GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 27/4/2006

 TUẦN II PHỤC SINH

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 26/4/2006 về Vấn Đề Truyền Thống là Hiện Thực Sự Hiện Diện Sống Động của Chúa Kitô

?  Tác Phẩm LUẬN VỀ LÒNG THÀNH THỰC SÙNG KÍNH MẸ MARIA: Một Linh Đạo Thánh Mẫu

?  Linh Đạo Thánh Mẫu của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) theo Đức Gioan Phaolô II: Mẹ Maria là chi thể tuyệt hảo của Nhiệm Thể và là Mẹ Giáo Hội

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI – Lịch Trình về Chuyến Tông Du Thứ Hai sắp tới ở Balan

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI: Bài Giáo Lý cho Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 26/4/2006 về Vấn Đề Truyền Thống là Hiện Thực Sự Hiện Diện Sống Động của Chúa Kitô

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Cám ơn lòng cảm mến của anh chị em! Trong một loạt bài giáo lý mới mới được khởi sự cách đây ít lâu, chúng ta đã cố gắng tìm hiểu dự án nguyên thủy của Chúa về Giáo Hội để thấu triệt hơn nữa về việc tham dự của chúng ta, về đời sống Kitô hữu của chúng ta, trong mối hiệp thông cao cả của Giáo Hội. Cho đến này chúng ta đã hiểu được rằng mối hiệp thông của Giáo Hội được Thánh Linh khơi động và bảo trì, được thừa tác vụ tông đồ canh giữ và cổ võ. Và mối hiệp thông này, mối hiệp thông chúng ta gọi là Giáo Hội, không chỉ vươn tới tất cả mọi tín hữu thuộc một thời điểm lịch sử nào đó, mà còn bao gồm tất cả mọi thời đại và tất cả mọi thế hệ nữa. Thế nên, chúng ta thấy mình đứng trước một tính cách đại đồng lưỡng diện, đó là tính cách đại đồng synchronic tức là chúng ta hiệp nhất với những tín hữu khắp nơi trên thế giới, và tính cách đại đồng được gọi là diachronic, tức là tất cả mọi thời đại đều thuộc về chúng ta: Những tín hữu của quá khứ và tương lai cùng với chúng ta làm nên một mối đại hiệp thông duy nhất.

 

Thần Linh xuất hiện như là Vị bảo đảm cho việc hiện diện chủ động của mầu nhiệm này trong lịch sử, Vị bảo đảm việc hiện thực của nó qua các thế kỷ. Nhờ Đấng An Ủi này, cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh, một cảm nghiệm của cộng đồng tông đồ vào thuở ban đầu của Giáo Hội, mới luôn có thể tái diễn qua các thế hệ tiếp theo nhau, ở chỗ nó được truyền đạt và hiện thực nơi đức tin, nơi việc thờ phượng và nơi mối hiệp thông của Dân Chúa, lữ hành trong thời gian. Để rồi, nhờ đó, giờ đây chúng ta, trong Mùa Phục Sinh, sống cuộc hội ngộ với Đấng Phục Sinh, chẳng những như là một điều gì đó thuộc về quá khứ mà còn trong mối hiệp thông hiện tại về đức tin, về phụng vụ và về đời sống của Giáo Hội.

 

Truyền Thống tông đồ của Giáo Hội là ở chỗ truyền đạt những sự thiện hảo của ơn cứu độ, một truyền đạt làm cho cộng đồng Kitô hữu vĩnh viễn hiện thực hóa, nhờ quyền năng của Thần Linh, mối hiệp thông nguyên thủy. Nó được gọi như thế là vì nó được xuất phát từ chứng từ của các vị tông đồ cũng như của cộng đồng môn đệ trong những năm sơ khai, được cống hiến bởi sự hướng dẫn của Thánh Thần nơi các văn kiện Tân Ước, cũng như nơi đời sống bí tích, nơi đời sống đức tin, và Giáo Hội liên lỉ căn cứ vào nó – vào Truyền Thống luôn là thực tại hiện hữu của tặng ân Giêsu – như là nền tảng và qui tắc của nó nhờ việc liên tục thừa kế của thừa tác vụ tông đồ.

 

Trong cuộc sống về lịch sử của mình, Chúa Giêsu đã giới hạn sứ vụ của Người vào Nhà Yến Duyên, thế nhưng Người đã làm sáng tỏ là tặng ân này được nhắm tới chẳng những cho dân Yến Duyên mà còn cho toàn thế giới và cho tất cả mọi thời đại nữa. Đấng Phục Sinh, bởi thế, đã ủy thác, cách riêng cho các tông đồ (x Lk 6:13), công việc tuyển chọn môn đệ từ mọi dân nước, với lời hứa rằng Người sẽ hiện diện và hỗ trợ cho đến tận thế (x Mt 28:19ff).

 

Tính cách đại đồng của việc cứu độ, trong các điều kiện của mình, đòi phải cử hành việc tưởng nhớ Cuộc Phục Sinh trong lịch sử liên tục cho tới khi Chúa Kitô đến trong vinh quang (x 1Cor 11:26). Ai sẽ là người làm hiện thực sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu, qua thừa tác vụ của các vị tông đồ, những vị lãnh đạo của dân Yến Duyên cánh chung (x Mt 19:28) – cũng như của toàn thể đời sống của dân tân Ước đây? Câu trả lời đã rõ, đó là Thánh Linh. Sách Tông Vụ – một cuốn sách tiếp tục trình thuật của Phúc Âm Thánh Luca – trình bày kiến thức hỗ tương giữa Thần Linh, những người được Chúa Kitô sai đi và cộng đồng được các vị qui tụ lại.

 

Nhờ tác động của Đấng An Ủi này, các vị tông đồ và thành phần thừa kế của các vị mới có thể hiện thực trong thời gian sứ vụ các vị đã lãnh nhận qua Đấng Phục Sinh: “Các con là chứng nhân của những điều này. Và này đây Thày sai đến với các con lời hứa của Cha Thày” (Lk 24:48-49). “Thế nhưng các con sẽ lãnh nhận quyền lực khi Thánh Thần xuống trên các con, và các con sẽ là những chứng nhân của Thày ở Giêrusalem, khắp Giuđêa và Samaria, cho đến tận cùng trái đất” (Acts 1:8). Và lời hứa ấy, thoạt tiên không thể nào tin nổi, đã được hiện thực trong thời các tông đồ: “Chúng tôi là những nhân chứng về những điều ấy, vì Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho những ai tuân phục Ngài” (Acts 5:32).

 

Bởi thế, chính vị Thần Linh này, qua việc đặt tay và nguyện cầu của các vị tông đồ, thánh hiến và sai các vị tân thừa sai của Phúc Âm đi (chẳng hạn ở Tông Vụ 13:3ff và 1Tim 4:14). Vấn đề đáng chú ý ở đây là trong khi ở một số đoạn viết rằng Thánh Phaolô thiết lập những vị trưởng lão ở các Giáo Hội (x Acts 14:23), thì có đoạn lại khẳng định là chính Thánh Thần thiết lập các vị chăn dắt đàn chiên (x Acts 20:28).

 

Như thế thì tác động của Thần Linh và của Thánh Phaolô liên kết một cách sâu xa. Vào giờ khắc của những quyết định trọng thể cho đời sống của Giáo Hội thì Thần Linh hiện diện để dẫn dắt Giáo Hội. Việc dẫn dắt hiện diện này của Thánh Linh được đặc biệt cảm nghiệm nơi Công Đồng Giêrusalem, một công đồng có những lời đúc kết vang vọng việc khẳng định ấy: “Đó là quyết định của Thánh Thần và của chúng tôi” (Acts 15:28); Giáo Hội lớn lên và tiến bước “trong sự kính sợ Chúa và nhờ ơn an ủi của Thánh Thần” (Acts 9:31).

 

Việc vĩnh viễn hiện thực hóa sự hiện diện chủ động của Chúa Giêsu nơi dân của Người, được Thánh Linh thực hiện và thể hiện trong Giáo Hội qua thừa tác vụ tông đồ và mối hiệp thông huynh đệ, là những gì được hiểu với chữ Truyền Thống theo ý nghĩa thần học: Nó không phải là việc truyền đạt thuần chất liệu của những gì được trao ban từ ban đầu cho các vị tông đồ, mà là sự hiện diện hiệu năng của Chúa Giêsu, Đấng tử giá và phục sinh, Đấng trong Thần Linh đồng hành và dẫn dắt cộng đồng được Người qui tụ lại.

 

Truyền Thống là mối hiệp thông của tín hữu quanh những vị chủ chiên hợp lệ của họ trong giòng lịch sử, một mối hiệp thông được Thánh Thần nuôi dưỡng để bảo đảm mối liên hệ giữa cảm nghiệm đức tin tông đồ là những gì được sinh động trong cộng đồng môn đệ ban đầu với cảm nghiệm hiện diện của Chúa Kitô trong Giáo Hội của Người.

 

Nói cách khác, Truyền Thống là việc tiếp tục về cơ cấu của Giáo Hội là đền thờ của Thiên Chúa Cha được xây trên nền tảng Thần Linh: “Bởi thế mà anh chị em không còn là thành phần xa lạ và lưu trú, nhưng anh chị em là những người công dân đồng bào với các thánh và các phần tử của gia đình Thiên Chúa được xây dựng trên nền tảng các tông đồ và tiên tri có chính Chúa Giêsu Kitô là tảng đá gốc. Nhờ Người mà toàn thể cấu trúc được kiên cố và phát triển thành đền thờ linh thánh trong Chúa; nơi Người anh chị em cũng được cùng nhau xây dựng thành nơi cư trú của Thiên Chúa trong Thần Linh” (Eph 2:19-22).

 

Nhờ Truyền Thống, một truyền thống được bảo đảm bởi thừa tác vụ của các tông đồ và thành phầnh thừa kế các vị, nước sự sống tuôn ra từ cạnh sườn của Chúa Kitô và máu cứu độ của Người chảy tới con người nam nữ thuộc hết mọi thời đại. Như thế, Truyền Thống là sự hiện diện vĩnh viễn của Đấng Cứu Thế là Vị muốn đến để gặp gỡ, cứu chuộc và thánh hóa chúng ta trong Thần Linh nhờ thừa tác vụ của Giáo Hội Người cho vinh quang Chúa Cha.

 

Bởi thế, để kết thúc và tóm gọn, chúng ta có thể nói rằng Truyền Thống không phải là việc truyền đạt các sự vật hay những lời nói, một tổng hợp của những vật chết. Truyền Thống là một con sông sống động nối kết chúng ta với những mạch nguồn, một con sông sống động trong đó các mạch nguồn luôn hiện hữu. Một đại hà dẫn chúng ta tới cảng vĩnh hằng. Trong con sông sống động này, lời của Chúa chúng ta nghe thấy từ ban đầu từ người đọc một lần nữa được nên trọn: “Này đây, Thày ở cùng các con luôn mãi cho đến tận thế” (Mt 28:20).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/4/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  Tác Phẩm LUẬN VỀ LÒNG THÀNH THỰC SÙNG KÍNH MẸ MARIA: Một Linh Đạo Thánh Mẫu

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, viết mừng Lễ Thánh Thánh Long Mộng Phố 27/4

Nếu phẩm Bí Mật Kinh Mân Côi được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc đến trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, một văn kiện cho Năm Mân Côi (16/10/2002-19/10/2003) và về Kinh Mân Côi, ở đoạn 8 như sau: “Không thể nào liệt kê hết tất cả những Vị Thánh đã khám phá ra nơi Kinh Mân Côi một con đường nên thánh đích thực. Chúng ta chỉ cần nói đến Thánh Louis Marie Grignion de Montfort, tác giả của một tuyệt phẩm về Kinh Mân Côi (Bí Mật Kinh Mân Côi)”, thì ngài cũng đã đề cập tới tác phẩm Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria trong Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc được ngài ban hành ngày 25/3/1987, trong Năm Thánh Mẫu (7/6/1987-15/8/1988), như sau:

 

“Ngoài ra, linh đạo Thánh Mẫu này, như việc tôn sùng tương xứng của nó, còn có được một nguồn mạch rất dồi dào phong phú từ kinh nghiệm lịch sử của những cá nhân cũng như của những cộng đồng Kitô hữu khác nhau ở các dân tộc và các quốc gia khác nhau trên thế giới. Về khía cạnh này, tôi xin nhắc đến, trong số những chứng nhân và các bậc thày về linh đạo, hình ảnh Thánh Louis Marie Grignion de Montfort (xem cuốn ‘Luận về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria - Traite de la varie devotion a la sainte Vierge’. Thánh Montfort có thể liên quan tới Thánh Anphongsô, tác giả cuốn ‘Le glorie di Maria - Vinh Quang Mẹ Maria’), vị đã đề ra việc tận hiến cho Chúa Kitô nhờ tay Mẹ Maria, như là một phương tiện cho Kitô hữu sống trung thành với những lời hứa quyết rửa tội của họ. Tôi hân hoan nhận thấy rằng trong cả thời đại của chúng ta đây cũng không thiếu những dấu hiệu mới của thứ linh đạo và lòng tôn sùng này”. (khoản số 48)

           Sau đây là 3 đoạn 2, 3 và 4 trong bức thư Đức Gioan Phaolô II gửi cho Dòng Montfort nhân dịp kỷ niệm 160 xuất bản Tác Phẩm ‘Luận về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria’ (1843-2003), liên quan trực tiếp đến linh đạo Thánh Mẫu, với tiểu đề ‘Ad Jesum per Mariam’ nhờ Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu’, như sau:

 “Thánh Louis Marie đã đề ra một việc ưu ái chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể một cách hiệu nghiệm ngoại thường. Việc tôn sùng Thánh Mẫu chân thực là việc tôn sùng lấy Chúa Kitô là tâm điểm. Thật thế, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở, ‘khi thiết tha suy niệm về Người (Mẹ Maria) và chiêm ngắm Người theo chiều hướng Lời nhập thể là Giáo Hội cung kính tiến vào sâu hơn mầu nhiệm Nhập Thể trọng đại’ (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 65).  

“Lòng mến yêu Thiên Chúa bằng việc hiệp nhất nên một với Chúa Giêsu Kitô là mục đích của hết mọi việc tôn sùng, vì Chúa Kitô, như Thánh Louis Marie viết: ‘là Vị Sư Phụ duy nhất của chúng ta, Đấng dạy dỗ chúng ta; là Vị Chúa duy nhất của chúng ta, Đấng chúng ta phải lệ thuộc; là Thủ Lãnh duy nhất của chúng ta, Đấng chúng ta phải liên kết; là Mô Phạm duy nhất của chúng ta, Đấng chúng ta phải nên giống; là Y Sĩ duy nhất của chúng ta, Đấng có thể chữa lành chúng ta; là Mục Tử duy nhất của chúng ta, Đấng có thể dưỡng nuôi chúng ta; và là Tất Cả duy nhất của chúng ta trong mọi sự, Đấng có thể làm chúng ta mãn nguyện’ (Treatise on True Devotion, n. 61).

 

“Việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria là một phương tiện đặc biệt ‘để tìm gặp Chúa Giêsu Kitô một cách trọn vẹn, để yêu mến Người một cách thiết tha, để phục vụ Người một cách trung thành’ (Treatise on True Devotion, n. 62). Thánh Louis liền nới rộng ước muốn ‘yêu mến cách thiết tha’ chính yếu này thành một lời nguyện cầu tha thiết cùng Chúa Giêsu, van xin Người ban cho ân huệ được tham dự vào mối hiệp thông yêu thương khôn tả giữa Người và Mẹ của Người. 

 

“Tính cách hoàn toàn tương đối của Mẹ Maria đối với Chúa Kitô, và qua Người, với Thiên Chúa Ba Ngôi, là những gì được cảm nghiệm đầu tiên qua nhận định: ‘Bạn không bao giờ nghĩ về Mẹ Maria mà Mẹ Maria lại không chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho bạn. Bạn không bao giờ ca ngợi hay tôn vinh Mẹ Maria mà Mẹ Maria không ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa với bạn. Mẹ Maria hoàn toàn tương đối với Thiên Chúa; thật vậy, tôi có thể thực sự gọi Mẹ là mối liên hệ với Thiên Chúa. Mẹ chỉ hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa. Mẹ là âm vang của Thiên Chúa, Mẹ không nói gì, lập lại gì, ngoài Thiên Chúa. Nếu bạn nói ‘Maria’ thì Mẹ nói ‘Thiên Chúa’. Thánh Isave ca ngợi Mẹ Maria và khen Mẹ diễm phúc vì Mẹ đã tin. Mẹ Maria, tiếng âm vang trung thực của Thiên Chúa, liền cất tiếng: ‘Magnificat anima mea Dominum’, ‘Linh hồn tôi chúc tụng Chúa’ (Lk 1:46). Mẹ Maria đã làm những gì hồi ấy thì giờ đây Mẹ vẫn làm hằng ngày. Khi chúc ta ca ngợi Mẹ, mến yêu Mẹ, tôn vinh Mẹ hay dâng bất cứ sự gì cho Mẹ, thì chính Thiên Chúa là Đấng được ngợi khen, chính Thiên Chúa được yêu mến, chính Thiên Chúa được tôn vinh, và chính Thiên Chúa là Đấng chúng ta hiến dâng nhờ Mẹ Maria và trong Mẹ Maria’ (cf. Treatise on True Devotion, n. 225).

 

“Cũng thế, trong việc nguyện cầu cùng Mẹ Chúa Kitô, Thánh Louis Montfort đã cho thấy chiều kích Ba Ngôi Thiên Chúa nơi mối liên hệ của ngài với Thiên Chúa như sau: ‘Kính mừng Maria, Nữ Tử yêu dấu của Chúa Cha Hằng Hữu! Kính mừng Maria, Người Mẹ đáng ca ngợi của Chúa Con! Kính mừng Maria, Bạn Tình trung thành của Thánh Thần!’ (The Secret of Mary, p. 71). Mặc dù lời chào truyền thống này trước đây đã được Thánh Phanxicô Assisi sử dụng (cf. Fonti Francescane, 281) chất chứa những mức độ khác nhau về tính cách tương tự, vẫn không sợ sai lầm khi cho rằng nó thực sự diễn tả việc Đức Mẹ đặc biệt tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

 

“Thánh Louis Montfort chiêm ngưỡng tất cả mọi mầu nhiệm, bắt đầu từ mầu nhiệm Nhập Thể được diễn ra vào giây phút Truyền Tin. Bởi thế, trong cuốn Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ, Mẹ Maria xuất hiện như là ‘một địa đường trần thế thực sự của Tân Adong’, và như là ‘trái đất trinh nguyên và vô nhiễm’ Người được hình thành (số 261). Mẹ cũng là Tân Evà, liên kết với Tân Adong trong việc tuân phục dể đền bù việc bất tuân phục ban đầu của người nam và người nữ (cf. ibid., n. 53; St Irenaeus, Adversus Haereses, III, 21, 10-22, 4). Bằng việc tuân phục này, Con Thiên Chúa đã vào trần gian. Chính Thập Giá đã nhiệm mầu hiện diện ở giây phút Nhập Thể, ở chính giây phút Chúa Giêsu được thụ thai trong cung lòng Mẹ Maria. Thật thế, câu ecce venio - này Con xin đến trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái (x 10:5-9) là tác động nguyên khởi của việc Con tuân phục Cha, việc Người chấp nhận hy hiến cứu chuộc đã có ngay từ lúc ‘Chúa Kitô vào trần gian’.

 

“Thánh Louis Marie Grignion de Montfort viết ‘Tất cả sự trọn lành của chúng ta đều ở tại việc nên giống, liên kết và tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô; và vì thế, việc tôn sùng trọn hảo nhất trong tất cả mọi việc tôn sùng chắc chắn phải là việc tôn sùng làm cho chúng ta được nên giống, liên kết và tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô nhất. Bởi vậy, nếu Mẹ Maria giống Chúa Giêsu Kitô nhất trong tất cả mọi tạo vật thì, trong tất cả mọi việc tôn sùng, việc tôn sùng làm cho linh hồn chúng ta tận hiến và nên giống Chúa chúng ta nhất đó là việc tôn sùng Mẹ thánh của Người, và một linh hồn càng tận hiến cho Mẹ Maria họ càng tận hiến cho Chúa Giêsu’ (Treatise on True Devotion, n. 120). Nói với Chúa Giêsu, Thánh Louis Marie bày tỏ cái kỳ diệu của mối hiệp nhất giữa Người Con và Người Mẹ như sau: ‘Nhờ ân sủng Mẹ được biến đổi thành Chúa đến nỗi Mẹ không còn sống nữa, như thể Mẹ không còn là Mẹ nữa. Chính một mình Chúa, ôi Chúa Giêsu, là Đấng sống trong Mẹ và ngự trị trong Mẹ… A! Giá chúng con biết được vinh hiển và tình yêu Chúa nhận được từ tạo vật đáng ca ngợi này… Mẹ rất hiệp nhất thân mật với Chúa… Mẹ yêu mến Chúa một cách tha thiết hơn và tôn vinh Chúa trọn hảo hơn tất cả mọi tạo vật khác hợp lại’ (ibid, đoạn 63).

 

 

TOP

 

 

?   Linh Đạo Thánh Mẫu của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) theo Đức Gioan Phaolô II: Mẹ Maria là chi thể tuyệt hảo của Nhiệm Thể và là Mẹ Giáo Hội

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch mừng Lễ Thánh Long Mộng Phố 27/4

 

5.         Theo những gì được Công Đồng Chung Vaticanô II viết thì Mẹ Maria ‘được trọng kính như là một chi thể tuyệt đẳng và hoàn toàn chuyên biệt của Giáo Hội, và như là một kiểu mẫu và là mô phạm trổi vượt của Giáo Hội về đức tin và đức mến’ (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, khoản 53). Người Mẹ này của Đấng Cứu Chuộc cũng được Người cứu chuộc một cách đặc biệt qua việc Hoài Thai Vô Nhiễm của Mẹ, và đã đi trước chúng ta trong việc kiên tâm trung thành chuyên chú lắng nghe Lời Chúa là những gì cho thấy Mẹ diễm phúc (cf. ibid., khoản 58). Bởi cả lý do này nữa mà Mẹ Maria ‘cũng liên kết chặt chẽ với Giáo Hội. Thánh Ambrôsiô dạy rằng, Người Mẹ Thiên Chúa này là một kiểu mẫu của Giáo Hội về phương diện đức tin, đức mến và hiệp nhất trọn vẹn với Chúa Kitô. Vì trong mầu nhiệm về Giáo Hội, một mầu nhiệm mà chính giáo hội thực sự được gọi là mẹ và là trinh nữ, thì Đức Trinh Nữ này là mẫu gương duy nhất nổi bật về cả việc làm người trinh nữ và làm mẹ’ (ibid. khoản 63). Chính Công Đồng chiêm ngưỡng Mẹ như ‘Người Mẹ của các chi thể Chúa Kitô’ (cf. ibid, khoản 53 và 62), nên bởi thế Đức Phaolô VI đã công bố Mẹ là Mẹ của Giáo Hội. Tín lý về Nhiệm Thể, một tín lý mạnh mẽ diễn tả nhất mối hiệp thông của Chúa Kitô với Giáo Hội, cũng có nền tảng thánh kinh về niềm xác tín này. Thánh Louis Marie đã nhắc nhở chúng ta rằng: ‘Đầu và các chi thể đều được hạ sinh bởi cùng một Người Mẹ duy nhất’ (Treatise on True Devotion, n. 32). Theo ý nghĩa ấy, chúng ta có thể nói rằng, nhờ hoạt động của Thánh Linh, các chi thể được liên kết và nên giống Chúa Kitô Thủ Lãnh, Người Con của Chúa Cha và của Mẹ Maria, ở chỗ ‘một người con thực sự của Giáo Hội cần phải có Thiên Chúa là Cha của mình và Mẹ Maria là Mẹ của mình’ (Treatise on True Devotion, n. 120). Trong Chúa Kitô, Người Con Duy Nhất của Chúa Cha, chúng ta thực sự là con cái của Chúa Cha, đồng thời cũng là những người con nam nữa của Mẹ Maria và Giáo Hội. Một cách nào đó chính toàn thể nhân loại được tái sinh nơi cuộc hạ sinh trinh nguyên của Chúa Giêsu. “Những lời này được qui cho Mẹ Chúa Kitô hơn là cho Thánh Phaolô nói về bản thân ngài: ‘Hỡi con cái bé nhỏ của cha, thành phần cha đã quằn quại tái sinh cho đến khi Chúa Kitô được hình thành nơi các con!’ (Gal 4:19). Hằng ngày Mẹ hạ sinh con cái của Thiên Chúa cho tới khi Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ được hình thành trong họ với tầm vóc trọn vẹn của Người” (Treatise on True Devotion, n. 33). Tín lý này được bày tỏ hết sức tuyệt vời trong lời nguyện cầu sau đây: ‘Ôi Thánh Linh, xin hãy ban cho con lòng say mê tôn sùng Mẹ Maria là vị hôn thê trung thành của Chúa; xin ban cho con niềm cậy trông mạnh mẽ vào tấm lòng từ mẫu của Mẹ và ẩn náu nơi tình thương của Mẹ, để nhờ Mẹ Chúa có thể thực sự hình thành Chúa Giêsu Kitô nơi con’ (The Secret of Mary, p. 81).

 

Một trong những diễn đạt cao quí nhất về linh đạo của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort đó là những gì liên quan tới tính cách đồng nhất giữa người tín hữu với Mẹ Maria trong việc họ yêu mến Mẹ vì Chúa Giêsu và việc họ phục vụ Mẹ cho Chúa Giêsu. LKhi suy niệm về câu nói thời danh của Thánh Ambrôsiô là ‘Xin linh hồn của Mẹ Maria ở trong mỗi người chúng con để ngợi khen Chúa, và xin thần trí của Mẹ Maria ở trong mỗi người chúng con để hân hoan trong Thiên Chúa’ (Expos. in Luc., 12, 26: PL 15, 1561), thánh nhân viết: ‘Một linh hồn thực sự hạnh phúc khi… nó hoàn toàn được chiếm hữu và cai trị bởi tinh thần của Mẹ Maria, một tinh thần hiền lành mà mãnh liệt, nhiệt tình mà khôn ngoan, khiêm tốn mà can đảm, tinh tuyền mà phong phú’ (Treatise on True Devotion, n. 258). Việc đồng hóa huyền diệu này với Mẹ Maria là những gì hoàn toàn hướng tới Chúa Giêsu, như thánh nhân nói trong lơờ nguyện sau đây: ‘Hỡi Mẹ chí ái, sau hết, nếu có thể, xin Mẹ làm cho con không còn thần trí nào khác ngoài thần trí của Mẹ, để con nhận biết Chúa Giêsu và ý muốn thần linh của Người; xin làm cho con không còn hồn sống nào khác ngoài linh hồn của Mẹ, để ca ngợi và tôn vinh Chúa; xin làm cho con không còn con tim nào khác ngoài con tim của Mẹ, để kính mến Thiên Chúa bằng một tình yêu tinh tuyền và nhiệt liệt như Mẹ’ (The Secret of Mary, pp. 71-72).

 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI – Lịch Trình về Chuyến Tông Du Thứ Hai sắp tới ở Balan

 

Hôm Thứ Tư 26/4/2006, lịch trình chuyến tông du thứ hai của Đức Thánh Cha đến Balan sắp tới đây bắt đầu được phổ biến cho biết. Giữa ngày 25-28/5/2006, ngài theo thứ tự viếng thăm những địa điểm sau đây: Warsaw, Czestochowa, Krakow, Wadowice, Kalwaria Zebrzydowska, và Auschwitz.

 

Ngài sẽ rời Rôma tại Phi Trường Fiumicino vào lúc 8 giờ 40 sáng Thứ Năm ngày 25/5, đến Warsaw vào lúc 11 giờ sáng. Sau nghi thức nghênh đón, ngài sẽ họp với hàng giáo sĩ ở nhà thờ chính tòa Thánh Gioan. Vào lúc 5 giờ 45 ngài sẽ viếng thăm đáp lễ tổng thống Balan ở dinh tổng thống, trước khi tham dự một cuộc họp đại kết ở nhà thờ Luthêrô Chúa Ba Ngôi.

 

Vào Thứ Sáu 26/5, ngài sẽ cử hành Lễ ở Quảng Trường Pilsudski Warsaw. Buổi chiều, ngài sẽ đi trực thăng tới Czestochowa để viếng thăm Đền Trinh Nữ Jasna Gora và gặp gở thành phần tu sĩ, chủng sinh và đại diện các phong trào Công Giáo và các tu hội tận hiến, đoạn đến Krakow nghỉ đêm ở tòa tổng giám mục.

 

Thứ Bảy, ngài sẽ cử hành lễ riêng ở tòa TGM Krakow trước khi đi xe tới Wadowice, nơi ngài sẽ thăm đền thờ Vô Nhiễm và nhà hạ sinh của Đức Gioan Phaolô II, sau đó ngài gặp gỡ dân chúng địa phương ở Quảng Trường Rynek. Buổi trưa ngài viếng thăm đền thánh Trinh Nữ Kalwaria Zebrzydowska. Trên đường trở về Krakow, ngài sẽ thăm đền thờ Chúa Tình Thương và Vương Cung Thánh Đường Wawel, và vào lúc 7 giờ tối ngày gặp giới trẻ ở Công Viên Blonie.

 

Chúa Nhật, 28/5, vào lúc 9 giờ 45, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ ở Công Viên Blonie, và nguyện kinh Regina Coeli. Sau bữa trưa, ngài sẽ đi xe từ tòa TGM ở Krakow đến Auschwitz. Sau đó, ngài sẽ tham dự một cuộc hội ngộ nguyện cầu để tưởng nhớ tới các nạn nhân ở trại tập trung Birkenau. Vào lúc 6 giờ 30, ngài sẽ đi thẳng từ Birkenau đến phi trường Balice ở Krakow. Sau nghi thức tiễn biệt, máy bay đưa ngài trở về cất cánh lúc 8 giờ tối và hạ cánh ở Rôma vào lúc 9 giờ 15 đêm.

 

Theo Niên Giám Giáo Hội mới nhất với các con số thống kê tính tới ngày 31/12/2004 thì Balan có 38.2 triệu dân, trong đó có 36.6 triệu là Công Giáo (tức 95.8%). Có 45 giáo phận, 10.114 giáo xứ và 800 trung tâm mục vụ đủ loại, hiện có 133 vị giám mục, 26.546 linh mục, 24.826 tu sĩ, 1.081 giáo dân thuộc các tu hội đời và 14.418 giáo lý viên. Có 1.803 tiểu chủng sinh và 6.427 đại chủng sinh. Có 1.726 trung tâm giáo dục từ tiểu tới đại học, 33 bệnh viện, 244 bệnh xá, 267 nhà chăm sóc cho người già hay khuyết tật, và 1.462 trung tâm giáo dục và phục hồi xã hội.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 25-26/4/2006

 

 TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ