GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 19/2/2006

Tuần VII Thường Niên

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng Chúa Nhật V Thường Niên 5/2/2006 cho Giáo Xứ Thánh Anna Giáo Phận Rôma về Ý Nghĩa của Bài Phúc Âm

?  Thế Giới Hồi Giáo – Trường Thiên Uất Hận

?   Phi Luật Tân: Đất Lở Phủ Lấp Một Ngôi Làng 1.875 Người

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng Chúa Nhật V Thường Niên 5/2/2006 cho Giáo Xứ Thánh Anna Giáo Phận Rôma về Ý Nghĩa của Bài Phúc Âm

 

Anh Chị Em thân mến

 

Bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe được mở đầu bằng một đoạn rất hay, rất tuyệt nhưng cũng đầy ý nghĩa. Chúa Giêsu đi đến nhà của Simon Phêrô và Anrê, thấy mẹ vợ của Phêrô bị sốt. Người đã cầm lấy tay bà mà đỡ bà dậy, cơn sốt liền hết và bà phục vụ các vị.

 

Tất cả sứ vụ của Chúa Giêsu được phác tả một cách tiêu biểu nơi đoạn Phúc Âm này. Chúa Giêsu, từ Cha mà đến, đã đến thăm gia cư của dân chúng trên trái đất của chúng ta và thấy một nhân loại bị bệnh nạn, bệnh sốt, một cơn sốt các ý hệ, ngẫu tượng, lãng quên Thiên Chúa. Chúa đã giơ tay ra cho chúng ta, đỡ chúng ta dậy và chữa lành chúng ta.

 

Ngài đã làm như thế qua tất cả mọi thời đại; Ngài đã cầm lấy tay chúng ta bằng Lời của Ngài, nhờ đó Ngài đã đánh tan sương mù các thứ ý hệ và những hình thức ngẫu tượng. Ngài cầm lấy tay chúng ta bằng các phép bí tích, Ngài chữa lành chúng ta khỏi cơn sốt đam mê và tội lỗi qua việc xá giải nơi bí tích hòa giải.

 

Ngài đã ban cho chúng ta khả năng tự mình chỗi dậy, đứng trước Thiên Chúa và trước con người nam nữ. Chính theo chiều hướng phụng vụ Chúa Nhật hôm nay đây, Chúa Giêsu đến gặp gỡ chúng ta, Người cầm lấy tay của chúng ta, nâng chúng ta dậy và tiếp tục chữa lành chúng ta bằng tặng ân lời của Người, tặng ân chính bản thân Người.

 

Tuy nhiên, phần thứ hai của đoạn Phúc Âm này cũng quan trọng nữa. Người đàn bà này là người vừa được chữa lành, như Phúc Âm viết, bắt đầu phục vụ các vị. Bà ra tay làm việc ngay để phục vụ người khác, nhờ đó trở thành một người đại diện của rất nhiều người phụ nữ, người mẹ, người bà, người nữ làm các ngành nghề khác nhau, thành phần sẵn sàng, thành phần chỗi dậy phục vụ, trở thành hồn sống của gia đình, hồn sống của giáo xứ.

 

Và ở nơi đây, nhìn vào bức tranh trên bàn thờ này, chúng ta thấy rằng họ không chỉ thi hành những dịch vụ bề ngoài vậy thôi; Thánh Anna đang chỉ dạy cho người con gái cao cả của bà là Đức Mẹ học biết Sách Thánh, biết đến niềm hy vọng của dân Yến Duyên là niềm hy vọng thực sự được nên trọn nơi Mẹ.

 

Ngoài ra, phụ nữa còn là những vị sứ giả đầu tiên cho lời Chúa trong Phúc Âm, họ là những nhà rao giảng Phúc Âm đích thực. Và tôi cảm thấy là Phúc Âm hôm nay, qua đoạn hiển nhiên rất đơn giản này, cống hiến cho chúng ta ở chính Nhà Thờ Thánh Anna đây cơ hội để nói lên lời “cám ơn” chân thành gửi đến tất cả mọi người phụ nữ chăm sóc cho giáo xứ, mọi người phụ nữ phục vụ ở mọi lãnh vực của giáo xứ, thành phần giúp chúng ta biết Lời Chúa một cách mới mẻ hơn, chẳng những bằng trí khôn chúng ta mà còn bằng tâm can của chúng ta nữa.

 

Chúng ta hãy trở lại với bài Phúc Âm: Chúa Giêsu đã ngủ tại nhà của Phêrô, thế nhưng Người đã chỗi dạy trược rạng đông trong lúc trời còn đang tối và đi đến nơi thanh vắng nguyện cầu. Và ở nơi đây chúng ta thấy hiện lên cái tâm điểm thực sự của mầu nhiệm Chúa Giêsu.

 

Chúa Giêsu đối thoại với Chúa Cha và nâng tâm thần nhân loại của Người lên hiệp thông với Ngôi Vị Chúa Con, để nhân tính của Chúa Con, một nhân tính được hiệp nhất với Người, có thể nói năng trong cuộc trao đổi Tam Vị với Cha, nhờ đó Người cũng làm cho chúng ta có thể cầu nguyện thực sự. Trong phụng vụ, Chúa Giêsu cầu nguyện với chúng ta, chúng ta cầu nguyện với Chúa Giêsu, bởi thế chúng ta thực sự giao tiếp với Thiên Chúa, chúng ta tham dự vào mầu nhiệm yêu thương vĩnh hằng của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

 

Chúa Giêsu nói cùng Chúa Cha: Đây là mạch nguồn và là tâm điểm của tất cả những gì Người hoạt động; chúng ta thấy Người rao giảng, chữa lành, làm phép lạ và cuối cùng chịu khổ nạn, và những việc làm ấy đều xuất phát từ tâm điểm Người ở cùng Cha này.

 

Như thế, bài Phúc Âm này dạy cho chúng ta biết rằng tâm điểm của đức tin và đời sống của chúng ta thực sự chính yếu là Thiên Chúa. Bất cứ khi nào không có Chúa, thì nhân loại cũng không còn được tôn trọng nữa. Chỉ khi nào ánh quang rạng ngời của Thiên Chúa chiếu tỏa trên dung nhan con người, thì hình ảnh con người của Thiên Chúa mới được bảo vệ bởi một phẩm vị mà sau đó không ai được vi phạm.

 

Chúng ta thấy ba lời nguyện cầu đầu tiên trong “Kinh Lạy Cha” thực sự liên quan ra sao tới tính cách chủ yếu này của Thiên Chúa: Nguyện Danh Cha cả sáng là làm cho mầu nhiệm thần linh được sống động và tác động tất cả cuộc đời của chúng ta; nguyện “Nước Cha trị đến” và “ý Cha thể hiện” là hai mặt của cùng một đồng tiền; nơi nào ý Chúa được thể hiện thì ở đó đã có trời cao hiện hữu, trời cao cũng hơi bắt đầu được thể hiện trên trái đất; và ở đâu ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện thì ở đó Nước Chúa cũng hiện diện.

 

Vị Nước Chúa không phải là một loạt những sự vật, Nước Chúa là việc Thiên Chúa hiện diện, là mối hiệp nhất của con người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn dẫn dắt chúng ta tới đích điểm này. 

 

Tâm điểm của việc Người loan báo là Nước Chúa, tức là loan báo rằng Thiên Chúa là mạch nguồn và là tâm điểm của đời sống chúng ta, và Người nói với chúng ta rằng: việc cứu chuộc con người chỉ ở nơi một mình Thiên Chúa. Và chúng ta có thể thấy nơi lịch sử của thế kỷ vừa qua ở những quốc gia loại trừ Thiên Chúa thì chẳng những nền kinh tế của họ bị phá hủy mà nhất là cả các linh hồn nữa.

 

Tình trạng hủy hoại về luân lý và hủy hoại về nhân phẩm là những hình thức hủy hoại chính yếu, và việc canh tân chỉ có thể xuất phát từ việc quay trở về với Thiên Chúa mà thôi, tức là từ việc nhìn nhận vai trò chủ yếu của Thiên Cúa vậy.

 

Một vị giám mục ở Congo, vào dịp viếng thăm ngũ niên trong những ngày này, đã nói với tôi rằng: Người Âu Châu cống hiến cho chúng tôi nhiều điều về vấn đề phát triển, nhưng lại tỏ ra lưỡng lự trong việc giúp chúng tôi nơi thừa tác mục vụ; dường như họ coi thừa tác mục vụ là vô bổ không cần thiết, chỉ có việc phát triển về kỹ thuật và vật chất mới quan trọng. Thế nhưng, ngược lại mới đúng, vị giám mục này nói như thế; ở đâu không có Lời Chúa thì vấn đề phát triển cũng không xong và cũng chẳng có thành quả tốt đẹp gì. Chỉ khi nào đặt Lời Chúa lên trên hết, chỉ khi nào con người hòa giải với Thiên Chúa thì các sự vật về vật chất cũng mới xuôi may.

 

Đoạn tiếp theo của chính bài Phúc Âm cũng mạnh mẽ khẳng định điều ấy. Các Vị Tông Đồ nói cùng Chúa Giêsu rằng: Xin Thày hãy trở về vì mọi người đang tìm kiếm Thày. Và Người nói không, Thày phải đi đến các tỉnh lận cần để rao giảng Thiên Chúa và khu trừ ma quỉ, khu trừ những quyền lực sự dữ; đó là lý do tại sao Tháy đã đến.

 

Chúa Giêsu đã đến – bản Hy Lạp viết, “Thày từ Cha mà đến” – không phải để mang lại cho chúng ta những thoải mái của cuộc đời mà là tình trạng chính yếu cho phẩm vị của chúng ta, để loan báo Thiên Chúa cho chúng ta, để làm cho Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, nhờ đó chế ngự những quyền lực sự dữ. Người đã đề cập đến điều ưu tiên này rất rõ ràng: Thày đến không phải để chữa lành – Thày cũng làm điều này nữa, nhưng như là một dấu hiệu thôi – Thày đến để giải hòa các con với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Hóa Công của chúng ta, Thiên Chúa đã ban sự sống cho chúng ta, ban phẩm vị cho chúng ta: Vậy chúng ta trước hết cần phải trở về với Ngài.

 

Và như Cha Gioele đã nói, hôm nay Giáo Hội ở Ý cử hành Ngày Phò Sự Sống. Trong sứ điệp của mình, các vị giám mục Ý muốn nhắc nhở nhiệm vụ ưu tiên đối với vấn đề “tôn trọng sự sống”, vì nó là một sự thiện “bất thuận lợi”. Con người không phải là chủ nhân ông của sự sống; trái lại, họ là bảo quản viên và là quản lý viên của nó, để rồi dưới quyền tối thượng của Thiên Chúa họ mới tự nhiên đóng vai trò ưu tiên trong việc quản trị và bảo trì sự sống con người là những gì đã được Thiên Chúa dựng nên.

 

Sự thật ấy, sự thật con người là bảo quản viên và là quản lý viên của sự sống là một điểm được xác định rõ ràng nơi luật tự nhiên, hoàn toàn được mạc khải thánh kinh làm sáng tỏ. Ngày nay sự thật này trở thành như là “một dấu hiệu tương khắc” so với cái tâm thức đang thịnh hành. Thật vậy, chúng ta nhận thấy rằng mặc dù có một qui điểm rộng rãi tổng quan về giá trị của sự sống, tuy nhiên, khi tiến đến qui điểm này, tức là tới chỗ có “tính cách thuận lợi” và “tính cách bất thuận lợi” đối với sự sống, thì hai tâm thức tương phản nhau bất khả hóa giải. 

 

Diễn tả một cách đơn giản hơn, chúng ta có thể nói rằng: Một trong hai tâm thức này chủ trương rằng sự sống con người ở trong tay con người, trong khi đó tâm thức kia nhìn nhận rằng sự sống ở trong tay Thiên Chúa. Nền văn hóa tân tiến đã nhấn mạnh một cách hợp lý đến quyền biệt lập của con người cũng như của các thực tại trần thế, từ đó nó đã mở ra một phối cảnh hợp với Kitô Giáo, đó là phối cảnh Thiên Chúa Nhập Thể.

 

Tuy nhiên, như Công Đồng Chung Vaticanô II tỏ tường chủ trương là, nếu quyền biệt lập này khiến chúng ta nghĩ rằng “hữu thể vật chất không lệ thuộc vào Thiên Chúa và con người có thể sử dụng nó như thể nó chẳng có liên hệ gì tới Đấng Hóa Công của nó”, thì hậu quả của nó là một tình trạng mất thăng bằng trầm trọng, vì “không có Hóa Công cũng chẳng thể nào có tạo vật” ("Gaudium et Spes," No. 36).

 

Vấn đề quan trọng ở đây là, trong câu được trích dẫn trên đây, bản văn kiện của Công Đồng nói rằng cái khả năng nhận ra tiếng nói và việc tỏ hiện của Thiên Chúa nơi vẻ đẹp của thụ tạo đều có nơi tất cả mọi tín hữu, bất kể họ thuộc về tôn giáo nào. Từ đó, chúng ta có thể kết luận là việc hoàn toàn tôn trọng sự sống là những gì có liên hệ với cảm quan tôn giáo, với thái độ nội tại mà con người, với tư cách là quản lý viên hay bảo quản viên, cần phải có khi đối diện với thực tại.

 

Hơn nữa, tiếng “tôn trọng” xuất phát từ tiếng Latinh “respicere”, tức là nhìn, và có nghĩa là một cách nhìn sự vật và con người dẫn đến chỗ nhìn nhận tính chất chính yếu của chúng, không phải là chiếm hữu chúng mà là đối xử với chúng một cách trân trọng và chăm sóc chúng.

 

Xét cho cùng thì nếu tạo vật không được qui chiếu về Thiên Chúa như nền tảng siêu việt của mình thì nó có nguy cơ lọt vào tay sử dụng tùy nghi của ý muốn con người, thành phần, như chúng ta thấy, có thể sử dụng ý muốn của mình một cách bất xứng hợp.

 

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau kêu cầu Thánh Anna chuyển cầu cho cộng đồng giáo xứ của anh chị em là nơi tôi thân ái chào hỏi đây.

 

Tôi đặc biệt chào vị linh mục coi xứ là Cha Gioele, và tôi cám ơn những lời lẽ ngài ngỏ cùng tôi lúc ban đầu. Rồi tôi chào các anh em Dòng Thánh Âu Quốc Tinh có cả vị Tổng Đan Viện Trưởng; tôi chào Đức Tổng Giám Mục Angelo Comastri, vị tổng đại diện của tôi cho Thành Vatican, Đức Tổng Giám Mục Rioãato, vị phát chẩn của tôi, và tất cả mọi người hiện diện nơi đây, nhất là trẻ em, giới trẻ và tất cả những ai thường sử dụng ngôi nhà thời này.

 

Chớ gì Thánh Anna, vị quan thày trên thiên quốc của anh chị em trông coi tất cả anh chị em và xin cho mỗi người được ơn trở thành một nhân chứng của Vị Thiên Chúa sự sống và yêu thương.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/index_en.htm

 

 

 

TOP

 

 

?  Thế Giới Hồi Giáo – Trường Thiên Uất Hận

 

Lại trúng vào Ngày Thứ Sáu hằng tuần, ngày chính trong tuần của Hồi Giáo, những cuộc xuống đường biểu tình phản đối bộ biếm họa được báo chí Âu Châu phổ biến phỉ báng giáo tổ Mohammed lại bừng lên dữ dội, trở thành cuộc nổi loạn rùng rợn.

 

Thật vậy, ở thành phố Karachi thuộc miền nam nước Pakistan vốn nhộn nhịp sinh hoạt đã trở thành nơi cho cuộc xuống đường biểu tình vào hôm Thứ Sáu 17/2/2006. Đây là Ngày Thứ Sáu thứ ba trong cuộc uất hận trường thiên của thế giới Hồi Giáo.

 

Chỉ có một ít tiệm mở cửa và hiếm thấy xe cộ qua lại (chắc vì sợ đập phá như những lần trước). Lực lượng an ninh đã phải sử dụng hơi cay để dẹp loạn, và đã phải bắt giữ một số người quá khích kể cả ở các nơi khác, kể cả ở Faisalabad là nơi có 125 người bị bắt nhốt.

 

Những cuộc biểu tình liên tục đã khiến cho các viên chức Đan Mạch tạm thời đóng cửa tòa lãnh sự Đan Mạch ở thủ đô Islamabad. Trong khi đó, theo nguồn tin của Bộ Ngoại Vụ Pakistan thì nước này triệu hồi vị đại sứ của mình ở Đan Mạch là Javed A. Qureshi về “để bàn chuyện”.

 

Cũng vào cùng ngày Thứ Sáu này, nhóm Phóng Viên Vô Biên Giới đã phổ biến những lời kêu gọi trong mạng điện toán toàn cầu của mình kêu gọi thả 7 phóng viên đã bị nhốt ở Yemen, Syria và Algeria về việc tái in ấn các bức biếm họa:

 

“Bất cứ người ta nghĩ gì về các tấm biếm họa hay vấn đề có nên in ấn hay chăng thì thật là bất chính khi giam nhốt hay truy tố thành phần phóng viên, dọa giết chết họ hay đóng cửa các tờ nhật báo vì lý do ấy”.

 

Chưa hết, theo thông tấn xã Reuters thì ở thành phố Peshawar ở miền tây bắc nước Pakistan có một vị giáo sĩ Hồi Giáo cùng với tín đồ của ông đã treo thưởng lên tới 1 triệu Mỹ kim cho bất cứ ai giết được những tay hí họa vẻ các bức biếm họa phỉ báng vị tiên tri giáo tổ Mohammed của họ.

 

Thật thế, vị giáo sĩ mang tên Maulana Yousef Qureshi đã cho biết trong buổi cầu nguyện hằng tuần vào Thứ Sáu này rằng chính bản thân ông cống hiến 500 ngàn rupees hay 8 ngàn Mỹ kim, và hai trong cộng đồng tín đồ của ông góp phần của họ vào để số tiền lên tới 1 triệu Mỹ kim và 1 triệu repees cộng với 1 chiếc xe hơi. Ông đã lập lại số tiền và việc treo thưởng này trong cuộc xuống đường biểu tình sau đó trong thành phố ấy.

 

Những thành phố khác ở Pakistan cũng xuống đường biểu tình cùng ngày là Rawalpindi và Quetta, khiến cảnh sát phải canh gác các cửa tiệm đa quốc và các dinh thự chính phủ.

 

Ngoài ra, cũng trong Ngày Thứ Sáu 17/2/2006 này, vào buổi tối, tại nước Libya đã làm cho nhiều người bị thương và có 11 người chết trong cuộc xuống đường biểu tình bạo loạn, một cuộc biểu tình đã đốt cháy tòa lãnh sự Ý Đại Lợi.

 

Đúng vậy, ở thành phố hải cảng Benghazi thuộc miền đông bắc nước Libya, thành phố đông dân thứ hai của nước này, tòa lãnh sự Ý đã bị phóng hỏa, nhưng vị lãnh sự Ý là Francesco Trupiano ở nước này cho biết mọi người đã ra khỏi dinh thự và không một ai bị thương hết. Theo ông, ông nghi rằng tòa lãnh sự của ông là tòa lãnh sự Tây Phương duy nhất ở thành phố ấy, sẽ bị tấn công và bị đóng cửa, vì thoạt tiên cuộc biểu tình “ôn hòa song trở thành bạo động”.

 

Sở dĩ tòa lãnh sự Ý bị đốt phá như thế là vì, theo nhiều người xuống đường cho biết họ tức giận bởi Bộ Trưởng Canh Tân Ý Quốc là Roberto Calderoli lên truyền hình quốc gia tuần này chưng diện một chiếc áo thun có một trong bộ biếm họa phí báng tiên tri Mohammed. Thủ Tướng Ý là Silvio Berlusconi đã yêu cầu vị bộ trưởng này giải nhiệm.

 

Thành phần xuống đường tung ra một bản văn nói rằng họ coi việc in ấn những tấm biếm họa này là “một hành động trực tiếp gây hấn”. Bản văn này cũng hoan hô việc chính quyền đóng cửa tòa lãnh sự ở Đan Mạch và kêu gọi Khối Liên Hiệp Ả Rập cùng Tổ Chức Chư Hội Đồng Hồi Giáo hãy kêu gọi tẩy chay bất cứ quốc gia nào “tỏ ra dám chạm tới tôn giáo của chúng ta và các biểu hiệu lịch sử của chúng ta”. Chưa hết, họ còn đốt cờ Đan Mạch và kêu gọi các tổ chức kinh tế hãy cấm những đồ nhập cảng và tiêu thụ sản phẩm của Đan Mạch.

 

Một cuộc xuống đường biểu tình khác xẩy ra ở Sebha, một tỉnh ở trung độ nước Libya, sau buổi cầu nguyện hằng tuần, và tung ra văn kiện yêu cầu hãy tôn trọng các đền thờ và niềm tin tôn giáo

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNN ngày 17/2/2006

   

TOP

 

 

? Phi Luật Tân: Đất Lở Phủ Lấp Một Ngôi Làng 1.875 Người

 

Sáng Thứ Sáu 17/2/2006, những trận mưa “La Nina” dài 2 tuần lễ đã cuốn tuôn đi trong bùn lầy với chu vi rộng gần nửa dặm và hủy hoại gần hết ngôi làng Guinsahugon có dân số 1.875 người, nằm ở đảo Leyte thuộc miền nam nước Phi Luật Tân, cách thủ đô Manila 675 cây số hay 420 dặm về phía đông nam.

 

Sau biến cố này trời lại sáng vào Thứ Bảy, nhưng đất vẫn còn lún và thiếu điện nên rất khó thực hiện việc giải cứu. Sau 24 tiếng đã có 56 người được thấy là còn sống và 20 người đã chết, đến Thứ Bảy thì con số tử vong tăng lên tới 35 người và 11 người được cứu. 

 

Trong 300 ngôi nhà ở miền này chỉ còn có 3 nhà là thoát nạn. Một trường tiểu học có 246 học sinh và 7 giáo viên cũng bị ngập bùn lầy. Một cảnh sát viên tên là Lerias nhìn thấy mà không làm gì được khi ngôi trường có vợ và 4 người con của mình bị chìm ngập trong bùn lầy “trong giây lát”.

 

Theo lịch sử thì ở đảo Leyte này, vào năm 1991, đã có khoảng 6 ngàn người bị chết trong những trận lụt và đất lở gây ra bởi một trận bão nhiệt đới. Vào tháng 12/2003 cũng đã có 133 người chết trong những trận lụt và đất lở ở đây nữa.

 

Thứ Bảy, sau 7 tiếng đồng hồ thực hiện việc giải cứu bằng cách đào bùn cao tới 30 bộ hay 9.5 mét sâu, nhưng không thấy một người nào sống sót. Khí hậu xấu đã ngăn cản trực thăng hoạt động, lính Phi Luật Tân đào bới ở khu vực ngôi trường nhưng buộc phải rút lui vì nguy hiểm.

 

Những trận mưa dài suốt 2 tuần lễ đã nâng mực nước lên tới 20 inches, tức 8 phân, gấp 4 lần những trận mưa trong các tháng trước. Chính quyền đã báo cho dân chúng di tản vì dấu hiệu cho thấy có thể xẩy ra tình trạng đất lở. Nhiều người đã ra đi, nhưng họ trở về làng để cử hành một buổi lễ và chẳng may nhắm lúc xẩy ra biến cố không may này.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo CNN ngày 17-18/2/2006

 

 TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ