GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 4/2/2006

Tuần IV Thường Niên

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Giảng Bế Mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo vào Giờ Kinh Tối Lễ Thánh Phaolô Trở Lại 25/1/2006 ở Đền Thờ Thánh Phêrô Ngoài Thành

?  ĐTC Biển Đức XVI: Thông Điệp "THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU" (tiếp) - Phần II: VIỆC GIÁO HỘI THỰC THI YÊU THƯƠNG NHƯ LÀ MỘT ‘CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG’ (22-24)

?   Phản Ứng của Hai Vị Tổng Giám Mục ở Iraq trước việc Người Hồi Giáo Iraq giận cá chém thớt 

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Giảng Bế Mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo vào Giờ Kinh Tối Lễ Thánh Phaolô Trở Lại 25/1/2006 ở Đền Thờ Thánh Phêrô Ngoài Thành

 

Anh Chị Em Thân Mến,

 

Vào ngày này, khi chúng ta mừng cuộc Trở Lại của Tông Đồ Phaolô, chúng ta bế mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo hằng năm liên kết trong buổi phụng vụ huynh đệ này. Thật là ý nghĩa khi lễ Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Trở Lại trùng hợp với ngày cuối cùng của Tuần Lễ quan trọng này, một tuần lễ chúng ta đặc biệt thiết tha xin Thiên Chúa ban tặng ân hiệp nhất Kitô hữu quí báu, hợp cùng lời nguyện cầu của chính Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha cho thành phần môn đệ của Người: “xin cho họ tất cả được hiệp nhất nên một; như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, để họ cũng được ở trong chúng ta, nhờ đó thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Jn 17:21).

 

Ước mong được hiệp nhất về phần hết mọi Cộng Đồng Kitô hữu và hết mọi tín hữu, và quyền năng để đạt được mối hiệp nhất này, là tặng ân của Thánh Linh và đi song song với việc trung thành sâu xa hơn và hoàn toàn hơn với Phúc Âm (cf. encyclical "Ut Unum Sint," No. 15).

 

Chúng ta nhận thấy rằng ở nền tảng của việc dấn thân cho vấn đề đại kết cần phải thực hiện việc hoán cải tâm hồn, như Công Đồng Chung Vaticanô II khẳng định: ‘Không thể nào có một cuộc đại kết xứng danh mà lại thiếu việc hoán cải tâm hồn. Vì từ thái độ mới mẻ này của tâm trí, từ tình yêu bỏ mình và dồi dào này mà các ước vọng hiệp nhất mới vươn lên và phát triển một cách chín chắn’ (decree "Unitatis Redintegratio," No. 7).

 

‘Deus caritas est’ - Thiên Chúa là tình yêu (1Jn 4:8,16). Tất cả đức tin của Giáo Hội được xây dựng trên tảng đá này. Đặc biệt là việc nhẫn nại tìm kiếm mối hiệp thông trọn vẹn nơi tất cả mọi thành phần Kitô hữu được xây dựng trên tảng đá ấy: Bằng việc gắn mắt vào chân lý này, tột đỉnh của mạc khải thần linh, tình trạng chia rẽ này dường như có thể vượt qua và không làm cho chúng ta nản chí, cho dù sự kiện chia rẽ vẫn còn tiếp tục là những gì trầm trọng.

 

Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã phá hủy “bức tường phân chia hận thù” (Eph 2:14) bằng máu cuộc khổ nạn của Người, sẽ không ngừng ban cho những ai trung thành kêu xin Người sức mạnh để chữa lành mọi thương tích. Thế nhưng, luôn phải bắt đầu lại từ chỗ này, từ ‘Deus caritas est’.

 

Chính đề tài yêu thương này mà tôi viết bức thông điệp đầu tiên của mình, bức thông điệp được ban hành hôm nay; việc trùng hợp này với ngày bế mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo mời gọi chúng ta hãy coi, thậm chí hơn cả cuộc chúng ta qui tụ này, tất cả cuộc hành trình đại kết trong ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa, của Tình Yêu là Thiên Chúa.

 

Ngay cả theo quan điểm nhân loại đi nữa, tình yêu cũng tỏ ra như là một mãnh lực bất khả thắng, thì chúng ta phải nói sao về ‘người nhận biết và tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa đã giành cho chúng ta’ (1Jn 4:16) đây?

 

Tình yêu chân chính không loại trừ đi những khác biệt hợp lý, nhưng hòa hợp chúng lại thành một mối hiệp nhất ở mức độ cao hơn, một mối hiệp nhất được áp đặt lên chúng ta từ bên ngoài, đúng hơn, nói cách khác, một mối hiệp nhất của toàn thể được hình thành từ bên trong.

 

Nó là mầu nhiệm hiệp thông, như nó liên kết con người nam nữ lại thành một cộng đồng yêu thương và sự sống là hôn nhân thế nào, nó cũng làm cho Giáo Hội thành một cộng đồng yêu thương, cống hiến mối hiệp nhất cho một kho tàng đa dạng về các tặng ân và các truyền thống. Trong việc phục vụ cho mối hiệp nhất yêu thương này, Giáo Hội Rôma, theo Thánh Ignatiô Antiôkia diễn tả, ‘chủ sự trong đức ái’.

 

Anh chị em thân mến, trước anh chị em đây, hôm nay tôi muốn lập lại việc phó dâng cho Thiên Chúa thừa tác vụ kế vị Thánh Phêrô của mình, xin Thánh Linh soi sáng và tăng sức cho thừa tác vụ này, nhờ đó nó luôn nuôi dưỡng mối hiệp nhất huynh đệ nơi tất cả mọi Kitô hữu.

 

Đề tài yêu thương liên kết một cách sâu xa hai bài đọc thánh kinh ngắn của Giờ Kinh Phụng Vụ Tối hôm nay. Ở bài đọc thứ nhất, đức ái thần linh là sức mạnh biến đổi đời sống của Saolê thành Tarsus và biến ngài thành Vị Tông Đồ Dân Ngoại. Viết cho Kitô Hữu ở Côrintô, Thánh Phaolô tuyên xưng rằng ân sủng của Thiên Chúa đã thực hiện biến cố trở lại phi thường nơi ngài: “Nhờ ơn Chúa mà tôi là những gì tôi là, và ân sủng của Ngài giành cho tôi đã không uổng phí” (1 Cor 15:10).

 

Một đàng ngài cảm thấy gánh nặng của vấn đề bị ngăn cản việc truyền bá sứ điệp của Chúa Kitô; thế nhưng, đàng khác, ngài lại sống trong niềm vui được gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh và được soi sáng cùng biến đổi bởi ánh sáng của Người. Ngài giữ mãi cái kỷ niệm đổi đời này, một biến cố quan trọng đối với toàn thể Giáo Hội, đến nỗi trong Sách Tông Vụ chi tiết này đã được nhắc tới 3 lần (cf. Acts 9:3-9; 22:6-11; 26:12-18).

 

Trên con đường đến Damascô, Saolê nghe thấy vấn nạn nhức nhối là: “Tại sao ngươi lại bắt bớ Ta?” Khi ngã xuống đất với tấm lòng xao động, Saolê lên tiếng hỏi: “Lạy Chúa, Ngài là ai?”, ngài đã nhận được một câu trả lời trở thành nền tảng cho việc ngài trở lại: “Ta là Giêsu, Đấng ngươi đang bách hại” (Acts 9:4-5). Thánh Phaolô ngay lúc ấy những gì sau này ngài diễn tả trong các văn thư của ngài: đó là Giáo Hội làm nên một thân thể duy nhất có Chúa Kitô là Đầu. Bởi thế, từ một kẻ bách hại Kitô hữu ngài trở thành Vị Tông Đồ của Dân Ngoại.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20060125_conversion-st-paul_en.html

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU 

(tiếp)

 

PHẦN HAI

 

VIỆC GIÁO HỘI THỰC THI YÊU THƯƠNG NHƯ LÀ MỘT ‘CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG’

 

 

22.       Khi năm tháng trôi qua và Giáo Hội lan rộng thì việc thực hành đức ái đã được thiết lập như là một trong những hoạt động thiết yếu của Giáo Hội, song song với việc ban phát các phép bí tích cùng việc loan báo Lời Chúa: việc yêu thương thành phần mồ côi góa bụa, thành phần tù phạm, thành phần đau yếu bệnh tật và cần thiết đủ thứ, là những gì thiết yếu đối với Giáo Hội như thừa tác vụ ban bí tích và rao giảng Phúc Âm vậy. Giáo Hội không thể nào lơ là bỏ bê việc bác ái phục vụ như Giáo Hội không thể bỏ bê lơ là các Phép Bí Tích và Lời Chúa. Để chứng tỏ điều này thì chỉ cần trích dẫn một chút cũng đủ. Thánh Justine Tử Đạo (khoảng năm 155) khi nói về việc Kitô hữu cử hành Ngày Chúa Nhật cũng đề cập tới hoạt động bác ái của họ, một hoạt động liên hệ với cả Thánh Thể nữa. Những ai có thể dâng cúng tùy theo khả năng của họ thì tùy ý mỗi người; vị Giám Mục sử dụng nhựng của dâng cúng ấy để giúp đỡ thành phần mồ côi góa bụa, thành phần yếu đau và những ai thiếu thốn cần thiết vì những lý do khác, như thành phần tù tội hay ngoại quốc (Cf. I Apologia, 67: PG 6, 429). Đại văn hào Kitô Giáo là Tertullianô (sau năm 220) đã thuật lại việc dân ngoại cảm kích ra sao trước mối quan tâm của Kitô hữu đối với đủ mọi thành phần khó khăn thiếu thốn (Cf. Apologeticum, 39, 7: PL 1, 468). Để rồi cho đến khi Thánh Ignatiô thành Antiôkia (khoảng năm 117) diễn tả Giáo Hội Rôma như là Giáo Hội “chủ trì trong đức ái (agape)” (Ep. ad Rom., Inscr: PG 5, 801), chúng ta mới cho rằng, qua định nghĩa này, ở một chiều kích nào đó, ngài cũng có ý nói  tới hoạt động bác ái cụ thể của Giáo Hội.

 

23.       Ở đây tưởng cũng nên nói sơ qua về những cấu trúc sơ khai nhất về pháp lý liên quan đến việc bác ái phục vụ trong Giáo Hội. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 4, chúng ta thấy được việc phát triển này ở Ai Cập về các cơ cấu “diaconia – phục vụ”, ở chỗ, mỗi một đan viện có một cơ cấu phụ trách tất cả những công việc cứu trợ, tức là phụ trách việc bác ái phục vụ. Cho tới thế kỷ thứ sáu thì cơ cấu này đã biến thành một tổ hợp có thế đứng đàng hoàng theo pháp lý, một thế đứng được chính các thẩm quyền dân sự ủy thác cho việc phân phát công cộng phần lúa gạo. Ở Ai Cập, chẳng những mỗi một đan viện mà cả từng Giáo Phận nữa từ từ đã có được những cơ cấu diaconia - phục vụ của mình; cơ cấu này bấy giờ được phát triển cả ở Đông Phương lẫn Tây Phương. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (khoảng năm 604) đã đề cập tới những cơ cấu diaconiaphục vụ ở Naples, trong khi ở Rôma cơ cấu diaconiaephục vụ được ghi nhận từ thế kỷ thứ bảy và thứ tám. Thế nhưng hoạt động bác ái vì người nghèo và người khổ đau vẫn là một yếu tố thiết yếu của Giáo Hội Rôma ngay từ đầu, căn cứ vào những nguyên tắc sống đời Kitô hữu được nêu lên trong Sách Tông Vụ. Hoạt động bác ái này được thể hiện sống động nơi trường hợp của phó tế Lawrence (năm 258). Thánh Ambrôsiô (năm 397) đã diễn tả một cách thương tâm về cuộc tử đạo của Thánh Lawrence, và câu truyện này cho thấy hình ảnh rất chân thực về vị thánh này. Là người phụ trách chăm sóc cho thành phần nghèo khổ ở Rôma, Thánh Lawrence đã được cho một thời gian, sau khi Đức Giáo Hoàng cùng với đồng bạn phó tế của ngài bị bắt, để thu tích các kho tàng của Giáo Hội để nộp chúng cho thẩm quyền dân sự. Ngài đã phân phát cho người nghèo bất cứ những gì ngân quĩ có được, rồi đưa đến cho quí vị thẩm quyền chính thành phần nghèo khổ được coi như là một kho tàng thực sự của Giáo Hội (Cf. Saint Ambrose, De officiis ministrorum, II, 28, 140: PL 16, 141). Bất cứ tính cách khả tín nào về lịch sử được người ta gán ghép cho những chi tiết được kể đến ấy, Thánh Lawrence bao giờ cũng hiện diện trong ký ức của Giáo Hội như là một đại biểu nhân cho đức bác ái của Giáo Hội.

 

24.       Trường hợp hoàng đế Julian Bội Giáo (năm 363) cũng có thể cho thấy việc Giáo Hội sơ khai đã coi việc thi hành đức ái một cách có tổ chức thiết yếu là chừng nào. Là một đứa nhỏ 6 tuổi, Julian đã chứng kiến thấy cảnh những tay vệ binh ở cung điện hoàng đế đã ám sát cha mình, anh mình cùng với những phần tử khác trong gia đình; chẳng biết đúng hay sai, cậu đã qui trách hành động dã man tàn ác này cho Hoàng Đế Constantius, vị đã tỏ mình ra như là một Kitô hữu nổi bật. Bởi thế trước con mắt của cậu Đức tin Kitô Giáo hoàn toàn là những gì bất khả tín. Khi trở thành hoàng đế, Julian đã quyết định phục hồi lối sống dân ngoại, một thứ tôn giáo cổ xưa của người Rôma, vì ông hy vọng hình thành nó để biến nó thành một thứ lực đẩy hỗ trợ cho đế quốc. Trong việc thực hiện dự án ấy, ông đã được Kitô Giáo khai sáng cho rất nhiều. Ông đã thiết lập phẩm trật tổng giám mục và linh mục là những vị cần phải bồi dưỡng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Ở một trong những bức thư của mình (Cf. Ep. 83: J. Bidez, L'Empereur Julien. OEuvres complètes, Paris 19602, v. I, 2a, p. 145), ông đã viết rằng khía cạnh duy nhất về Kitô Giáo đã làm ông tỏ ra cảm phục đó là hoạt động bác ái của Giáo Hội. Bởi thế ông đã coi hoạt động này là những gì thiết yếu cho tôn giáo ngoại đạo mới của ông, để rồi đi đôi với tổ chức bác ái của Giáo Hội đều có một hoạt động tương đương như thế. Theo ông, đó là lý do cho thấy tính cách được ưa chuộng của “những người Galilê”. Bởi vậy mà những người này cần phải được bắt chước và qua mặt. Làm như thế là vị Hoàng Đế này đã xác nhận rằng đức ái là tính chất quan trọng của cộng đồng Kitô Giáo, của Giáo Hội vậy.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en.html

 

TOP

 

 

? Phản Ứng của Hai Vị Tổng Giám Mục ở Iraq trước việc Người Hồi Giáo Iraq giận cá chém thớt 

 

Sau vụ khủng bố tấn công vào 6 nhà thờ Kitô Giáo Chúa Nhật 29/1/2006, Đức Tổng Giám Mục Louis Sako 57 tuổi ở Kirkuk cho biết rằng cộng đồng Kitô hữu ở Iraq đã trở thành “một Giáo Hội của các vị tử đạo một lần nữa”.

 

Diễn tả lòng “can đảm kinh khủng” của những người Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành, vị này nói về thái độ coi thường của tín hữu, thành phần “sẽ không bị đẩy ra khỏi Iraq” bởi những hành động tấn công.

 

Sau khi chủ tế lễ án táng cho em gái 14 tuổi Fadi Raad Elias là một trong ba người bị chết trong vụ tấn công hôm Chúa Nhật, vị tổng giám mục này đã diễn tả cách thức dân chúng chen chúc đầy Vương Cung Thánh Đường Kirkuk để chứng tỏ “họ càng gắn bó với Kitô Giáo hơn trước đây”.

 

Vị tổng giám mục này còn nói với cơ quan Trợ Giúp Giáo Hội Thiếu Thốn rằng tín hữu của ngài được nhiều người Hồi Giáo đến dự Thánh Lễ an táng bày tỏ niềm an ủi, ngay cả những người phụ nữ Hồi Giáo, là những gì rất hiếm thấy và ngoại thường.

 

Cơ Quan Trợ Giúp Giáo Hội Thiếu Thốn tặng cho giáo hội của vị tổng giám mục này tiền bạc để phân ưu thương cảm với các gia đình và bạn bè thân hữu đang tìm cách trang trải cho việc an táng vá thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu:

 

“Họ cảm thấy rất ư là biết ơn. Đối với họ, đây là một biểu hiệu quan trọng của tình đoàn kết. Tức là họ không bị cô lập lẻ loi”. Vị tổng giám mục bày tỏ cảm nhận”.

 

Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni, khâm sứ tòa thánh ở Iraq, sau vụ nổ bom gần tòa khâm sứ hôm Chúa Nhật, đã nói: “Cám ơn Chúa, chúng tôi đã sống sót”.

 

Trong những năm khốn khó này của người Kitô hữu Iraq, sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục 59 tuổi này, vị nhất định không bỏ đi trước cuộc tấn công của Hoa Kỳ, đã là một dấu hiệu cho thấy tình đoàn kết của Giáo Hội Công Giáo. Nhất là, để tỏ ra gần gũi với tín hữu, vị khâm sứ này đã không sử dụng những biện pháp an ninh đặc biệt. Ngài đã nói chuyện với tờ nhật báo Ý là Avvenire về vụ tấn công toà khâm sứ như sau:

 

Vấn:     Có phải đây là lần đầu tiên xẩy ra chuyện này hay chăng?

 

Đáp:    Phải, phải, có một chiếc xe đạn hoàn toàn bị hủy hoại ở bên ngoài. Nó làm sụp đổ một phần của bức tường khu vườn và làm vở những cửa sổ – cám ơn Chúa, những thiệt hại hạn hẹp thôi.

 

Vấn:     Một cuộc tấn công vào vị đại diện ngoại giao của Tòa Thánh Vatican – ngài nghĩ thế nào? Nó có phải là một âm mưu hay chăng?

 

Đáp:    Chúng tôi nghĩ là như thế, vì đồng một lúc xẩy ra những cuộc tấn công vào các nhà thờ ở Baghdad và Kirkuk.

 

Vấn:     Nếu chúng ta đã trở lại với hồi Tháng 8/2004, khi xẩy ra một loạt tấn công đẩm máu vào cộng đồng Kitô hữu? Phải chẳng có một thảm trạng nào đó ở bên trọng nội vụ?

 

Đáp:    Có những yếu tố tương tự như nhau, chẳng hạn về ngày, thì đó là Ngày Chúa Nhật của Kitô Giáo. Những vụ nổ đã xẩy ra vào thời gian tín hữu đang đi lễ. Và chúng xẩy ra một loạt. Nếu chúng ta phân tích những biến cố này chúng ta sẽ thấy rằng có nhiều điều giống nhau.


Vấn:     Những cuộc tấn công này nhắm vào các dinh thự thờ phượng, vào tòa khâm sứ, cho thấy là tình hình khó khăn và bất an.

 

Đáp:    Tình hình trở thành bất an và tiếp tục trở nên khó khăn, rất ư là khó khăn. Nó đã trở nên tệ hơn nữa vì sự kiện là những đe dọa chống lại người Kitô hữu, chống lại viên chức của Giáo Hội, đang gia tăng. Các cuộc bắt cóc tiếp tục xẩy ra. Tất cả những điều này làm cho tình hình hết sức hiểm nghèo.

 

Về các cuộc tấn công hôm Chúa Nhật, một số người cho rằng cho liên hệ tới vấn đề tục hóa hình ảnh của Mohammed xẩy ra ở Đan Mạch. Thật sự là ở các quốc gia Hồi Giáo đang xẩy ra tình trạng hết sức hận tức. Cả ở Iraq nữa, cũng có nhiều thỉnh nguyện, bao gồm cả thỉnh nguyện của vị lãnh đạo giáo phái Shiite Hồi là Moqtada al-Sadr, xin Đức Giáo Hoàng can thiệp. Vào lúc này đây đang có một bầu không khí sôi nổi.


Vấn:     Có biện pháp nào được sử dụng để bảo vệ tòa khâm sứ chưa?

 

Đáp:    Con đường xẩy ra vụ nổ bị đóng không cho xe cộ qua lại và cảnh sát gia tăng canh chừng khu vực này.


Vấn:     Bầu khí sợ hãi và hỗn loạn gia tăng hằng ngày.

 

Đáp:    Chắc chắn một điều là đối với Kitô hữu của chúng ta tình hình trở thành một động lực thúc đẩy phải quan tâm hơn. Nếu có thể thì nhiều người trong họ sẽ rời bỏ quê hương này.


Vấn:     Những vị lãnh đạo tôn giáo của cộng đồng Hồi Giáo đã nói ra sao?

 

Đáp:    Một số tỏ tình đoàn kết. Về Lể Giáng Sinh, nhiều người gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Đức Thánh Cha, đến tòa khâm sứ Tòa Thánh. Dĩ nhiên là những cá nhân nhận thức này không phải là những người cần phải quan tâm. Những mối lo sợ xuất phát từ những môi trường rất khác nhau.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/2/2006

 

 

 TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ