GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 9/3/2006

 TUẦN I MÙA CHAY

 

?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II, VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “ĐẤNG CỨU CHUỘC NHÂN TRẦN” (tiếp)

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Các Huấn Dụ Sống Mùa Chay

?  Người Công Giáo Iraq góp phần tái thiết Đền Thờ Hồi Giáo

?  Tiểu Bang South Dakota với Đạo Luật Cấm Phá Thai đúng như Giáo Hội Công Giáo chủ trương

 

 

?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II, VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “ĐẤNG CỨU CHUỘC NHÂN TRẦN” (tiếp 7 Thứ Ba, 8 Thứ Tư)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Viết để Tưởng Kính đầy năm khổ nạn cuối đời của

Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II

 

3) Những tâm tưởng và thâm tín của vị giáo hoàng này về Chúa Giêsu Kitô trong Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba: “Chúa Giêsu Kitô là một khởi sự mới cho tất cả mọi sự … là mãn nguyện của ước vọng cho mọi tôn giáo trên thế giới” (đoạn 6).

“Chúa Kitô, đấng cứu chuộc thế giới, là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, nên không có một danh hiệu nào khác ở dưới gầm trời này có thể cứu được chúng ta (x.Acts 4:12). Như chúng ta đọc thấy trong Thư gửi cho các tín hữu Êphêsô: ‘Nơi Đức Kitô, chúng ta nhờ máu của Người mà được ơn cứu chuộc, được ơn tha thứ những lỗi phạm của mình, theo ân sủng dồi dào Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên chúng ta. Vì Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta, bằng tất cả khôn ngoan và sáng suốt... mục đích của Ngài đã phác họa nơi Chúa Kitô một dự án cho thời điểm viên trọn, mục đích đó là hiệp nhất tất cả trong Người, những sự trên trời cùng những sự dưới đất’ (1:7-10). Vì thế, Chúa Kitô, Ngôi Con là một với Chúa Cha, là Đấng mạc khải dự án của Thiên Chúa cho tất cả mọi tạo vật, đặc biệt là cho con người. Theo một câu đáng nhớ của Công Đồng Chung Vaticanô II thì Chúa Kitô ‘hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người và làm sáng tỏ ơn gọi cao trọng của họ’ (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 22). Người tỏ cho chúng ta ơn gọi này bằng việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Cha” (đoạn 4).

“Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Chúa của vũ trụ, cũng là Chúa của lịch sử, một lịch sử mà Người là ‘Alpha và Omega’ (Rev.1:8;21:6), là ‘nguyên thủy và là cùng đích’ (Rev.21:6). Nơi Người, Chúa Cha đã nói lên một lời thực sự về con người và về lịch sử của họ. Lời này được diễn tả một cách tóm gọn và hùng hồn qua Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái: ‘Bằng nhiều thể nhiều cách, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta nhờ các tiên tri; thế nhưng, trong những ngày sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con’ (Heb.1:1-2)” (đoạn 5).

“Chúa Giêsu được sinh ra từ dân tuyển chọn để hoàn tất lời hứa mà Abraham đã lãnh nhận và các tiên tri liên tục nhắc nhớ. Các tiên tri nhân danh Thiên Chúa và thay cho Ngài mà nói. Thật vậy, công cuộc của Cựu Ước được sắp xếp chính là để sửa soạn và loan truyền cho việc Đức Kitô đến, Đấng cứu chuộc hoàn vũ, cũng như cho vương quốc mà Người thiết lập. Bởi thế, những cuốn sách của Cựu Ưùớc mãi mãi là một chứng cớ cho một giáo thuyết thần linh xác thực (x. hiến chế Mạc Khải đoạn 15). Giáo thuyết này đã đạt mục tiêu của nó nơi Đức Kitô: đúng thế Chúa Giêsu không chỉ ‘nhân danh Chúa’ mà nói như các vị tiên tri, mà Người chính là Thiên Chúa nói bằng Lời hằng sống nhập thể của mình. Ở đây chúng ta chạm đến một điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác với tất cả mọi tôn giáo khác, những tôn giáo diễn tả việc con người tìm kiếm Thiên Chúa từ những thời cổ xưa nhất. Khởi điểm của Kitô giáo bắt nguồn từ việc Lời nhập thể. Như thế, không phải là con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói với chính con người, và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài. Đó là điều đã được công bố trong Phần Nhập Đề của Phúc Âm thánh Gioan: ‘Chưa có ai đã từng thấy được Thiên Chúa; Người Con duy nhất, Đấng ở trong lòng Cha, Người đã tỏ Cha ra’ (Jn.1:18). Như thế, Lời nhập thể làm thỏa nguyện ước vọng nơi tất cả các đạo giáo của nhân loại. Chính Thiên Chúa đã làm cho con người được thỏa nguyện, ngoài mọi ước mong của con người. Đó là một mầu nhiệm của ân sủng.

“Nơi Chúa Kitô, tôn giáo không còn là một ‘cuộc kiếm tìm Thiên Chúa một cách mù quáng’ (Acts 17:27) nữa, mà là một đáp ứng của đức tin vào Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra. Nó là một đáp ứng mà con người nói với Thiên Chúa như với Hóa Công, với một Người Cha, một đáp ứng đã thành hiện thực nhờ một con người cũng chính là Ngôi Lời, mà nơi Người, Thiên Chúa đã nói với từng người, và nhờ Người mỗi người có thể đáp lại Thiên Chúa. Còn nữa, cũng ở nơi con người này mà mọi tạo vật đáp lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là một khởi sự mới cho tất cả mọi sự. Nơi Người, tất cả mọi sự có; chúng được thăng hóa rồi được trả về cho Hóa Công là Đấng dựng nên chúng. Như thế, Đức Kitô là mãn nguyện của ước vọng cho mọi tôn giáo trên thế giới, nên Người làụ tầm mức viên trọn đích thực duy nhất của họ. Thiên Chúa nói thẳng với con người nơi Đức Kitô thế nào, tất cả loài người và toàn thể tạo vật cũng tự mình nói với Thiên Chúa trong Đức Kitô như vậy, thực sự đó là việc tự hiến mình cho Thiên Chúa. Mọi vật trở về với cội nguồn của mình là vậy. Chúa Giêsu Kitô làm cho mọi sự tái tạo (x.Eph.1:10), đồng thời làm hoàn tất mọi sự trong Thiên Chúa: một hoàn tất làm vinh danh Thiên Chúa. Tôn giáo có nền tảng nơi Đức Kitô là một tôn giáo vinh quang; nó là một tầm vóc mới mẻ của sự sống để chúc tụng vinh quang Thiên Chúa (x.Eph.1:12). Tất cả mọi tạo vật thực sự là một biểu hiện của vinh quang Người. Đặc biệt con người (vivens homo) là sự hiển linh của vinh quang Thiên Chúa, một loài được kêu gọi để sống bằng sự sống viên trọn trong Thiên Chúa” (đoạn 6)

“Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời. Nếu Thiên Chúa đi tìm con người, loài được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, là vì đời đời Ngài yêu thương họ nơi Ngôi Lời, và trong Đức Kitô Ngài muốn nâng họ lên danh phận làm một người con được thừa nhận. Thế nên, Thiên Chúa đi tìm kiếm con người là sở hữu đặc biệt của Ngài bằng một đường lối không giống như các tạo vật khác. Con người là sở hữu của Thiên Chúa bởi việc yêu thương chọn lựa: Thiên Chúa tìm kiếm con người theo tấm lòng hiền phụ rung cảm của mình.

“Tại sao Thiên Chúa lại tìm kiếm con người? Là vì con người đã bỏ Ngài mà đi, ẩn mình đi như Adong đã làm trong Vườn Địa Đàng (x.Gn.3:8-10). Con người đã để cho mình bị kẻ thù của Thiên Chúa (x.Gn.3:13) làm lạc hướng. Satan đã đánh lừa con người, làm cho con người tin rằng họ cũng là một thần linh, như Thiên Chúa, họ có khả năng biết lành biết dữ, cai trị thế giới theo ý mình mà không cần phải căn cứ vào ý muốn thần linh (x.Gn.3:5). Đi tìm kiếm con người qua Con của mình như thế là Thiên Chúa muốn chinh phục con người, để họ rời bỏ những đường nẻo gian ác đã dẫn họ càng ngày càng đi sai lạc. ‘Làm cho họ rời bỏ’ những đường nẻo này nghĩa là làm cho họ hiểu được rằng họ đang đi sai đường lạc hướng; nghĩa là chế ngự sự dữ ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử loài người. Chế ngự sự dữ: đó là ý nghĩa của việc cứu chuộc. Điều này đã được thực hiện nơi việc hy sinh của Đức Kitô, nhờ đó loài người được cứu cho khỏi nợ nần tội lỗi và được hòa giải cùng Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã làm người, nhận lấy một thân xác và một linh hồn trong cung lòng một Trinh Nữ, chính vì: để trở nên một hy tế cứu độ hoàn hảo. Tôn giáo của mầu nhiệm Nhập Thể là một tôn giáo của ơn cứu thế, nhờ hiến tế của Đức Kitô, một hiến tế chiến thắng sự dữ, tội lỗi và chính sự chết. Chấp nhận cái chết trên thập giá là Đức Kitô cùng một lúc vừa tỏ bày sự sống vừa thông ban sự sống, vì Người đã sống lại và sự chết không còn làm gì được Người nữa” (đoạn 7).

Tóm lại, vì Mầu Nhiệm Cứu Độ là Cốt Lõi của Giáo Triều Gioan Phaolô II theo chiều kích “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” là Lời Nhập Thể này, mà vị Giáo Hoàng đã từng là Nghị Phụ góp phần soạn thảo Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội “Vui Mừng Và Hy Vọng”, như ngài thú nhận trong cuốn Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng (ấn bản Anh Ngữ, trang 159), và quyết tâm áp dụng đường hướng cùng giáo huấn của Công Đồng có tính cách mục vụ hướng ngoại như một Giáo Hội Trong Thế Giới Tân Tiến này, đã liên tục giảng dạy và mạnh mẽ hoạt động cho văn hóa sự sống, tức cho những gì hợp với phẩm vị cao quí của con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa nơi Mầu Nhiệm Tạo Dựng, mà còn được cứu chuộc bởi Thiên Chúa nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua nữa, và chống văn hóa sự chết là những gì không hợp với thiên chức cùng ơn gọi làm người đã được hoàn toàn sáng tỏ nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa.

Thật thế, về việc giảng dạy văn hóa sự sống chống văn hóa sự chết, trong 16 bức Thông Điệp của mình, ngoài những Thông Điệp về tín lý thần học, như bộ ba Thông Điệp về Ba Ngôi Thiên Chúa: Redemptor Hominis (4/3/1979), Dives in Misericordia (30/11/1980), và Dominum et Vivificantem (18/5/1986), hay bộ 3 Thông Điệp về hoạt động của Giáo Hội: Redemptoris Missio về truyền giáo (7/12/1990), Ut Unum Sint về hiệp nhất (25/5/1995) và Ecclesia de Eucharistia về nội tâm (17/4/2003), còn có 3 Thông Điệp về xã hội: Laborem Exercens (14/9/1981), Sollicitudo Rei Socialis (30/12/1987), và Centesimus Annus (1/5/1991), và 3 Thông Điệp về luân lý: Veritatis Splendor (6/8/1993), Evangelium Vitae (25/3/1995) và Fides et Ratio (14/9/1998). Trong hai bộ ba Thông Điệp về xã hội và luân lý này, ngài đã chính thức loan truyền “Phúc Âm Sự Sống”, nhất là, như các tín điều Thánh Mẫu được hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của ngài dùng quyền tối cao tuyên tín, (Đức Piô IX với Tín Điều Vô Nhiễm ngày 8/12/1854, và Đức Piô XII với Tín Điều Thánh Mẫu Mông Triệu ngày 1/11/1950), ngài cũng đã mạnh mẽ chính thức sử dụng quyền bính tối cao của mình để tuyên tín luân điều của Giáo Hội về sự sống buộc phải tuân giữ, (một sự kiện tuyên tín về luân lý như thế chưa từng xẩy ra trong lịch sử Giáo Hội), trực tiếp liên quan tới vấn đề cấm phá thai (Thông Điệp Evangelium Vitae, khoản 62), cũng như tới hành động không được triệt sinh an tử (khoản 65).

Về những hoạt động cho văn hóa sự sống chống văn hóa sự chết, lịch sử thế giới không thể chối cãi được vai trò ngài đã đóng như “Nguyên Tố gây Sụp Đổ Đông Âu”, “Sứ Giả Hòa Bình Thế Giới ở Thánh Địa và Iraq”, “Khởi Xướng Chiến Dịch Bãi Nợ Quốc Tế”, “Đẩy Mạnh Phong Trào Hủy Bỏ Án Tử Hình”, và “Vô Địch Thủ của Hội Nghị Dân Số Cairô”, (những vấn đề đã được người viết bài này trình bày khá đầy đủ trong cuốn “Đức Gioan Phaolô II: Sống Là Chúa Kitô – Chết Là Vinh Thắng” (Cao-Bùi, 5/2005). Ngài chẳng những hoạt động từ chính Ngai Tòa Phêrô của mình ở Giáo Đô Vatican, mà còn đi khắp thế giới, theo chiều hướng Giáo Hội Trong Thế Giới Tân Tiến, mang “Vui Mừng và Hy Vọng” đến cho loài người, qua 104 chuyến tông du mục vụ, để cổ võ công lý và hòa bình, kêu gọi hết mọi thành phần “Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”. Bởi vì, theo ngài, con người được Thiên Chúa dựng nên không thể nào được cứu độ và được thăng hóa nếu không có “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”, như được ngài vừa đặt vấn đề vừa giải đáp trong tác phẩm “Vược Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”, (bản Anh Ngữ, trang 197), như sau:

“Con người là ai, một khi Người Con đi mặc lấy bản tính của con người? Con người này phải là ai, nếu Con Thiên Chúa lại phải trả giá cao nhất cho phẩm vị của họ đây?... Đấng Cứu Chuộc củng cố quyền lợi của con người chỉ nguyên bằng việc phục hồi tính cách trọn vẹn của phẩm vị mà con người đã lãnh nhận khi Thiên Chúa tạo dựng nên họ theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài”.
 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 ?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Các Huấn Dụ Sống Mùa Chay

 

 .-        Mùa Chay hướng tới cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên sự dữ cần Kitô  hữu cm nghim tình thương ca Người qua Bí Tích Hòa Gii

 

(Sứ Điệp Mùa Chay ngày 31/1/2006)

 

Mùa Chay là thời điểm đặc biệt cho cuộc hành trình nội tâm tiến đến với Đấng là nguồn tình thương. Nó là một cuộc hành trình được chính Người đồng hành với chúng ta qua sa mạc nghèo hèn của chúng ta, nâng đỡ chúng ta trên con đường tiến đến niềm vui tràn đầy của Lễ Phục Sinh. Cho dù ở trong “thung lũng tối” được Thánh Vịnh Gia nói tới (Ps 23:4), trong lúc tên cám dỗ xui khiến chúng ta hãy thất vọng hay chẳng còn hy vọng gì nơi công việc do tay chúng ta làm ra nữa, thì Thiên Chúa vẫn có đó để canh chừng chúng ta và nâng đỡ chúng ta…

 

Bởi thế, thật là xác đáng, vị Tiền Nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng kính nhớ, đã nhận định là: “Khuynh hướng ngày nay đó là biến Kitô Giáo thành một thứ thuần khôn ngoan loài người, một thứ khoa học ngụy tạo về phúc lợi. Trong một thế giới bị tục hóa nặng nề của chúng ta đây vẫn đang diễn ra một ‘cuộc tục hóa từ từ ơn cứu độ’, để rồi người ta cố gắng thực hiện sự thiện hảo cho con người nhưng là một con người bị què cụt… Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là Đấng đã đến để mang lại ơn cứu độ trọn vẹn vậy” (Thông Điệp “Redemptoris Missio”, đoạn 11). Phải, cho đến hôm nay đây Chúa vẫn nghe tiếng kêu của đoàn lũ dân chúng mong ngóng thấy niềm vui, an bình và yêu thương. Giống như ở mọi thời đại, họ cảm thấy bị bỏ rơi. Thế nhưng, cho dù trong cảnh tan hoang của tình trạng khốn cùng, lẻ loi cô độc, bạo lực và đói khổ đổ xuống bất kể trên trẻ em, kẻ thành niên và người già lão, Thiên Chúa vẫn không để cho tối tăm thắng thế. Thật vậy, theo lời của vị Tiền Nhiệm yêu dấu của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì có một “giới hạn thần linh áp đặt trên sự dữ”, đó là tình thương vậy (“Hồi Niệm và Căn Tính”, trang 19 và sau đó).

 

Chính ơn cứu độ trọn vẹn mà Mùa Chay đề ra cho chúng ta thấy hướng tới cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên mọi sự dữ đang áp chế chúng ta. Bằng việc hướng về Vị Thần Sư, bằng việc trở về với Người, bằng việc cảm nghiệm tình thương của Người qua Bí Tích Hòa Giải, chúng ta mới nhận ra được “ánh mắt” xuyến thấu chúng ta và ban sự sống mới cho đoàn lũ dân chúng cũng như cho mỗi người chúng ta. Ánh mắt này phục hồi lòng tin tưởng cho những ai không đầu hàng trước mối ngờ vực, mở ra cho họ thấy chân trời của phúc đức trường cửu. Khắp giòng lịch sử, ngay cả khi lòng thù ghét dường như thắng thế thì cũng chẳng bao giờ thiếu chứng từ ngời sáng của tình Người yêu thương. Chúng ta ký thác cuộc hành trình Mùa Chay của chúng ta cho Mẹ Maria, “nguồn hy vọng sống động” (Dante Alighieri, "Paradiso," XXXIII, 12), để Mẹ có thể dẫn chúng ta đến với Con Mẹ.

 

2.         Mùa Chay mời gọi thực hành những hình thức thích hợp của việc từ bỏ có tính cách thống hối nhưng bằng một tinh thần mới.

 

(Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật VIII Thường Niên 26/2/2006)

 

Trong giai đoạn Mùa Chay này không hát lời ‘Hãy Vui Lên’ và chúng ta được mời gọi thực hành những hình thức thích hợp của việc từ bỏ có tính cách thống hối.

 

Mùa Chay không được mặc một bộ mặt của thứ tinh thần ‘cổ xưa’, như thể nó là một thứ ép buộc nặng nề và buồn chán, song với một tinh thần mới của con người tìm thấy, nơi Chúa Giêsu cũng như nơi mầu nhiệm vượt qua của Người, ý nghĩa của đời sống, và bởi vậy cảm thấy rằng mọi sự cần phải qui về Người.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, Tổng Hợp và Tuyển Dịch

   

TOP

 

 

? Người Công Giáo Iraq góp phần tái thiết Đền Thờ Hồi Giáo

Cho dù có bị tấn công hôm Chúa Nhật 29/1/2006 bởi thành phần Hồi Giáo quá khích trước vụ biếm họa Tây Phương, gây cho thiệt mạng cho một số người, trong đó có em giúp lễ 13 tuổi là Fadi Raad Elias, người Công Giáo Iraq vẫn tỏ tình đoàn kết với người Hồi Giáo đồng hương trong việc đóng góp tái thiết cái Vòm Vàng của ngôi Đền Thờ ở Samarra bị phá hôm 22/2/2006, một hành động gây thiệt mạng cho cả hơn 400 người ở các cuộc nội chiến sau đó.

Đức Tổng Giám Mục Louis Sako ở Giáo Phận Kirkuk đã nói với cơ quan thông tin SIR của Hội Đồng Giám Mục Ý quốc biết rằng:

“Chúng tôi không đương đầu với một cuộc nội chiến; nó sẽ là việc kết liễu Iraq và chẳng ai muốn điều này cả. Người Iraq biết rằng Saddam Hussein đã lạm dụng họ. Đặc biệt là chế độ của ông ta đã sát hại nhiều người Shiite và những người này giờ đây tìm cách trả thù cho những bất công họ phải chịu cho tới mấy năm vừa rồi”.

Theo vị TGM này thì cuộc tấn công đền thờ Hồi Giáo của phái Shiite “là để dùng võ lực kiếm thêm chỗ đứng trong chính quyền”.

Ngài cho biết thêm là ngài tin rằng “cần phải đứng về phía thành phần tín hữu của chúng ta để nâng đỡ họ bao nhiêu có thể. Tôi cố gắng khuyến khích họ để họ không cảm thấy chán nản. Nếu ai muốn chúng tôi từ bỏ quê hương này chúng tôi sẽ cho họ thấy rằng chúng tôi không sợ, chúng tôi mạnh mẽ và chúng tôi heat sức gắn bó với quê hương xứ sở của chúng tôi”.

“Tôn giáo không có dính dáng gì tới những việc giết chóc” mấy ngày vừa qua. Ngài nói ngài đã đến thăm “những vị lãnh đạo Hồi Giáo để bày tỏ với họ tình đoàn kết chặt chẽ của chúng tôi về việc ngôi đền thờ ở Samarra bị hủy hoại.

“Tôi đã khẳng định một lần nữa là Kitô Hữu phản đối những cuộc tấn công phạm đến người Hồi Giáo, cũng như chúng tôi coi là ghê tởm hết mọi tội ác phạm tới bất cứ nơi thờ phượng nào. Trong cộng đồng của mình, chúng tôi đang quyên góp cho việ ctái thiết ngôi đền thờ ấy”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2/3/2006

 TOP

? Tiểu Bang South Dakota với Đạo Luật Cấm Phá Thai đúng như Giáo Hội Công Giáo chủ trương

Đúng như đã tuyên bố, vị Thống Đốc của Tiểu Bang South Dakota là Mike Rounds, hôm 6/3/2006, đã ký dự luật cấm phá thai ngặt nghèo (chỉ trừ duy trường hợp nguy tử đến thai mẫu) đúng như Giáo Hội Công Giáo chủ trương.

Đạo luật này sẽ có công hiệu từ ngày 1/7/2006, và bác sĩ nào không tuân giữ sẽ phạm pháp, với hình phạt lên tới 5 năm tù ở.

Cha Thomas Euteneuer, chủ tịch tổ chức Quốc Tế Sự Sống Con Người có trụ sở ở Virginia đã viết trong một công báo rằng: “Thống Đốc Grounds là một vị anh hùng… Là một vị linh mục Công Giáo, tôi hân hoan vui mừng khi thấy một người Công Giáo Rôma đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập một nền văn hóa sự sống như vậy ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/3/2006

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ