GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 3/12/2006

 TUẦN I MÙA VỌNG NĂM C

 

?  Bản Tuyên Ngôn Chung  được ký kết giữa Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Đức Thượng Phụ Bartholomew I

?  Chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thành công hay thất bại?

?   Linh Đạo Thơ Ấu Thiêng Liêng: Yếu Tính và Đặc Tính

 

 

? "Chúa Thánh Thần là Đấng sẽ giúp chúng tôi sửa soạn cho ngày trọng đại của việc tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn, bao giờ và ra sao tùy ý Chúa".

 

ĐTC Biển Đức XVI Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28/11-1/12/2006): 30/11 – Bản Tuyên Ngôn Chung  được ký kết giữa Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Đức Thượng Phụ Bartholomew I sau Lễ Thánh Anrê tại Vương Cung Thánh Đường Thượng Phụ Thánh George ở Phanar, Istanbul

 

‘Đây là ngày Chúa đã lập nên, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó!’ (Ps 117:24)

 

Cuộc gặp gỡ huynh đệ này đã mang chúng tôi lại với nhau, Giáo Hoàng Rôma Biển Đức XVI và Thượng Phụ Toàn Cầu Bartholomew I, là việc Thiên Chúa làm, và ở một nghĩa nào đó là tặng ân của Ngài. Chúng tôi dâng lời cảm tạ lên Vị Tác Giả của tất cả những gì là tốt đẹp này, Đấng cho chúng tôi một lần nữa có thể, trong nguyện cầu và qua đối thoại, bày tỏ niềm vui chúng tôi cảm thấy như là anh  em và lập lại quyết tâm của chúng tôi trong việc tiến tới mối hiệp thông trọn vẹn. Quyết tâm này bắt nguồn từ ý muốn của Chúa và từ trách nhiệm của chúng tôi là những Mục Tử trong Giáo Hội Chúa Kitô. Chớ gì cuộc gặp gỡ của chúng tôi trở thành một dấu hiệu và là một phấn khởi cho chúng tôi trong việc chia sẻ cùng những cảm thức như nhau và những thái độ giống nhau của tình huynh đệ, việc hợp tác và mối hiệp thông trong bác ái và chân lý. Chúa Thánh Thần là Đấng sẽ giúp chúng tôi sửa soạn cho ngày trọng đại của việc tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn, bao giờ và ra sao tùy ý Chúa. Bấy giờ chúng tôi mới có thể thực sự mừng rỡ hân hoan.

 

1.         Chúng tôi đã tri ân nhớ lại những cuộc gặp gỡ của các vị tiền nhiệm của chúng tôi, những cuộc gặp gỡ được Chúa chúc phúc, những vị đã tỏ cho thế giới thấy nhu cầu khẩn trương của mối hiệp nhất và tìm kiếm những đường lối vững chắc để đạt tới m ối hiệp nhất này, bằng việc đối thoại, nguyện cầu và bằng cuộc sống hằng ngày của Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras I đã đến Giêrusalem như những người hành hương, đến chính nơi Chúa Giêsu đã chết và sống lại vì phần rỗi của thế giới, và các vị cũng đã gặp nhau một lần nữa ở Phanar đây cũng như ở Rôma. Các vị đã để lại cho chúng ta một bản tuyên ngôn chung vẫn còn nguyên  tất cả giá trị của nó; nó nhấn mạnh rằng việc thực sự đối thoại với nhau trong bác ái cần phải làm sao để có thể duy trì và tác động tất cả mọi liên hệ giữa cá nhân với nhau cũng như giữa các Giáo Hội với nhau, và nó ‘phải được bắt nguồn từ việc hoàn toàn trung thành với một Chúa Giêsu Kitô duy nhất và từ việc tương kính truyền thống riêng của nhau’ ("Tomos Agapis," 195). Chúng tôi c ũng không quên những cuộc viếng thăm nhau giữa Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Thượng PhụDimitrios I. Chính trong cuộc viếng thăm của Đuưc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chuyến viếng thăm đầu tiên về đại kết của ngài, đã xẩy ra việc loan báo vấn đề thành hình Ủy Ban Hỗn Hợp cho việc đối thoại về thần học giữa  Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hội Chính Thống. Việc này đã làm cho hai Giáo Hội của chúng ta tiến lại với nhau trong cùng một mục đích được ấn định là việc tái thiết mối hiệp thông trọn vẹn. 

 

Đối với vấn đề liên hệ giữa Giáo Hội Rôma và Giáo Hội Constantinople, chúng tôi không thể không nhắc tới tác động long trọng có tính cách giáo hội trong việc xóa bỏ ký ức của những thứ tuyệt thông xưa kia là những gì đã từng gây tác dụng tiêu cực qua các thế kỷ  đối với hai Giáo Hội của chúng ta. Chúng ta vẫn chưa rút tỉa được từ hành động này tất cả mọi thành quả tích cực xuất phát từ đó cho việc tiến bộ của chúng ta hướng tới mối hiệp nhất trọn vẹn, những thành quả mà Ủy Ban Hỗn Hợp được kêu gọi để thực hiện việc đóng góp quan trọng. Chúng tôi kêu gọi tín hữu của chúng tôi hãy tích cực tham gia vào tiến trình này, bằng việc nguyện cầu và bằng những cử chỉ ý nghĩa.

 

2.         Vào thời điểm của khóa họp thường niên của Ủy Ban hỗn hợp đặc trách đối thoại về thần học này, một khóa họp vừa được tổ chức ở Belgrade nhờ việc nồng hậu tiếp đãi của Giáo Hội  Chính Thống Serbia, chúng tôi đã bày tỏ niềm vui sâu xa của mình ở việc tái diễn việc đối thoại về thần học này. Việc này đã từng bị gián đoạn mấy năm trời vì những khó khăn khác nhau, thế nhưng giờ đây Ủy Ban này đã có thể hoạt động lại trong một tinh thần thân hữu và hợp tác. Trong việc bàn đến đề tài ‘Vấn Đề Công Đồng và Thẩm Quyền trong Giáo Hội’ ở các cấp địa phương, theo miền và toàn cầu, Ủy Ban này đã thực hiện một giai đoạn nghiên cứu về những thành quả theo giáo hội học và giáo luật học liên quan tới bản chất bí tích của Giáo Hội. Điều này sẽ giúp cho chúng ta giải quyết một số những vấn đề chính yếu vẫn còn bận tâm. Chúng tôi quyết tâm không ngừng ủng hộ, như trong quá khứ, việc làm được úy thác cho Ủy Ban này và chúng tôi hỗ trợ các phần tử của ủy ban này bằng lời nguyện cầu của chúng tôi.

 

3.         Là những Mục Tử, trước hết chúng tôi suy nghĩ về sứ vụ loan báo Phúc Âm trong thế giới ngày nay. Sứ vụ này, ‘Các con hãy đi tuyển mộ các môn đồ ở tất cả mọi dân nước’ (Mt 28:19), ngày nay là những gì hợp thời và khẩn thiết hơn bao giờ hết, ngay cả nơi các quốc gia Kitô Giáo truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi không thể nào không lưu ý tới việc gia tăng tình trạng tục hóa, chủ nghĩa tương đối, thậm chí chủ nghĩa tuyệt mệnh, nhất là ở thế giới Tây phương. Tất cả những thứ ấy đòi hỏi một cuộc loan báo Phúc Âm một cách mới mẻ và mãnh liệt, một cuộc loan báo được thích ứng với các nền văn hóa của thời đại chúng ta.  Các truyền thống của chúng ta cho chúng ta thấy cả một gia sản cần phải được liên tục chia sẻ, bàn luận và dẫn giải một cách mới mẻ. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải củng cố việc hợp tác của chúng ta và việc cùng làm chứng trước thế giới.

 

4.         Chúng tôi đã tích cực thấy đươc tiến trình dẫn đến việc hình thành Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Những người dự phần vào dự án lớn lao này không được bỏ qua vấn đề quan tâm tới tất cả mọi khía cạnh chi phối những quyền lợi bất khả chuyển nhượng của con người, nhất là quyền tự do tôn giáo là một chứng từ và một bảo đảm cho tất cả mọi quyền tự do khác. Nơi mọi bước tiến hướng tới vấn đề thống nhất hóa, cần phải bảo vệ thành phần thiểu số theo các truyền thống văn hóa của họ và những đặc tính đặc thù nơi tôn giáo của họ. Ở Âu Châu, trong khi vẫn cởi mở với các tôn giáo khác cũng như với các đóng góp về văn hóa của những tôn giáo ấy, chúng ta  cần phải liên kết nỗ lực để bảo trì căn gốc Kitô Giáo, các truyền thống và những giá trị, bảo đảm việc tôn trọng lịch sử, nhờ đó góp phần cho nền văn hóa Âu Châu tương lai cũng như cho phẩm chất của những mối liên hệ của con người ở mọi cấp độ. Trong bối cảnh này, làm sao chúng ta lại không khơi lên những chứng từ rất cổ kính và gia sản Kitô Giáo lẫy long của mảnh đất đang diễn ra cuộc gặp gỡ của chúng ta đây, bắt đầu với những gì được Sách Tông Vụ kể lại cho chúng ta biết liên quan tới hình ảnh của Thánh Phaolô, vị Tông Đồ Dân Ngoại? Nơi mảnh đất này đây, sứ điệp Phúc Âm và truyền thống văn hóa cổ kính đã gặp gỡ nhau. Mối liên hệ này, một mối liên hệ đã góp phần rất nhiều cho gia sản Kitô Giáo chúng ta đang chia sẻ, vẫn còn là những gì hợp thời và sẽ sinh hoa trái hơn trong tương laic ho việc truyền bá phúc âm hóa cũng như cho mối hiệp nhất của chúng ta.

 

5.         Mối quan tâm của chúng tôi cũng bao gồm cả những phần đất khác của thế giới ngày nay, nơi Kitô hữu đang sống, và những khó khăn họ đang phải đương đầu, nhất là về vấn đề nghèo khổ, chiến tranh và khủng bố, cùng với những hình thức tương tự khác nơi việc khai thác thành phần nghèo khổ, thành phần di dân, thành phần nữ giới và thành phần trẻ em. Chúng ta được kêu gọi cùng nhau hoạt động để cổ võ việc tôn trọng các thứ nhân quyền của con người được dựng nên theo hình ảnhcủa Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa, và để nuôi dưỡng việc phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa. Các truyền thống của chúng ta về thần học và đạo lý  có thể cống hiến một nền tảng vững chắc cho một đường lối chung để rao giảng và hành động. Trước hết, chúng tôi muốn khẳng định rằng việc sát hại thành phần vô tội nhân danh Thiên Chúa là một việc xúc phạm đến Ngài cũng như đến phẩm vị của con người. Tất cả chúng ta cần phải quyết tâm thực hiện lại việc phục vụ nhân loại và việc bênh vực sự sống con người, hết mọi sự sống của con người.

 

Chúng tôi hết sức quan tâm tới vấn đề hòa bình ở Trung Đông, nơi Chúa Kitô đã sống, đã chịu khổ đau, đã tử nạn và phục sinh, và là nơi cả một đám rất đông đảo anh cị em Kitô hữu của chúng ta đã sống qua bao thế kỷ. Chúng tôi thiết tha hy vọng rằng hòa bình sẽ được thiết lập ở vùng đất này, việc chung sống tương kính sẽ được củng cố giữa các dân tộc khác nhau đang sống ở đó, giữa c ác Giáo Hội và giữa các tôn giáo khác nhau đang hiện diện ở đó. Để đạt được mục đích ấy, chúng tôi xin hãy thiết lập   những mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa Kitô hữu, và một cuộc đối thoại liên tôn đích thực và chân thành, nhắm tới việc  chiến đấu với hết mọi hình thức bạo lực và kỳ thị.

 

6.         Hiện nay, trước những đe dọa lớn lao gây ra cho môi trường thiên nhiên, chúng ta muốn bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi trước những hậu quả tiêu cực đối với nhân loại và đối với toàn thể thiên nhiên tạo vật, gây ra bởi việc tiến bộ về kỹ nghệ và kỷ thuật không biệt đến giới hạn của mình. Là những người lãnh đạo về tôn giáo, chúng tôi coi nó là một trong những nhiệm vụ của chúng tôi trong việc khuyến khích và hỗ trợ tất cả mọi nỗ lực được thực hiện để bảo vệ tạo sinh của Thiên Chúa, cũng như để truyền lại cho các thế hệ tương lai một thế giới họ có thể sống được.

 

7.         Sau hết, chúng tôi nghĩ tới tất cả anh chị em, thành phần tín hữu của hai Giáo Hội của chúng ta trên khắp thế giới, các vị Giám Mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, giao dân nam nữ đang dấn thân phục vụ giáo hội, và tất cả mọi người đã lãnh nhận phép rửa. Chúng tôi xin gửi lời chào đến các Kitô hữu khác, nhớ đến anh chị em trong lời nguyện cầu của chúng tôi và bày tỏ việc chúng tôi cởi mở trong vấn đề đối thoại và hợp tác. Bằng những lời của vị Tông Đồ Dân Ngoại, chúng tôi xin chào tất cả mọi anh chị em: ‘Chúc anh chị em ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha của chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô’ (2Cor 1:2).

 

Tại Phanar ngày 30/11/2006

 

Biển Đức XVI và Bartholomew I


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/11/2006

  

 

 

TOP

 

 

?  Chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thành công hay thất bại?

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tồng hợp và phân tích

 

Thật vậy, sau lời ngài trích dẫn ở bài nói tại Đại Học Regensburg hôm Thứ Ba 12/9/2006 trong chuyến tông du Bavaria Đức Quốc vào thời khoảng 9-14/9/2006, một lời trích dẫn liên quan tới Hồi Giáo, ngài đã bị thế giới Hồi Giáo kịch liệt phản đối, nhất là đã bị nhóm khủng bố Al Queda đe dọa sát hại mạng sống của ngài. Trước tiên, hậu quả trước mắt là một nữ tu dòng Consolata là Leonella Sgorbati, người Ý, 65 tuổi, đã bị bắn chết ngày 17/9/2006 ở Somalia, và một linh mục Chính Thống Giáo ở Iraq là Amer Iskender đã bị chặt đầu hôm 11/10. Còn ở chính Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 1/11/2006, một thanh niên 26 tuổi tên là Ibrahim Ak đã bắn 4 phát súng chỉ thiên trước Tòa Lãnh Sự Ý ở Istanbul. Một trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất ở xứ sở này của tác giả Yucel Kaya là cuốn “Tấn Công Giáo Hoàng: Ai sẽ Giết Chết Biển Đức XVI ở Istabul?” Vị thủ tướng và bộ trưởng tôn giáo vụ đều tìm cách thoái thác việc gặp gỡ Đức Thánh Cha. Đảng Saadet ở nước này đã tổ chức nhiều cuộc xuống đường, nhất là vào hôm thứ Tư 22/11/2006, đã chiếm đóng nhà thờ St. Sophia ở Haghia như để ngăn chặn không cho ngài đến cầu nguyện tại đây.

 

Vậy chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thành công hay thất bại?

 

Nếu trước chuyến tông du này đã diễn ra những phản ứng rất bất lợi vô cùng chẳng những nơi chung thế giới Hồi Giáo và riêng Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí chuyến tông du này là một cuộc hết sức mạo hiểm, nguy hiểm tới tính mạng của vị giáo chủ thế giới Công Giáo, thì chuyến tông du này thành công, bởi ngài đã đi đến nơi về đến chốn bằng an. Tất cả những mưu đồ mờ ám đầy hận thù một của số cá nhân hay đảng phái quá khích, nếu thực sự có và chờ cơ hội ra tay, đều bị thảm bại bất thành.

 

Nếu chuyến tông du này của ngài, chuyến tông du thứ năm trong vòng 1 năm rưỡi sau khi đăng quang, chuyến tông du có mục đích chính yếu về đại kết Kitô Giáo với Giáo Hội Chính Thống Giáo, và mục đích phụ về vấn đề đối thoại liên tôn ở một nước hầu hết toàn tòng Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ, thì chuyến tông du này của ngài đã được hoàn toàn thành công theo Thánh Ý Chúa, bởi ngài đã thực hiện được những gì ngài mong muốn với tư cách vàsứ vụ của một vị Giáo Hoàng đặt ưu tiên hàng đầu cho giáo triều của mình là vấn đề đại kết Kitô Giáo, một vấn đề đại kết gián tiếp liên quan cả tới v ấn đề đối thoại liên tôn, cách riêng với Hồi Giáo.

 

Nếu chuyến tông du này, cũng như tất cả mọi chuyến tông du khác của một vị Giáo Hoàng, đều nhắm đến mục đích là củng cố niềm tin cho anh chị em Kitô hữu Công Giáo của mình trên khắp thế giới, thì chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ này của ngài cũng thành công, vì ngài đã làm cho cộng đồng nhỏ bé, rất ư bé tí xíu ở xứ sở này, chỉ bằng 1 phần 200, được an ủi và phấn khởi rất nhiều.

 

Ba mục đích trên, ba mục đích cho chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ của ngài, đã được chính ngài đề cập tới trong lời kêu gọi cuối buổi Nguyện Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26/11/2006 vừa rồi, một lời kêu gọi được ngài kết thúc bằng viêc xin cầu nguyện cho chuyến tông du đạt được thành quả theo ý Chúa (chứ không phải theo loài người thẩm định), như sau:

 

“Anh chị em thân mến: Như anh chị em đã biết là vào mấy ngày nữa đây tôi sẽ đến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Từ giây phút này, tôi muốn gửi lời chào thân ái tới nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ thân yêu, một dân tộc có cả một sự phong phú lớn lao về lịch sử và văn hóa. Tôi xin bày tỏ lòng cảm mến và chân tình với quốc gia này cùng quí vị đại diện của quốc gia ấy.

 

“Với lòng cảm mến, tôi muốn gặp gỡ cộng đồng Công Giáo, một cộng đồng luôn được ấp ủ trong lòng tôi, và hiệp nhất tình huynh đệ với Giáo Hội Chính Thống, nhân dịp Lễ Thánh Tông Đồ Anrê.

 

“Bằng niềm tin tưởng, tôi muốn theo gót các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II, và tôi xin Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII từ trên trời bảo vệ, vị đã là khâm sứ của Tòa Thánh 10 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ với đầy lòng quí mến và trân trọng đất nước ấy. Tôi xin tất cả mọi anh chị em hãy đồng hành với tôi bằng lời nguyện cầu để chuyến hành trình này mang lại nhiều kết quả theo ý Chúa”.

 

Trước hết, về mục tiêu mục vụ, ngài đến để củng cố đức tin cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé ở đây, một cộng đồng theo 4 lễ nghi khác nhau là Latinh, Công Giáo Armenia, Công Giáo Syria và Chaldea. Tổng số người Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia có 72 triệu dân và 99% Hồi Giáo, là 32 ngàn người, tức 0.04% trong tổng số dân. Cộng Đồng Công Giáo nhỏ bé ở đây có 47 giáo xứ, được trợ giúp bởi 6 vị giám mục, 13 linh mục triều, 55 linh mục dòng, 4 thày phó tế, 12 nam tu (không chức linh mục), 84 nữ tu, 8 truyền giáo giáo dân và 28 giáo lý viên. Ở Thổ Nhĩ Kỳ người Công Giáo không được nhìn nhận theo pháp lý. 

 

Đức Thánh Cha đã cử hành 2 Thánh Lễ với tín hữu Công Giáo: lễ một vào Thứ Tư ở đền Thánh Mẫu quốc gia ở Meyem Ana Evi, tức là nhà của Maria Mẹ Chúa Giêsu, ở Êphêsô, thành phố diễn ra việc Công Đồng Chung Êphêsô công bố thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Mẹ. Thánh Lễ thứ hai được cử hành vào hôm Thứ Sáu, ngày cuối cùng của chuyến tông du, ở Vương Cung Thánh Đường Công Giáo mang tên Thánh Linh.

 

Sau nữa, về mục tiêu đại kết, ngài đã đến Istanbul để đáp lời mời của Đức Thượng Phụ Hoàn Vũ ở Constantinople là Bartholomew I, vị đã hiện diện vào lúc mở màn cho giáo triều của ngài. Qua việc viếng thăm này, ngài muốn củng cố một trong những ưu tiên của ngài là tìm cách thực hiện cuộc đại kết Kitô Giáo, như ngài đã minh định trong bài giảng của ngài với hồng y đoàn ở Nguyện Đường Sistine hôm 20/4/2005 ngay sau ngày ngài được bầu làm giáo hoàng.

 

Đó là lý do vào hôm Thứ Tư 29/11, ngài đã tham dự một cuộc họp nguyện cầu và đối thoại với vị giáo phụ Chính Thống Giáo này. Tột đỉnh của chuyến viếng thăm này đã diễn ra vào Thứ Năm là thời điểm ngài viếng thăm vị thượng phụ hoàn vũ để cử hành mừng Lễ Thánh Anrê là người anh em của Thánh Phêrô. 

 

Sau khi ngài tham dự Giờ Thần Vụ là một cuộc cầu nguyện ngắn chung và trưng bày một phiến đá tưởng niệm ba vị Giáo Hoàng đã viếng thăm tòa thượng phụ này là Đức Gioan XXIII, như vị đại diện tòa thánh, Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II. Biến cố đại kết này được kết thúc bằng việc đọc và ký kết một bản tuyên ngôn chung giữa Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Đức Thượng Phụ Batholomew I. 

 

Trong cùng ngày giành cho Đại Kết này, ngài cũng đã đến viếng thăm cả Đức Thượng Phụ Mesrob II Mutafyan, ở tổng hành dinh của Thượng Phụ Tông Tòa Armenia. Đây là một trong 15 Giáo Hội Chính Thống Giáo chưa hoàn toàn hiệp nhất với Giáo Hội Rôma, mặc dù trong các thập niên gần đây đã có những bước tiến khả quan trong việc tiến đến mục tiêu đại kết. 

 

Mục tiêu đại kết còn khiến ngài tiếp cả vị Tổng Giám Mục Chính Thống Syria và một số vị lãnh đạo cộng đồng Tin Lành. 

 

Về mục tiêu liên tôn với Hồi Giáo nhân chuyến viếng thăm một quốc gia hầu như toàn tòng Hồi Giáo này, vào hôm Thứ Ba, 8/11, ngài đã viếng thăm đài tưởng niệm Mausoleum của đệ nhất tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là Mustafa Kemal Ataturk (1881-1938), vị sáng lập nền cộng hòa tân tiến của Thổ Nhĩ Kỳ. 

 

Sau cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo chính quyền, ngài đã ngỏ lời củng vị chủ tịch ban giám đốc tôn giáo vụ của xứ sở này, trước sự hiện diện của thành phần đại diện các cộng đồng Hồi Giáo của nước này, và trong bài diễn từ, ngài đã nói tới những gì liên quan tới việc đối thoại và chung sống giữa các tín đồ Hồi Giáo vàtín đồ  Kitô Giáo.

 

Để tỏ lòng tôn kính Hồi Giáo, ngài cũng đã yêu cầu được đến viếng thăm Đền Thờ Xanh vào chiều Thứ Năm, một đền thờ lớn nhất ở Istanbul. Mục đích đối thoại liên tôn còn dẫn ngài sẽ đến thăm Vị Đại Tôn Sư của Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày sau đó nữa.

 

Trong lời ngỏ cùng vọ Đại Giáo Trưởng ở Istanbul là Mustafa Cagrici, vị cũng có chữ ký vào bức thư hồi tháng 10 gửi phản đối ngài sau bài diễn văn ngày 12/9/2006 của ngài ở Đại Học Regensburg, ngài đã lên tiếng cám ơn ông đã cho phép ngài được viếng thăm ngôi đền thờ này: “Chúng ta hy vọng sẽ cùng nhau tìm thấy những đường lối hòa bình và huynh đệ để giúp đỡ nhân loại”.

 

Đức Thánh Cha đã cởi giầy ra trước khi tiến vào đền thờ, và được đi kèm bởi vị Đại Giáo Trưởng cũng như bởi vị giáo trưởng Emanullah Hatiboglu.

 

Sau khi cắt nghĩa tín đồ Hồi Giáo hồi tâm nguyện cầu ra sao, vị Đại Giáo Trưởng bắt đầu cầu nguyện. Đứng bên cạnh vị tu sĩ Hồi Giáo này, hướng mặt về Mecca, Đức Thánh Cha cũng tĩnh lặng nguyện cầu vài phút, nhưng là một việc cầu nguyện theo kiểu cách và tinh thần Kitô giáo, như vị giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh đã cho thành phần ký giả biết sau khi biến cố này diễn ra.

 

Cuộc viếng thăm này kéo dài trong vòng 30 phút và kết thúc bằng việc tặng quà cho nhau. Vị Đại Giáo Trưởng tặng Đức Giáo Hoàng một biểu tượng chim câu, tiêu biểu cho hòa bình, với những lời lẽ từ Kinh Koran ‘khoan dung và nhân hậu vì danh Thiên Chúa’.

 

Vị Giám Mục Rôma cũng tặng cho Vị Đại Giáo Trưởng một bức đá ghép hình những con chim bồ câu. Thấy vậy, vị Đại Giáo Trưởng đã nhận định rằng: ‘Một dấu hiệu thiên định tốt đẹp’.    

 

Đức Thánh Cha nói rằng: ‘Đó là một sứ điệp huynh đệ để tưởng nhớ việc viếng thăm mà chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên này’.

 

Ngài là vị Giáo Hoàng thứ hai tiến vào nội cung của một Đền Thờ Hồi Giáo. Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Đền Thờ Umayyad ở Syria vào tháng 5/2001.

 

 

TOP

 

 

?   Linh Đạo Thơ Ấu Thiêng Liêng: Yếu Tính và Đặc Tính

 

Rev. Đaminh Maria Trần Đình Thủ, CMC

 

Mùa Vọng là thời điểm cử hành Mầu Nhiệm Nhập Thể, đón mừng Thiên Chúa Giáng Sinh, một Thiên Chúa vô hình, vô cùng cao cả, toàn thiện và toàn năng, song, như Thánh Tông Đồ Gioan xác tín, “đã hóa thành nhục thể và ở giữa loài người chúng ta”, như một thai nhi trong cung lòng Mẹ Maria và là một hài nhi trong vòng tay Mẹ Maria ở hang lừa máng cỏ Bêlem.

 

Thật vậy, Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan thượng trí, đã biết con người thụ tạo của Ngài không thể tự mình đến được với Ngài, Ngài đã tự động đến với họ, nơi Chúa Giêsu Kitô, một vị được Thánh Tông Đồ Phaolô cảm nhận là “đã không tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa, trở nên như không, mặc lấy thân phận tôi đòi”.

 

Bởi vậy, đã tìm kiếm Vị Thiên Chúa nhập thể này, con người không cần phải vươn mình lên mà là hạ mình xuống, như Lời Nhập Thể đã khuyên dạy là “hãy hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”, tức là trở nên “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” như Người. Bởi vậy, nhân Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại linh đạo thơ ấu thiêng liêng vô cùng khẩn thiết và quan trọng này, để có thể tìm thấy và nhận ra Vị Thiên Chúa Nhập Thể nơi Chúa Giêsu Kitô.

 

Trước hết, Thời Điểm Maria xin được phổ biến những điều có thể gọi là nguyên tắc chung về con đường hay linh đạo thơ ấu thiêng liêng, do Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ viết cho một tâm hồn lấy biệt hiệu Bá Vũ Ly (BVL - phiên âm từ tiếng Latinh là "Parvuli" - "Trẻ Nhỏ", câu Chúa Giêsu dạy trong Phúc Âm Thánh Mathêu 18:3 là "Hãy hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ"), ngày 8/7/1972 ở Di Linh Lâm Đồng Việt Nam, vị linh mục vừa trọn 100 tuổi hôm 29/11/2006, vị cũng vừa được cải lão hoàn đồng, trở nên như trẻ nhỏ trong tay chăm sóc của anh em trong dòng, sau cơn đột quị (stroke) vào đầu tháng 8/2006 vừa rồi.

 

"Nếu các con không hoan cải va trở nên như trẻ nhỏ, thì chúng con không được vào Nước Trời" (Mathêu 18:3).

 

"Ai hạ mình xuống như trẻ này đó là người lớn trên Nước Trời" (Mathêu 18:4).

 

"Lạy Cha, Con chúc tụng Cha, vì Cha đã giấu kín những việc này nơi các người khôn ngoan và thông thái, mà Cha lại tỏ ra cho những người trẻ thơ" (Mathêu 11:25).

           

Vậy nên xét xem cái gì thuộc về Bản Tính Tuổi Trẻ, cái gì là Đặc Tính của Tuổi Trẻ.

 

Bản tính của tuổi trẻ trong đàng thiêng liêng là: Hoàn toàn bất lực trong mọi lãnh vực, hoàn toàn sống tựa vào người mẹ, như là phần thể của người mẹ, không lìa được sự gìn giữ dưỡng nuôi bồng bế của mẹ.

 

Hoàn toàn bất lực, vì theo tín lý, Chúa dựng nên ta bởi hư vô, trước khi dựng nên ta, ta là hư vô hoàn toàn, Chúa không dùng quyền vạn năng của Người mà kéo ta ra khỏi hư vô, thì muôn đời ta còn là hư vô. Nhưng khi Chúa đã đưa ta ra khỏi hư vô mà làm cho ta nên một sự hữu, thì tự ta, không thể tồn tại được, cần Chúa dùng quyền vạn năng Người mà bảo tồn ta, thì ta mới tồn tại được, đó là điều thuộc Đức Tin, và triết học cũng chứng minh như vậy.

 

Dầu ta được Chúa dựng nên và bảo tồn, nhưng nếu Chúa không trợ lực và không đánh động ta trước, thì ta hoàn toàn bất lực, ta không thể làm được việc gì hết, đó là cái bất lực thứ ba của các loài thụ tạo trong lãnh vực tự nhiên thôi, chứ chưa nói đến hànhđộng siêu nhiên, ta càng bất lực như Đức Tin dạy và chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: "Không có Cha chúng con không thể làm gì được" (Gioan 15:5).

 

Điều thứ hai cũng thuộc yếu tính đời sống thơ ấu thiêng liêng là hoàn toàn sống dựa, sống lệ thuộc vào Thiên Chúa: dù hiện hữu, dù tồn tại, dù hành động trong hiện tại, quá khứ và tương lai, hết thảy đều tin tưởng phú thác hoàn toàn nơi quyền vạn năng và tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, lòng trí phải thoàt ly hết mọi thụ tạo, duy tình yêu Thiên Chúa lôi kéo thu hút trí lòng họ.

 

Đó là hai yếu tính thuộc đời sống thơ ấu thiêng liêng theo Phúc Âm.

 

Những đặc tính phụ thuộc của tuổi trẻ thiêng liêng là trong sạch, đơn sơ hồn nhiên, thật thà thẳng thắn, dễ dậy dễ tin. Đó là 4 đặc tính (proprietates) của tuổi trẻ.

 

Trong sạch của tuổi trẻ, không những là sạch các tội trọng nhẹ, nhất là phải hiểu sạch tội dâm dục, trẻ con thấy người nữ người nam như nhau, con mắt, lòng trí và con tim đều trong trắng vẹn sạch, không yêu nhăng  nhít, chỉ yêu và dính liền với mẹ thôi.

 

Đơn sơ là không phức tạp, không lèo lá, không chải chuốt, không rào đón, trong có thế nào, ngoài cũng vậy. Một là một, hai là hai, có là có, không là không, tốt là tốt, xấu là xấu. Chúa bảo ta phải đơn sơ như chim bồ câu, nhưng phải khôn ngoan như con rắn.

 

Hồn nhiên là bộ điệu không gò bó, không bị cưỡng ép, không sợ sệt, vui tươi không nghĩ ngợi, vô tư không lo lắng, đó là dấu hiệu tâm hồn quân bình.

 

Không nói dối, không làm gì dối trá, không ở cách dối trá, không nói quanh quéo, không làm quanh quéo, không ở cách quanh co, trong ngoài trung thực, đó là người thật thà. Một người thẳng thắn là một người trong ngôn, hành, phán đoán không thiên vị, không thiên tả, không chủ quan, không yên trí, cứ sự thật, cứ thẳng mực tầu.

 

 Trẻ thơ chưa có ý niệm, chưa có kiến thức gì, nếu không dễ dậy dễ tin, thì muôn đời dốt nát. Đức tính dễ dậy dễ tin trong đường thơ ấu thiêng liêng cũng vậy, nếu không dễ dậy dễ tin các điều Chúa mạc khải, Chúa phán trong Thánh Kinh, Chúa Thánh Linh soi động, nếu không dễ tin các điều giáo huấn của Giáo Hội, các Thánh, các bề trên, thì làm gì hiểu được chân lý siêu nhiên? Làm gì thấu nhập được tinh thần Phúc Âm? Làm gì trở nên siêu thoát? Làm gì nên giống Chúa Kitô, giống Mẹ và các Thanh được? Nhưng trái lại, đối với các lầm lạc, các triết thuyết giả, các tư tưởng trần tục, các phán đoán nhận thức phản Phúc Âm, phản Chân Lý Đức Tin, thì chớ dễ tin dễ dậy, kẻo ta sẽ trở thành tà thần phản Chúa.

 

Trên đây là vài tư tưởng về con đường thơ ấu thiêng liêng Chúa dạy trong Phúc Âm ... cần  suy niệm, rồi chính Chúa và Mẹ sẽ dạy vẽ rất rõ ràng trung thực cho nếu thật khiêm nhượng.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ