GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 17/4/2006

 BÁT NHẬT PHỤC SINH

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Phục Sinh 16/4/2006 về Sứ Điệp Phục Sinh và Phép Lành Phục Sinh ‘cho Thành Rôma và Thế Giới – ubi et orbi’

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Chiều Thứ Năm Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ John Lareran

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II (tiếp)

 

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Phục Sinh 16/4/2006 về Sứ Điệp Phục Sinh và Phép Lành Phục Sinh ‘cho Thành Rôma và Thế Giới – ubi et orbi’

 

Anh Chị Em thân mến!

 

‘Christus resurrexit – Chúa Kitô sống lại rồi!’

 

Trong đại lễ vọng đêm hôm qua, chúng ta đã sống lại biến cố quyết liệt và luôn hiện đại của Cuộc Phục Sinh, mầu nhiệm chính yếu của đức tin Kitô Giáo. Vô vàn cây nến đã được thắp lên trong các nhà thờ, biểu hiệu cho ánh sáng của Chúa Kitô đã sáng soi và tiếp tục soi sáng nhân loại khi Người vĩnh viễn chiến thắng bóng tối tăm tội lỗi và sự chết.

 

Và hôm nay đây vang vọng một cách mãnh liệt những lời đã làm kinh lặng thành phần nữ giới vào buổi sáng ngày thứ nhất sau ngày Hưu Lễ, khi họ đến mồ, nơi thi thể của Chúa Kitô đã được an táng sau khi được tháo vội xuống khỏi thập giá. Với tâm trạng buồn bã và chán nản trước việc bị mất đi vị sư phụ của mình, họ thấy tảng đá lớn đã được lăn ra khỏi cửa mồ, để rồi khi tiến vào bên trong họ thấy xác của Người không còn ở đó nữa.

 

Khi họ đứng ở đó, với tâm trạng hoang mang bối rối, hai người nam với dáng vẻ sáng ngời đã làm cho họ ngỡ ngàng khi nói với họ rằng: ‘Tại sao các người tìm người sống nơi kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, Người sống lại rồi’ (Lk 24:5-6). ‘Non est hic, sed resurrexit’ (Lk 24:6). Thế là kể từ buổi sáng hôm đó, những lời này không ngừng vang vọng khắp vũ trụ như một lời loan báo niềm vui qua các thế kỷ một cách không đổi thay và đồng thời với những âm hưởng vô tận luôn mới mẻ.

 

‘Người không còn ở đây nữa… Người sống lại rồi’. Các vị thiên sứ trước hết và trên hết loan báo rằng Chúa Giêsu ‘không còn ở đây nữa’: Người Con Thiên Chúa không còn ở trong mồ, vì không thể nào sự chết lại có thể cầm giữ nổi Người như là một tù nhân trong ngục thất (x Acts 2:24), và ngôi mộ cũng không thể nào chứa nổi ‘Đấng hằng sống’ (Rev 1:18) là chính nguồn mạch của sự sống.

 

Như tiên tri Giona trong bụng cá voi thế nào, Chúa Kitô tử giá cũng đã bị nuốt vào lòng đất như vậy (x Mt 12:40) trong khoảng thời gian của ngày Hưu Lễ. Thật vậy, ‘ngày Hưu Lễ đó là một ngày cao cả’, như Thánh Gioan đã nói với chúng ta (Jn 19:31): vì nó là tột đỉnh của lịch sử, bởi vào lúc bấy giờ ‘Vị Chúa của ngày Hưu Lễ’ (Mt 12:8) hoàn thành công cuộc tạo dựng (x Gen 2:1-4a), ở chỗ Người thăng hoa con người và toàn thể vũ trụ trong niềm tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa (x Rm 8:21).

 

Khi công việc phi thường này được hoàn tất thì thân thể vô hồn ấy được thấm ngập hơi thở sự sống của Thiên Chúa, để rồi, như những bức tường của ngôi mộ bị sụp xuống, Người đã hiển vinh sống lại. Đó là lý do tại sao các thiên thần loan báo rằng ‘Người không còn ở đây nữa’, không thể nào tìm thấy Người ở trong mồ nữa. Người đã thực hiện cuộc hành trình giữa chúng ta trên trái đất này, Người đã hoàn tất cuộc hành trình của Người trong ngôi mộ như tất cả mọi người, thế nhưng Người đã chiến thắng sự chết, và một cách tuyệt đối, bằng một tác động yêu thương tinh tuyền, Người đã mở lòng đất ra, cho nó mở toang cửa ra hướng về trời.

 

Cuộc phục sinh của Người trở thành cuộc phục sinh của chúng ta, một cuộc phục sinh ‘tháp nhập’ chúng ta với Người bằng phép rửa. Tiên tri Êzêkiên đã nói trước điều này là: ‘Này đây Ta sẽ mở cửa mồ cho các ngươi, và làm cho các ngươi sống lại từ đó, Ôi dân của Ta; và Ta sẽ mang các ngươi trở về đất Yến Duyên’ (37:12). Những lời tiên tri này đã mặc một giá trị đặc biệt trong Ngày Lễ Phục Sinh, vì hôm nay là ngày nên trọn lời hứa ấy của Đấng Hóa Công; hôm nay, ngay cả trong thời đại tân tiến đầy những âu lo và bất ổn này, chúng ta cũng sống lại biến cố Phục Sinh ấy, một biến cố đã làm thay đổi bộ mặt của cuộc sống chúng ta và làm đổi thay lịch sử nhân loại. Nhờ Chúa Kitô phục sinh, tất cả những ai vẫn còn bị cầm hãm bởi những xích xiềng khổ đau và chết chóc cảm thấy được niềm hy vọng, cho dù đôi khi họ không biết đến nó.

 

Chớ gì Thần Linh của Đấng phục sinh đặc biệt mang lại ủi an và an ninh cho nhân dân Darfur, những người đang sống trong một tình trạng nhân đạo thảm thương bất khả chịu đựng; cho nhân dân ở vùng Đại Hồ, nơi nhiều vết thương chưa được chữa lành; cho nhân dân ở Horn of Africa, ở Ivory Coast, Uganda, Zimbabwe và ở các quốc gia khác, là thành phần đang khao khát được hòa giải, công lý và tiến bộ. Ở Iraq, chớ gì bình an cuối cùng làm chủ tình trạng bạo loạn thảm thê đang tiếp tục dã man sát hại thành phần các nạn nhân.

 

Tôi cũng thành thật nguyện cầu để những ai bị lọt vào cuộc xung đột ở Thánh Địa tìm thấy an bình, và tôi kêu gọi tất cả hãy nhẫn nại và kiên trì đối thoại hầu loại trừ đi những chướng ngại cả cũ lẫn mới. Chớ gì cộng đồng quốc tế, một cộng đồng đang tái khẳng định quyền lợi chân chính của Do Thái được hiện hữu trong hòa bình, giúp cho nhân dân Palestine thắng vượt được những điều kiện bấp bênh hiểm nghèo họ đang sống và xây dựng tương lai của họ, hướng tới việc thành lập một quốc gia thực sự cho họ.

 

Chớ gì Thần Linh của Đấng Phục Sinh thắp lên một cuộc dấn thân hăng say mới ở các quốc gia Châu Mỹ Latinh, nhờ đó các điều kiện sống của nhiều triệu người công dân được cải tiến, nạn bắt cóc tệ hại được hoàn toàn loại bỏ và những cơ cấu dân chủ được củng cố trong tình thần hòa hợp và đoàn kết tốt đẹp.

 

Với những cuộc khủng hoảng quốc tế liên quan tới vấn đề năng lực nguyên tử, chớ gì tất cả mọi phía tìm thấy được một giải pháp đáng tôn trọng, bằng những cuộc thương thảo nghiêm chỉnh và chân thành, và chớ gì các vị lãnh đạo chư dân cùng các tổ chức quốc tế biết kiên cường ý muốn của mình trong việc chiếm đạt cuộc chung sống an bình giữa các chủng tộc, văn hóa và tôn giáo khác nhau, để loại trừ đi cái đe dọa của nạn khủng bố.

 

Chớ gì Chúa Kitô phục sinh làm cho quyền năng của sự sống Người, bình an và tự do của Người được mọi nơi cảm nghiệm thấy. Ngày nay những lời được Thiên Thần trấn an những tấm lòng hoảng sợ của thành phần nữ giới vào buổi sáng Phục Sinh được ngỏ cùng tất cả mọi người, đó là: ‘Đừng sợ!... Người không còn ở đây nữa; Người sống lại rồi’ (Mt 28:5-6). Chúa Giêsu sống lại rồi, và Người ban bình an cho chúng ta; chính Người là bình an. Đó là lý do Giáo Hội liên lỉ lập lại rằng: ‘Chúa Kitô sống lại rồi – Christós anésti’.

 

Xin con người của ngàn năm thứ ba dừng sở mở lòng mình ra cho Người. Phúc Âm của Người hoàn toàn làm giãn khát vọng hòa bình và hạnh phúc trong hết mọi tâm can con người. Chúa Kitô hiện nay đang sống và bước đi với chúng ta. Mầu nhiệm yêu thương bao la biết là chừng nào! ‘Christus resurrexit, quia Deus caritas est!’ Alleluia!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/4/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Lễ Chiều Thứ Năm Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ John Lareran

 

‘Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình thì Người đã yêu thương họ tới cùng’ (Jn 13:1). Thiên Chúa yêu thương tạo vật của Ngài là con người. Ngài cũng yêu thương con người khi họ sa ngã và không bỏ rơi mặc thây họ cho rồi đời. Ngài yêu thương họ tới cùng. Bằng tình yêu của mình Ngài đã đi cho tới cùng, cho tới cực độ: Ngài đã hạ giáng không còn vinh hiển thần linh của Ngài nữa. Ngài đã bỏ đi vinh hiển thần linh của Ngài và mặc lấy thân phận tôi đòi. Ngài đã xuống tận chỗ thấp hèn nhất của tình trạng sa đọa của chúng ta. Ngài đã quì xuống trước chúng ta và cống hiến chúng ta một việc làm của người tôi tớ. Ngài rửa chân bẩn thỉu của chúng ta để chúng ta có thể được thông phần với Ngài, để chúng ta được xứng đáng ngồi vào bàn với Ngài, một việc tự mình chúng ta không bao giờ có thể làm và dám làm.

 

Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa xa vời, quá xa vời và cao cả đối với những gì là tầm thường của chúng ta. Cho dù là Ngài cao cả Ngài vẫn có thể chú trọng tới những cái tầm thường của chúng ta. Cho dù là Ngài cao cả, nhưng linh hồn của con người, một con người được tình yêu hằng hữu dựng nên ấy, lại không phải là những gì bé nhỏ, song cao cả và đáng được Ngài yêu thương. Sự thánh thiện của Thiên Chúa không phải chỉ là một thứ quyền năng rực rỡ khiến chúng ta phải kinh hoàng hãi sợ. Ngài là quyền lực yêu thương, nên Ngài là quyền lực thanh tẩy và tái sinh.

 

Thiên Chúa hạ giáng và biến thành một người tôi tớ, rửa chân cho chúng ta để chúng ta được ngồi vào bàn với Ngài. Tất cả mầu nhiệm của Chúa Kitô được thể hiện nơi điều này. Ý nghĩa của việc cứu chuộc được tỏ hiện nơi việc ấy. Chậu nước mà Ngài thanh tẩy chúng ta là tình Ngài yêu thương sẵn sàng chấp nhận chết đi. Chỉ có tình yêu mới có quyền năng thanh tẩy chúng ta khỏi ô uế bẩn thỉu và nâng chúng ta lên tầm mức cao cả của Thiên Chúa. Chính Ngài là bồn nước thanh tẩy chúng ta, Đấng hoàn toàn hiến mình cho chúng ta đến độ chạm tới vực thẳm khổ đau và chết chóc của họ. Ngài liên lỉ là tình yêu thanh tẩy chúng ta nơi các bí tích thánh tẩy – bí tích rửa tội và thống hối – Ngài tiếp tục quì xuống dưới chân chúng ta để cống hiến cho chúng ta một việc làm của thành phần tôi tớ, đó là việc thanh tẩy; Ngài làm cho chúng ta xứng đáng với Thiên Chúa. Tình yêu của Ngài khôn tận; Ngài thực sự yêu thương cho tới cùng.

 

Chúa Kitô nói: ‘Các con thanh sạch nhưng không phải tất cả mọi người trong các con đâu’ (Jn 13:10). Trong câu này Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy tặng ân thanh tẩy cao cả Ngài cống hiến cho chúng ta, vì Ngài muốn ngồi vào bàn chung với chúng ta, trở nên lương thực cho chúng ta. ‘Thế nhưng không phải là tất cả đâu’; đây là mầu nhiệm tối tăm của vấn đề khước từ, một mầu nhiệm đã xẩy ra cho Giuđa mà chúng ta cần phải suy nghĩ thực sự trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh này, ngày Chúa Giêsu ban mình cho chúng ta. Tình yêu của Chúa Kitô vô giới hạn thế mà con người lại đặt giới hạn cho tình yêu này.

 

‘Các con thanh sạch những không phải là tất cả các con đâu’. Cái gì làm cho con người ra ô uế bẩn thỉu? Đó là thái độ khước từ tình yêu, không muốn được yêu thương, không yêu thương. Đó là thái độ cao ngạo cho rằng không cần thanh tẩy, khép mình trước sự thiện hảo cứu độ của Thiên Chúa.

 

Thái độ cao ngạo không muốn thú nhận và nhìn nhận rằng chúng ta cần được thanh tẩy. Nơi Giuđa, chúng ta thấy bản chất của thái độ khước từ một cách rõ ràng hơn nữa. Hắn nghĩ về Chúa Giêsu theo những gì là quyền lực và thành đạt. Đối với hắn, chỉ có thực tại về     quyền lực và thành đạt mà thôi, còn tình yêu chẳng có nghĩa gì cả. Và hắn là một con người thèm muốn: Tiền bạc là những gì còn quan trọng hơn cả mối hiệp thông với Chúa Giêsu, quan trọng hơn cả Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Bởi đó, hắn cũng trở thành một tên dối trá, hắn cả gan ăn thua đủ với sự thật; hắn sống trong gian dối và nhắm mắt lại trước sự thật là Thiên Chúa. Bởi thế hắn bị cứng lòng, không thể ăn năn hối cải, không thể bắt đầu tin tưởng trở về như người con hoang đàng mà bỏ đi cuộc đời băng hoại.

 

‘Các con thanh sạch nhưng không phải là tất cả đâu’. Chúa Kitô muốn cảnh giác chúng ta ngày nay trước cái tự mãn đến độ đặt giới hạn cho tình yêu vô hạn của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hãy bắt chước sự khiêm tốn của Người, hãy tin tưởng vào sự khiêm tốn này, hãy để mình bị ‘nhiễm lây’ nó. Ngài mời gọi chúng ta hãy trở về nhà, bất kể chúng ta cảm thấy sai lạc đến đâu đi nữa và hãy để choi sự thiện hảo thanh tẩy của Ngài thăng hóa chúng ta và làm cho chúng ta được hiệp thông với Ngài, với chính Thiên Chúa.

 

Chúng ta hãy suy nghĩ một câu nữa từ đoạn Phúc Âm bất tận này, đó là câu: ‘Thày đã làm gương cho các con’ (Jn 13:15), để ‘các con cũng phải rửa chân cho nhau’ (Jn 13:14). Việc rửa ‘chân cho nhau’ này là ở chỗ nào? Nó đặc biệt có nghĩa là gì? Hết mọi việc lành làm cho kẻ khác – nhất là cho những ai bị khổ đau và những ai ít được cảm mến – là việc rửa chân vậy. Chúa Kitô kêu gọi chúng ta làm việc này, đó là hạ mình xuống, tỏ ra khiêm nhượng và can đảm hành thiện, cũng như tỏ ra sẵn sàng chấp nhận bị khước từ nhưng vẫn tin tưởng vào sự thiện hảo và kiên trì với sự thiện hảo.

 

Thế nhưng vẫn còn một chiều kích sâu xa hơn nữa. Chúa Kitô tẩy rửa tình trạng ô uế bẩn thỉu của chúng ta bằng sự thiện hảo có quyền năng thanh tẩy của ngài. Việc rửa chân cho nhau trước hết nghĩa là không ngừng tha thứ cho nhau, nghĩa là luôn luôn bắt đầu lại cho dù nó có thể là luống công vô ích. Nó có nghĩa là thanh tẩy nhau bằng việc chịu đựng lẫn nhau và chấp nhận những gì người khác phải chịu đựng chúng ta; nó có nghĩa là thanh tẩy nhau, cống hiến cho nhau quyền năng thánh hóa của Lời Chúa và đưa nhau đến với bí tích của tình yêu thần linh.

 

Chúa Kitô thanh tẩy chúng ta và bởi đó chúng ta mới dám ngồi vào bàn với Ngài. Chúng ta hãy cầu xin để Ngài ban cho tất cả chúng ta ân sủng để trở thành khách vào một ngày nào đó và vĩnh viễn ở bàn tiệc cưới vĩnh hằng. Amen!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 15/4/2006

 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch

 

(tiếp 13 Thứ Năm, 14 Thứ Sáu, 15 Thứ Bảy, 16 Chúa Nhật)

 

Nhận Định về Vị Tiền Nhiệm

 

Về gương chịu khổ của Vị Tiền Nhiệm

 

Bài Giảng của ĐHY Joseph Ratzinger chủ tế Lễ An Táng ĐTC GPII 8/4/2005

 

“Không ai trong chúng ta có thể quên được cảnh tượng diễn ra hôm Chúa Nhật Phục Sinh vừa rồi trong cuộc đời của ngài, Đức Thánh Cha, đầy những đớn đau, lại tiến đến cửa sổ Tông Dinh của mình để ban phép lành ‘urbi et orbi – cho thành Rôma và cho thế giới’ một lần cuối cùng. Chúng ta có thể chắc chắn rằng vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta hôm nay đang đứng ở cửa sổ phòng của một Người Cha, ngài đang trông thấy chúng ta và ban phép lành cho chúng ta. Vâng, xin hãy ban phép lành cho chúng con, Đức Thánh Cha ơi. Chúng con xin dâng phú linh hồn yêu dấu của cha cho Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của cha, Vị đã hướng dẫn cha từng ngày và là vị giờ đây dẫn cha đến vinh quang đời đời của Con Mẹ là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Amen”.

 

Diễn Từ Tất Niên với Giáo Triều Rôma ngày Thứ Năm 22/12/2005

 

“Tâm hồn chúng ta ngập tràn niềm vui xuất phát từ việc nhận thức này, chúng ta hãy nghĩ lại những biến cố trong năm đang tới lúc kết thúc đây. Chúng ta thấy quá khứ của chúng ta những biến cố lớn lao là những gì đã lưu lại dấu vết sâu đậm nơi đời sống của Giáo Hội. Trước hết và trên hết, tôi đang nghĩ tới việc ra đi của Đức Thánh Cha yêu dấu của chúng ta là Gioan Phaolô II, một cuộc ra đi được mở màn bằng một giai đoạn dài đớn đau rồi dần dần mất tiếng nói. Không có một vị Giáo Hoàng nào như ngài đã để lại cho chúng ta một số lượng văn bản như ngài đã lưu lại cho chúng ta; không có một vị Giáo Hoàng nào như ngài đã có thể viếng thăm toàn thế giới và trực tiếp nói với dân chúng ở tất cả mọi châu lục.

 

“Thế mà, cuối cùng, số phận của ngài là một cuộc hành trình đau thương và câm nín. Chúng ta không thể nào quên được những hình ảnh Chúa Nhật Lễ Lá, lúc mà, cầm trong tay cành cây dầu và cảm thấy đớn đau, ngài đã tiến đến cửa sổ để Ban Phép Lành của Chúa như chính bản thân ngài sắp sửa bước tới cây Thập Tự Giá.

 

“Sau đó là cảnh ở trong Nguyện Đường Riêng của ngài, lúc mà, cầm Thánh Giá trong tay, ngài tham dự Đường Thánh Giá bấy giờ đang diễn tiến ở Hí Trường Colosseum, nơi ngài rất hay thường vác Thập Giá dẫn đầu đoàn người diễn hành theo sau.

 

“Sau hết là Phép Lành âm thầm của ngài hôm Chúa Nhật Phục Sinh, nơi phép lành âm thầm này chúng ta đã thấy niềm hứa hẹn của cuộc Phục Sinh, của sự sống đời đời, rạng ngời tỏa sáng qua tất cả mọi nỗi đớn đau của ngài. Bằng cả lời nói và hành động, Đức Thánh Cha đã cống hiến cho chúng ta rất nhiều điều cao cả; bài học này cũng không kém phần quan trọng được ngài ban cho chúng ta từ ngai tòa khổ đau và câm nín”.

 

Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 2/4/2006 kỷ niệm đúng một năm băng hà của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II

 

“Vào ngày 2/4 năm ngoái, một ngày như hôm nay đây, Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta đã sống vào những giờ phút như thế này đoạn hành trình cuối cùng của đời ngài, một cuộc hành trình đức tin, đức mến và đức cậy, một cuộc hành trình đã để lại một nét đậm nơi lịch sủa Giáo Hội cũng như của nhân loại. Cuộc khổ nạn và cái chết của ngài giống như một giai đoạn kéo dài của Tam Nhật Phục Sinh. 

 

“Tất cả chúng ta vẫn còn nhớ các hình ảnh về cuộc Đi Đường Thánh Giá cuối cùng của ngài hôm Thứ Sáu Tuần Thánh: Vì không đến được Hí Trường Colosseum, ngài đã theo dõi đường thánh giá từ nguyện đường riêng của ngài, tay ôm cây thập giá. Thế rồi, vào Chúa Nhật Phục Sinh, ngài đã ban phép lành ‘urbi et orbi’, song không thể nói lên lời nào, mà chỉ lấy tay ra dấu mà thôi. Đó là một phép lành đớn đau và cảm kích được ngài lưu lại cho chúng ta như chứng từ cao cả nhất về việc ngài cương quyết hoàn thành sứ vụ của ngài cho tới cùng.

 

“Đức Gioan Phaolô II đã chết như ngài đã sống, đã sinh động bằng một đức tin can trường bất khả lịm, phó mình cho Thiên Chúa và nương thân vào Mẹ Maria Rất Thánh. Chúng ta sẽ tưởng nhớ đến ngài đêm nay bằng một đêm canh thức nguyện cầu Thánh Mẫu ở Quảng Trường Thánh Phêrô là nơi ngày mai tôi sẽ cử hành Thánh Lễ cầu cho ngài…

 

“Trong những năm cuối cùng của ngài, Chúa đã dần dần tước lột ngài khỏi tất cả mọi sự, để làm cho ngài hoàn toàn nên giống Người. Và khi ngài không còn tông du được nữa, sau đó thậm chí không còn bước đi được nữa, sau cùng đến nỗi không còn nói được nữa, thì cử chỉ của ngài, việc loan báo của ngài được biến thành những gì thiết yếu, đó là việc ban tặng bản thân mình cho đến cùng.

 

“Cái chết của ngài là việc hoàn tất một chứng từ đức tin tha thiết, một chứng từ đã đánh động tâm can của nhiều người thiện chí. Đức Gioan Phaolô II đã bỏ chúng ta mà đi vào ngày Thứ Bảy, ngày đặc biệt được giành kính Mẹ Maria, Vị ngài luôn tỏ ra sùng ái với tình con thảo. Giờ đây chúng ta nguyện cầu cùng Người Mẹ trên trời của Thiên Chúa để Mẹ giúp chúng ta trân quí tất cả những gì được vị đại Giáo Hoàng này đã ban cho chúng ta và dạy dỗ chúng ta”.

 

Huấn Từ kết thúc Đêm Canh Thức Cầu Kinh Mân Côi Kỷ Niệm Đầy Năm Đức Gioan Phaolô II Qua Đời 2/4/2006

 

“Một năm đã qua từ biến cố băng hà của Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II, một biến cố đã xẩy ra hầu như vào đúng giờ này – 9 giờ 37 phút tối – thế nhưng việc tưởng nhớ đến ngài vẫn tiếp tục đặc biệt sống động, như được chứng thực qua nhiều nghi thức được thực hiện trong những ngày này trên khắp thế giới. Ngài tiếp tục hiện diện trong trí khôn của chúng ta và trong tâm can của chúng ta. Ngài tiếp tục thông đạt cho chúng ta tình ngài mến yêu Thiên Chúa và lòng ngài mến thương con người; ngài tiếp tục tác động nơi tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, lòng nhiệt thành tìm kiếm sự thiện và lòng can đảm theo Chúa Giêsu cùng giáo huấn của Người.

 

“Làm sao để có thể tóm lược được cái chứng từ phúc âm ấy của vị đại Giáo Hoàng này đây? Tôi cố gắng tóm lược lại bằng hai từ ngữ, đó là ‘trung thành’ và ‘dấn thân’. Hoàn toàn trung thành với Thiên Chúa và dứt khoát dấn thân  cho sứ vụ làm mục tử của Giáo Hội hoàn vũ. Lòng trung thành và việc dấn thân thậm chí trở nên sống động và cảm kích hơn nữa trong những tháng cuối đời của ngài, khi ngài thể hiện bản thân mình những gì ngài viết vào năm 1984 trong tông thư ‘Salvifici Doloris’: ‘Khổ đau đang hiện diện trên thế giới để phát tỏa yêu thương, để hạ sinh những công cuộc yêu thương đối với tha nhân, để biến đổi toàn thể văn minh con người thành một thứ ‘văn minh yêu thương’ (đoạn 30).

 

“Với gương mặt can trường, bệnh nạn của ngài đã làm cho mọi người chú trọng tới nỗi đớn đau của con người hơn, tới tất cả nỗi khổ đau về thể lý và tinh thần; ngài cống hiến cho khổ đau cái phẩm vị và giá trị, cho thấy rằng cái giá trị của con người không phải ở cái hiệu năng của họ hay dáng vẻ bề ngoài của họ, mà là ở trong chính bản thân họ, vì họ đã được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương.

 

“Bằng lời nói và cử chỉ của mình, Đức Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta không thôi chỉ cho thế giới thấy rằng nếu con người để cho Chúa Kitô chiếm đoạt thì nó không làm hư hao đi cái phong phú của nhân tính mình; nếu họ kính mến Người hết lòng thì sẽ không thiếu thốn gì hết. Trái lại, việc gặp gỡ Chúa Kitô làm cho đời sống của chúng ta trở thành phấn khởi hơn.

 

“Chính vì ngài đã lôi kéo chúng ta đến gần với Thiên Chúa hơn bằng nguyện cầu, bằng chiêm niệm, bằng lòng yêu chuộng Chân và Mỹ, mà Vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta đây biến mình thành một kẻ đồng hành với mỗi người chúng ta và có thế giá để thậm chí nói với cả những ai xa cách đức tin Kitô Giáo.

 

“Nhân dịp đệ nhất chu niên việc ngài về Nhà Cha, tối nay chúng ta được mời gọi để tiếp tục lại cái di sản thiêng liêng ngài để lại cho chúng ta. Ngài phấn khích chúng ta hãy sống Sự Thật không ngừng tìm kiếm, vì chỉ có duy sự thật này mới có thể thỏa mãn tâm can của chúng ta mà thôi. Ngài khuyến khích chúng ta đừng sợ theo Chúa Kitô để loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi người, một phúc âm là men cho một nhân loại huynh đệ và đoàn kết hơn. 

 

“Chớ gì Đức Gioan Phaolô II từ trời cao giúp chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta, là những người môn đệ dễ dạy của Chúa Giêsu, để, như Người thích nói với giới trẻ, trở thành ‘lính canh hừng đông’ ở đầu đệ tam thiên kỷ Kitô Giáo này. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin cùng Mẹ Maria, Người Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, Vị mà ngài lúc nào cũng tỏ lòng sùng ái”.

 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ