GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 20/2/2006

Tuần VII Thường Niên

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật VII Thường Niên 19/2/2006 về Việc Chúa Kitô Chữa Lành

?  Thế Giới Hồi Giáo – Gia Tăng Bạo Động

?   Những nạn nhân bị bùn lụt cuốn đi may mắn sống sót nhờ …

 

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật VII Thường Niên 19/2/2006 về Việc Chúa Kitô Chữa Lành

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Những ngày Chúa Nhật này được phụng vụ cho thấy qua Phúc Âm trình thuật về một số việc chữa lành của Chúa Kitô. Chúa Nhật vừa rồi là người phong cuì; hôm nay tới người bất toại được 4 người khiêng đến với Chúa Giêsu. Thấy đức tin của họ, Người nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi của con đã được thứ tha” (Mk 2:5).

 

Làm như thế là Người muốn chứng tỏ cho thấy rằng trước hết Người muốn chữa lành tâm thần. Bệnh bất toại là hình ảnh của tất cả loài người bị tội lỗi ngăn cản không thể tự do cử động, không thể tự do bước trên con đường thiện hảo, dù cố gắng hết sức. Thật vậy, sự dữ, ẩn nấp trong tâm thần, trói buộc con người bằng những sợi giây thong gian dối, giận dữ, ghen hờn cùng các tội lỗi khác, để rồi từ từ làm họ bị tê liệt.  

 

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, đầu tiên Người đã nói “Tội lỗi của con đã được thứ tha, những lời gây gương mù trước mắt thành phần luật sĩ bấy giờ, và chỉ sau đó, để tỏ ra Người được Thiên Chúa ban cho quyền tha tội, mới thêm: “Hãy đứng dậy, vác chõng mà về” (Mk 2:11) và hoàn toàn chữa cho anh ta. Vấn đề thật là rõ ràng: Con người, bị tội lỗi làm cho bất toại, cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa được Chúa Kitô mang đến cho họ, để nhờ đó, được chữa lành tâm can, toàn thể cuộc đời của họ lại được thăng hoa.

 

Ngày nay nhân loại cũng mang những dấu hiệu tội lỗi là những gì ngăn trở họ nhanh chóng tiến bộ nơi những giá trị về huynh đệ, công lý và hòa bình là những gì cũng đã được ấn định nơi những bản tuyên ngôn trang trọng. Tại sao? Cái gì ngăn cản đường lối của họ? Cái gì làm tê liệt đi việc phát triển trọn vẹn này?

 

Chúng ta quá rõ là, trên bình diện lịch sử, những nguyên nhân thì nhiều và vấn đề lại phức tạp. Thế nhưng, Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn bằng đức tin và hãy tin tưởng, như thành phần khiêng người bị bất toại, con người chỉ có thể được chữa lành bởi một mình Chúa Giêsu mà thôi. Ước muốn căn bản nơi  các vị tiền nhiệm của tôi, nhất là của Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta, đó là dẫn con người của thời đại chúng ta đến với Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc, nhờ đó, qua việc chuyển cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm, Người có thể chữa lành cho họ.

 

Tôi cũng muốn tiến theo con đường này nữa. Nhất là, bằng bức thông điệp đầu tiên “Thiên Chúa là Tình Yêu”, tôi muốn nói với tín hữu và toàn thế giới rằng Thiên Chúa là nguồn tình yêu chân thực. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể canh tân lòng người, và chỉ khi nào con tim của nhân loại bị bất toại được chữa lành thì họ mới có thể đứng lên bước đi mà thôi. Tình yêu của Thiên Chúa thực sự là một quyền lực canh tân thế giới vậy.

 

Chúng ta hãy cùng nhau kêu xin Trinh Nữ Maria chuyển cầu, để tất cả mọi người mở lòng mình ta trước tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, nhờ đó, gia đình nhân loại được thực sự chữa lành khỏi những sự dữ đang hành hạ nó.

 

(Sau Kinh Truyền Tin:)

 

Lòng chúng ta đặc biệt hướng về tất cả những ai đang phải chịu đựng những hậu quả của vụ bùn lở ở Phi Luật Tân. Tôi xin anh chị em hãy hợp với tôi nguyện cầu cho các nạn nhân, cho những người thân yêu của họ và cho tất cả mọi người bị thảm trạng này. Chớ gì các gia đình đang đau buồn cảm nghiệm được sự an ủi của việc Chúa hiện diện, và những nhân viên giải cứu được chúng ta quan tâm và nâng đỡ. 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/2/2006

 

 

 

TOP

 

 

?  Thế Giới Hồi Giáo – Gia Tăng Bạo Động

 

Theo các bản tin của mạng điện toán toàn cầu CNN hôm Chúa Nhật 19/2/2006, tựa đề “Arrests, tear gas halt Pakistan cartoon protests”,  “Thousands protest cartoons in Turkey”, “Protesters attack U.S. Embassy in Jakarta”, và “16 die in cartoon protests in Nigeria”, thì tình trạng gia tăng bạo động ở thế giới Hồi Giáo xẩy ra như sau.

 

Ở Lahore nước Pakistan, lực lượng cảnh sát đã giam giữ 400 người, trong đó có 10 nhà lập pháp, và sử dụng hơi cay để dẹp một số cuộc xuống đường biểu tình.

 

Sở dĩ cuộc xuống đường biểu tình bùng nổ dữ dội hơn ở Pakistan hôm Chúa Nhật này không phải chỉ vì bộ biếm họa mà còn bởi chính quyền đã giam giữ các vị lãnh đạo liên minh MMA (Muttahida Majlis-e-Amal) lục đảng tôn giáo, và khoảng 400 người (trong đó có 200 phần tử của MMA) tìm cách diễn hành ở Islamabad. Trong số những người bị bắt cũng có cả 10 vị trong quốc hội.

 

Khi nhân vật chủ tịch của MMA là Qazi Hessain Mahmad cứ bỏ nhà của mình trước bình minh của ngày Chúa Nhật này, ông đã nhận được một thông báo là bị giam giữ tại gia một tháng. Một tiếng đồng hồ sau, cảnh sát ập đến căn nhà của Maulana Fazal Ur Rehman là nhân vật thứ hai MMA và là vị lãnh đạo chống đối trong Hội Đồng Quốc Gia Pakistan. Ông bị giam giữ kỹ lưỡng song đã tìm cách thoát thân để tham gia biểu tình.

 

MMA xin các viên chức chính quyền cho phép tổ chức một cuộc xuống đường biểu tình ôn hòa. Qua kinh nghiệm của 5 ngày dẹp loạn liền trong tuần vừa rồi, chính quyền Pakistan hôm Thứ Bảy cuối tuần đã loan báo rằng họ không cho phép diễn hành và lực lượng cảnh sát hiện dịch cùng với lực lượng bán quân sự ngăn ngừa thành phần xuống đường lọt vào Islamabad bằng những chiếc xe buýt hay xe vans.

 

Ở thủ đô Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, có cả hằng chục ngàn người xuống đường biểu tình, hô hoán chống Đan Mạch, Do Thái và Hoa Kỳ. Cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay Đan Mạch. Họ mang những biểu ngữ khác nhau, tiêu biểu có biểu ngữ mang hàng chữ: “Quốc gia Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ sát cánh với những người anh em Palestine và Iran của mình”.

 

Cuộc biểu tình này do Đảng Phúc Lợi Hồi Giáo tổ chức, những nhân vật hô hoán qua máy phóng thanh là đoàn lũ dân chúng này là biểu hiệu cho cơn uất hận của 1.5 tỉ người Hồi Giáo trên thế giới và kêu gọi họ “hãy chống lại tình trạng bị đàn áp”.

 

Thổ Nhĩ Kỳ là nước có tới 99% là Hồi Giáo, nên có các cuộc biểu tình đủ mọi tầm cỡ diễn ra trong tuần vừa rồi. Nước này cũng là quốc gia Hồi Giáo duy nhất muốn xin gia nhập khối Hiệp Nhất Âu Châu.

 

Ở Jakarta Nam Dương, hằng trăm người biểu tình vung gậy và ném đá tấn công tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Nam Dương, tố cáo Hoa Kỳ đang có mưu đồ hủy diệt Hồi Giáo. Đoàn người biểu tình khoảng độ 400 này đã diễn hành sau tấm biểu ngữ “chúng tôi sẵn sàng tấn công những kẻ thù của vị Tiên Tri”. Họ đốt cờ Hoa Kỳ và tấm hình Tổng Thống Hoa Kỳ, đập phá cửa sổ của trạm canh:

 

“Những quốc gia Tây Phương muốn hủy diệt Hồi Giáo bằng vấn đề khủng bố… và tất cả những điều ấy đều được Hoa Kỳ mưu tính dự trù”. Đó là lời của Maksuni, một tổ chức viên của cuộc biểu tình. “Chúng ta đang kịch liệt chiến đấu với Hoa Kỳ vào lúc này đây. Chúng ta cũng chiến đấu với Đan Mạch nữa”.

 

Ở Lagos nước Nigeria, có 16 người bị chết và 11 nhà thờ bị đốt phá hôm Thứ Bảy 18/2/2006. Cuộc xuống đường biểu tình bạo loạn này đã xẩy ra sau ngày có ít là 10 người chết ở Libya cũng như  5 ở Pakistan. Cuộc biểu tình xẩy ra ở hai thành phố thuộc miền bắc nước này là thành phố Maiduguri và Katsina, những thành phố có đáng kể thành phần Kitô hữu.

 

Ở Maiduguri có 15 người bị chết, 11 nhà thờ bị đốt và 115 người bị giam giữ, và hai cửa tiệm Kitô hữu cũng bị tấn công. Ở Katsina, một người bị chết, 2 cảnh sát bị thương và 25 bị giam giữ. Chính quyền đã phải gửi quân đội tới vào tối Thứ Bảy để hỗ trợ cánh sát giữ an ninh, và tiểu bang miền bắc nước này là tiểu bang Borno đã nghĩ tới vấn đề ra lệnh giới nghiêm.

 

Trong khi đó, cũng vào Thứ Bảy 28/2/2006, vị bộ trưởng Ý là Calderoli, nhân vật mặc chiếc áo thun có một bức biếm họa trong bộ biếm họa phỉ báng tiên tri Mohammed giáo tổ Hồi Giáo, đã từ chức trước áp lực gia tăng và lời yêu cầu của Thủ Tướng Ý.

 

Ở Luân Đôn có 15 ngàn người xuống đường biểu tình ở Quảng Trường Trafalgar. Họ đã cầu nguyện trước khi diễn hành qua Hyde Park, và mang theo nhiều tấm biển ngữ, như “Âu Châu không tôn trọng người khác” hay “Họ không dạy những cung cách ở Đan mạch hay sao?”

 

Một phát ngôn viên cho Tiểu Ban Hành Động Hồi Giáo là Taji Mustafa đã cho biết những cuộc phản đối này được bừng lên bởi lòng tôn trọng của người Hồi Giáo đối với vị tiên tri giáo tổ của họ: “Bởi thế, khi vị tiên tri này bị quỉ ma hóa thì già trẻ lớn bé đều cảm thấy rất nhức nhối. Bao lâu việc lạm dụng này còn tiếp diễn thì chúng tôi tiếp tục nổi lên chống đối”. Ông có ý nói tới các báo chí cứ in đi in lại bộ biếm họa, kể cả một vị bộ trưởng Ý lên truyền hình với 1 tấm biếm họa ấy tuần vừa rồi.

 

Nhân vật phát ngôn viên này còn cho biết là những tấm biếm họa ấy đã gợi lại các cuộc tấn công người Do Thái ở báo chí Âu Châu vào thập niên 1930: “Giờ đây đang có một thứ quỉ ma hóa cộng đồng Hồi Giáo, nên chúng ta cần phải lên tiếng để tránh xẩy ra những gì như cuộc Tế Thần ấy”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

   

TOP

 

 

? Những nạn nhân bị bùn lụt cuốn đi may mắn sống sót nhờ …

 

Theo bài “Mudslide survivors clung to trees, a pool table” của CNN hôm Chúa Nhật thì có bốn nạn nhân sống sót đã thuật lại việc mình may mắn sống sót như sau.

 

Một trong hai người này là Libaton, ngồi trên giường của Bệnh Viện Hạt Anahawan, đã cho biết là khi anh ta đang nghỉ ở nhà thì vợ của ông là Porfiria hối hả chạy về báo tin “Núi sập rồi”. Anh nghĩ ngay đến con cái của anh, 1 trai 2 gái, ở trường tiểu học trong làng, nhưng vợ ông nói là quá trễ mất rồi.

 

Anh ta nói thế là anh ta liền nắm lấy tay vợ rồi cả hai chạy. Nhưng bùn đuổi kịp họ. Anh ta nói: “Chúa ơi, chúng con sắp chết như thế này hay sao?” Thế rồi chới với trong bùn anh ta tuột mất tay vợ anh ta. Anh ta bị cuốn lăn lộn và xô đẩy theo trận bùn trôi cho đến khi một thân cây làm anh ta xoay đụng vào một số tảng đá. Cuối cùng anh ta nằm nghiêng bên phải, chỉ có cánh tay trái của anh ta là cựa quậy được dưới chừng 3 bộ (feet) bùn.

 

Cái chăn rác rưởi bị rain nứt trước mặt anh ta, khiến anh ta thở được vài tiếng đồng hồ, cho tới khi anh ta nghe được các tiếng kêu, trong đó có tiếng Tohing Siga là người hàng xóm đang đi tìm người thân. Anh ta liền kêu cứu và họ đã dùng tay bới bùn ra lôi anh ta ra. Cẳng chân trái của anh ta bị rách sâu. Anh cho biết 4 người anh em của anh ta còn sống, song chẳng thấy vợ và 3 đứa con của anh ta đâu cả.

 

Một nạn nhân khác là bà Velasco, 59 tuổi, một trong 21 người bị thương được mang đến bệnh viện trên cách khu làng bị nạn 16 dặm.

 

Bà ta nói bà đã nắm được một chân bàn chơi thục bida khi bà bị cuốn đi theo giòng bùn lầy. Phần trên của bàn thục bida này đã che chở bà khỏi bị các tảng đá lớn xoáy đi trong bùn. Thế rồi cái chân bàn thục bida ấy đã đè xuống ngực của bà và cuốn bà đi theo bùn mấy tiếng đồ hồ cho tới khi bà được những người tìm kiếm cứu được ở một làng lân cận. Bà nói là một trong 2 đứa con trai của bà, 2 đứa con dâu và 5 đứa cháu đã bị mất tích.

 

Đối với trường hợp của Alicia Miravalles thì cơn kinh hoàng được bắt đầu bằng việc mặt đất rung nhẹ: “Một lúc sau tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn, thế rồi tiếng của nhiều chiếc máy bay. Tôi nhìn lên núi và thấy đất và đá lăn xuống”.

 

Chị nói chị không thể chạy qua mặt bức tường bùn lầy và đá để băng qua cánh đồng lúa của gia đình chị. “Tôi nghĩ rằng tôi chết mất. Nếu bùn lụt không ngưng lại thì giờ đây tôi đã chết mất tiêu rồi”. Khu ruộng 3/7 mẫu lúa của gia đình chị đã thành một đống bùn và đá.

 

Chồng của cô là Mario nói rằng: “Ruộng của chúng tôi không còn nữa, chúng tôi mất cả nhà cửa. Giờ đây chúng tôi chỉ còn biết trông nhờ vào sự cứu giúp của chính quyền mà thôi”.

 

Một nạn nhân sống sót nữa là Loreta Marqueda đang được thở bằng ống vì phổi bị chảy máu gây ra do tai nạn vừa rồi. Bà nói rằng trận lụt đã cuốn cả quần áo của bà đi và vùi bà xuống bùn cho tới ngực. Ông nhạc, ngượi chị em săn sóc cho ông và ba đưa con trai của ông bị mất tích. “Trước khi tôi được cứu, tôi nhìn chung quanh thì không thấy còn một ngôi nhà nào nữa”.

 

Sau Kinh Truyền Tin với khách hành hương qui tụ lại ở Quảng Trường Thánh Phêrô Chúa Nhật VII Thường Niên 19/2/2006, Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã đề cập tới biến cố thiên tai ở Phi Luật Tân này như sau:

 

"Lòng chúng ta đặc biệt hướng về tất cả những ai đang phải chịu đựng những hậu quả của vụ bùn lở ở Phi Luật Tân. Tôi xin anh chị em hãy hợp với tôi nguyện cầu cho các nạn nhân, cho những người thân yêu của họ và cho tất cả mọi người bị thảm trạng này. Chớ gì các gia đình đang đau buồn cảm nghiệm được sự an ủi của việc Chúa hiện diện, và những nhân viên giải cứu được chúng ta quan tâm và nâng đỡ".

 

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

  

 

 TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ