GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 12/2/2006

Tuần VI Thường Niên

 

?   Bài ĐTC BĐXVI viết để dẫn giải về Bức Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu cho Độc Giả Tuần San Famiglia Cristiana

?  “Thành Phần Công Chính của Ý Quốc: Những Người Không Phải Do Thái Đã Cứu Người Do Thái từ Năm 1943 đến 1945”

?   Thế Giới Hồi Giáo – Xuống Đường Biểu Tình Phản Đối Vẫn Tiếp Tục Diễn Tiến

 

 

 

?  Bài ĐTC BĐXVI viết để dẫn giải về Bức Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu cho Độc Giả Tuần San Famiglia Cristiana

 

Sau đây là nguyên văn bài Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viết cho tờ tuần san đông độc giả nhất ở Ý là Famiglia Cristiana, và được phổ biến trên số ra ngày 5/2/2006.

 

Quí Độc Giả Tuần San Famiglia Cristiana thân mến,

 

Tôi rất vui mừng vì Famiglia Cristiana đã gửi đến tận nhà của anh chị em bức thông điệp của tôi, và cho tôi cơ hội để kèm thao bức thông điệp này mấy lời giúp cho nó được dễ hiểu hơn. Thật vậy, mới đầu bức thông điệp này có vẻ hơi khó hiểu và về lý thuyết. Thế nhưng, khi bắt đầu đọc thì thấy rõ ràng là tôi chỉ muốn đáp ứng một số vấn nạn rất cụ thể cho đời sống Kitô Giáo mà thôi.

 

Vấn nạn thứ nhất như sau: Có thể kính mến Thiên Chúa được hay chăng?; hơn nữa: Tình yêu phải chăng là một điều gì đó bắt buộc? Phải chăng đó là một thứ tình cảm người ta có hay không có? Câu trả lời cho vấn nạn thứ nhất này là: Phải, chúng ta có thể mến yêu Thiên Chúa, vì Ngài không còn ở một khoảng cách bất khả vươn tới song đã và đang đi vào đời sống của chúng ta. Ngài đang đến để gặp gỡ mỗi một người chúng ta: nơi các phép bí tích là những gì nhờ đó Ngài tác hành trong đời sống của chúng ta; qua đức tin của Giáo Hội Ngài muốn dùng để nói với chúng ta, làm cho chúng ta gặp gỡ những con người được Ngài tác động, thành phần truyền đạt ánh sáng cho chúng ta; qua những sắt đặt Ngài muốn dùng để nhúng tay can thiệp vào đời sống của chúng ta; cũng như qua những dấu hiệu nơi tạo vật được Ngài ban cho chúng ta.

 

Người chẳng những đã cống hiến cho chúng ta tình yêu, nhất là Ngài trước hết đã sống yêu thương và đang gõ cửa lòng chúng ta bằng nhiều cách để mời mọc chúng ta đáp ứng yêu thương. Tình yêu không phải chỉ là một tình cảm; nó bao gồm cả ý muốn và lý trí nữa. Bằng Lời của mình, Thiên Chúa đang nói với lý trí của chúng ta, ý muốn của chúng ta và cảm tình của chúng ta, nhờ đó chúng ta mới biết cách mến yêu Ngài “hết lòng và hết linh hồn của chúng ta”. Thật vậy, không đùng một cái chúng ta tự nhiên có được tất cả tình yêu trong tay; trái lại, có thể nói, tình yêu là những gì đang chín tới. Chúng ta có thể học cách yêu thương một cách từ từ, nhờ đó tình yêu sẽ bao gồm tất cả sinh lực của chúng ta và sẽ mở đường cho một cuộc sống chân tình. 

 

Vấn nạn thứ hai là thế này: Chúng ta có thực sự yêu thương “cận nhân” của chúng ta khi họ là một con người xa lạ hay thậm chí là một con người bất khả ưng ý? Phải, chúng ta có thể làm điều ấy, nếu chúng ta là bạn hữu của Thiên Chúa, nếu chúng ta là bạn hữu của Chúa Kitô, nhờ đó, vấn đề trở nên sáng tỏ hơn là Ngài đã yêu thương và đang yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta thường trở mặt với Ngài và sống theo các qui chuẩn khác. Thật thế, nếu đối với chúng ta mối thân tình với Thiên Chúa trở thành một cái gì đó quan trọng và quyết liệt hơn bao giờ hết, thì chúng ta sẽ bắt đầu yêu thương những ai được Thiên Chúa yêu thương và những ai đang cần đến chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên bạn hữu trong số thành phần thiết nghĩa với Ngài, và chúng ta có thể được như thế nếu lòng chúng ta gần gũi với họ.

 

Sau hết, vấn nạn thứ ba được đặt ra là: Với các huấn lệnh và cấm đoán của mình, không phải là Giáo Hội đang làm đắng đót mất niềm vui của “eros – tình ái” hay sao, làm đắng đót cái tình cảm mình được yêu thương hay sao, một tình cảm thúc đẩy chúng ta đến với người khác và tìm cách biến đổi thành một cuộc hiệp nhất nên một hay sao? Tôi đã cố gắng chúng tỏ cho thấy nơi bức thông điệp này là cái hứa hẹn sâu xa nhất của “eros – tình ái” có thể chín tới chỉ khi nào chúng ta không tìm kiếm niềm hạnh phúc tạm bợ và đột xuất mà thôi. Trái lại, chúng ta cùng nhau nhẫn nại khám phá ra mỗi ngày một hơn cái sâu xa nơi con người của nhau, với toàn vẹn xác hồn, nhờ đó, cuối cùng, niền hạnh phúc của người khác là những gì quan trọng hơn niềm hạnh phúc của riêng bản thân chúng ta. Bấy giờ chúng ta không còn muốn lãnh nhận một cái gì đó mà là trao tặng chính bản thân mình, và từ cuộc giải phóng này khỏi “cái tôi” của mình, con người gặp thấy bản thân họ với tràn đầy niềm vui.

 

Trong bức thông điệp này, tôi đã nói tới cuộc hành trình thanh tẩy và trưởng thành hóa cần thiết cho cái hứa hẹn chân thực này của “eros – tình ái” được nên trọn. Ngôn ngữ thuộc truyền thống của Giáo Hội đã gọi tiến trình này là “việc dạy sống thanh tịnh”, việc dạy sống thanh tịnh này thật ra chỉ có nghĩa là biết trọn vẹn yêu thương một từ từ gia tăng và trưởng thành. 

 

Ở phần thứ hai tôi nói về đức bác ái, trong việc phục vụ tình yêu thương chung của Giáo Hội đối với tất cả những ai khổ đau nơi thân xác hay linh hồn và cần đến việc cống hiến yêu thương. Trước hết, có hai vấn nạn được nêu lên ở phần này, đó là Giáo Hội có thể giành việc phục vụ này cho các cơ quan từ thiện khác hay chăng? Câu trả lời là không. Giáo Hội không thể làm như thế. Giáo Hội phải thực thi yêu thương đối với tha nhân bao gồm như là một cộng đồng; bằng không Giáo Hội loan báo tình yêu Thiên Chúa một cách không trọn vẹn và hụt hẫng.

 

Vấn nạn thứ hai là: Có nên phát động một trật tự công bằng, nhờ đó vấn đề nghèo khổ không còn nữa, cũng nhờ đó bác ái trở thành một cái gì dư thừa bất thiết hay chăng? Câu trả lời như thế này: Chắc chắn mục đích của chính trị là để kiến tạo nên một trật tự công bằng trong xã hội, một xã hội nhìn nhận những gì thích đáng với mỗi một người và là một xã hội không còn ai phải chịu cảnh bần cùng nữa. Trong trường hợp này, công bằng thực sự là đối tượng của chính trị, vì bình an không thể có nếu thiếu công bằng. Bởi chính bản chất của mình, Giáo Hội không đích thân pha mình vào chính trị; trái lại, Giáo Hội tôn trọng quyền biệt lập của Quốc Gia cũng như của các cơ cấu quốc gia.

 

Việc tìm kiếm trật tự công bằng này hợp với lý trí chung, chỉ vì chính trị là cái ảnh hưởng đến tất cả mọi người công dân. Tuy nhiên, thường thì lý trị bị lợi lộc và tham vọng quyền lực làm cho mù quáng. Đức tin là những gì giúp vào việc thanh tẩy lý trí, nhờ đó lý trí có thể thấy và quyết định một cách xác đáng. Bởi thế, công việc của Giáo Hội là chữa trị trí khôn và củng cố ý muốn hành thiện. Về khía cạnh này, không dính dáng gì tới chính trị, Giáo Hội hăng say tham dự vào việc chiến đấu cho công lý. Kitô hữu dấn thân cho việc phục vụ quần chúng, qua những tác hành chính trị của mình, cần phải luôn hướng tới những đường lối mới mẻ phục vụ cho công lý.

 

Tuy nhiên, tôi mới chỉ trả lời nửa phần đầu của vấn nạn của chúng ta thôi. Nửa phần sau tôi muốn nhấn mạnh đến trong bức thông điệp này, đó là: Công bình không bao giờ lại là những gì bất cần đến yêu thương. Ngoài công lý ra, con người bao giờ cũng cần đến yêu thương, một thứ yêu thương duy nhất có thể cống hiến cho linh hồn công lý. Trong một thế giới bị tổn thương sâu nặng, như thế giới chúng ta thấy ngày nay đây, thì lời khẳng định này không cần đến những minh chứng. Thế giới mong thấy một thứ chứng từ yêu thương Kitô Giáo được đức tin tác động. Tình yêu của Thiên Chúa chiếu soi vào thế giới thường rất tồi tăm của chúng ta đây bằng thứ tình yêu thương như thế.

 

Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/2/2006

 

 

TOP

 

 

?  “Thành Phần Công Chính của Ý Quốc: Những Người Không Phải Do Thái Đã Cứu Người Do Thái từ Năm 1943 đến 1945”

 

Tác phẩm mới xuất bản mang tựa đề “Thành Phần Công Chính của Ý Quốc: Những Người Không Phải Do Thái Đã Cứu Người Do Thái từ Năm 1943 đến 1945”, hôm Thứ Sáu 3/2/2006, được ra mắt tại Sảnh Đường Hội Nghị Quốc Tế của Bộ Ngoại Giáo Vụ Ý Quốc.

 

Tác phẩm này do nhà xuất bản Mondadori phát hành, được phát động và cổ võ bởi Tòa Lãnh Sự Ý ở Do Thái và Học Viện Văn Hóa Ý Quốc ở thủ đô Do Thái Tel Aviv. Tác phẩm này sẽ được tung ra thị trường vào tuần sau.

 

Tác phẩm này là thành quả của cuộc nghiên cứu được kêu gọi bởi tổ chức Yad Vashem, Chư Vị Tử Đạo Tế Thần và Thẩm Quyền Tưởng Niệm Chư Vị Anh Hùng, có trụ sở ở Giêrusalem. Nhóm này tặng tước hiệu “Công Chính Giữa Các Chư Quốc” cho những ai không phải là người Do Thái dám liều mạng cứu người Do Thái khỏi bị đẩy ải và chết chóc.

 

Thành phần “Công Chính” được tổ chức này nhìn nhận lên tới con số trên 20 ngàn, trong đó có 400 người Ý. Lịch sử của 387 người Ý này được bao gồm trong tác phẩm đây.

 

Trong buổi ra mắt tác phẩm này, Bộ Trưởng Ngoại Giao Ý là Gianfranco Fini, phó chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng đã cắt nghĩa là 400 người “Công Chính” Ý quốc là “chứng cớ về một hiện tượng đang càng ngày càng trở nên lớn rộng và lan tràn”, “những mảnh trong bức vi thạch của nhân loại sáng lạng và đáng ca ngợi, một chứng cớ góp phần quan trọng cho lịch sử Ý quốc”.

 

Vị Lãnh Sự Nathan Ben Horin, một phần tử thuộc Ủy Ban của tổ chức Yad Vashem cho Người Công Chính, đã xác nhận rằng theo việc nghiên cứu của ông, “dân chúng Ý đã chứng tỏ mình ra như một trong những con người nhân đạo nhất ở Âu Châu”.

 

Ông Arrigo Levi, cố vấn ngoại giao vụ của tổng thống Ý đã cho biết làm thế nào gia đình của ông đã sang Á Căn Đình để tránh thoát đảng Nazi. Trong việc thu thập các chứng từ liền ngay sau Thế Chiến II, ông Levi cho biết ông tin rằng “con số thành phần “Công Chính” Ý quốc khoảng chừng 10 ngàn, trong số đó, dân thuộc Giáo Hội Công Giáo đã đóng một vai trò quan trọng.

 

Sử gia Andrea Riccardi, chủ tịch của Cộng Đồng Sant’Egidio, nhấn mạnh rằng, mặc dù thế giới Do Thái và Công Giáo không giao tiếp với nhau về phương diện xã hội, nhưng nhiều vị giám mục, linh mục và tu sĩ đã nhúng tay vào việc cứu dân Do Thái.

 

Sử gia Liliana Picciotto, thuộc Trung Tâm Văn Kiện Do Thái Hiện Đại ở Milan, một cơ quan coi sóc việc ấn bản Ý ngữ cuốn sách mới này, đã cho biết những những con số trong thời khoảng này. Năm 1943, có 43 triệu người Ý và khoảng 32 ngàn người Do Thái, trong số dân chúng Do Thái này có 8 ngàn bị đầy ải và 24 ngàn được cứu vớt.

 

Ý hãnh diện là một trong những con số cao nhất ở Âu Châu về thành phần dân Do Thái được cứu khỏi bị Tế Thần, và ông Picciotto qui việc này cho việc “Chống Cự về dân sự xẩy ra ở toàn Âu Châu cũng như ở xứ sở chúng ta, bắt đầu từ hàng giáo sĩ”.

 

Trách nhiệm được Giáo Hội Công Giáo thực hiện là những gì rõ ràng nơi những câu truyện của Người Công Chính trong cuốn sách này. Trong số 387 nhân vật được kể đến, có 58 vị giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ. Không kể vô khối giáo dân đã cứu người Do Thái bằng việc trợ giúp của các tòa lãnh sự, các tòa giám mục, các giáo xứ, các tu viện và các tổ chức khác của Giáo Hội.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2/2/2006

 

TOP

 

 

? Thế Giới Hồi Giáo – Xuống Đường Biểu Tình Phản Đối Vẫn Tiếp Tục Diễn Tiến

 

Cho đến Thứ Sáu 10/2/2006, lại Thứ Sáu là ngày chính trong tuần của Hồi Giáo, sau nghi thức nguyện cầu chung trong đạo, cơn uất hận của thế giới Hồi Giáo vẫn tiếp tục tiếp diễn ở khắp các đường phố Á Châu, nhở như ở Phi Luật Tân và lớn như Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, A Phú Hãn, Jordan, Sri Lanka, Mã Lai và Bangladesh, đến nỗi, một vị lãnh đạo ở Mã Lai đã nói giữa Hồi Giáo và Tây Phương đã có một “rạn nứt khổng lồ”.

 

Những cuộc biểu tình thường diễn ra ngoài đền thờ Hồi Giáo và gần địa điểm của tòa lãnh sự Đan mạch, hô hoán những câu đả đảo Tây Phương và Hoa Kỳ, đốt cờ Đan Mạch, phản đối các báo chí Âu Châu và đòi Đan mạch phải xin lỗi v.v. như những ngày qua, tuy nhiên, không nổi loạn dữ dội như những ngày đầu hay tuần vừa rồi.

 

Cuộc biểu tình lớn nhất cho ngày này xẩy ra tại Mã Lai, với 3 ngàn người, gấp 10 lần Thứ Sáu tuần trước, khi họ diễn hành dưới cơn mưa kéo dài từ 1 đền thờ Hồi Giáo tới tòa lãnh sự Đan Mạch ở thủ đô Kuala Lumpur, và hô hoán những câu hoan hô đả đảo như: “Hồi Giáo muôn năm. Giết chết Đan mạch. Tiêu Diệt Do Thái. Tiêu Diệt Bush. Tiêu Diệt Hoa Kỳ”. Cảnh sát đã được huy động để bảo vệ an ninh, với trực thăng bay trên trời.

 

Trong khi đó, ở Hội Nghị Hồi Giáo 57 quốc gia do Mã lai đang giữ chức chủ tịch, vị Thủ Tướng của nước này là Abdullah Ahmad Badawi cũng là một học giả Hồi Giáo, đã nói đến “một cuộc nứt rạn khổng lồ xẩy ra giữa Tây Phương và Hồi Giáo” và cho rằng nhiều người Tây Phương coi người Hồi Giáo là “một tay khủng bố bẩm sinh”.

 

Ông nói rằng người Hồi Giáo đặc biệt lấy làm thất vọng trước các chính sách của Tây Phương đối với Iraq, A Phú Hãn và Palestine, nhưng không nhắc gì tới vụ bộ biếm họa tiên tri giáo tổ của mình. Theo ông thì nguyên do gây ra ấn tượng xấu về Hồi Giáo trong đầu óc của người Tây Phương là thế này:

 

“Họ nghĩ Osama bin Laden đã nói thay cho tôn giáo này cũng như cho tín đồ của tôn giáo đây. Không thể chối cãi được tình trạng bôi nhọ Hồi Giáo và phỉ báng tín đồ Hồi Giáo đang lan tràn trong lòng xã hội Tây Phương”.

 

Ông cũng kêu gọi người Hồi Giáo chống lại “việc lăng nhục đang lan tràn nơi người Kitô hữu, Do Thái và Tây Phương” cũng như chống lại vấn đề bạo động cùng khủng bố gây ra bởi những nhóm bên lề thế giới Hồi Giáo.

 

Thứ Năm tuần trước, bộ nội an Mã Lai đã ra thông báo cho biết những ai in ấn, tung ra, chấp nhận, truyền nhau hay sở hữu những tấm biếm họa ấy là phạm pháp. Bộ này đã ra lệnh chặn đứng việc tờ nhật báo Sarawak Tribune phổ biến những tấm biếm họa ấy sau khi tờ này đã tung ra một trong bộ biếm họa này tuần trước. Tờ báo này đã lên tiếng xin lỗi vì việc sơ ý của vấn đề chủ biên, thế nhưng bộ này cho biết tờ báo bì trừng phạt bởi hành động “vô trách nhiệm và thiếu tế nhị” với người Hồi Giáo.

 

Ngoài ra, ở Tân Đề Li Ấn Độ, cũng vào hôm Thứ Sáu, có 6 ngàn người xuống đường biểu tình phản đối các bức biếm họa, đốt cờ, dẫm lên và nhổ vào lá cờ Đan mạch, trong khi đó hô hoán “Thiên Chúa Cao cả”, “Đan Mạch Hèn Hạ”.

 

Ở Thủ Đô Pakistan là Islamabad cũng có 5 ngàn người ủng hộ các nhóm Hồi Giáo cực đoan xuống đường phản đối bộ biếm họa phạm giáo này. Đây là cuộc biểu tình đông nhất từ khi xẩy ra những cuộc xuống đường phản đối vụ này ở bản quốc ấy. Một vị lãnh đạo cao cấp của liên minh lục đảng Hồi Giáo là Mian Aslam đã nẩy lửa lên tiếng kêu gọi Pakistan hãy cắt đứt liên hệ với tất cả các quốc gia có đăng những tấm biếm họa ấy.

 

Trên 2 ngàn người xuống đường ở thủ đô Bangladesh biểu tình phản đối bộ biếm họa, đốt cờ Đan Mạch bên ngoài đền thờ chính ở Dhaka. Bà Thủ Tướng nước này là Khaleda Zia hôm Thứ Năm đã ban hành việc phổ biến bộ biếm họa này nhung cho biết chính quyền của bà không ủng hộ bất cứ một nỗ lực nào muốn làm hủy hoại tình trạng bình an nơi việc phản đối bộ biếm họa ấy.

 

Ở Phi Luật Tân, hằng trăm người Hồi Giáo cũng đốt một lá cờ bằng bìa cứng của Đan Mạch bên ngoài một đền thờ ở Manilla, và đòi thủ tướng Đan mạch phải xin lỗi, và Tổng Thống Phi Luật Tân là Gloria Macapagal Arroyo phải lên tiếng lên án bộ biếm họa này.

 

Tại Nam Dương có chừng 175 sinh viên tại một trường Hồi Giáo ở Surabaya, thuộc vùng East Java, đã ký giao ước hứa “sẵn sàng chết” cho Mohammed và đòi bất cứ một người Đan Mạch nào họ gặp phải lên tiếng xin lỗi. Đan Mạch đã khuyên dân chúng của mình hãy rời bỏ Nam Dương.

 

Ở Bangladesh, cảnh sát đã dẹp 10 ngàn người xuống đường diễn hành tới tòa lãnh sự Đan mạch ở thủ đô Dhaka.

 

Ở Kenya, cảnh sát đã phải bắn khói cay để ngăn cản hằng trăm người biểu tình quăng đá để họ khỏi tiến tới Tòa Lãnh Sự Đan Mạch ở thủ đô Nairobi, kết quả một người chết.

 

Ở Ai Cập cũng xẩy ra đụng độ giữa thành phần biểu tình sau buổi cầu nguyện hằng tuần và lực lượng cảnh sát, đến nỗi cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng phun nước và hơi cay để giữ an ninh.

 

Thứ Bảy 11/2/2005, chính phủ Đan Mạch đã tạm triệu hồi các vị lãnh sự khỏi các tòa đại sứ ở Iran, Syria và Nam Dương là những nơi nguy hiểm “cụ thể” nhất thế giới Hồi Giáo trong lúc này, cho tới khi tình hình lắng dịu. Vị bộ trưởng ngoại giao của Đan Mạch cho biết công việc lãnh sự ở ba quốc gia này được tạm định như sau: Ở Iran có Phần lan giúp, ở Syria có Đức giúp và ở Nam Dương có Hòa Lan giúp.

 

Trong khi đó mấy ngàn người xuống đường biểu tình ở Luân Đôn tiếp tục phản đối bộ biếm họa phạm giáo của Đan Mạch. Họ tập trung ở quảng trường Trafalgar với những tấm biểu ngữ như “Mohammed Đồng Nghĩa Với Tình Thương Yêu Nhân Loại” và “Liên Kết Chống Lại Cái Ám Ảnh Về Hồi Giáo”. Lần này cuộc biểu tình có vể ôn hòa hơn các lần trước ở đây, những lần có tính cách khát máu đòi hạ thủ và hành quyết thành phần có dính dáng tới việc in ấn bộ biếm họa.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNN ngày 10-11/2/2006

 

 

 TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ