GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 24/2/2006

Tuần VII Thường Niên

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: Nguyên Văn Huấn Từ ngỏ cùng Thành Phần Phục Vụ Pháp Đình Rota Roma dịp khai mở pháp niên 2006 tại Sảnh Đường Clementine (tiếp)

?  ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý cho Buổi Triều Kiến Chung về Ý Nghĩa cùng Lịch Sử của Ngai Tòa Phêrô 22/2/2006 và Thông Báo 15 Tân Hồng Y, trong đó, một vị đã ngỏ lời cám ơn ĐTC

?   Iraq: Bùng Nổ Nội Chiến…?

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: Nguyên Văn Huấn Từ ngỏ cùng Thành Phần Phục Vụ Pháp Đình Rota Roma dịp khai mở pháp niên 2006 tại Sảnh Đường Clementine

 

Quí Vị Kiểm Tra, Viên Chức và Hợp Tác Viên của Pháp Đình Rota Tòa Thánh Roma

 

(tiếp 23 Thứ Năm)

 

Những thủ tục theo giáo luật để hủy hôn chính yếu là phương tiện để bảo đảm sự thật về mối liên hệ phối ngẫu. Bởi thế, mục đích xây dựng của nó không được làm cho đời sống tín hữu trở thành phức tạp một cách vô ích, lại càng không làm tăng thêm việc tranh chấp kiện tụng của họ, mà là để phục vụ sự thật.

 

Ngoài ra, cơ cấu xét xử nói chung tự nó không phải là một phương tiện để làm thỏa mãn bất cứ một thứ khuynh hướng nào, mà là một khí cụ xứng đáng trong việc đáp ứng nhiệm vụ của đức công bằng để cống hiến cho mỗi người những gì xứng với họ. 

 

Chính vì cơ cấu thiết yếu của mình mà việc xét xử thiết lập vì công lý và cho hòa bình. Thật thế, mục đích của các thủ tục là để công bố về sự thật bởi phía bất thiên vị thứ ba, sau khi đôi bên đã có cơ hội như nhau để trình bày lý lẽ và chứng cớ của mình hầu rộng đường bàn luận. Cuộc trao đổi ý nghĩ này bình thường là những gì cần thiết nếu vị thẩm phán muốn khám phá ra sự thật, nhờ đó, mới đi đến phán quyết chính trực. Bởi thế, hết mọi cơ chế xét xử cần phải nỗ lực để bảo đảm tính chất khách quan, nhanh chóng và hiệu năng nơi những quyết định của các vị thẩm phán.

 

Cả ở lãnh vực này nữa, mối liên hệ giữa đức tin và lý trí là những gì hết sức quan trọng. Nếu trường hợp xẩy ra tương hợp với lý trí đúng đắn, thì sự kiện Giáo Hội sử dụng những thủ tục pháp lý để giải quyết các vấn đề liên giáo hội có tính cách pháp lý thì không thể nào lại gây ra ngạc nhiên cả. Bởi thế mới có một truyền thống giờ đây đã trải qua bao thế kỷ và là truyền thống đã được bảo trì trong thời đại của chúng ta đây nơi các tòa án của giáo hội trên khắp thế giới.

 

Hơn nữa, cần phải nhớ rằng vào thời luật cổ điển thời trung cổ, giáo luật đã góp phần quan trọng vào việc làm trọn hảo cơ cấu tổ chức của chính việc xét xử.

 

Việc áp dụng luật ấy trong Giáo Hội, trước hết và trên hết, liên quan tới những trường hợp, vì vấn đề không được giải quyết, đôi bên có thể tiến tới một thỏa hiệp ổn định việc tranh chấp của họ, thế những vì những lý do khác nhau nó đã không xẩy ra.

 

Khi tìm cách quyết định những gì là đúng, chẳng những phải sử dụng tới các thủ tục không nhắm tới chỗ làm gia tăng những gì xung khắc, mà tìm cách làm cho những xung khắc ấy trở thành nhân bản hơn, bằng việc tìm kiếm những giải pháp khách quan thích đáng cho những đòi hỏi của công lý.

 

Dĩ nhiên, giải quyết này tự nó vẫn chưa đủ, vì con người cần yêu thương, nhưng khi bất khả tránh, thì vẫn cần phải theo đúng hướng.

 

Thật vậy, các việc xét xử cũng có thể bao gồm những vấn đề mà việc ổn định chúng vượt ngoài cả phạm vi của thành phần liên quan, vì những vấn đề ấy liên quan tới các thứ quyền lợi của toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Tiến trình tuyên bố hủy hôn thực sự là thích hợp trong bối cảnh ấy: Thật vậy, hôn nhân theo chiều kích song hành của nó – tự nhiên và bí tích – không phải là những gì đôi phối ngẫu có thể tùy ý quyết định, hay, căn cứ vào tính chất xã hội và công khai của nó, không thể nghĩ ra một hình thức tự quyết nào đó.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/2/2006

 

TOP

 

 ?  ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý cho Buổi Triều Kiến Chung về Ý Nghĩa cùng Lịch Sử của Ngai Tòa Phêrô 22/2/2006 và Thông Báo 15 Tân Hồng Y, trong đó, một vị đã ngỏ lời cám ơn ĐTC

 

Loạt 166 bài giáo lý về việc nguyện cầu bằng Thánh Vịnh của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II theo chiều hướng duc in altum – ra chỗ nước sâu thả lưới bắt cá tiếp ngay sau Đại Năm Thánh 2000 khi Giáo Hội đã bước qua ngưỡng cửa năm 2000 để tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô Giáo, loạt bài được bắt đầu từ ngày 28/3/2001 đến 15/2/2006, gần 5 năm trời, trong đó, từ bài 132 ngày 4/5/2005, vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã tiếp tục cho tới hết.

 

Giờ đây, Thứ Tư 22/2/2005, đúng vào ngày Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô, để bắt đầu những gì ngài muốn chia sẻ vào các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần này, một buổi triều kiến chung đã được Đức Gioan Phaolô I nẩy lên sáng kiến muốn lợi dụng để giảng dạy giáo lý, và sáng kiến này đã được Đức Gioan Phaolô II tiếp nối trong suốt giáo triều dài 26 năm rưỡi của ngài, vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI đương kim của chúng ta đã mở màn bằng bài giáo lý về ý nghĩa Ngai Tòa Thánh Phêrô, tại Sảnh Đường Phaolô VI, nguyên văn sau đây:

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Hôm nay phụng vụ lễ nghi Latinh cử hành lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô. Đây là một truyền thống rất cổ, được lịch sử ghi nhận ở Rôma từ cuối thế kỷ thứ 4, một truyền thống để tạ ơn Thiên Chúa về sứ vụ được trao phó cho Tông Đồ Phêrô cũng như cho những Vị Thừa Kế ngài.

 

Chữ ‘cathedra’ theo nghĩa đen là tòa của vị giám mục ở giáo hội mẹ trong một giáo phận, bởi thế mới được gọi là ‘cathedral’, và tòa này là biểu hiểu cho quyền bính của vị giám mục, nhất là cho ‘Huấn Quyền’ của ngài, hay giáo huấn phúc âm được ngài, với tư cách là vị thừa kế các Tông Đồ, được kêu gọi để bảo vệ và truyền đạt cho cộng đồng Kitô hữu.

 

Khi vị giám mục cai quản Giáo Hội địa phương được trao phó cho ngài, thì ngài, khi mang mũ tế và gậy chăn của vị mục tử, ngôi trên tòa này. Từ tòa này mà ngài hướng dẫn cuộc hành trình của người tín hữu trong đức tin, đức cậy và đức mến, như là một thày dạy và là mục tử.

 

Vậy thì tại sao ‘ngai tòa’ này lại liên quan tới Thánh Phêrô? Ngài, vị được Chúa Kitô chọn làm ‘tảng đá’ để xây Giáo Hội (x Mt 16:18), đã bắt đầu thừa tác vụ của mình ở Giêrusalem, sau khi Chúa Giêsu thăng thiên và Thánh Thần hiện xuống. ‘Ngai tòa’ đầu tiên này của Giáo Hội là Nhà Tiệc Ly, và rất có thể là nơi căn phòng ấy, Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, cũng cùng nguyện cầu với các môn đệ, có một nơi đặc biệt giành riêng cho Simon Phêrô.

 

Sau đó, tòa Thánh Phêrô là Antiokia, một thành phố tọa lạc trên bờ Sông Oronte ở Syria, ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, một thành phố, vào thời bấy giờ, là nơi đô hội đứng thứ ba của Đế Quốc Rôma sau Rôma và Alexandria ở Ai Cập. Thánh Phêrô là vị Giám Mục đầu tiên ở thành phố ấy, một thành phố được Thánh Banabê và Phaolô truyền bá phúc âm hóa, nơi “lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu” (Acts 11:26).

 

Thật vậy, Danh Sách Tử Đạo, trước thời niên lịch được đổi mới, cũng cho thấy có việc đặc biệt mừng kính Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Antiôkia. Từ đó, Chúa Quan Phòng đã dẫn ngài tới Rôma là nơi ngài đã kết thúc bằng cuộc tử đạo cuộc hành trình của ngài trong việc phục vụ Phúc Âm. Đó là lý do ngai tòa Rôma, một ngai tòa có được vinh dự đệ nhất, cũng nhận được trách nhiệm được Chúa Kitô ủy thác cho Thánh Phêrô trong việc phục vụ tất cả mọi Giáo Hội riêng, hầu xây dựng và hiệp nhất toàn thể Dân Chúa.

 

Bởi thế, Tòa ở Rôma được coi là tòa của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, và ‘ngai’ của vị Giám Mục Rôma là những gì tiêu biểu cho ngai của vị tông đồ được Chúa Kitô ký thác cho việc chăn dưỡng tất cả đàn chiên của Người. (Biệt chú riêng của người dịch bản Việt ngữ này ở đây là phải chăng cụm từ ‘Tòa Thánh Rôma’ là danh xưng được gọi tắt từ ‘Tòa của Thánh Phêrô ở Rôma’?). Hầu hết các vị Giáo Phụ của Hội Thánh đã chứng thực như thế, chẳng hạn như Thánh Irenaeus, giám mục Lyon, trong luận đề ‘Chống Lại Các Lạc Giáo’, đã diễn ta Giáo Hội ở Rôma là một Giáo Hội “cao cả nhất và cổ kính nhất, được mọi người công nhận; … được thiết lập và cấu tạo ở Rôma bởi hai Vị Tông Đồ hiển vinh là Thánh Phêrô và Phaolô”; vị giáo phụ cnày còn thêm: “Vì tính cách cao cả chủ yếu của mình, mà với Giáo Hội này, Giáo Hội hoàn vũ cần phải hòa hợp với tín hữu ở khắp nơi” (III, 3, 2-3).

 

Về phần mình, Tertullian đã khẳng định là “Giáo Hội ở Rôma diễm phúc biết bao! Chính các Vị Tông Đồ đã chiếu sáng trên Giáo Hội này toàn bộ tín lý bằng máu của các ngài ("La Prescrizione degli Eretici," 36). Bởi thế mà Tòa Giám Mục Rôma tiêu biểu cho chẳng những việc ngài phục vụ cộng đồng Rôma mà còn tiêu biểu cho sứ vụ của ngài trong việc hướng dẫn toàn Dân Chúa nữa.

 

Việc cử hành ‘Ngai Tòa’ Thánh Phêrô, như chúng ta làm hôm nay đây, bởi thế có nghĩa là hiến cho ngai tòa này một tầm quan trọng thiêng liêng mạnh mẽ, và qua cống hiến này, nhận ra dấu hiệu đặc biệt của tình yêu Thiên Chúa, Vị Mục Tử nhân lành và hằng hữu, Đấng muốn liên kết toàn thể Giáo Hội của Người lại và dẫn Giáo Hội theo con đường cứu độ.

 

Trong số rất nhiều chứng từ của các Vị Giáo Phụ, tôi muốn nói đến chứng từ của Thánh Giêrônimô, chứng từ được trích từ bức thư ngài gửi cho Giám Mục Rôma, đặc biệt hay ho, vì ngài thực sự minh nhiên nhắc đến ‘ngai tòa’ Thánh Phêrô, cho ngai tòa này như là một hải cảng an tòan của chân lý và bình an. Thánh Giêrônimô viết: ‘Con muốn tham vấn với ngai tòa Thánh Phêrô, nơi đức tin được tuyên xưng bởi môi miệng của một Vị Tông Đồ; bởi vậy con đến để được bồi dưỡng cho linh hồn con ở đó, nơi mà ngài đã lãnh nhận tấm áo của Chúa Kitô. Con không theo một vị lãnh đạo nào khác ngoài Chúa Kitô, bởi thế mà con được thông công ân phúc của ngài, tức là thông công với Ngai Tòa Thánh Phêrô, vì con biết rằng đó là tảng đá làm nền móng xây dựng Giáo Hội!’ ("Le Lettere," I, 15,1-2).  

 

Anh Chị Em thân mến, trong hậu cung của Đền Thờ Thánh Phêrô đây, như anh chị em biết, là ngôi đền của Ngai Tòa Vị Tông Đồ này, một công trình điêu luyện của Bernini, kiến trúc theo hình một chiếc ngai lớn bằng đồng, chiếc ngai được nâng đỡ bởi 4 pho tượng 4 vị Tiến Sĩ của Giáo Hội, 2 vị Tây Phương là Thánh Âu Quốc Tinh và Ambrosiô, và hai vị Đông Phương là Thánh Gioan Kim Khẩu và Athanasia.


Tôi kêu gọi anh chị em hãy dừng lại trước công trình đầy cảm kích này, một công trình đáng ca ngợi mà hôm nay đây được trang hoàng rất nhiều cây nến, và hãy nguyện cầu đặc biệt cho thừa tác vụ Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi. Hướng mắt về phía cửa sổ kính bằng thạch cao tuyết hoa mở ra ngay trên ngai tòa này, anh chị em hãy xin Thánh Linh để Ngài nâng đỡ tôi bằng ánh sáng và sức mạnh của Ngài trong việc tôi hằng ngày phục vụ toàn thể Giáo Hội. Tôi hết lòng cám ơn anh chị em.

(Trước mỗi buổi triều kiến chung bằng tiếng Ý, ĐTC bao giờ cũng tóm tắt lại những ý tưởng chính bằng tiếng Anh như sau:)

 

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô. Đây là một lễ cổ xưa, từ hồi thế kỷ thứ 4, một lễ tạo ơn Thiên Chúa về sứ vụ được trao phó cho Thánh Phêrô cùng những vị thừa kế của ngài.

 

‘Tòa’ đầu tiên của Giáo Hội là Nhà Tiệc Ly, nơi rất có thể có một chỗ đặc biệt giành riêng cho Simon Phêrô. Từ đó, ‘tòa’ của Thánh Phêrô được chuyển tới Antiokia là nơi Ngài là Vị Giám Mục tiên khởi, và rồi từ đó, Đấng Quan Phòng đã dẫn Thánh Phêrô đến Rôma là nơi việc ngài phục vụ đã được tôn vinh bằng cuộc tử đạo.

 

Nhờ đó, Rôma đã được công nhận là ‘Tòa’ (Seat) của thành phần thừa kế Thánh Phêrô, và ‘ngai’ (cathedral) của vị Giám Mục Rôma, như biểu hiệu cho sứ vụ được Chúa Kitô ký thác cho ngài trong việc chăn dắt tất cả đàn chiên của Người. Trong việc mừng ‘Ngai Tòa’ (Chair) Thánh Phêrô như thế là chúng ta nhìn nhận tầm quan trọng thiêng liêng của ngai tòa này; Nó là dấu hiệu đặc biệt của tình yêu Thiên Chúa – Vị Mục Tử nhân lành và hằng hữu – Đấng hướng dẫn toàn thể Giáo Hội trên con đường cứu độ. Thánh Giêrônimô nói: ‘Con không theo một vị lãnh đạo nào khác ngoài Chúa Kitô, bởi thế con tham vấn ngai tòa Thánh Phêrô, vì con biết rằng đây là tảng đá nền tảng để dựng xây Giáo Hội!”’

 

Hôm nay tôi kêu gọi anh chị em hãy viếng thăm ngôi đền ‘ngai’ Thánh Phêrô đặc biệt được trang hoàng ở trong Đền Thờ Phêrô. Ở đó, tôi xin anh chị em hãy nguyện cầu cùng Thánh Linh soi sáng cho tôi và nâng đỡ tôi trong việc phục vụ Giáo Hội. Cám ơn anh chị em và xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!

 

Cuối buổi triều kiến chung này, ngài dùng tiếng Latinh để kêu gọi học tiếng Latinh với sinh viên thuộc phân khoa Văn Chương Kitô Giáo và Cổ Điển Đại Học Giáo Hoàng Salesian ở Rôma như sau:

 

“Các vị tiền nhiệm của tôi có lý để khuyến khích học thứ ngôn ngữ trọng đại này, để đạt được sự hiểu biết hơn nữa về tín lý hay ho được chất chứa nơi các khoa về giáo hội và nhân bản. Cũng thế, tôi khuyến khích hãy tiếp tục hoạt động này, để nhiều người bao nhiêu có thể thấy được tầm quan trọng của kho tàng này và đạt được nó”.

 

Cuối cùng, cũng nhân dịp lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô này, ngài đã công bố tên tuổi của 15 vị hồng y mới trước khi kết thúc buổi triều kiến chung hôm nay. Sau mật nghị hồng y ngày 24/3/2006 tới đây, con số hồng y sẽ là 193, trong đó có 120 vị dưới 80 tuổi. Nguyên văn của Đức Thánh Cha liên quan tới việc tân thăng phẩm tước này như sau:

 

Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô là ngày đặc biệt thích hợp để loan báo là, vào ngày 24/3/2006 tới đây, tôi sẽ triệu tập một mật nghị hồng y để bổ nhiệm các phần tử mới cho Hồng Y Đoàn.

 

Việc loan báo này thật là thích hợp với khung cảnh của Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô đây, vì các vị hồng y có nhiệm vụ giúp đỡ và nâng đỡ Vị Thừa Kế Thánh Phêrô trong việc thi hành công việc tông đồ phục vụ Giáo Hội được ủy thác cho ngài.

 

Không phải là vô lý mà các vị giáo hoàng, trong các văn kiện giáo hội cổ thời, đã diễn tả Hồng Y Đoàn như là ‘pars corporis nostri’ (phần thể của thân mình chúng ta) (cf. F.X. Wernz, "Ius Decretalium," II, No. 459). Các vị hồng y làm thành một loại nghị viên quanh vị Giáo Hoàng, thành phần ngài nương tựa để thi hành các nhiệm vụ liên hệ tới thừa tác vụ của ngài như “nguồn mạch thường hằng và hữu hình và là nền tảng cho mối hiệp nhất đức tin và hiệp thông” (cf. "Lumen Gentium," No. 18).

 

Bởi thế, bằng việc tạo thêm các vị tân hồng y tôi muốn hoàn tất con số 120 vị cử tri cho Hồng Y Đoàn, một con số được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đáng kính nhớ thiết định (cf. "Acta Apostolicae Sedis" 65, 1973, p. 163). Đầy là tên của các tân hồng y:

 

1.                    Đức ông William Joseph Levada, tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin;

2.                    Đức ông Franc Rodé, C.M., tổng trưởng Thánh Bộ Dòng Tu và Tông Đồ;

3.                    Đức ông Agostino Vallini, tổng trưởng Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh;

4.                    Đức ông Jorge Liberato Urosa Savino, tổng giám mục Caracas;

5.                    Đức ông Gaudencio B. Rosales, tổng giám mục Manilla;

6.                    Đức ông Jean-Pierre Ricard, tổng giám mục Bordeaux;

7.                    Đức ông Antonio Canizares Llovera, tổng giám mục Toledo;

8.                    Đức ông Nicolas Cheong Jin-Suk, tổng giám mục Seoul;

9.                    Đức ông Sean Patrick O'Malley, O.F.M. Cap., tổng giám mục Boston;

10.                 Đức ông Stanislaw Dziwisz, tổng giám mục Krakow;

11.                 Đức ông Carlo Caffarra, tổng giám mục Bologna;

12.                 Đức ông Joseph Zen Ze-kiun, SDB, giám mục Hồng Kông.

 

Ngoài ra, tôi đã quyết định phong tước hồng y cho 3 vị trên 80 tuổi, để tỏ lòng tri ân việc phục vụ các vị đã cống hiến cho Giáo Hội một cách trung thành gương mẫu và dấn thân đáng ca ngợi. Các vị đó là:

 

1.                    Đức ông Andrea Cordero Lanza Di Montezemolo, tổng linh mục Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành;

2.                    Đức ông Peter Poreku Dery, tổng giám mục hưu trí giáo phận Tamale, Ghana;

3.                    Cha Albert Vanhoye, SJ, nguyên viện trưởng đặc biệt của Học Viện Thánh Kinh của Tòa Thánh và là bí thư của Ủy Ban Thánh Kinh Tòa Thánh.

 

Các vị tân hồng y phản ảnh rõ ràng tính cách đạo đồng của Giáo Hội. Thật vậy, các vị đến từ các phần đất khác nhau trên thế giới và lãnh nhận những nhiệm vụ khác nhau để phục vụ Dân Chúa.

 

Tôi mời gọi anh chị em hãy đặc biệt dâng lời nguyện cầu cùng Chúa cho các vị này, để Người ban cho các vị ơn cần thiết trong việc thi hành sứ vụ của các vị cách quảng đại.

 

Như tôi nói ngay từ đầu là vào ngày 24/3/2006 tới đây, tôi sẽ triệu tập một mật nghị hồng y đã được loan báo và vào ngày hôm sau, ngày 25/3, lễ trọng Truyền Tin, tôi sẽ hân hoan chủ tế thánh lễ trọng thể với các vị tân hồng y này.

 

Nhân dịp ấy, tôi sẽ mời tất cả mọi phần tử thuộc Hồng Y Đoàn về tham dự, những vị tôi có ý định tổ chức một cuộc hội họp để chia sẻ và nguyện cầu vào ngày hôm trước, 23/3.

 

Giờ đây chúng ta hãy kết thúc bằng việc hát Kinh Lạy Cha – Pater Noster.

 

Đức Giám Mục Joseph Zen Ze-kiun, 74 tuổi, giáo phận Hồng Kông đã bày tỏ lòng tri ân Đức Thánh Cha về việc Đức Thánh Cha đã chọn ngài làm một trong 15 tân hồng y, nguyên văn lời của vị giám mục này ngỏ cùng Đài Phát Thanh Vatican như sau:

 

“Chúng tôi thật tình cám ơn Đức Thánh Cha, vì trong một số nhỏ tân hồng y, ngài đã chọn một người vị người Trung Hoa. Đây là một dấu hiệu đặc biệt ưu ái đồi với nhân dân Trung Hoa. Ở đây Đức Thánh Cha muốn bày tỏ tình yêu thương đặc biệt của ngài đối với nhân dân Trung Hoa. Về phần mình, chúng tôi bao giờ cũng haọt động vì mến yêu quê hương của chúng tôi, và tôi nghĩ rằng cho dù có những khác biệt về ý nghĩ và chủ trương, tôi cũng nghĩ rằng chính phủ Trung Hoa tin tưởng chúng tôi chân thành mến yêu quê hương của chúng tôi, bởi đó, tôi nghĩ rằng đó là nền tảng vững chắc cho việc cải tiến vậy”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/2/2006

   

TOP

 

 

? Iraq: Bùng Nổ Nội Chiến…?

 

Ngày Thứ Tư 22/2/2006, qua bài “Shiite 'Golden Mosque' heavily damaged, và ngày Thứ Năm 23/2/2006, qua bài “Sunni party quits Iraq government talks after mosque bombing, mạng điện toán toàn cầu CNN đã tường thuật diễn tiến của biến cố có thể mở màn cho cuộc nội chiến Iraq giữa hai phái Hồi Giáo Shiites và Sunni vốn kích địch nhau từ thời lãnh tụ Saddam Hussein, và được tỏ hiện rõ ràng nhất qua các cuộc tổng tuyển cử từ đầu năm 2005 đến đầu năm 2006 vừa rồi.

 

Trong bài “Shiite 'Golden Mosque' heavily damaged, CNN đã tường thuật là “các viên chức chính phủ Iraq và quân đội Hoa Kỳ đã nói rằng một nhóm nam nhân mặc giống như những nhân viên đặc công cảnh sát đã làm nổ ‘Đền Thờ Vàng’ al Askariya ở Samarra sáng Thứ Tư, gây thiệt hại nặng nề cho địa điểm linh thánh này của phái Shiite”.

 

Thật vậy, cuộc tấn công xẩy ra vào lúc 7 giờ sáng ở hạt Salaheddin, hạt của đa số người Hồi Giáo phái Sunni, đã làm bừng lên các cuộc tấn công khác, những cuộc xuống đường biểu tình khắp quốc gia Iraq, giống như cuộc nội chiến đã thực sự được bùng nổ từ ngày được Giáo Hội Công Giáo mừng lễ kính Ngai Tòa Thánh Phêrô 22/2/2006, cũng trùng vào ngay ngày kỷ niệm đúng một năm tác phẩm cuối đời về luân lý thời đại liên quan tới tình trạng tung hoành của sự dữ là cuốn “Hồi Niệm Và Căn Tính” của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ra mắt và phổ biến.

 

Thủ Tướng Iraq là Ibrahim al-Jaafari đã lên tiếng kêu gọi nhân dân Iraq hãy hiệp nhất, vì cuộc tấn công này là nỗ lực khiêu khích để làm bùng lên cuộc bạo lực về giáo phái. Qua lời phát biểu được thâu băng trên đài truyền hình al Iraqiya, ông đã kêu gọi tất cả mọi đảng phái Iraq hãy lên án cuộc tấn công này, và xin người Iraq thuộc cả phái Shiite lẫn Sunni hãy xuống đường biểu tình ở Samarra, cách thủ đô Baghdad 70 dặm (hay 110 cây số) về phía tây bắc. Ông cũng tuyên bố 3 ngày thương tiếc trên toàn quốc và ra lệnh cho Bộ Quốc Phòng và Bộ Gia Cư và Tái Thiết phải thẩm lượng vấn đề thiệt hại và bắt đầu ngay việc tái thiết ngôi đền thờ ấy.

 

Vị Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Iraq là Mowaffaq al-Rubaie cho biết là vụ tấn công này có thể gây ra bởi những tay hiếu chiến ngoại quốc, vì nó mang những dấu vết của nhóm al Qaeda ở Iraq: “Đây thực sự là một cơn thách đố việc nhẫn nại của nhân dân Iraq”. Ông đồng thời cũng kêu gọi người Hồi Giáo khắp thế giới hãy lên án “hành động khủng bố này”. Vị này cũng cho biết là có 10 người ăn mặc kiểu đặc công cảnh sát đã bị giam giữ.

 

Vị phó phát ngôn viên của Hội Đồng Quốc Gia là Hussein al-Shihristani cho biết: “Đây là một ngày đại họa cho toàn dân Iraq. Tội ác xẩy ra ở Samarra là tội ác phạm đến Iraq, phạm đến một trong những nơi linh thánh nhất của xứ sở này, và toàn dân cảm thấy hết sức đớn đau trước những gì họ nghe được”.

 

Đảng Hồi Giáo Sunni Iraq đã gọi cuộc tấn công này là “một cực kỳ tội ác” và kêu gọi điều tra để tìm ra thủ phạm. Thế nhưng, theo cảnh sát cho biết thì văn phòng của phái này ở thủ đô Baghdad và hai đền thờ địa phương của họ đã bị tấn công là đền thờ Al Hamza và đền thờ Mustafa. Cũng theo cảnh sát thì tất cả những đền thờ ở thủ đô Baghdad đều được tăng cường an ninh.

 

Sau những buổi cầu nguyện vào buổi trưa, có 4 ngàn người xuống đường biểu tình ở Baghdad, diễn hành từ văn phòng của giáo sĩ Hồi Giáo Shiite là Muqtada al-Sadr đến một đền thờ ở gần đó. Phát ngôn viên văn phòng của vị giáo sĩ này cho biết như thế. Khi kết thúc cuộc diễn hành này thì con số người tham dự đã lên tới 10 ngàn. Đây là một trong mấy cuộc xuống đường ở vùng phụ cận thủ đô Baghdad.

 

Vị Đại Tôn Ayatollah Ali al-Sistani, một giáo sĩ có thế lực nhất ở Iraq thuộc phái Shiite, qua phát ngôn viên của mình là Hamed al-Khafaf, đã lên tiếng kêu gọi một tuần lễ thương tiếc, yêu cầu tất cả các cửa tiệm hãy đóng cửa để phản đối trong 3 ngày, đồng thời cũng kêu gọi tất cả mọi người Hồi Giáo cả Sunni lẫn Shiite hãy xuống đường một cách ôn hòa chứ đừng bạo động.

 

Ở Samarra, có mấy trăm người tập trung ở địa điểm ngôi đền thờ bị tấn công này và tại văn phòng vị thị trưởng, lên tiếng tố cáo chính quyền Iraq và quân đội Hoa Kỳ. Cũng có cả hằng ngàn người xuống đường ở Najaf.

 

Ngôi Đền Thờ Vàng al Askariya là một nơi linh thánh đối với người Hồi Giáo phái Shiite, vì họ tin rằng Giáo Trưởng al Mehdi là vị giáo trưởng thứ 12, và là vị giáo trưởng được đợi trông cuối cùng sẽ trở lại tại đền thờ ấy để mang ơn cứu độ tới cho họ. Vị giáo trưởng thứ 12 này là con của vị giáo trưởng 11 là Hasan al Askari, và là cháu của vị giáo trưởng thứ 10. Cả cha và ông của vị giáo trưởng thứ 12 biến mất này đều được chôn tại đền thờ này.

 

Vị giáo trưởng thứ 12 này được cho rằng biến mất vào thế kỷ thứ tám trong lễ an táng cha của ông và người Hồi Giáo Shiite tin rằng ông được Thiên Chúa làm cho ẩn khuất đi trước mắt dân chúng. Họ mong đợi ông tái xuất hiện như vị lãnh đạo của họ, và biến cố tái hiện của ông được họ tin ra sẽ xẩy ra tại Samarra.

 

Trong bài, “Sunni party quits Iraq government talks after mosque bombing”, CNN nhấn mạnh với hàng chữ in đậm là “đảng Hồi Giáo Sunni thế lực nhất hôm Thứ Năm bỏ không nói chuyện thành lập tân chính phủ nữa, sau khi xẩy ra các cuộc tấn công trả thù về vụ đánh bom một ngôi đền quan trọng của người Hồi Giáo Shiite”. Cũng vào hôm Thứ Năm 23/2/2006 này, có thêm 7 quân nhân Mỹ nữa bị thiệt mạng, nâng tổng số tử vong của Hoa Kỳ ở Iraq lên 2.285.

 

Đúng vậy, Đảng Sunni Accord Front,  chiếm 44 ghế trong quốc hội có 275 chỗ, sau khi gặp gỡ Tổng Thống Iraq là Jalal Talabani và Thủ Tướng Ibrahim al-Jaafari, đã rời bỏ cuộc thương luận hiệp nhất về chính trị, đang khi xẩy ra những tin tức cho biết đã có trên 100 người bị sát hại trên toàn quốc mà phần nhiều là người Hồi Giáo phái Sunni. Việc bao gồm cả thành phần Sunni vào thành phần chính quyền được coi như là then chốt trong việc thiết lập luật lệ và trật tự, không chế cuộc nổi dậy được nhiều người phái Sunni ủng hộ.

 

Đảng Sunni này đã yêu cầu bằng một văn thư gửi Tổng Thống Iraq mấy điều chính yếu như chính quyền và tất cả mọi đảng phái cần phải lên án những cuộc tấn công vào các đền thờ; điều tra các vụ tấn công; và bồi thường tất cả mọi thiệt hại gây ra.

 

Ngôi đền thờ bị tấn công gây ra những cuộc bạo động trả thù nhau này là một trong 4 đền thờ chính ở Iraq được những người Hồi Giáo Shiites khắp thế giới hết lòng tôn kính. Các đền thờ chính khác là ở Najaf, Karbala và thủ đô Baghdad hạt Kadhimiya. Người xây ngôi đền thờ này là Vua al-Mutasim vào năm 836 AD để thay thế Baghdad làm thủ đô của Abbasid Caliphate. Riêng cái vòm vàng được hoàn tất vào năm 1905 dưới thời Muzaffar al-Din Shah. Hai trong số 12 vị giáo trưởng đáng kính là Ali al-Hadi và Hasan al-Askari được chôn táng ở đây, vì hai vị này được coi là truyền nhân của Tiên Tri Mohammed.

 

Cũng trong ngày Thứ Năm 23/2/2006, CNN còn phổ biến bài “Arab TV journalists killed in Iraq”: “Ba phóng viên cho đài truyền hình Al-Arabiya, bao gồm cả một thông tín viên nổi tiếng, bị bắt cóc và bị giết trong khi đang thực hiện cuộc tìm hiểu về biến cố bạo động giáo phái ở Samarra, cảnh sát và đài truyền hình này đã cho biết như thế”.

 

Thi thể của nữ thông tín viên Atwar Bahjat này, cùng với nhân viên quay phim và âm thanh của cô, như các viên chức thi hành luật pháp địa phương cho biết, đã được tìm thấy vào sáng sớm Thứ Năm gần thành phố này, cách thủ đô Baghdad 60 dặm về phía bắc.

 

Các viên chức của đài tin tức vệ tinh trụ sở ở Dubai đã nói rằng họ mất liên lạc với nhóm của họ sau cuộc phát hình của nhóm này vào lúc 6 giờ chiều hôm Thứ Tư. Một phần tử của nhóm thứ tư đã tím cách thoát được cuộc phục kích và nói với cảnh sát về cuộc bắt cóc ấy.

 

Hãng thông tấn Associated Press đã trích lại lời tường trình của đài truyền hình trên là nhân viên thoát nạn trong nhóm này cho biết rằng có hai nam nhân lái một chiếc xe chở đồ nhỏ, bắn chỉ thiên và hô to: “Chúng tao muốn người thông tín viên”.

 

“Atwar bấy giờ đang ở trên chiếc xe van tin tức đã hô to lên cho đám đông để cầu cứu. Nhóm quay phim cố gắng nói chuyện với những tay súng ấy, nhưng họ chộp lấy những người này và đưa họ đến một địa điểm vô định. Bấy giờ thì trời đã tối”. Hãng thông tấn Reuter trích lại thông tín viên của đài truyền hình này là Ahmed al-Saleh trong cuộc nói chuyện với khán giả của đài.

 

Cũng người thông tín viên Saleh này cho biết 3 thi thể đã bị bùi xuống gần tỉnh Dawr gần Samarra. Họ đều là người Iraq. Theo vị thông tín viên này thì nữ thông tín viên bị sát hại “là nạn nhân của việc nói sự thật…. Cô đã yêu mến xứ sở của mình và đã chết vì tính cách vô tư bất thiên vị của mình”.

 

Phát ngôn viên của đài truyền hình này là Jihad Ballout nói rằng Bahjat, 26 tuổi, mới cộng tác với đài trong năm nay sau khi làm việc cho đối thủ Al Jazeera, hãng thông tấn Reuters cho biết như thế. Cô đã được sống sót nhờ mẹ cô và chị cô.

 

Trong một văn bản, đài truyền hình của cô nói rằng cô được “tiếng vì tính cách thanh liêm và khách quan của cô. Atwar cũng là hiện thân của việc hòa hợp phi bè phái – cha của cô là một tín đồ Hồi Giáo phái Sunni trong khi mẹ cô là một người Hồi Giáo phái Shia”.

 

Còn hai nhân viên khác là Khaled Mahmoud al-Falahi, 39 tuổi, và Adnan Khairallah, 36 tuổi. Họ làm cho Wasan Media ở Iraq và đang làm cho đài truyền hình Al-Arabiya lúc bấy giờ. Ba phóng viên nạn nhân này thuộc về số trên 60 phóng viên bỏ mạng ở Iraq từ khi trận chiến xẩy ra ở Iraq năm 2003.

 

Trong một văn bản của mình, đài truyền hình này kêu gọi các vị có thẩm quyền phải thực hiện những biện pháp để “gia tăng tình trạng an toàn của các phóng viên hoạt động ở Iraq” và đưa thành phần sát nhân ra trước công lý.

 

“Một lần nữa, Đài Truyền Hình Tin Tức Al-Arabiya đã phải trả một giá qua 1mắc cho việc liên lỉ theo đuổi sự thật. Cho đến thảm kịch mới này, Al-Arabiya đã mất tất cả là 8 đồng nghiệp ở Iraq, 5 trong số họ chết trong một chiếc xe bom đâm vào văn phòng của Al-Arabiya ở Baghdad, trong khi 3 người khác mất mạng bởi Mỹ bắn. Cũng thế, Jawad Khathem, người tường trình của Al-Arabiya ở Iraq, đã trở thành mục tiêu của một cuộc bắt cóc vũ trang làm cho người phóng viên này bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống”.

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ