GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 10/2/2006

Tuần V Thường Niên

 

?   TCái chết bởi cuộc xung đột văn hóa của một vị linh mục thừa sai Ý tới chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ 11/2006 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

?  ĐTC Biển Đức XVI: Thông Điệp "THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU" (tiếp) - Phần II: VIỆC GIÁO HỘI THỰC THI YÊU THƯƠNG NHƯ LÀ MỘT ‘CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG’ (36-39)

?   Thế Giới Hồi Giáo - Uất Hận vẫn Khôn Nguôi

 

 

?  TCái chết bởi cuộc xung đột văn hóa của một vị linh mục thừa sai Ý tới chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ 11/2006 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

 

Vào cuối buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 8/2/2005, sau khi chia sẻ bài giáo lý về Thánh Vịnh 144(145) tiếp theo tuần trước, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói tới vị linh mục thừa sai Ý Santoro (vừa nghe tên vị linh mục này, nhiều tín hữu trong sảnh đường bấy giờ đứng lên tỏ lòng kính bái tiếc thương) và đã tâm sự như sau:

 

“Đêm hôm qua tôi mới nhận được một bức thư tuyệt vời của ngài, viết ngày 31/1/2006, và của cộng đồng Kitô hữu nhỏ bé Giáo Xứ Thánh Mary ở Trabzon, một thành phố ở Biển Đen.

 

“Tôi đã cảm kích đọc bức thư này tối hôm qua, nó như phản ảnh tâm hồn linh mục của ngài, phản ảnh tình ngài yêu mến Chúa Kitô và dân chúng, phản ảnh chính việc ngài dấn thân cho những con người bé mọn, như dấu hiệu (trung thành của tình yêu cao cả) của bài thánh vịnh chúng ta vừa nghe”.

 

Sau đây là nguyên văn bức thư của vị linh mục thừa sai Ý bị bắn chết hôm 5/2/2006 gửi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, như được ngài vừa nhắc đến:

 

Rôma ngày 31/1/2006

 

Tâu Đức Thánh Cha:

 

Nhân danh một số nữ nhân người Georgia thuộc giáo xứ của con, giáo xứ Thánh Maria ở Trabzon (Trebisonda) ở Biển Đen Thổ Nhĩ Kỳ, con viết bức thư này gửi đến Đức Thánh Cha. Họ đã đọc cho con viết ra bằng tiếng Thổ, con đã dịch nó ra để Đức Thánh Cha hiểu đúng như nó xuất phát từ môi miệng của họ, và con trình lên Đức Thánh Cha nhân dịp con viếng thăm Rôma. Con là don Andrea Santoro, một linh mục tổ chức Fidei Donum thuộc Giáo Hội Rôma ở Thổ Nhĩ Kỳ, Giáo Phận Anatolia, ở đây đã được 5 năm. Đàn chiên của con bao gồm 8/9 người Công Giáo, nhiều người Chính Thống ở thành phố này, và những người Hồi Giáo chiếm 99% tổng số dân. Đức Thánh Cha vừa là Giám Mục giáo phận (Rôma) bản xứ của con vừa là Giám Mục  của giáo phận con phục vụ, vì nó là một “giáo phận trực thuộc tòa thánh - Apostolic Vicariate". Vì tước hiệu đóng hai vai trò này mà con xin kính trình lên Đức Thánh Cha bức thư của 3 người phụ nữ Georgia.

 

Đức Giáo Hoàng Kính Mến:

 

Nhân danh tất cả mọi người Georgia chúng con xin kính chào Đức Giáo Hoàng.

 

Nhân danh Chúa Giêsu chúng con xin Thiên Chúa ban cho Đức Giáo Hoàng được khỏe mạnh.

 

Chúng con rất sung sướng thấy Chúa đã chọn ngài làm Giáo Hoàng. Xin cầu cho chúng con, cho người nghèo, cho người cùng khốn trên khắp thế giới, cho trẻ em. Chúng con tin rằng lời Đức Giáo Hoàng nguyện cầu trực tiếp thấu tới tòa Chúa. Người Georgia rất nghèo, họ mắc đầy những nợ nần, họ không có nhà, không có việc. Chúng con là những người yếu đuối.

 

Hiện nay chúng con sống ở Trabzon và làm việc ở đây. Xin Đức Giáo Hoàng nguyện cầu để Chúa chúc phúc cho chúng con và kiến tạo trong chúng con một quả tim mới và tinh tuyền. Chúng con không quên đời sống Kitô hữu và chúng con cố gắng vì danh Chúa trở thành gương sáng cho những người Thổ, nhờ đó, qua chúng con, họ thấy được Chúa và tôn vinh Chúa.

 

Chúng con có nhiều điều cần nói và tường trình, thế nhưng, “Inshala” (nếu Chúa muốn), khi nào Đức Giáo Hoàng đến Trabzon, chúng con mới được thưa chuyện thẳng với Đức Giáo Hoàng. Việc Đức Giáo Hoàng tới sẽ là một cuộc mừng rỡ hân hoan. Chúng con nguyện xin và hy vọng Chúa ban cho Đức Giáo Hoàng sức khỏe, an bình và một cuộc sống Kitô Giáo. Chúng con xin hôn kính tay của Đức Giáo Hoàng. Chúng con lấy làm diễm phúc khi Đức Giáo Hoàng hồi âm và gửi cho chúng con một bức ảnh có chữ ký của Đức Giáo Hoàng.

 

Là người cha, xin Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho don Andrea và Loredana (một tình nguyện viên người Ý làm việc ở giáo xứ này), xin Chúa ban cho họ sức mạnh và qua họ Giáo Hội được phát triển và gia tăng ở Trabzon.

 

(ký tên:) Maria, Marina và Maria

 

Nhân danh những người Kitô hữu Georgia, chúng con xin mời Đức Giáo Hoàng tới Trabzon nhân dịp Đức Giáo Hoàng viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11.

 

Tâu Đức Thánh Cha:

 

Con xin hợp với ba người nữ này để chân thành mời Đức Thánh Cha đến viếng thăm chúng con. Nó là một đàn chiên bé nhỏ, như Chúa Giêsu nói, cố gắng trở thành muối đất, men bột và ánh sáng thế gian. Việc Đức Thánh Cha viếng thăm, cho dù là ngắn ngủi, sẽ là niềm an ủi và phấn khích. Nếu Chúa muốn…. Không gì là bất khả đối với Thiên Chúa.

 

Con xin chào Đức Thánh Cha và con xin cám ơn Đức Thánh Cha về hết mọi sự. Các sách vở của Đức Thánh Cha là những gì dưỡng nuôi con trong thời gian con học thần học. Xin Đức Thánh Cha chúc lành cho con. Và xin Chúa chúc lành và hỗ trợ Đức Thánh Cha.

 

Don Andrea Santoro

Linh mục Fidei Donum thuộc Giáo Phận Rôma Thổ Nhĩ Kỳ

Giáo Phận Anatolia, thành phố Trabzon Biển Đen

Giáo Xứ Thánh Maria

 

Sau vụ bắn chết vị linh mục thừa sai Ý hôm Chúa Nhật 5/2/2006, lại xẩy ra vụ một nhóm giới trẻ tấn công một tu sĩ dòng Phanxicô ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ, đó là Cha Martin Kmetec, xẩy ra ở trong một khu vực đan viện.

 

Vị đại diện tòa thánh là Đức Giám Mục Luigi Padovese ở Anotolia đã nói với cơ quan Tín Vụ Á Châu rằng “những đứa con trai bóp cổ ngài mà hô lên, ‘Chúng tao sẽ giết hết chúng bay’”. Vị giám mục này còn cho biết thêm là Cha Kmetec đã tường trình sự vụ cho cảnh sát địa phương nhưng “họ chẳng chú ý tới cuộc tấn công này là bao”.

 

Trưa ngày Thứ Năm 9/2/2006, vị Giám Đốc của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh là Joaquin Navarro-Valls đã phổ biến cho phóng viên báo chí loan báo chính thức của Tòa Thánh sau đây:

 

“Tôi xác nhận là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Necdet Sezer, đã viếng thăm Đức Thánh Cha Biển Đức XVI để chính thức mời ngài đến với xứ sở của ông từ 28 đến 30/11/2006. Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời mời. Chi tiết cho cuộc viếng thăm này đang được phác định”.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8-9/2/2006

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU 

(tiếp)

 

PHẦN HAI

 

VIỆC GIÁO HỘI THỰC THI YÊU THƯƠNG NHƯ LÀ MỘT ‘CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG’

 

 

36.       Ngược lại, khi chúng ta thấy muôn vàn nhu cầu của người khác, chúng ta có thể ngả về một thứ ý hệ nhắm đến chỗ thực hiện những gì mà việc Thiên Chúa cai quản thế giới hiển nhiên không thể thực hiện, tức đến chỗ chúng ta có thể hoàn toàn giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Hoặc chúng ta có thể bị cám dỗ khựng lại, vì dường như sẽ chẳng thể nào thành đạt được. Vào những lúc như thế, mối liên hệ sống động với Chúa Kitô là những gì quyết liệt, nếu chúng ta muốn tiến bước trên đường ngay nẻo chính, một là không rơi vào trạng thái ngạo mạn coi thường con người, một thái độ chẳng những thiếu xây dựng mà thực sự còn hủy hoại nữa, hai là không chịu thoái lui là thái độ cản bước chúng ta phục vụ người khác theo chiều hướng của yêu thương. Việc cầu nguyện, một phương tiện kín múc sinh lực tươi mới từ Chúa Kitô, là những gì cần thiết cụ thể và khẩn trương. Con người nguyện cầu không uổng phí thời giờ của họ, cho dù tình trạng có vẻ tuyệt vọng và dường như chỉ cần hoạt động mà thôi. Lòng đạo đức không phải là những gì làm suy yếu đi cuộc chiến đấu chống lại tình trạng nghèo khổ nơi tha nhân của chúng ta, dù có cùng cực mấy đi nữa. Nơi gương của Chân Phước Têrêsa Calcutta, chúng ta đã có một chứng cớ về sự kiện là thời giờ giành cho Thiên Chúa để nguyện cầu chẳng những không chi phối việc phục vụ hiệu năng và yêu thương của chúng ta đối với tha nhân mà thật sự là một mạch nguồn vô tận của việc phục vụ này. Trong bức thư của mình cho Mùa Chay 1996, Chân Phước Têrêsa đã viết cho những cộng sự viên của mình rằng: “Chúng ta cần sâu xa giao tiếp với Thiên Chúa trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Làm thế nào để chúng ta đạt được điều ấy? Bằng việc nguyện cầu”.

 

37.       Đã tới lúc cần phải tái khẳng định tầm quan trọng của việc nguyện cầu trước khuynh hướng duy động và chiều hướng trần tục hóa đang gia tăng nơi nhiều Kitô hữu dấn thân hoạt động bác ái. Tất nhiên Kitô hữu nguyện cầu không chủ trương là mình có thể đổi thay những gì Thiên Chúa đã dự định hay điều chỉnh những gì Ngài đã thấy trước. Trái lại, họ tìm cách gặp gỡ Người Cha của Đức Giêsu Kitô, xin Thiên Chúa hiện diện bằng Thần Ủi An nơi họ và hoạt động của họ. Mối liên hệ tư riêng với Thiên Chúa và việc phó mặc theo ý muốn của Ngài là những gì có thể giữ con người khỏi trở thành bi quan yếm thế và cứu họ khỏi rơi vào cạm bẫy của thứ giáo huấn cuồng tín và khủng bố. Thái độ tôn giáo chân chính là những gì giúp họ tránh khỏi việc cho mình có quyền phán xét Thiên Chúa, buộc tội Ngài đã để xẩy ra cảnh nghèo khổ và không biết xót thương tạo vật của Ngài. Khi người ta chủ trương muốn bênh vực con người thì họ cần phải tạo nên cơ hội chống lại Thiên Chúa là Đấng phải chăng họ có thể cậy nhờ khi hoạt động của con người tỏ ra bất lực?

 

38.       Chắc chắn ông Gióp có thể phàn nàn trước nhan Thiên Chúa về sự hiện diện của khổ đau khôn thấu và hiển nhiên bất công trên thế gian này. Trong nỗi đớn đau của mình, ông đã kêu lên rằng: “Ôi, tôi đã biết tôi có thể tìm Ngài đâu rồi, tôi thậm chí đến với ngự tòa của Ngài!... Tôi có thể biết được những gì Ngài sẽ trả lời cho tôi, và hiểu được những gì Ngài sẽ nói với tôi. Ngài có hài lòng với tôi ở nơi sự cao cả quyền năng của Ngài hay chăng?... Thế nên tôi cảm thấy kinh hãi trước nhan Ngài; khi tôi suy tưởng, tôi cảm thấy kinh sợ Ngài. Thiên Chúa đã khiến tâm can tôi yếu nhược; Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi kinh hãi” (23:3,5-6,15-16). Thường chúng ta không thể nào hiểu được lý do tại sao Thiên Chúa không chịu ra tay can thiệp. Tuy nhiên, Ngài không tránh được việc chúng ta kêu lên, như Chúa Giêsu trện Thập Giá: “Lạy Chúa Trời tôi, lạy Chúa Trời tôi, tại sao Ngài lại bỏ rơi tôi?” (Mt 27:46). Chúng ta cần phải tiếp tục đặt vấn nạn này ra trước nhan Ngài trong cuộc đối thoại nguyện cầu: “Lạy Chúa là Đấng thánh hảo và chân thật, nó sẽ còn kéo dài tới bao lâu nữa đây?” (Rev 6:10). Chính Thánh Âu Quốc Tinh, vị cống hiến cho chúng ta câu trả lời theo đức tin trước những khổ đau của chúng ta: “Si comprehendis, non est Deus – nếu anh chị em hiểu được Ngài thì Ngài không phải là Thiên Chúa” (Sermo 52, 16: PL 38, 360). Việc chúng ta chống đối không có nghĩa là thách đố Thiên Chúa, hay cho rằng Ngài lầm lỗi, yếu kém hay vô tình. Đối với tín hữu, không thể nào có chuyện Thiên Chúa lại bất lực hay “có lẽ Ngài đương ngủ” (x 1Kg 18:27). Trái lại, việc chúng ta kêu lên, như trường hợp Chúa Giêsu trên Thập Giá, là cách thức sâu xa nhất và thực sự nhất để củng cố niềm tin của chúng ta nơi quyền năng tối thượng của Ngài. Thậm chí ngay cả trong tình trạng hoang mang bối rối và thua bại của mình trong việc hiểu được thế giới chung quanh họ, Kitô hữu vẫn tiếp tục tin tưởng vào “sự thiện hảo và lòng từ ái của Thiên Chúa” (Tit 3:4). Bị chìm ngập như mọi người khác trong những biến cố lịch sử đầy thảm thương rối loạn, họ vẫn kiên cường tin rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta và yêu thương chúng ta, ngay cả lúc Ngài cứ im lìm không thể nào hiểu nổi.

 

39.       Đức tin, đức cậy và đức mến là các nhân đức đi với nhau. Đức cậy được thực thi nhờ nhân đức nhẫn nại, một nhân đức tiếp tục làm lành ngay cả trong trường hợp thất bại trông thấy, cũng như nhờ đức khiêm nhượng, một nhân đức chấp nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa và tin tưởng nơi Ngài ngay cả trong những lúc tối tăm. Đức tin nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã ban Con của Ngài cho chúng ta và ban cho chúng ta niềm tin tưởng rạng ngời là quả thực Thiên Chúa là tình yêu! Nhờ đó đức tin biến đổi nỗi bất nhẫn của chúng ta và những mối ngờ vực của chúng ta thành niềm hy vọng là Thiên Chúa cầm nắm thế giới trong tay của Ngài, và như hình ảnh sâu sắc cuối Sách Khải Huyền cho thấy, bất chấp tất cả mọi tối tăm, Ngài cuối cùng chiến thắng trong vinh quang. Đức tin, một đức tin thấy được tình yêu của Thiên Chúa tỏ hiện nơi con tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu trên Thập Giá, mở đường cho yêu thương. Tình yêu là thứ ánh sáng – và cuối cùng là ánh sáng duy nhất – có thể luôn luôn soi chiếu một thế giới đã trở nên mờ mịt, và ban cho chúng ta lòng can đảm cần thiết để sống động và hoạt động. Tình yêu là những gì khả dĩ, và chúng ta có thể thực hành yêu thương vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hãy cảm nghiệm yêu thương và nhờ đó làm cho ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi vào thế giới – đó là lời tôi mời gọi qua bức Thông Điệp đây.

 

(còn tiếp)

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en.html

 

TOP

 

 

? Thế Giới Hồi Giáo - Uất Hận vẫn Khôn Nguôi

 

Khoảng nửa triệu người Hồi Giáo ở Beirut Labanon đã biến cuộc cử hành lễ nghi tôn giáo thành một cuộc xuống đường biểu tình chống những bức biếm họa phạm đến vị giáo tổ Tiên Tri Mohammed của họ. Trong khi đó hai nước Iran và Syria bác bỏ lời cáo giác là chính quyền hai nước đã giật giây thực hiện những cuộc phản đối đầy bạo động vừa qua.

 

Tuy nhiên, khác với hôm Chúa Nhật 5/2, ngày cuộc biểu tình tấn công đốt phá tòa lãnh sự Đan Mạch, hôm Thứ Năm 9/2 cuộc biểu tình ôn hòa hơn. Tuy nhiên, họ vẫn hô hoán những lời lẽ đầy tôn giáo nhưng cũng khát máu hận thù. Chẳng hạn khi họ hô hoán câu: “Để phụng sự ngài Ôi Đấng Mohammed, để phụng vụ ngài, Ôi Vị Tiên Tri của Thiên Chúa”, thì họ giơ các nắm tay lên trời với những lời phụ họa: “Giết chết Hoa Kỳ, giết chết Do Thái”.

 

Ngoài ra, họ còn có những câu biểu ngữ như: “Thật là mất giá đối với một quốc gia có vị tiên trị bị xỉ nhục”, “Những gì xẩy ra sau khi lăng nhục những giá trị linh thánh?”.

 

Cuộc biểu tình này xẩy ra vào ngày biến cố hằng năm được gọi là Ashura, ngày giáo phái Hồi Shiite thương khóc cái chết xẩy ra 1300 năm trước đây cho người cháu trai Imam Hussein của đức giáo tổ Mohammed.

 

Theo lịch sử thì Imam Hussein bị chết trong một trận chiến gần Karbala là nơi ông bị bại bởi quân đội hùng hậu của Yazeed, nhân vật muốn giành quyền lãnh đạo Hồi Giáo với ông.

 

Cuộc hành hương đến Karbala hằng năm này một phần là để đền bù lại việc thiếu sót của tổ tiên những người hành hương ngày nay đã không cứu trợ Hussein bấy giờ. Dưới thời nhà lãnh đạo Saddam Hussein, các cuộc hành hương này đều bị cản trở tới Karbala.

 

Ngày hội lễ này đã xẩy ra một vụ ôm bom tấn công tự sát gây thiệt mạng cho 22 người ở tỉnh Hangu thuộc miền tây bắc Pakistan, và những cuộc đụng độ ở một tỉnh thuộc phía tây A Phú Hãn giữa những người Hồi giáo phái Shiite và Sunni, bằng những vụ đốt xe cộ và đền thờ, kết quả có 6 người chết và 27 bị thương.

 

Ông trưởng nhóm chiến đấu quân Hezbollah là Sayyed Hassan Nasrallah đã thúc giục tín hữu hãy xuống đường phản đối những bức biếm họa. Ông nói với họ rằng:

 

“Hôm nay, chúng ta bênh vực phẩm vị cho Vị Tiên Tri của chúng ta bằng lời nói, bằng cuộc biểu tình. Thế nhưng Goerge Bush và thế giới ngạo mạn hãy biết rằng nếu cần… chúng ta sẽ bênh vực vị tiên tri của chúng ta bằng chính máu của chúng ta, chứ không phải bằng lời nói xuông. Việc bênh vực vị tiên tri này cần phải được tiếp tục khắp nơi trên thế giới, để Condoleezze Rice, Bush và tất cả những tên bạo chúa phải câm miệng lại. Chúng ta là một quốc gia không thể thứ tha, câm nín hay nhởn nhơ khi họ nhục mạ vị tiên tri của chúng ta cũng như những giá trị linh thánh của chúng ta”.

 

Ông nói rằng sẽ không có vấn đề thỏa hiệp cho đến khi Đan Mạch lên tiếng xin lỗi về những bức biếm họa ấy, và Quốc Hội Âu Châu cùng với các hội đồng ở Âu Châu cấm truyền thông xỉ nhục tiên tri  Mohammed.

 

Hôm Thứ Tư, bà ngoại trưởng Hoa Kỳ Rice đã lên tiếng cáo buộc Iran và Syria xúi giục dân chúng thực hiện các cuộc xuống đường bạo động, khiến cho hai nước này càng nổi cơn lôi đình. Bà nói trong một cuộc họp báo chung với bộ trưởng ngoại giao Do Thái là Tzipi Livni, như sau: “Iran và Syria đã mưu mánh khích động những cảm thức và sử dụng cách này cho mục đích của họ, và thế giới cần phải kêu gọi họ về hành động ấy… Tất cả mọi con người có trách nhiệm đều nói rằng không có lý do nào để biện minh cho việc bạo động cả”.

 

Lãnh sự Syria ở Hoa Kỳ là Imad Moustapha đã lên tiếng bác bỏ những lời cáo buộc của bà Rice và nói với CNN rằng: “Chúng tôi ở Syria tin là những cảm thức chống Tây Phương được bùng lên bởi hai điều chính – đó là tình hình ở Iraq và tình hình ở những miền đất bị chiếm đóng là Vùng tây Ngạn và Giải Gaza. Chúng tôi tin rằng nếu có ai nói với bà ngoại trưởng Rica rằng Syria không phải là một đảng phái chiếm cứ Iraq và không phải là đảng phái chiếm đóng Vùng Tây Ngạn cùng Giải Gaza thì có lẽ bà sẽ biết rằng không phải Syria là tác nhân thực sự làm bừng lên những cảm thức chống Tây Phương”.

 

Iran cũng thế, hoàn toàn bác bỏ lời cáo buộc của bà Rice. Một trong những vị phó tổng thống của nước này là Rahim Mashaee đã nói với phóng viên báo chí trong cuộc viếng thăm Nam Dương hôm Thứ Năm 9/2/2006, được thông tấn xã AP thuật lại là: “Điều đó 100% láo khoét”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNN ngày 9/2/2006

 

 

 TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ