GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 1/12/2006

 TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN

 

?  ĐTC Biển Đức XVI Diễn Từ sau Thánh Lễ Kính Thánh Anrê ở Vương Cung Thánh Đường Thượng Phụ Thánh George ở Phanar, Istanbul

?  ĐTC Biển Đức XVI Viếng Thăm Đền Thờ Xanh của Hồi Giáo ở Istanbul

?   Ý hướng của vị Chủ Tịch Ban Giám Đốc Tôn Giáo Vụ Thổ Nhĩ Kỳ ngỏ lời cùng ĐTC Biển Đức XVI

 

 

? "Trách nhiệm được hai người anh em thánh là Phêrô và Anrê này lưu lại cho chúng ta còn xa chỗ hoàn trọn. Trái lại, ngày nay nó lại trở nên khẩn trương và cần thiết hơn nữa".

 

ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 30/11 – Diễn Từ sau Thánh Lễ Kính Thánh Anrê ở Vương Cung Thánh Đường Thượng Phụ Thánh George ở Phanar, Istanbul

 

Phụng Vụ Thần Linh cử hành vào Lễ Thánh Anrê Tông Đồ, Thánh Sư của Giáo Hội Constantinople, này đưa chúng ta trở về với Giáo Hội sơ khai, với thời các Tông Đồ. Các Phúc Âm của Thánh marcô và Mathêu thuật lại việc Chúa Giêsu đã kêu gọi hai anh em, Simon, người được Chúa Giêsu gọi là Cephas hay Phêrô, và Anrê: ‘Hãy theo Thày, và Thày sẽ làm cho anh em trở thành những tay đánh cá người’ (Mt 4:19; Mk 1:17). Phúc Âm Thứ Bốn cũng cho thấy Anrê như là người môn đệ đầu tiên được kêu gọi, ‘ho protoklitos’,  như truyền thống Byzantine nhận biết về ngài. Chính Thánh Anrê bấy giờ đã mang người anh em Simon của mình đến với Chúa Giêsu (x Jn 1:40f).

 

Hôm nay, trong Thánh Đường Thượng Phụ Thánh George này, chúng ta có thể cảm thấy một lần nữa mối hiệp thông và ơn gọi của hai anh em Simon Phêrô và Anrê, nơi cuộc gặp gỡ của Vị Thừa Kế  Thánh Phêrô và Người Anh của mình trong thừa tác vụ giáo phẩm, vị lãnh đạo một Giáo Hội theo truyền thống được thành lập bởi Tông Đồ Anrê. Cuộc gặp gỡ huynh đệ của chúng ta làm nổi bật mối liên hệ đặc biệt liên kết Giáo Hội Rome và Constantinople như hai Giáo Hội Chị Em với nhau.

 

Với niềm vui chân tình, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đã làm tái sinh động mối liên hệ đã được phát triển từ cuộc gặp gỡ đáng ghi nhớ ở Giêrusalem vào Tháng 12 năm 1964 giữa các vị tiền nhiệm của chúng ta là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras. Việc các vị trao đổi thư từ với nhau, những bức thư được phổ biến trong cuốn sách tựa đề ‘Tomos Agapis’, là những gì chứng thực cái sâu đậm của những thắt kết đã phát triển giữa các vị, những thắt kết đã phản ảnh nơi mối liên hệ giữa hai Giáo Hội Chị Em với nhau là Rome và Constantinople.

 

Vào ngày 7/12/1965, ngày áp kết khóa cuối cùng của Công Đồng Chung Vaticanô II, các vị tiền nhiệm khả kính của chúng ta đã thực hiện một bước tiến đặc biệt không thể nào quên được tại Thánh Đường Thượng Phụ Thánh George và tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Vatican riêng biệt: các vị loại bỏ khỏi ký ức của Giáo Hội những thứ tuyệt thông thê thảm năm 1054. Nhờ đó, các vị đã khẳng định một xoay hướng quyết liệt nơi mối liên hệ của chúng ta. Từ đó, nhiều bước tiến quan trọng đã được thực hiện trên con đường tái tiến đến với nhau.  Tôi đặc biệt nhớ đến chuyến viếng thăm  của vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đến Constantinople vào năm 1979, và những lần viếng thăm Rôma của Đức Thượng Phụ Toàn Cầu Bartholomew I.

 

Trong cùng một tinh thần ấy, việc tôi hiện diện ở đây hôm nay là để lập lại quyết tâm của chúng ta trong việc tiến bước trên con đường hướng về vấn đề tái thiết lập – theo ơn Chúa – mối hiệp thông trọn vẹn giữa Giáo Hội Rome và Giáo Hội Constantinople. Tôi có thể bảo đảm cùng huynh rằng Giáo Hội Công Giáo sẵn sàng làm mọi sự có thể để thắng vượt những trở ngại và, cùng với anh chị em Chính Thống Giáo của chúng ta, tìm cách hiệu nghiệm nhất của vấn đề hợp tác về mục vụ để đạt được mục đích này.

 

Hai anh em Simon cũng là Phêrô và Anrê là những người đánh cá được Chúa Giêsu kêu gọi trở thành những tay đánh cá người. Chúa Kitô Phục Sinh, trước khi Thăng Thiên, đã sai họ ra đi cùng với các Tông Đồ khác với sứ vụ làm cho tất cả mọi quốc gia thành môn đệ của Người, rửa tội cho họ và truyền dạy giáo huấn của Người (x Mt 28:19ff; Lk 24:27; Acts 1:8).

 

Trách nhiệm được hai người anh em thánh là Phêrô và Anrê này lưu lại cho chúng ta còn xa chỗ hoàn trọn. Trái lại, ngày nay nó lại trở nên khẩn trương và cần thiết hơn nữa. Vì nó hướng tới chẳng những các  nền văn hóa mới chỉ được sứ điệp Phúc Âm chạm tới một cách hời hợt, mà còn tới cả những nền văn hóa Âu Châu lâu đời được sâu xa bắt nguồn vào truyền thống Kitô Giáo. Tiến trình tục hóa đã làm yếu kém đi việc nắm giữ truyền thống ấy; thật vậy, nó đang được xét lại, thậm chí bị loại trừ nữa. Trước thực tại này, chúng ta được kêu gọi, cùng với tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu khác, canh tân ý thức của Âu Châu về các gốc gác Kitô Giáo của nó, những truyền thống và các giá trị Kitô Giáo của nó, cống hiến cho chúng một sức sống mới.

 

Các nỗ lực của chúng ta trong việc thiết lập các thắt buộc chặt chẽ hơn giữa Giáo Hội Công Giáo và Chư Giáo Hội Chính Thống Giáo   là một phần thuộc công cuộc truyền giáo này. Những thứ chia rẽ diễn ra nơi thành phần Kitô hữu là một gương mù đối với thế giới và là một ngãng trở cho việc loan truyền Phúc Âm. Vào lúc áp cuộc khổ nạn và tử nạn của mình, Chúa Kitô, có môn đệ chung quanh, đã thiết tha nguyện cầu cho tất cả được nên một, để thế gian nhận biết (x Jn 17:21). Chỉ nhờ mối hiệp thông huynh đệ  giữa các Kitô hữu và qua tình yêu thương nhau của họ sứ điệp về tình yêu Thiên Chúa đối với mỗi và mọi con người nam nữ mới trở thành uy tín. Bất cứ ai thoáng nhìn một cách thực tế vào thế giới Kitô Giáo ngày nay sẽ thấy được cái khẩn tương của thứ  chứng từ ấy.

 

Simon Phêrô và Anrê đã cùng được kêu gọi với nhau để trở thành những tay đánh cá người. Tuy  nhiên, cùng một công việc ấy lại mặc một hình thức khác nhau đối với từng người trong hai anh em. Simon, bất kể nỗi yếu hèn của con người, đã được gọi là ‘Phêrô’, là ‘đá’ làm nền tảng dựng xây Giáo Hội; ngài đặc biệt được trao cho chìa khóa Nước Trời (x Mt 16:18). Cuộc hành trình của ngài mang ngài từ Giêrusalem tới Antioch, và từ Antioch đến Rôma, để ở Thành Phố này, ngài có thể hành sử một trách nhiệm toàn cầu. Vấn đề phục vụ hoàn vũ của Thánh Phêrô và của những người Thừa Kế thánh nhân chẳng may lại gây ra những ý kiến khác nhau nơi chúng ta, những gì chúng ta hy vọng thắng vượt, cũng nhờ vào cuộc đối thoại về thần học mới đây được tái tấu.

 

Vị tiền nhiệm khả kính của tôi là Người Tôi Tớ Chúa Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói về một thứ tình thương   làm nên đặc tính của việc ngài phục vụ cho mối hiệp nhất, một thứ tinh thương mà chính bản thân Thánh Phêrô là người đầu tiên đã cảm nghiệm thấy (Thông Điệp Ut Unum Sint, 91). Chính trên căn bản ấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô này đã thực hiện lời mời gọi tham gia vào một cuộc đối thoại huynh đệ nhắm đến chỗ tìm ra những đường lối giúp cho việc hành sử thừa tác vụ thừa kế Thánh Phêrô ngày nay, trong khi vẫn tôn trọng bản chất và yếu tính của thừa tác vụ này, nhờ đó ‘hoàn thành việc phục vụ của tình yêu thương được nhìn nhận bởi tất cả mọi người trong cuộc’ (cùng nguồn, 95). Ước muốn của tôi hôm nay đây là để nhắc lại và lập lại lời mời gọi này.

 

Thánh Anrê, người anh em của Simon Phêrô, đã lãnh nhận một nhiệm vụ khác Chúa trao phó, một nhiệm vụ được chính tên gọi của ngài cho thấy. Là một người nói tiếng Hy Lạp, cùng với Thánh Philiphê, ngài trở thành vị Tông Đồ của cuộc hội ngộ với những người Hy Lạp muốn đến gặp Chúa Giêsu (x Jn 12:20ff). Truyền thống cho chúng ta biết rằng ngài là một vị truyền giáo chẳng những ở Tiểu Á và những lãnh địa ở phía nam Biển Đen, tức là ở chính miền đất này, mà còn ở cả Hy Lạp, nơi ngài đã tử đạo nữa.

 

Bởi thế, Tông Đồ Anrê là tiêu biểu cho cuộc gặp gỡ giữa Kitô Giáo tiên khởi với nền văn hóa Hy Lạp. Đầy là cuộc hội ngộ, đặc biệt là ở Tiểu Á, trở thành khả dĩ nhất là nhờ các vị đại Giáo Phụ Cappadocia, những vị đã làm giầu cho phụng vụ, thần học và linh đạo của cả hai Giáo Hội Đông lẫn Tây. Sứ điệp Kitô Giáo, như hạt lúa miến (x Jn 12:24), đã rơi xuống mảnh đất này và sinh nhiều hoa trái. Chúng ta cần phải hết lòng tri ân về gia sản được xuất phát từ cuộc gặp gỡ tốt đẹp này giữa sứ điệp Kitô Giáo và nền văn hóa Hy Lạp. Nó đã gây một ảnh hưởng lâu dài nơi các Giáo Hội Đông Tây. Các vị Giáo Phụ Hy Lạp đã lưu lại cho chúng ta một kho quí báu những gì được Giáo Hội tiếp tục rút lấy những gì phong phú cả cũ lẫn mới (x Mt 13:52).

 

Bài học về hạt lúa miến chết đi để trổ sinh hoa trái cũng có một ý nghĩa tương tự nơi cuộc đời của Thánh Anrê. Truyền thống cho chúng ta biết rằng ngài đã theo cùng một số phận như Chúa của ngài và Thày của ngài, kết thúc những ngày sống của mình ở Patras, Hy Lạp. Như Thánh Phêrô, ngài đã chịu tử đạo trên một cây thập tự giá, một câu thập tự giá chéo được chúng ta tôn kính ngày nay như cây thập giá của Thánh Anrê. Từ gương của ngài, chúng ta học được là con đường của mỗi một Kitô hữu, như con đường của cả Giáo Hội, là con đường dẫn tới sự sống mới, sự sống đời đời, nhờ việc bắt chước Chúa Kitô và cảm nghiệm được thánh giá của Người.

 

Theo giòng lịc h sử, cả hai Giáo Hội Rome và Giáo Hội Constantinople đều cảm nghiệm được bài học của hạt lúa miến này. Cùng nhau chúng ta tôn kính nhiều vị tử đạo giống nhau, những vị mà máu của các ngài, theo câu nói nổi tiếng của giáo phụ Tertullian, đã trở thành hạt giống cho thành phần tân Kitô hữu ("Apologeticum," 50, 13). Với các vị ấy, chúng ta chia sẻ cùng một niềm hy vọng thúc đẩy Giáo Hội ‘tiến bước , như một kẻ lạ mặt trên miền đất ngoại bang, giữa những bách hại của thế giới lẫn các niềm ủi an của Thiên Chúa’ ("Lumen Gentium," 8, cf. Saint Augustine, "De Civ. Dei," XVIII, 51, 2). Về phần mình, thế kỷ vừa kết thúc cũng đã chứng kiến thấy những chứng nhân can trường cho đức tin, ở cả Đông lẫn Tây. Thậm chi cho đến giờ đây, có nhiều nhân chứng như thế ở các phần đất khác nhau trên thế giới. Chúng ta nhớ đến họ trong lời nguyện cầu của chúng ta, và bằng bất cứ cánh nào có thể, chúng ta tỏ ra ủng hộ họ, khi chúng tat ha thiết xin tất cả mọi nhà lãnh đạo trên thế giới hãy tôn trọng quyền tự do tôn giáo như là một quyền lợi nồng cốt của con người.

 

Phụng Vụ Thần Linh mà chúng ta đã tham dự được cử hành theo lễ nghi Thánh Gioan Chrysostom. Cây thánh giá và viêc phục sinh của Chúa Giêsu Kitô đã trở thành hiện thực một cách nhiệm mầu. Đối với Kitô hữu chúng ta thì đây là một mạch nguồn và là dấu hiệu liên lỉ canh tân niềm hy vọng. Chúng ta thấy rằng niềm hy vọng được tuyệt vời diễn đạt nơi bản văn cổ được cho là Cuộc Khổ Nạn của Thánh Anrê: Ôi Cây Thạp Giá, tôi xin chào ngươi, một cây thập giá đã được thánh hiến bởi Thân Thể Chúa Kitô và được điểm trang bằng chân tay của Người  như bởi các hạt ngọc châu báu… Chớ gì tín hữu biết được niềm vui của ngươi, và tặng ân ngươi ấp ủ…’

 

Niềm tin vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên cây thập tụ giá, và niềm hy vọng được Chúa Kitô Phục Sinh cống hiến cho toàn thể gia đình nhân loại, được tất cả chúng ta chia sẻ, cả tín hữu Chính Thống Giáo lẫn Công Giáo. Chớ gì việc nguyện cầu và hoạt động hằng ngày của chúng ta được linh hoạt bởi một niềm ước vọng thiết tha chẳng những được hiện diện ở Phụng Vụ Thánh này, mà còn có thể cùng nhau cử hành nữa, cùng nhau tham dự vào cùng một bàn của Chúa, chia sẻ cùng một bánh và cùng một chén.  Chớ gì việc gặp gỡ của chúng ta hôm nay đây giúp đẩy mạnh và làm cho chúng ta hân hoan ngưỡng vọng về tặng ân được hoàn toàn hiệp thông với nhau. Và chớ gì Thần Linh Chúa đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/november/documents/hf_ben-xvi_spe_20061130_divine-liturgy_en.html

  

 

 

TOP

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 30/11 – Viếng Thăm Đền Thờ Xanh của Hồi Giáo ở Istanbul

 

Trong chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ của mình, vào ngày Thứ Năm 30/11/2006, sau khi mừng Lễ Thánh Anrê với Giáo Hội Chính Thống và ký kết một Bản Tuyên Ngôn với Đức Thượng Phụ Bartholomew I, và sau khi thăm Bảo Tàng Viện Thánh Sofia (đền thờ Công Giáo xưa của Constantinople đã bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo năm 1453) cũng ở thủ đô Istanbul, để tỏ lòng trọng quí Hồi Giáo, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đến thăm Đền Thờ Xanh của họ, lớn nhất và đẹp nhất ở thủ đô ở Istanbul.

 

Trong lời ngỏ cùng vọ Đại Giáo Trưởng ở Istanbul là Mustafa Cagrici, vị cũng có chữ ký vào bức thư hồi tháng 10 gửi phản đối ngài sau bài diễn văn ngày 12/9/2006 của ngài ở Đại Học Regensburg, ngài đã lên tiếng cám ơn ông đã cho phép ngài được viếng thăm ngôi đền thờ này: “Chúng ta hy vọng sẽ cùng nhau tìm thấy những đường lối hòa bình và huynh đệ để giúp đỡ nhân loại”.

 

Đức Thánh Cha đã cởi giầy ra trước khi tiến vào đền thờ, và được đi kèm bởi vị Đại Giáo Trưởng cũng như bởi vị giáo trưởng Emanullah Hatiboglu.

 

Sauk hi cắt nghĩa tín đồ Hồi Giáo hồi tâm nguyện cầu ra sao, vị Đại Giáo Trưởng bắt đầu cầu nguyện. Đứng bên cạnh vị tu sĩ Hồi Giáo này, hướng mặt về Mecca, Đức Thánh Cha cũng tĩnh lặng nguyện cầu vài phút, nhưng là một việc cầu nguyện theo kiểu cách và tinh thần Kitô giáo, như vị giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh đã cho thành phần ký giả biết sau khi biến cố này diễn ra.

 

Cuộc viếng thăm này kéo dài trong vòng 30 phút và kết thúc bằng việc tặng quà cho nhau. Vị Đại Giáo Trưởng tặng Đức Giáo Hoàng một biểu tượng chim câu, tiêu biểu cho hòa bình, với những lời lẽ từ Kinh Koran ‘khoan dung và nhân hậu vì danh Thiên Chúa’.

 

Vị Giám Mục Rôma cũng tặng cho Vị Đại Giáo Trưởng một bức đá ghép hình những con chim bồ câu. Thấy vậy, vị Đại Giáo Trưởng đã nhận định rằng: ‘Một dấu hiệu thiên định tốt đẹp’.    

 

Đức Thánh Cha nói rằng: ‘Đó là một sứ điệp huynh đệ để tưởng nhớ việc viếng thăm mà chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên này’.

 

Ngài là vị Giáo Hoàng thứ hai tiến vào nội cung của một Đền Thờ Hồi Giáo. Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Đền Thờ Umayyad ở Syria vào tháng 5/2001.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/11/2006

 

 

TOP

 

 

?   Ý hướng của vị Chủ Tịch Ban Giám Đốc Tôn Giáo Vụ Thổ Nhĩ Kỳ ngỏ lời cùng ĐTC Biển Đức XVI

 

Sau đây là một số tư tưởng chính yếu của ông Ali Bardakoglu, chủ tịch ban giám đốc tôn giáo vụ, trong bài chào mừng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI:

 

“Các tôn giáo là nguồn mạch bình an.

 

“Từ Abraham tới Moisen, từ Đức Giêsu tới Mohammed, tất cả mọi tiên tri đều nói về sứ điệp hòa bình và cứu độ này và biến mình thành những người cưu mang trọng trách ấy.

 

“Hãy theo bước chân sáng tỏ của các vị và gánh vác tránh nhiệm rất cao cả mang sứ điệp bình an và cứu độ này cho tất cả nhân loại.

 

“Chỉ có thế chúng ta mới thành đạt trong việc chiếm hữu được một nền hòa bình bền bỉ trên thế giới này.

 

“Tìn đồ Hồi Giáo chúng tôi tìm cách bảo vệ tất cả mọi gia sản về văn hóa và tôn giáo ấy là những gì hiện hữu nơi xứ sở của chúng tôi và chúng tôi coi nó như là một trong những trách nhiệm chính yếu của mình.

 

“Con người nào (trong xã hội ngày nay sặc mùi duy vật chủ nghĩa) vẫn còn cảm thấy lẻ loi cô độc và buồn tẻ càng cần đến tôn giáo hơn là trong quá khứ.

 

“Sự kiện tất cả chúng ta đều là con cái của Abraham phải làm cho chúng ta nhận thấy được tính cách đa dạng về chủng tộc, tôn giáo và văn hóa như là một cái gì phong phú giúp vào việc hiểu biết nhau hơn.

 

“Vì thế, thành phần lãnh đạo tôn giáo chúng ta có một trách nhiệm quan trọng. Thế nhưng, chúng ta không được tìm cách bảo tồn nguyên tắc của tôn giáo mình, chúng ta cũng cần phải tìm cách làm cho nguyên tắc ấy được hiểu rằng cái tính cách đa dạng về tôn giáo, chủng tộc và văn hóa này là những gì phong phú theo như ý định của Thiên Chúa.

 

“Đó chắc chắn sẽ là một nền tảng lành mạnh cho việc xây dựng hòa bình vậy.

 

“Không đặt mình vào vị trí cho rằng tôn giáo của người này hay hơn của người kia, thành phần đại diện tôn giáo cần phải liên hợp nỗ lực của mình để tạo nên một nền tảng lành mạnh cho hòa bình.

 

“Tuyệt đối lên án tất cả mọi thứ bạo lực phạm đến nhân loại, bất kể từ đâu tới. Chúng tôi thuộc về một tôn giáo coi việc sát hại một con người vô tội là sát hại toàn thể nhân loại.

 

“Chúng tôi chống lại cái ám ảnh về Hồi Giáo cứ tìm cách cho rằng Hồi Giáo là nguồn gốc gây ra tất cả mọi thứ võ lực và các hành vi ghe tởm. Tất cả mọi tín đồ Hồi Giáo cảm thấy hết sức khổ tâm về những điều cáo giác này.

 

“Tạo cơ hội âm vang cho những thứ đường lối gây tổn thương này sẽ là những gì vô tình và có lẽ gián tiếp chuyển thành việc hỗ trợ cho thành phần tác giả gây ra bạo lực.

 

“Tất cả mọi cuộc đổ máu ở Trung Đông và tất cả mọi lực lượng tìm cách cho thấy các tôn giáo là nguồn mạch của những cuộc xung đột ấy là những gì thậm chí lại càng làm cho sứ vụ của chúng ta trở nên khó khăn hơn.

 

“Thế giới tân tiến này cần phải đương đầu một cách thê thảm với một cuộc khủng hoảng về luân lý và nhân bản, một cuộc khủng hoảng gây náo động tâm thần của tất cả mọi người. Tôn giáo của chúng ta chất chứa nơi mình các giải đáp và giải quyết cho những thứ bệnh hoạn này.

 

Loại trừ tình trạng bất công nữ giới phải đương đầu, kiến tạo một bầu khí lành mạnh cho con em của chúng ta tăng trưởng, giúp cho giới trẻ thoát khỏi cái ách nghiện thuốc phiện v.v. Những vấn đề ấy có thể thắng vượt bằng việc chúng ta hợp tác với nhau”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 29/11/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ