GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 29/5/2006

 TUẦN VII PHỤC SINH

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Chúa Nhật VII Phục Sinh 28/5/2006 với Giới Trẻ tại Công Viên Blonie ở Krakow Balan

?  Chúng ta nhận thấy có nhiều tiến bộ nơi lãnh vực đại kết, song chúng ta vẫn luôn mong đợi hơn thế nữa.

?  Linh Mục là Mục Tử phục vụ Đàn Chiên Chúa: Vị Linh Mục Là Mục Tử Các Tâm Hồn Trước Hết Cần Phải Quan Tâm Tới Thành Phần Tín Hữu 

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Chúa Nhật VII Phục Sinh 28/5/2006 với Giới Trẻ tại Công Viên Blonie ở Krakow Balan

 

Trước khi kết thúc việc long trọng cử hành phụng vụ này bằng việc hát Kinh Lạy Nữ Vương và ban phép lành, tôi một lần nữa chào dân chúng ở Krakow cùng nhiều người khách từ khắp Balan đến tham dự Thánh Lễ này. Tôi xin trao phó tất cả anh chị em cho Người Mẹ của Đấng Cứu Chuộc, và xin Mẹ hướng dẫn anh chị em sống đức tin của anh chị em. Tôi xin cám ơn việc anh chị em hiện diện nơi đây cũng như việc anh chị em làm chứng cho đức tin của anh chị em.

 

Tôi đặc biệt ngỏ lời cùng giới trẻ, những người hôm qua đã bày tỏ việc họ gắn bó với Chúa Kitô và với Giáo Hội. Hôm qua quí bạn đã tặng tôi món quà là cuốn sách chứng từ của quí bạn: ‘Tôi không sử dụng chúng, tôi không nghiện hút’. Giờ đây, với tư cách là cha của quí bạn, tôi xin quí bạn: Hãy trung thành với lời hứa này. Nó là một vấn đề về đời sống của quí bạn và tự do của quí bạn.

 

Quí bạn đừng để mình trở thành nạn nhân với những ảo ảnh của thế giới này…

 

(Ba đoạn rất ngắn sau cùng ĐTC chào quí chức đạo đời và cám ơn mọi người. Hôm Thứ Sáu, tại Tòa Tổng Giám Mục Krakow, Đức Thánh Cha cũng đã ngỏ lời cùng giới trẻ như sau:)

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Theo việc thực hành xuất phát từ những cuộc viếng thăm Krakow của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, anh chị em đã qui tụ lại trước Tòa Tổng Giám Mục đây để chào mừng Giáo Hoàng. Cám ơn anh chị em về việc hiện diện ở nơi đây và nồng hậu đón mừng.

 

Tôi biết rằng, vào ngày thứ hai mỗi tháng, vào giờ chết của Vị Tiền Nhiệm tôi yêu dấu, anh chị em cùng nhau đến đây để tưởng nhớ đến ngài và cầu nguyện cho việc ngài được tôn vinh trên bàn thờ. Việc cầu nguyện này là những gì hỗ trợ cho những ai đang làm việc về Án Phong Thánh của ngài, và làm cho lòng của anh chị em tràn đầy mọi ân phúc. Trong cuộc viếng thăm Balan lần cuối cùng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã nói cùng anh chị em liên quan tới việc thời gian qua đi như sau: ‘Chúng ta không thể cứu chữa được thời gian. Chỉ có một cứu chữa duy nhất. Đó là Chúa Giêsu. Thày là sự sống lại và là sự sống nghĩa là – bất kể tuổi tác, bất chấp sự chết – tính cách trẻ trung là ở nơi Thiên Chúa. Đó là điều tôi mong muốn cho anh chị em, cho tất cả mọi người trẻ ở Krakow, ở Balan, và trên thế giới’ (17/8/2002). Đó là niềm tin của ngài, niềm xác tin mãnh liệt của ngài, chứng từ của ngài. Và hôm nay đây, bất chấp sự chết, ngài – trẻ trung trong Thiên Chúa – đang ở giữa chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta hãy tái kiên cường ơn đức tin, hãy canh tân đổi mới trong Thần Linh và hãy ‘mặc lấy con người mới được dựng nên tương tự như Thiên Chúa, trong công chính và thánh thiện chân thực’ (Eph 4:24).

 

Một lần nữa cám ơn anh chị em đã muốn ở với tôi tối hôm nay. Xin chuyển lời chào và phép lành của tôi tới các phần tử thuộc gia đình anh chị em và bạn bè của anh chị em. Cám ơn anh chị em!

 

(Phép lành bằng tiếng Latinh).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/angelus/2006/documents/hf_ben-xvi_reg_20060528_krakow_en.html

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20060526_cracovia_en.html

 

 

TOP

 

 

 ?  Chúng ta nhận thấy có nhiều tiến bộ nơi lãnh vực đại kết, song chúng ta vẫn luôn mong đợi hơn thế nữa.

 

GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Diễn Từ với Thành Phần Đại Kết Balan Tối Thứ Năm 25 tại Nhà Thờ Ba Ngôi Chí Thánh Warsaw

 

Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô, 

 

‘Xin ân sủng và bình an cho anh chị em từ Đấng đang có và là Đấng đã có cùng là Đấng đang đến, cũng như từ bảy thần linh trước ngai của Ngài, và từ Chúa Giêsu Kitô là chứng nhân trung thực, là trưởng tử của kẻ chết và là vị cai trị các vua chúa trên trái đất này’ (Rev 1:4-5). Với những lời ấy của Thánh Gioan trong Sách Khải Huyền chào bảy Giáo Hội ở Á Châu, tôi xin ngỏ lời chào nồng nàn đến tất cả quí vị đang hiện diện nơi đây, nhất là các vị đại diện Chư Giáo Hội cùng Chư Cộng Đồng Giáo Hội thuộc thành phần của Hội Đồng Balan Về Đại Kết. Tôi xin cám ơn Đức Tổng Giám Mục Jeremiasz thuộc Giáo Hội Chính Thống Biệt Lập, Chủ Tịch của Hội Đồng này, về những lời chào mừng và những lời lẽ liên kết thiêng liêng vừa ngỏ cùng tôi. Và tôi xin chào Đức Tổng Giám Mục Alfons Nossol, Chủ Tịch Hội Đồng Về Đại kết thuộc Hội Đồng Giám Mục Balan.

 

Cái nối kết chúng ta lại với nhau hôm nay ở nơi này đó là lòng chúng ta ước mong được gặp gỡ nhau, và trong việc cầu nguyện chung, chúng ta dâng lời tôn vinh cùng tôn kính Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: ‘là Đấng yêu thương chúng ta và đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta bằng máu của Người và làm cho chúng ta trở thành một vương quốc, thành những vị linh mục cho Thiên Chúa là Cha của Người’ (Rev 1:5-6). Chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa vì Người đã tập trung chúng ta lại với nhau, Người ban cho chúng ta Thần Linh của Người và Người làm cho chúng ta có thể – vượt trên và ở trên những gì vẫn còn phân rẽ chúng ta – kêu lên ‘Abba, Lạy Cha’. Chúng ta tin tưởng rằng chính Người đã không ngừng chuyển cầu cho chúng ta, nài xin cho chúng ta: ‘Chớ gì họ được hoàn toàn nên một, để thế gian biết rằng Cha đã sai Con và Cha đã yêu thương họ như Cha đã mến yêu Con’ (Jn 17:23). Cùng với anh chị em, tôi xin dâng lời tạ ơn về tặng ân có được một cuộc hội ngộ nguyện cầu chung này. Tôi thấy đó như là một giai đoạn thực hiện mục đích cương quyết được tôi đề ran gay từ đầu Giáo Triều của mình, trong việc lấy làm ưu tiên nơi thừa tác vụ của mình việc trọn vẹn phục hồi mối hiệp nhất hữu hình nơi Kitô hữu. Vị Tiền Nhiệm yêu dấu của tôi là Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II đã tuyên bố rõ ràng khi Người đến thăm viếng Nhà Thờ Chúa Ba Ngôi Chí Thánh này vào năm 1991: “Cho dù chúng ta có dấn thân thế nào đi nữa cho công cuộc hiệp nhất thì nó bao giờ cũng vẫn là tặng ân của Thánh Thần. Chúng ta tỏ ra sẵn sàng chấp nhận tặng ân này là ở chỗ chúng ta mở lòng trí của mình ra cho Ngài qua đời sống Kitô hữu nhất là qua việc nguyện cầu’. Thật vậy, chúng ta không thể nào ‘thực hiện’ mối hiệp nhất bằng quyền năng riêng của mình được. Tôi đã nhắc nhở trong cuộc hội ngộ đại kết năm ngoái ở Cologne thế này: ‘Chúng ta chỉ có thể chiếm được mối hiệp nhất như là một tặng ân của Thánh Thần mà thôi’. Đó là lý do những ước vọng đại kết của chúng ta cần phải được sâu xa thấm đẫm lời nguyện cầu, việc tha thứ cho nhau và sự thánh thiện của đời sống mỗi người chúng ta. Tôi cảm thấy vui trước sự kiện là ở Balan này Hội Đồng Balan Về Đại Kết và Giáo Hội Công Giáo Rôma đã phát động nhiều sáng kiến về lãnh vực này.

 

(còn 2 kỳ)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20060525_incontro-ecumenico_en.html

 

TOP

 

 

?   Linh Mục là Mục Tử phục vụ Đàn Chiên Chúa: Vị Linh Mục Là Mục Tử Các Tâm Hồn Trước Hết Cần Phải Quan Tâm Tới Thành Phần Tín Hữu 

 

Bài Giảng của Giáo Hoàng Biển Đức XVI Trong Thánh Lễ Truyền Chức Thánh cho 15 Tân Linh Mục Ở Đền Thờ Thánh Phêrô ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành 7/5/2006

 

(tiếp 25 Thứ Năm, 26 Thứ Sáu, 27 Thứ Bảy 28 Chúa Nhật)

 

Vị Linh Mục Là Mục Tử Các Tâm Hồn Trước Hết Cần Phải Quan Tâm Tới Thành Phần Tín Hữu 

 

Sau hết, Chúa Kitô nói với chúng ta về việc phục vụ cho mối hiệp nhất là việc được ký thác cho vị mục tử: ‘Tôi còn những chiên khác chưa thuộc về đàn này; Tôi cần phải mang chúng về nữa, và chúng sẽ nghe thấy tiếng của Tôi. Nhờ đó sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên’ (Jn 10:16).

 

Thánh Gioan đã lập lại điều này sau khi Hội Đồng Do Thái quyết định sát hại Chúa Giêsu, lúc mà Caipha nói rằng tốt hơn cho dân chúng nếu một người chết cho họ thay vì toàn dân bị tiêu diệt. Thánh Gioan nhìn nhận những lời của Caipha ấy là những lời tiên tri, khi thánh nhân chú thích thêm rằng: ‘Chúa Giêsu cần phải chết đi cho dân nước này, và không phải chỉ cho dân nước này mà còn để qui tụ lại làm một thành phần con cái của Thiên Chúa đã bị phân tán khắp nơi‘ (11:52).

 

Sự liên hệ giữa Thập Giá và mối hiệp nhất được tỏ hiện ở chỗ Thập Giá là cái giá phải trả cho mối hiệp nhất. Thế nhưng, chính nó trước hết lại là chân trời hoàn vũ hiện lên nơi hành động của Chúa Giêsu.

 

Nếu, trong lời tiên tri của mình về vị mục tử, Ngôn Sứ Êzêkiên đã cố ý nói tới việc phục hồi mối hiệp nhất nơi các chi tộc Yến Duyên bị phân tán (x 34:22-24), thì ở đây vấn đề chẳng những liên quan tới việc thống nhất một dân Yến Duyên bị phân tán mà còn liên quan tới việc thống nhất tất cả mọi con cái Thiên Chúa, thống nhất loài người, tức thống nhất một Giáo Hội bao gồm cả người Do Thái lẫn chư dân ngoại.

 

Sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ liên quan tới toàn thể nhân loại. Bởi thế, Giáo Hội có trách nhiệm đối với toàn thể nhân loại, để nhân loại có thể nhận biết Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa là Đấng vì tất cả chúng ta đã làm người nơi Chúa Giêsu Kitô, Vị đã chịu khổ, tử nạn và phục sinh.

 

Giáo Hội không bao giờ được thỏa mãn với những hàng ngũ của những ai Giáo Hội đã vươn tới ở một mức độ nào đó, hay nói rằng những người khác là thành phần tốt đẹp vì họ là thành phần Hồi Giáo, Ấn Giáo v.v. Giáo Hội không bao giờ được thoải mái thu mình vào trong các giới hạn thuộc môi trường của mình. Giáo Hội có trách nhiệm về mối quan tâm hoàn vũ; Giáo Hội cần phải quan tâm tới và cho từng người và mọi người.

 

Chúng ta nói chung cần phải ‘chuyển dịch’ công việc cao cả này thành những sứ vụ tương ứng của chúng ta. Dĩ nhiên là một vị linh mục, một vị mục tử của các tâm hồn, cần phải trước hết và trên hết quan tâm tới những ai tin tưởng và sống với Giáo Hội, những ai tìm kiếm nơi Giáo Hội đường lối sống của họ, và phần họ, như những viên đá sống động, thực hiện việc xây dựng Giáo Hội, nhờ đó cũng xây dựng và nâng đỡ cả vị linh mục nữa.

 

Tuy nhiên, như Chúa Kitô nói, chúng ta cũng cần phải tái tấu việc đi ‘tới những đường xá và ngõ hẻm’ (Lk 14:23), để loan báo lời Thiên Chúa mời gọi đến dự tiệc của Ngài cho những ai tới nay vẫn chưa hề nghe thấy lời mời gọi ấy hay chưa được đánh động ở trong lòng.

 

Việc phục vụ hoàn vũ này có nhiều hình thức. Một trong những hình thức này còn là việc dấn thân cho mối hiệp nhất nội tại của Giáo Hội, nhờ đó, vượt qua và vượt trên những khác biệt và giới hạn Giáo Hội trở thành một dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế giới, một sự hiện diện duy nhất có thể kiến tạo nên mối hiệp nhất này.

 

Trong số những pho tượng thuộc thời điểm của mình, Giáo Hội cổ thời đã khám phá thấy hình ảnh của một vị mục tử vác chiên trên vai. Những hình ảnh này có lẽ là một phần nơi cái giấc mơ bình thường của đời sống thôn quê đã có sức thu hút xã hội thuộc thời kỳ ấy.

 

Tuy nhiên, đối với Kitô hữu thì hình ảnh này, với tất cả tính cách tự nhiên của nó, đã trở thành hình ảnh của Đấng đã lên đường tìm kiếm con chiên lạc của mình là nhân loại; hình ảnh của Đấng theo đuổi chúng ta thậm chí cho tới những vùng sa mạc và mù tối của chúng ta; hình ảnh của Đấng mang trên vai mình con chiên lạc là nhân loại để mang nó về nhà.

 

Nó đã trở thành hình ảnh của Vị Mục Tử thực sự là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy phó mình chúng ta cho Người, hỡi quí huynh thân mến, nhất là vào lúc này đây, để Người có thể dẫn dắt anh em và mang vác anh em mọi ngày trong cuộc sống của anh em; nhờ đó, Người có thể giúp anh em, nhờ Người và với Người, trở nên những vị m,ục tử tốt lành của đàn chiên Ngưới. Amen!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh (các tiểu đề để phân đoạn là do người dịch tự ý thực hiện để có thể thấy rõ ý chính của từng đoạn cũng như bố cục mạch lạc của toàn bài giảng)

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20060507_priestly-ordination_en.html

 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ