GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 15/2/2006

Tuần VI Thường Niên

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức với Buổi Triều Kiến Chung hằng Tuần Thứ Tư 8/2/2006 về bài Thánh Vịnh 144 (145): 14-21 “Thiên Chúa Gần Gũi Tất Cả Những Ai Kêu Cầu Ngài”

?  Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc với Hội Nghị của Cơ Quan Lương Nông

?   Vấn Đề Tử Đạo Kitô Giáo với Chủ Nghĩa Bảo Thủ Hồi Giáo

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức với Buổi Triều Kiến Chung hằng Tuần Thứ Tư 8/2/2006 về bài Thánh Vịnh 144 (145): 14-21 “Thiên Chúa Gần Gũi Tất Cả Những Ai Kêu Cầu Ngài”

 

1.         Theo phụng vụ, bài Thánh Vịnh 144 (145) được chia làm hai phần, chúng ta lại suy niệm về bài thánh vịnh này, một bài thánh ca tuyệt vời để tôn vinh Chúa, một đức vua cảm thương chuyên tâm tới các tạo vật của mình. Giờ đây chúng ta muốn suy niệm phần thứ hai, từ câu 14 đến 21, tiếp tục lại đề tài chính yếu nơi phần đầu của bái thánh ca đây.

 

Phần thứ hai này tôn tụng tình thương thần linh, niềm êm ái, sự trung thành và đức thiện hảo là những gì bao trùm toàn thể nhân loại, bao gồm hết mọi tạo vật. Bấy giờ thánh vịnh gia chú trọng tới tình yêu Thiên Chúa giành riêng cho người nghèo và người yếu kém. Bởi vậy, tính cách vương giả thần linh không phải là những gì dửng dưng hay kiêu kỳ, như có những lúc xẩy ra nơi quyền lực con người. Thiên Chúa bày tỏ vai trò hoàng vương của mình ra bằng cách cúi mình xuống với những thụ tạo mỏng dòn nhất và bất lực nhất.

 

2.         Thật vậy, trước hết, ngài là một Người Cha “nâng dậy tất cả những ai sa ngã” và kiên cường những ai đã ngã xuống cát bụi đê hèn (câu 14). Bởi thế, những sinh vật là thành phần hướng về Chúa như là những kẻ ăn xin đói khát và, như một Người Cha quan tâm, ban cho họ lương thực họ cần sống (câu 15).

 

Vậy, từ môi miệng của thánh vịnh gia phát ra lời tuyên xưng niềm tin vào hai đệ nhất phẩm tính thần linh là công minh và thánh hảo. “Lạy Chúa, Chúa công minh trong mọi đường lối của Chúa, trung thành trong mọi công việc Chúa làm” (câu 17). Theo tiếng Do Thái, chúng ta thấy có hai tĩnh từ thông dụng để diễn tả Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, đó là “saddiq” và “hasid”. Chúng là những tĩnh từ diễn tả đức công minh, một đức công minh cứu khỏi sự dữ và giải thoát khỏi sự dữ, và lòng trung tín là dấu hiệu cho thấy tình yêu thương cao cả của Chúa.

 

3.         Thánh vịnh gia đặt mình về bên phía thành phần được hưởng phúc lợi mà ông diễn tả bằng những bày tỏ khác nhau; chúng là những từ ngữ, trên thực tế, được sử dụng để làm tiêu biểu cho thành phần tín hữu đích thực. Chữ thứ hai “kêu cầu” Chúa bằng việc tin tưởng nguyện cầu, tìm kiếm Ngài nơi sự sống “trong chân lý” (câu 18), kính sợ Thiên Chúa, tôn trọng ý muốn của Ngài và tuân giữ Lời của Ngài (câu 19), thế nhưng, trên hết là “mến yêu” Ngài, tin tưởng rằng họ sẽ được tiếp nhận dưới áo choàng bao che và thân tình của Ngài (câu 20).

 

Bởi thế mà lời cuối cùng của thánh vịnh gia cũng là lời ông mỏ đầu bài thánh vịnh này: Nó là lời mời gọi hãy ca ngợi và chúc tụng Chúa và danh thánh của Ngài, tức là ca ngợi và chúc tụng ngôi vị sống động và thánh hảo là ngôi vị hoạt động và cứu độ trên thế giới và trong lịch sử. Ngoài ra, nó còn là một lời kêu gọi tất cả mọi tạo vật, thành phần đã lãnh nhận tặng ân sự sống, hãy liên kết mình với lời nguyện cầu chúc tụng này: “Tất cả mọi xác phàm hãy chúc tụng danh Chúa đến muôn đời”. Nó là một loại thánh ca bất tử cần phải được từ đất dâng lên trời cao; nó là việc cùng ngợi khen tình yêu phổ cập của Thiên Chúa là nguồn mạch an bình, hoan hỉ và cứu độ.

 

4.         Để kết thúc bài suy niệm của chúng ta đây, chúng ta hãy suy niệm một lần nữa về câu thánh vịnh êm ái dịu dàng là: “Lạy Chúa, Chúa gần gũi với tất cả những ai kêu cầu Chúa, với tất cả những ai kêu cầu Chúa trong sự thật” (câu 18). Nó là một thành ngữ đặc biệt được yêu chuộng bởi Barsanufius ở Gaza, một vị khổ tu chết vào giữa thế kỷ thứ 6, vị được các đan sĩ, viên chức Giáo Hội và giáo dân tới tham vấn vì sự khôn ngoan sáng suốt của ngài.

 

Chẳng hạn, để trả lời cho một người môn đệ muốn khám phá ra “những nguyên nhân của các chước cám dỗ khác nhau đã tấn công mình”, vị khổ tu Barsanufius đáp rằng: “Gioan ơi, đừng sợ những chước cám dỗ nổi lên chống lại con để thử thách con, đừng nhất định cố gắng hiểu nó ra sao; trái lại, hãy kêu danh thánh Chúa Giêsu: ‘Ôi Giêsu, xin cứu giúp con’. Và Người sẽ nghe lời con, vì ‘Chúa gần gũi với tất cả những ai kêu cầu Người’. Đừng thất đảm, hãy hăng hái chạy và con sẽ đạt tới đích điểm của con trong Chúa Kitô là Đức Giêsu Chúa chúng ta” (Barsanufius and John of Gaza, "Epistolario," 39: "Collana di Testi Patristici," XCIII, Rome, 1991, p. 109).

 

Những lời lẽ ấy của Vị Tổ Phụ xưa cũng hợp với chúng ta nữa. Trong các sự khó khăn, các chước cám dỗ, chúng ta không được chỉ thực hiện việc suy niệm về lý thuyết mà thôi – là chỗ phải chăng phát xuất ra những suy niệm ấy? – thế nhưng cần phải phản ứng một cách tích cực, khi kêu cầu Chúa, bảo tồn việc giao tiếp sống động với Chúa. Ngoài ra, chúng ta cần phải kêu tên Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin cứu giúp con!”. Để rồi chúng ta tin tưởng rằng Người đang lắng nghe chúng ta, vì Người ở gần những ai tìm kiếm Người. Chúng ta đừng nản lòng; trái lại, chúng ta hãy hăng say chạy – như vị Giáo Phụ này nói – và chúng ta cũng sẽ đạt tới sự sống là Chúa Giêsu.

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Bài suy niệm hôm nay của chúng ta trở lại với Thánh Vịnh 144, một bài thánh ca tuyệt vời để tôn vinh Chúa, vị vua yêu thương, Đấng từ tâm, êm ái dịu dàng, trung thành và ôm ấp tất cả mọi tạo vật trong sự thiện hảo của Ngài. Thánh vịnh gia nhấn mạnh rằng tình yêu thương của Chúa không bao giờ rời xa và là những gì cao cả nhưng đặc biệt giành cho thành phần yếu kém và nghèo khổ. Thiên Chúa là một người Cha bày tỏ bản tính vương giả của mình ta bằng cách cúi mình xuống bảo vệ bao che những ai mỏng dòn và bất lực.

 

“Chúa công minh nơi tất cả mọi đường lối của Ngài và yêu thương nơi tất cả mọi việc làm của Ngài”. Người tín hữu đích thực là người kêu cầu Chúa bằng việc sốt sắng nguyện cầu, tìm kiếm Ngài bằng một tấm lòng chân thành, kính sợ Ngài, và nhất là kính mến Ngài.

 

Để kết luận, chúng ta hãy ngẫm nghĩ lời khuyên của vị khổ tu Barsanufius ở Gaza, người khuyến khích tất cả chúng ta hãy kêu cầu sự trợ giúp của Chúa Giêsu trong những lúc bị cám dỗ. Thật thế, “Chúa gần gũi với tất cả những ai kêu cầu Ngài, những người kêu cầu Ngài bằng tấm lòng của họ”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/2/2006

 

 

TOP

 

 

?  Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc với Hội Nghị của Cơ Quan Lương Nông

 

Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của Đức Ông Renato Volante, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc, ngỏ cùng cơ quan Lương Nông của Liên Hiệp Quốc ngày 31/1/2006, tại cuộc họp theo miền cho Phi Châu, được tổ chức tại Mali trong thời khoảng 30/1-3/2/2006.

 

Thưa Ông Chủ Tọa,

Thưa Ông Tổng Giám Đốc, Quí Bà và Quí Ông,

 

1.         Ngỏ lời cùng hội nghị theo miền của cơ quan Lương Nông LHQ lần thứ 24 này, trước hết tôi muốn bày tỏ cùng Ông Bộ Trưởng Canh Nông của cộng hòa Mali những lời chúc mừng từ phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh nhân dịp ông được chọn đóng vai trò chủ tọa, kèm theo lời cám tạ về việc tiếp đón tử tế được chính phủ của ông bày tỏ với cuộc hội nghị này.

 

Bản thân tôi cũng lợi dụng dịp này để lập lại cùng vị tổng giám đốc là Ông Jacques Diouf việc chúng tôi trân trọng và thành thật ủng hộ trách vụ của ông. Qua việc bày tỏ này tôi muốn khẳng định việc Tòa Thánh chú trọng tới các nỗ lực của ông nhắm vào vấn đề hiệu năng hơn nữa cho các hoạt động của cơ quan Lương Nông, cũng như tới việc ông chú trọng đặc biệt đến tình hình Phi Châu, cách riêng đến các quốc gia kém phát triển Phi Châu.

 

Việc tôi có mặt trong cuộc họp cao cấp này là những gì cho thấy việc Tòa Thánh chú tâm tới tất cả mọi hoạt động của cơ quan Lương Nông, bao gồm cả các hoạt động ở cấp miền. Thật vậy, việc tham dự này khiến Tòa Thánh chẳng những trực tiếp biết được những vấn đề canh nông khác nhau cũng như đến đời sống của các cộng đồng thôn quê, mà còn phấn khích các quốc gia phần tử trong miền và nhân viên cơ quan Lương Nông trong việc hoàn trọn các trách nhiệm nhắm tới việc bảo toàn nền an ninh thích hợp về thực phẩm. Điều này thực sự là quan trọng đối với các mục tiêu nồng cốt trong việc giải phóng cá nhân cũng như cộng đồng khỏi cảnh đói khổ và tình trạng thiếu dinh dưỡng.

 

2.         Phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh, đối với các khoản chính yếu của chương trình nghị sự, muốn được góp ý của mình.

 

Với sự có mặt của mình về phương diện quốc tế, Tòa Thánh hoàn toàn được thôi thúc mong muốn cống hiến cho toàn thể gia đình nhân loại việc phục vụ của mình. Bởi thế, Giáo Hội muốn khẳng định mối quan tâm xây dựng cho con người, việc Giáo Hội chú trọng tới các nhu cầu của con người, bắt đầu với quyền lợi căn bản là được dinh dưỡng, một quyền lợi là yếu tố thiết yếu của quyền sống.

 

Việc bảo vệ sự sống trong tất cả mọi trường hợp là những gì phản ảnh mục đích bảo vệ thành phần bất lực nhất, cũng như những ai không thể bảo vệ lấy mình. Về vấn đề này, Tòa Thánh khuyến khích tất cả mọi hành động – ở cấp nội bộ hay quốc tế – hướng tới việc bảo toàn sự sống bằng luật lệ và các chương trình. Giáo Hội đồng thời cũng khuyến dụ tất cả mọi người nam nữ hãy trung thành chấp nhận khía cạnh tích cực đối với sự sống, như là một thứ thừa nhận chính về trật tự tự nhiên là thứ trật tự làm cho mọi người hoàn toàn nhận thấy được phẩm vị nồng cốt của mình theo quan điểm thiêng liêng lẫn vật chất”.

 

Tầm vóc rất quan trọng của chiều kích toàn diện về sự sống con người, cả cho đến ngày nay nữa, được căn cứ vào những thứ giá trị và các nền văn hóa đặc biệt của Phi Châu. Bởi thế cần phải thực hiện việc hợp tác liên chính quyền, bao gồm cả việc hợp tác được áp dụng khắp lục địa Phi Châu, trong việc công nhận gia sản truyền thống, và không áp dụng, qua các luật lệ hay dự án, tỏ tường chủ trương và thực hành chống lại sự sống.

 

3.         Đường lối bao hàm việc hợp tác quốc tế là những gì cần thiết cho việc phát triển và tăng trưởng của các dân tộc và các xứ sở. Theo quan điểm này thì nhu cầu dường như xuất phát từ chương trình nghị sự của hội nghị này đó là nhu cầu cống hiến cho các hoạt động của cơ quan Lương Nông ở Phi Châu một động lực liên tục hơn nữa, một tác lực không dừng lại ở các dữ kiện về kỹ thuật mà còn có thể làm cơ quan này vững chắc với một quan điểm đạo lý. Các xứ sở Phi Châu, bằng việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan Lương Nông này, đều được kêu gọi để phác họa những sách lược nào có thể thiết dựng được một cách khả thủ cuộc sống, môi sinh, gia tăng lợi tức, an toàn về lương thực và việc sản xuất nông nghiệp, nhưng trước hết nó phản ảnh về cách thức làm thế nào dân chúng có thể thoát khỏi và ở bên ngoài tình trạng kém phát triển.

 

Về vấn đề này, chúng ta thấy có liên hệ chặt chẽ với việc chiếm đạt Các Mục Đích Phát Triển Ngàn Năm ở miền đất này để nhổ tận gốc rễ tình trạng nghèo khổ và thiếu dinh dưỡng, một mục tiêu dường như cho thấy nhu cầu thiết yếu cần phải củng cố hết mọi hoạt động nơi lãnh vực lương nông, nhất là cần phải tái xét theo chiều hướng thực sự bất cân bằng được tỏ hiện nơi tình trạng này. Điều này được thành đạt khi quan tâm tới những kinh nghiệm khác nhau và những thể lệ hay thực hành khác nhau xuất phát từ những giá trị Phi Châu đích thực.

 

4.         Cơ quan Lương Nông đặc biệt mời gọi chúng ta hãy chú ý tới tầm quan trọng của những hạt giống ở Phi Châu đối với việc gia tăng việc sản xuất nông nghiệp và những chương trình dinh dưỡng ở miền đất này. Cần phải thực hiện điều này trong khi vẫn lưu ý tới những thách đố được tiêu biểu nơi những ngành kỹ nghệ về hạt giống bị việc bảo vệ về pháp lý và kỹ thuật của những ngành kỹ nghệ này, việc bảo vệ giới hạn vấn đề có được kho dự trữ đa sinh chất. Nhiều loại thu hoạch lương thực thường có tính cách rất quan trọng ở các truyền thống về thực phẩm cũng như ở những tiến trình về kinh tế, như được thấy nơi thể chế nông nghiệp, nơi các phương pháp trồng tỉa, nơi việc sản xuất, nơi việc buôn bán và nơi việc tiêu thụ. Ngoài ra, ngày nay chúng ta có thể nhận thấy vai trò của phương pháp bảo trì và quản thủ hạt giống một cách khôn ngoan được cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc phác họa, qua cơ quan Quan Sát Phi Châu và Chương Trình Kỹ Thuật Sinh Học đặc biệt, tham gia vào hoạt động chung để giảm bới tình trạng nghèo khổ và thiếu dinh dưỡng.

 

Thật vậy, đối với chúng ta dường như tình trạng bấp bênh về lương thực này đã trở thành trầm trọng hơn. Đó là vì việc phát triển của các hệ thống sản xuất càng ngày càng liên quan tới việc chiếm giữ và chính sách về đất đai, tới những phương pháp có tầm cỡ lớn, cũng như đến tình trạng suy giảm về môi trường, một tình trạng, đối với canh nông, liên quan tới, “inter alia”, tới việc suy giảm về đất đai cùng việc khan hiếm nước nôi. Theo chiều hướng của những thứ thách đố này, bao giờ cũng cần phát triển hơn nữa hoạt động qui tụ, qua Chương Trình Hành Sự của Hội Nghị Quốc Tế tới đây về Vấn Đề Canh Tân Nông Nghiệp Và Việc Phát Triển Nông Thôn, cũng như bằng những phương pháp được phác họa bởi tổ chức Tân Hợp Tác Cho Việc Phát Triển Phi Châu (NEPAD: New Partnership for Africa's Development), trong việc cống hiến vấn đề trợ giúp khả năng xây dựng về kỹ thuật để cổ võ việc phát triển các cộng đồng nông gia.

 

Thưa Ông Chụ Tọa,

 

5.         Khi nhìn nhận nỗ lực đặc biệt này, tôi xin khẳng định tính cách sẵn sàng của Giáo Hội Công Giáo, nơi các lãnh vực và cơ cấu khác nhau của mình, trong việc cộng tác vào các hoạt động nhân bản hóa ở những thực tại đói khổ, kém phát triển và nghèo khổ. Đến đây xin cho tôi được nhắc lại công việc được cảm mến rất nhiều của thành phần nam nữ, tu trì và giáo dân, thành phần hiến đời mình chẳng những loan truyền tín lý của chúng tôi, mà còn cho công việc nhẫn nại cùng kiên trì để trợ giúp về xã hội và giáo dục nữa – một việc ủng hộ nâng đỡ được coi chẳng những như là việc cung cấp mà còn như là một nguồn hứng khởi lý tưởng và thực tế.

 

Thật vậy, trong việc bảo đảm cho mọi người khả năng có được một tiêu chuẩn thích đáng và tốt đẹp đối với vấn đề an toàn về lương thực, mỗi người chúng ta trở thành một tham dự viên trong đại dự án của Việc Tạo Dựng, và có cơ hội để gieo trồng các thứ giá trị trước những lợi lộc, theo các nguyên tắc sâu xa về nhân loại và về công lý.

 

Xin cám ơn ông.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 13/2/2006

 

TOP

 

 

? Vấn Đề Tử Đạo Kitô Giáo với Chủ Nghĩa Bảo Thủ Hồi Giáo

 

Tờ nhật báo Ý Avvenire đã phỏng vấn tác giả Robert Royal, người viết cuốn “Những Vị Tử Đạo Công Giáo Thế Kỷ 20” xuất bản năm 2002, cũng là vị đương kim chủ tịch của Học Viện Đức Tin và Lý Trí có trụ sở đặt ở Washington DC.

 

Theo vị này thì thủ phạm chính yếu ở đằng sau những cuộc tử đạo Kitô Giáo này như đang được chuyển từ các ý hệ của những năm đã qua sang chủ nghĩa bảo thủ Hồi Giáo ngày nay. Điển hình nhất là vụ một thanh thiếu niên Hồi Giáo đã bắn chết vị linh mục thừa sai người Ý hôm Chúa Nhật 5/2/2005, và thú nhận rằng em làm như thế là bởi vì bộ biếm họa Tây Phương đã phỉ báng giáo tổ Hồi Giáo.

 

Vấn:     Tác động nào đã khiến ông nói tới “các vị tử đạo” cho công chúng đương thời?  

 

Đáp:    Đây là một quan niệm khó hiểu, ngay cả đối với người Công Giáo. Nó được cho là những gì chỉ có thể xẩy ra vào những thời buổi của thành phần Kitô hữu tiên khởi, ở Pháp Trường, và là những gì không còn xẩy ra nữa. Thế nhưng, về số lượng thì việc tử đạo chưa bao giờ lại trở nên thịnh hành như thế.

 

Vấn:     Điều gì khiến nó lại có thể xẩy ra ngày hôm nay đây?

 

Đáp:    Trong tác phẩm của mình, tôi đã cho thấy bản chất ý hệ của thế kỷ vừa qua. Thế nhưng, mới đây tôi nhận thấy một khuynh hướng đáng lo ngại có lẽ trong vòng một năm thôi sẽ sáng tỏ tất cả tính cách trầm trọng của nó.

 

Đó là nỗi bất mãn oán hận của nhiều thành phần bảo thủ Hồi Giáo đối với những người Tây Phương,  cùng với việc nhiều nhà lãnh đạo và chế độ cực đoan thả lỏng cho nỗi uất hận này bừng lên.


Vấn:     Ông có thể nêu lên một thí dụ được chăng?

 

Đáp:    Hãy nhìn vào chính Thổ Nhĩ Kỳ. Nó luôn là một địa điểm nguy hiểm cho các vị linh mục Công Giáo. Mặc dù nước này cho rằng mình là một chế độ trần thế nhưng thực ra họ đã tỏ ra rất kém trong việc chấp nhận thành phần Kitô Hữu.

 

Bởi thế tôi không lạ gì Thổ Nhĩ Kỳ đã là hiện trường của cuộc ám sát Cha Santoro. Thế nhưng, vụ này cho thấy một loại thoái hóa đối với những gì chúng ta sẽ thấy tiếp tục xẩy ra trong những ngày tới đây, vì tình trạng căng thẳng giữa Đông và Tây.

 

Nó cho thấy rằng có nhiều tay cuồng tín, ở trường hợp này là những người Hồi Giáo, sẵn sàng sử dụng bạo lực khi xẩy ra chút xíu va chạm.


Vấn:     Mối căng thẳng này được bắt đầu mãi từ hồi nào? Phải chăng trước ngày 11/9/2001 và cuộc xâm chiếm Iraq?

 

Đáp:    Theo tôi nghĩ thì đúng là thế. Một thí dụ điển hình đó là cuộc sát hại vị giám mục giáo phận Faisalabad ở Pakistan là John Joseph, vị đã chết trong một hoàn cảnh bí mật vào tháng 5/1998, một án mạng cho thấy cái nhãn quan bảo thủ thường xuyên hơn bao giờ hết của người Hồi Giáo đối với thành phần Tây Phương, làm cho những người Hồi Giáo hầu như không thể nào tìm được việc làm hay tham gia vào cuộc sống quần chúng, do đó đã tạo nên một bầu khí hợp lệ cho vấn đề bách hại của họ.

 

Nó là một hình thức cưỡng buộc Hồi Giáo hóa, một hình thức của chiến dịch “thanh tẩy tôn giáo” giờ đây trở thành thông dụng ở nhiều quốc gia Hồi Giáo.

 

Không phải là tất cả mọi học giả thông thạo Sách Kinh Koran và đạo Hồi Giáo đều biện minh cho nó, thế nhưng áp lực của thành phần bảo thủ trở thành mãnh liệt hơn bao giờ hết.

 

Chỉ cần nghĩ rằng có một số quốc gia Hồi Giáo đã chính thức yêu cầu Liên Hiệp Quốc cấm các nhóm bênh vực nhân quyền sử dụng chữ “Hồi Giáo hóa”.


Vấn:     Những xứ sở nào Kitô hữu bị nguy hiểm nhất?

 

Đáp:    Chắc chắn là Saudi Arabia, một nước thậm chí còn khắt khe hơn cả Pakistan. Tất cả mọi bày tỏ công khai về niệm tin Kitô Giáo đều bị cấm chỉ, và theo lý thuyết thì người ta có thể bị bắt nhốt khi cầu nguyện tại gia của họ.

 

Chẳng hạn vào lúc những người Hoa Kỳ ở Saudi Arabia trong Trận Chiến Vùng Vịnh đầu tiên, họ được lệnh không cầu nguyện trước khi xuất trận. Ở đó, cũng như ở bất cứ nơi nào trên thế giới Hồi Giáo, một người Hồi Giáo nào mà trở lại với Kitô Giáo thì có thể bị trừng phạt bỏ mạng.

 

Thế nhưng, các quyền lợi của người Kitô hữu lại thường bị vi phạm, bởi luật pháp, như ở Kuwait, Qatar, Oman, Tiểu Vương Quốc Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ. Và những sự việc đã trở thành tệ hại hơn nữa. Chẳng hạn như tôi thấy xẩy ra những cuộc bùng nổ bạo động chống Kitô hữu ở Ai Cập, dĩ nhiên, chưa kể tới Iraq.


Vấn:     Vậy ông có nghĩ là trong những năm tháng tới đây việc tử đạo của Kitô hữu sẽ xẩy ra thường xuyên hơn ở thế giới Ả Rập Hồi Giáo hay chăng?

 

Đáp:    Cũng xẩy ra cả ở Trung Quốc và Bắc Hàn nữa, và những cuộc đe dọa xẩy ra cả ở chính các quốc gia Tây Phương. Ở nhiều các quốc gia Âu Châu, chúng ta đang chứng kiến thấy thực sự xuất phát những phong trào chống Kitô Giáo và chống tôn giáo có thể là rất dữ dội.

 

Cũng không được quên rằng ở thế giới Hồi Giáo cũng gia tăng các cơ hội đối thoại nữa. Thế nhưng, vấn đề ở đây là rất khó đối thoại, cuộc đối thoại liên lỉ đụng độ với quyết tâm của các chế độ muốn khai thác bất cứ cơ hội nào để thúc đẩy quần chúng vào cuộc bạo động chống Tây Phương.


Vấn:     Theo ông thì cái hận thù nơi các xứ sở ấy nhắm vào thành phần Kitô hữu như vậy hay vào người Tây Phương?

 

Đáp:    Ở nhiều quốc gia thuộc thế giới Hồi Giáo thì không có vấn đề phân biệt như vậy. Cảm giác chống Tây Phương bao gồm những người Hoa Kỳ và Âu Châu, Do Thái và Kitô Hữu.

 

Vị tu sĩ như Cha Santoro được coi như đại diện cho các chính phủ Tây Phương, cũng giống như ở thế giới Hồi Giáo thì tôn giáo và chính trị chỉ là một.

Nó là một thứ hận thù xuất phát từ một thứ cảm giác hết sức nhục nhã bắt nguồn ở lịch sử của thế kỷ vừa qua liên quan tới Thế Chiến Thứ Nhất.

 

Thế nhưng, giờ đây mối uất hận này trở nên dữ dội. Dĩ nhiên là có nhiều lý do cho thấy tư cách của Tây Phương liên quan tới Trung Đông. Thế nhưng, vấn đề khác nhau là ở chỗ trong khi Kitô hữu sẵn sàng đối thoại thì ở nhiều quốc gia Hồi Giáo bầu khí lại hết sức bị đầu độc không thể thực hiện một cuộc chân tình đối chất về bình đẳng.

 

Chỉ cần nói rằng, mặc dù những tấm biếm họa về Mohammed thật sự là những gì lộng ngôn phạm thượng đối với một người Hồi Giáo, những tấm hí họa cùng với những bài viết chống Kitô Giáo và Do Thái đang là những gì thường tình xẩy ra ngày nay nơi các tờ nhật báo Ả Rập. Thế nhưng lại rất ít người tỏ ra sẵn sàng nhìn nhận điều ấy.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 13/2/2006

                                                

 

 

 TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ