GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 28/1/2006

 Ngày Thánh Mẫu Hằng Tuần

 

?   MÙA XUÂN MUÔN THUỞ MARIA - 1.- MÙA XUÂN TRƯỚC NGUYÊN TỘI

?  ĐTC Biển Đức XVI: Thông Điệp "THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU" (tiếp) - MỐI LIÊN KẾT CỦA TÌNH YÊU NƠI VIỆC TẠO DỰNG VÀ NƠI LỊCH SỬ CỨU ĐỘ (3-5)

?  ĐTC Biển Đức XVI về chủ đề Đại Kết: “Thập Giá của Chúa Kitô Chiếu Soi Tất Cả Mọi Người: Niềm Hy Vọng cho Việc Canh Tân và Mối Hiệp Nhất ở Âu Châu”.

 

 

 

?  MÙA XUÂN MUÔN THUỞ MARIA - 1.- MÙA XUÂN TRƯỚC NGUYÊN TỘI
 

“Maria: Mùa Xuân Muôn Thuở" không phải chỉ là một cụm từ hoa mỹ để gọi Mẹ Maria theo văn chương của nhân loại, hay chỉ là một kiểu sánh ví biểu tượng cho một tạo vật đệ nhất trong trật tự ân sủng.

"Maria: Mùa Xuân Muôn Thuở" hoàn toàn là một thực tại, một thực tại về cả phương diện siêu nhiên cũng như tự nhiên. Đến nỗi, có thể nói, thực tại này đúng là "một điềm lạ xuất hiện trên không trung" (KH 12:1), "kỳ diệu trước mắt chúng ta" (TV 118:23).

"Maria: Mùa Xuân Muôn Thuở" không phải chỉ là một cụm từ hoa mỹ hay một kiểu sánh ví biểu tượng về Mẹ Maria tuyệt diệu, mà hoàn toàn còn là một thực tại. Ở chỗ nào? Xin mời qúi con cái Mẹ cùng nhau từ từ tiến vào "Mùa Xuân Muôn Thuở" này theo hành trình của lịch sử nhân loại đã biến thành Lịch Sử Cứu Độ như sau:

Mùa Xuân Trước Nguyên Tội
Mùa Xuân Sau Nguyên Tội
Mùa Xuân Maria
Mùa Xuân Viên Mãn
 

1.- MÙA XUÂN TRƯỚC NGUYÊN TỘI

 

Theo đúng ý nghĩa của mình, một mùa được gọi là Mùa Xuân phải hội đủ 3 yếu tố, bằng không sẽ không phải là hay không còn đáng là Mùa Xuân nữa. Ba yếu tố chính của Mùa Xuân đích thực, theo cảm nhận của con người từ trước đến nay, đó là: mới mẻ (của thời gian), tươi trẻ (nơi không gian) và vui vẻ (cho nhân gian).

"Mới mẻ": Tự bản chất, Mùa Xuân là thời gian. "Mùa Xuân là Thời Gian", theo nghĩa thuần túy nhất của "mới mẻ", phải là thời-gian-ban-đầu (in the beginning), tức "thời gian" và "ban đầu" chỉ là một, (như trong STK 1:1 hay của Gioan 1:1). Hay "Mùa Xuân là Thời Gian" theo nghĩa tối thiểu nhất của "mới mẻ", đó là thời gian từ ban đầu (from the beginning), tức "thời gian" và "ban đầu" đã hơi tách biệt nhau, bằng chữ "từ", (như trong Gioan 8:44). Hoặc "Mùa Xuân là Thời Gian", theo nghĩa bình thường nhất của "mới mẻ", lại là thời gian bắt đầu, tức "thời gian" không còn là một thực tại "ban đầu" hay "từ ban đầu" nữa, song đã trở thành một tác động "bắt đầu", “bắt đầu” mở màn cho một năm mới, (như trong lịch sử và thực tế cho thấy).

"Tươi trẻ": vì Mùa Xuân thể hiện bóng dáng của mình qua không gian mát mẻ, đẹp đẽ, với cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, hoa lá tốt tươi.

"Vui vẻ": vì Mùa Xuân làm cho chung động vật và riêng nhân gian cảm thấy dễ chịu, thoải mái, khoan khoái, hân hoan, phấn khởi, yêu đời.

"Trước Nguyên Tội", như thế, có Mùa Xuân đích thực theo cảm nhận chung của loài người như được phân tích trên đây hay không?

"Trước Nguyên Tội" ở đây là lúc "ban đầu, Thiên Chúa đã dựng nên trời đất" (STK 1:1), và cũng là lúc "Thiên Chúa nhìn xem mọi sự Ngài đã làm nên, Ngài thấy là rất tốt đẹp" (STK 1:31).

"Trước Nguyên Tội" ở đây, cũng là lúc "ban đầu", "Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài: ‘theo hình ảnh thần linh, Ngài đã dựng nên con người' Ngài đã dựng nên con người có nam có nữ. Thiên Chúa chúc lành cho họ khi phán: 'Hãy sinh sôi nẩy nở' hãy làm tròn đầy trái đất và làm chủ nó..." (STK 1:27).

"Trước Nguyên Tội" trong một khung cảnh như thế, "trời đất" nói chung và thiên nhiên nói riêng không phải là một Mùa Xuân Đích Thực hay sao!?!


"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" là một mùa xuân "mới mẻ" nhất, vì là thời-gian-ban-đầu của trời đất, thời gian tiên khởi và nguyên khôi cho tất cả mọi sự trên trời dưới đất.

"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" là một mùa xuân "tươi trẻ" nhất, vì không gian, bao gồm mọi sự trong thiên nhiên, mới được Thiên Chúa tạo dựng, còn nguyên vẹn, hoàn toàn "rất tốt đẹp" trước thiên nhan, như Thiên Chúa muốn và theo ý của Ngài.

"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" là một mùa xuân "vui vẻ" nhất, vì con người được "Thiên Chúa mang đặt ở trong vườn Địa Đường để canh tác và chăm sóc cho vườn" (STK 2:15), và được "tự do ăn mọi thứ cây trong vườn, trừ cây biết lành biết dữ" (STK 2:16-17).

“Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" là một mùa xuân "vui vẻ" nhất, chẳng những cho riêng con người là đệ nhất tạo vật trên trần gian này, mà còn cho chung cả mọi tạo vật đã được Thiên Chúa tạo dựng nên cho con người nữa: "Chúa là Thiên Chúa hình thành từ bùn đất các loại hoang thú và chim chóc trên trời, rồi Ngài mang đến cho con người xem để con người đặt tên cho chúng' con người gọi mỗi loại là gì thì nó là như vậy" (STK 2:19).

"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội", bởi vậy, không phải là mùa xuân của con người và cho con người hay sao?!? Địa Đường là thiên thai trên trần gian ngay "ban đầu" có nghĩa gì, nếu không có con người sống động ở giữa và ở với, theo ý muốn của Thiên Chúa, để "canh tác và chăm sóc" cho. Cũng thế, trời đất với tất cả mọi sự "rất tốt đẹp" ngay "ban đầu", theo ý muốn của Thiên Chúa, chỉ giữ được vẻ nguyên tuyền "tươi trẻ" của mình trong sứ mệnh "làm tròn đầy" và bằng quyền năng "làm chủ" của con người mà thôi.

"Mùa Xuân Trước Nguyên Tội" phải chăng chính là Mùa Thái Hòa trong Trời Đất mà "con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa" (STK 9:6) là chính Chúa xuân!

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL  

 

 

TOP

 

 

?  Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Các Vị Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ cùng Tất Cả Mọi Tín Hữu về Tình Yêu Kitô Giáo (tiếp)

 

PHẦN NHẤT

 

MỐI LIÊN KẾT CỦA TÌNH YÊU NƠI VIỆC TẠO DỰNG VÀ NƠI LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

 

Vấn Đề về Ngôn Từ

 

2.         Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là những gì trọng yếu cho đời sống của chúng ta, và tình Ngài yêu thương chúng ta ấy gợi lên những vấn đề quan trọng về vấn đề Thiên Chúa là Đấng như thế nào và chúng ta là ai. Trong việc suy xét vấn đề này, chúng ta liền cảm thấy mình bị vướng phải vấn đề về ngôn từ. Ngày nay, chữ “yêu thương” đã trở thành một trong những chữ thường được sử dụng nhiều nhất và bị lạm dụng nhiều nhất, một chữ chúng ta gán ghép cho những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Cho dù bức Thông Điệp này có chính yếu bàn đến việc hiểu biết và thực hành yêu thương theo Thánh Kinh cũng như theo Truyền Thống của Giáo Hội chăng nữa, chúng ta vẫn không thể nào tự nhiên bỏ qua được ý nghĩa của chữ này theo các thứ văn khóa khác nhau cũng như theo việc sử dụng ngày nay.

 

Trước hết, chúng ta hãy lưu ý tới tầm vóc rộng lớn về ý nghĩa của chữ “yêu thương”: chúng ta nói về lòng yêu quê hương đất nước, về tình yêu nghề nghiệp, về tình yêu bạn bè, về lòng yêu thích hoạt động, về tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, về tình yêu thương nơi phần tử trong gia đình, về tình yêu thương tha nhân và yêu mến Thiên Chúa. Tuy nhiên, giữa muôn vàn ý nghĩa ấy, nổi bật nhất vẫn là tình yêu thương giữa người nam và người nữ, nơi tình yêu này hồn xác liên kết một cách bất khả phân ly và con người thoáng thấy được một thứ hứa hẹn có vẻ hạnh phúc bất khả kháng cự. Tình yêu này như là chính cái hình ảnh thu hẹp của tình yêu; tất cả những thứ yêu thương khác so với tình yêu thương này dường như trở thành mờ đi. Bởi vậy, chúng ta cần đặt vấn đề là phải chăng tất cả mọi hình thức yêu thương này đều chỉ là một, do đó mà yêu thương, qua nhiều hình thức khác nhau, cuối cùng cũng chỉ là một thực tại duy nhất, hay chúng ta chỉ cần sử dụng cùng một chữ để điểm danh tất cả những thực tại khác nhau?

 

“Tình ái” và “Từ ái” – khác nhau và liên kết

 

3.         Thứ tình yêu thương giữa con người nam nữ không được dự liệu hay ước định song chi phối con người một cách nào đó, theo cổ ngữ Hy Lạp, được gọi là eros - tình ái. Chúng ta phải nói ngay là Cựu Ước bản Hy Lạp sử dụng chữ erostình ái chỉ duy có hai lần, trong khi đó Tân Ước không hề sử dụng chữ này một chút nào: trong 3 chữ Hy Lạp về yêu thương là eros, philia (thân ái) và agape, các vị tác giả Tân Ước thích sử dụng chữ cuối cùng là chữ, trái lại, không được ngôn ngữ Hy Lạp sử dụng cho lắm. Về chữ philia – thân ái, tình yêu thương bạn bè thân hữu, nó được sử dụng với một ý nghĩa sâu xa hơn nữa nơi Phúc Âm Thánh Gioan, để diễn tả mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Khuynh hướng tránh né chữ eros – tình ái, cùng với nhãn quan mới về yêu thương được diễn đạt qua chữ agape – từ ái, là những gì hiển nhiên cho thấy một cái gì đó mới mẻ và chuyên biệt nơi kiến thức của Kitô Giáo về yêu thương. Trong cuộc phê phán Kitô Giáo được bắt đầu từ thời Minh Tri, và càng ngày càng trở thành cực đoan hơn nữa, thì yếu tố mới này đã được thấy như là một cái gì đó hoàn toàn tiêu cực. Theo Friedrich Nietzche, Kitô Giáo đã đầu đọc eros – tình ái, những gì tự mình không hoàn toàn chống đở nổi đã dần dần bị thoái hóa thành tính mê nết xấu (Cf. Jenseits von Gut und Bưse, IV, 168). Ở đây, vị triết gia Đức quốc này đã diễn đạt một nhận định được nhiều người chủ trương, đó là Giáo Hội, bằng tất cả mọi giới luật cùng với những cấm đoán của mình, đã không tỏ ra cay nghiệt với một điều quí hoá nhất trên đời hay sao? Giáo Hội đã không thổi còi hiệu ngay khi niềm vui là tặng ân Đấng Hóa Công cống hiến cho chúng ta một thứ hạnh phúc tự nó là sự tiên hưởng Thần Linh hay sao? 

 

4.         Thế nhưng, phải chăng đúng là như thế? Phải chăng Kitô Giáo thực sự hủy diệt eros – tình ái? Chúng ta hãy nhìn vào thế giới tiền Kitô Giáo. Các người Hy Lạp, không giống như các thứ văn hóa khác, đã coi eros – tình ái chính yếu như là một thứ say mê, một thứ áp đảo lý trí bởi “cái điên cuồng linh thánh” làm cho con người bung ra khỏi cuộc sống hữu hạn của mình, và khiến họ có thể cảm nghiệm được niềm hạnh phúc tối thượng nơi chính cái tiến trình bị quyền lực thần thiêng chiếm đoạt này. Tất cả mọi quyền lực khác trên trời dưới đất đều trở thành thứ yếu: “Omnia vincit amor”, Virgil đã nói như thế trong cuốn Bucolics – tình yêu chiến thắng tất cả mọi sự – và ông còn thêm rằng “et nos cedamus amori – cả chúng ta nữa hãy chiều theo yêu thương (X, 69). Trong các đạo giáo, thái độ này được thể hiện nơi các việc sùng bái đối với tính chất sinh sôi nẩy nở, mà một trong những việc sùng bái ấy là việc làm điếm “linh thánh”, một việc đã từng hưng thịnh ở nhiều đền thờ. Eros – tình ái như thế được cử hành như một thứ quyền lực thần linh, như mối hiệp hữu với Thần Linh.

 

Cựu Ước mãnh liệt chống lại hình thức tôn giáo ấy, thứ hình thức tiêu biểu cho một khuynh hướng mãnh liệt chống lại niềm tin độc thần, chống lại nó như là một thứ xuyên tạc đồi trụy về tôn giáo. Thế nhưng, không có nghĩa là Cựu Ước bác bỏ thứ eros – tình ái này; trái lại, Cựu Ước chỉ tuyên chiến với hình thức làm méo mó và hủy hoại thứ tình ái này, vì việc thần thánh hóa một cách giả tạo thứ eros – tình ái này thực sự chỉ tước đi mất cái giá trị của nó và phi nhân bản hóa nó mà thôi. Đúng thế, thành phần điếm nữ trong đền thờ, những con người cần phải được giành riêng cho cái mê đắm linh thánh này, không được đối xử như là những con người và như là những nhân vị, mà chỉ được sử dụng như là một phương tiện để làm nổi dậy “cái điên cuồng linh thánh” này, ở chỗ, thay vì trở thành những nữ thần, họ là những con người bị khai thác. Bởi thế, một thứ eros – tình ái mê đắm buông thả không phải là một cuộc thăng hoa “ngây ngất” hướng tới Thần Linh, mà là một thứ sa đọa, một thứ đồi trụy của con người. Tất nhiên eros – tình ái là những gì cần phải được chế ngự và thanh tẩy, nếu nó muốn không phải chỉ làm phát sinh tình trạng khoái lạc thoáng qua mà còn cả một thứ tiên hưởng nào đó về cái tuyệt đỉnh của đời sống chúng ta, về cái phúc đức được toàn thể con người chúng ta khát vọng. 

 

5.         Có hai điều rõ ràng hiện lên từ cái nhìn tổng quan chóng vắn về quan niệm eros - tình ái trong quá khứ và hiện tại này. Trước hết, có một mối liên hệ nào đó giữa tình yêu và Thần Linh, ở chỗ, yêu thương hứa hẹn những gì vô tận, vĩnh hằng – một thực tại hết sức cao cả và hoàn toàn khác với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng cách thức để đạt tới đích điểm này không phải chỉ ở chỗ chiều theo bản năng. Cần phải thực hiện việc thanh tẩy và chín chắn trưởng thành; mà những việc này cũng cần phải trải qua con đường bỏ mình. Những việc ấy chẳng những không loại trừ hay “đầu độc” eros – tình ái mà còn chữa lành nó và lấy lại cho nó tính cách cao cả thực sự của nó.

 

Điều này, trước hết và trên hết, là bởi sự kiện là con người là một hữu thể được dựng nên bao gồm cả xác lẫn hồn. Con người thực sự là mình khi thân xác và linh hồn của họ mật thiết liên kết với nhau; cái thách đố của eros – tình ái có thể nói được thật sự chế ngự khi con người đạt được mối liên kết này. Nếu họ muốn trở thành một thứ thuần linh và loại trừ xác thịt như là những gì liên quan tới bản tính thú vật mà thôi, thì cả tâm linh và xác thể đều bị mất đi phẩm giá của mình. Ngược lại, nếu họ chối bỏ tâm linh và coi chất thể, coi thân xác là thực tại duy nhất, thì họ cũng đánh mất đi tính cách cao cả của mình. Tay sành hưởng thụ Gassendi thường khôi hài chào Descartes rằng: “Ôi Linh Hồn!” Và được Descartes đáp lại rằng: “Ôi Xác Thịt!” (Cf. R. Descartes, Œuvres, ed. V. Cousin, vol. 12, Paris 1824, pp. 95ff). Thế nhưng, chẳng phải một mình tâm linh hay một mình thân xác là những gì yêu thương, mà chính con người, chính nhân vị, một tạo vật được kết hợp bởi cả xác lẫn hồn là chủ thể yêu thương. Chỉ khi nào cả hai chiều kích này thực sự liên kết với nhau, con người mới đạt tới tầm vóc trọn vẹn của mình. Chỉ có thế, tình yêu,  erostình ái, mới có thể chín chắn và đạt được tính cách cao cả thực sự của nó.

 

Ngày nay, Kitô Giáo của quá khứ thường bị chỉ trích như là một thứ tôn giáo chống lại thân xác; điều này hoàn toàn đúng vì các khuynh hướng như thế bao giờ cũng có. Tuy nhiên, đường lối hiện đại trong việc tôn sùng thân xác là những gì gian dối lừa đảo. Eros – tình ái, thứ tình ái bị biến thành thuần “tình dục”, đã trở thành một thứ hàng hóa, một “vật” thuần túy để bán buôn, hay nói đúng hơn, chính con người trở thành một thứ hàng hóa. Thật là khắc nghiệt khi con người hào hứng “chiều” theo thân xác. Thế mà hiện nay họ coi thân xác của họ và tính dục của họ như là một yếu tố thuần thể lý của bản thân họ, cần phải được sử dụng và khai thác tùy ý. Họ cũng không coi thân xác như là một đấu trường để hành sử tự do của họ, mà như là một đối tượng thuần túy trong việc họ cố gắng theo ý muốn của họ để vừa hưởng thụ nó vừa vô hại đến nó. Ở đây chúng ta thực sự đang nói đến một thứ hạ giá thân xác của con người, ở chỗ, nó không còn hòa nhập với cái tự do hiện hữu toàn diện của chúng ta nữa; nó không còn là một thể hiện sống động của toàn hữu thể chúng ta nữa, nhưng bị giảm xuống lãnh vực thuần sinh lý không nhiều thì ít. Việc tỏ tường tôn sùng thân xác có thể mau chóng biến thành mối hận ghét đối với những gì thuộc về thân xác. Trái lại, đức tin Kitô Giáo bao giờ cũng coi con người là một thực thể duy nhất theo lưỡng tính, một thực thể tâm linh và vật thể thấm nhập vào nhau, và trong thực thể này mỗi một yếu tố đạt được tính cách cao quí mới mẻ. Đúng thế, eros – tình ái là những gì có khuynh hướng vươn lên “chất ngất” hướng về Thần Linh, đem chúng ta vượt ra ngoài bản thân mình; nhưng cũng chính vì lý do này nó cần trải qua con đường thăng hoa, con đường bỏ mình, thanh tẩy và chữa lành.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en.html

 

TOP

 

 

? Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về chủ đề Đại Kết: “Thập Giá của Chúa Kitô Chiếu Soi Tất Cả Mọi Người: Niềm Hy Vọng cho Việc Canh Tân và Mối Hiệp Nhất ở Âu Châu”.

 

Sau đây là những ý tưởng tiêu biểu cho bài diễn từ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Sảnh Đường Clementine ngỏ cùng phái đoàn 150 vị đại biểu thuộc 50 quốc gia, đại diện cho 40 Giáo Hội và 34 hội đồng Giám Mục cùng trên 50 hiệp hội cùng phong trào, một phái đoàn đại biểu tham dự vào Ủy Ban Sửa Soạn cho Hội Nghị Đại Kết Âu Châu lần Thứ Ba. Ủy Ban Sửa Soạn này sẽ họp nhau trong giai đoạn đầu này cho tới Thứ Sáu 27/1/2006, và nỗ lực đại kết này sẽ lên tới tột đỉnh của nó ở Sibiu nước Romania vào Tháng 9/2007. Chủ đề của cuộc họp này là “Thập Giá của Chúa Kitô Chiếu Soi Tất Cả Mọi Người: Niềm Hy Vọng cho Việc Canh Tân và Mối Hiệp Nhất ở Âu Châu”.

 

Trong bài diễn của mình, ngài nhấn mạnh đến tầm vóc quan trọng và tác dụng của vấn đề Đại kết đối với định mệnh của một Âu Châu Hiệp Nhất:

 

“Ở một Âu Châu đang trên đường tiến đến mối hiệp nhất về chính trị, chúng ta có thể chấp nhận hay chăng Giáo Hội của Chúa Kitô là yếu tố gây ra tình trạng bất nhất và bất hợp? Phải chăng đó là một trong những gương mù lớn nhất của thời đại chúng ta đây?

 

“Ưu tiên đích thực đối với Âu Châu đó là việc tái cương quyết dấn thân để ánh sáng của Chúa Kitô được sáng tỏ và chiếu soi những bước đường của lục địa Âu Châu vào lúc mở màn cho tân thiên niên kỷ này.

 

“Tôi hy vọng rằng mỗi đoạn đường của cuộc hành trình này đều được chiếu soi bởi ánh sáng này của Chúa Kitô, và Hội Nghị Đại Kết Âu Châu sẽ góp phần vào việc làm cho thành phần Kitô hữu thuộc các quốc gia của chúng ta ý thức hơn nữa về nhiệm vụ của họ trong việc làm chứng cho đức tin nơi môi trường văn hóa hiện nay là môi trường thường có những đặc tính của tương đối chủ nghĩa và tình trạng khô đạo.

 

“Để cho tiến trình hiệp nhất đang diễn tiến được thành quả, Âu Châu cần phải tái nhận thức căn gốc của mình, bằng cách giành chỗ cho các thứ giá trị đạo lý là những gì thuộc về gia sản thiêng liêng phong phú và vững chắc của nó.

 

“Tuy nhiên, việc chúng ta hiện diện với tư cách là thành phần Kitô hữu sẽ là những gì quyết liệt và rạng ngời chỉ khi nào chúng ta can đảm cương quyết tiến trên con đường hòa giải và hiệp nhất.

 

“(Sau khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ) cần phải liên kết để giải quyết những thách đố hiện tại, bắt đầu với thách đố nơi tính cách tân tiến và tục hóa.

 

“Kinh nghiệm đã cho thấy rõ là việc đối thoại chân thành và huynh đệ là những gì làm phát sinh ra lòng tin tưởng, những gì loại trừ đi các nỗi sợ hãi và thành kiến, những gì thắng vượt những khó khăn, và sẵn sàng đương đầu một cách yên hàn và xây dựng.

 

“(Đức Thánh Cha lập lại) ý muốn dứt khoát của mình, một ý định đã được bày tỏ ngay vào lúc mở đầu cho giáo triều của ngài, trong việc thực hiện việc dấn thân hàng đầu để không ngừng hoạt động cho việc tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình nơi tất cả mọi thành phần môn đệ Chúa Kitô”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/1/2006



TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ