GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 29/4/2006

 TUẦN II PHỤC SINH

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 19/4/2006 về kỷ niệm một năm được tuyển bầu làm Giáo Hoàng và về việc gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh

?  Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về hiện tượng tội diệt chủng vẫn còn là mối đe dọa

?  Linh Đạo Thánh Mẫu của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) theo Đức Gioan Phaolô II: Một dấu hiệu của niềm hy vọng vững vàng

 

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 19/4/2006 về kỷ niệm một năm được tuyển bầu làm Giáo Hoàng và về việc gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Để mở đầu cho Buổi Triều Kiến Chung hôm nay diễn ra trong bầu khí vui mừng của Phục Sinh, tôi xin cùng vớiu anh chị em tạ ơn Chúa. Sau khi kêu gọi tôi, đúng một năm trước đây, để phục vụ Giáo Hội với vai trò Thừa Kê Tông Đồ Phêrô – cám ơn việc anh chị em hân hoan vui mừng, cám ơn việc anh chị em vỗ tay – Người đã không bao giờ thôi hỗ trợ tôi bằng ơn trợ giúp bất khả thiếu của Người.

 

Thời gian qua nhanh biết bao! Một năm đã qua đi kể từ khi các vị Hồng Y tập trung trong cuộc Mật Nghị, để rồi, tôi hoàn toàn không ngờ và ngỡ ngàng, các vị đã muốn chọn con người hèn kém tôi đây thay thế Người Tôi Tớ quá cố yêu dấu là vị đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tôi bồi hồi nhớ đến việc tôi thoạt tiên giao tiếp với tín hữu tập trung ở cùng Quảng Trường đây, từ Hành Lang chính của Đền Thờ này ngay sau khi được tuyển bầu.

 

Cuộc gặp gỡ này vẫn còn sâu đậm trong tâm trí của tôi. Cuộc gặp gỡ này được tiếp nối bởi nhiều cuộc gặp gỡ khác đã cho tôi cơ hội để cảm nghiệm thấy sự thật sâu xa về những lời tôi nói trong cuộc long trọng đồng tế để chính thức bắt đầu thi hành thừa tác vụ Phêrô của tôi: “Tôi cũng có thể tài thâm tín mà nói rằng: Tôi không lẻ loi một mình. Tôi không gánh vác một mình những gì thật sự tôi không thế một mình gánh vác” (L'Osservatore Romano English edition, 27 April 2005, p. 2).

 

Thế rồi càng ngày tôi càng cảm thấy một mình tôi không thể nào gánh vác nổi công việc này, sứ vụ này. Thế nhưng, tôi cũng cảm thấy rằng anh chị em đang cùng tôi gánh vác: bởi thế, tôi đang sống trong một mối hiệp thông lớn lao và cùng nhau chúng ta có thể tiến bước thi hành sứ vụ của Chúa Kitô. Việc bảo vệ của trời cao từ Thiên Chúa cũng như trừ các thánh là một sự đỡ nâng bất khả thay thế đối với tôi, và hỡi quí bạn thân mến, tôi cảm thấy được ủi an bởi sự cận kề gần gũi của quí bạn, những người không để tôi thực hiện mà lại thiếu mất sự ưu ái và yêu thương của quí bạn. Tôi xin gửi những lời cám ơn rất nồng hậu đến tất cả những ai bằng cách này cách khác hỗ trợ tôi ngay bên hay theo dõi tôi trong tinh thần từ xa bằng lòng quí mến và những lời nguyện cầu. Tôi xin mỗi người hãy tiếp tục nâng đỡ tôi, nguyện cầu cúng Thiên Chúa ban ơn để tôi được trở thành một Vị Mục Tử mạnh mẽ và nhân hiền của Giáo Hội Người.

 

Thánh Ký Gioan nói rằng chính sau cuộc Phục Sinh của mình, Chúa Giêsu đã kêu gọi Thánh Phêrô chăm sóc đàn chiên của Người (x Jn 21:15,23). Bấy giờ, về phương diện nhân loại, ai có thể tưởng tượng được một việc phát triển qua các thế kỷ đã đánh dấu nhóm nhỏ bé môn đệ của Chúa Kitô ấy chứ?

 

Thánh Phêrô, cùng với các Vị Tông Đồ và rồi với những người Thừa Kế của các vị, trước tiên ở Giêrusalem và sau đó cho đến tận cùng trái đất, đã can đảm truyền bá sứ điệp Phúc Âm là sứ điệp có một cốt lõi nồng cốt và bất khả thiếu nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Khổ Nạn, tử nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô.

 

Giáo Hội cử hành mầu nhiệm này vào Lễ Phục Sinh, kéo dài tính chất hân hoan của nó vào những ngày sau đó; Giáo Hội hát hãy vui lên về cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên sự dữ và sự chết.

 

Cuộc cử hành Lễ Phục Sinh theo ngày tháng niên lịch, như Đức Giáo Hoàng Lêô Cả nhận định, là biến cố nhắc nhở chúng ta về một lễ hội đời đời trổi vượt trên tất cả mọi thời điểm nhân trần. Lễ Phục Sinh ngày nay, ngài nhận định thêm rằng, là bóng dáng của Lễ Phục Sinh mai hậu. Đó là lý do chúng ta cử hành lễ này, biến từ một việc cử hành hằng năm thành một cuộc cử hành kéo dài muôn thuở muôn đời.

 

Niềm vui của những ngày này kéo dài trọn phụng niên và đặc biệt được lập lại vào Ngày Chúa Nhật, ngày được giành để tưởng nhờ đến Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Vào Ngày Chúa Nhật, có thể nói là “Ngày tiểu Phục Sinh” hằng tuần, cộng đoàn phụng vụ qui tụ lại dâng Lễ để công bố theo Kinh Tin Kính rằng Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba, rồi thêm rằng chúng ta chờ đợi “việc kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.

 

Điều này cho thấy rằng biến cố về cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu làm nên tâm điểm của đức tin chúng ta và chính vì việc loan truyền này mà Giáo Hội được dựng xây và phát triển.

 

Thánh Âu Quốc Tinh đã nhắc lại một cách sâu sắc là: “Các bạn thân mến, chúng ta hãy xét tới việc Phục Sinh của Chúa Kitô: thật vậy, như cuộc Khổ Nạn của Người tiêu biểu cho đời sống cũ của chúng ta thì việc Phục Sinh của Người là bí tích của cuộc sống mới…. Các bạn đã tin tưởng, các bạn đã được thanh tẩy; đời sống cũ của các bạn đã chết đi, đã bị giết chết trên Cây Thập Giá, được chôn táng trong Phép Rửa. Đời sống cũ mà các bạn đã sống ấy được chôn táng: cuộc sống mới được phát sinh. Hãy sống tốt lành: hãy sống cuộc sống thế nào để khi chết tới các bạn sẽ không chết” (Sermo Guelferb. 9,3).

 

Những trình thuật Phúc Âm đề cập tới những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh thường chấm dứt bằng việc mời gọi hãy thắng vượt hết mọi thứ bất ổn, hãy đối chiếu biến cố này với Thánh Kinh, hãy loan báo rằng Chúa Giêsu vượt qua sự chết đang sống muôn đời là nguồn mạch của cuộc sống mới cho tất cả mọi người tin tưởng nơi Người.

 

Đó là những gì đã xẩy ra, chẳng hạn như nơi trường hợp của Maria Mai Đệ Liên (x Jn 20:11-18), người đã thấy ngôi mộ mở ra và trống không liền cảm thấy lo sợ là người ta đã lấy xác của Chúa đi đâu mất rồi. Bấy giờ Chúa Kitô mới lên tiếng gọi tên của chị, và váo bấy giờ xẩy ra một cái gì đổi thay sâu xa nơi chị: đó là tâm trạng buồn thảm và bối rối của chị được biến thành niềm vui và hớn hở. Chị liền đi đến với các Vị Tông Đồ và loan báo cho các vị: “Tôi đã thấy Chúa” (Jn 20:18).

 

Đó, những ai gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh đều được biến đổi nội tâm; không thể nào “thấy” Đấng Phục Sinh mà lại không “tin” nơi Người. Chúng ta hãy cầu xin để Người kêu gọi mỗi người chúng ta bằng tên của chúng ta, nhờ đó Người hoán cải chúng ta, hướng chúng ta tới “nhãn quan” đức tin.

 

Đức tin được xuất phát từ việc gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô Phục Sinh và trở thành một động lực của lòng can đảm và tự do làm cho con người hô lên trước thế giới rằng: “Đức Giêsu đã sống lại và sống muôn đời”.

 

Đó là sứ vụ của thành phần môn đệ Chúa Kitô ở mọi thời đại kể cả thời đại của chúng ta đây: “Bởi thế, nếu anh chị em được sống lại với Chúa Kitô”, Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta, “anh chị em hãy tìm kiếm những sự trên trời… Anh chị em hãy hướng tâm trí vào những sự trên trời, chứ đừng vào những sự dưới thế” (Col 3:1-2). Điều này không có nghĩa là tách mình ra khỏi những việc dấn thân hằng ngày, lơ là với những thực tại trần thế; trái lại, nó có nghĩa là làm hồi sinh mọi hoạt động nhân loại với một sinh khí siêu nhiên, có nghĩa là làm cho chúng ta trở thành những người hân hoan loan báo và chứng nhân của Việc Chúa Kitô Phục Sinh là Đấng sống động muôn đời (x Jn 20:25; Lk 24:33-34).

 

Anh chị em thân mến, nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Con Duy Nhất của mình, Thiên Chúa hoàn toàn tỏ mình ra, quyền năng vinh thắng của Ngài trên các lực lượng sự chết, quyền năng của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin Trinh Nữ Maria, Vị liên kết chặt chẽ với Cuộc Khổ Nạn, tử giá và Phục Sinh của Người Con, và ở dưới chân cây Thập Giá đã trở nên Mẹ của tất cả mọi tín hữu, giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm yêu thương này, mầu nhiệm biến đổi các tâm can và làm cho chúng ta cảm nghiệm thấy trọn vẹn niềm vui Phục Sinh, nhờ đó, phần chúng ta có thể truyền đạt nó cho con người nam nữ của ngàn năm thứ ba.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2006/documents/hf_ben-xvi_aud_20060419_en.html

 

 

TOP

 

 

 ?  Tòa Thánh Vatican tại Liên Hiệp Quốc về hiện tượng tội diệt chủng vẫn còn là mối đe dọa

 

Hôm 6/4/2006, ĐTGM Celestino Migliore, khâm sứ kiêm quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc đã đại diện Tòa Thánh lên tiếng về mối đe dọa liên quan tới hiện tượng diệt chủng vẫn còn kéo dài tới ngày nay và vẫn đang xẩy ra, nguyên văn như sau.

 

Tất cả chúng ta làm việc tại Liên Hiệp Quốc là nơi đã từng trở thành ngôi nhà của nhân quyền qua Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền, thường bàn tới những đường lối đối đầu với vấn đề vi phạm ô nhục nhất, bất khả chấp nhất và trầm trọng nhất liên quan tới quyền căn bản nhất của con người, đó là quyền sống, như được bộc lộ nơi hiện tượng diệt chủng. Thế nhưng, khi chúng ta thấy được chứng từ của thành phần chứng nhân về thảm trạng này thì giọng điệu của cuộc họp đặc biệt trở nên khẩn trương thúc bách. Bởi thế, tôi xin cám ơn những người trong cuộc của chúng ta về những gì họ vừa chia sẻ với chúng ta.

 

Chưa đầy một tuần lễ trước đây, cũng ở chính căn phòng này, chúng ta đã cử hành một biến cố tương tự để duy trì việc tưởng niệm và các bài học về hai cuộc diệt chủng tàn ác của thế kỷ vừa qua. Vào dịp ấy, có người đã nhận định rằng: Dường như cái “Không Bao Giờ Nữa” (Never Agains) đang trở thành “Vẫn Cứ Mãi Nữa” (Ever Agains). Cho dù lời nhận định này có thể là những gì khả dĩ, tôi vẫn cảm thấy rằng đó là một nhận định quá ứ là thê thảm, thậm chí là một nhận định hơi yếm thế (a little cynical). 

 

Tuy nhiên, chúng ta cần phải thừa nhận rằng, đôi khi khó mà không đồng ý với một lời phát biểu như thế. Nếu việc chối bỏ phủ nhận là tảng đá của Sisyphus lăn những biến cố thê thảm xuống đồi nhiều lần thì thái độ dửng dưng hững hờ của chúng ta có lẽ là một yếu tố tệ hại hơn hết, như thể nó đi đôi với vấn đề thiếu ý muốn chính trị vậy.

 

Một phần nào đáp ứng với lời nhận định trên, những lời “Các người sẽ không bao giờ, nhất định không bao giờ, được trở thành một kẻ ngoại cuộc” đã có lý để công bố ở Hội Nghị Diễn Đàn Stockholm đầu tiên. Diễn Đàn Stockholm đã trở thành phương tiện để đẩy mạnh một động cơ mới nơi cơ cấu Liên Hiệp Quốc trong việc đảm nhận việc thu thập tín liệu về các vi phạm hàng loạt nhân quyền; thông báo cho Hội Đồng Bảo An về những cảnh báo sớm sủa liên quan tới việc diệt chủng; nêu lên các lời khuyến dụ; và tăng bổ việc hợp tác giữa Hội Đồng Bảo An và vị tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về các vấn đề liên quan tới việc diệt chủng. Một vị cố vấn đặc biệt cho vai trò tổng thư ký đã được bổ nhiệm và tiếp tục làm việc để điều hợp bốn công việc làm ấy.

 

Cuộc tranh luận lâu dài về vấn đề cải cách Liên Hiệp Quốc dẫn đến Thượng Nghị Thế Giới vào tháng 9 năm ngoái đã soạn thảo kỹ lưỡng, rồi sau đó đã được đưa vào chính bản văn kiện Đức Kết Thượng Nghị Thế Giới ấy, những hạn định về đạo lý và pháp lý được lương tri cùng với các cảm thức tân tiến khai triển về vấn đề đặc biệt này. Nó nhấn mạnh đến trách nhiệm bảo vệ như là những gì thiết yếu cho việc hiện hữu của bất cứ quốc gia nào. Đó là vấn đề về chủ quyền của một quốc gia cần phải được sử dụng như là một trách nhiệm chứ không phải chỉ duy là một thứ quyền lợi, và là vấn đề quốc gia giải thích cùng thực hành chủ quyền của mình một cách thích đáng khi nó sẵn sàng và tình nguyện đáp ứng trách nhiệm của nó đối với thành phần công dân của mình cũng như đối với cộng đồng quốc tế.

 

Theo truyền thống thì vấn đề được cho rằng mỗi quốc gia có trách nhiệm chính yếu trong việc bảo vệ dân chúng của họ khỏi những tội ác hay những thảm họa do con người gây ra, như cảnh diệt chủng, bị bỏ đói hay các thứ vi phạm nhân quyền. Mới đây hơn, quan niệm này đã được nhấn mạnh qua sự gia tăng thuận thảo là khi một quốc gia nào đó không thể hay không muốn can thiệp vào việc bảo vệ nhân dân của mình thì cộng đồng quốc tế do Liên Hiệp Quốc là đại diện chẳng những có quyền mà còn có nhiệm vụ nhúng tay vào can thiệp. Hiện nay thì những phương tiện can thiệp này thuộc về thẩm quyền của Hội Đồng Bảo An; hay có lẽ chính xác hơn khi nói rằng chúng ở trong tay của ý muốn chính trị các quốc gia. 

 

Ý muốn chính trị cũng sẽ là những gì lệ thuộc vào xã hội dân sự nữa – vào quí vị và vào tôi.

 

Thảm thương thay, nạn diệt chủng vẫn còn là mối đe dọa ở một số miền đất trên thế giới, nơi mà các căn nguyên của nó cùng với những dấu hiệu lộ tẩy của nó không phải bao giờ cũng dễ dàng thấy được. Nó là những gì ngấm ngầm tiềm tàng ở những nơi mà việc loại trừ những gì chống đối được coi là một thứ ‘chữa trị mau chóng’ hầu đẩy lui những sự kình địch và những cuộc xung đột bất khả giải quyết; ở những nơi mà các mối liên hệ bất chính hiển nhiên như ban ngày giữa các phái nhóm được duy trì hay được biện minh bằng những thứ ý hệ; ở những nơi mà ở bên dưới cái bề nổi của một trật tự bề ngoại là cả một đống than hồng hận thù vẫn còn hừng hực vì thiếu việc thứ tha cho nhau và hòa giải với nhau; ở những nơi mà việc chấp nhận lỗi lầm quá khứ và việc ‘thanh tẩy ký ức’ bị cản trở bởi mối lo sợ phải đối diện với thực tại lịch sử.  Đây không phải là những cảnh báo chính đáng này về một thứ đe dọa diệt chủng lơ lửng trên đầu mà thôi: tôi dám nói chúng còn là những yếu tố khả định trong việc nuôi dưỡng những căn nguyên gây ra nạn khủng bố nữa.

 

Chúng ta hãy hy vọng rằng, nhờ việc nhận thứ hơn nữa về các biến cố gần xa, toàn thể xã hội dân sự có thể đẩy mạnh ý muốn chính trị cần thiết là những gì sẽ cùng nhau mang đến những mãnh lực của thiện chí. Có thể, thực tại ở đằng sau những lời “Không Bao Giờ Nữa” cuối cùng mới có thể thấy được ánh sáng mặt trời, sớm hơn thay vì muộn hơn.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/4/2006

 

TOP

 

 

?   Linh Đạo Thánh Mẫu của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) theo Đức Gioan Phaolô II: Một dấu hiệu của niềm hy vọng vững vàng

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch mừng Lễ Thánh Long Mộng Phố 27/4

 

8.         Thánh Linh mời gọi Mẹ Maria hãy sinh sản các nhân đức của Mẹ nơi thành phần được tuyển chọn, bằng cách vươn ra nơi họ những gốc rễ của ‘niềm tin bất khuất’ của Mẹ và ‘niềm hy vọng vững mạnh’ của Mẹ (cf. Treatise on True Devotion, n. 34). Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc lại điều này rằng: ‘Người Mẹ của Chúa Giêsu trong vinh quang, thứ vinh quang Mẹ chiếm hữu nơi cả thân xác lẫn linh hồn ở trên thiên đình, là hình ảnh và là khởi đầu của Giáo Hội, bởi Giáo Hội phải được nên trọn hảo trong thế giới mai sau. Cũng thế, Mẹ chiếu tỏa trên trái đất này một dấu hiệu của niềm hy vọng vững vàng và của niềm ủi an cho Dân Chúa lữ hành, cho đến ngày của Chúa’ (Dogmatic Constitution Lumen Gentium, n. 68). Chiều kích cánh chung ấy được Thánh Louis Marie chiêm ngưỡng đặc biệt khi ngài nói về ‘thành phần tông đồ ở những thời sau này’ là thành phần được Đức Trinh Nữ hình thành để mang lại cho Giáo Hội cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên các lực lượng sự dữ (cf. Treatise on True Devotion, nn. 49-59). Đây không phải là một hình thức của ‘chủ nghĩa ngàn năm’ mà là một cảm quan sâu xa về tính chất cánh chung của Giáo Hội liên quan tới tính cách độc nhất và tính cách phổ quát cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội đợi chờ việc Chúa Giêsu đến trong vinh quang vào ngày cùng tháng tận. Như Mẹ Maria và với Mẹ Maria, các thánh đang ở trong Giáo Hội và vì Giáo Hội làm cho thánh đức của Giáo Hội tỏa chiếu và quảng bá công cuộc của Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất, tới tận cùng trái đất cũng như tận cùng thời gian.

 

Trong bài Lạy Nữ Vương – Salve Regina, Giáo Hội gọi Người Mẹ Thiên Chúa là ‘Niềm Hy Vọng của chúng con’. Cũng từ ngữ này đã được Thánh Louis Marie lấy nó từ một bản văn của Thánh Gioan Damascene, vị thánh đã áp dụng cho Mẹ Maria biểu hiệu về cái neo theo thánh kinh này (cf. Hom I in Dorm. B.V.M., 14: PG 96, 719): Thánh Louis nói ‘Chúng con liên kết linh hồn chúng con với niềm hy vọng của Mẹ, như với một cái neo vững chắc. Chính vì gắn bó với Mẹ mà các thánh là thành phần cứu được mình đã từng là những gì gắn bó nhất và đã hết sức thực hiện việc gắn bó với người khác nữa để kiên trì thực hiện nhân đức. Bởi thế, hạnh phúc thay, muôn ngàn lần hạnh phúc thay những Kitô hữu giờ đây trung thành và hoàn toàn gắn bó với Mẹ như với một cái neo vững chắc!’ (Treatise on True Devotion, n. 175). Qua việc tôn sùng Mẹ Maria, chính Chúa Giêsu ‘mở rộng tâm can bằng niềm cậy trông vững vàng nơi Thiên Chúa, làm cho nó nhìn lên Ngài như là một Người Cha’ (ibid., khoản 169).

 

Cùng với Đức Trinh Nữ này và cũng bằng cùng một tấm lòng từ mẫu như Mẹ, Giáo Hội nguyện cầu, hy vọng và chuyển cầu cho phần rỗi của tất cả mọi con người nam nữ. Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân đã kết luận bằng những lời như thế này: ‘Tất cả thân xác của người tín hữu tuôn ra những lời khẩn nguyện cùng Người Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của loài người mà Mẹ, Vị đã hỗ trợ thuở ban đầu của Giáo Hội bằng lời nguyện cầu của Mẹ, giờ đây được tôn vinh trên tất cả mọi thần thánh, cũng chuyển cầu trước Con Mẹ trong mối hiệp thông của tất cả mọi vị thánh, cho đến khi tất cả mọi gia đình của con người, dù họ hân hạnh mang tước hiệu Kitô hữu hay vẫn chưa biết đến Đấng Cứu Thế, cũng được hạnh phúc qui tụ lại với nhau trong an bình và hòa hợp thành một Dân Chúa duy nhất, cho vinh quang của Ba Ngôi Chí Thánh và Duy Nhất’ (khoản 69).

 

Đó là niềm hy vọng tôi bày tỏ một lần nữa cùng với Các Nghị Phụ Công Đồng khác gần 40 năm trước, tôi gửi tới toàn thể Gia Đình Montfort Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt.

 

Tại Điện Vatican ngày 8/12/2003, Lễ Trọng Kính Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

 

Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

 

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/letters/2004/documents/hf_jp-ii_let_20040113_famiglie-monfortane_en.html

 

 

TOP

 

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ