GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 26/1/2006

Tuần 3 Thường Niên

 

?   Tiến Trình Những Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình trong Giáo Hội

?  VĂN MINH MỲ GÓI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ TRÊN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

?  Bản Tuyên Cáo ngày 12/1/2006 của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq: Những Thách Đố Đặc Biệt Cho Việc Chuyển Giao Hữu Trách

 

 

 

?  Tiến Trình Những Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình trong Giáo Hội

 

Cuộc Họp Thế Giới của Các Gia Đình được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phát động, như Ngày Giới Trẻ Thế Giới vậy. Cuộc Họp Thế Giới của Các Gia Đình này thường lệ 3 năm một lần. Khởi đầu của tiến trình những Cuộc Họp Thế Giới của Các Gia Đình này được bắt nguồn từ Năm Gia Đình 1994 do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lợi dụng Năm Quốc Tế Về Gia Đình do Liên Hiệp Quốc tổ chức, như ngài đã lợi dụng Năm Quốc Tế Về Giới Trẻ 1985 do Liên Hiệp Quốc phát động để bắt đầu Ngày Giới Trẻ Thế Giới từ đó. Để mở màn cho Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình này, Đức Gioan Phaolô II đã tuyêu bố: “Tương Lai của Nhân Loại được Khuôn Đức nơi Gia Đình”.

 

Cuộc Họp Thế Giới của Các Gia Đình lần thứ nhất được diễn ra tại Rôma với sự hiện diện của Đức Thánh Cha vào ngày 9-9/10/1994, trong Năm Gia Đình của Giáo Hội (được bắt đầu từ Lễ Thánh Gia 26/12/1993) này ngài đã viết hai bức thư đặc biệt, một là “Thư Gửi Các Gia Đình” ngày 2/2/1994 và một là “Thư Gửi Các Trẻ Em” ngày 13/12/1994.

 

Cuộc Họp Thế Giới của Các Gia Đình lần thứ hai được diễn ra tại Rio de Janeiro, Ba Tây, 4-5/10/1997, với sự hiện  diện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và chủ đề của lần này là “Gia Đình, Tặng Ân và Dấn Thân, Niềm Hy Vọng Cho Nhân Loại”.

 

Cuộc Họp Thế Giới của Các Gia Đình lần thứ ba được diễn ra tại Rôma, trong Năm Thánh 2000 vào thời điểm 14-15/10, với sự hiện  diện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và chủ đề của lần này là “Trẻ Em, Mùa Xuân của Gia Đình và Xã Hội”.

 

Cuộc Họp Thế Giới của Các Gia Đình lần thứ bốn được diễn ra tại Manilla Phi Luật Tân, thời điểm 25-26/1/2003, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua hệ thống truyền hình viễn liên, và chủ đề của lần này là “Gia Đình Kitô Giáo là Tin Mừng Cho Ngàn Năm Thứ Ba”.

 

Cuộc Họp Thế Giới của Các Gia Đình lần thứ năm được diễn ra tại Valencia, Tây Ban Nha thời điểm 7-9/7/2006, có Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ sự, và chủ đề của lần này là “Việc Truyền Đạt Đức Tin Trong Gia Đình”.

 

Kinh Cầu Cho Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình Lần Năm

 

Ôi Thiên Chúa, Đấng đã để cho chúng con một mẫu gương trọn hảo nơi Thánh Gia về đời sống gia đình sống tin tưởng và tuân hợp ý muốn của Chúa.

 

Chúng con cám ơn Chúa cho gia đình chúng con. Xin ban cho chúng con sức mạnh để tiếp tục liên kết trong yêu thương, quảng đại và vui tương của việc cùng nhau chung sống.

 

Lạy Chúa, chúng con cầu xin để giai đoạn sửa soạn cho Cuộc Họp Thế Giới Của Các Gia Đình này trở thành một thời gian đầy cảm nghiệm đức tin và tăng trưởng nơi gia đình của chúng con.

 

Xin giúp chúng con trong sứ vụ truyền đạt đức tin chúng con đã lãnh nhận từ cha mẹ của chúng con. Xin hãy mở lòng con cái chúng con để hạt giống đức tin chúng đã lãnh nhận nơi phép rửa tăng trương nơi chúng.

 

Xin hãy củng cố đức tin giới trẻ của chúng con, để chúng lớn lên trong việc nhận biết Chúa Giêsu. Xin hãy gia tăng tình yêu và lòng trung thành nơi các cuộc hôn nhân, nhất là những ai trải qua những lúc đau thương hay khốn khó.

 

Xin hãy tuôn ban ân sủng và phúc lành của Chúa trên tất cả các gia đình trên thế giới, nhất là những ai đang sửa soạn cho Cuộc Họp Thế Giới Của Các Gia Đình lần thứ năm ở Valencia này. Xin cũng hãy chúc lành cho Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng con. Xin hãy ban cho ngài khôn ngoan và sức mạnh, cũng như ban cho chúng con niềm vui được đón tiếp ngài ở Valencia cùng với các gia đình đến từ khắp nơi trên thế giới.

 

Hiệp với Thánh Giuse và Mẹ Maria, chúng con xin những điều này nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con. Amen.

Kinh Cầu Cho Gia Đình của Đức Gioan Phaolô II nhân Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình IV

 

Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Đấng mà mọi gia đình

Trên trời dưới đất có được tên gọi.

 

Lạy Cha, Cha là Tình Yêu và là Sự Sống.

Qua Con của Cha là Đức Giêsu Kitô được hạ sinh bởi một người nữ,

Và nhờ Thánh Thần là suối nguồn đức ái thần linh,

Xin ban cho hết mọi gia đình trên trái đất này

được trở thành Đền thờ của sự sống và yêu thương

Cho từng thế hệ kế tiếp.

 

Xin Cha ban ơn hướng dẫn tâm tưởng và hành động

Của những người chồng người vợ

Vì thiện ích của gia đình họ cũng như cho tất cả mọi gia đình trên thế giới này.

 

Xin ban cho giới trẻ được tìm thấy trong gia đình

Nơi nương tựa vững chắc cho phẩm vị con người của họ

Cũng như cho việc họ tăng trưởng trong chân lý và yêu thương.

 

Xin ban cho tình yêu,

Được ơn bí tích hôn phối kiên cường

Trở nên mãnh liệt hơn tất cả mọi yếu hèn và thử thách

Mà gia đình của chúng con đôi khi phải trải qua.

 

Nhờ việc chuyển cầu của Thánh Gia Nazarét,

Xin ban cho Giáo Hội được thành đạt trong việc thi hành

Sứ vụ toàn cầu của mình nơi gia đình

Và qua gia đình.

 

Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con,

Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống

Muôn thuở muôn đời.

Amen

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch phần kinh cầu cho Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình Lần V từ Zenit ngày 24/1/2006 và của ĐTC GPII từ

http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/family/documents/rc_pc_family_doc_20020412_iv-meeting-families-manila_en.html#Prayer%20for%20the%20Family

  

 

 

TOP

 

 

?  VĂN MINH MỲ GÓI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ TRÊN ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Nếu bạn sống tại Hoa Kỳ hay những quốc gia Âu Mỹ, bạn không lo phải học nấu ăn, và bạn cũng không lo phải chết đói nếu trong túi có vài đồng bạc. Lý do, bạn chỉ cần ghé vào một tiệm fast food nào đó. Thí dụ, McDonald’s, Carl’s Jr., In-N-Out Burger, Burger King, Hamburger, Jack In The Box, Kentucky Fried Chicken, hay bất cứ một tiệm Food To Go nào chẳng hạn là bạn đã có một bữa sáng, trưa, hoặc tối với đầy đủ càphê, nước ngọt, kem, hoặc sữa.

 

Thức uống thì có càphê hoặc trà uống liền. Dĩ nhiên là nước ngọt, rượu, bia thì không bao giờ thiếu tại các cửa tiệm tạp hóa, siêu thị, hoặc các tiệm rượu. Bạn không cần phải đun nước, lựa củi, hoặc to hay nhỏ lửa. Chỉ cần một chút nước nóng nhúng bịch trà, hay càphê vào là ngay sau đó bạn đã có một ly trà hoặc càphê.

 

Đối với người Việt Nam chúng ta, sản phẩm mỳ ly hoặc mỳ gói đang trở thành món ăn rất phổ thông của những “cây lười” hoặc các công tử “nghèo” mà ham. Tóm lại, bạn chỉ cần đun một nồi nước sôi, mở nắp đổ ít nước sôi vào những ly hoặc bát mỳ là trong ít phút bạn cũng đã có một bữa sáng, trưa, hoặc tối nhiều ít tùy vào túi tiền của bạn. Thôi thì mỳ tôm, mỳ thịt gà, mỳ thịt bò, mỳ thịt heo, chỉ thiếu mỳ thịt chó là chưa có. Và nếu bạn ăn mỳ chán, thì đã có phở ăn liền, hoặc nếu chán phở thì đã có hủ tíu, hoặc bún bò Huế. Tất cả cũng được chế biến theo tiêu chuẩn “ăn liền”. Dĩ chí, bạn cũng không cần phải đun nước nóng vì các loại trà, mỳ ăn liền với nước lạnh cũng đang tràn ngập thị trường ăn uống.

 

Cái đơn giản của cuộc sống này tưởng như một chuyện thường tình xẩy ra cho con người khi bận rộn với công ăn việc làm, phải chạy đua và bị nghiền nát với tốc lực, với máy điện toán, máy điện thư, điện thoại, hoặc những trang, những màn điện toán mà thoáng chốc người ở Mỹ có thể nói truyện, trao đổi với người ở Việt Nam. Trái đất trở thành nhỏ bé lại, và người ta phải quờ quạng, chạy ngược xuôi theo với sức hút của cuộc sống. Tiếc thay, ảnh hưởng của triết lý mỳ ăn liền, mỳ ly, mỳ gói, hoặc văn minh fast food ấy đã thực sự ảnh hưởng rất nhiều vào tâm lý sống và cuộc sống của con người ngày nay, mà điển hình là đời sống hôn nhân và gia đình.

 

Như một phản ứng phản xạ tâm lý, con người ngày nay có khuynh hướng muốn giải quyết tất cả mọi truyện bằng quan niệm và triết lý mỳ ly, mỳ gói, mỳ ăn liền, hoặc theo ảnh hưởng văn hóa fast food. Đời sống hôn nhân gia đình do đó đang bị thoái hóa và trở thành một việc làm có tính cách đốt giai đoạn. Những phong tục, truyền thống tốt đẹp về hôn nhân gia đình đang dần dần biến dạng do những ảnh hưởng của nền văn hóa fast food, văn hóa mỳ gói. Yêu cuồng, sống vội là một quan niệm đang được con người ngày nay hoan hô nhiệt liệt.

 

Ngày nay, nhiều cặp trai gái không cần tìm hiểu và dò hỏi. Gặp nhau, thấy thích nhau là lên giường với nhau liền. Một tháng, một năm, hay vài năm, thấy chán thì đổi. Cụ từ “tiếng sét ái tình” mà người Hoa Kỳ gọi là “blind date” – một cuộc hẹn hò mù quáng, trước đây chỉ dùng rất giới hạn cho một số trường hợp đặc biệt mà trong đó cặp tình nhân như bị cuốn hút và đắm đuối với nhau ngay từ lúc bốn mắt nhìn nhau. Vừa gặp anh, hay gặp em là “tinh tú đã quay cuồng”. Mặc dù được coi như một hình thức của tình yêu, tuy vậy, mối tình bốc lửa này vẫn được các nhà tâm lý và tâm lý hôn nhân dè dặt khi cân nhắc và cố vấn. Bởi vì nó rất dễ đi đến tan rã sau những bốc đồng và cuồng nhiệt ở giây phút đầu. Tuy nhiên, ngày nay, càng bị “sét ái tình” đánh trúng và đánh trúng sớm chừng nào hay chừng nấy.

 

Vì vội vàng yêu nên không cần phải chờ đến hỏi, cưới. Quan điểm sống này dẫn đến hành động trai gái sống chung với nhau mà không cần cưới hỏi. Lối sống này ngày nay đã trở thành quen thuộc, đến nỗi ngay những bậc phụ huynh cũng không quan tâm đến nó nữa. Con cái họ muốn làm gì thì làm, miễn sao đừng “làm con người ta có bầu”, hoặc miễn sao “đừng để có bầu”. Nhiều phụ huynh khi con gái đi chơi với bạn trai đã dúi vào tay con viên thuốc ngừa thai.

 

Mà vì không màng đến những giá trị truyền thống của gia đình, nên những cặp trai gái sống với nhau khi có thai, lập tức nghĩ đến chuyện “phá thai”. Ngày nay, hành động phá tại nhiều nơi đã được luật pháp chấp nhận. Tuy nhiên, chấp nhận hay không thì việc phá thai đã trở thành một tệ trạng xã hội của chúng ta đang sống. Con số phá thai ở Việt Nam lúc này cũng không phải là ít ỏi, và nó đã trở thành một hiện tượng xã hội lớn lao có ảnh hưởng cả một dân tộc.

 

Ta thử tượng tượng ít chục năm tiếp tới, lớp người ngày nay đang phá thai sẽ trở thành già nua, tuổi tác, và xã hội không có lớp người trẻ nối tiếp sẽ ra sao? Hoặc lớp người trẻ đó lại là con cái của những cha mẹ coi việc hôn nhân, gia đình không ra gì. Đặc biệt là ảnh hưởng tâm lý dồn nén, và ân hận về những việc làm phá thai của mình, thì tương lai và lớp người trẻ ấy sẽ ra như thế nào?

 

Hằng ngày người viết vẫn phải đối diện với những bệnh nhân tâm lý và tâm thần. Những hội chứng như Alzheimer, Down Syndrome, Autism, Cerebral Palsy, Mental Retardation, Seizure, Epilepsy, Anxiety, Depression, và những hội chứng tâm lý và tâm thần khác nhau như thế, mà hệ quả đến từ ảnh hưởng của cha mẹ, và một số là di truyền. Cha mẹ nghiện hút, cha mẹ buông túng trong tình dục, cha mẹ ngừa thai, cha mẹ phá thai, những hành động ấy tưởng như không có một ảnh hưởng gì đối với những bạn trai gái trẻ, những cặp tình nhân trẻ, nhưng hậu quả thật không ngờ và không thể tưởng tượng. Nhiều phụ huynh trẻ sau khi sinh ra những người con như vậy đã khóc lóc và phàn nàn. Nhưng đã quá muộn!!!

 

Sống vội vàng, hưởng thụ. Sống không cần có gia đình, hôn thú. Có thai thì phá thai. Lối sống ấy như vừa trình bày còn kéo theo một hội chứng tâm bệnh đó là lối sống đồng tính và hôn nhân đồng tính. Đồng tính và hôn nhân đồng tính mặc dù được các nhà tâm lý và xã hội loại bỏ khỏi danh sách tâm bệnh, nhưng đó chỉ là một hình thức trốn tránh trách nhiệm và lấn át tiếng lương tâm. Tự mình, những người sống trong đời sống đồng tính và hôn nhân đồng tính cũng hiểu rằng có những điều không ổn và không tự nhiên trong đời sống tình cảm và sinh lý của họ.

 

Và sau cùng, cũng trong lý thuyết mỳ gói, sự chóng vánh ban đầu đem đến hậu quả sau này, đó là chóng chán, và chóng bỏ. Hôn nhân gia đình lại một lần nữa đối đầu với những đổ bể và đau đớn. Cha mẹ bỏ nhau, con cái bơ vơ, và hư hỏng. Lỗi này nhiều cha mẹ đã đổ cho xã hội. Nhưng xã hội lại cho rằng nền tảng hôn nhân bị rạn nứt ngay trong lòng người, nên dù xã hội không mở ra những cửa ngõ cho việc suy thoái những giá trị hôn nhân, thì tự nó cũng đã làm cho nó băng hoại và hủy diệt.

 

Trước đây khi con cháu, bè bạn lập gia đình chúng ta thường chúc cho “đầu bạc răng long”. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, do ảnh hưởng của nền văn minh và triết lý mỳ gói, thì việc người ta sống với nhau 5 hay 10 năm đã là một việc làm hiếm qúy. Hoặc nói theo một ý nghĩa trào phúng, thì ăn mỳ gói đâu cần có răng. Mà vì không có răng nên có răng đâu mà chờ rụng. Còn đầu tóc thì nhiều người ngày nay đã cạo trọc, hoặc nhuộm tóc. Như vậy câu: “Tuổi già đầu bạc thì đáng kính”, cũng không còn giá trị. Tất cả cũng chỉ vì văn minh và ảnh hưởng của nền văn hóa mỳ gói.

 

Làm sao cho người chồng, người vợ, cha mẹ và con cái xum họp được bên nhau trong một bữa cơm đầm ấm mang bầu khí gia đình. Làm sao để những cặp trai gái yêu nhau có thời giờ tìm hiểu, trao đổi và kết thân với nhau. Làm sao sau khi đã tìm hiểu mà quyết tâm đi đến hôn nhân, người ta có thể sống với nhau một cách thương yêu, trung thành và tình nghĩa cho đến chết. Có lẽ chúng ta cần phải trở lại cái ảnh hưởng của nền văn hóa “cơm gạo”, ăn chắc mặc bền đó là nền văn hóa của tình người, của lễ nghĩa gia phong, và của những giá trị truyền thống gia đình.

TOP

 

 

? Bản Tuyên Cáo ngày 12/1/2006 của Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ về Vấn Đề Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq: Những Thách Đố Đặc Biệt Cho Việc Chuyển Giao Hữu Trách

 

Về Việc Chuyển Giao Hữu Trách ở Iraq

Bản Tuyên Cáo của Giám Mục Thomas G. Wenski

Giám Mục Orlando

Chủ Tịch Tiểu Ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Chính Sách Quốc Tế

 

(tiếp 20 Thứ Sáu, 21 Thứ Bảy, 22 Chúa Nhật, 23 Thứ Hai, 24 Thứ Ba 25 Thứ Tư)

 

Quan Tâm Mục Vụ đối với Nhân Viên Quân Sự Hoa Kỳ

 

Là các giám mục, chúng tôi muốn đặc biệt nói về việc chăm sóc và quan tâm cho các phần tử quân sự của chúng ta cũng như gia đình của họ đang trăn trở giữa cuộc xung đột kinh hoàng này. Chúng tôi cũng khẳng định công việc hết sức quan trọng của những vị tuyên úy quân đội. Họ nhân danh Giáo Hội góp phần vào việc mục vụ quan trọng. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI mới đây đã nhắc lại giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II là “những ai nhập ngũ đệ phục vụ quê hương của mình cần phải coi mình như thành phần canh giữ an ninh và tự do”, và như những đóng góp viên vào “việc thiết lập hòa bình”. Ngài tiếp tục “khuyến khích cả những Vị Bản Quyền quân đội và tuyên úy quân đội, trong mọi trường hợp và hoàn cảnh, hãy trung thành làm người rao giảng hòa bình đích thực” (Pope Benedict XVI, World Day of Peace Message [January 1, 2006], no. 8).

 

Hội Đồng chúng tôi muốn làm sáng tỏ vấn đề. Khi nêu lên những vấn đề hệ trọng về luân lý liên quan tới việc quyết định xâm chiếm Iraq không phải là chúng tôi muốn chất vấn tính cách liêm chính về luân lý của những ai phục vụ trong quân đội. Khi bày tỏ những vấn đề về luân lý liên quan tới việc đối xử các tù nhân hay thành phần tạm giam giữ của Hoa Kỳ không phải là chúng tôi đặt vấn đề về tính cách chuyên chính của đại đa số những ai đang tại ngũ ở hiện trường. Thật vậy, việc hỏi những vấn đề khó khăn là một nhiệm vụ ái quốc và luân lý cho thấy các thứ giá trị của chúng ta và mang lại lợi ích nhất cho đất nước của chúng ta cũng như cho những ai hân hạnh phục vụ nó.

 

Cẩn Trọng và Hy Vọng

 

Hội Đồng chúng tôi vẫn đang tiếp tục đối thoại với các vị hoạch định chính sách Hoa Kỳ về Iraq. Chúng tôi đã bày tỏ mối quan tâm quan hệ về luân lý liên quan tới “thứ chiến tranh phòng ngừa”, đã nhận định những trách nhiệm mới về luân lý mà quốc gia của chúng ta đã chấp nhận ở Iraq, đã tranh đấu bảo vệ quyền tự do tôn giáo ở Iraq, đã ủng hộ những nỗ lực giải quyết việc lạm dụng thành phần tù nhân và thành phần bị quản thúc, đã chia sẻ những yếu tố về luân lý của một “thứ chuyển giao hữu trách”, và đã tìm cách đóng góp vào cuộc bàn luận nghiêm cẩn và dân sự liên quan tới đường lối chuyển giao ở Iraq (điển hình là “Cuộc Hội Luận Đạo Lý về Chiến Tranh Hậu 9/11 và Iraq” được tổ chức ngày 11/11/2005 ở Đại Học Georgetown). Chúng tôi biết rằng những lời phát biểu này không đủ. Đã đến lúc cần phải chia sẻ chung để ra tay hành động.

 

Đất nước của chúng ta đang đứng giữa ngã ba đường ở Iraq. Chúng ta cần phải tránh hai chiều hướng làm méo mó thực tại và hạn chế những đáp ứng thích đáng. Chúng ta cần phải chống lại chiều hướng bi quan có thể đẩy quốc gia chúng ta đến chỗ loại bỏ các thứ trách nhiệm về luân lý nó đã chấp nhận trong việc sử dụng võ lực và có thể xui khiến chúng ta rút lui khỏi Iraq một cách hấp tấp bất kể đến những hậu quả về luân lý và nhân bản. Chúng ta cần phải loại trừ chiều hướng lạc quan đến độ không nhìn nhận những lầm lỗi rõ ràng trong quá khứ, lỗi lầm về vấn đề tình báo thất bại, cũng như lỗi lầm về vấn đề hoạch định thất sách về Iraq, và coi nhẹ những thách đố trầm trọng cùng với những tổn hại về con người trước mắt. 

 

Trái lại, đất nước của chúng ta cần phải tác hành theo chiều hướng thực tiễn có tính cách xây dựng và khôn ngoan giúp chúng ta rút kinh nghiệm quá khứ và tiến về tương lai. Thành phần phác họa chính sách và công dân cần phải tự ý đặt ra những vấn nạn khó khăn về luân lý liên quan tới thứ chiến tranh phòng ngừa và học lấy kinh nghiệm của mình ở Iraq. Khẩn trương hơn là vấn đề quốc gia của chúng ta cần phải thực hiện một cuộc đối thoại nghiêm cẩn và dân sự để tiến bước trên con đường khó khăn hướng tới một việc chuyển giao hữu trách tìm cách giúp nhân dân Iraq đảm nhận trách nhiệm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho họ – một tương lai góp phần cho nền hòa bình trong và ngoài miền đất này. Cuộc đối thoại đất nước này cần phải được bắt đầu bằng việc tìm kiếm “sự thật” về chỗ đứng của chúng ta ở Iraq, chứ không phải việc tìm kiếm lợi ích chính trị hay những biện minh cho các chủ trương trong quá khứ.

 

Bằng việc thiết tha với tính cách chân thành cần cho cuộc đối thoại đích thực tìm kiếm con đường dẫn đến nền hòa bình chân chính ở Iraq, quốc gia của chúng ta đang nỗ lực tìm kiếm “hòa bình trong chân lý”. Đức Thánh Cha của chúng tôi là Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã chia sẻ về đề tài này trong Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2006. “Hòa bình trong chân lý” là một đề tài “diễn đạt niềm xác tín là bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào nếu con người nam nữ được soi động bởi ánh quang chân lý, thì họ tự nhiên mới bắt đầu tiến bước trên con đường hòa bình” (Pope Benedict XVI, World Day of Peace Message [January 1, 2006], no. 3)
 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 12/1/2006



TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ