GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 18/2/2006

Tuần VI Thường Niên

 

?   Về Bản Tuyên Ngôn Chung Liên Quan Tới Khoa Đạo Lý Sinh Học và Nhân Quyền (tiếp)

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Buổi Triều Kiến Chung hằng Tuần Thứ Tư 15/2/2006 về bài Ca Vịnh Ngợi Khen (Lk 1:46-55) của Mẹ Maria kết thúc Phụng Vụ Giờ Kinh Tối Thứ 6 Tuần IV

?   Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới - Một Vị Thế Mới

 

 

?  Về Bản Tuyên Ngôn Chung Liên Quan Tới Khoa Đạo Lý Sinh Học và Nhân Quyền

 

Vào mùa thu năm ngoái, Tổng Nghị UNESCO đã phê chuẩn “Bản Tuyên Ngôn Chung Về Khoa Đạo Lý Sinh Học Và Nhân Quyền”, một văn kiện đã được soạn thảo 2 năm trời mới xong, bởi Tiểu Ban Khoa Đạo Lý Sinh Học Quốc Tế và Tiểu Ban Khoa Đạo Lý Sinh Học Liên Chính Quyền.

 

Vị đại biểu của Tòa Thánh tham dự hội nghị này là Cha Dòng Đạo Binh Chúa Kitô Gonzalo Miranda, khoa trưởng Phân Khoa Đạo Lý Sinh Học thuộc đại học đường Regina Apostolorum ở Rôma, đã dự phần vào một số giai đoạn của việc khai triển bản tuyên ngôn này. Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, vị linh mục này phân tách một số khía cạnh quan trọng của bản tuyên ngôn ấy như sau.

 

(tiếp)

 

Vấn:     Những điểm sôi nổi nhất trong việc soạn thảo văn kiện này là gì?

 

Đáp:    Có một vài điểm, những điểm rất hay. Vào cuộc họp tháng 6 là cuộc họp để các chuyên gia đại diện cho các chính phủ duyệt xét bản văn được các tiểu ban về khoa đạo lý sinh học của cơ quan UNESCO biên soạn, họ có thể phát biểu hay nhường nhận vì vấn đề đồng thuận về một số điểm tương khắc nhất, hoàn toàn để hoàn chỉnh bản văn.

 

Chẳng hạn, có một số quốc gia yêu cầu là cần phải đưa vào bản văn nguyên tắc về nhân quyền của sự sống con người. Người khác nói rằng chính phủ của họ không thể nào chấp nhận điều ấy – một vị đại biểu đã nói với tôi rằng điều này không thể nào xẩy ra được vì xứ sở của ông đã hợp pháp hóa vấn đề “tạo sinh sao bản trị liệu” rồi.

 

Sau nhiều cố gắng và sau khi một số vị đại biểu tham vấn với chính phủ của mình, người ta đi đến chỗ đồng ý phần về mục tiêu của bản tuyên ngôn liên quan tới nhân quyền viết là: “bảo đảm việc tôn trọng sự sống con người”.

 

Như tôi đã nói trong cuộc họp này, đó là một cái gì đó thật là buồn cười khi mà một bản tuyên ngôn về khoa đạo lý sinh học, được con người soạn thảo, lại không nêu lên nguyên tắc về quyền sống. Thế nhưng, ít là nó vẫn được gắn bó với các mục tiêu của bản tuyên ngôn này. 

 

Ngoài ra, nói tới vấn đề phân phối các lợi ích của thuốc men, bản nháp đã đưa ra vấn đề “sức khỏe sản sinh”, một vấn đề, như vốn quen biết, liên quan tới việc thực hành rắc rối theo quan điểm đạo đức, chẳng hạn như việc ngừa thai, triệt sản và thậm chí phá thai.

 

Một ít người đề nghị là vấn đề “sức khỏe của nữ giới và trẻ em” nên nói tổng quát. Sự thật đó là, như tôi đã nói với quí vị đại biểu – và rất ít người đồng ý – nó là vấn đề gây ra một thứ rắc rối rất cụ thể và đặc biệt, sau khi đồng ý là bản tuyên ngôn này cần phải đứng ở tầm mức các nguyên tắc chung thôi.

 

Ngoài ra, ở rất ít xứ sở, một số việc thực hành này là điều không hợp pháp, những thực hành được bàn tới nơi vấn đề diễn đạt ấy.

 

Phần đúc kết là việc chấp thuận những công thức tổng quát nhất, cho dù một số vị đại biểu yêu cầu là họ muốn bao gồm vấn đề “sức khỏe sản sinh” được nói tới trong biên bản của cuộc họp đó,


Vấn:     Nếu chúng ta nhìn về phía trước mặt….

 

Đáp:    Nếu chúng ta nhìn về tương lai, tôi nghĩ rằng bản tuyên ngôn này sẽ có một tầm ảnh hưởng trên thế giới, có lẽ mạnh mẽ hơn ở những miền mà khoa đạo lý sinh học chưa đâm rễ sâu.

 

Trước hết là vì thành phần đại diện của các quốc gia đó đã suy nghĩ đến tầm quan trọng của cơ quan UNESCO nơi lãnh vực này.

 

Trái lại, một số vị đại biểu thuộc các quốc gia tân tiến cho thấy rằng bản tuyên ngôn này sẽ được áp dụng ơ xứ sở của họ theo luật pháp của quốc gia họ. Một nhận định quan trọng, nếu người ta quan tâm tới, như tôi đã nói đến trên đây, thì bản tuyên ngôn này, như quá rõ, tự bản chất của nó, không có hiệu lực gì về pháp lý hết.

 

Ngoài ra, một số người bày tỏ ước muốn là cơ quan UNESCO giải quyết một số vấn đề không được bao gồm trong bản tuyên ngôn này. Trong những năm tháng tới đây, chúng ta có thể thấy việc phổ biến các văn kiện của cơ quan UNESCO về các đề tài rất phức tạp, tế nhị và sôi nổi liên quan tới khoa đạo lý sinh học.

 

Chưa hết, có tiếng đồn là bắt đầu việc có thể soạn thảo về một Bản Công Ước Khoa Đạo Lý Sinh Học INESCO. Bản Công Ước Văn Hóa Đa Dạng đã được chuẩn nhận, khi kết thúc Tổng Nghị mới đây, được căn cứ vào một bản tuyên ngôn trước đó. Những bản Công Ước là những gì bó buộc phải theo về pháp lý.

 

Tất cả tiến trình của vấn đề này cần phải được thi hành một cách thận trọng và sẽ có việc hợp tác cũng như những nghiên cứu sâu xa và phổ biến hơn về các đề tài liên quan tới khoa đạo lý sinh học toàn cầu. Giáo Hội Công Giáo có nhiều điều phải nói và đang nói nhiều về lãnh vực này.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/2/2006

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức với Buổi Triều Kiến Chung hằng Tuần Thứ Tư 15/2/2006 về bài Ca Vịnh Ngợi Khen (Lk 1:46-55) của Mẹ Maria kết thúc Phụng Vụ Giờ Kinh Tối Thứ 6 Tuần IV

 

 

Anh Chị Em thân mến:

 

1.         Chúng ta đã tiến đến tận điệm của cuộc hành trình dài được bắt đầu đúng 5 năm trước đây bởi vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Đức Giáo Hoàng đáng nhớ Gioan Phaolô II. Trong các buổi giáo lý này, vị Đại Giáo Hoàng này muốn duyệt qua toàn bộ Thánh Vịnh và ca vịnh làm nên cấu trúc cho việc cầu nguyện chính yếu của Phụng Vụ Giờ Kinh Tối. Khi tiến tới chỗ kết thúc cuộc hành trình rảo qua các bài Thánh Kinh ấy, như một cuộc hành trình băng qua một ngôi vườn đầy những cánh hoa chú ctụng, kêu van, nguyện cầu và chiêm niệm, giờ đây chúng ta hãy giành chỗ cho bài ca vịnh niêm ấn tất cả việc cử hành Giờ Kinh Tối, đó là bài ca vịnh Ngợi Khen – Magnificat (Lk 1:46-55).

 

Đây là một bài ca vịnh cho thấy linh đạo “anawim” của Thánh Kinh, tức là linh đạo của những tín hữu nhìn nhận mình là “nghèo hèn”, chẳng những vì họ không dính dáng với tất cả những thứ ngẫu tượng giầu sang và quyền lực, mà còn vì họ hết sức khiêm hạ trong lòng nữa, không chiều theo xu hướng kiêu kỳ, mở lòng mình ra có ơn cứu độ thần linh. Toàn thể bài ca vịnh Ngợi Khen, chúng ta vừa nghe Ca Đoàn của Nguyện Đường Sistine trình bày, có đặc điểm ở “lòng khiêm hạ” này, theo tiếng Hy Lạp là “tapeinosis”, một từ ngữ ám chỉ một tình trạng khiêm hạ và nghèo hèn cụ thể.

 

2.         Tác động thứ nhất của bài ca vịnh Thánh Mẫu này diễn ra như thể một đơn ca viên độc xướng cất tiếng lên Chúa trên trời cao. Thật vậy, d8iều này được sáng tỏ ở việc liên tục sử dụng ngôi thứ nhất: “Linh hồn tôi…, thấn trí tôi…, Đấng Cứu Độ tôi…, sẽ chúc tụng tôi diễm phúc…, đã làm cho tôi những điều cao cả…”. Bởi thế, linh hồn của lời nguyện cầu này là việc cử hành ân sủng thần linh được ban cho tâm can và cuộc đời của Mẹ Maria, biến Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Kitô. Chúng ta thực sự nghe thấy tiếng của Vị Trinh Nữ này nói về Đấng Cứu Độ Mẹ như thế, Đấng đã làm nơi hồn xác Mẹ những điều cao trọng.

 

Cấu trúc sâu xa nơi bài ca vịnh nguyện cầu này của Mẹ đó là lời ngợi khen chúc tụng, tri ân cảm tạ, hân hoan biết ơn. Thế nhưng, việc chứng từ cá nhân này không phải là những gì lẻ loi và tư riêng, hoàn toàn cá nhân, vì Trinh Nữ Maria ý thức rằng Mẹ có một sứ vụ cần phải thực hiện cho nhân loại, và cuộc sống của Mẹ được gắn liền với lịch sử cứu độ. Bởi thế Mẹ mới nói: “Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia đối với những ai kính sợ Ngài” (câu 50). Bằng lời ca ngợi Chúa này, Vị Trinh Nữ lên tiếng thay cho tất cả mọi tạo vật được cứu chuộc sau tiếng “Xin Vâng” của Mẹ, thành phần được Thiên Chúa xót thương qua hình ảnh của Chúa Giêsu do Vị Trinh Nữ này hạ sinh.

 

3.         Tới đây là phần diễn tiến thứ hai về thi ca và linh thiêng của bài Magnificat (câu 51-55). Phần này có giọng điệu của một ca đoàn, như thể tiếng của Mẹ Maria hợp với tiếng của cộng đồng tín hữu ca ngợi những quyết định lạ lùng của Thiên Chúa. Theo nguyên ngữ Hy Lạp của Phúc Âm Thánh Luca, chúng ta thấy 7 động từ ở thể bất định, nói lên nhiều tác động khác nhau được Chúa thực hiện thường xuyên trong lịch sử, đó là “Ngài đã ra tay uy quyền…, Ngài đã đánh tan kẻ kiêu ngạo…, Ngài đã hạ bệ những kẻ quyền uy thế lực…., nâng lên những kẻ hèn kém…., Ngài đã cho người đói khổ no đầy những điều tốt đẹp…, còn kẻ giầu sang Ngài để về không…., Ngài đã trợ giúp Yến Duyên là tôi tớ của Ngài”.

 

Rõ ràng là nơi bảy việc làm của Thiên Chúa đây là “kiểu cách” được vị Chủ Tể lịch sử tỏ ra qua tác hành của Ngài, ở chỗ, Ngài đặt mình về phía kẻ thấp hèn nhất, dự án của Ngài được dấu ẩn dưới những gì mờ tối nơi những cuộc thăng trầm của con người, những cuộc thăng trầm cho thấy thành phần “kiêu hãnh”, “quyền lực” và “giầu sang” là những kẻ thắng thế. Tuy nhiên, cuối cùng, sức mạnh âm thầm của Ngài sẽ đi tới chỗ tỏ ra cho thấy ai là những người được Thiên Chúa ưu chuộng, đó là thành phần “trung tín” với Lời của Ngài, “thành phần khiêm hạ”, thành phần đói khát”, “thành phần Yến Duyên tôi tớ của Ngài”, tức là cộng đồng Dân Chúa được cấu tạo bởi những, ai như Mẹ Maria, ‘nghèo khó”, tinh tuyền và có tâm hồn đơn sơ chân thành. Cộng đồng này là “đàn nhỏ” được Chúa Giêsu kêu gọi đừng sợ, vì Chúa Cha đã muốn ban cho nó vương quốc của Ngài (x Lk 12:32). Như thế, bài ca vịnh đây mời gọi chúng ta hãy liên kết mình với đàn nhỏ này, thực sự trở thành những phần tử của Dân Chúa trong tinh tuyền và có một tâm can đơn thành, trong tình yêu Thiên Chúa.

 

4.         Vậy chúng ta hãy chấp nhận lời mời gọi Thánh Ambrôsiô ngỏ cùng chúng ta trong bài dẫn giải về ca vịnh Magnificat này. Vị đại tiến sĩ này của Giáo Hội khuyên dụ rằng: “Chớ gì Mẹ Maria chúc tụng Chúa nơi tâm hồn của mỗi người, chớ gì tâm thần của Mẹ hân hoan trong Chúa nơi mỗi người; nếu, theo xác thịt, Chúa Kitô chỉ có một người mẹ duy nhất, thì theo đức tin tất cả mọi linh hồn đều hạ sinh Chúa Kitô; thật vậy, mỗi người nhận lãnh nơi chính bản thân mình Lời Chúa… Linh hồn của Mẹ Maria chúc tụng Chúa và thần trí của Mẹ hân hoan trong Thiên Chúa, vì tận hiến với cả linh hồn và tâm thần của mình cho Chúa Cha và Chúa Con, Mẹ thiết tha tôn thờ Thiên Chúa duy nhất là Đấng mọi sự được xuất phát, cũng như tôn thờ một Chúa duy nhất là Đấng nhờ Người mà mọi sự được hiện hữu” ("Esposizione del Vangelo Secondo Luca," 2,26-27: Saemo, XI, Milan-Rome, 1978, p. 169).

 

Trong lời dẫn giải tuyệt vời này của Thánh Amrôsiô về bài ca vịnh Magnificat, tôi luôn cảm kích trước lời lạ lùng này: “Nếu, theo xác thịt, Chúa Kitô chỉ có một người mẹ duy nhất, thì theo đức tin tất cả mọi linh hồn đều hạ sinh Chúa Kitô; thật vậy, mỗi người nhận lãnh nơi chính bản thân mình Lời Chúa”. Như thế, vị tiến sĩ thánh thiện này, khi giải thích những lời lẻ của chính Mẹ Maria, kêu gọi chúng ta hãy cống hiến cho Chúa một chỗ cư ngụ trong linh hồn của chúng ta cũng như trong đời sống của chúng ta. Chúng ta chẳng những phải cưu mang Người trong lòng của mình, mà còn phải mang Người vào thế giới nữa, nhờ đó cả chúng ta nữa cũng sinh ra Chúa Kitô cho thời đại của chúng ta đây. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta biết chúc tụng Người bằng tâm thần và linh hồn của Mẹ Maria, và biết mang Chúa Kitô đến cho thế giới một lần nữa.

 

(Bao giờ cuối cùng Đức Thánh Cha cũng tóm gọn bài giáo lý bằng tiếng Ý bằng tiếng Anh như sau:)

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay chúng ta kết thúc loạt bài suy niệm được bắt đầu bởi vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về các bài Thánh Vịnh và ca vịnh của Phụng Vụ Giờ Kinh.

 

Chúng ta làm điều này bằng việc suy niệm bài Magnificat là bài tôn vinh thành phần nghèo khó trong theo Thánh Kinh, đó là thành phần “anawim”, những người sống hết sức khiêm nhượng trong lòng và mở lòng mình ra trước ơn cứu độ của Thiên Chúa. Họ là thành phần không kiêu hãnh và không tham muốn những gì là cao cả của con người.

 

Phần thứ nhất của bài ca vịnh này cho thấy Mẹ Maria hân hoan trong ân sủng đã được ban cho tâm hồn và đời sống của Mẹ. Mẹ làm điều này một cách riêng tư, song cũng ý thức được sứ vụ của Mẹ đối với toàn thể nhân loại.

 

Phần thứ hai hòa hợp những lời lẽ của Mẹ với toàn thể lịch sử của tín hữu. Họ ca ngợi những quyết định lạ lùng của Thiên Chúa là Đấng “dẹp tan lòng trí kiêu căng”… “hạ bệ thành phần quyền hành thế lực”… “cho kẻ đói khó no đầy những điều thiện hảo”.

 

Chúng ta hãy kết thúc bằng việc liên kết mình với lời mời gọi của Thánh Ambrôsiô cả: “Chớ gì Mẹ Maria chúc tụng Chúa nơi tâm hồn của mỗi người, chớ gì tâm thần của Mẹ hân hoan trong Chúa nơi mỗi người”.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 15/2/2006

  

TOP

 

 

? Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới - Một Vị Thế Mới

 

Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới đã được thành lập như một hiệp hội của tín hữu cho Giáo Hội hoàn vũ, theo sắc lệnh của Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Giáo Dân, gửi giáo sư Americo Pablo Lopez Ortiz, chủ tịch quốc tế của phong trào này. 

 

Một lễ nghi công khai đã được tổ chức tại phân bộ này vào ngày 3/2/2006 (gần 60 năm phong trào này được thành lập). Trong cuộc cử hành này, vị TGM chủ tịch phân bộ này của Tòa Thánh đã cho biết:

 

“Thật là vui mừng việc chúng ta cử hành giây phút ban hành sắc lệnh thiết lập và chuẩn nhận về Vị Thế của Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới.

 

“Việc cử hành này nói lên cơ hội phong trào này được Tòa Thánh chính thức và hân hoan công nhận như là một thực thể mới có mục đích thánh hóa các phần tử của mình và xây dựng toàn thể Giáo Hội. Tín hữu giáo dân đồng thời cũng được Tòa Thánh xác nhận về quyền lợi của họ trong việc thành lập hội đoàn để cổ võ một đời sống Kitô hữu trọn lành hơn và để phát triển những hoạt động truyền bá phúc âm hóa khắp thế giới”.

 

Sắc lệnh thành lập đề ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/2005, (tức vào năm chị Lucia qua đời -13/2/2005), viết:

 

“Các phần tử của Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới, lan tràn ở nhiều quốc gia trên thế giới, dấn thân để trở thành những chứng nhân trung thực của đức tin Công Giáo nơi gia đình của họ, ở chỗ làm việc, tại các giáo xứ và cộng đồng, tham dự vào Việc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa bằng đường lối ấy….

 

“Cứu xét thấy rằng Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới là một phương tiện thuận hợp cho việc đào luyện giáo dân bằng sứ điệp Fatima theo chiều hướng tân truyền bá phúc âm hóa được đề ra bởi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI […], Hội Đồng Tòa Thánh Về Giáo Dân ban sắc lệnh chuẩn nhận Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới và các điều khoản nội qui của phong trào này”.

 

Trong bài ngỏ của mình cùng Hội Đồng Tòa Thánh Về Giáo Dân, ông chủ tịch toàn cầu Lopez Ortiz đã nhận định sắc lệnh này là “một ân phúc vĩ đại và đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn lao cần phải được thi hành bằng lòng tin tưởng và một cách trọn hảo. Với ảnh hưởng của Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới, tất cả mọi hội đoàn và phong trào tông đồ truyền bá sứ điệp đích thực của Fatima đều gặp được một mẫu gương về lòng trung thực và thành tín với Đức Thánh Cha cũng như với các vị giám mục giáo phận hiệp thông với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô”.

 

Vị chủ tịch này nhấn mạnh đến lời hứa của Đức Trinh Nữ về một kỷ nguyên hòa bình, một thế kỷ hy vọng, một Lễ Hiện Xuống Thánh Mẫu mới, và một mùa xuân mới cho thế giới, nếu con người biết trung thành với sứ điệp của Mẹ.

 

“Sứ Điệp Fatima hiện nay càng trở nên khẩn trương hơn trước đây, càng thực tiễn và càng thiết yếu hơn đối với tình trạng khủng hoảng về luân lý và thiêng liêng nơi nền văn minh của chúng ta”.

 

Tham dự buổi lễ ở Hội Đồng Tòa Thánh Về Giáo Dân này có các phái đoàn đại diện của 14 quốc gia. Bao gồm Đức Giám Mục Seraphim ở giáo phận Leiria-Fatima; Đức ông Luciano Guerra, giám đốc Đền Thánh Fatima; và vị nguyên tổng thống Ý là Oscar Luigi Scalfaro. Các vị TGM và các vị lãnh đạo phong trào này cấp quốc gia thuộc 5 châu cũng có mặt.

 

Phong Trào Tông Đồ Fatima Thế Giới có cả mấy chục triệu phần tử ở 50 quốc gia. Phong trào này được thành lập ban đầu với tên gọi là Đạo Binh Xanh, ở Hoa Kỳ từ năm 1947. Tổng hành dinh của phong trào này được đặt tại Đền Thánh Fatima. Xin vào mạng điện toán toàn cầu www.worldfatima.com

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/2/2006

 

                                              

 

 TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ