GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 20/5/2006

 TUẦN VI PHỤC SINH

 

?  Mẹ Maria Chỉ Còn Biết Khóc

?  Ngày nay Giáo Hội ở Balan đang gặp phải những thách đố cả thể về mục vụ” - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Huấn Từ với Hàng Giáo Sĩ Balan Thứ Năm 25 tại Vương Cung Thánh Đường Warszawa

?  Linh Mục là Mục Tử phục vụ Đàn Chiên Chúa: Thánh Thể Thực Sự Là Tâm Điểm Và Là Học Đường Của Đời Sống Linh Mục

 

 

?  Mẹ Maria Chỉ Còn Biết Khóc

Phải, Mẹ Maria chỉ còn biết khóc! Tại sao...?

Gần đây chúng ta nghe thấy những hiện tượng lạ liên quan đến Mẹ Maria - Hiện Tượng Mẹ Khóc - khóc qua các bức tượng của Mẹ: Mẹ khóc ở Việt Nam, tại khuôn viên cuối Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn ngày Thứ Bảy 29/10/2005; Mẹ khóc chảy nước mắt máu ở Ý cách đây không bao lâu.

Trước khi được Giáo Quyền chính thức công nhận tính cách xác thực của các hiện tượng Thánh Mẫu Châu Lệ này, chúng ta không biết được những hiện tượng này thật hư ra sao. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không bao giờ có hiện tượng Thánh Mẫu Châu Lệ như vậy.

Đúng thế, vào chiều ngày Thứ Bảy 19/9/1846, ở La Salette Pháp Quốc, 2 thiếu niên, một nữ 14 tuổi là Melanie Mathieu, và một nam 11 tuổi là Maximin Giraud, đã nhìn thấy một người nữ, ở tư thế ngồi, tay ôm mặt khóc, sau đó Bà từ từ đứng lên, hai tay chéo nhau trước ngực, đầu hơi cúi xuống nhìn các em đang bàng hoàng nhìn Bà mà nói:

Hỡi con cái của Mẹ, hãy đến với Mẹ. Đừng sợ. Mẹ đến đây để nói với các con một điều hết sức hệ trọng…. Nếu dân của Mẹ không chịu nghe lời thì Mẹ sẽ buộc phải buông cánh tay Con của Mẹ ra. Mẹ đã từng chịu khổ vì các con đã lâu rồi! Nếu Con Mẹ không triệt hạ các con là vì Mẹ đã phải liên lỉ năn nỉ Người. Thế nhưng các con không hề lưu ý tới điều ấy chút nào cả. Bất kể sau này các con có nguyện cầu sốt sắng tới đâu, có hành động tốt lành đến mấy, các con vẫn không bao giờ có thể đến đáp lại Mẹ những gì Mẹ đã chịu đựng vì các con đâu…” Mẹ còn nói nhiều điều nữa rồi về trời với giọt lệ long lanh.

Chưa hết, chị Thánh Faustina (1905-1938), vị thánh đầu tiên cho tân thiên kỷ thứ 3 Kitô giáo, vị được vị Giáo Hoàng đồng hương Balan là Đức Gioan Phaolô II phong thánh ngày 30/4/2000, đã thuật lại trong cuốn Nhật Ký của chị, ở đoạn 686, như sau:

Thứ Sáu Đầu Tháng 9. Vào buổi tối hôm ấy, tôi đã trông thấy Mẹ Thiên Chúa, với lồng ngực lộ ra bị  một thanh gươm đâm thâu. Bấy giờ Mẹ chảy những giọt nước mắt xót xa và đang che chở chúng ta cho khỏi bị Thiên Chúa giáng phạt cách kinh hoàng. Thiên Chúa muốn giáng hình phạt khủng khiếp xuống trên chúng ta, nhưng Ngài không thể làm được vì Mẹ Thiên Chúa đang bao che cho chúng ta…”.

Trước đó, ở đoạn Nhật Ký 635, chị Thánh Faustina còn tiết lộ như sau:

"Ngày 25/3/1936. Bấy giờ tôi thấy Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã nói với tôi rằng: ‘Mẹ đã ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại; còn phần con, con phải nói cho thế giới về tình thương cao cả của Người và sửa soạn thế giới cho Lần Đến Thứ Hai của Đấng sẽ đến không phải như một Đấng Cứu Thế nhân hậu nữa mà là một Thẩm Phán công minh. Ôi, khủng khiếp thay cái ngày ấy! Quyết liệt thay ngày công minh ấy, ngày giận dữ thần linh ấy. Các Thần Trời rùng mình trước ngày này. Hãy nói cho các linh hồn biết về tình thương cao cả này trong khi còn thời gian ban phát tình thương. Nếu giờ đây con câm nín thì con sẽ phải trả lẽ về rất nhiều linh hồn vào ngày kinh khiếp ấy’”.

Còn nữa, cũng tại Âu Châu, ở Syracuse năm 1953, Mẹ cũng đã khóc, và đã được chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc lại trong Huấn Từ Truyền Tin của ngài vào trưa Chúa Nhật 31/8/2003, khi Ngài hiến dâng Âu Châu cho Mẹ Maria, một Âu Châu đang trong thời kỳ bị khủng hoảng đức tin sâu xa:

"Trong các Chúa Nhật vừa qua, việc suy tư của Tôi nhắm đến Âu Châu và các căn gốc Kitô giáo của châu lục này, khi xem lại bản văn kiện tông huấn hậu Thượng Hội Giám Mục Âu Châu: 'Giáo Hội Tại Âu Châu'. Bản văn kiện này đã kết thúc ở việc 'Hiến Dâng cho Mẹ Maria' tất cả mọi con người nam nữ của châu lục này, một việc hiến dâng Tôi muốn lập lại ngày hôm nay đây, để Vị Thánh Trinh Nữ làm cho Âu Châu trở thành một bản hợp tấu các quốc gia dấn thân cùng nhau xây dựng một nền văn minh yêu thương và hòa bình. Có vô vàn các đền thờ Thánh Mẫu ở hết mọi xứ sở Âu Châu. Hôm nay Tôi đặc biệt nghĩ đến Đền Đức Mẹ Khóc ở Syracuse, nơi đang cử hành 50 năm Mẹ Maria khóc... Những giọt nước mắt này mầu nhiệm biết bao! Chúng nói lên cho thấy nỗi khổ đau và dịu dàng, đến niềm an ủi và tình thương thần linh. Chúng là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện từ mẫu, và là một lời kêu gọi hoán cải trở về cùng Thiên Chúa, từ bỏ con đường gian ác để trung thành theo Chúa Giêsu Kitô. Hỡi Đức Mẹ Giọt Châu ngọt ngào, chúng con dâng cho Mẹ Giáo Hội và toàn thế giới. Xin Mẹ hãy nhìn đến những ai cần đến ơn tha thứ và sự hòa giải nhất; Mẹ hãy mang hòa hợp đến cho các gia đình và mang bình an đến cho các dân tộc. Xin hãy lau khô nước mắt gây ra bởi hận thù và bạo lực ở nhiều miền đất trên Thế Giới này, nhất là ở Trung Đông và lục địa Phi Châu. Ôi Lạy Mẹ, chớ gì những giọt nước mắt của Mẹ là một bảo chứng cho việc hoán cải và hòa bình nơi tất cả mọi con cái của Mẹ!"

Tại sao Mẹ Maria của chúng ta không còn lên tiếng nữa, như Mẹ đã rõ ràng kêu gọi ở Paris năm 1830 với nữ tập sinh Catarina Labourê, hay ở Lộ Đức năm 1858 với thiếu nữ Bernadette, hoặc ở Fatima năm 1917 với thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta?

Phải chăng là vì Mẹ đã nói hết lời hết lẽ rồi, nói đi nói lại rồi, không còn gì để nói nữa, mà loài người nói chung, và con cái Chúa nói riêng, vẫn càng ngày càng lâm vào tình trạng "vì sự dữ gia tăng mà lòng mến nơi nhiều người đã trở nên nguội lạnh" (Mt 24:12), đến nỗi, Mẹ chỉ còn biết khóc?

Phải chăng thái độ Mẹ không còn nói gì được nữa, chỉ còn biết khóc là dấu chẳng những chứng tỏ cho thấy cả niềm đau của Mẹ đã lên tới cực độ lẫn mối quan tâm từ mẫu tận cùng của Mẹ đối với con cái loài người, mà còn cho thấy tình trạng tội lỗi của loài người đã lên tới độ cực kỳ trầm trọng, hết sức nguy hiểm cho phần rỗi đời đời của họ. Nước mắt của Mẹ phải chăng còn là dấu báo cho biết đã sp hết thời xót thương, tức sắp tới lúc Mẹ không còn có thể ngăn tay giáng phạt của Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu song cũng vô cùng công minh được nữa.

Thật vậy, Mẹ còn nói gì hơn được nữa, nếu không phải chỉ còn biết nghẹn ngào khóc thương cho con cái của mình, khi thấy họ mỗi ngày tiến gần đến hố tự diệt, một tình trạng được tỏ tường thể hiện qua trào lưu văn hóa sự chết từ thế kỷ 20: diệt chủng, phá thai, triệt sản, khủng bố tự sát, diệt mạng an tử v.v...

Những gì Thiên Chúa Hóa Công đã thiết lập ngay từ ban đầu, như hôn nhân và sinh sản (x Gen 1:27-28, 2:23-24), thì con người văn minh hầu như tuyệt đỉnh ngày nay, cả về khoa học và kỹ thuật lẫn nhân bản và nhân quyền, chẳng những đã lật đổ, bằng luật cho phép ly dị và phá thai, còn thay thế vào đó bằng những con bò vàng ngẫu tượng do chính họ tạo nên, khi ban bố những thứ luật lệ cho phép hôn nhân đồng tính và tạo sinh vô tính (cloning).

Đó là lý do, qua cặp mắt của Giáo Hội Công Giáo, cặp mắt được nhìn bởi những vị Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian, những vị đóng vai trò thừa kế Thánh Phêrô chăn dắt Giáo Hội của Người, nhất là 3 vị gần nhất, từ Công Đồng Chung Vaticanô II (8/12/1965-2005), Mẹ Maria đã thực sự không khỏi ngậm ngùi chứng kiến thấy cảnh loài người đang hỉ hoan hớn hở trình diễn trên khấu trường lịch sử màn "đóng khố đi giầy tây", một màn trình diễn cho thấy con người càng văn minh vật chất và nhân quyền, càng sa đọa về luân thường đạo lý.

Trước hết, qua ánh mắt của Vị Giáo Hoàng Tôi Tớ Chúa Phaolô VI (1963-1978), được bày tỏ qua những lời ngài nói trong khóa họp cuối cùng Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 7/12/1965, Mẹ đã thấy một nhân loại coi trời bằng vung, coi mình như cái rốn của vũ trụ, nhưng lại là "một con người co quắp lấy bản thân mình… một con người không cảm thấy hạnh phúc với chính bản thân mình, cười cười khóc khóc”. Chính vị Giáo Hoàng bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II cách đây 40 năm này cũng đã phải thốt lên trong buổi triều kiến chung ngày 15/11/1972 là: “Tôi cảm thấy là có một luồng khói Satan đã đột nhập vào Đền Thờ Thiên Chúa qua một kẽ nứt hở nào đó”.

Sau nữa, qua ánh mắt của Đức Gioan Phaolô II (1978-2005), được bày tỏ trong Thông Điệp đầu tiên của giáo triều ngài là "Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần", ban hành ngày 4/3/1979, đoạn 17, Mẹ đã thấy nhân loại đang sống trong "một thế kỷ của những hủy hoại lớn lao đối với con người, của những tàn phá vĩ đại, chẳng những về vật chất mà còn cả về luân lý, thực sự trên hết là về mặt luân lý... Người ta đã gây ra cho nhau nhiều bất công và khổ đau. Trong thực tế, chúng ta thấy trước mắt có những trại tập trung, bạo lực, hành hạ, khủng bố, và kỳ thị dưới nhiều thể cách..."

Sau hết, với ánh mắt của Vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI (2005-), qua bài giảng khai mạc Mật Nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng ngày 18/4/2005, trước ngày ngài được bầu làm giáo hoàng, Mẹ đã thấy nhân loại như đang bị chao đảo bởi một trận bão lụt đầy sóng gió vô thần duy vật, đến nỗi, “con tầu tư tưởng nhỏ bé của nhiều Kitô hữu thường bị xô lấn bởi những cơn sóng này, tung họ từ cực đoan này sang cực đoan kia: từ chủ nghĩa Marxít đến chủ nghĩa tự do, thậm chí đến chủ nghĩa duy tự do; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan...”. Đến nỗi, nếu sống sát với “Kinh Tin Kính của Giáo Hội, thì lại thường được gán cho là theo chủ nghĩa bảo thủ”. Trái lại, “một khi để cho mình 'bị xô đẩy theo chiều gió chủ nghĩa'”, thì được cho là “thích hợp với thời đại tân tiến”, nhưng lại là lúc con người chiều theo một thứ “chủ nghĩa tương đối độc đoán, cho rằng không có gì là tuyệt đối cả, và là một chủ nghĩa chỉ biết căn cứ vào cái tôi cùng với những ước muốn của cái tôi mà thôi". Trong Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006, ở đoạn 9 và 10, vị Giáo Hoàng đương kim của chúng ta còn đề cập tới hai chủ nghĩa đang hủy hoại loài người hiện nay, đó là chủ nghĩa bảo thủ cuồng tín, nhất là chủ nghĩa tuyệt mệnh, một chủ nghĩa được Đức Gioan Phaolô II diễn tả trong Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 2002, ở đoạn 6, là “chán chường về nhân loại, về sự sống, về tương lai. Theo quan điểm của họ thì cần phải thù ghét và hủy diệt đi tất cả mọi sự”.

 Phải chăng, đó là lý do, ngay từ đầu thể kỷ 20, một thế kỷ xẩy ra 2 Thế Chiến và xuất phát 2 chủ nghĩa tử thần Nazi và Cộng Sản, Mẹ Maria đã hiện ra ở Fatima năm 1917 để thảm thiết vang lên những lời lẽ từ mẫu cuối cùng của Mẹ? Và nếu Nước Nga đã “trở lại”, khi nước này tự động giải thể chế độ Cộng Sản vào chính ngày L Giáng Sinh 1991, thì phải chăng thực sự đã hoàn toàn chấm dứt THỜI ĐIỂM FATIMA? 

(xin coi tiếp Thứ Bảy tuần tới bài THỜI ĐIỂM FATIMA

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

 ?  Ngày nay Giáo Hội ở Balan đang gặp phải những thách đố cả thể về mục vụ” - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Huấn Từ với Hàng Giáo Sĩ Balan Thứ Năm 25 tại Vương Cung Thánh Đường Warszawa

 

Trước hết, nhờ Đức Giêsu Kitô tôi tạ ơn Chúa cho tất cả anh em… Vì tôi mong được gặp gỡ anh em để tôi có thể trao tặng cho anh em những tặng ân thiêng liêng để làm cho anh em thêm kiên cường, tức là, để chúng ta có thể phấn khích đức tin của nhau, cả của tôi cũng như của anh em’ (Rm 1:8-12).

 

Quí vị linh mục thân mến, tôi ngỏ cùng anh em những lời này của Thánh Phaolô, vì chúng hoàn toàn phản ảnh tâm tưởng của tôi hôm nay, phản ảnh các ước muốn cùng những nguyện cầu của tôi. Tôi đặc biệt chào Đức Hồng Y Joséf Glemp, Tổng Giám Mục Warsaw và là Vị Giáo Chủ của Balan, vị tôi xin gửi lời chúc mừng thân ái nhất của tôi nhân dịp 50 thụ phong linh mục vào chính ngày hôm nay đây. Tôi đến Balan, quê hương yêu dấu đối với vị Đại Tiền Nhiệm Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của tôi, để hít thở, như ngài vẫn thường làm, bầu khí đức tin anh em đang sống, cũng như để ‘chuyển đến cho anh em tặng ân thiêng liêng để nó có thể làm cho anh em nên kiên cường’. Tôi tin rằng chuyến hành hương của tôi trong những ngày này sẽ là những gì ‘phấn khích niềm tin chung của chúng ta, của anh em và của tôi’.

 

Hôm nay tôi đang gặp gỡ anh em ở Vương Cung Thánh Đường Warsaw, nơi mà từng viên đá đều nói lên cái lịch sử tang thương về thủ đô của anh em cũng như về quê hương của anh em. Anh em đã chịu biết bao nhiêu là thử thách trong quá khứ vừa qua! Chúng ta nhớ lại những chứng nhân anh hùng làm chứng cho đức tin, thành phần đã bỏ mạng sống mình cho Chúa cũng như cho đồng loại của mình, kể cả các vị thánh đã được tuyên phong cũng như dân thường, những người đã kiên trì sống cương trực, chuyên chính và thiện hảo, không bao giờ tỏ ra thất vọng. Nơi Vương Cung Thánh Đường này, tôi đặc biệt nhớ đến Người Tôi Tớ Chúa là Đức Hồng Y Stefan Wyszynski, vị tôi gọi là ‘Giáo Chủ của Ngàn Năm’. Phó mình cho Chúa Kitô và Mẹ của Người, ngài đã biết trung thành phục vụ Giáo Hội, bất chấp những thử thách thảm thương và dai dẳng xẩy ra quanh ngài. Chúng ta hãy tri ân cảm tạ nhớ tới những ai không để mình bị quyền lực tối tăm lấn át, và chúng ta hãy học từ các vị lòng can đảm kiên trì liên lỉ gắn bó với Phúc Âm Chúa Kitô.

 

Hôm nay tôi đang gặp gỡ anh em, những vị linh mục được Chúa Kitô kêu gọi để phục vụ Người trong ngàn năm mới. Anh em đã được chọn trong dân, được chỉ định để tác hành liên quan với Thiên Chúa, để hiến dâng những lễ vật và hy sinh đền bù tội lỗi. Hãy tin tưởng vào quyền năng thiên chức linh mục của anh em! Bởi bí tích này, anh em đã lãnh nhận tất cả những gì anh em có. Khi anh em thốt lên những lời ‘Ta’ và ‘của Ta’ (‘Ta tha tội cho con… Này là mình của Ta…’), là anh em làm điều này không phải nhân danh anh em mà là nhân danh Chúa Kitô, ‘in persona Christi’, Đấng muốn sử dụng môi miệng và bàn tay của anh em, tinh thần hy sinh của anh em và tài năng của anh em. Vào lúc anh em được thụ phong, qua dấu hiệu đặt tay theo phụng vụ, Chúa Kitô đã đến để bênh vực anh em; anh em đã được bàn tay của Người và Trái Tim của Người bao bọc chở che. Hãy dìm mình vào tình yêu thương của Người, và hãy dâng cho Người tình yêu của anh em! Khi bàn tay của anh em được xức dầu, một dấu hiệu Thánh Linh, là chúng được giành để phục vụ Chúa như bàn tay riêng của Người trong thế giới hôm nay. Chúng không còn phục vụ những mục đích vị kỷ nữa, mà phải tiếp tục làm chứng cho tình yêu của Người trên thế giới.

 

Sự cao cả nơi thiên chức linh mục của Chúa Kitô khiến chúng ta cảm thấy rùng mình. Chúng ta có thể bị thôi thúc mà kêu lên như Thánh Phêrô rằng: ‘Lạy Chúa, xin xa con ra, vì con là một kẻ tội lỗi’ (Lk 5:8), vì chúng ta thấy khó có thể tin được rằng Chúa Kitô đã đặc biệt kêu gọi chúng ta. Người chẳng lẽ không chọn được một người khác có khả năng hơn tôi, thánh thiện hơn tôi hay sao? Thế nhưng Chúa Giêsu đã âu yếm nhìn đến mỗi một người trong chúng ta, để rồi chúng ta cảm thấy tin tưởng trước ánh mắt này của Người. Chúng ta đừng bị vội vã cuốn hút, như thể thời giờ giành cho Chúa Kitô trong thinh lặng nguyện cầu là thời gian lãng phí. Trái lại, chính vào lúc bấy giờ mà những hoa trái tuyệt vời nhất của việc mục vụ mới phát sinh. Không nên chán nản vì sự kiện cần phải cố gắng mới thực hiện được việc nguyện cầu, hay vì cảm giác Chúa Giêsu vẫn cứ lặng thinh. Người thực sự là thinh lặng, thế nhưng Người cũng đang hành động. Về vấn đề này tôi cảm thấy vui nhắc lại cảm nghiệm của tôi năm ngoái ở Cologne. Tôi bấy giờ đã chứng kiến thấy một sự thinh lặng sâu xa không thể nào quên được của một triệu con người trẻ vào lúc Chầu Thánh Thể! Cái thinh lặng nguyện cầu ấy liên kết chúng ta, cống hiến cho chúng ta niềm an ủi lớn lao. Trong một thế giới đầy những ồn ào náo động, đầy những hoang mang bối rối, cần phải thực hiện việc thinh lặng chầu Chúa Giêsu ẩn mình trong Bánh Thánh. Hãy siêng năng thực hiện việc nguyện chầu ấy và dạy cho giáo dân biết làm việc này. Nó là mạch nguồn của niềm ủi an và ánh sáng đặc biệt cho những ai đang cảm thấy khổ đau.

 

(còn 1 kỳ)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20060525_poland-clergy_en.html

 

 

 

TOP

 

 

?   Linh Mục là Mục Tử phục vụ Đàn Chiên Chúa: Thánh Thể Thực Sự Là Tâm Điểm Và Là Học Đường Của Đời Sống Linh Mục

Bài Giảng của Giáo Hoàng Biển Đức XVI Trong Thánh Lễ Truyền Chức Thánh cho 15 Tân Linh Mục Ở Đền Thờ Thánh Phêrô ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành 7/5/2006

 

(tiếp 25 Thứ Năm, 26 Thứ Sáu)

 

Thánh Thể Thực Sự Là Tâm Điểm Và Là Học Đường Của Đời Sống Linh Mục

 

Giờ đây chúng ta hãy nhìn kỹ hơn vào ba điều Chúa Giêsu khẳng định một cách chính yếu về thành phần mục tử nhân lành. Điều thứ nhất, điều đã thấm đậm toàn bài giảng về thành phần mục tử, đó là vị mục tử này hiến mạng sống mình vì chiên. Mầu nhiệm Thập Giá là tâm điểm của việc Chúa Giêsu phục vụ với tư cách là vị mục tử: nó là một việc đại phục vụ được Người trao cho tất cả chúng ta.

 

Người đã ban chính mình Người, không phải chỉ trong một quá vãng xa xôi. Người đang làm như thế hằng ngày nơi Thánh Thể, Người ban mình qua bàn tay của chúng ta, Người ban chính bản thân Người cho chúng ta. Vì lý do chính đáng ấy mà Thánh Thể, nơi hằng liên tục tiếp diễn hiến tế của Chúa Giêsu trên Thập Tự Giá, nơi hiến tế của Người thực sự hiện diện giữa chúng ta, quả thực là tâm điểm của đời sống linh mục.

 

Nếu Thánh Thể là khởi điểm của chúng ta như thế, chúng ta cũng sẽ biết thế nào là việc cử hành Thánh Thể một cách xứng hợp: nó là cuộc hội ngộ với Chúa Kitô, Đấng đã tước lột vinh quang thần linh của mình vì chúng ta, đã hạ mình xuống một cách nhục nhã tới độ chết trên Thập Giá để ban mình cho mỗi một người chúng ta.

 

Thánh Thể là những gì rất ư là hệ trọng hằng ngày đối với vị linh mục. Nơi Thánh Thể, ngài liên kết bản thân mình một cách mới mẻ với mầu nhiệm này; ngài phó mình trong tay Thiên Chúa một cách mới mẻ, đồng thời ngài cũng cảm nghiệm thấy được niềm vui rằng Người đang hiện diện, Người chấp nhận tôi, thăng hóa và đỡ nâng tôi một cách mới mẻ, trao cho tôi bàn tay của Người, ban cho tôi chính mình Người. Thánh Thể phải trở nên cho chúng ta một học đường của cuộc sống là nơi chúng ta học biết cống hiến cuộc đời mình.

 

Sự sống không phải chỉ được cống hiến ở vào lúc lâm chung và không phải chỉ bằng cách tử đạo. Chúng ta cần phải trao tặng nó đi hằng ngày. Hằng ngày tôi cần phải biết rằng tôi không sở hữu sự sống của mình cho bản thân tôi. Ngày ngày tôi cần phải biết loại bỏ bản thân mình đi; biến mình thành thuận lợi cho tất cả những gì mà Người, Chúa Kitô, cần đến tôi ở một lúc nào đó, cho dù những vấn đề khác có vẻ lôi cuốn hơn và quan trọng hơn đối với tôi, tức vấn đề là  tôi hiến ban sự sống chứ không phải chiếm lấy sự sống.

 

Có thế chúng ta mới cảm nghiệm được tự do, một tự do nơi bản thân chúng ta, nơi cái rộng lớn của hữu thể. Có thế, có trở thành hữu dụng, trở thành một con người thế giới cần đến, mà đời sống của chúng ta mới trở thành quan trọng và diễm l. Chỉ có những ai biết từ bỏ sự sống của mình đi mới lại tìm thấy được nó mà thôi.

 

(còn 2 kỳ nữa)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh (các tiểu đề để phân đoạn là do người dịch tự ý thực hiện để có thể thấy rõ ý chính của từng đoạn cũng như bố cục mạch lạc của toàn bài giảng)

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20060507_priestly-ordination_en.html

 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ