúa dựng nên trong thời gian. 

 

Sự thật xẩy ra là, vào lúc thời gian viên trọn, Lời hằng hữu đã nhận lấy thân phận của một tạo vật, làm cho biến cố xẩy ra ở Bê-Lem 2000 năm trước đây có một giá trị đặc biệt theo vũ trụ quan. Nhờ Ngôi Lời mà thế giới tạo vật hiện lên như một "khu vườn muôn mầu" (cosmos), một vũ trụ lớp lang (an ordered universe). Và cũng chính Ngôi Lời, bằng việc mặc lấy xác thể, đã canh tân lại trật tự vũ trụ của tạo vật. Bức Thư gửi cho các tín hữu Êphêsô nói về mục đích mà Thiên Chúa đã phác họa nơi Chúa Kitô "một dự án cho thời điểm viên trọn, đó là để hiệp nhất tất cả trong Người, những sự trên trời cùng những sự dưới đất" (1:9-10). 

(còn tiếp) 

TOP

 

 

?   Thành công trong mục tiêu đại kết với Giáo Hội Chính Thống Constantinople Thổ Nhĩ Kỳ: 2) Quá khứ: Những cuộc viếng thăm nhau và những tuyên ngôn chung 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, nhận định, tổng hợp và tuyển dịch 

(tiếp theo)

2) Quá kh: Những cuộc viếng thăm nhau và những tuyên ngôn chung 

“Các dấu hiệu của tình yêu thương này đã được hiển nhiên nơi nhiều bản tuyên ngôn về việc quyết tâm chung cũng như nơi nhiều cử chỉ đầy ý nghĩa. Cả hai vị Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II đều đã được nồng hậu tiếp đón như những người viếng thăm Ngôi Thánh Đường Thánh George này, và đã trân trọng liên kết với các Đức Thượng Phụ Athenagoras I và Dimitrios I để củng cố động lực hướng tới chỗ tương kiến và tìm cầu mối hiệp nhất trọn vẹn. Chớ gì tên tuổi của các vị được kính nhớ và ca ngợi!” (1)

 

“Chúng tôi đã tri ân nhớ lại những cuộc gặp gỡ của các vị tiền nhiệm của chúng tôi, những cuộc gặp gỡ được Chúa chúc phúc, những vị đã tỏ cho thế giới thấy nhu cầu khẩn trương của mối hiệp nhất và tìm kiếm những đường lối vững chắc để đạt tới m ối hiệp nhất này, bằng việc đối thoại, nguyện cầu và bằng cuộc sống hằng ngày của Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras I đã đến Giêrusalem như những người hành hương, đến chính nơi Chúa Giêsu đã chết và sống lại vì phần rỗi của thế giới, và các vị cũng đã gặp nhau một lần nữa ở Phanar đây cũng như ở Rôma. Các vị đã để lại cho chúng ta một bản tuyên ngôn chung vẫn còn nguyên tất cả giá trị của nó; nó nhấn mạnh rằng việc thực sự đối thoại với nhau trong bác ái cần phải làm sao để có thể duy trì và tác động tất cả mọi liên hệ giữa cá nhân với nhau cũng như giữa các Giáo Hội với nhau, và nó ‘phải được bắt nguồn từ việc hoàn toàn trung thành với một Chúa Giêsu Kitô duy nhất và từ việc tương kính truyền thống riêng của nhau’ ("Tomos Agapis," 195).

 

“Chúng tôi cũng không quên những cuộc viếng thăm nhau giữa Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Thượng PhụDimitrios I. Chính trong cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chuyến viếng thăm đầu tiên về đại kết của ngài, đã xẩy ra việc loan báo vấn đề thành hình Ủy Ban Hỗn Hợp cho việc đối thoại về thần học giữa  Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hội Chính Thống. Việc này đã làm cho hai Giáo Hội của chúng ta tiến lại với nhau trong cùng một mục đích được ấn định là việc tái thiết mối hiệp thông trọn vẹn”. (3)

 

Đin hình cho c cuc viếng thăm nhau ln tuyên ngôn chung này đã được ĐTC GPII tổng kết trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 4/7/2004 như sau:

 

“Tôi hết lòng tạ ơn Chúa về cuộc viếng thăm mới đây của vị thượng phụ giáo chủ thế giới Chính Thống Giáo ở Costantinople, Đức Bartholomew I, vị mà trong những ngày vừa qua Tôi đã vui mừng tiếp đón như là một vị khách của Tòa Thánh Vatican, cùng với đoàn tùy tùng quí hóa của Ngài. Chúng tôi đã cùng nhau cử hành lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, cùng tưởng niệm cuộc hội ngộ lịch sử giữa các vị tiền nhiệm đáng kính của chúng tôi là Đức Phaolô VI và Đức Athenagoras I xẩy ra 40 năm trước đây ở Giêrusalem.


”Thêm vào đó, chúng tôi đã ký vào một bản tuyên ngôn chung để khẳng định và tái tấu việc dấn thân của những người Công Giáo và Chính Thống trong việc góp phần xây dựng lý tưởng cao cả của mối trọn vẹn hiệp thông Kitô hữu.


”Khi nhận thấy những bước tiến khả quan cho đến nay, cũng như không quên để ý tới những trở ngại vẫn còn hiện hữu, chúng tôi đã tái khẳng định quyết tâm tiếp tục, đúng hơn, gia tăng việc đối thoại đại kết, dù trên lãnh vực liên hệ huynh đệ (“đối thoại bác ái”), hay trên lãnh vực cân đo về tín điều (“đối thoại về sự thật”).


”Với tinh thần ấy, chúng tôi đã nói lên một số vấn đề và hiểu lầm xuất phát mới đây, chứng tỏ cho thấy một dấu hiệu cụ thể về cách thức Kitô hữu có thể và cần phải luôn luôn hợp tác với nhau, ngay cả khi xẩy ra những chia rẽ và xung khắc. Đó là cách sống động để loan truyền một thứ Phúc Âm hòa bình trong một thế giới, bất hạnh thay, đầy những chênh lệch và bạo động.


”Ngoài ra, theo diễn tiến của cuộc hội ngộ này, chúng tôi đã nhận thức được rằng những người Công Giáo và Chính Thống được kêu gọi để cùng nhau hoạt động để giúp cho Châu Âu khỏi quên đi các căn gốc Kitô Giáo của mình. Chỉ có thế Âu Châu mới có thể đóng trọn vai trò của mình trong việc đối thoại giữa các nền văn minh cũng như trong việc phát động toàn cầu về vấn đề công lý, đoàn kết, và bảo toàn thiên nhiên tạo vật.

 

“Vào thời điểm của khóa họp thường niên của Ủy Ban hỗn hợp đặc trách đối thoại về thần học này, một khóa họp vừa được tổ chức ở Belgrade nhờ việc nồng hậu tiếp đãi của Giáo Hội Chính Thống Serbia, chúng tôi đã bày tỏ niềm vui sâu xa của mình ở việc tái diễn việc đối thoại về thần học này. Việc này đã từng bị gián đoạn mấy năm trời vì những khó khăn khác nhau, thế nhưng giờ đây Ủy Ban này đã có thể hoạt động lại trong một tinh thần thân hữu và hợp tác. Trong việc bàn đến đề tài ‘Vấn Đề Công Đồng và Thẩm Quyền trong Giáo Hội’ ở các cấp địa phương, theo miền và toàn cầu, Ủy Ban này đã thực hiện một giai đoạn nghiên cứu về những thành quả theo giáo hội học và giáo luật học liên quan tới bản chất bí tích của Giáo Hội. Điều này sẽ giúp cho chúng ta giải quyết một số những vấn đề chính yếu vẫn còn bận tâm. Chúng tôi quyết tâm không ngừng ủng hộ, như trong quá khứ, việc làm được ủy thác cho Ủy Ban này và chúng tôi hỗ trợ các phần tử của ủy ban này bằng lời nguyện cầu của chúng tôi”. (3)

(còn tiếp) 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ