GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 4/5/2006

 TUẦN III PHỤC SINH

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần 3/5/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 6: “Truyền Thống Tông Đồ”

?  Câu vấn đáp 5 trong 5 câu giữa giới trẻ và Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngày Thứ Năm 6/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô dịp sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI 9/4 ở Giáo Phận Địa Phương

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI huấn dụ hàng giáo sĩ sống thân tình với Chúa Kitô 

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần 3/5/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 6: “Truyền Thống Tông Đồ”

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong bài giáo lý này, chúng ta muốn hiểu hơn chút nữa về bản chất của Giáo Hội. Lần vừa rồi chúng ta đã suy nghĩ về đề tài Truyền Thống tông đồ. Chúng ta đã thấy rằng truyền thống này không phải là một tổng hợp những điều hay những lời, như một cái hộp đựng các thứ vô hồn. Truyền thống là một con sông chảy sự sống mới xuất phát từ mạch nguồn, từ Chúa Kitô tới chúng ta, và làm cho chúng ta được tham dự vào lịch sử của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đề tài về Truyền Thống quan trọng đến nỗi tôi muốn chia sẻ một lần nữa về vấn đề này hôm nay đây. Thật vậy, Truyền thống có một tầm vóc rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội.

 

Công Đồng Chung Vaticanô II đã nói về vấn đề này rằng Truyền Thống tự nguồn gốc trước hết là những gì thuộc về tông đồ: ‘Theo lòng nhân lành ưu ái của mình, Thiên Chúa đã ân cần coi sóc để những gì Ngài đã mạc khải cho phần rỗi muôn dân được vĩnh viễn nguyên vẹn và truyền đạt cho mọi thế hệ. Bởi thế, Chúa Kitô, Đấng nơi Người tất cả mạc khải của Thiên Chúa tối cao được nên trọn (x 2Cor 1:20,3:13,4:6), đã sai các Tông Đồ đi rao giảng cho tất cả mọi người rằng Phúc Âm là nguồn mạch của tất cả sự thật cứu độ và giáo huấn luân lý, và truyền thụ cho họ các tặng ân thiên quốc’ (Hiến Chế Tín Lý ‘Dei Verbum’, đoạn 7).

 

Công Đồng tiếp tục cho thấy rằng ‘Việc ủy thác này được các vị Tông Đồ trung thành hoàn trọn, thành phần, nhờ việc giảng dạy bằng lời nói, nhờ gương sáng, và nhờ việc tuân giữ đã truyền đạt những gì các vị đã lãnh nhận từ môi miệng của Chúa Kitô, từ việc sống với Người, cũng như từ những gì Người làm, hay những gì các vị biết được bởi tác động của Thánh Linh. Việc ủy thác ấy cũng được hoàn thành bởi các Vị Tông Đồ và những con người thời tông đồ được linh ứng bởi cùng một Thánh Thần đã viết lại sứ điệp cứu độ’.

 

Các vị lãnh đạo của thành phần dân Yến Duyên cánh chung – họ cũng có 12, như các chi tộc của Dân Tuyển Chọn – các vị tông đồ đã tiếp tục ‘cuộc gặp gỡ’ được Chúa Kitô khởi đầu và trước hết các vị đã làm như thế bởi việc trung thành truyền đạt tặng ân được lãnh nhận là Tin Mừng của Nước Trời đến với con người qua Chúa Giêsu Kitô. Con số của họ chẳng những thể hiện việc liên tục với nguồn gốc thánh hảo là dân Yến Duyên 12 chi tộc, nhưng cũng có mục đích phổ quát nơi thừa tác vụ của họ, một thừa tác vụ mang ơn cứu độ đến tận cùng trái đất. Nó được thể hiện bằng một giá trị tiêu biểu nơi con số ở thế giới Semitic: 12 là tổng số từ việc nhân 3, một con số hoàn toàn, nhân cho 4, một con số ám chỉ tới 4 điểm chính, do đó bao gồm cả thế giới.

 

Cộng đồng này, xuất phát từ việc loan truyền Phúc Âm, cảm thấy được kêu gọi bởi lời của thành phần tiên khởi cảm nghiệm được Chúa Kitô và là thành phần được Người sai đi. Cộng đồng này biết rằng mình có thể tin cậy vào việc hướng dẫn của Nhóm 12, cũng như vào việc hướng dẫn của những ai sau đó liên kết với Nhóm này như là những người kế vị thi hành thừa tác vụ rao giảng Lời và thi hành việc phục vụ mối hiệp thông.

 

Bởi thế cộng đồng này cảm thấy được ủy thác cho việc truyền đạt cho những người khác ‘tin vui’ của việc thực sự hiện diện của Chúa cũng như của mầu nhiệm vượt qua của Người là mầu nhiệm được sinh động trong Thần Linh. Việc truyền đạt này được nhấn mạnh trong một số đoạn của các bức thư Thánh Phaolô: ‘Vì tôi truyền lại cho anh chị em thuộc những gì quan trọng nhất điều tôi cũng đã lãnh nhận’ (1Cor 15:3). Và đó là những gì hệ trọng.

 

Như đã rõ, Thánh Phaolô, nguyên thủy được Chúa Kitô kêu gọi bằng một ơn gọi cá biệt, là một vị tông đồ thực sự, tuy nhiên, cũng trong trường hợp của ngài, cái chính yếu đó là lòng trung thành với những gì ngài đã lãnh nhận. Ngài không muốn ‘sáng tạo’ ra một thứ, có thể nói là, Kitô Giáo kiểu ‘Phaolô’. Bởi thế, ngài nhấn mạnh là ‘Tôi truyền cho anh chị em những gì tôi cũng đã lãnh nhận’. Ngài đã truyền lại tặng ân nguyên thủy do Chúa Kitô ban, vì nó là sự thật cứu độ. Sau đó, vào cuối đời của mình, ngài đã viết cho Timothêu rằng: ‘Con hãy canh chừng sự thật đã được trao phó cho con bởi Vị Thánh Linh là Đấng ngự trong chúng ta’ (2Tim 1:14).

 

Vấn đề cũng được chứng tỏ cho thấy một cách hiệu nghiệm bởi chứng từ cổ thời của đức tin Kitô Giáo này, một chứng từ được Tertullian viết vào khoảng năm 200, đó là: ‘Sau khi thoạt tiên làm chứng cho đức tin vào Chúa Giêsu Kitô khắp Giuđêa, và tổ chức các giáo hội ở đấy, các vị đã đi vào thế giới và rao giảng cùng một tín lý của cùng một đức tin cho các dân nước. Các vị tông đồ bấy giờ thực hiện một cách tương tự việc thành lập các giáo hội ở mỗi thành phố, từ đó tất cả mọi giáo hội khác, theo nhau, đã được xuất phát từ truyền thống đức tin này, cũng như từ những hạt giống tín lý, và hằng ngày đang xuất phát từ chúng, để các giáo hội khác ấy cũng trở thành giáo hội. Thật vậy, chính vì điều này mà tự bản chất các giáo hội khác ấy được coi là có tông đồ tính, với tư cách như là con cái của các giáo hội thời tông đồ” ("De praescriptione Haereticorum," 20: PL: 2, 32).

 

Công Đồng Chung Vaticanô II nhận định rằng: ‘Vậy những gì đã được các Tông Đồ truyền đạt bao gồm hết những gì góp phần vào đời sống thánh thiện và làm gia tăng đức tin của dân Chúa; mà do đó Giáo Hội, nơi giáo huấn, đời sống và việc thờ phượng của mình, kéo dài và truyền đạt cho tất cả mọi thế hệ tất cả những gì là bản chất của Giáo Hội, tất cả những gì Giáo Hội tin tưởng’ (Dei Verbum, 8). Giáo Hội truyền đạt tất cả những gì Giáo Hội là và tất cả những gì Giáo Hội tin tưởng; Giáo Hội truyền đạt tất cả những điều ấy nơi việc thờ phượng, nơi đời sống, nơi tín lý.

 

Bởi thế mà Truyền Thống là Phúc Âm sống động, được các tông đồ trọn vẹn loan báo, với đầy những cảm nghiệm đặc thù và bất khả tái diễn của mình: Bằng việc làm của Giáo Hội, đức tin được truyền đạt đi, cho tới chúng ta, đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Truyền Thống là lịch sử của Thần Linh là Đấng tác động trong lịch sử của Giáo Hội qua vai trò trung gian môi giới của các Tông Đồ cùng với thành phần thừa kế của các vị, một cách liên tục trung thành với cảm nghiệm từ ban đầu.

 

Đó là những gì Thánh Giáo Hoàng Clementê ở Rôma đã giải thích vào cuối thế kỷ thứ nhất. Ngài viết: ‘Các Tông Đồ đã loan báo Phúc Âm cho chúng ta, những vị được Chúa Giêsu Kitô sai; Chúa Giêsu Kitô được Thiên Chúa sai. Bởi thế, Chúa Kitô từ Thiên Chúa mà đến, và các Tông Đồ từ Chúa Kitô mà đến: Cả hai đều xuất phát một cách thứ tự từ ý muốn của Thiên Chúa. Các vị Tông Đồ của chúng ta được biết qua Chúa Giêsu Kitô của chúng ta rằng sẽ xẩy ra những tranh luận về vai trò giáo phẩm. Thế nên, thấy được đích xác tương lai như vậy, các vị đã thiết lập thành phần được chọn lựa và truyền chức cho họ để khi các vị qua đi thì những người khác có năng quyền đảm nhận việc phục vụ của các vị’ [Ad Corinthios," 42.44: PG 1, 292.296].

 

Sợi giây xích phục vụ này tiếp tục diễn tiến cho tới thời đại của chúng ta đây; nó sẽ tiếp tục cho tới tận thế. Thật vậy, sứ vụ Chúa Giêsu trao phó cho các tông đồ đã được các vị truyền đạt cho thành phần thừa kế của các vị. Ngoài cảm nghiệm được giao tiếp riêng tư với Chúa Kitô, một cảm nghiệm chuyên biệt và bất khả tái diễn, các vị tông đồ đã truyền đạt cho thành phần thừa kế của các vị việc các vị được Thày mình long trọng sai vào thế giới nữa. Chữ tông đồ thực sự xuất phát từ chữ Hy Lạp ‘apostellein’ nghĩa là được sai đi.

 

Việc sai đi của các vị tông đồ này – như câu Phúc Âm 28:19 và sau đó của Thánh Mathêu cho thấy – ‘bao gồm việc mục vụ (‘kết nạp các môn đồ từ tất cả mọi dân nước’), phụng vụ (‘rửa tội cho họ’), và ngôn sứ (‘giảng dạy cho họ tuân giữ tất cả những gì Thày đã truyền cho các con’), bảo đảm tính cách gần gũi với Chúa Kitô cho tới tận cùng thời gian (Thày mãi mãi ở cùng các con cho tới tận thế’)”.

 

(Trong cuốn Giáo Lý Chỉ Nam của người dịch bài này, xuất bản năm 1998, trang 218, cũng đã cảm nghiệm về câu Phúc Âm của Thánh Mathêu 28:19 như được Đức Thánh Cha phân tích trên đây. Nguyên văn như sau: ‘Các con hãy đi tuyển mộ môn đồ nơi mọi dân nước và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con’ (Mt.28:18-19). Căn cứ vào thứ tự của lệnh truyền phục sinh của Chúa Kitô trên đây, việc truyền bá Phúc Aâm được chia ra làm ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là việc ‘đi tuyển mộ môn đồ’; giai đoạn thứ hai là việc ‘rửa tội cho họ’; giai đoạn thứ ba là việc ‘dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền’).

 

Bởi vậy, mặc dù cách thức được các vị tông đồ truyền đạt khác nhau, chúng ta cũng có một cảm nghiệm chân thực và riêng tư về việc hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh. Nhờ thừa tác vụ tông đồ, chính Chúa Kitô đến với con người được kêu gọi chấp nhận đức tin, thắng vượt khoảng cách các thế hệ và hiến mình, qua việc sống động và hoạt động, cho đến ngày nay trong Giáo Hội và trên thế giới.

 

Đó là niềm vui lớn lao của chúng ta. Trong giòng sông sống động Truyền Thống, Chúa Kitô vẫn không tách biệt chúng ta bằng một khoảng cách 2 ngàn năm, nhưng thực sự hiện diện giữa chúng ta và ban cho chúng ta Chân Lý, ban cho chúng ta Ánh Sáng, khiến chúng ta sống và tìm thấy Đường Lối tiến tới tương lai.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/5/2006 

 

 

TOP

 

 

 ?  Câu vấn đáp 5 trong 5 câu giữa giới trẻ và Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngày Thứ Năm 6/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô dịp sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXI 9/4 ở Giáo Phận Địa Phương

 

Vấn 5:             Tâu Đức Thánh Cha, con là Giovanni, con 17 tuổi, con đang theo học ở trường trung học đệ nhị cấp về kỹ thuật và khoa học Giovanni Giorgi Rôma, và con thuộc về Giáo Xứ Thánh Maria Mẹ Tình Thương.

 

Con xin Đức Thánh Cha giúp chúng con hiểu hơn về cách thức mạc khải thánh kinh và lý thuyết khoa học có thể đồng qui lại trong việc tìm kiếm chân lý.

 

Chúng con thường được hướng dẫn để cho rằng kiến thức và đức tin là kẻ thù của nhau; kiến thức và kỹ thuật là điều giống nhau; chính nhờ luận lý toán học mà mọi sự được khám phá ra; thế giới này là kết quả của một sự ngẫu nhiên, và nếu toán học không khám phá ra được định lý về Thiên Chúa là vì Thiên Chúa không hiện hữu thế thôi.

 

Tóm lại, nhất là khi chúng con đang học hỏi đây, không phải bao giờ cũng dễ dàng truy tầm mọi sự trở về với dự án thần linh vốn có nơi thiên nhiên và lịch sử của loài người. Bởi thế mà có những lúc đức tin bị chao đảo hay biến thành một tác động thuần tình cảm vậy thôi.

 

Tâu Đức Thánh Cha, như tất cả mọi con người trẻ khác, con cũng khao khát sự thật: Thế nhưng làm sao con có thể hòa hợp kiến thức với đức tin đây?

 

Đáp:               Đại khoa học gia Galileo đã nói rằng Thiên Chúa đã viết một cuốn sách về thiên nhiên qua hình thức ngôn ngữ của toán học. Ông tin tưởng rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta hai cuốn sách, đó là cuốn Thánh Kinh và cuốn thiên nhiên. Và ngôn ngữ của thiên nhiên – theo ông tin tưởng – đó là toán học, bởi thế nó là ngôn ngữ của Thiên Chúa, ngôn ngữ của Đấng Hóa Công.

 

Giờ đây chúng ta hãy suy nghĩ về bản chất của toán học: Tự mình, nó là một hệ thống trừu tượng, một sáng tạo của tâm linh con người mà bởi thế theo tính cách tinh tuyền của mình nó không hiện hữu. Nó bao giờ cũng hầu như chính xác, nhưng nhờ đó mới là một hệ thống của lý trí, một sáng chế lớn lao khéo léo của tâm linh con người.


Điều lạ lùng ở đây là cái sáng chế này của lý trí con người thực sự lại là chiếc chìa khóa then chốt để hiểu biết thiên nhiên, một thiên nhiên thực sự được cấu trúc theo đường lối toán học, và toán học của chúng ta, thứ toán học được trí khôn nhân loại sáng chế ra, thực sự là dụng cụ để làm việc với thiên nhiên, trong việc dùng nó để phục vụ chúng ta, trong việc sử dụng nó bằng kỹ thuật.

 

Đối với tôi hầu như không thể nào tin nổi là một sáng chế của trí khôn con người lại ăn khớp với cấu trúc của vũ trụ. Toán học, cái chúng ta sáng chế ra, thật sự cống hiến cho chúng ta cách thức để có thể tiến tới với thiên nhiên trong vũ trụ và làm cho chúng ta có thể sử dụng thiên nhiên vũ trụ.

 

Bởi thế mà cấu trúc về tri thức nơi chủ thể con người và cấu trúc khách quan nơi thực tại ăn khớp với nhau, ở chỗ, lý trí chủ quan và lý trí khách quan của thiên nhiên là những gì đồng nhất. Tôi nghĩ rằng cái ăn khớp này giữa những gì chúng ta nghĩ tới với cách thức thiên nhiên được nên trọn và tác hành là một đại bí ẩn và là một thứ thách đố lớn lao, vì chúng ta thấy rằng, cuối cùng, chỉ có một “lý trí” duy nhất liên kết cả hai chúng lại với nhau.

 

Lý trí của chúng ta không thể khám phá ra cái lý trí khác đó nếu không có một tiền lý trí đồng nhất cho cả hai.

 

Theo ý nghĩa ấy thì đối với tôi toán học – trong một khoa học như vậy Thiên Chúa không thể xuất hiện - thực sự cho chúng ta thấy cái cấu trúc khéo léo của vũ trụ. Mà cũng có cả các lý thuyết về những tình trạng hỗn độn nữa, nhưng chúng được giới hạn lại vì nếu những tình trạng hỗn độn làm chủ tình hình thì tất cả mọi thứ kỷ thuật sẽ trở thành bất khả. Chỉ vì toán học của chúng ta là những gì xác thực mà kỹ thuật mới xác thực. 

 

Kiến thức của chúng ta, một kiến thức cuối cùng làm cho mình có thể giao tiếp với các năng lực của thiên nhiên, công nhận cái cấu trúc xác thực và tinh khéo của thể chất. Bởi vậy mà chúng ta thấy rằng có tính cách hữu lý theo chủ quan và tính cách hữu lý được khách quan hóa nơi thể chất ăn khớp với nhau.

 

Dĩ nhiên, hiện nay không ai có thể chứng minh – như được chứng minh bằng một thí nghiệm, theo những luật lệ về kỹ thuật – là cả hai tính chất này đều thực sự phát xuất từ một lý trí duy nhất, thế nhưng, đối với tôi thì mối hiệp nhất này của lý trí, đằng sau hai thứ lý trí ấy, thực sự xuất hiện ở trong thế giới của chúng ta đây. Và chúng ta càng dùng lý trí của mình để đi sâu vào thế giới này thì dự án của Đấng Hóa Công càng hiện lên một cách rõ ràng hơn.

 

Tóm lại, để tiến đến câu trả lời dứt khoát tôi muốn nói thế này: Thiên Chúa hiện hữu hay Ngài không hiện hữu. Chỉ có hai chọn lựa mà thôi. Hoặc người ta nhìn nhận cái ưu tiên của lý trí, của lý trí sáng tạo là nguyên thủy của tất cả mọi sự và là nguyên lý của tất cả mọi sự – cái ưu tiên của lý trí cũng là cái ưu tiên của tự do – hay người ta chủ trương cái ưu tiên của cái phi lý trí, vì hết mọi sự xẩy ra trên trái đất của chúng ta đây, cũng như trong đời sống của chúng ta, chỉ là ngẫu nhiên tình cờ, là những gì bên lề, là một thành quả phi lý trí – lý trí là sản phẩm của cái phi lý trí.

 

Cuối cùng người ta không thể nào “chứng minh” được dự án nào hết, thế nhưng cái chọn lựa cao cả của Kitô Giáo là một chọn lựa về tính chất hữu lý cũng như về cái ưu tiên của lý trí. Đối với tôi đó là một chọn lựa tuyệt hảo, một chọn lựa cho chúng ta thấy rằng đằng sau hết mlọi sự là một Lý Trí cao cả chúng ta chỉ có thể ký thác bản thân mình cho Lý Trí ấy mà thôi.

 

Tuy nhiên, vấn đề thực sự gây khó khăn cho đức tin ngày nay đối với tôi là sự dữ trên thế giới này: Chúng ta tự hỏi mình xem làm sao nó có thể xứng hợp với tính chất hữu lý của Đấng Hóa Công được chứ. Và ở nơi đây chúng ta thực sự cần đến Thiên Chúa, Đấng đã hóa thành nhục thể và tỏ cho chúng ta thấy rằng Người chẳng những có một trí khôn về toán học mà cái trí khôn nguyên thủy này cũng là tình yêu nữa. Nếu chúng ta nhìn vào những lựa chọn lớn lao này, thì cái chọn lựa này của Kitô Giáo ngày nay là một chọn lựa hữu lý nhất và nhân bản nhất.

 

Bởi thế, chúng ta có thể tin tưởng thực hiện một thứ triết lý, một nhãn quan về thế giới được dựa trên cái ưu tiên của lý trí, trên niềm tin tưởng rằng cái lý trí sáng tạo này là tình yêu và tình yêu ấy là Thiên Chúa vậy.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23-24/4/2006

 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI huấn dụ hàng giáo sĩ sống thân tình với Chúa Kitô 

 

Nếu Mùa Phục Sinh Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Sự Sống Lại và Là Sự Sống (x Jn 11:25) thì, qua nội dung của các bài Phúc Âm, 3 tuần đầu liên quan tới Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Sự Sống Lại, vì Phúc Âm thuật lại các lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ của Người, và 4 tuần còn lại liên quan tới Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Sự Sống, vì Phúc Âm nói tới vai trò Chúa Chiên Lành cũng như đến Cây Nho và Cành v.v. Nếu tuần Thứ Tư Phục Sinh Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Sự Sống liên quan tới chiên (đặc biệt liên quan tới giáo dân nhiều hơn, vì Chúa Kitô nói với dân Do Thái trong bài Phúc Âm) thì tuần Thứ Năm Phục Sinh Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Sự Sống liên quan tới thành phần lãnh đạo Kitô Giáo (giáo phẩm, giáo sĩ và tu sĩ nhiều hơn, vì Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ trong bài Phúc Âm).

 

Thật vậy, Lời Chúa trong bài Phúc Âm Chúa Nhật V Phục Sinh ngỏ riêng với các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Kitô Phục Sinh, qua hình ảnh Cây Nho Đích Thực, là “Sự Sống” đối với chung Giáo Hội và đối với riêng thành phần giáo sĩ cũng như tu sĩ, nhất là giáo phẩm, thành phần được Người tuyển chọn để làm bạn hữu với Người (x Jn 15:14-15), nhờ đó họ có thể cảm nghiệm Người, hầu làm chứng nhân cho Người và chăn dắt đàn chiên của Người như Người chăn dắt chúng với tinh thần của một vị Mục Tử Nhân Lành hiến mạng sống mình vì chiên. Bằng không, kinh nghiệm tu đức và mục vụ cho thấy, nạn linh mục lạm dụng tình dục không nhiều thì ít vẫn cứ tiếp tục xẩy ra, cho dù đã có một số Giáo Phận khai phá sản, và chung Giáo Hội Hoa Kỳ đã phải tốn phí trên 1 tỉ Mỹ kim vì vụ này trong 4 năm nay. Thế nhưng làm sao để có thể thực hiện được việc sống thân tình với Chúa Kitô, hầu chẳng những tránh khỏi bị chặt đi như cành nho khô héo, mà còn trổ sinh hoa trái nữa. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, vị Giáo Hoàng của nội tâm, với bức Thông Điệp đầu tay “Thiên Chúa Là Tình Yêu” có đã huấn dụ ra sao về vấn đề này với hàng giáo sĩ?

 

Phải công nhận rằng như vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II rất quan tâm đặc biệt tới hàng giáo sĩ, tới độ, hằng năm, trong suốt cả giáo triều 26 năm của mình, liên tục năm nào ngài cũng gửi cho hàng giáo sĩ một bức thư vào Thứ Năm Tuần Thánh thế nào, thì vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI đương kim của chúng ta cũng hết sức quan tâm chẳng những tới hàng giáo sĩ mà còn với cả thành phần chủng sinh nữa. Điển hình là trong Ngày Giới Trẻ Thế XX ở Cologne Đức Quốc, ngài đã gặp riêng thành phần chủng sinh vào chiều Thứ Sáu 19/8/2005 vốn là thời gian giành để giới trẻ đi Đường Thánh Giá như trong các ngày giới trẻ thế giới trước đó. Riêng về vấn đề hàng giáo sĩ cũng như chủng sinh sống thân tình với Chúa Giêsu, không lần gặp gỡ nào với các vị linh mục hay chủng sinh, đặc biệt là lần vào ngày Thứ Sáu 13/5/2005 ở Đền Thờ Gioan Latêranô với hàng giáo sĩ Rôma, và nhất là vào Thánh Lễ Truyền Dầu Sáng Thứ Năm Tuần Thánh 13/4/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đây là những huấn dụ của ngài.

 

Trước hết, ngài khẳng định là “yếu tính của thiên chức linh mục đó là làm bạn hữu với Chúa Giêsu Kitô”.

 

Huấn từ ngỏ cùng hàng giáo sĩ Rôma vào ngày Thứ Sáu 13/5/2005 ở Đền Thờ Gioan Latêranô:

 

“Quí linh mục Rôma thân mến, Chúa Kitô đã gọi chúng ta là bạn hữu, Người đã làm cho chúng ta thành bạn hữu của Người, Người ký thác bản thân Người cho chúng ta, Người trao phó cho chúng ta Thân Mình của Người nơi Thánh Thể, Người ủy thác cho chúng ta Giáo Hội của Người. Bởi thế mà chúng ta cần phải trở thành những người bạn thực sự của Người, chúng ta cần phải có cùng một quan điểm như Người, chúng ta cần phải muốn những gì Người muốn và không muốn những gì Người không muốn. Chính Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng: ‘Các con là bạn hữu của Thày nếu các con thi hành những gì Thày truyền dạy các con’ (Jn 15:14). Vậy chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm như thế này, đó là tất cả chúng ta cùng nhau thực hiện ý muốn thánh hảo của Người là những gì bao gồm tự do và niềm vui của chúng ta.

 

“Do đó, tôi muốn lập lại cùng quí huynh trong hàng giáo sĩ thân mến những lời không thể quên được của Đức Gioan Phaolô II: “Thánh Lễ là tâm điểm trên hết của đời sống tôi và của mỗi ngày tôi sống” (Address at a Symposium in honor of the 30th anniversary of the Decree "Presbyterorum Ordinis," Oct. 27, 1995, n. 4; L'Osservatore Romano English edition, Nov. 15, 1995, p. 7). Mỗi một người trong chúng ta làm sao để có thể nói những lời ấy như là những lời của mình: Thánh Lễ là tâm điểm trên hết của đời sống tôi và của mỗi ngày tôi sống.

 

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn T ĩnh, BVL, phân tích, tổng hợp và chuyển dịch

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ