GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 21/2/2006

Tuần VII Thường Niên

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng Ngày Thế Giới Đời Tận Hiến Tu Trì 2/2/2006 cho Tu Sĩ Nam Nữ tại Đền Thờ Thánh Phêrô

?  Thánh Địa: Palestine thành lập chính phủ Hamas – Do Thái tuyên bố không chơi với chính phủ khủng bố

?   Tiếp Tục Nỗ Lực Giải Cứu Nạn Nhân Bùn Lụt ở Phi Luật Tân

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giảng Ngày Thế Giới Đời Tận Hiến Tu Trì 2/2/2006 cho Tu Sĩ Nam Nữ tại Đền Thờ Thánh Phêrô

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay lễ Dâng Chúa Giêsu ở đền thờ sau 40 ngày giáng sinh của Người gợi lên cho chúng ta giây phút đặc biệt của đời sống Thánh Gia: Mẹ Maria và Thánh Giuse, theo luật Moisen, đã mang hài nhi Giêsu vào đền thờ Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa (x Lk 2:22). Ông Simêon và bà Anna, được Chúa soi động, đã nhận ra Con Trẻ là Đấng Thiên Sai hằng đợi trông và nói tiên tri về Người. Chúng ta đang ở trước một mầu nhiệm, vừa đơn sơ lại vừa trọng đại, được Giáo Hội cử hành để tưởng kính Chúa Kitô là Đấng Xức Dầu của Cha, là trưởng tử của tân nhân loại.

 

Việc rước nến sáng đầy ý nghĩa để mở đầu cho việc chúng ta cử hành đây đã làm cho chúng ta sống lại việc uy nghi tiến vào, như chúng ta đã hát trong bài Đáp Ca, của Đấng là “Vua vinh hiển”, là “Chúa, uy hùng chiến đấu” (Ps 24[23]:7,8). Thê nhưng vị Thiên Chúa uy quyền đang tiến vào đền thờ ấy là ai? Đó là một Con Trẻ; đó là Hài Nhi Giêsu trong tay Mẹ của Người là Trinh Nữ Maria. Thánh Gia tuân hợp những gì Luật qui định, đó là việc thanh tẩy người mẹ, việc hiến dâng người con trai đầu lòng cho Thiên Chúa và việc Ngài cứu chuộc bằng một lễ vật hy sinh. 

 

Ở Bài Đọc Thứ Nhất, Phụng Vụ nói về các lời của Tiên Tri Malachi: “Chúa… sẽ bất chợt tới đền thờ” 3:1). Những lời này cho thấy tính cách hết sức thiết tha của ước muốn sống động chờ mong của Dân Do Thái qua các thế kỷ. Cuối cùng “vị thiên thần của Giao Ước” này đã tiến vào nhà của Người và tuân phục Lề Luật: Người đã đến Giêrusalem để tiến vào nhà của Thiên Chúa bằng một thái độ tuân phục.

 

Ý nghĩa của tác động này đòi phải có một cái nhìn bao rộng nơi đoạn Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái ở Bài Đọc Thứ Hai hôm nay. Chúa Kitô, vị trung gian hiệp nhất Thiên Chúa và con người, Đấng được trình bày cho chúng ta thấy ở đây là Đấng triệt tiêu những cách biệt, loại trừ mọi chia rẽ và phá đổ mọi bức tường phân ngăn. 

 

Chúa Kitô đến như một vị tân “thượng tế nhân hậu và tín trung trong việc phụng vụ Thiên Chúa, để đền bồi tội lỗi của dân” (Heb 2:17). Bởi thế, chúng ta thấy rằng việc môi giới với Thiên Chúa không còn tính cách tách biệt linh thánh nơi vai trò linh mục xưa kia nữa, mà là tính cách liên kết giải phóng nơi loài người.

 

Tuy nhiên, khi còn là một Con Trẻ, Người bắt đầu đường lối tuân phục Người đã theo cho đến cùng. Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái nhấn mạnh đến điều này rất rõ ràng qua những lời sau đây: “Khi còn sống trên trần gian này Chúa Giêsu đã dâng lời nguyện cầu và khẩn nài … lên Đấng có thể cứu Người khỏi chết…. Mặc dù là Con, Người cũng đã biết tuân phục qua những gì Người phải chịu; và khi hoàn tất Người đã trở nên căn nguyên cứu độ đời đời cho tất cả những ai vâng phục Người” (x 5:7-9).

 

Con người đầu tiên được liên kết với Chúa Kitô trên con đường tuân phục, con đường chứng tỏ niềm tin và thông phần đau khổ là Maria Mẹ của Người. Bài Phúc Âm phác tả Mẹ nơi tác động hiến dâng Con của Mẹ: một việc vô tư hiến dâng liên quan tới chính bản thân Mẹ.

 

Mẹ Maria là Mẹ của Đấng là “vinh hiển của Yến Duyên dân Người” và là “ánh sáng chiếu soi Dân Ngoại”, thế nhưng, cũng là “dấu hiệu chống đối” (x Lk 2:32,34). Và nơi linh hồn vô nhiễm của mình, chính Mẹ đã bị lưỡi gươm sầu thương đâm thâu, bởi thế cho thấy rằng vai trò của Mẹ nơi lịch sử cứu độ không chấm dứt ở mầu nhiệm Nhập Thể mà được hoàn tất nơi việc tham dự yêu thương lẫn sầu thương vào cuộc tử nạn và Phục Sinh của Con Mẹ.

 

Mang Con mình lên Giêrusalem, Người Trinh Mẫu này đã hiến dâng Người lên Thiên Chúa như là một Con Chiên thực sự xóa tội trần gian. Mẹ trao Người cho ông Simêon và bà Anna như tác động loan báo ơn cứu chuộc; Mẹ trao tặng Người cho tất cả mọi người như ánh sáng cho cuộc hành trình an toàn trên con đường chân thật và yêu thương.

 

Những lời xuất phát từ môi miệng của vị lão thành Simeon “Mắt tôi đã được thấy ơn cứu độ của Chúa” (Lk 2:30), là những gì đã vang vọng nơi cõi lòng của nữ tiên tri Anna. Những con người tốt lành và đạo hạnh này, được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, đã có thể thấy được nơi Con Trẻ Giêsu “niềm an ủi của Yến Duyên” (Lk 2:25). Bởi thế mà niềm trông đợi của họ đã được biến thành ánh sáng chiếu soi lịch sử.

 

Ông Simêon là con người ôm ấp niềm hy vọng và Thần Linh Chúa đã nói với tâm can của ông: đó là lý do ông có thể chiêm ngưỡng Đấng được nhiều vị tiên tri và quốc vương muốn được nhìn thấy: Chúa Kitô là ánh sáng soi Dân Ngoại.

 

Ông nhận ra rằng Con Trẻ ấy là Đấng Cứu Thế, thế nhưng ông đã thấy trước nhờ Thần Linh là định mệnh của nhân loại sẽ diễn tiến chung quanh Người và Người phải chịu khổ đau thật nhiều bởi những kẻ loại trừ Người; ông đã loan báo căn tính và sứ vụ của Đấng Thiên Sai bằng những lời lẽ làm nên một trong những bài thánh thi ca của Giáo Hội tân sinh, một bài thánh thi ca rạng ngời niềm hỉ hoan thông hiệp và cánh chung về việc hoàn trọn niềm trông đợi ơn cứu độ. Tính cách nhiệt liệt hỉ hoan ấy lớn lao đến nỗi sống và chết chỉ là một và như nhau, và “ánh sáng” cùng “hiển vinh” chỉ là một tỏ hiện phổ quát.

 

Bà Anna là một “nữ tiên tri”, một người phụ nữ khôn ngoan và đức hạnh đã giải thích ý nghĩa sâu xa của các biến cố lịch sử cũng như của sứ điệp Thiên Chúa được gói ghém nơi những biến cố này. Bởi thế, bà có thể “dâng lời tạ ơn Thiên Chúa” và “nói về Con Trẻ này cho tất cả mọi người ngóng trông ơn cứu chuộc Gia-Liêm” (Lk 2:38).

 

Tình trạng góa bụa lâu đời của bà giành cho việc thờ phượng trong đền thờ, việc trung thành chay tịnh hằng tuần và thông phần trông đợi của những ai mong ơn cứu chuộc Yến Duyên, là những gì đã lên tới tột đỉnh qua việc bà được gặp gỡ Con Trẻ Giêsu.

 

Anh chị em thân mến, trong ngày lễ Dâng Chúa đây Giáo Hội cử hành Ngày Đời Tận Hiến. Đây là một cơ hội thích hợp để chúc tụng Chúa và tạ ơn Ngài về quà tặng qúi báu nơi đời tận hiến qua các hình thức khác nhau của nó; đồng thời cơ hội này cũng là một động lực phấn khích nơi tất cả Dân Chúa việc hiểu biết và cảm nhận đối với những ai hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa.

 

Thật vậy, như cuộc sống của Chúa Giêsu được tỏ ra nơi việc Người tuân phục và hiến thân cho Chúa Cha là một dụ ngôn sống động về việc “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” thế nào, thì việc hiến thân cụ thể của những con người tận hiến cho Thiên Chúa cũng như cho anh chị em của mình trở thành một dấu hiệu hùng hồn cho thế giới ngày nay thấy được sự hiện diện của Nước Chúa.

 

Cách sống và hoạt động của anh chị em có thể sống động diễn đạt việc anh chị em hoàn toàn thuộc về vị Chúa duy nhất này; việc dứt khoát phó mình trong tay Chúa Kitô và Giáo Hội là một lời mạnh mẽ và rõ ràng công bố về việc hiện diện của Thiên Chúa với một ngôn từ có thể hiểu được đối với những người đương thời của chúng ta. Đó là việc phục vụ đầu tiên đời tận hiến cống hiến cho Giáo Hội cũng như cho thế giới.

 

Con người tận hiến giống như thành phần canh gác giữa Dân Chúa, thành phần nhận thấy và loan báo sự sống mới đã hiện diện trong lịch sử của chúng ta.

 

Anh chị em thân mến, những người ôm ấp ơn gọi tận hiến riêng, giờ đây tôi đặc biệt nói cùng anh chị em, tôi thân ái chào anh chị em và nồng nàn cám ơn việc hiện diện của anh chị em đây.

 

Tôi gửi lời chào đặc biệt tới Đức Tổng Giám Mục Franc Rodé, tổng trưởng Thánh Bộ Các Hội Dòng Sống Đời Tận Hiến và Các Hội Sống Đời Tông Đồ, cũng như tới những vị cộng tác viên của ngài đang đồng tế với tôi trong Thánh Lễ này.

 

Xin Chúa canh tân nơi anh chị em cũng như trong tất cả mọi người sống đời tận hiến mỗi ngày việc hân hoan đáp ứng tình yêu thương nhưng không và trung tín của Người. Anh chị em thân mến, như những cây nến được thắp sáng, luôn luôn chiếu sáng tình yêu Chúa Kitô ở khắp mọi nơi, Đấng là Ánh Sáng thế gian. Xin Mẹ Maria Rất Thánh, Người Nữ tận hiến, giúp anh chị em sống trọn ơn gọi và sứ vụ đặc biệt của anh chị em trong Giáo Hội cho phần rỗi của thế giới.

 

Amen!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/index_en.htm

 

 

 

TOP

 

 

?  Thánh Địa: Palestine thành lập chính phủ Hamas – Do Thái tuyên bố không chơi với chính phủ khủng bố

 

Theo CNN, qua bài “Hamas lawmakers sworn in” phổ biến hôm Thứ Bảy 18/2/2006, và bài “Israel PM rules out Hamas contacts”ngày Chúa Nhật 19/2, tình hình Thánh Địa diễn tiến giữa đôi bên Palestine và Do Thái như sau.

 

Về phía Palestine, đương kim Tổng Thống Mahmoud Abbas, hôm Thứ Bảy 18/2/2006, trong phiên họp khai mở của quốc hội đa số là Đảng Hamas 74/132 ghế), sau khi các tân lập pháp viên tuyên thệ, đã yêu cầu Hamas thành lập chính phủ tương laic ho Palestine, nhưng yêu cầu những tay hiếu chiến Hồi Giáo nhìn nhận những dự án hòa bình đang có và theo chiều hướng chính sách ôn hòa của ông, bao gồm cả việc điều đình với Do Thái, như là một “sự lựa chọn về sách lược … duy nhất” của người Palestine.

 

Thế nhưng, cũng vào cùng ngày, Hamas đã cự tuyệt những yêu cầu của vị đương kim tổng thống này, quyết không theo những gì vị tổng thống này đề ra cho họ. Họ sẽ hủy diệt Do Thái, chống lại dự án hòa bình của thập niên 1990 và không chịu tỏ ra ôn hòa, bất chấp áp lực của quốc tế và những đe dọa dữ dội của Do Thái, kể cả việc bị Do Thái phong tỏa Giải Gaza.

 

Thế nhưng, vị được nhóm này chọn ra để làm thủ tướng là Ismail Haniyeh đã nói là Hamas không tìm cách đối chọi và sẽ cố gắng tiến đến chỗ dung hòa với tổng thống Abbas. Haniyeh là vị lãnh đạo của nhóm Hamas ở Gaza, người đã làm liên lạc viên giữa Hamas và Thẩm Quyền Palestine.

 

Vị đương kim tổng thống Abbas cho biết: “Hamas sẽ được yêu cầu thành lập tân chính phủ. Phần tôi, quí vị sẽ thấy được tất cả việc cộng tác và phấn khích cần thiết, vì lợi ích của đất nước chúng ta là mục đích tiên khởi và sau cùng của chúng ta và là những gì ở bên trên bất cứ bè phái riêng tư nào”.

 

Ông cũng cảnh giác nhóm Hamas rằng “Chúng ta không chấp nhận và sẽ không chấp nhận bất cứ chất vấn nào về ‘tính cách hợp lý’ của Bản Hiệp Ước (Oslo). Thật vậy, ngay từ giây phút bản hiệp ước ấy được chấp thuận thì nó đã trở thành một thực tại chính trị chúng ta cần phải nắm giữ”.

 

Ngoài ra, ông cũng nói rằng chính quyền Palestine cần phải theo các chính sách của ông: “Chúng ta, với tư cách là tổng thống và chính quyền, sẽ tiếp tục dấn thân thực hiện tiến trình thương thảo như là sự chọn lựa duy nhất về chính trị, thực dụng và sách lược nhờ đó chúng ta gặt hái được hoa trái trong cuộc đấu tranh và hy sinh của chúng ta qua những thập niên dài”.

 

Cuộc họp quốc hội này đã được tổ chức cùng một lúc ở Thành Phố Gaza và thành phố Tây Ngạn ở Ramallah với hệ thống hội nghị viễn ảnh, vì Do Thái ngăn cản các nhà lập pháp Palestine đi lại giữa hai thành phố này.

 

Khoảng chừng 2 ngàn nhà ngoại giao và các vị VIP tập trung ở khu của chính quyền Gaza để theo dõi cuộc họp này, có cả 100 phụ nữ với khăn trùm mặt thuộc Khối Hiệp Nhất của Nữ Giới Hamas. Nhóm Hamas có 5 tuần lễ để thành lập chính quyền.

 

Trước khi phiên họp diễn ta mấy tiếng ở Gaza có khoảng 200 nhân viên cảnh sát Palestine mang súng ống, một số bắn chỉ thiên, diễn hành đến khu vực hội họp, yêu cầu trả tiền lương cho họ từ khi họ được thuê mước 2 tháng trước đây.

 

Có khoảng 800 nhân viên cảnh sát giữ an ninh cho khu vực hội họp này, giữ cho nhóm xuống đường ở khoảng cách 300 mét. Ai vào nơi hội họp này đều bị khám xét.

 

Quyền Thủ Tướng Do Thái là ông Ehud Olmert hôm Chúa Nhật đã nói rằng chính phủ của ông sẽ không liên hệ với bất cứ chính quyền Palestine nào có sự tham gia của nhóm Hamas, và hội đồng nội các nước này cũng ngưng việc chuyển ngân quĩ cho chính quyền Palestine.

 

Trong cuộc họp với hội đồng nội các của mình, ông Olmert nói: “Thẩm Quyền Palestine thực sự trở thành một thẩm quyền khủng bố… Do Thái sẽ không đồng ý với sự kiện này. Do Thái sẽ không thỏa hiệp với khủng bố và sẽ tiếp tục tận dụng chiến đấu với nó. Tuy nhiên, chúng ta không có ý tác hại tới các nhu cầu nhân đạo của nhân dân Palestine. Do Thái sẽ không giữ liên hệ với một chính quyền có sự tham dự của Hamas, dù là một phần nhỏ, phần lớn hay một chính”.

 

Hội đồng nội các Do Thái cũng quyết định ngưng ngay việc chuyển ngân quĩ cho Thẩm Quyền Palestine, thay vì đợi cho tới khi Hamas thành lập chính quyền xong. Thế nhưng, việc ngưng chuyển ngân quĩ này không ảnh hưởng gì tới việc chuyển ngân quĩ cho các cơ quan nhân đạo. Ngoài ra, bộ nội các này quyết định không áp đặt những việc trừng phạt khác, bao gồm cả việc ngăn chặn các công nhân Palestine, việc phong tỏa Gaza, và ngưng bất cứ dự án nào của Do Thái trong việc phát triển Gaza.

 

Người được nhóm hiếu chiến Hồi Giáo chọn để làm tân thủ tướng Palestine là vị lãnh đạo cao cấp Hamas tên là Ismail Haniyeh, một nhân vật tương đối ôn hòa.

 

Hoa Kỳ, Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Do Thái chủ trương muốn thực hiện vấn đề đàm phán hòa bình, Hamas cần phải từ bỏ bạo lực và phải công nhận quốc gia Do Thái. Thế nhưng nhóm Hamas cương quyết không chịu.

 

Phần vị đương kim Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine là Abbas, một đàng kêu gọi Hamas chấm dứt “cái vòng bạo động” với Do Thái, đàng khác cũng ngầm nói với bên Do Thái là “nếu có ai nghĩ rằng thứ biện pháp này là những gì bắt nhân dân chúng tôi phải qui hàng thì họ đang bị lầm lạc”, và cảnh giác Do Thái là đừng nại cớ Hamas chiến thắng mà trở nên hung dữ hơn với dân Palestine. 

 

Ông nói ông sẽ cố gắng hoạt động cho nền an ninh của nhân dân Palestine, và nói rằng ông sẽ phủ bác bất cứ nỗ lực nào của Do Thái muốn loại trừ người Hồi Giáo khỏi Gia Liêm. Những người Palestine cho biết họ hướng tới một quốc gia Palestine có thủ đô ở phía Đông thành Giêrusalem.

 

Tổng Thống Hamas nói rằng “Thái độ lì lợm của Do Thái về thành Giêrusalem sẽ không ngăn cản chúng tôi việc làm hiện thực mục tiêu của chúng tôi, đó là việc thiết lập 2 quốc gia Palestine và Do Thái”.

 

Nhóm Hamas hiểu được chủ trương của tổng thống Hamas đối với Do Thái, song họ vẫn không có ý định từ bỏ chủ trương chống Do Thái, như phát ngôn viên Sami Abu Zuhri nói: “Chúng tôi đã công bố chủ trương của chúng tôi ngay từ đầu và không có vấn để đổi thay”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL 

   

TOP

 

 

? Tiếp Tục Nỗ Lực Giải Cứu Nạn Nhân Bùn Lụt ở Phi Luật Tân

 

Hôm Thứ Hai 20/2/2006, trong bài “'Signs of life' heard at buried school”, mạng điện toán toàn cầu CNN đã cho biết nỗ lực giải cứu các nạn nhân bị bùn lụt ở khu làng Guinsaugon nước Phi Luật Tân được tiếp tục diễn tiến, nhất là tại ngôi trường tiểu học của khu làng này, bằng những máy móc tối tân, bao gồm cả máy phát điện để có thể làm việc cả ban đêm, nhất là các bộ phận thám thính âm thanh.

 

Theo hãng thông tấn AP thì vị thống đốc của hạt Nam Leyte là Rosette Lerias hôm Thứ Hai đã nói là vào lúc 5 giờ chiều nhóm giải cứu đã nghe thấy “một tiếng đập nhịp nhàng nhè nhẹ”. Thế rồi 2 tiếng đồng hồ, ông nói tiếp, “chúng tôi đã nhận được tin là có những dấu hiệu tốt đẹp hơn cho thấy sự sống còn đó. Như thế là đủ cho tôi cảm thấy đáng mỉm cười và thoải mái rồi”.

 

Đại tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ Riachard Neikirk đã cho AP biết rằng “Chúng tôi biết rằng có một cái gì đó ở bên dưới. Càng đào sâu càng thấy rõ hơn các dấu hiệu”. Nhóm Mã lai cũng thấy như thế: “Chúng tôi nghe thấy tiếng động. Giống như tiếng gõ cửa vậy”.

 

Đại Úy Burrell Parmer, một phát ngôn viên cho Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tham dự cuộc giải cứu này cho biết “Chúng tôi chưa cứu được một người sống sót nào”. Lời xác nhận này đã điều chỉnh lại tin tức được chính quyền Phi Luật Tân cho biết lực lượng Hoa Kỳ đã cứu được 50 người ở khu vực ngôi trường tiểu học này.

 

Đại Úy Parmer nói tiếp: “Toán lính của chúng tôi đã tìm thấy những xác chết. Họ đào bới bằng tay của mình và đặt những thi thể ấy vào các bao xác”.

 

Cho tới nay đã tìm thấy 100 xác chết, như cơ quan cứu nguy Phi Luật Tân PDRT cho biết hôm Chúa Nhật 19/2/2006. Con số tử vong có thể lên tới cả ngàn người, vì danh sách bị mất tích là 1.037 người, như được vị giám đốc của Hồng Thập Tự Phi Luật Tân là Richard Gordon cho biết. Cũng vị này cho biết từ hôm Thứ Sáu tới giờ chưa tìm thấy một người nào sống sót cả. Có ít là 35 người bị thương.

 

Nhóm cứu nguy qui tụ quân đội Hoa Kỳ, chuyên viên Mã Lai và nhân viên hầm mỏ Phi Luật Tân đã nỗ lực thực hiện việm tìm kiếm, nhưng cuốc xẻng và bản đồ vẽ bằng tay, cùng với mưa lớn, bùn sâu và cơn giông có thể xẩy ra lại càng làm cho hy vọng cứu sống trở thành mong manh.

 

Cơ Quan Liên Hệp Quốc Nhận Đạo Vụ hứa cứu trợ 50 ngàn Mỹ kim, Hội Đồng Giám Đốc Hồng Thập Tự tặng 2 triệu Mỹ kim, Hội Hồng Thập Tự Đan Mạch hứa cho 200 ngàn Mỹ kim và nhóm cứu trợ Áo quốc cho 740 ngàn Mỹ kim, còn Hoa Kỳ cho khoảng 50 ngàn Mỹ kim. Chính phủ Phi Luật Tân xin Hoa Kỳ cung cấp nước uống, đồ ăn, giấy ống, chăn mền và dụng cụ xới đất.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ