GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 7/2/2006

Tuần V Thường Niên

 

?   Tòa Thánh Vatican chính thức lên tiếng về vụ các bức biếm họa trên báo chí Âu Châu phạm tới Hồi Giáo

?  ĐTC Biển Đức XVI: Thông Điệp "THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU" (tiếp) - Phần II: VIỆC GIÁO HỘI THỰC THI YÊU THƯƠNG NHƯ LÀ MỘT ‘CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG’ (29-30)

?   Trong những Kitô Giáo làm vật tế thần: Vị Linh Mục Ý bị sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ vì một số người Hồi Giáo phản ứng quá khích trước bộ biếm họa Giáo Tổ Hồi Giáo trên những báo chí Âu Châu

 

 

?  Tòa Thánh Vatican chính thức lên tiếng về vụ các bức biếm họa trên báo chí Âu Châu phạm tới Hồi Giáo

 

Hôm Thứ Bảy, 4/2/2006, văn phòng Báo Chí của Tòa Thánh Vatican đã phổ biến một công văn liên quan tới vụ các bức biếm họa trên báo chí Âu Châu phạm tới Hồi Giáo, như sau:

 

“Để đáp lại một số lời yêu cầu về chủ trương của Tòa Thánh liên quan tới những hình ảnh mới đây xúc phạm tới những cảm thức tôn giáo của cá nhân cũng như của toàn thể các cộng đồng, văn phòng báo chí của Tòa Thánh Vatican xin lên tiếng như sau:

 

1.         Quyền tự do tư tưởng và phát biểu, một thứ quyền được Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền công nhận, không thể nào bao gồm cả quyền phạm tới cảm thức tôn giáo của thành phần tín hữu. Nguyên tắc này hiển nhiên áp dụng cho bất cứ một tôn giáo nào.

 

2.         Ngoài ra, việc chung sống cũng đòi phải có một bầu khí tương kính thuận lợi cho hòa bình giữa con người và các dân tộc. Hơn nữa, những hình thức chỉ trích chọc giận hay chế nhạo kẻ khác là những gì tỏ ra thiếu cảm quan nhân bản và có thể gây ra khiêu khích bất khả chấp ở một số trường hợp. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng những vết thương đang tồn tại nơi đời sống của các dân tộc không được chữa lành bằng cách như thế.

 

3.         Tuy nhiên, cần phải nói ngay rằng, những xúc phạm gây ra bởi một cá nhân hay một cơ cấu báo chí không thể qui trách cho các tổ chức công quyền nơi xứ sở liên quan, những xứ sở có thẩm quyền cuối cùng cần phải nhúng tay can thiệp theo nguyên tắc pháp luật quốc gia. Bởi thế, những hành động phản đối có tín h cách bạo lực cũng là những gì đáng trách. Việc phản ứng chống lại sự xúc phạm cũng không thể nào thiếu mất tinh thần thực sự của tất cả mọi tôn giáo. Việc bất khoan dung thực tiễn hay theo ngôn từ, bất kể từ đâu xuất phát, vì hành động hay phản ứng, bao giờ cũng là một thứ đe dọa trầm trọng cho hòa bình.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/2/2006

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU 

(tiếp)

 

PHẦN HAI

 

VIỆC GIÁO HỘI THỰC THI YÊU THƯƠNG NHƯ LÀ MỘT ‘CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG’

 

 

29.       Giờ đây chúng ta minh định một cách xác đáng hơn, trong đời sống của Giáo Hội, mối liên hệ giữa việc dấn thân thực hiện cơ cấu chính đáng của Quốc Gia và xã hội, với hoạt động bác ái được tổ chức đàng hoàng. Chúng ta đã thấy được rằng việc hình thành những cấu trúc công bằng không phải là nhiệm vụ trực tiếp của Giáo Hội, mà thuộc về thế giới chính trị, lãnh vực tự động sử dụng lý trí. Giáo Hội có một nhiệm vụ gián tiếp ở chỗ này, ở chỗ Giáo Hội được kêu gọi để góp phần vào việc thanh tẩy lý trí cũng như vào việc tái khơi lên những năng lực luân lý bất khả thiếu đối với những cấu trúc công bằng cần được thiết lập hay muốn chứng tỏ tính cách hiệu năng về lâu về dài của nó.

 

Thành phần tín hữu giáo dân thích hợp với nhiệm vụ trực tiếp hoạt động cho một cơ cấu chính đáng của xã hội. Là thành phần công dân của Quốc Gia, họ được kêu gọi để tham phần vào đời sống công cộng theo khả năng riêng. Bởi vậy họ không thể chối bỏ việc tham dự của mình “vào nhiều lãnh vực khác nhau về kinh tế, xã hội, pháp lý, quản trị và văn hóa, những lãnh vực nhắm đến việc cổ võ công ích một cách có tổ chức và theo cơ cấu (John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Christifideles Laici [30 December 1988], 42: AAS 81 [1989], 472). Bởi thế, sứ vụ của người tín hữu là định hình sinh hoạt xã hội một cách đúng đắn, tôn trọng tính cách biệt lập hợp lý của nó và cộng tác với những người công dân khác theo khả năng tương xứng của mình và hoàn thành trách nhiệm của mình (Cf. Congregation for the Doctrine of the Faith, Doctrinal Note on Some Questions Regarding the Participation of Catholics in Political Life [24 November 2002], 1: L'Osservatore Romano, English edition, 22 January 2003, p. 5). Thậm chí nếu những thể hiện đặc biệt nơi đức bác ái của Giáo Hội không bao giờ được lẫn lộn với hoạt động của Quốc Gia thì vẫn đúng là đức bác ái cần phải tác động toàn thể đời sống của người tín hữu giáo dân, bởi thế tác động cả hoạt động chính trị của họ, một hoạt động chính trị được áp dụng như “đức bác ái xã hội” (Catechism of the Catholic Church, 1939).

 

Các tổ chức bác ái của Giáo Hội, một đàng, là những gì làm nên một thứ opus proprium, một công việc hợp với Giáo Hội, trong đó, Giáo Hội không hợp tác một cách tổng quan mà là tác hành như một chủ thể có trách nhiệm trực tiếp, làm những gì hợp với bản chất của Giáo Hội. Giáo Hội không bao giờ được châm chước việc thực hành bác ái như là một hoạt động có tổ chức của tín hữu, ngoài ra, sẽ không bao giờ xẩy ra trường hợp bất cần tới đức bác ái của từng cá nhân Kitô hữu, vì ngoài công lý ra con người cũng cần và sẽ luôn cần đến tình yêu thương.

 

Những cấu trúc đa dạng của việc bác ái trong môi trường xã hội ngày nay

 

30.       Trước khi cố gắng để xác định lịch sử riêng của các hoạt động Giáo Hội phục vụ con người, giờ đây tôi muốn nói tới tình trạng tổng quan về cuộc đấu tranh cho công lý và yêu thương trên thế giới ngày nay.

 

a)         Ngày nay, phương tiện truyền thông đại chúng đã làm cho trái đất của chúng ta trở nên nhỏ hẹp hơn, nhanh chóng thu ngắn khoảng cách giữa các dân tộc và văn hóa khác nhau. “Cái qui tụ” này có những lúc làm phát sinh ra những hiểu lầm và căng thẳng, tuy nhiên, khả năng của chúng ta trong việc biết được hầu như tức khắc về các nhu cầu của người khác là những gì thách đố chúng ta trong vấn đề cảm thông với trường hợp của họ và những khốn khó của họ. Bất kể những tiến bộ lớn lao của khoa học và kỹ thuật, mỗi ngày chúng ta đều thấy biết bao nhiêu là đau khổ trên thế giới này, gây ra bởi những loại nghèo khổ khác nhau, cả về vật chất lẫn tinh thần. Thời đại chúng ta đâu cần đến một thái độ sẵn sàng mới trong việc hỗ trợ tha nhân của chúng ta đang cần đến chúng ta. Công Đồng Chung Vaticanô II đã làm sáng tỏ hết sức rõ ràng vấn đề này như sau: “Giờ đây, nhờ phương tiện truyền thông khá hơn, các khoảng cách giữa các dân tộc hầu như bị loại trừ, hoạt động bác ái có thể và cần phải bao gồm tất cả mọi dân nước và mọi nhu cầu” (Decree on the Apostolate of the Laity Apostolicam Actuositatem, 8).

 

Đàng khác – và ở đây chúng ta thấy một trong những khía cạnh khó khăn nhưng tích cực của tiến trình toàn cầu hóa – hiện nay chúng ta có trong tầm tay nhiều phương tiện để thực hiện việc trợ giúp nhân đạo cho những người anh chị em đang cần đến chúng ta, ít là những hệ thống tân tiến trong việc phân phát thực phẩm và quần áo, cũng như việc cung cấp nhà ở và vấn đề chăm sóc. Việc quan tâm tới tha nhân của chúng ta là những gì vượt biên giới của các cộng đồng quốc gia và càng ngày càng mở rộng chân trời của nó trên toàn thế giới. Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhận định xác đáng rằng “trong số các dấu chỉ thời đại, một dấu chỉ đáng đặc biệt ghi nhận đó là cảm quan đang gia tăng không thể chối cãi về tình đoàn kết giữa tất cả mọi dân tộc (ibid. 14). Các cơ quan của Quốc Gia cũng như các hội đoàn nhân đạo hoạt động để cổ võ cảm quan đoàn kết này, các cơ quan Quốc Gia cổ võ chính yếu nơi tiền trợ cấp hay vấn đề giảm thuế má, còn các hội đoàn nhân đạo cổ võ qua việc làm thuận lợi hóa những phương tiện trợ giúp đáng kể. Tình đoàn kết được xã hội dân sự bày tỏ bởi thế hoàn toàn trổi vượt hơn tình đoàn kết được cá nhân thể hiện.

 

b)         Tình trạng này đã dẫn đến việc xuất hiện và phát triển nhiều hình thức hợp tác giữa các cơ quan của Quốc Gia và Giáo Hội, những hình thức hợp tác sinh hoa kết trái. Các cơ quan của Giáo Hội, với hoạt động thanh liêm của mình cũng như bằng việc Giáo Hội trung thành làm chứng cho tình yêu thương, đã có thể cống hiến một phẩm chất Kitô Giáo cho cả các cơ quan dân sự nữa, thuận lợi cho một cuộc điều hợp chung là những gì chỉ có thể mang lại thành đạt cho việc phục vụ bác ái (Cf. Congregation for Bishops, Directory for the Pastoral Ministry of Bishops Apostolorum Successores [22 February 2004], 195, Vatican City 2004, pp. 214-216). Nhiều tổ chức có mục đích bác ái hay nhân ái cũng được thiết lập, và những tổ chức này quyết tâm chiếm đạt những giải pháp nhân đạo xứng hợp với các vấn đề xã hội và chính trị ngày nay. Đáng kể là thời đại chúng ta còn chứng kiến thấy việc phát triển và phổ biến các loại công việc tự nguyện khác nhau, những thứ việc tự nguyện có trách nhiệm cung cấp những dịch vụ khác nhau (Cf. John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Christifideles Laici [30 December 1988], 41: AAS 81 [1989], 470-472). Ở đây tôi muốn ngỏ lời đặc biệt tri ân và cảm tạ tất cả những ai đang dự phần vào các hoạt động này bằng bất cứ cách nào. Đối với giới trẻ thì việc dấn thân bao rộng này trở thành một học đường của cuộc sống, cống hiến cho chúng một thứ huấn luyện về tình đoàn kết cũng như về việc sẵn sàng cống hiến cho kẻ khác chẳng những việc cứu trợ về vật chất mà còn chính bản thân chúng. Cái phản văn hóa chết chóc, thứ phản văn hóa chết chóc được thể hiện, chẳng hạn nơi việc nghiện thuốc phiện, như thế bị ngăn chặn bởi một thứ tình yêu thương vô vị kỷ, một tình yêu thương cho thấy mình là một thứ văn hóa sự sống bằng thái độ hết sức sẵn sàng “mất bản thân mình” (x Lk 17:33 et passim) cho kẻ khác.

 

Trong Giáo Hội Công Giáo, cũng như trong các Giáo Hội và Cộng Đồng Giáo Hội khác, xuất phát những hình thức mới của hoạt động bác ái, trong khi những hoạt động bác ái khác, những hoạt động cũ đã mặc một sự sống và sinh lực mới. Nơi những hình thức mới mẻ ấy, thường có thể thiết lập một mối liên hệ hiệu nghiệm giữa việc truyền bá phúc âm hóa với những hoạt động bác ái. Ở đây, tôi muốn minh nhiên tái khẳng định những gì được vị đại tiền nhiệm Gioan Phaolô II của tôi viết trong Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis của ngài (Cf. No. 32: AAS 80 [1988], 556), khi ngài thẩm định thái độ sẵn sàng của Giáo Hội Công Giáo trong việc hợp tác với các cơ quan bác ái của những Giáo Hội và Cộng Đồng này, vì tất cả chúng ta đều có cùng một động lực chính yếu và cùng hướng tới một đích điểm, đó là một chiều hướng nhân bản đích thực nhìn nhận rằng con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và muốn giúp họ sống một cách xứng đáng với phẩm vị ấy. Thông Điệp Ut Unum Sint của ngài nhấn mạnh rằng việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn đòi Kitô hữu phải hợp tiếng nói trong việc ghi khắc “lòng tôn trọng quyền lợi và nhu cầu của hết mọi người, nhất là người nghèo, người thấp hèn và người bất khả tự vệ” (No. 43: AAS 87 [1995], 946). Ở đây tôi muốn bày tỏ về sự mãn nguyện của tôi khi thấy lời kêu gọi này đã được đáp ứng rộng rãi nơi nhiều hoạt động khắp thế giới.   

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en.html

 

TOP

 

 

? Trong những vật tế thần Kitô Giáo: Vị Linh Mục Ý bị sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ vì một số người Hồi Giáo phản ứng quá khích trước bộ biếm họa Giáo Tổ Hồi Giáo trên những báo chí Âu Châu

 

Trong khi thế giới Hồi Giáo đang trong cơn uất hận dữ dội, thì một số Kitô hữu đã bị thành phần Hồi Giáo cực đoan tấn công và sát hại. Không kể vụ đồng loạt tấn công 6 nhà thờ Kitô Giáo một lúc ở Iraq vào chiều Chúa Nhật 29/1/2006, gây thiệt mạng 3 người và bị thương 20 người, tin tức còn ghi nhận thành phần Hồi Giáo quá khích tấn công Kitô hữu hai vụ khác trong thời gian này.

 

Vụ thứ nhất xẩy ra ở tỉnh lẻ Patikul thuộc Đảo Sulu, Phi Luật Tân, sát hại 6 mạng người, trong đó có một em gái 9 tháng. Theo cơ quan Tín Vụ Á Châu thuật lại thì thành phần sát hại này, được cho là những tay háo chiến Abu Sayyaf, được thành lập từ năm 1991 ở miền nam Phi Luật Tân, là nhóm bảo thủ thân cận với nhóm al-Qaida, đã đi từng nhà hôm Thứ Sáu, 3/2/2006, tra hỏi xem người trong nhà là Hồi hữu hay Kitô hữu, nếu là Kitô hữu thì bị bắn chết liền.

 

Vụ thứ hai là vụ của Cha Andrea Santoro, 60 tuổi, phục vụ tại địa phương 5 năm, bị một nam nhân bắn chết vào chiều Chúa Nhật khi ngài đang cầu nguyện sau Thánh Lễ ở giáo xứ Thánh Mary Kilisesi của ngài thuộc thành phố Trabzon vùng Black Sea, Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Vị linh mục bị bắn chết này sinh ở Priverno, gần Rôma, ngày 7/9/1945, và được thụ phong linh mục ở Giáo Phận Rôma ngày 18/10/1970. Sauk hi làm việc ở nhiều giáo xứ, vào năm 2000, ngài đã lên đường như một vị thừa sai của Fidei Donum, tự thành lập ở Trabzon, nơi ngài lập lên một cộng đoàn Công Giáo nhỏ là cộng đoàn Thánh Mary Kelisesi.

 

Vào năm 2003, ngài đã thành lập hiệp hội Cửa Sổ Hướng Về Trung Đông, chuyên tâm học hỏi, nguyện cầu và đối thoại giữa Tây Phương và Trung Đông. Trong quá khứ, ngài đã bị nhóm mafia đe dọa đến tính mạng vì ngài hoạt động để cứu giúp những người nữ ở Đông Âu thoát khỏi việc bán thân làm điếm.

 

Theo Đức Giám Mục Luigi Padovese, khâm sứ Tòa Thánh ở Anatolia, nói với cơ quan Tín Vụ Á Châu thì vào hôm Thứ Hai 6/2/2006, “tôi đi đến nhà xác sáng nay. Cha Andrea bị bắn chết bằng hai phát súng: Sau phát thứ nhất, ngài còn có thể hô lên với một người trẻ bấy giờ ở trong nhà thờ với ngài để bao che cho ngài; phát thứ hai đã bắn gục ngài.

 

Căn cứ vào hai nhân chứng có mặt trong nhà thờ bấy giờ thì kẻ bắn cha là một người lớn: “Cha Andrea bấy giờ đang quì; kẻ bắn ngài không cần vào bên trong, hắn đừng ở cửa nhà thờ, cách chừng 4 đến 5 mét. Hắn nhắm và nổ súng”, vị giám mục này cho biết, và ngài kết luận là vị linh mục là vật tế thần:

 

“Sự kiện là ngài đã bị giết vào thời điểm này không phải là tình cờ đối với tôi; trái lại, nó có thể xẩy ra vào lúc khác. Ngoài ra, bầu không khí ở đây rất ư là nóng bỏng, không nói đến là quá sôi bỏng. Ở đây nữa cũng có cả thành phần Hồi Giáo cuồng tín”.

 

Nghe tin vị linh mục thừa sai này bị ám sát chết, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gửi 2 bức điện tín, một cho Đức Hồng Y Camillo Ruini, Đại Diện Giáo Hoàng ở Giáo Phận Rôma, giáo phận nhà của linh mục bị ám sát, và 1 cho Đức Giám Mục Luigi Padovese, khâm sứ tòa thánh ở Anatolia. Ngài viết như sau: “Tôi hy vọng rằng máu ngài đổ ra sẽ trở thành mầm mống hy vọng để xây dựng một tình huynh đệ đích thực giữa các dân tộc”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5-6/2/2006

 

 

 TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ